Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Ngày cuối cùng của Tướng Lê Văn Hưng

Ngày cuối cùng của Tướng Lê Văn Hưng PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Thị Kim Hoàng   
Thứ Ba, 20 Tháng 1 Năm 2009 14:38

 

Chuyển Dịch: Nguyễn Minh
Ghi Chú: Bài viết Ngày Cuối Cùng Của Chồng Tôi là một phần hồi ký của bà quả phụ Phạm Thị Kim Hoàng, phu nhân của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, và đã được Trần Thị Mỹ Ngọc và Larry Engelmann chuyển dịch sang Anh ngữ. Bài này ghi lại một số dữ kiện đã xảy ra vào những ngày gần cuối của cuộc chiến. Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư Lệnh Quân Ðoàn 4) và Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng (Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn) đã vạch định kế hoạch di tản lực lượng vào căn cứ bí mật để tiếp tục kháng cự lâu dài. Tuy nhiên, có một số việc không may đã xảy ra ngoài ý muốn, nên kế hoạch di tản đã không được thự hiện, và cuối cùng tướng Hưng đã tự sát vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bài viết dưới đây đã được Nguyễn Minh chuyển dịch sang tiếng Việt từ ấn bản Anh ngữ The Final Days of My Husband's Life.

Mùa Xuân năm 1975, chồng tôi đóng quân tại vùng châu thổ Cần Thơ, và là Phó Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 dưới quyền của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Tháng 3 năm 1975 khi Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tấn công Ban Mê Thuột thì tôi đang sống tại Biên Hòa. Chồng tôi khuyên tôi trong thời gian nguy hiểm như vậy thì nên chuyển các con xuống Quân Ðoàn 4. Ông nói quân Cộng Sản sẽ tấn công Quân Ðoàn 3 từ hướng Ban Mê Thuột xuống, và ông cho là Quân Ðoàn 3 sẽ không chống cự nổi. Vì thế tôi đã dọn nhà xuống Quân Ðoàn 4 sống cùng với chồng tôi. Chồng tôi cũng biết rằng sớm muộn chính phủ Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Ông linh cảm được điều đó và không còn tin vào người Mỹ nữa.

Tôi có hai đứa con nhỏ sống với tôi ở Biên Hòa. Lúc đó chồng tôi nói nên mau xuống Quân Ðoàn 4 ngay vì Quốc Lộ 4 nối liền vùng châu thổ sông Cửu Long với Saigon sớm muộn gì cũng sẽ bị cắt đứt, vì Saigon với Biên Hòa sẽ rơi vào tay quân Cộng Sản là điều chắc chắn. Ngày 2 tháng 4 năm 1975, tôi rời Biên Hòa vào Cần Thơ bằng xe đò và cư ngụ tại một căn nhà gần Bộ Chỉ Huy Quân Ðoàn 4.

Khi Ban Mê Thuột thất thủ, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú (Tư Lệnh Quân Ðoàn 2) bị thất sủng. Cũng vào thời gian đó, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (Tư Lệnh Quân Ðoàn 1) cũng đành bó tay mà không làm gì được. Về phía Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn (Tư Lệnh Quân Ðoàn 3) và Ðại Tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội) thì chồng tôi cũng không còn tin tưởng vào hai vị này.

Sau khi mất Quân Ðoàn 2, chồng tôi biết Saigon sẽ sụp đổ. Một số người kết luận rằng Saigon không thể chống cự nổi quân Cộng Sản, vì thế quân đội nên rút xuống Quân Ðoàn 4 để thiết lập một vòng đai để giữ trọn lãnh thổ còn lại, mà thật ra cũng sẽ chẳng giữ được bao lâu.

Tôi xin nói thật lòng với quý vị, vào năm 1975 những người miền Nam thật tâm và sẵn sàng chiến đấu chống quân Bắc Việt lại quá mỏng manh. Trong số rất ít những người đó là có thể đáng tin cậy để lãnh đạo cuộc chiến. Có một phần là tín đồ người Hòa Hảo chẳng hạn. Họ đến nói với chồng tôi và trình bày nguyện vọng khát khao của họ muốn chiến đấu chống Cộng Sản. Họ yêu cầu chồng tôi trang bị vũ khí và đạn dược. Tuy nhiên, chồng tôi không mấy tin tưởng vào những người này, và ông nghi ngờ biết đâu họ lại trở mặt đánh vào ông một khi ông đã cấp súng đạn cho họ chăng.

Thế rồi ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của ông Thiệu, "Mất một ông Thiệu, quân đội vẫn còn ba ông Thiệu khác, dân chúng vẫn còn có quân đội. Nguyễn Văn Thiệu tôi xin nguyện chiến đấu sát cánh cùng cắc đồng bào, chiến hữu..." Những lời tuyên bố của ông Thiệu đã làm rung động tôi rất nhiều. Nhưng rồi những lời nói đó trở thành vô nghĩa khi con người đó từng lãnh đạo quân đội và cầm quyền bộ máy chính quyền mình Nam lại cao bay xa chạy để tìm lấy chốn an toàn cho bản thân và gia đình mình, bỏ xa đồng bào, chiến hữu, bỏ xa xứ sở quê hương để tránh cho ông ta một cuộc tàn sát đẫm máu sắp sửa diễn ra trong những ngày cuối cuộc chiến. Tin tức về Quân Ðoàn 1, 2, và 3 đã mất về tay Cộng Sản bay đến Cần Thơ. Chúng tôi biết có những nơi không hề chạm súng với quân Cộng Sản nhưng vẫn bị thất thủ. Tuy vậy, cũng có một ít nơi đã chiến đấu dũng mãnh cho đến người lính cuối cùng. Nhưng cũng có nơi binh sĩ tự động buông súng bỏ chạy tìm lấy sự sống cho bản thân mình. Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Khiêm, Ðại Tướng Viên cũng đã rời Việt Nam ra nước ngoài. Vậy thì có ai đứng lên để tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đây?

Khi nghe tin ông Thiệu từ chức thì chồng tôi nói rằng anh sẽ ở lại quê hương. Chồng tôi cũng biết là toàn bộ nội các của ông Thiệu đã bỏ ra nuớc ngoài, nhưng chồng tôi quyết định không làm như thế. Sau đó Tổng Thống Trần Văn Hương cũng từ chức, trao quyền lại cho Ðại Tướng Dương Văn Minh. Và chồng tôi cũng hiểu sẽ không có cuộc đàm phán nào xảy ra giữa hai miền nam bắc cả.

Trong khi Saigon và các vùng phụ cận đang nằm trong tình trạng hỗn loạn thì quân đội tại Quân Ðoàn 4 vẫn bình tĩnh chờ đợi những gì sẽ đến. Lý do mà Quân Ðoàn 4 vẫn yên ổn là do những người lãnh đạo như tướng Nguyễn Khoa Nam và chồng tôi vẫn còn giữ vững tinh thần chiến đấu. Vì thế các vị chỉ huy khác tại quân đoàn cũng sẵn sàng. Họ quyết định ở lại mà không bỏ đi đâu cả. Dĩ nhiên, cũng có một số ít đã tìm đường ra nước ngoài. Chân lý ở đâu cũng vậy mà thôi.

Khi cao nguyên trung phần rơi vào tay Cộng Sản, bản thân tôi đã quyết định sẽ ở lại quê hương. Chồng tôi chưa bao giờ yêu cầu tôi bỏ chạy và cũng không hề buộc tôi phải rời bỏ quê hương. Tôi đã quyết định như vậy, thậm chí từ trước khi cuộc chiến đến hồi tàn. Tôi sẽ ở lại quê hương vì biết rằng chồng tôi cũng sẽ ở lại chiến đấu cho đến phút cuối. Số phận đã gắn liền chúng tôi với nhau như thế.

Trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh Saigon ra lệnh tất cả cơ quan Hoa Kỳ phải rút hết nhân viên ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ. Ðây cũng là lúc kế hoạch hành quân bí mật của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam và chồng tôi được hoàn thành. Trước vài giờ đồng hồ khi Saigon sụp đổ, tướng Nguyễn Hữu Hạnh lên thay tướng Vĩnh Lộc (đã rời Việt Nam) giữ chức tham mưu trưởng quân đội. Tướng Hạnh gọi nhiều cú điện thoại xuống Cần Thơ thuyết phục chồng tôi nên hợp tác với ông Minh. Tướng Hạnh cũng nhấn mạnh về quan niệm đời quân ngũ và tình bạn chiến đấu với nhau, và khuyên chồng tôi nên đầu hàng để tránh đổ máu.

Nhưng chồng tôi đã nghi ngờ rằng đó là chiêu bài của ông Hạnh nhằm thăm dò xem hai vị tướng chỉ huy của Quân Ðoàn 4 như thế nào. Nhiều lần qua điện thoại, chồng tôi khẳng định là sẽ không hợp tác với ông Dương Văn Minh. Sẽ không có chuyện đầu hàng Cộng Sản, và họ sẽ chiến đấu đến cùng.

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. (Nên nhớ ông Minh đã hai lần bội phản, lần đầu là trong cuộc đảo chánh năm 1963, và ra lệnh hạ sát hai anh em ông Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Nhu). Ông Minh đã làm ô danh lịch sử chống Cộng của miền Nam, và tự hạ thấp giá trị bản thân mình để ký kết với Cộng Sản về lệnh đầu hàng vô điều kiện qua bản tuyên bố mà ông đọc trên đài phát thanh.

Khi ông Minh tuyên bố đầu hàng, có một số binh sĩ nghe và họ đã bỏ hàng ngũ chiến đấu để về với vợ con, gia đình. Nhưng tôi vẫn còn nhớ đến những khuôn mặt đầm đìa nước mắt khi vừa nghe xong lời tuyên bố đầu hàng của ông Minh. Họ ôm lá cờ tổ quốc, tay nắm chặt khẩu súng mà khóc.

Lệnh đầu hàng đã được ban bố, yêu cầu Quân Ðoàn 4 với tướng Nam và chồng tôi phải đầu hàng. Ðó cũng là lúc kế hoạch rút quân tại Quân Ðoàn 4 bắt đầu. Tất cả đều quyết định ở lại với quân đoàn để chiến đấu. Thậm chí nếu Saigon sụp đổ, thì lực lượng còn lại của quân đoàn sẽ rút vào một căn cứ bí mật trong rừng của vùng châu thổ Cửu Long này. Kế hoạch đã được soạn thảo trước khi có lệnh đầu hàng của ông Minh. Tuy nhiên, để giữ bí mật hoàn toàn, chỉ có vài người trong bộ chỉ huy biết được kết hoạch mà thôi.

Tướng Nam và chồng tôi vẫn tiếp tục giữ cương vị và nhiệm sở của mình tại quân đoàn và tiến hành kế hoạch lui quân bí mật này. Kế hoạch đã sẵn sàng, chỉ chờ giờ lên đường mà thôi. Lúc ấy tướng Nam và chồng tôi không bao giờ nghĩ đến việc phải nhận bất cứ một thứ gì viện trợ từ Mỹ nữa. Vì thế, hai vị chỉ huy này sẽ tiếp tục kế hoạch của mình và không bao giờ trong nhờ vào viện trợ gì cả. Tất cả đều sẽ tự lực cánh sinh. Trước đó, tướng Nam và chồng tôi đã 3 lần từ chối lời đề nghị của vị cố vấn Hoa Kỳ tại Quân Ðoàn 4 là hãy nên rời Việt Nam để ra nước ngoài. Cả hai người đều quyết định ở lại và chiến đấu đến cùng. Vị cố vấn Mỹ này vẫn cố gắng thuyết phục, nhưng không được, và ông đành rời Quân Ðoàn 4 mà lòng buồn bã rất nhiều.

Kế hoạch rút quân vào rừng đã chuẩn bị sẵn sàng. Vũ khí, đạn dược, và lương thực đã có đầy đủ. Tất cả đều chờ đợi giờ xuất phát do quân đội cầm đầu để tiến vào căn cứ mới. Kế hoạch lui binh được đặt mật danh là Linking Hands (nối vòng tay). Lúc đó, Quân Ðoàn 4 là một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ, đủ sức tiếp tục đơn thân chống trả trong một thời gian dài. Cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1975, không có một đơn vị nào của quân đội tại Quân Ðoàn 4 rơi vào tay Cộng Sản cả.

Nhưng ở Cần Thơ, sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, dân chúng hoang mang và rúng động. Họ bắt đầu mất tinh thần khi nghe lời tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, và cả những lời tuyên truyền của Cộng Sản trên đài phát thanh, thay vì tin tưởng và nhìn thấy hai vị tướng chỉ huy của Quân Ðoàn 4 vẫn còn đứng vững. Lúc đó, người thì quyết định tiếp tục chiến đấu. Kể thì khuyên nên buôn súng về nhà. Một số tội phạm và quân lao trốn trại ra ngoài cướp bóc tư gia của cố vấn Mỹ và các dinh thự giàu có. Họ bắn vào cả lực lượng cảnh sát và quân cảnh đang làm nhiệm vụ giữ trận tự an ninh cho thành phố. Tình trạng hỗn loạn vô chính phủ xảy ra, không còn ai giữ vững tinh thần nữa. Người lạc quan nhất giờ đây trở thành bi quan nhất. Có người vì quá thất vọng và khủng hoảng đã đập phá như một người điên.

Kế hoạch Linking Hands vẫn được giữ bí mật đến phút chót. Ngoài một vài sĩ quan thân cận và hai vị tướng tư-lệnh và phó tư-lện quân đoàn, những người dưới quyền còn lại thì không biết gì về kế hoạch này. Họ chờ xem hai vị chỉ huy của họ sẽ làm gì. Một bầu không khí nặng nề và ngờ vực xảy ra giữa vòng các sĩ quan và binh lính. Rồi kế hoạch rút quân vào căn cứ bí mật được bắt đầu phát lệnh vào trưa ngày 30 tháng 4/1975. Tuy nhiên, trước đó vài giờ chồng tôi đã ra lệnh triệt thoái quân đội cho một vị đại tá sĩ quan an-ninh của quân đoàn thực hiện. Nhưng vì sợ hãi nên vị đại tá này đã về với gia đình ông ta, sau đó bỏ ra nước ngoài mang theo tất cả mọi bí mật của cuộc hành quân này. Không ai biết, đột nhiên ông đại tá này biến mất không thấy trở lại, thế là quân đoàn tan rã, mạnh ai về nhà nấy.

Lệnh rút quân bí mật đã được ban hành, nhưng khi tiếp xúc với những sĩ quan ở các đơn vị thì họ không hề biết kế hoạch sẽ thực hiện ra sao. Họ đang cầm quân thì đột nhiên họ được lệnh kéo quân số ra đi chỉ trong một buổi sáng. Khi đó, chúng tôi cố xác định vị trí mà vị đại tá kia nhận trách nhiệm đánh dấu trên bản đồ để đưa quân về căn cứ bí mật. Bây giờ thì chúng tôi đã biết vị đại tá kia đã phản bội và chạy ra nước ngoài. Tất cả kế hoạch hành quân và bản đồ đều mất theo ông ta.

Tướng Nam và chồng tôi vô cùng giận dữ, thất vọng và chán nản. Ngôn từ của tôi không thể nào diễn tả hết được tâm trạng của hai vị chỉ huy này. Tự bản thân tôi đến hôm nay chỉ có thể khóc được vì lúc đó tôi không thể làm gì hơn được để giúp chồng tôi, khi tôi nhớ lại những giọt nước mắt và khuôn mặt chán nản, đau khổ của chồng tôi, và biết rằng mọi kế hoạch anh ấy đặt ra đã tiêu tan. Trên khuôn mặt của chồng tôi hiện lên những đường gân máu, răng nghiến lại đau đớn. Tận bên trong trái tim của chồng tôi đang đau đớn đến cùng cực khi kế hoạch triệt thoái đã hỏng.

Chồng tôi nhoài mình lên bàn làm việc. Kế hoạch rút quân đã được tính toán kỹ lưỡng đến thế mà nay là con số không vì một người phản bội, hèn nhát. Ngước đôi mắt buồn bã nhìn tôi, anh nói, "Chiến thắng là điều mà chúng ta đã luôn nhắm đến. Nhưng tại sao chúng ta lại cứ thất bại? Rồi thì em muốn anh làm gì đây?" Tôi trả lời, "Chúng ta sẽ ra đi. Các con của chúng ta cũng không muốn để chúng rơi vào tay Cộng Sản. Bây giờ em sẽ ở lại với anh. Em không thể bỏ anh trong giờ phút tuyệt vọng này." Ðể có thể tránh được việc bị bắt vào tay kẻ thù, tôi bình tĩnh bàn bạc với chồng tôi kế hoạch của tôi là hy sinh các con của chúng tôi. Ðó là kết cuộc su cùng của vợ chồng chúng tôi. Thật ra, chỉ có một thiểu số thành phần bi quan chỉ biết nghĩ về mình mà không còn tinh thần chiến đấu. Nhưng những gười còn lại đang gần gũi với chồng tôi và tướng Nam thì vẫn còn tin cậy được. Ho bày tỏ lòng sẵn sàng chiến đấu cùng với chồng tôi đến cuối cùng.

Quý vị cho phép tôi kể về điều này trước. Tướng Nam và chồng tôi đã lập ra kế hoạch hành quân bí mật này tại Bộ Chỉ Huy Quân Ðoàn. Chồng tôi chia khu vực này thành hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất do tướng Nam chỉ huy về mặt quân đội. Bộ phận còn lại do chồng tôi chỉ huy thì sẽ như là một bộ phận quân đội thứ hai. Tại nơi này chồng tôi đã nói cho tôi biết về việc vị đại tá kia đã bỏ chạy và tất cả bản đồ và kế hoạch hành quân giờ đây đã bị mất. Ngay khi biết vị đại tá kia đã bỏ trốn, chồng tôi liền lập ra một kế hoạch khác để trình lên tướng Nam.

Lúc 4 giờ 45 chiều ngày 30 tháng 4/1975, chồng tôi rời Bộ Chỉ Huy Quân Ðoàn và trở về văn phòng chỉ huy ở bộ phận thứ hai, nơi anh đang tạm đóng quân. Lý do là có tin đồn một thành phần gồm những người đại diện cho Cộng Sản đã đến xin đàm phán với tướng Nam về việc đầu hàng để tránh đổ máu, và yêu cầu giải toán quân đội tại Quân Ðoàn 4. Chồng tôi không đồng ý điều này. Anh không muốn đầu hàng và cũng không muốn chứng kiến cảnh tượng nhục nhã trong việc giải tán quân đội và giao chính quyền từ tay tướng Nam sang tay một viên thiếu tá Cộng Sản là ông Hoàng Văn Thạch.

Ðến 5 giờ 30 chiều, chồng tôi điện thoại cho Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, ra lệnh cho ông chuẩn bị hai đơn vị xe tăng đến bảo vệ Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh (BB). Sau đó anh ra lệnh cho các đơn vị trực thuộc đang đóng quân gần đó. Cùng thời gian ấy, dọc theo Quốc Lộ 4, đoạn đường từ Cai Lậy và Mỹ Tho đến Long An, quân đội đang giao tranh với quân Cộng Sản rất ác liệt. Trên tuyến đường này, các đơn vị thuộc Quân Ðoàn 4 đã tiếp tục chống trả cho đến ngày 2 tháng 5/1975 mới chấm dứt.

Lúc 6 giờ 30 chiều, chồng tôi triệu tập các sĩ quan còn lại vào một cuộc họp. Ðến khi cuộc họp sắp bắt đầu, khi các vị sĩ quan đã tề tựu đông đủ thì ở ngoài cổng văn phòng của chồng tôi có khoảng 10 người dân thành phố Cần Thơ đã đợi sẵn từ trước. Họ nhân danh là những người đại diện cho người dân Cần Thơ yêu cầu được gặp tướng Hưng. Họ có làm một bản kiến nghị như sau:

"Chúng tôi biết thiếu tướng sẽ không chấp nhận đầu hàng. Nhưng chúng tôi yêu cầu thiếu tướng đừng phản kháng. Vì nếu ông quyết chống lại thì quân Giải Phóng sẽ tấn công thành phố Cần Thơ này. Lúc đó Cần Thơ sẽ tan tành giống như tại An Lộc năm 1972 (năm 1972 tướng Hưng đã tử thủ tại thị xã An Lộc thành công). Vì vậy cho dù số phận quốc gia đã được an bài, xin thiếu tướng hãy vì sự sống của nhân dân chúng tôi mà bỏ đi tự kỷ của bản thân mình và tinh thần quyết chiến của thiếu tướng." Họ cho rằng thà chấp nhận xấu hổ để được sống còn hơn là gánh chịu cảnh đổ máu, bắn giết trong cơn hấp hối.

Khi nghe những lời này, lòng tôi đau đớn lẫn khó chịu. Tôi cũng không ngạc nhiên về nhữnglời yêu cầu của người dân vì trước một tuần mới đây quân Cộng Sản đã pháo kích nặng nề vào Chi Khu Cần Ðôi, gây thương vong và mất mát lớn cho quân đội và dân chúng. Người dân Cần Thơ bây giờ cũng đang lo sợ nỗi-sợ ấy sẽ xảy đến cho họ.

Chồng tôi tỏ ra lạnh lùng khi nghe những lời kiến nghị trên. Mất một lúc khá lâu anh ấy mới ráng gượng một nụ cười và trả lờ, "Xinquý vị hãy bình tĩnh, tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để giảm thiểu khả năng thương vong và mất mát cho quý vị."

Khi những người dân ra về, chồng tôi gọi tôi lại và nói, "Em có nhớ câu chuyện của ông Phan Thanh Giản không? Khi ba tỉnh miền đông nam phần bị Pháp thôn tính, ông này đã cúi mình giao nộp luôn ba tỉnh miền tây luôn cho Pháp chỉ vì muốn chiều lòng dân. Ông ta không thể mang chính mạng sống của ông ấy ra để để đổi lấy sự an toàn cho dân chúng để tránh một cuộc đổ máu, cũng không thể tự mình đánh mất giá trị bản thân mình mà đầu hàng quân Pháp, vì hành động đó mà ông phải gánh lấy sự sỉ nhục của quê hương và đối với quân đội triều đình nước Nam. Thế rồi ông bỏ đi về nhà và uống thuốc độc tự tử. Anh cũng vậy, anh thà chết chứ không chịu để tay mình bị trói mà nhìn quân xâm lược Cộng Sản vào đây."

Vì người dân thành phố Cần Thơ đã đến yêu cầu chồng tôi để nói lên nguyện vọng của họ là thay mặt người dân thành phố, vì thế chồng tôi không thể từ chối họ được. Họ tự làm điều đó là vì họ thay mặt người dân chứ không phải đại diện cho Cộng Sản đến đàm phán với chồng tôi. Họ nói lên nguyện vọng của người dân, nên chồng tôi không muốn gây tổn hại cho họ và do đó anh ấy đã quyết định tôn trọng lời thỉnh cầu của người dân.

Lúc 6 giờ 45 tối, tướng Nam điện thoại cho chồng tôi để kiểm tra tình hình các khu vực chung quanh. Chồng tôi đã kể lại cho tướng Nam nghe về vụ người dân Cần Thơ đến kiến nghị mình. Chồng tôi cũng thông báo cho tướng Nam biết về một mật lệnh quan trọng mới nhất sẽ được giao cho một người thân tín để ban hành. Tướng Nam cũng cho chồng tôi biết là ông sẽ thu thanh một thông điệp để gửi đến người dân thành phố, và sẽ đươc phát trên đài phát thanh. Nhưng chỉ hơn một giờ thì đài phát thanh Cần Thơi đã bị Cộng Sản chiếm. Ông giám đốc đài phát thanh bị khống chế bởi Thiếu Tá Cộng Sản Hoàng Văn Thạch. Thay vì phát đi thông điệp của tướng Nam, thì người dân nghe được lời tuyên bố của Cộng Sản trên đài phát thanh trước. Sau đó thì mới cho phát lời kêu gọi của tướng Nam, nhưng đã quá muộn màng.

Thật không thể tin nổi sự thất vọng và sụp đổ của người dân và binh lính. Thế là mạnh ai người nấy bỏ hàng ngũ chạy. Chồng tôi lo lắng, nỗi lo về sự an toàn của vợ con mình. Anh ấy bảo tôi bây giờ thì tôi muốn làm gì thì làm đi. Tận trong trái tim thật lòng tôi quyết định rằng, nếu chồng tôi và quân đội co rút lui vào căn cứ bí mật trong rừng thì tôi và các con sẽ không đi theo anh ấy. Tôi sẽ tự tay mình giết các con cuả tôi để chồng tôi không phải bận tâm về chúng mà làm ảnh hưởng đến tin thần chiến đấu.

Lý do mà tôi muốn làm vì biết rằng trong thời gian đoàn quân đang rút vào rừng, như vậy việc chiến đấu với quân Cộng Sản chắc chắn là điều sẽ không tránh khỏi. Bởi vậy ngay khi đoàn quân được bố trí đến những chỗ được thiết lập bắt đầu từ tháng 3/1975 cho đến ngày triệt thoái, ngay lúc ấy tôi sẽ giải quyết mạng sống của các con tôi. Làm cách này thì chồng tôi sẽ không bị xao nhãng trách nhiệm và nhiệm vụ của anh ấy để bảo vệ đất nước. Tôi không muốn chúng ta chất thêm gánh nặng trên chồng tôi nữa.

Tôi là một tín đồ Công Giáo. Tôi cũng biết đạo Công Giáo cấm giết người. Nhưng phải biết rằng cũng có những ngoại lệ, chẳng hạn giết người vì chính nghĩa quốc gia, giết người vì một quân đội.

Tôi không thay đổi ý định sẽ giết các con mình rồi tự sát. Nhưng lúc xảy ra kết hoạch rút quân vào rừng của chồng tôi sụp đổ thì chồng tôi đã nghĩ đến việc tự sát. Tôi muốn chết chung với anh ấy. Cả con chúng tôi sẽ cùng chết với anh ấy. Mới đầu thì tôi dấu ý định giết các con rồi sẽ chết với con mình cho chồng tôi hay. Nhưng khi kế hoạch rút quân bị sụp đổ thì chồng tôi đã có ý định tự sát. Giờ thì tôi mới bàn với chồng tôi ý định cả nhà chúng tôi sẽ cùng chết. Nhưng anh ấy bác bỏ ý định của tôi. Anh không muốn tôi làm như thế. Thật ra thì mới đầu chồng tôi đồng ý, nhưng về sau anh ấy thay đổi ý định của tôi. Tôi định là sẽ tiêm thuốc ngủ cho các con mình rồi tôi sẽ tự tiêm cho tôi, còn chồng tôi thì tự sát bằng súng. Nhưng khi giờ đã đến, chồng tôi không muốn mẹ con chúng tôi phải chết, mà chỉ có mình anh ấy thực hiện ý định này mà thôi.

Lúc 7 giờ tối, chồng tôi gọi tôi lên văn phòng. Chỉ có vợ chồng chúng tôi mà thôi. Anh kiểm lại tất cả mọi sự việc thất bại diễn ra từ chiều cho tới tối, rồi nhìn tôi với đôi mắt đầy uất ức. Anh ấy nói với tôi thật chậm rãi và rất nghiêm trọng rằng anh ấy sẽ tự sát. Chồng tôi nói:

- Em phải sống để nuôi dạy các con."

Tôi sợ hãi và kêu lên:

- Ôi anh ơi, sao anh lại thay đổi ý định như vậy?
- Các con chúng ta vô tội. Anh không bao giờ bắt chúng chết vì anh.
- Nhưng chúng ta không thể đế chúng sống chung với Cộng Sản được. Em sẽ làm việc đó thay cho anh. Em sẽ tiêm cho chúng một liều thuốc ngủ cực mạnh là đủ. Chỉ trong chốc lát chúng ta sẽ cùng chết chung với nhau."
- Không thể như vậy được. Cha mẹ không thể giết con cái mình. Hoàng ơi, anh xin em hãy gắng chịu đựng nỗi nhục này. Em phải sống để thay anh nuôi dạy các con trở thành người tốt. Em phải cố gắng sống, dùng phải cam chịu cúi đầu mang nỗi nhục đắng cay.
- Nhưng nếu đây là vì con, vì tình yêu của anh cho các con, thì tại sao chúng ta không ra nước ngoài như những người khác?

Chồng tôi nhíu mắt lại với cái nhìn giận dữ, rồi nói:

- Em là vợ anh mà nói những lời như thế ư?
- Xin anh tha lỗi cho em. Ðó chỉ vì em rất yêu anh nên mới nói vậy thôi.
- Em hãy nghe đây. Người khác có thể bỏ chạy khỏi nơi này. Nhưng anh thì không bao giờ chạy. Có hàng ngàn quân nhân dưới quyền anh đã cùng sống, cùng chết với anh, vậy thì giờ đây làm sao anh có thể bỏ rơi họ để đi tìm sự sống cho chính anh? Anh sẽ không đầu hàng. Bây giờ đã quá muộn để rút lui quân đội vào nơi bí mật vì chúng ta không có sự cung cấp súng đạn, quân như, lương thực. Vì thế chúng ta sẽ không thể chống lại Cộng Sản lâu dài được. Ðã muộn quá rồi. Tiếp tục chiến đấu bây giờ sẽ mang lại rắc rối và mất mát thêm, không chỉ riêng cho gia đình chúng ta mà còn làm ảnh hưởng đến gia đình anh em binh sĩ và thường dân nữa. Miễn là anh không nhìn thấy cảnh quân Cộng Sản vào đây.

Tôi bối rối hỏi chồng tôi:

- Còn mẹ thì sao? Em phải làm sao đây?

Chồng tôi nắm chặt lấy tay tôi nói:

- Hôn nhân của chúng ta đã được đầy tor7n tình yêu và sự trân trọng, và nói khiến cho anh và em hiểu nhau nhiều hơn. Xin em hãy cố chịu đựng, cho dù em phải cam chịu nhiều nhục nhã và thất vọng. Cứ đóng kịch mà sống. Hãy thay đổi chính bản thân em để tồn tại mà sống nuôi con. Anh tin em, cho chính anh, cho con chúng ta, cho tình yêu đất nước mà em phải gánh lấy. Em phải nghe lời anh! Anh xin em.

Tôi không còn nói gì được trước cái nhìn cứng rắn và những lời tâm huyết của anh ấy.

- Vâng, em sẽ nghe lời anh.

Dường như sợ rằng tôi sẽ đổi ý, anh tiếp tục nhắc lại với tôi lần nữa.

- Em hứa với anh là em sẽ nghe theo lời anh.
- Dạ, em hứa với anh. Nhưng phải cho em hai điều kiện. Nếu bọn Cộng Sản lam cho em phải xa lìa các con, và nếu chúng cưỡng đoạt em thì em có quyền hy sinh đời em không?

Chồng tôi suy nghĩ một chốc và gật đầu đồng ý.

Anh ấy đứng lên ôm lấy tôi rồi bật khóc. Khi mẹ và các con vào văn phòng gặp chồng tôi, anh ấy nói lời tạm biệt mẹ và các con rồi ôm hôn các con. Chồng tôi giải thích cho mẹ lý do tại sao anh ấy phải chết, còn tôi thì phải sống. Kế đến, tôi vâng lệnh chồng tôi cho mời tất cả các sĩ quan và binh sĩ có mặt trong văn phòng lúc đó đến gặp chồng tôi. Bầu không khí như đong lại. Ðây là thời khắc để nói lời vĩnh biệt giữa sự sống và cái chết, giữa những con người đã từng chiến đấu bên nhau hàng nhiều năm liền. Chồng tôi nói rằng không có chỉ thị mới, cũng chẳng có rút quân vào nơi bí mật nào để chiến đấu nữa cả. Cuộc chiến của chúng ta giờ đây đã kết thúc. Anh nói:

- Tôi không bỏ rơi các chiến hữu để chạy tìm lấy cho vợ con tôi một chỗ ra nước ngoài. Các chiến hữu biết đó, cuộc hành quân đã thất bại giữa chừng, và tôi đã không tử thủ bởi vì dân chúng ở đây không muốn. Tôi không chịu được sự đầu hàng nhục nhã. Các chiến hữu đã từng sát cánh bên tôi, khi các bạn làm điều gì sai, tôi trách mắng. Khi tôi trách mắng không phải vì tôi căm ghét, mà vì tôi muốn chúng ta cùng hiệu tác để giúp đỡ lẫn nhau. Hôm nay, mặc dù đất nước chúng ta đã bị mất hết, nhưng tôi không trách các chiến hữu. Có trách là trách những người trực tiếp cầm giữ số phận quốc gia trong tay lại đã cam chịu đầu hàng Cộng Sản. Xin các chiến hữu tha thứ cho tôi nếu tôi là một trong những kẻ đó. Tôi chấp nhận cái chết. Một người chỉ huy mà không thể bảo vệ đất nước mình, không chu toan vị trí của mình, người ấy phải chết ngay tại vị trí cho đất nước của mình. Sau khi tôi chết, các chiến hữu hãy trở về với gia đình, vợ con. Hãy nhớ rõ lời cảnh cáo cuối cùng của tôi: Các bạn đừng để cho Cộng Sản bắt các bạn vào những trại tập trung dưới bất cứ chiêu bài gì. Xin vĩnh biệt các chiến hữu.

Chồng tôi chào và bắt tay từng chiến hữu một. Khi chồng tôi đến gần Thiếu Tá Phương và Ðại Úy Nghĩa, anh nói:

- Xin các anh giúp đỡ vợ con tôi. Vĩnh biệt.

Tất cả mọi người đứng lặng im, chẳng ai nói nổi một lời. Mẹ tôi nhào tới chồng tôi và xin được chết cùng với con. Chồng tôi an ủi bà và khuyên bà phải sống để trông nom các cháu. Rồi chồng tôi ra lệnh cho mọi người giải tán. Nhưng chẳng ai đi cả, khiến chồng tôi phải đẩy từng người một ra về.

Tôi khẩn khoản với chông mình, "Anh ơi, xin để em chứng kiến sự ra đi của anh." Nhưng chồng tôi từ chối. Khi Ðại Úy Nghĩa đi khỏi, chồng tôi quay lại văn phòng của anh ấy, khóa cửa, và tôi nghe một phát súng nổ lớn thoát ra từ khe cửa. Một tiếng nổ làm tôi giật nảy mình.

Lúc đó là 8 giờ 45 tối ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, và cũng là ngày cuối của chồng tôi. Có ai đó nói, "Tướng Hưng đã chết." Còn tôi, tôi biết rằng chồng tôi đã không còn nữa.

Khi tôi vào phòng, nhìn thấy chồng tôi nằm ngang trên giường. Toàn thân run rẩy, giật giật. Ðôi mắt mở trừng đầy giận dữ, miệng há ra mấy máy. Tôi nhào tới ôm lấy xác anh, quì bên giường và ghé sát lỗ tai tôi nơi miệng anh liên hồi gào lên, "Anh yêu ơi, anh yêu ơi! Anh muốn nói gì với em phải không?" Nhưng anh ấy không còn nói gì với tôi được nữa. tôi ôm chồng tôi trong tay. Anh ấy đã chết rồi.

Tướng Nam không hề biết tin chồng tôi đã tự sát. Tôi có liên lạc với ông bằng vô tuyến nhưng không được vì tần số của ông đã bị nhiễu sóng bởi đài phát thanh của Việt Cộng. Tôi không biết lúc đó tướng Nam đang ở đâu. Tôi thật sự không biết. Tôi có gọi cho ông bằng vô tuyến và gắng hết sức định vi tần số nơi tôi có thể liên lạc được với ông. Có lẽ ông ấy ở cách chỗ tôi khoảng một dặm hoặc hơn, vì chồng tôi không nói cũng không để lại tin nhắn nào cho tôi để tôi có thể nối liên lạc với tướng Nam. Và anh cũng không thông báo cho ông ta biết về cái chết sắp đến của anh ấy. Nhưng tôi chỉ muốn báo cho tướng Nam biết chồng tôi đã chết.

Chồng tôi không nói cho tướng Nam về việc anh ấy tự sát bởi vì lúc đó trong suốt ngày 30 tháng 4 có mấy cuộc tiếp xúc giữa họ nhưng cho đến cuối ngày thì họ mất liên lạc với nhau, và chồng tôi không thể liên lạc được với tướng Namnữa. Cho đến khi quân Cộng Sản tràn vào Cần Thơ thì chồng tôi mới tự sát.

Khoảng một giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, tiếng chuông điện thoại vang lên. Lần này thì đúng là tuớng Nam gọi đến.

- A lô, xin chào chị Hưng.

Tôi bật khóc khi nghe tiếng của ông:

- Chào trung tướng.

Giọng nói của tướng Nam đầy nỗi buồn:

- Tôi đã nghe tin xảy ra với thiếu tướng. Tôi xin chia buồn cùng chị, chị Hưng ạ.

Tôi khóc nức nở hơn. Tôi hỏi ông ấy kế hoạch sắp tới của ông là gì. Tôi nghe ông ấy bày tỏ tâm nguyện của ông qua điện thoại mà những lời đó cho đến hôm nay tôi không hề quên được. Tướng Nam nói:

- Số phận của cuộc chiến này thật khốn nạn! Chị Hưng ơi, chồng chị và tôi đã hoạch định mọi thứ rất suôn sẻ, thậm chí đến từng chi tiết, nhưng cuối cùng đã bị phản bội. Thật là...

Giọng nói của tướng Nam chùng xuống đầy nỗi đau:

- Thiếu tướng đã chết, chắc tôi cũng chết thôi. Chúng tôi là những người chỉ huy. Nếu chúng tôi không thể bảo vệ được tổ quốc thì chúng tôi phải chết vì tổ quốc."

Thế rồi giọng của ông trở nên bình tĩnh và cương quyết:

- Hãy dũng cảm lên, chị Hưng ơi. Chị phải sống vì các con của chị. Nếu tình hình có gì xấu và nguy hiểm thi hãy gọi ngay cho tôi.
- Xin cảm ơn trung tuớng.

Sau khi điện đàm với tướng Nam, tôi đi ra ngoài hành lang và nhìn xuống sân. Các sĩ quan và anh em binh sĩ đã đi khỏi. Cổng trại thì mở. Một cơn gió ùa vào qua cửa sổ gây nên những âm thanh nghe buồn bã làm sao. Tôi đứng đó và khóc một hồi lâu.

Bảy giờ sáng hôm sau, khi tôi cầu nguyện cho linh hồn chồng tôi vừa xong thì nghe có tiếng khóc nức nở của ai đó phía sau mình. Tôi quay lại thì nhận ra đó là Trung Tá Tùng, giám đốc bệnh viện quân đội Cần Thơ. Ông ta đến viếng xác chồng tôi lầncuối. Ông nói với tôi rằng ông phải quay trở lại bệnh viện ngay bởi vì tướng Nam cũng vừa mới tự sát. Xác của ông ấy đang còn trong bệnh viện. Tướng Nam đã tự kết thúc cuộc đời mình bằng một phát súng lúc 6 giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975.

Sau cuộc điện đàm với tướng Nam, tôi có linh cảm sẽ có chuyện đó xảy ra, và tướng Nam đã tự sát. Tuy vậy, cho đến khi Trung Tá Tùng báo tinh này thì tôi vẫn xúc động như thường. Tôi quì xuống, hướng mặt về bệnh việnquân đội nơi đang quàng xác của tướng Nam mà cầu nguyện cho linh hồn ông.

Người dân Cần Thơ biết mặt tôi và họ sẽ chỉ điểm tôi cho Cộng Sản. Vì thế tôi phải rời Cần Thơ ngay vào ngày 2 tháng 5 để lên Saigon lánh nạn cùng với các con. Tôi ở lại nhà của một vị thiếu tá quen biết với chồng tôi chỉ một đêm, rồi phải đi tìm mội nơi khác để sống, vì chẳng có ai cho tôi ở mãi trong nhà của họ khi chính họ cũng sợ hãi. Và tôi cũng sợ cho họ nếu chẳng may tôi mang lại liên lụy cho họ chăng.

Suốt những năm sau đó ở Saigon, tôi phải thay đổi nơi cư trú không biết bao nhiêu lần cho đến ngày tôi rời tổ quốc vào tháng 9 năm 1981. Tại sao có ít người sẵn lòng giúp đỡ tôi cho dù biết rằng chồng tôi là một anh hùng. Quí vị có sống trong một xã hội Cộng Sản thì mới hiểu được điều đó. Làm sao họ có thể giúp tôi mãi được. Nếu họ cứ giúp tôimãi thì cuối cùng họ cũng sẽ chết. Họ sẽ bị liệt vào danh sách đen của chánh quyền. Họ sẽ bị trừng phạt. Vì thế tôi phải luôn di chuyển chỗ ở là vậy.

Hầu hết phần lớn thời gian các con tôi đều sống bên cạnh tôi. Nhưng bất cứ khi nào Cộng Sản "đánh hơi" được chúng tôi thì tôi gửi các con cho mẹ tôi chăm sóc chúng cho đến khi nào mọi chuyện đã lắng xuống thì tôi lại đón các con về sống bên tôi. Tôi ít nhận được sự giúp đỡ vì rất ít người Saigon biết tôi là vợ của tướng Hưng. Tôi dấu kính việc này với mọi người. Suốt từ năm 1975 đến 1981 tôi đã không còn ý định tự tử nữa. Nhưng nếu tôi bị Cộng Sản bắt được thì tôi sẽ tự tử ngay. Tôi sẵn sàng chết trong một tư thế dũng cảm, không để bị tra tấn cũng không để bị mất mặt, cũng không để làm tổn thương đến danh dự của chồng tôi.

Suốt thời gian đó, ai có hạnh phúc chứ tôi thì không. Ai có thể sống hạnh ph6c được dưới chế độ Cộng Sản? Vào những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, mọi hy vọng của tôi vẫn còn và tôi vẫn hy vọng sẽ có một ngày quay trở lại, một sự trở lại như ngày trước vì có những tin đồn về những cuộc kháng chiến đâu đó vẫn xảy ra. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình phải lìa bỏ tổ quốc. Tôi vẫn còn hy vọng và nghĩ rằng một ngày nào đó Cộng Sản sẽ bị đánh bật ra khỏi miền Nam này.

Tuy nhiên, thời gian trôi đi tôi nhận ra rằng tình hình thuận lợi đối với người dân miền Nam chúng tôi không dễ dàng như tôi tưởng. Tôi quyết định chỉ có một con đường duy nhất có thể làm được mọi sự cho tổ quốc là vượt biển, rời bỏ quê hương ra nước ngoài, nơi đó tôi mới có thể thích nghi được tình trạng của tôi mà thôi. Chẳng có cách nào khác để tôi có thể trở thành một người hành động tíchc ực cho Việt Nam vì điều này đã theo tôi như hình với bóng. Nó gần gũi với tôi cả ngày lẫn đêm.

Khi chồng tôi còn sống, anh ấy không bao giờ nói với tôi chuyện rời bỏ quê hương, và cũng không hề có ý tưởng chạy ra nước ngoài. Nhưng bây giờ trong giấc mơ của tôi mỗi đêm, tôi lại thấy chồng tôi như trở về với tôi nói rằng Cộng Sản đang đến gần và tôi sẽ phải chạy trốn nữa. Cứ như thế mà anh ấy đã cứu mạng mẹ con chúng tôi nhiều lần. Cuối cùng thì tôi đã rời Việt Nam vượt biển trên một chiếc thuyền. Sau đó tôi và hai đứa con đã sống trong trại tị nạn 11 tháng trên đất Phi Luật Tân (Philippines). Sau đó chúng tôi được định cư tại Hoa Kỳ.

Ngoài sự tự do có được, tôi muốn tạo lập một cuộc sống mới cho các con tôi, và nuôi dạy chúng lớn lên tiếp tục noi theo con đường của cha mình. Tôi đã cố gắng thực hiện điều như tôi đã hứa với chồng tôi trước khi anh ấy mất. Lúc nào tôi cũng nghĩ về Việt Nam. Chắc chắn như thế. Việt Nam luôn ở trong tâm trí tôi. Vâng, đúng như vậy, tôi luôn mơ sẽ có một ngày trở về lại quê hương, và các con tôi sẽ còn nhớ về người cha của chúng.

Tướng Lê Văn Hưng và Nguyễn Khoa Nam đã chết. Nhưng tinh thần và tấm gương anh hùng của họ vẫn không chết. Tôi luôn nhớ đến và tôn vinh họ.