Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (11)

Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (11) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Sáu, 15 Tháng 5 Năm 2009 01:43

(Tiếp theo)
Cuộc thanh trừng đầy bí ẩn
Do vụ Trịnh Vĩnh Bình, những giới chức lãnh đạo Việt Nam từ Trần Ðức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An, Nguyễn Di Niên mỗi khi qua thăm Hòa Lan đều bị tiếp đón rất lạnh nhạt.

Vì tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ đảng viên tràn lan, tất cả những lãnh tụ của Ðảng đều lên tiếng đòi bài trừ tham nhũng. Phan Văn Khải ra chỉ thị bắt những viên chức chính phủ phải kê khai những tài sản trị giá trên 50 triệu đồng (khoảng hơn 4,000 Mỹ kim), nhưng lại không bắt họ phải khai nguồn lợi đó từ đâu tới. Ðào Duy Quát, phó ban Tư Tưởng Văn Hóa Ðảng, đòi tăng thêm quyền hạn cho những cơ quan điều tra của Ðảng và chính phủ, còn Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu phát động hai đợt bài trừ tham nhũng và cuối cùng, cả đến Phạm Thế Duyệt, ủy viên Bộ Chính Trị, cũng nói là Ðảng chưa kiểm soát cán bộ nghiêm nhặt lắm. Phạm Thế Duyệt cũng là người trong năm 1998 bị 11 cán bộ và bộ đội hồi hưu tố cáo lợi dụng quyền thế khi làm bí thư thành ủy Hà Nội để chiếm đoạt đất đai nhà cửa của nhân dân một cách trái phép.

Bản tố cáo (được gọi là “tâm thư” gửi tới Trung Ương Ðảng vào tháng 8 năm 1998) chỉ đích danh Phạm Thế Duyệt chiếm những nhà của công đoàn ở phường Trùng Tu, nhà số 64 phố Hàng Bông Nhuộm (sát bên nhà mà bà Nông Thị Xuân trước kia đã ở), nhà số 26 Trại Gang, nhà hai tầng gần hồ Bảy Mẫu. Cùng bị tố với Phạm Thế Duyệt là Ðinh Hạnh, ủy viên Ban Thường Vụ Thành Ủy Hà Nội, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố. Vì lá thư không thể phổ biến công khai, nhưng đã được sao chép và bí mật phổ biến rộng rãi. Những người viết thư đã không ngần ngại ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, chẳng hạn như ông Ðoàn Nhân Ðạo, cán bộ 48 tuổi Ðảng, nhà ở 37 Hàng Buồm, bà Ðặng Thị Xuân Tiên, 51 tuổi Ðảng ở số 27 Nghĩa Ðô, Cầu Giấy...

Tuy nhiên, Phạm Thế Duyệt nhờ được hậu thuẫn mạnh mẽ của Ðỗ Mười nên không thấy bị một biện pháp kỷ luật nào mà còn tiếp tục ngồi trong Bộ Chính Trị rồi Mặt Trận Tổ Quốc nhiều năm sau. Ngoài ra, Phạm Thế Duyệt còn được Bộ Chính Trị giao trách nhiệm đả kích và bôi nhọ Tướng Trần Ðộ (kể cả thủ đoạn dùng công an gài bẫy, cho người rình sẵn, hẹn Trần Ðộ tới một nơi rồi cho một cô gái cởi quần áo đến ôm chầm lấy ông cho công an chụp hình). Trần Ðộ cuối cùng bị Ðảng tuyên bố trục xuất khỏi Ðảng vào năm 1999. Vào ngày 15-4-1998, vì bị cán bộ tỉnh Hà Tây hà hiếp không có chỗ kêu oan, ông Nguyễn Văn Kinh chế xăng tự thiêu tại công trường Ba Ðình trước lăng Hồ Chí Minh. Ông được cứu sống và Bộ Ngoại Giao ngày 21-4-98 đổ tội là ông bị bệnh thần kinh.

Ít lâu sau, đến lượt Phó Thủ Tướng Ðặc Trách Xây Dựng Ngô Xuân Lộc bị mất chức phó thủ tướng vì bị nghi là thông đồng với Lê Tất Cương gian lận tiền mua xi măng và lem nhem trong công trình xây dựng công viên Thủy Cung Thăng Long. Sự cách chức và bắt giữ Ngô Xuân Lộc cũng có thể là do tranh chấp giữa phe của Lê Ðức Anh và phe chính phủ của Phan Văn Khải, vì chính trợ lý của Lê Ðức Anh là Nguyễn Bắc Son đã điều động báo chí tấn công Ngô Xuân Lộc. Mấy tháng sau, do Ðỗ Mười can thiệp, Ngô Xuân Lộc được minh oan và lại được Phan Văn Khải chỉ định làm cố vấn đặc biệt về kỹ nghệ, xây dựng và giao thông. Chính Ðỗ Mười cũng phải lên tiếng cải chính là ông ta không hề nhận rượu vang của một tổ hợp công ty Ðại Hàn (nhiều tin đồn nói là Ðỗ Mười nhận hối lộ của tổ hợp này một triệu Mỹ kim). Ngô Xuân Lộc bị bắt là do tố cáo của Tổng Cục 2, và người cho tài liệu để tố cáo là Nguyễn Thái Nguyên, một viên chức trong văn phòng thủ tướng của Phan Văn Khải đã được Tổng Cục 2 chiêu dụ để nằm vùng. Ðể trả đũa lại Tổng Cục 2, phe chính phủ cho Bộ Nội Vụ bắt và kết tội Nguyễn Thái Nguyên là đã cùng Tổng Cục 2 vu cáo Võ Thị Thắng, tổng giám đốc Tổng Cục Du Lịch. Tổng Cục 2 đã từng tố cáo là trong khi ở tù Côn Ðảo, Võ Thị Thắng đã làm chỉ điểm cho công an VNCH. Trong vụ này, ngoài Nguyễn Thái Nguyên, Tổng Cục 2 còn dùng một nhân viên nằm vùng khác trong công ty du lịch là Nguyễn Thị Thanh Hiền.

Giữa năm 1998, cơn khủng hoảng kinh tế Á Châu trong năm 1997 mới ảnh hưởng tới Việt Nam vì phần lớn (60%) hàng xuất cảng của Việt Nam là để bán cho những nước lân bang và những nước đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam như Ðại Hàn, Singapore, Thái Lan... đều gặp khó khăn. Hàng xuất cảng bị giảm đi một phần ba. Vốn ngoại quốc đầu tư giảm đi một phần tư so với năm trước. Nhân số thất nghiệp lên tới 20 %. Trong cuộc họp hàng năm của Ngân Hàng Thế Giới và Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, Nguyễn Tấn Dũng đã phải lên tiếng yêu cầu Việt Nam được trợ giúp thêm. Tuy nhiên, vì thành phần bảo thủ chiếm đa số trong Trung Ương Ðảng và Bộ Chính Trị, cho nên ngoài việc tìm cách khuyến khích cách sử dụng vốn trong nước để đầu tư thay thế vốn nước ngoài, những buổi họp của Trung Ương Ðảng năm 1998 chú trọng nhiều hơn vào những vấn đề văn hóa hay ý thức hệ nhằm củng cố quyền lực của Ðảng mà không đưa ra một biện pháp cải thiện kinh tế nào khác. Tiếp theo đó là Hội Nghị Trung Ương Ðảng lần thứ sáu đầu năm 1999 cũng chỉ chú trọng đến việc kiện toàn bộ máy Ðảng hay chính phủ, hoặc đề ra chiến dịch “phê và tự phê” trong ba năm để thanh lọc hàng ngũ.

Ngoài ra, cuối năm 1998, phân Bộ Kinh Tế, thuộc Tổng Cục Kinh Tế và Kỹ Nghệ Quốc Phòng được nâng cấp lên thành một Cục Kinh Tế, đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc Phòng. Kể từ đó, hầu như không có một ngành kinh tế nào mà quân đội không nhúng tay vào đầu tư, và hầu như ngành nào của quân đội cũng có riêng một cơ quan làm ăn buôn bán, đáng kể nhất là Cục Quân Báo, lúc sau này được nâng lên thành Tổng Cục 2, có quyền theo dõi, bắt bớ, điều tra những việc không những chỉ liên quan đến quân sự mà còn về chính trị, kinh tế. Vào giữa năm 1998, quân đội Việt Nam bị tổn thất khi một máy bay quân sự Yak-40 do Liên Xô chế tạo bị rớt bên Lào, có 26 người tử nạn, trong đó có các tướng Ðào Trọng Lịch, Tham Mưu Trưởng Quân Ðội, Trần Tất Thành, Tư Lệnh Quân Khu II, Trần Minh Thiết, Tư Lệnh Phó Quân Khu V cùng với các Tướng Phạm Minh Thành, Vũ Xuân Thủy và một số sĩ quan cao cấp Ai Lao (7 năm sau, 2005, một máy bay trực thăng MI 8 cũng do Nga Xô chế tạo đâm vào núi ở Nghệ An, gây thương vong cho tất cả những tướng lãnh chỉ huy Quân Khu IV, trong đó có Trung Tướng Tư Lệnh Trương Ðình Thanh, Tư Lệnh Phó Nguyễn Bá Tuấn, Chủ Nhiệm Chính Trị Lê Hữu Phúc và nhiều sĩ quan cao cấp khác).

Sau khi Ðào Trọng Lịch chết, Lê Văn Dũng, người tỉnh Bến Tre, lúc đó đang là thiếu tướng Tư Lệnh Quân Khu VII ở miền Nam được gọi về Hà Nội thay. Cũng như Phạm Văn Trà, sự lên chức nhanh chóng của Lê Văn Dũng là do sự đỡ đầu và cất nhắc của Lê Khả Phiêu và Lê đức Anh. Những người này đã biết nhau trong thời gian phục vụ ở miền Nam và Căm Pu Chia. Vì lý do đó, cùng với Phạm Văn Trà, Lê Văn Dũng đã hết lòng phục vụ cho Lê Ðức Anh.

(Còn tiếp)