Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (09)

Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (09) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Hai, 11 Tháng 5 Năm 2009 06:29

(Tiếp theo)

Sau Ðại Hội VIII, năm 1997 là một năm xảy ra nhiều biến cố đối với Việt Nam. Dù cho cơn khủng hoảng kinh tế tại các nước Á Châu như Thái Lan, Singapore, Ðại Hàn, Nhật Bản... phải nửa năm sau mới ảnh hưởng tới Việt Nam, nhưng kinh tế Việt Nam trong năm 1997 cũng đã có những dấu hiệu suy thoái. Ngoài cơn bão Linda gây cảnh bão lụt tại miền Nam và miền Trung khiến mức sản xuất lúa gạo bị giảm sút, một lý do khác là hệ thống ngân hàng của Việt Nam chưa vững mạnh khiến cho những công ty ngoại quốc phải ngần ngại khi đầu tư và cuối cùng, lý do quan trọng nhất là sự lãng phí và kém hiệu quả của những công ty quốc doanh. Từ năm 1997, số tiền ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam mỗi ngày một giảm. Một số công ty ngoại quốc đã phải đóng cửa hoặc vì lỗ lã, hoặc do những trở ngại hành chánh hay tham nhũng. Tuy thế, những phần tử bảo thủ vẫn muốn duy trì và phát triển những công ty này vì “định hướng xã hội chủ nghĩa” là niềm hy vọng duy nhất của họ để sẽ có một ngày, tất cả đều sẽ trở lại là kinh tế nhà nước, tất cả sẽ chỉ còn là những công ty quốc doanh.

Cơn khủng hoảng kinh tế của các nước Ðông Nam Á như Thái Lan, Ðại Hàn, Nhật Bản... năm 1997 khiến cho họ nghĩ đường lối kinh tế chỉ huy là đúng đắn và càng làm cho họ cứng rắn hơn nữa để kiềm hãm đà đổi mới. Những biện pháp đổi mới mấy năm trước đã làm đời sống người dân tương đối thoải mái hơn trước, nhưng so với những nước lân bang, người dân Việt Nam vẫn còn rất nghèo. Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, lợi tức bình quân hàng năm mỗi người dân Việt năm 1997 là 350 Mỹ kim, chỉ ngang với Bangladesh. Trong khi đó, lợi tức hàng năm của người dân Phi Luật Tân cao hơn gấp ba lần (1,000 Mỹ kim), Thái Lan cao hơn gấp 7 lần (hơn 2,000 Mỹ kim). Dù có những biện pháp cởi mở về nông nghiệp, lợi tức của nông dân vẫn thua xa người dân thành thị. Thống kê của Bộ Nông Nghiệp cho biết sau khi trừ hết chi phí, lợi tức trung bình của nông dân là dưới 100 Mỹ kim, trong khi lợi tức trung bình dân Hà Nội là 800 Mỹ kim, Sài Gòn 1,000 Mỹ kim.

Trước hoàn cảnh đời sống khốn khó và bị chèn ép, tháng 5 năm 1997, nông dân tỉnh Thái Bình vùng lên biểu tình phản đối những cán bộ địa phương tham nhũng, đặt ra những thuế khóa vô lý (thuế đất, thuế thầy giáo...), trả tiền lúa gạo mà nông dân bán ra thật rẻ so với giá thị trường, chiếm hữu đất đai cho gia đình, bạn bè, lại ép nông dân phải xung phong lao động xã hội chủ nghĩa không công ít ra là 10 ngày trong năm. Việc đánh thuế vô lý đến nỗi tiền thuế thu được trong 3 năm từ 1994 đến 1997 của tỉnh Thái Bình bội thu hơn con số dự trù của trung ương đến 176 tỷ đồng (khoảng 16 triệu Mỹ kim). Khởi xướng và đứng đầu những cuộc biểu tình phản đối ở Thái Bình đều là những cán bộ hoặc bộ đội về hưu, họ đã tổ chức biểu tình qui mô, cho người già và trẻ em đi trước, cựu cán bộ đi sau, sau đó mới là thanh niên.

Suốt từ tháng 5 đến tháng 12, ký giả hoặc nhân viên những tổ chức thiện nguyện ngoại quốc đều bị cấm không được đến tỉnh Thái Bình. Mới đầu, những cuộc biểu tình còn ôn hòa, nông dân chỉ mong muốn được giảm thuế, nhưng vì chính quyền địa phương không chịu giải quyết nên đã trở nên bạo động. Một số nông dân và viên chức bị tử thương, nhất là ở huyện Quỳnh Phú. Công an và ủy ban hành chánh nhiều xã đã phải bỏ nhiệm sở chạy trốn. Những cuộc biểu tình này đã diễn ra trong nhiều tháng. Chính quyền trung ương ở Hà Nội phải đem 1,200 công an đặc biệt từ những nơi khác đến để ngăn chận không cho phong trào chống đối lan tràn. Ðồng thời, đảng cử Phạm Thế Duyệt, một ủy viên Bộ Chính Trị người tỉnh Thái Bình đến dàn xếp. Chính quyền đã phải công nhận lầm lỗi, giải nhiệm một số viên chức địa phương, đưa ra một vài biện pháp xoa dịu. Nhưng mặt khác, họ cũng đã bắt một số người biểu tình đưa lên đài truyền hình ép phải thú nhận tội lỗi là đã có hành động “chống đối” lại Ðảng và nhà nước. Trong một bài báo đăng ở báo Ðảng, bí thư tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Xuân Lai tiếp tục coi những người đạo Công Giáo trong tỉnh là những phần tử khả nghi và kêu gọi Ðảng phải tăng cường cảnh giác.

Sau nhân dân tỉnh Thái Bình, đến tháng 11, 1997, đến lượt nhân dân tỉnh Ðồng Nai (Biên Hòa cũ). Tại vùng đất của dân Công Giáo, giáo dân biểu tình phản đối những cán bộ địa phương đã ngang nhiên truất hữu đất đai nhà thờ. Tuy nhân dân tỉnh Ðồng Nai không được xếp hạng là thành phần tốt đối với chính quyền, nhưng họ đã biểu tình ngay trên quốc lộ 1, ngăn chặn con đường lưu thông huyết mạch Bắc Nam và đã chọn thời gian biểu tình vào lúc có một hội nghị quốc tế gồm những nước biết nói tiếng Pháp tổ chức ở Hà Nội để gây tiếng vang. Như thường lệ, chính quyền phong tỏa tỉnh Ðồng Nai, cấm người ngoại quốc lai vãng và trên báo chí quốc nội, không một báo nào được phép đăng tin. Phạm Thế Duyệt lại đóng vai trò dàn xếp và chính quyền lại hứa hẹn sửa sai. Một thời gian sau, Bộ Trưởng Phát Triển Nông Thôn là Nguyễn Công Tấn bị mất chức.

Hiển nhiên là những phản kháng của nông dân đã gây chấn động trong hàng ngũ lãnh đạo. Vào tháng 8, Bộ Nông Nghiệp loan báo ban hành “mười chính sách lớn” cho nông thôn, gồm có tu sửa, cải thiện hệ thống đường sá, giảm thế khóa cho nông dân và thiết lập một qui chế sở hữu đất đai rõ ràng, không cho cán bộ lạm dụng. Ngày 21-11-1997, Thủ Tướng Phan Văn Khải trong diễn văn đọc trước quốc hội cũng nhấn mạnh đến chương trình cải tạo nông thôn, còn Tổng Bí Thư Ðỗ Mười trước khi từ chức, cũng kêu gọi phải diệt trừ tham nhũng trong hàng ngũ Ðảng viên.

Tuy nhiên, vấn đề diệt trừ tham nhũng trong nội bộ Ðảng kể trên chỉ được thi hành theo những ý hướng và mục tiêu chính trị. Dù báo chí đã được Hữu Thọ, Trưởng Ban Tư Tưởng Văn Hóa của Ðảng cho là “tiếng nói của Ðảng, của nhà nước, của những tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân” (ngày 25-8-97), nhưng chỉ hai tháng sau, ký giả Nguyễn Hoàng Linh, tổng biên tập báo Doanh Nghiệp bị bắt vì đăng bài phanh phui những gian lận liên quan đến việc mua 4 tàu tuần cho Cục Thuế Quan. Tòa soạn những báo Hà Nội Mới, Tiền Phong, Thương Mại Pháp Luật cũng bị tra xét vì bị nghi ngờ với cùng một tội là “tiết lộ bí mật quốc gia”. Cũng trong tháng đó, một phóng viên hãng Reuter bị hành hung và bị bắt về Bộ Nội Vụ tra hỏi khi anh ta chụp hình một toán phụ nữ biểu tình ở công viên Ba Ðình. Tháng 12, 1997, nhà văn Phạm Văn Viêm bị công an Việt Nam bắt cóc ở Bulgary và mang về Hà Nội sau khi anh dịch cuốn “ Chế Ðộ Phát Xít” (The Fascist Regime) của Tổng Thống Zhelev, vị tổng thống Bulgary không cộng sản đầu tiên của Bulgary. Anh bị giam và lúc sau này không nghe tin tức. Những học giả, nhà thơ, nhà văn như Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu cũng bị làm khó dễ và theo dõi. Trong thời kỳ tiền hội nghị của những quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội tháng 11-1997, khi Liên Ðoàn Phóng Viên và Ký Giả thảo một thông tư trong đó có đoạn lên án sự đàn áp báo chí tại 16 trong 49 quốc gia tham dự. Tuy thông tư này không chỉ đích danh một nước nào, nhưng Phan Bằng, chủ tịch Hội Phóng Viên Việt Nam của nhà nước đã cực lực phản đối vì Việt Nam coi đó là chuyện “can thiệp vào nội bộ quốc gia”

Cuối năm 1997, do quyết định từ Ðại Hội Ðảng hơn một năm trước, Ðỗ Mười bị bó buộc phải từ chức và Lê Khả Phiêu được đề cử làm Tổng Bí Thư. Trong tình trạng tranh chấp giữa bộ ba cầm quyền năm trước, Lê Khả Phiêu dần dần đã được lợi thế. Ðối thủ sáng giá duy nhất trong Bộ Chính Trị của Lê Khả Phiêu là Nguyễn Văn An, trưởng Ban Tổ Chức Ðảng, nhưng Lê Khả Phiêu có nhiều điều kiện thuận lợi hơn là được ở trong Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, lại là trưởng Ban Bảo Vệ Chính Trị của Ðảng. Cả đời là chính ủy, không có cơ hội làm giàu, đời tư Lê Khả Phiêu trong sạch hơn Nguyễn Văn An. Ngoài ra, vụ rối loạn ở Thái Bình khiến Trung Ương Ðảng muốn có một người lãnh đạo cứng rắn.

Tuy nhiên, dù được lên làm Tổng Bí Thư, Lê Khả Phiêu đã không có một hậu thuẫn chính trị vững mạnh nên đã phải đu dây giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến, tuy ông ta đã dựa vào phe bảo thủ nhiều hơn. Nhưng ngay trong Ðảng và trong phe bảo thủ, Ðỗ Mười lại có nhiều uy tín và ảnh hưởng hơn Lê Khả Phiêu. Là một trong ba “cố vấn”, dù đã về hưu nhưng Ðỗ Mười vẫn có quyền tham dự những buổi họp của Bộ Chính Trị và Lê Khả Phiêu sở dĩ được lựa chọn cũng nhờ ảnh hưởng của Ðỗ Mười. Vì thế, trong bộ ba cố vấn, Ðỗ Mười xem thường Lê Khả Phiêu nhất. Trong những buổi họp của Bộ Chính Trị, ông ta hay xen vào những cuộc thảo luận, nhiều khi lấn át cả Lê Khả Phiêu khiến mọi người đều nhận thấy Lê Khả Phiêu là một Tổng Bí Thư yếu thế. Quân đội cũng không hết lòng ủng hộ Lê Khả Phiêu. Bản chất là một chính ủy, Lê Khả Phiêu tìm hậu thuẫn với phe bảo thủ bằng cách đề cao khẩu hiệu chống đế quốc và phát huy xã hội chủ nghĩa, thể hiện qua biện pháp lấy lòng Trung Hoa, dù cho phải chịu khuất phục và nhượng bộ đất đai. Sau khi lên nhận chức tổng bí thư, tháng 2 năm 1999, Lê Khả Phiêu sang Trung Hoa và gặp đủ mặt giới lãnh đạo Trung Hoa. Từ đó, mối quan hệ Việt Hoa trở nên ngày càng thân thiết.

Trong năm 1999, nhiều phái đoàn của hai nước lần lượt qua lại, kể cả Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Tấn Dũng cho đến những cấp thấp hơn như Hoàng Kỳ, Tư Lệnh Quân Khu III... Ngày 26-9-1999, nhân lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Ðảng Cộng Sản Trung Hoa, 2,500 cán bộ từng sống hay du học ở Trung Hoa tập họp ở sân vận động để chúc mừng, trong đó có Hoàng Minh Thảo. Ðầu tháng 12 năm 1999, Thủ Tướng Chu Ðông Cơ của Trung Hoa sang thăm Việt Nam, dự định sẽ tham dự buổi lễ ký kết thỏa hiệp về biên giới trên bộ, nhưng dự thảo thỏa ước có một số chi tiết chưa được thỏa thuận nên phải chờ đến cuối tháng, ngày 30-12- 1999, thỏa ước mới được ngoại trưởng hai nước là Nguyễn Mạnh Cầm và Ðường Gia Truyền ký kết. Thỏa ước này được hoàn tất là nhờ những nhượng bộ của Lê Khả Phiêu, từng hứa hẹn với Giang Trạch Dân là sẽ giải quyết vấn đề biên giới trên bộ xong trước năm 2000 và trên biển trước năm 2001.

Ngoài ra, để thúc đẩy Trung Hoa chịu đứng ra lãnh đạo phục hồi lại phong trào cộng sản, thắt chặt thêm tình đoàn kết xã hội chủ nghĩa, Lê Khả Phiêu đề nghị hai nước hợp tác để mỗi năm, có một buổi hội thảo về ý thức hệ giữa những lý thuyết gia để nghiên cứu lại chủ nghĩa Mác nhằm biện luận cho kinh tế thị trường. Nguyễn Ðức Bình, ủy viên Bộ Chính Trị kiêm giám đốc Trường Ðảng cầm đầu phái đoàn sang Bắc Kinh dự cuộc hội thảo đầu tiên vào tháng 6 năm 2000. Mấy tháng sau, một cuộc hội thảo về lý thuyết khác lại được tổ chức tại Hà Nội. Cầm đầu phái đoàn Trung Hoa là Lý Tiểu Anh, ủy viên Bộ Chính Trị Trung Hoa kiêm giám đốc Học Viện Khoa Học Xã Hội. Sau Nguyễn Ðức Bình là Nguyễn Minh Triết, Lê Minh Hương cũng sang Trung Hoa để học tập kinh nghiệm của Trung Hoa. Ðể trấn an Trung Hoa trước khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Cohen, Ngoại Trưởng Albright, và Tổng Thống Clinton sang thăm Việt Nam, trong năm 2000, ngoài Lê Khả Phiêu, Nguyễn Ðức Bình, còn có Nông Ðức Mạnh, Phan Văn Khải, Trần Ðức Lương, Nguyễn Dy Niên và Phạm Văn Trà lần lượt qua thăm Bắc Kinh. Từ đó, hầu như cấp nào (từ trung ương đến tỉnh), ngành nào, thuộc Ðảng hay nhà nước, cũng đều có gắn bó trực tiếp với mọi cấp, mọi ngành của Trung Hoa.

Trung Hoa, vì quyền lợi quốc gia của họ, đã không tha thiết lắm với một liên minh ý thức hệ với Việt Nam, nhưng đã rất bằng lòng với thái độ của Lê Khả Phiêu. Do đó mà quan hệ Việt-Hoa đã thân thiết hơn trước. Sự thân thiết này trở nên dễ dàng hơn sau cái chết của Ðặng Tiểu Bình năm 1997. Do “bài học” năm 1979 đã được không thành công như ý muốn cho nên Ðặng Tiểu Bình vẫn còn cay đắng, đã không nhiệt tình ủng hộ việc kết thân với Việt Nam. Ngoài ra, trong trận chiến Việt-Hoa năm 1979, Cộng Sản Việt Nam còn chế giễu cả đến vóc dáng của ông ta bằng câu nói trong những buổi học tập: “Chính trị Trung Quốc không cao hơn Ðặng Tiểu Bình”. Dù Ðặng Tiểu Bình đã chính thức về hưu năm 1989, nhưng uy tín của ông ta vẫn còn rất lớn. Năm 1992, khi thấy đà đổi mới kinh tế của Trung Hoa bị kiềm hãm bởi Giang Trạch Dân và Lý Bằng, ông đã đi một vòng vùng Hoa Nam để dùng uy tín cá nhân phát động một đợt đổi mới thứ hai cho Trung Hoa.

Chỉ sau khi Ðặng Tiểu Bình chết, Giang Trạch Dân và Lý Bằng mới dám tỏ ra thân thiết hơn với Việt Nam và đã tặng cho Lê Khả Phiêu mười sáu chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng về tương lai” được Cộng Sản Việt Nam gọi là “mười sáu chữ vàng”, làm căn bản cho quan hệ giữa hai nước. Cái chết của Ðặng Tiểu Bình vào ngày 19-2-1997 cũng là lúc mà Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đang thăm viếng Trung Hoa. Dũng được gặp Giang Trạch Dân và cả hai đều hứa sẽ phát triển thêm mối bang giao. Tuy nhiên, điện văn phân ưu của chính phủ Việt Nam về cái chết của Ðặng Tiểu Bình đã không được nồng nhiệt lắm, khác hẳn với điện văn phân ưu gửi đảng Cộng Sản Ai Lao về cái chết của Phomvihane (năm 1992).
(Còn tiếp)