Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (12)

Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (12) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Hai, 18 Tháng 5 Năm 2009 01:12

(Tiếp theo) 

Sự hiện diện của một phái đoàn tướng lãnh tư lệnh những quân khu giáp ranh với Ai Lao trên chuyến máy bay bị tử nạn kể trên cho thấy Việt Nam vẫn còn có những hoạt động quân sự ở Ai Lao. Dù Bộ Ngoại Giao Việt Nam cực lực chối bỏ, nguồn tin ngoại giao ở Ai Lao cho biết vào tháng 5 năm 2000, quân Việt Nam đã phải can thiệp để giúp đỡ quân Ai Lao đánh dẹp một số quân khởi loạn người Hmong trong tỉnh Xieng Khoang và trong tháng 6, báo chí Hà Nội đã đăng tin Tướng Nguyễn Khắc Dương, tư lệnh Quân Khu IV đã cùng Ðại Tá Sayphoubanh của Ai Lao đặt viên đá đầu tiên xây dựng một quân y viện tại tỉnh này. Cũng tại Ai Lao, hai tháng sau, một trái bom nhỏ gài sát tường tòa đại sứ Việt Nam được gỡ ngòi nổ. Những nguồn tin ngoại giao tin rằng đó không phải do nhóm chống đối người Hmong mà là do một nhóm thân Trung Hoa trong đảng Cộng Sản Ai Lao, vì dù đã có sự hòa hoãn Việt Hoa, Trung Hoa vẫn luôn tìm cách lấn át ảnh hưởng của Việt Nam tại Ai Lao và Căm Pu Chia. Ði trước Việt Nam, từ năm 1988, Ai Lao đã bắt đầu nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Hoa.


 Ðể có thể thông thương với Thái Lan, Trung Hoa đã tích cực viện trợ cho Ai Lao, nhất là việc mở mang xa lộ theo hướng Bắc Nam từ Trung Hoa qua Vạn Tượng tới Thái Lan. Theo thống kê, từ 1988 đến 2001, Trung Hoa đã viện trợ cho Ai Lao khoảng 1.7 tỷ Mỹ kim. Khác với các nước Nhật, Tây Âu, Úc, Ngân Hàng Thế Giới đòi Ai Lao phải thi hành nhiều điều kiện như cải tổ hành chánh, chống thất thoát, cải thiện nhân quyền, Trung Hoa khi viện trợ gần như đã không đòi hỏi một điều kiện nào. Xét về ảnh hưởng đối với đảng Cộng Sản Ai Lao, so sánh với Trung Hoa, Việt Nam hiện nay vẫn chiếm uy thế nhưng điều này có thể bị xoay ngược lại trong tương lai.


Cuối năm 1999, nhằm nâng cao phẩm chất quân đội, quốc hội ra một đạo luật đòi hỏi những sĩ quan phải có trình độ đại học. Cấp trung đoàn trưởng trở lên phải có bằng cấp hậu đại học (không nhất thiết là văn hóa mà có thể là chính trị, lý luận... và có thể học “tại chức”). Các chức vụ được đề cử cũng phải theo thứ bậc, chẳng hạn phải là tư lệnh quân đoàn (chỉ huy khoảng 3 sư đoàn) trước khi là tư lệnh phó quân khu (chỉ huy lãnh thổ) để làm tư lệnh quân khu. Số tướng lãnh được giảm xuống giới hạn còn 150 người.


 Do sự ưu thắng của phe quân đội và được Lê Khả Phiêu nâng đỡ, tổng cục kinh tế và kỹ nghệ của quân đội tiếp tục bành trướng. Năm 1998, Phạm Văn Trà ra lệnh cho những quân khu và những binh đoàn thiết lập nên những “khu kinh tế quốc phòng” và một năm sau, 13 khu đã được thành lập với số vốn khoảng trên 200 triệu Mỹ kim. Phần lớn những khu kinh tế này nằm dọc theo biên giới của Việt Nam với Trung Hoa, Lào và Căm Pu Chia. Tùy theo hoàn cảnh địa phương, mỗi khu kinh tế kinh doanh những ngành khác nhau. Chẳng hạn binh đoàn 15 đóng tại vùng Tây Nguyên đặt kế hoạch khai khẩn đất hoang, trồng trà, cà phê, nuôi gia súc..., công binh của binh đoàn lập đường sá, xây nhà cửa, trường học. Binh chủng hải quân lập xưởng sửa chữa tàu và để cho một số tàu tuần kiêm nhiệm thêm việc đánh cá.


 Khi Trung Hoa bị mất mùa, dù trái luật, tàu hải quân cũng đã chở lúa gạo từ miền đồng bằng Việt Nam sang bán cho Trung Hoa kiếm lời. Không quân có tổ hợp công ty hàng không lo việc chuyên chở hành khách thương mại (kể cả những toán chuyên viên đi tìm người Mỹ mất tích) và huấn luyện phi công. Quân y lập bệnh viện tư. Lực lượng biên phòng phá rừng, xây trường học và cung cấp giáo viên cho dân thiểu số. Học viện Kỹ Thuật Quân Ðội cũng thành lập công ty điện toán Tecapro ký khế ước với hãng dầu Vietsovpetro cùng nhiều công ty ngoại quốc khác. Những tổ hợp công ty của quân đội thành công nhất là công ty Trường Sơn (binh đoàn 12), công ty Thanh An (binh đoàn 11), công ty Tây Nguyên (binh đoàn 15)... Ngay cả tổng cục 2 tình báo cũng có những công ty Vasuco, Toseco buôn bán vũ khí, khách sạn Hoàng Gia, công ty xây dựng Hồng Bàng. Cũng như những công ty quốc doanh, những công ty quân đội nếu bị lỗ lã, sẽ được ngân sách quốc gia tài trợ.


 Sang đến năm 1999, kinh tế của Việt Nam tiếp tục xuống dốc. Ðầu tư của ngoại quốc xuống 4 tỷ Mỹ kim năm 1998 tới 1999 xuống còn có 1.48 tỷ. Các công ty ngoại quốc ở Việt Nam phần lớn bị lỗ. Nhưng lỗ nhiều nhất là những công ty quốc doanh. Khoảng hơn 2,000 trong hơn 6,000 công ty quốc doanh bị lỗ và dĩ nhiên chính phủ phải bù đắp. Ngân hàng thế giới và quĩ tiền tệ quốc tế ngưng không cho vay trừ khi Việt Nam áp dụng “một phương cách đổi mới toàn diện hơn”, trong đó có 3 mục tiêu:


 1. Hoặc tư nhân hóa, hoặc cải tổ lại những công ty quốc doanh.

 

2. Cải tổ lại hệ thống ngân hàng , kể cả 4 ngân hàng chính của nhà nước.

3. Cải tổ lại ngành thương nghiệp, mở rộng thị trường.


 Tuy nhiên, khi phe đổi mới đề nghị với Trung Ương Ðảng những biện pháp kể trên, nhóm bảo thủ lại thấy đó chỉ là những âm mưu của tư bản nhằm bóc lột và thao túng kinh tế những nước nghèo. Theo họ, tư nhân hóa những công ty quốc doanh chỉ là một phương cách để giảm thiểu uy quyền của đảng và nhà nước, phá hoại định hướng xã hội chủ nghĩa, còn mở rộng thị trường để những công ty ngoại quốc cạnh tranh với giá thành rẻ hơn sẽ làm suy sụp những công ty quốc doanh, tạo ra nạn thất nghiệp và xáo trộn an ninh. Vì thế, khi dự thảo thỏa hiệp thương mại song phương (BTA-bilateral trade agreement) Việt Nam-Hoa Kỳ được hoàn tất, dù cho Lê Khả Phiêu ủng hộ thỏa ước vì nó giúp thuế khóa hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ giảm từ 40% xuống còn 3%, và tính ra Việt Nam sẽ được lợi khoảng 800 triệu Mỹ kim trong năm đầu tiên, nhưng việc ký kết đã bị phe bảo thủ trì hoãn lại. Bản dự thảo hiệp ước được thương thuyết từ năm 1997 và với sự đồng ý của Lê Khả Phiêu, việc ký kết được dự trù khi Phan Văn Khải sang Tân Tây Lan họp hội nghị kinh tế các nước ven Thái Bình Dương (APEC) và gặp Clinton ở đó vào tháng 9 năm 1999.


 Vì khi ký thỏa hiệp BTA, một số những công ty quốc doanh, làm ăn thua lỗ, sẽ không còn có thể được trợ cấp, những đảng viên cao cấp có liên quan với những xí nghiệp quốc doanh đã vận động với Ðỗ Mười can thiệp để Lê Khả Phiêu trì hoãn lại. Ngoài ra, một lý do khác là lúc đó Trung Hoa cũng đang nghiên cứu ký một thỏa hiệp tương tự với Hoa Kỳ. Cảm thấy không thể đi trước nước đàn anh, Lê Khả Phiêu đã chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao phải tuyên bố là Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng. Một tháng sau, khi Hội Nghị Trung Ương Ðảng lần thứ tám họp để nghiên cứu lại, hội nghị đã kết luận là bản dự thảo này “không quân bình, cần nghiên cứu thêm”. Tháng sau, từ ngày 8 đến 15-10-1999, do lệnh của Ðỗ Mười và Lê Khả Phiêu, Phạm Thế Duyệt, một ủy viên Bộ Chính Trị, lên đường sang Trung Hoa tham khảo ý kiến về việc ký kết thỏa ước. Dù cho Trung Hoa đã khuyến cáo là Việt Nam nên thận trọng khi ký kết với Hoa Kỳ nhưng chỉ vài tuần lễ ngay sau đó, các cấp lãnh đạo Việt Nam đã rất ngỡ ngàng khi Trung Hoa nhanh chóng ký kết một thỏa ước tương tự với Hoa Kỳ, mở đường cho Trung Hoa gia nhập vào cộng đồng thương mại thế giới WTO vào đầu năm 2001, trong khi sự trì hoãn của Việt Nam một phần do khuyến cáo của Trung Hoa đã làm chậm đi việc gia nhập tổ chức này cho tới tháng 11 năm 2006. Một số công ty ngoại quốc dự định đầu tư ở Việt Nam thấy Trung Hoa đã ký BTA với Hoa Kỳ đã bỏ sang Trung Hoa làm ăn. Tác giả Templer chuyên về Việt Nam nhận xét: “Không phải Trung Hoa bảo họ không ký. Họ chỉ không muốn qua mặt Trung Hoa. Họ nghĩ là tốt hơn nên để Trung Hoa được gia nhập WTO trước.”