Cái vé thăm chồng |
Tác Giả: Nguyên Xương Phạm Bá Vịnh | |||
Thứ Ba, 13 Tháng 1 Năm 2009 10:33 | |||
(Viết để tri ân những người vợ thủy chung đã chờ chồng trở về từ trại tù Cộng sản). Đồng hồ điểm một giờ sáng, chị Quyên vùng dậy xuống giường khoác chiếc áo len mỏng vào rồi nhẹ nhàng đi ra cửa, đây là lần thứ hai chị dậy sớm đi sắp hàng mua vé tàu đi thăm chồng. Ga Hỏa-xa Đà-nẵng trong sương sớm mây mù nằm im lặng bên mấy giòng đường sắt xuôi ngược Bắc Nam. Phía trước là cái sân Ga đổ nhựa đã loang lỗ ổ gà, ven hàng rào gần mấy ghế băng dài những chòi nylon được dựng lên, bên trong kê những cái ghế bố dành cho khách chờ tàu thuê ngủ, cũng có khi là nơi làm ăn vụng trộm của những cô gái thất thời kiếm thêm tiền để sống qua ngày trong cái xã hội chủ nghĩa đang đi lên. Chị vừa đi vừa chạy lúp xúp để đến sớm hơn một số người khác. Lần trước khi đứng trong hàng tiến lên từng bước tới phiên mình, khi đến trước cửa phòng vé, chị đẩy tờ giấy phép của công an phường vào, người bán vé ngồi sau khung cửa cầm lấy rồi đẩy ra trả lại cho chị: - Vé đi thăm đã hết rồi! Chị xót xa quay trở về, chuyến ấy chị không đi thăm chồng được. Đã ra về chị còn quay nhìn lại như sực nhớ ra điều gì "Lạ chưa, bảo hết vé sao số người sau lưng mình vẫn mua được vé!" Lần này chị Quyên ra đi lúc 1 giờ sáng với quyết tâm xếp hàng mua cho được vé tàu. Vào đến sân ga chị đã thấy một dãy người đang đứng chờ, chung quanh là mấy người bán hàng rong xách đèn đi chung quanh mời mọc. Chị cẩn thận đếm thầm: "Ừ thì mình là người thứ 25, cả đoàn tàu không lẽ mình số 25 mà hết vé sao?" Chị yên chí và nghĩ đến tuần tới xách hàng lên tàu, rồi xuống tàu rồi gặp mặt chồng... chắc anh vui mừng lắm. Chị sẽ chuẩn bị trước những câu hỏi thăm, trả lời chồng những câu về tin tức gia đình, con cái để anh vui lòng. Đứng trong hàng, trời còn mù sương, tâm hồn chị thấy hơi tỉnh táo, không khí ban mai nhẹ nhàng. Chị xoay ngang người rồi lấy hơi hít vào thật sâu. Chị giữ hơi rồi thở ra từ từ liền mấy cái như thế. Chị thấy tinh thần sảng khoái, nhẹ nhàng. Vốn là nữ giáo sư trường trung học Đông-Giang, đã sống và lớn lên trong một gia đình nề nếp, ngày di cư vào Nam chị mới 7 tuổi, quê hương xa xôi, mù mờ trong trí... sực thấy lá cờ đỏ sao vàng đang rủ dưới cán cờ được chống ra từ bức tường của nhà Ga, chị thở dài: "Đồ oan nghiệt, tao đã bỏ mầy mà đi, mầy còn theo tao làm gì!" Ngọn đèn trong khung cửa sắt vụt sáng lên, phòng vé đã mở cửa, mọi người vui mừng, từng người tiến dần đến khung cửa sắt. Chị Quyên chuẩn bị tiền và tấm giấy phép cầm sẵn trong tay. Chị đưa tờ giấy phép và tiền vào cửa, người bán vé xem xong đưa trả lại cho chị và nói: - Hôm nay không bán vé đi thăm nuôi, bà về đi hôm sau trở lại. Chị uất ức. - Vé đi tàu thì ai mua chẳng được, sao lại có vé đi thăm nuôi! Người bán vé trả lời: - Giấy phép của bà là mua vé đi thăm nuôi, hôm nay không bán loại vé đó, bà về đi nhường chỗ cho người khác. Chị đứng đó nước mắt chảy dài nhìn từng người đi lên lấy vé mà chẳng ai nói cho chị một lời nào. Chị quay ra về vừa đi vừa khóc. Trời đã hừng sáng, người mẹ đã thức dậy, thấy đôi mắt con dâu đỏ ngầu bà đoán biết lại không mua được vé tàu rồi. Chị bước vào nhà hai đứa con thơ vẫn còn ngủ say. Hôm nay thứ Năm, chị Quyên dọn dẹp về sớm để đi nộp tiền và giao vé số còn lại cho chủ. Hàng ngày chị bày một cái bàn bán thuốc lá lẻ và vé số bên đường, vốn liếng nhỏ nhoi ấy cũng tạm đủ kiếm chút tiền lời và huê hồng để sống cả nhà qua ngày. Những ngày đầu chị chẳng biết mời khách như thế nào. Chị lúng túng, vụng về nhưng dần dần nhờ số phụ huynh học sinh, các thầy, cô đồng nghiệp giúp đỡ nên chị cũng được nhiều may mắn là đông khách. Vừa đếm xong xấp tiền chuẩn bị đi thì cậu Tiếp bước vào. Tiếp là cháu gọi chồng chị bằng Cậu, ngày trước học trường Phan Châu Trinh chẳng ra gì, thi hỏng nhiều lần rồi tham gia phong trào học sinh chống chế độ Ngô đình Diệm, Nguyễn văn Thiệu rồi biến mất mãi đến năm 1975 lù lù trở về. Tiếp bước vào nhà vai đeo cái đãy lòng thòng màu vàng, đội cái nón cối xơ vành, chân đi đôi dép nhựa màu vàng đục. Tiếp nhìn chị lên tiếng: - Mợ định đi đâu đó? - Tôi đi nộp tiền vé số, Cậu đến có việc gì không? Tiếp nhìn quanh một vòng rồi ngồi xuống chiếc ghế. - Tôi đã nói với Mợ nhiều lần, Mợ nên rời khỏi đây đi vùng kinh tế mới, đời sống sẽ bớt vất vả hơn, khỏi lo chạy từng bữa như bây giờ. Chị không nhìn lại trả lời: - Tôi không đi đâu cả, nhà tôi đây tôi ở, có đi cũng phải chờ chồng tôi về đã. Tiếp nói: - Mợ muốn Cậu về sớm, trước hết mợ phải hưởng ứng chính sách đi lập nghiệp vùng kinh tế mới thì Cách mạng mới xét ngày về cho Cậu được. - Tôi không tin, bao giờ chồng tôi về cái đã. Thôi cậu về đi, tôi còn lo việc của tôi. Nói xong chị bước ra khỏi cửa đi nộp tiền. Tiếp vẫn ngồi yên trên ghế nhìn quanh nhà. Hắn đứng dậy đi quanh một vòng ra sau nhà bếp, rồi lên nhà lớn, hắn gật đầu rồi xoay qua bà Cụ. - Mụ phải khuyên Mợ Châu đi kinh tế mới, đó là con đường ngắn nhất để cậu Châu được về, việc về sớm hay muộn là do quyết định của Mợ chứ đừng có đổ lỗi cho Cách mạng. Bà cụ nhai nhóp nhép miếng trầu, nâng cái bình lên nhổ bã trầu rồi nói: - Mày muốn gì cứ nói với hắn, tau đây già rồi có biết chi đâu mà nghe, nếu mầy thật lòng bà con thì xin cho cậu mày về, còn Mợ mày để yên cho hắn lo chạy gạo nuôi con. Tiếp xoay qua nói lớn: - Mụ có biết cậu Châu đã gây tội ác với Nhân dân lớn chừng nào không? Với quá trình cậu làm Đại úy Cảnh sát ngụy bây giờ nhân dân đang tố cáo thì gia đình Mợ làm sao mà sống nổi ở đây? Chị Quyên vừa bước chân vào nhà, nghe lọt câu nói của Tiếp, chị giận run lên, không dằn được cơn tức. - Này tôi mời anh ra khỏi nhà, đây là nhà tôi, tôi đã có chồng đang đi cải tạo, tôi cấm anh không được vào đây quấy rầy gia đình tôi. Tiếp cười lạt. - Mợ đuổi tôi? Tôi đây có quyền vào bất cứ nhà nào, bất cứ lúc nào làm nhiệm vụ, nếu Mợ ngoan cố đừng trách tôi không nể tình. Chị Quyên nói lớn: - Anh làm được gì tôi! Anh muốn vận động cứ họp bà con lại còn đi lẻ tẻ từng nhà là hành vi bất chính, đồ bất lương! Tiếp giận tái mặt. - Mợ nhục mạ tôi, nhục mạ cán bộ đang thi hành công tác, chồng mợ phản động, mợ lại cấu kết cố tình làm rối loạn đời sống địa phương? - Tôi không nhục mạ cán bộ tôi chỉ vạch mặt tên bất lương như anh lén lút, dòm ngó đi hăm dọa từng nhà, anh không đủ tư cách buộc tội chồng tôi. Tôi cấm anh vào nhà, có gì anh cứ họp bà con lại. Chị bước tới đẩy Tiếp ra khỏi nhà rồi đóng cửa lại. Bà cụ bước tới kéo chị Quyên vào, chị ôm mặt khóc nức nở. Chị không ngờ hôm nay chị lại can đảm nói ra được như vậy. Từ lâu chị cố dằn lòng, nhịn mà sống chờ chồng về. Bà cụ hỏi: - Hắn có trả thù mình không con? - Con không còn sợ nữa, con sẽ liều mạng với hắn tại khu phố. Tự nhiên chị tin tưởng vào chính mình và như có một sức mạnh vô hình nào đó đang trợ giúp chị. Chị phải can đảm để đối diện với cuộc sống hiện tại, phải tự mình giải quyết tất cả mọi khó khăn đang bủa vây quanh chị. Chị không thể yếu đuối, buông xuôi. Chị phải sống vì chồng vì con và người mẹ già của chồng chị. Trong thâm tâm chị cứ nghĩ cái khó khăn sau năm 1975 cũng chỉ là vấn đề kinh tế. Chị có thể xoay xở dù là vụng về, dù là khó khăn vì chưa hề lăn lộn trong cuộc sống. Chị tin là dần dần cũng sẽ đâu vào đó miễn sao tinh thần được thoải mái, đầm thắm trong cuộc sống hằng ngày để hết tâm hồn lo cho chồng con... Vậy mà hắn cứ đến trước mặt chị, luôn bám sát để quấy rầy. Chị Quyên thả màn xuống, nhét mí màn vào bốn góc chiếu chống muỗi cho hai con, bé Quỳnh và Tuấn đang ngủ say sưa. Hai chị em nằm xây mặt vào nhau vô tư lự. Chị đi qua phòng bên cạnh nói với mẹ: - Nội xem chừng hai cháu cho con, chúng đã ngủ cả rồi, tối nay con phải lên ga, tranh thủ mua cho được vé tàu. Bà cụ ngồi dậy hỏi: - Mấy lần trước mua không có, liệu lần này có mua được không? Chị Quyên cương quyết:
- Lần trước con đến 1 giờ sáng họ bảo hết vé, lần này con đến ngay bây giờ sắp hàng qua đêm, con sẽ là người số 1 xem thử họ có bảo hết vé không! Đồng hồ điểm 12 giờ đêm chị Quyên bước ra khỏi nhà... Ga Đà Nẵng ẩn hiện dưới ánh đèn đêm vàng nhạt. Đây đó lưa thưa vài bóng được bật sáng lên trong kế hoạch tiết kiệm điện. Chị cố tìm một chiếc ghế dài để ngả lưng nhưng tất cả đã có người ngồi hoặc nằm chờ tàu sáng, ánh sáng tối tăm, lờ mờ của nhà ga tạo nên một cảm giác lành lạnh khó chịu. Mấy đứa trẻ lang thang trong sân ga mời mọc khách hàng đi ngủ đêm... đưa khách đến các ổ gái điếm, và cũng chính các trẻ này là những tay móc túi, giựt hành lý của khách khi có cơ hội thuận lợi. Chị đứng sát bên cánh cửa sắt phòng vé, vòng hai tay trước ngực kiên nhẫn chống chọi bầy muỗi đang vo ve bên tai. Một người đàn ông bước đến, chị tỉnh táo quan sát, ông ta mặc áo bốn túi, chân đi dép nhựa quai đà, túi trên giắt hai cây bút máy; tuổi chừng 50, dáng người gầy, cao mảnh khảnh, đứng trước mặt chị ông hỏi: - Chị chờ tàu hay làm gì đứng đây? Chị trả lời cụt ngủn. - Tôi chờ mua vé. Người đàn ông ngạc nhiên. - Vé không bán giờ này, chị ở đâu mà đến chờ sớm vậy? Mua vé đi đâu? - Chị Quyên trả lời: - Tôi ở quận 3, mua vé đi thăm chồng đang cải tạo, tôi đến đã bao nhiêu lần chờ đợi mà vẫn bị từ chối, bảo là hết vé ông nghĩ có đúng như vậy không? Người đàn ông cúi xuống một tí nhìn thẳng vào mặt chị, dưới đêm một khuôn mặt bầu bỉnh trắng trẻo, tuy không thấy phấn sáp, một nét đẹp tự nhiên của phụ nữ trung niên kín đáo. Người đàn ông tỏ vẻ lịch sự nói: - Thật sự tôi không hề hay biết chuyện này, may mắn đêm nay tôi gặp chị, vậy xin mời chị vào văn phòng tôi sẽ giải quyết cho. Chị Quyên ngờ ngợ nhìn người đàn ông rồi hỏi: - Ông là ai, tại sao gọi tôi vào văn phòng giờ này? - Vâng, tôi là Trưởng Ga. Chị Quyên không khỏi đề phòng. - Nếu ông là Trưởng Ga, có lòng tốt giúp tôi thì cho tôi xin một giấy giới thiệu để mua vé dễ dàng, giờ này tôi không thể một mình vào văn phòng cùng ông được, xin lỗi. Người đàn ông gật đầu. - Vậy chị chờ tôi, tôi sẽ trở ra đưa giấy giới thiệu cho chị. Ông nói thêm: - Những lần khác khi nào chị cần gì xin cứ đến đây gặp riêng tôi sẽ giúp đỡ chị. Chị Quyên đi nhanh ra về, lòng mừng vì trong tay đã có tấm vé đi thăm chồng, chỉ một tấm vé, chị phải đấu tranh đầy cam go, liều lĩnh, nguy hiểm có thể xảy ra cho chị. Vừa bước xuống mấy bậc thềm ra sân ngoài thì một người đàn ông đạp xe đến bên chị. - Chúc mừng chị đã có tấm giấy ưu tiên đi thăm anh. Chị nhìn qua trong bóng tối lờ mờ không nhìn rõ khuôn mặt là ai, chị cũng lịch sự đáp lại: - Cám ơn ông. Một chút im lặng cả hai không ai nói thêm gì. Đến ngã ba đường Duy Tân người đàn ông chào giã từ chị và nhắn gởi: - Chị đi thăm anh nhớ cho tôi gởi lời thăm anh Châu mạnh khỏe. Nói rồi ông đạp xe biến mất trong đêm. Chị giật mình khi nghe gọi tên chồng, nhìn theo người đàn ông rồi như nhớ ra điều gì, chị hoảng hốt "Thôi chết rồi, chú Hòa chỉ huy phó của anh Châu, dạo trước không phải nghe đã đi vượt biên rồi sao!" Chị Quyên sắp xếp các món hàng khô vào cái giỏ xách, một soong cá kho khô, một thẩu thịt heo dầm nước mắm tính đủ ăn 31 ngày, các thứ gia vị, một thùng mì ăn liền, hai bánh đường đen Quế Sơn, một bao cát gạo 31 lon đủ dùng cho một tháng... bé Quỳnh và Tuấn đang ăn cơm, gọi mẹ: - Mẹ con muốn ăn thịt. Chị Quyên dỗ dành: - Thịt để bới cho ba, các con ăn cá cũng được rồi. Hai bé làm thinh. Chị không đành lòng mở thẩu lấy một cục thịt cắt làm đôi cho hai con. Chị buồn bã nghĩ thầm, một cục thịt heo bây giờ cũng trở thành khó khăn với gia đình, hằng ngày trong bữa ăn chỉ có rau, thỉnh thoảng có soong cá khô dành cho mẹ và hai con. Thịt heo và thịt bò đã trở thành các món ăn chị không dám nghĩ đến; chỉ trong chốc lát xã hội đã thay đổi toàn bộ, những lần trước đi thăm chồng, chị thấy những người kia gánh những gánh hàng nặng trĩu đi thăm chồng. Họ đi thường xuyên một tháng một lần, còn chị thì phải dành dụm lâu ngày, sắm mỗi thứ một ít cũng thật là khó. Trước kia chị chỉ biết đi dạy học rồi đến tháng lãnh lương. Lương của anh Châu đem về nhập lại dư dùng trong tháng thoải mái, có một ông chồng đẹp trai, sống có lý tưởng, vui vẻ chị cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Những ý nghĩ trên thoáng qua chốc lát, chị xua đuổi cho có chút nhẹ nhàng rồi giã từ mẹ và hai con đi thăm chồng. Khám Chí Hòa phía trước nằm trên một khu đất rộng thênh thang, từ ngày lọt lòng mẹ đến nay đã 30 năm qua, có bao giờ biết đến Khám Chí Hòa là gì, nay thì chồng chị đang bị giam giữ trong ấy. Thành quách cao và dày, những chòi gác trồi lên khỏi đỉnh thành ở các góc. Xa xa mấy dãy nhà gạch trệt hoặc 2, 3 tầng lầu chạy thành một khu phố nhỏ như chứng nhân một thời tù tội của con người. Trong mệt nhọc đi đường tự nhiên chị cảm thấy có nguồn cảm hứng chợt đến, chị liên tưởng đến cổ thành La-mã ngày xưa chỉ trong phút cao hứng vua Néron đã đốt thành để làm thơ, vậy thì tại sao ông Tố-Hữu lại không đốt cái khám Chí Hòa này mà làm thơ ca ngợi đảng thì hay biết mấy! Có một chút lãng mạng trong nỗi đau khổ của người vợ có cái ước mơ đốt thành để cứu chồng! Chị vào nộp giấy phép, mọi người đang ngồi chờ đợi người thân trong phạm vi được qui định. Trời nóng bức, đôi má ửng hồng khiến làn da trắng mịn của chị làm nổi bật nét đẹp của thời con gái. Đang rảnh rỗi, chị cẩn thận đôi chút để đón chồng, chị lau lại khuôn mặt, chải lại mớ tóc, mím môi cho ướt một tí, chỉ chừng ấy thôi cũng đủ rồi... Bỗng có tiếng gọi từ bàn giấy: - Bà Quyên vợ ông Châu! Chị đứng nhanh dậy đi tới, viên công an đưa trả lại tờ giấy phép và nói: - Chồng chị không còn ở đây, chị hãy ra trại Hàm Tân mà thăm nuôi, trời còn sớm chị đi ra đó còn kịp. Chị bàng hoàng trước tin bất ngờ đến chảy nước mắt. - Chồng tôi đi đã lâu chưa anh? - Tôi không được rõ, thôi chị đi đi cho kịp xe. Chị quay ra hỏi mấy người chung quanh. - Có ai biết trại Hàm Tân đâu không chỉ cho tôi với. Một bà chị nhanh miệng: - Chị ra đón xe đi ngược ra Bình Tuy, bảo tài xế cho xuống ngã ba Hàm Tân, từ đó chị hỏi đường đi lên trại Cải tạo Hàm Tân ai cũng biết cả, đi nhanh lên cho kịp trong ngày. Chị vội vã xách hai giỏ hàng đi nhanh ra cổng khám. Ngồi đối diện với chồng, đây là lần thứ ba sau 5 năm xa cách, anh Châu gầy và xanh, trong bộ áo quần tù tươm tất, sạch sẽ, đầu tóc chải láng chắc là mới tắm xong. Anh nói với vợ: - Họ chuyển anh ra đây, tất cả 15 người cách đây gần một tháng, anh hiện đang bị giam riêng với số người cùng đi, anh chỉ được 15 phút thăm em mà thôi. Chị gật đầu lia lịa mà có nghe gì đâu, mắt vẫn nhìn anh đăm đăm không rời, chị nói: - Em tưởng anh còn ở Chí Hòa nên đã vào đó, không ngờ họ cho biết đã đưa anh ra đây, em vội quay ra xe đi liền, các con vẫn khỏe mạnh, đi học. Mẹ cũng khỏe, ăn được và ngủ cũng được. Em thì vẫn ngày ngày buôn bán thêm chút đỉnh cũng sống được, anh đừng lo, anh phải giữ sức khỏe để chờ ngày về đó. Chị nói một hơi như trả bài, anh Châu dặn chị. - ở nhà em phải cẩn thận, đừng tin ai chung quanh. Anh cứ 3 tháng bị gọi điều tra một lần, tinh thần luôn căng thẳng lắm. - Em hiểu. Chị gật đầu nói tiếp: Thằng Tiếp cứ đến nhà dòm ngó, gây khó khăn, buộc em đi kinh tế mới thì anh mới được thả về sớm, nhưng anh đừng lo, em không đi đâu cả, mẹ con em ở đó chờ anh về. Kìa nó đến đó! Chị Quyên thấy viên công an đi đến sau lưng anh Châu đứng lại nhìn quanh rồi đi tiếp qua dãy bàn khác, như sực nhớ, chị nói: - Mấy hôm trước đây khi đi mua vé tàu em tình cờ gặp chú Hòa. Châu gật đầu. - Chú ấy chưa đi được hay sao? Bỗng có tiếng nhắc nhở. - Các anh nhận hàng mà vào, hết giờ rồi để bà con về cho sớm. Chị bịn rịn đứng dậy, cầm tay chồng. - Tạm chia tay, anh vào đi, nhớ giữ gìn sức khỏe, về đến nhà em sẽ viết thư thăm anh. Ngọn gió biển từ xa thoảng vào không đủ làm lắng dịu lòng bịn rịn lúc tạm chia tay. Đoàn người thăm nuôi trở về đi trong nỗi buồn thương nhớ, lâu lâu chị nhìn lại con đường đất đỏ, rừng lá xanh xanh đưa đoàn người xa dần trại giam ra đến quốc lộ 1. Ngồi trên chuyến xe trở về Đà Nẵng, nhìn cảnh vật bên đường đang chạy thụt lùi, gió lộng tràn vào khung cửa, chị cố tìm một chút nghỉ ngơi bù lại một ngày vất vả. Thỉnh thoảng chiếc xe lắc lư, nhẩy chồm lên vì đường ổ gà, chị cũng mặc kệ, mắt lim dim nhìn qua khung cửa, cảnh trời nước một màu, sóng biển ầm ầm bắn tung vào kẽ đá. Xe đang chạy qua suối Vĩnh Hảo rồi tới Cà-Ná để bắt đầu vào địa phận Phan Rang. Khúc đường này chạy sát biển là cảnh đẹp nhất, bên trái là núi đá cao, chị còn nhìn thấy những dòng chữ khắc bằng sơn trắng trên các tảng đá lớn của các cặp tình nhân một lần đến đó. Những câu khẩu hiệu đả đảo Cộng sản đã bị bôi mờ nhưng vẫn còn dấu vết đọc được. Nơi đây những năm 1966 đến 1971 bọn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thường kéo ra chận đường đón xe đóng thuế... gieo tang tóc biết bao gia đình. Những mùa hè ngày trước đã đi qua đem theo nhiều kỷ niệm đẹp thời còn độc thân, cứ đến hè là thời gian nghỉ ngơi sau một năm dạy học nhưng chị vẫn thích tham dự các lần đi chấm thi. Vì như thế mới biết được nhiều tỉnh, nhiều thành phố của đất nước miền Nam, thấy được nhiều cảnh quan và núi non hùng vĩ của đất nước, hít thở đầy ngực bầu không khí tự do... Bây giờ bỗng dưng chị cảm thấy xa lạ, dửng dưng như khách qua đường, quê hương này đây chị như cảm nhận được một cảm giác bị hất tung ra khỏi vòng đai; nửa ghét nửa thương thật là mâu thuẫn. Bỗng phía trước có tiếng la hét, rồi tiếng va chạm cọ xát chao đảo, xe đang ở lưng chừng đèo Cù-mông đổ giốc, một tiếng ầm vang dội xe nghiêng vào sườn núi, cả người chị bắn tung lên phía trước va vào lưng ghế chị cảm thấy ê ẩm cả đầu và ngực... Chuyến xe tốc hành Miền Trung bị bể ống dầu thắng, suýt gây tai nạn khủng khiếp. Người tài xế đã nhanh trí tựa xe vào sườn núi để khỏi rơi xuống vực sâu. Chị Quyên nằm im trên bãi cỏ bên đường, toàn thân đau nhức, ê ẩm, chị cứ nằm yên như thế chờ sang xe "...Anh, Em đã về đến nhà bình yên, ngồi trên xe chạy qua con đường ngày trước, em bỗng nhớ đến những mùa hè đi chấm thi, thì ra là con đường định mệnh vì cuối cùng chúng đã đưa em đến gặp anh... Mẹ hỏi thăm anh nhiều lắm. Các con đòi lần sau xin được đi thăm bố. Anh hãy yên tâm và giữ gìn sức khỏe. Mẹ vẫn chờ anh với tấm lòng làm mẹ, em vẫn chờ anh trong nghĩa nặng vợ chồng, các con hôn anh. Quyên." (Ra đi tóc hãy còn xanh, Khi về tóc đã bạc phau mái đầu. Xa nhau đã mấy năm trời, Công ơn của vợ biết đời nào quên.)
|