Nỗi Đau Ngày 30 Tháng 4 |
Tác Giả: Lê Đạo | |||
Thứ Tư, 21 Tháng 1 Năm 2009 13:34 | |||
Việt Nam ngày 10 tháng 4 năm 2008 Người dân miền Trung, qua thảm họa Tết Mậu Thân, bắt đầu hiểu cộng sản hơn và biết sợ cộng sản. Cứ nhìn vào những gì xãy ra trên hơn 100 km đường bộ từ Huế vào Đà Nẵng thì có thể đọc được tâm tư người dân họ nghĩ gì khi phải bỏ của chạy lấy người. Có phải nỗi ám ảnh, nỗi kinh hoàng về tính man rợ của cộng sản làm họ phải bỏ tất cả, từ mái nhà thân yêu cho đến mồ mả tổ tiên,... họ phải bỏ tất cả để tìm cái sống. Bởi vì sống với cộng sản thì có khác gì chết còn sướng hơn. Vào Đà Nẵng tôi tham gia cứu trợ đồng bào từ Huế vào, cập ở bến tàu Bạch Đằng. Chúng tôi mang cơm vắt đến bến Bạch Đằng để cứu trợ người dân từ Huế vào bằng đường biển. Thành phố Đà Nẵng vào những ngày ấy chật ních người. Nhà người anh họ của tôi phải chứa đến 40 người từ Huế vào. Tất cả đang lánh nạn: Nạn "cộng sản". Mẹ tôi bảo mua vé máy bay để tôi một mình vào Saigon để có thể tiếp tục học vì bà nghĩ rằng cộng sản chiếm thì hết học. Tôi thì vì hăng say công tác cứu trợ nên quên đi chuyện bỏ chạy tiếp. Bố tôi thì không dám bỏ nhiệm sở nên vẫn ở lại Huế. Chẳng lẽ tôi bỏ bố tôi ở Huế, mẹ và hai em tôi ở Đà Nẵng để một mình vào Saigon. Tôi thương mẹ tôi vì bà ấy nghĩ đến tương lai của tôi mà chấp nhận ở lại không có tôi. Thế là ngày 29.3 Đà Nẵng mất. Bầu khí u buồn phủ kín thành phố. Người dân thì chạy ngược chạy xuôi. Thành phố hỗn độn nhưng lạnh ngắt. Không ai nói với ai một lời, mà hình như ai cũng để cho đầu óc mình tưởng tượng về cái gọi là chủ nghĩa cộng sản, về cuộc sống trong xã hội cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản là thiên đường mà sao ai cũng bỏ chạy? Một tháng sau thì Saigon mất! Nỗi buồn sâu thẳm hiện rõ trên mỗi một nét mặt. Và thế là tôi phải đưa mẹ và em tôi trở lại Huế. Thành phố Huế là thành phố của công nhân viên chức và học sinh sinh viên. Cơ quan hành chính thì đã về tay cộng sản, trường học cũng thế, rợp đỏ cờ máu lại thêm tiếng nhạc rang rảng nhức tai. "Giải phóng miền Nam" là bài phải nghe đi nghe lại nhiều nhất. Miền Nam được "giải phóng" ư? Tôi hoàn toàn không tin là như thế! 33 năm trôi qua, miền Nam ra như thế nào sau cái ngày lịch sử ấy, mà nhiều người vẫn quen miệng gọi là "ngày giải phóng"? Trở lại với trường học, chúng tôi bắt đầu bị quản lý bởi tổ trưởng, lớp trưởng, hội liên hiệp thanh niên, đoàn thanh niên cộng sản. Những bộ mặt tổ trưởng, lớp trưởng, là những tên cơ sở nằm vùng hoặc là lý lịch có cha tập kết, liệt sĩ,... Họ trở thành những tên an ninh của trường, của đảng. Nhà trường trước đây không hề có "an ninh, cảnh sát", nhưng sau cái ngày 30. 4 thì lại có một lực lượng an ninh rất hùng hậu. Chúng nó là con cái những người có công với chế độ, được chế độ tin tưởng xử dụng. Chúng tôi không còn được nói năng tự do, hát hò, cũng như chuyện trò như ngày trước mà phải để ý đến chung quanh. Chúng tôi phải bắt đầu một khóa học chính trị. Sinh hoạt tổ để thảo luận, rồi còn phê bình và tự phê bình. Và cứ như thế chúng tôi phải cảnh giác mọi chuyện, mọi người. Hàng tuần phải đi lao động gọi là "lao động xã hội chủ nghĩa". Chúng tôi không thể giải thích được mục đích của những buổi lao động nầy và thường được động viên rằng "lao động là vinh quang". Cho dù có vinh quang hay không chúng tôi cũng phải lao động mà không được có ý kiến. Trước ngày tốt nghiệp, ai ai cũng phải hát "đi bất cứ nơi đâu khi đất nước đang cần". Thế nhưng là đoàn viên, đảng viên thì không phải đi bất cứ nơi đâu cả, mà được giữ lại trường để làm giảng viên; cho dù họ là những "top ten" được tính ngược từ dưới lên. Còn những top ten thực sự thì phải đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh, vùng kinh tế mới. Điều nầy giải thích lý do tại sao đã 33 năm mà nền giáo dục ngày một tụt dốc là thế. Thầy dốt thì trò cũng dốt, và từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, dốt truyền dốt lại cho dốt. Những vị đó bây giờ được hợp thức hóa bằng cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp 1, 2 nhưng vẫn vậy. Xin được đơn cử một thí dụ điển hình: Sau một phần tư thế kỷ, tôi trở lại trường xưa. Tôi muốn vào thư viện nên hỏi người bạn của tôi thể thức để kiếm sách và tài liệu như thế nào. Vì sợ rằng một phần tư thế kỷ thư viện sẽ phải văn minh hơn, tân tiến hơn. Hồi trước 1975, muốn tìm sách thì vào tủ thẻ, tìm cho được cuốn sách mình chọn và ghi tên sách, tên tác giả, nhà xuất bản và số hiệu. Sau đó đưa cho nhân viên thư viện, họ sẽ mang ra cho mình cuốn sách theo yêu cầu. Còn bây giờ, muốn mượn sách chỉ việc nói tên sách là có ngay. Nhân viên thư viện giỏi hơn xưa chăng? Không, là vì sinh viên bây giờ không đọc được sách ngoại văn mà chỉ đọc được sách tiếng Việt. Mà sách tiếng Việt thì không quá con số 100. Tủ thẻ danh mục sách xem như không còn xử dụng nữa!!! Có lẽ với câu chuyện thư viện trên chúng ta có thể thấy cái mốc 30.4 có phải là cái mốc của một sự tụt dốc trở về với sự lạc hậu? Không những thế, tệ nạn mua điểm trở nên phổ biến bắt đầu từ thập niên 80 và tăng dần cho mãi đến hôm nay. Nhà giáo bây giờ cũng phải chạy đua để làm giàu. Bởi lẽ một nhà trí thức nọ đã phát biểu: "Lúc nầy phải làm giàu, bất chấp mọi thủ đoạn!!!". Khẩu hiệu đó sau cái ngày 30.4 ngày càng đậm nét. Kể cả ngành y tế: chẳng hạn bác sĩ khuyên bệnh nhân trốn viện để về nhà chửa tư với mình! Đúng là bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả cái chết của đứa bé sơ sinh bị ỉa chảy mất nước nếu xãy ra! Giáo dục và y tế phải chăng là hai lãnh vực quan trọng nhất cho một xã hôi? Nếu đem so sánh với xã hội trước thì ngày 30.4.75 đúng là ngày đánh dấu cho sự tụt dốc về mọi mặt, đặc biệt là giáo dục và y tế. Về giáo dục: - Văn bằng của Việt Nam thời cộng sản không được một nước nào trong khu vực công nhận. Có người mang học vị tiến sĩ nhưng không hề biết một ngoại ngữ nào!!! Về y tế: - Bác sĩ được đào tạo đại trà và thậm chí rất què quặt cả kiến thức lẫn chuyên môn. Về kinh tế: -Họ huênh hoang là gia nhập WTO nhưng họ đâu có đủ trình độ để nắm vững luật chơi của tổ chức toàn cầu nầy! Về tôn giáo: - Phật giáo bị chia rẽ và chi phối bởi cái gọi là quốc doanh. 33 năm qua nhân dân cắn răng không nói được một lời bởi tự do ngôn luận bị khống chế tuyệt đối. Chỉ có nhà nước mới có quyền được nói. Nói hưu nói vượn cũng chỉ nhà nước mới được nói. Hơn 700 tờ báo là tiếng nói của nhà nước. Còn nhân dân không được nói, và điển hình là "bịt miệng" bằng vũ lực nếu không nói là bắt bớ, hành hạ cho dù bị áp bức tột độ. Cụ thể là biết bao vụ dân oan mất nhà mất đất không kêu được với ai. 33 năm, người dân vẫn phải chịu đựng, thắt lưng bóp bụng để trông đợi một thiên đường cộng sản chủ nghĩa đang ở cuối chân trời! Toàn dân đang thắt lưng buộc bụng đẻ nuôi một đám đầy tờ gồm hai bộ máy: một là chính quyền, hai là đảng. Cả "đám đầy tớ" nầy đang đè đầu cởi cổ nhân dân. Họ sống không cần vào đồng lương. Đồng lương họ chỉ cần đủ cho một chầu bia ôm, karaoke ôm cũng được. Họ có nhiều cách để kiếm tiền. Họ được cấp 1 nhà, 2 nhà rồi mua thêm nhà và rồi cho thuê,... Đó là chưa nói đến họ rút ruột ngân sách, họ buôn lậu, họ nhập hàng hóa vật tư với tiền thật nhưng là hàng giả,... Họ có cả 1001 cách để kiếm tiền, mà tham nhũng là cách phổ biến nhất. Nhìn lại chặng đường 33 năm, nhà cầm quyền cộng sản đã làm được gì cho quê hương đất nước nầy? 33 năm một nửa đời người, thế mà nhà cầm quyền cộng sản đã làm được gì? Xây dựng hay phá hoại? Giang sơn tổ tiên để lại họ bảo vệ hay là đem đi triều cống?... 33 năm qua bao nhiêu tội ác mà nhà cầm quyền cộng sản nầy gây ra. Tội ác của lũ Việt gian bán nước nầy không bút mực nào tả xiết! Một ngày nào đó chúng phải trả lời trước quốc dân trong và ngoài nước. Nhưng trước mắt thì sao? Nếu còn một con đường nào để "chạy giặc" thì nhân dân sẽ chạy. Cho dù biết rằng con đường đó có thể đưa đến cái chết như đồng bào ta đã tìm đường vượt biển. Nhưng không! Nhân dân không còn chạy đâu nữa bởi đã có một con đường. Đó là: Con đường DÂN CHỦ. Con đường mà những người tiên phong đã mở ra để đưa nhân dân thoát khỏi ách thống trị man rợ, hung tàn của cộng sản. Con đường mà Khối 8406, các anh hùng như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Luật sư Nguyễn văn Đài, Luật sư Lê thị Công Nhân,... đang soi dẫn để toàn dân đi theo. Và nhân dân ta không còn phải "chạy giặc" mà là đối mặt với giặc để giành lấy TỰ DO - DÂN CHỦ. Chỉ có TỰ DO - DÂN CHỦ mới có thể cứu được quê hương xứ sở đang ngày bị chúng phanh thây xẻ thịt, đem dâng cho ngoại bang và chia chát lẫn nhau. Chúng ta tin rằng, với sự cổ vũ và tiếp sức của ba triệu đồng bào hải ngoại, NỖI ĐAU NGÀY ẤY sẽ được biến thành CHIẾN THẮNG.
|