Thăm nghĩa trang |
Tác Giả: Bài và hình: Trần Tiến Dũng | |||||||||||||||||||
Thứ Sáu, 23 Tháng 1 Năm 2009 16:46 | |||||||||||||||||||
Viếng Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa: Những anh linh Việt Nam tuyệt đối Từ ngoài nhìn vào, dù nghĩa trang này không còn thuộc quyền quản lý của bộ đội nhưng vẫn còn nguyên các xí nghiệp, các cơ sở kinh doanh lớn nằm choán mặt tiền nghĩa trang. Sau hơn 30 năm mới chấm dứt thời kỳ được người dân gọi là: quân quản nghĩa trang, có lẽ điều này phần nào giúp bà con, thân nhân của gần hai mươi ngàn người lính VNCH nằm lại nơi đây và dư luận bớt đi nỗi u uất. Chúng tôi tấp vào một cái quán xập xệ, gần chỗ đặt bức tượng “Thương tiếc” trước kia để mua ít đồ cúng. Sau nhiều năm, thời tiết buổi sáng ở Sài Gòn lại trở lạnh. Ði qua chân ngọn đồi nơi đặt đài tử sĩ, chúng tôi không còn thấy những tấm biển đỏ cấm chụp hình, cấm tham quan... cái cảm giác bị đe dọa cũng vì thế mà vơi đi. Chúng tôi quẹo trái, đi về phía khu chôn cất tập trung những người lính VNCH hy sinh trước đây. Xưa kia, từ ngoài xa lộ nhìn vào, vẫn thấy những hàng mộ nằm uy nghi trên đồi, còn hôm nay, đến tận nơi thì hình ảnh đầu tiên mà người ta bắt gặp là bức tường xây bằng gạch lốc màu xanh, mốc meo, bên trên có thêm rào kẽm gai vây kín toàn bộ khu mộ. Ðể đến được với từng phần mộ, người ta phải đi qua một cái cổng. Phía trước văn phòng ban quản lý nghĩa trang, chúng tôi thấy có những tấm bảng, ghi những qui định dành cho người thăm viếng nghĩa trang và trên mỗi tấm bảng như vậy đều có hàng chữ trắng đề là: Nghĩa Trang - Nhân Dân Bình An. Ðây là tên gọi mới của Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Câu chuyện bên mồ tử sĩ Phan L. Giang Vào khu vực nghĩa trang, trước mắt chúng tôi là đài tưởng niệm uy nghi và hoang phế. Theo cách nhìn thông thường, những cảnh giống như phế tích này có thể làm nhiều người đau lòng nhưng có lẽ chính sự đau lòng xuyên năm tháng đó, cũng là điều mà hàng chục ngàn vong linh nơi này muốn nhắc nhở những người Việt đang sống và con cháu họ rằng, dù phiêu giạt nơi nào, sự bình an mà họ được hưởng cũng là nỗi đứt đoạn của những hy vọng từ chính mỗi mạch đất của nghĩa trang này. Chúng tôi đi theo con đường trải nhựa nhỏ, có đoạn cỏ dại phủ kín nhưng vẫn còn nguyên lớp nhựa đường xưa kia. Chu vi của những con đường này ôm hết cả ngọn đồi và phân chia nghĩa trang thành từng khu mộ thẳng hàng, ở mỗi khu mộ, tuy năm chôn cất có khác nhau nhưng những phần mộ vẫn cứ như một đoàn quân có quân kỷ, uy nghiêm giữa một không gian lẻ loi, đơn độc. Trong lúc xúc cảm, D. - người bạn đi cùng tôi nói: “Mình tìm ngôi mộ nào cúng đi”. Cả hai chúng tôi đều không có thân nhân nằm lại nơi này. Trước mắt chúng tôi là những hàng mộ có cái vừa được sửa sang, quét vôi, xây mới, làm cỏ... có cái vẫn là những núm xi măng đen thẫm, tróc lở, có cái chỉ còn là nấm đất, trơ trơ màu cỏ héo... Chúng tôi thật không biết chọn ngôi mộ nào để cúng vì đất ở đây, sỏi đá ở đây, tất cả chừng như đang nén chặt lại trong hơi lạnh hiu quạnh. Một ít tia sáng yếu ớt của buổi sớm Tháng Chạp giống như những bàn tay dịu dàng và mở rộng lòng chăm sóc cho từng gò đất và những mảng xi măng của những ngôi mộ bị bỏ quên ở đây. Một phần các ngôi mộ chỗ chúng tôi đứng đều được quét mới cùng một màu vôi trắng. Màu vôi mới nổi bật dưới những tán cây bàng, những tán cây bàng như những tấm bạt quân trang của người lính đã khuất đang tỏa bóng mát cho đất, cho cỏ và cho cả những côn trùng bé nhỏ đang theo mùa về sống cận kề bên những ngôi mộ. D. cầm đồ cúng đi theo tôi, chúng tôi đi về phía một người đàn ông trung niên đang cúng mộ anh trai của mình. Người lính có tên trên mộ bia là hạ sĩ Phan L. Giang, tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến, hy sinh năm 1969. Người đàn ông này cho biết ông là con trai duy nhất còn lại trong gia đình. Vài năm nay ông thay cha mẹ đến cúng mộ người anh. Ông nói: “Nếu còn sống, năm nay anh tôi cũng đứng tuổi rồi. Tôi còn một người anh, lính sư đoàn 5, chết trận, mất xác 1965”. Ông không nói gì thêm, chỉ lấy chai nước uống tưới đều quanh phần mộ người anh. D. - người bạn đi cùng tôi nói với ông: “Tôi cũng có người anh chết trận, mất xác ở Long Khánh năm 1972. Anh tôi chết khi mới hai mươi tuổi. Anh còn được một nấm mồ mà cúng mỗi năm cũng an ủi hơn tôi rồi”. Người đàn ông quay lại nói: “...Thì biết vậy nhưng mỗi lần đến đây nặng nề, u uất lắm ông ơi”. D. quay sang chỉ cho tôi thấy ngôi mộ sát chỗ tôi đứng, trên mộ bia có ghi dòng chữ vô danh. Không chần chừ, D. lặng lẽ mở gói đồ cúng ra. Khi mùi nhang trầm bốc lên, tôi có cảm giác thật lạ trong người. Có rất nhiều ngôi mộ vô danh. Vì sao những ngôi mộ ở đây lại trở nên vô danh? Khó tin là những người lính chôn cất ở đây lại không có danh tánh! Sự ác liệt của chiến tranh là nguyên nhân, thời gian làm phai mờ bia mộ, hay vì có người muốn xóa đi? Có khi chính sự sợ hãi của cả hai phe thắng và thua đã tạo ra sự vong ân với những người lính đã hiến dâng sự sống làm minh chứng cho tình yêu và nghĩa vụ đối với quốc gia và dân tộc, một bổn phận cao cả của mọi công dân dưới mọi chế độ xã hội... Một người giữ mộ Lúc cúi xuống thắp nhang cho nấm mồ vô danh, chúng tôi thấy bên góc bia mộ có một chữ Út. Chữ Út ghi bằng sơn đỏ này cũng thấy ở các ngôi mộ khác quanh đó đã khiến chúng tôi thoáng có thắc mắc. Trước khi rời đi, tôi nghe D. nói với ngôi mộ vô danh: “Tôi cũng có một người anh đi lính chết không tìm được xác, nay có dịp ghé thăm anh, coi như anh là anh tôi. Mong anh phù hộ cho tôi nghen!” Chúng tôi đi khỏi hàng mộ chôn những người lính hy sinh năm 1968 và 1969 mà đa phần là lính Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Ðộng Quân. Chúng tôi dự định đi một vòng cho biết hết nghĩa trang. Khi đi về phía một gia đình khoảng gần mười người đang quây quần sum họp bên mộ thân nhân thì chúng tôi nghe tiếng gọi từ phía xa... Một người đàn ông đội nón vải đi nhanh về phía chúng tôi, gặp chúng tôi, ông ta hỏi ngay là chúng tôi tìm mộ thân nhân tên gì, chết năm nào. Chúng tôi trả lời ông là chúng tôi tìm thấy thân nhân mình rồi và cám ơn ông. Ông chưa chịu đi, còn chúng tôi thì nghĩ chắc ông là người trong ban quản lý nên không muốn để chúng tôi quanh quẩn lâu trong nghĩa trang này. Người đàn ông nói: “Tôi thấy mấy anh đi lòng vòng, tôi tưởng các anh tìm không được mộ. Tôi tên là Út, người giữ mộ ở khu này”. Trong một thoáng tôi nhớ đến chữ Út trên những bia mộ, tôi hỏi phải ông là người ghi tên Út trên bia mộ không. Ông gật đầu. Chúng tôi bỗng nhiên cũng gật đầu với ông. Khi chúng tôi hỏi thăm, ông kể ông tên là Nguyễn Ngọc Ẩn, còn gọi là Út Ẩn. Trước đây ông là lính sư đoàn 18, tiểu đoàn 234, bị thương nặng rồi giải ngũ năm 1971. Sau năm 1977 ông xin vào giữ mộ ở nghĩa trang này. Ông nói với giọng xúc động: “Tới giờ tôi vẫn còn giữ gần hai ngàn ngôi mộ. Có mộ có thân nhân đến viếng mỗi năm, có mộ thì đôi ba năm nhưng tội nhất là có mộ ba mươi mấy năm nay chưa từng có ai đến. Thời cuộc ly tán kinh khủng quá mấy chú ơi. Với tụi tôi, dù có tự hứa, mộ nào cũng chăm sóc như nhau nhưng mà tránh sao được chuyện người ngoài nhìn vào, có mộ thì tươm tất, có mộ thì bỏ bê. Tụi tôi chỉ cố sao mỗi năm dọn dẹp cỏ rác sạch sẽ là yên lòng rồi. Nếu mộ có thân nhân cho ít tiền công thì coi như lấy đó bù qua công làm mả cho những mộ không thân nhân khác”. Ông thành thật cho biết, mỗi năm, vào dịp Tết, ông cũng kiếm được bốn, năm triệu đồng. Chúng tôi không lạ gì chuyện những người kiếm thêm thu nhập bằng việc giữ mộ ở các nghĩa trang Việt Nam nhưng ở nghĩa trang đặc biệt này, trường họp ông Út Ẩn, một cựu quân nhân VNCH tình nguyện giữ mộ cũng có ý nghĩa nào đó. Dù sao cũng cảm phục cái nghĩa tình của một cựu quân nhân như ông, dành trọn phần đời còn lại để chăm sóc mộ phần đồng đội. Lúc chia tay ông, nhìn cái dáng rắn rỏi nhưng đã già của ông, có gì đó hối thúc khiến tôi phải nói: “Ông tin không, chính người lính vô danh mà chúng tôi cúng mả lúc nãy đã khiến cho gặp ông, chứ giữa cái nghĩa trang mênh mông này, biết ông là ai mà kiếm. Cầu cho ông khỏe để chăm sóc cho mấy ông ấy”. Ông gật đầu nói: “Cỡ tuổi này còn đi đâu được, hơn nữa đã có lời hứa với mấy ổng rồi. Mấy ổng linh lắm mấy chú còn trẻ không hiểu hết được đâu...” Chuyện từ quán bên nghĩa trang Trời gần về trưa, chúng tôi tìm vào một cái quán bên đường, đối diện với tường nghĩa trang. Dù có vẻ mới mở nhưng quán vẫn là kiểu quán thôn quê. Toàn bộ khu vực quanh nghĩa trang này có nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh nhưng những hàng quán ở đây đều chỉ đắt hàng vào dịp tảo mộ và thanh minh. Ðây là câu chuyện mà ông chủ quán có tên là Bùi Văn Tư, sinh năm 1956, tên thường gọi là Tư xe xúc. Ông Tư kể: “Nhà tôi là cố cựu ở ấp Trung Thắng này. Tôi làm nghề lái xe, thường vắng nhà, vợ tôi cũng là người giữ mộ trong nghĩa trang, bả giữ hơn sáu trăm ngôi mộ. Cách đây chừng hai mươi năm, đúng vào dịp tảo mộ, vợ tôi bị bệnh, nằm nhà thương, tôi xin nghỉ chạy xe, vừa chăm sóc vợ, vừa thay vợ giẫy mả mấy ổng. Vợ tôi dặn đừng lo cho bả mà bỏ mấy ổng tội lắm. Lúc giẫy mả tôi có vái, 'Mấy ông linh thiêng thì phù hộ cho tôi mạnh khỏe làm đủ ăn, mỗi năm cứ Tháng Chạp, dù ở xa tôi cũng về giẫy mả các ông'. Tôi vái như vậy mà đâu ngờ là mấy chục năm nay mấy ổng khiến y như vậy. Nói mấy chú không tin, chứ mỗi năm cứ tới cuối Tháng Mười Một, đầu Tháng Chạp là xe tôi bị hư. Chủ xe nghi tôi phá. Tôi nói với chủ xe, ‘Cái cục sắt của ông cũng là cái nồi cơm của tôi, tôi có muốn phá cũng không được’. Rồi tôi kể cho chủ xe nghe chuyện tôi hứa với mấy ổng. Không ngờ chủ xe tin, có năm, chưa tới Tháng Chạp chủ xe biểu tôi nghỉ sớm để về giẫy mả. Có khi còn gởi tôi tiền cúng mấy ổng. Tôi cũng có chuyện này, kể thêm cho mấy chú nghe để biết mấy ổng linh dễ sợ. Hồi thanh niên, bị truy bắt nghĩa vụ quân sự, có đợt công an lùng rát quá, ban ngày đi làm chui, tối về trốn vào nghĩa địa cầu liền miệng xin mấy ổng phù hộ che chở, tôi sợ đi Miên chết hơn sợ ma. Nhờ vậy mà được yên thân tới giờ”. Hiện tại ông Tư không còn làm nghề lái xe nữa, ngoài khoản tiền kiếm được từ quán cà phê mới mở, mỗi năm, vào dịp tảo mộ, gia đình cũng có một khoản thu nhập nhất định. Chúng tôi rời khỏi khu nghĩa trang và đi đến đài tử sĩ. Ngọn đồi này dù không còn treo bảng là khu vực quân sự nhưng vẻ hoang tàn ở đây lạnh rợn người. Ðâu ai biết chắc là bao lâu nữa, nơi đây có bị những người đang phát cuồng vì chạy theo lợi nhuận làm ô nhiễm tất cả. Chúng tôi ghi lại vài tấm hình và tin rằng dù đài tử sĩ này không có khói hương, không tiếng kinh, không câu kệ, tứ bề tràn ngập xác lá vàng, cỏ dại và tiếng rền của gió, dù ngày qua và hôm nay, đời có vô tâm đến mấy đi nữa thì nơi đây vẫn ngự vẹn nguyên ánh sáng. Ánh sáng từ những anh linh uy nghiêm. Sự chia rẽ của dân tộc từ cuộc chiến khốc liệt hơn ba mươi năm trước vẫn không thể khỏa lấp. Nhưng trên hết và cũng là sau cùng, những người lính chôn cất ở đây cũng như tất cả những người lính tử trận khác. Họ mãi mãi vẫn là những anh linh Việt Nam tuyệt đối. Trên đường về, gần tới cầu Sài Gòn, tôi thấy một cô bé ngồi sau một chiếc xe hai bánh gắn máy do một người đàn bà cầm lái, hai tay cô bé giữ một bịch nylon, trong đó có một con cá chép lớn. Cô cố sức giữ cho nước đứng sóng sánh trong khi miệng bịch mở để con cá chép có một khoảng không gian nhỏ mà thở. Tôi đoán họ là hai mẹ con đang trên đường đến sông Sài Gòn để thả cá chép trong ngày đưa ông Táo về Trời... Ðó là một con cá may mắn trong những ngày cuối năm này, đó cũng là con cá mà khi về lại với tự do, chắc chắn nó sẽ mang theo những ước nguyện về một cuộc sống no đủ và bình an cho người thả nó, một ước muốn đơn giản mà con người luôn lặp đi, lặp lại khi Tết đến, Xuân về. Dù những ước nguyện ấy luôn lập đi, lập lại nhưng không có nghĩa là ai cũng đạt được. Trong bối cảnh suy thoái của xã hội hiện nay, số phận của mỗi công dân đều bấp bênh như nhau. Tôi dừng xe cùng hai mẹ con cô bé trên cầu Sài Gòn và nghe người mẹ vừa thả cá chép, vừa nói. “Ði đi ông. Ði đi ông!” Khi con cá rơi từ trên cầu xuống nước, bà lập lại: “Ði đi ông”... Sau hình ảnh con cá từ lúc chới với trong khoảng không, rồi chạm mặt nước, đến lúc con cá con cá cựa quẫy rồi bơi đi, tôi nghe bà la lớn với giọng vui khôn tả: “Ði đi ông, ông đi rồi, ông đi được rồi...” Lời bà gởi theo con cá chép lặp đi lặp lại như một câu kinh. Câu kinh không còn mang ý nghĩa xin điều gì đó cho riêng bà và gia đình bà. Nó mang một mong muốn mãnh liệt, bên dưới dòng sông Sài Gòn ô nhiễm và đầy rác kia: Con cá sẽ về với bến bờ tự do.
|