Không bỏ rơi PDF Print E-mail
Tác Giả: VDT   
Chúa Nhật, 22 Tháng 2 Năm 2009 07:30

Không bỏ rơi đồng đội

Những người thợ xây lại mộ tử sĩ tại Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa làm lễ cúng vong tại bàn thờ chung Khu G1. Phía sau là dãy mộ mới được xây. (Hình: Nguyễn Quang Hạnh cung cấp)

  

Ông Nguyễn Quang Hạnh, hội trưởng Hội Bạn của Thương Binh VNCH, tại ngôi mộ vừa được đắp đất trong năm 2007. Tính đến nay, ông đã quyên góp và tổ chức đắp đất được hơn 1,000 ngôi mộ, xây mới 206 ngôi mộ tại Khu G1 Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. (Hình: Nguyễn Quang Hạnh cung cấp)

 
 Ông Nguyn Quang Hnh bên ngôi m t sĩ Huỳnh Văn Bé mi được xây năm 2007. (Hình: Nguyn Quang Hnh cung cp)

Mỗi quốc gia đều có những nghĩa trang dành cho những người đã xả thân, hy sinh cho đất nước, dân tộc. Ðối với người Mỹ, ai cũng mong muốn một lần trong đời được đến Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington (Virginia) để cúi đầu tưởng niệm, hay đặt xuống một bông hoa để tỏ lòng biết ơn. 

Chúng ta cũng có một nghĩa trang như thế, Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Chúng ta cũng muốn thể hiện lòng biết ơn của mình đối với những chiến sĩ trận vong, nhưng đã không được phép trong một thời gian dài. Bức tượng Tiếc Thương bằng đồng đen bị giật xuống, và số phận của bức tượng này vẫn còn là điều bí mật.

Theo tài liệu, tính đến Tháng Tư, 1975, đã có hơn 16,000 chiến sĩ QLVNCH được an nghỉ tại đây. Hơn 8,000 phần mộ đã được xây cất hoàn chỉnh, số còn lại chỉ mới được đắp đất. Sau Tháng Tư Ðen, Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa bị phá hoại dưới nhiều hình thức như đập nát hình chỉ để lại chữ, gần một nửa bia mộ bị xô ngã, số khác thì xiêu vẹo, ngả nghiêng. Khu nghĩa trang thiêng liêng trở thành nơi hoang phế, tiêu điều.

Theo tài liệu của Trung Tâm Ðịnh Cư và Văn Hóa Di Dân (IRCC, San Jose), bắt đầu từ năm 1980 mới có các thân nhân lên thăm mộ, đặc biệt là những người chuẩn bị vượt biên. Chính thân nhân của tử sĩ, trong tình cốt nhục “mở cuộc chiến mới.” Không cần lãnh đạo, không cần chỉ huy, không cần lý luận, những người vợ đi tìm mộ chồng, người con đi tìm mộ cha, gia đình đi tìm mộ của người thân yêu.

Một lần không được thì hai lần. Ngày qua ngày, con đường nghĩa trang xưa mở ra những lối mòn. Xe ôm đi tảo mộ. Ði xe ngựa lên tảo mộ.

Qua thập niên 1990, các chiến binh cải tạo được tự do bắt đầu trở lại thăm viếng bạn đồng ngũ, và lên từ giã trước khi HO qua Hoa Kỳ. Sau đó, Việt Kiều bắt đầu trở về thăm viếng, và nhiều gia đình bốc mộ hoặc sửa sang lại phần mộ.

IRCC đã thực hiện chương trình tảo mộ hàng năm tại Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa từ cuối năm 1997 đến nay dưới nhiều hình thức, nhưng không phô trương để tránh rắc rối với chính quyền trong nước, như tổ chức từng toán nhỏ về tảo mộ gia đình, giúp phương tiện cho anh em TPB thực hiện, khích lệ Việt Kiều về thăm và sửa sang phần mộ thân nhân. Phần mộ vô danh cũng được làm cỏ, sơn quét lại, dựng mộ bia. Cổng Tam Quan và Ðền Liệt Sĩ cũng đã được dọn dẹp. Tuy nhiên, chỉ làm từng phần và làm nhiều lần.

Vẫn theo IRCC, đặc biệt từ năm 2000 đến nay, các thân nhân và hội đoàn người Việt đã biết đến việc tảo mộ nên từ bốn phương tìm về thăm viếng dọn dẹp. Tại địa phương đã có những người chuyên làm công việc chỉ đường, sẵn sàng giúp việc tảo mộ hay săn sóc phần mộ quanh năm và trở thành một thứ dịch vụ tại nghĩa trang

Kể từ Tháng Bảy, 2007, chính quyền Cộng Sản Hà Nội ra lệnh bàn giao việc quản trị cho dân sự tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ðơn vị bộ đội rút đi. Khu vực doanh trại được sửa chữa làm trường dạy kỹ thuật. Một bức tường ở phía Bắc được xây thêm để ngăn cách khu trường học với nghĩa trang. Các tấm bảng “cấm chụp hình” được gỡ đi. Nghĩa trang này được chính quyền địa phương đổi tên là Nghĩa Trang Nhân Dân Xã Bình An. Sau khi các gia đình cải táng, vẫn còn lại trên 10,000 ngôi mộ. Từ 34 năm qua không có ai chôn cất thêm, và hiện nay cũng không có một quy chế rõ ràng về việc bảo toàn hay cho phép ai được chôn cất.

Bây giờ vẫn còn gần 10,000 ngôi mộ. Có gia đình thân nhân kiên quyết không bốc mộ, để người chiến sĩ ở lại chiến trường. Cũng có khi thân nhân chẳng còn ai. Bia mộ có tên mà trở thành vô danh. Cũng có gia đình nghèo khổ không có phương tiện. Nhưng hàng ngày, hàng năm, vẫn còn những người trở lại thăm viếng. Họ ở cùng khắp trên đất nước và họ ở cùng khắp trên địa cầu. Họ không quên người đã chết, họ đến với nghĩa trang và họ đã làm cho nghĩa trang tồn tại.

Tôi được gặp một người đã và đang âm thầm làm những việc như thế. Ông không có thân nhân nào an nghỉ tại nghĩa trang này, việc ông làm chỉ vì vẫn nặng lòng với những người đã cùng vào sanh ra tử với mình. Ông là Nguyễn Quang Hạnh, hội trưởng Hội Bạn của Thương Binh VNCH tại Pháp.

Không bỏ rơi đồng đội

 “Những ngày cuối Tháng Tư, 1975, tôi chỉ huy một tiểu đoàn hỗn hợp với khoảng 400 anh em có mặt tại Ngã Ba Dầu Giây. Chúng tôi đụng độ với một sư đoàn Việt Cộng, cuối cùng chỉ còn khoảng 80 anh em. Chúng tôi mở đường máu rút lui về Xuân Lộc thì bị bắt làm tù binh. Ðó là ngày 8 Tháng Tư.”

Ông Hạnh mở đầu câu chuyện bằng đôi mắt trầm tư. Cuộc chiến cuối cùng chắc vẫn đè nặng trong lòng ông bởi những tổn thất không gì bù đắp được. Hơn 320 chiến sĩ hy sinh chỉ trong vài giờ giao tranh, còn lại bị bắt trước khi Sài Gòn thất thủ.

Ông nhớ lại: “Những ngày đó, tôi cũng đã đưa rất nhiều anh em vào nhà xác. Tôi nghĩ đơn giản là mình sống được đến ngày nay là nhờ anh em cấp dưới. Nếu anh em không thương mình thì mình cũng chết sớm rồi.”

Ðó là lý do sau khi ra tù cuối năm 1983, ông đã đến Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, dù chỉ được đứng từ xa vái vọng lại: “Xin các anh em yên nghỉ, tôi sẽ trở lại!”

Và đó cũng là lý do sau khi được định cư tại Pháp năm 1985, ông thành lập Hội Bạn của Thương Binh VNCH để giúp đỡ anh em, chiến hữu ở quê nhà.

Ông cho biết: “Khi ra tù gia đình tôi phải đi kinh tế mới. Tại đây, tôi gặp một số đồng đội và anh em thương phế binh. Chúng tôi đã chia sẻ gian khổ với nhau một thời gian. Khi đến Pháp, cuộc sống ổn định rồi thì tôi nghĩ về anh em, đồng đội rất nhiều. Lúc đó muốn gởi tiền, thuốc men về cho anh em không phải dễ. Bạn bè chúng tôi bên Pháp chia nhau đi gởi từng chút một để chính quyền trong nước không làm khó dễ người nhận, nhưng họ vẫn bị chính quyền địa phương gọi lên dò hỏi, quy tội cho người gởi là CIA gởi tiền về phá hoại, vân vân... Sau đó, tôi thấy muốn làm thì phải có danh chánh ngôn thuận, nên tôi và một số anh em đứng ra thành lập hội để dễ dàng giúp đồng đội tại quê nhà.”

Trong 19 năm hoạt động, hội đã trợ giúp được hơn 30,000 hồ sơ thương phế binh, trẻ mồ côi, khuyết tật... Theo tài liệu của hội, về phế binh được giúp tiền mặt, $50-$100 mỗi đợt, xe lăn, chân giả. Ngoài ra, hàng năm hội tổ chức phát quà Tết cho các em mồ côi tại các cô nhi viện thuộc Phật Giáo và Công Giáo. Hiện nay, mỗi ngày hội nhận được từ 5 đến 60 hồ sơ, các thành viên của hội chịu trách nhiệm phân loại ưu tiên theo mức độ tàn phế và hoàn cảnh gia đình. Nguồn tài chánh hoạt động đều dựa vào những tấm lòng nhân ái của người Việt ở Pháp, các nước Châu Âu, Canada và Hoa Kỳ.


Nén hương lòng

 “Sự trăn trở lớn nhất đeo đuổi tôi suốt 34 năm qua là có một ngày nào đó tôi được vào nghĩa trang để thắp cho anh em tử sĩ một nén nhang. Tôi đã về Việt Nam nhiều lần nhưng chưa thực hiện được vì nơi đây là khu vực quân sự.”

Năm 2003, ông thực hiện chuyến về Việt Nam đầu tiên kể từ ngày định cư tại Pháp và “được” chính quyền mời lên “hỏi thăm vài chuyện,” nhất là chuyện giúp đỡ thương phế binh VNCH. Họ nói với ông là mọi thành phần trong xã hội (kể cả TPB.VNCH) đã được nhà nước lo. Ông hỏi văn bản chính thức của nhà nước về vấn đề này, họ mới im lặng.

Ông kể: “Tôi nói thẳng với họ rằng đây là việc tôi phải làm, vì tôi rất nặng nợ với anh em.”

Năm 2007, ông lại về và lần này thì được vào nghĩa trang. Ông kể tiếp: “Năm đó, họ (chính quyền) đã cho người dân vào sửa sang mộ phần, vì nghĩa trang đã thành khu dân sự. Một số anh em TPB.VNCH và người nghèo địa phương đã tự tạo công ăn việc làm cho mình bằng cách giúp đỡ những người đi viếng mộ. Họ tìm mộ, đắp đất, sửa sang lại mộ theo yêu cầu. Họ chia từng khu vực để làm việc, không xâm phạm đến nhau để cùng sống.”

“Tôi hỏi thăm một bà làm dịch vụ ở đây, nói với bà là tôi tìm mộ người anh nhưng mộ bia đã mất, do đó tôi muốn dọn cỏ cho vài ba chục mộ vô chủ, may ra có mộ của anh tôi. Thế là bà ấy làm giúp.”

Qua câu chuyện với những người làm dịch vụ nghĩa trang, ông được biết rằng những người buôn bán tại chợ Biên Hòa, Thủ Ðức, cũng thường hay đến đây dọn cỏ, thắp nhang vào hai ngày cuối tuần. Có người nhờ dọn cỏ 10, 20 ngôi mộ. Họ nói với ông là họ đã đến cầu xin tử sĩ cho buôn may bán đắt để nuôi gia đình. “Các anh ấy đã phù hộ chúng tôi, nên chúng tôi thường vào đây dọn cỏ, thắp nhang,” họ nói với ông như thế!

Năm 2008, ông về thăm lại nghĩa trang thì thấy những ngôi mộ được đắp năm ngoái bị sạt lở, mất đất, nên ông nghĩ mình phải xây cho đàng hoàng. Ông kể: “Muốn xây mộ thì mình phải xin phép bộ phận quản lý nghĩa trang. Tôi cũng trình bày với họ là chúng tôi làm nhân đạo, để những ngôi mộ cứ bị sạt đất hoài như thế thì có tội với người đã khuất. Thế là họ cho thôi.”

Ông đã xin được làm mới 350 ngôi mộ tại Khu G1. Hiện nay, mới chỉ làm được hơn 200 mộ. Ông cho biết: “Việc tôi làm tôi không chính thức kêu gọi, chỉ làm bằng tiền túi, rồi gia đình, bà con, bàn bè biết chuyện, mỗi người giúp xây vài chục ngôi mộ, chi phí trung bình khoảng $50 một mộ. Ngoài ra, những ân nhân đã giúp trong chương trình TPB.VNCH qua hội biết chuyện cũng đóng góp, người cho 1, 2 mộ...”

Tại Khu G1, ông cho xây một bàn thờ chung, để mỗi đợt làm mộ mới cho anh em tại đây, đoàn làm mộ lại tổ chức mọt mâm cơm cúng chung cho tất cả.

“Cái chính tôi kể chuyện này không phải vì vận động quyên tiền để tôi làm. Tình hình bây giờ cho phép chúng ta vào nghĩa trang thì nếu bà con nghĩ đến anh em nằm xuống thì khi về nước xin hãy bỏ một buổi đến đó thắp cho anh em một nén nhang. Nếu có tiền thì mướn người ta làm mộ cho anh em. Nếu ít tiền thì nói người ta đắp đất cho anh em, chỉ chừng $5 thôi mà giữ lại được mái nhà cuối đời cho tử sĩ. ‘Nhà đất’ cũng là nhà. Chúng ta hãy tạo thành một phong trào, người Việt mình tới nhiều, xây mộ nhiều thì chính quyền trong nước sẽ khó bỏ được nghĩa trang này.”

Mỗi năm có cả hàng trăm ngàn người Việt khắp nơi về thăm quê hương. Chỉ cần một phần mười số người này đến Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa thắp một nén nhang bên ngôi mộ người chiến sĩ vô danh thôi cũng đủ.

Xin hãy một lần đến đây, đứng dưới Nghĩa Dũng Ðài để thấy hồn nước vẫn còn đó, các chiến sĩ của chúng ta vẫn còn đó. Gần 10,000 tử sĩ không chỉ nằm chờ gia đình, đồng đội mình đến thăm mà chính họ đang tử thủ trong mảnh đất tự do cuối cùng!