Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (17)

Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (17) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Hai, 01 Tháng 6 Năm 2009 02:36

(Tiếp theo)

Sau khi đã loại Lê Khả Phiêu, những ủy viên Trung Ương Ðảng bắt đầu họp để bầu tổng bí thư vào ngày 17-4-2001, hai ngày trước đại hội chính thức của đảng. Trong vòng đầu, có ba người được đề cử là Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Văn An và Trần Ðức Lương. Tuy dẫn đầu, nhưng Nông Ðức Mạnh được chưa tới 60% số phiếu, người về thứ hai là Nguyễn Văn An, trưởng ban tổ chức đảng được 35% và Trần Ðức Lương được khoảng gần 10%. Vì tỷ số phiếu 35% của Nguyễn Văn An là một số phiếu vững chắc của những cán bộ hoạt động trong tổ chức đảng(2), Nông Ðức Mạnh cảm thấy không an tâm, sợ rằng với tư cách trưởng ban tổ chức đảng, Nguyễn Văn An có thể gây khó khăn hay có thể kiếm thêm được một số hậu thuẫn để lật lại mình. Ngoài ra, với ảnh hưởng sâu rộng của bộ ba “cố vấn”, Nông Ðức Mạnh sẽ có thể bị trói tay như Lê Khả Phiêu. Do đó, mới đầu Nông Ðức Mạnh đã từ chối không nhận chức.
 
Sự từ chối của Nông Ðức Mạnh gây khó khăn cho ủy ban trung ương, vì trong số những ứng viên, chỉ có Nông Ðức Mạnh là có những điều kiện thuận lợi.
 
Trước hết, từ trước tới nay, Nông Ðức Mạnh vẫn là người đứng ngoài những tranh chấp giữa hai phe bảo thủ và đổi mới. Trong gần mười năm làm chủ tịch quốc hội, quốc hội này đã chấp thuận hết những đạo luật đổi mới kinh tế lẫn đàn áp chính trị nên đã được lòng cả hai phe. Uy tín của quốc hội cũng khá hơn khi quốc hội được quyền triệu tập bộ trưởng ra điều trần công khai. Vì chức thủ tướng chắc chắn về tay Phan Văn Khải, một người miền Nam và chức chủ tịch nhà nước là Trần Ðức Lương, người miền Trung, chức tổng bí thư phải là người miền Bắc như Nông Ðức Mạnh hay Nguyễn Văn An. Ngoài ra, với tin đồn là con rơi của Hồ Chí Minh, cá nhân và đời tư của Nông Ðức Mạnh sẽ không bị phanh phui (khi được hỏi, Nông Ðức Mạnh đã không phủ nhận và cũng không xác nhận tin đồn này).
 
Sau cùng, nhờ là gốc người Tầy, được cử lên làm một chức vụ quan trọng nhất nước sẽ chứng tỏ là chính quyền Việt Nam không kỳ thị chủng tộc, xoa dịu bớt sự phẫn nộ của dân thiểu số đang biểu tình gây rối trên vùng Tây Nguyên và làm vừa lòng Trung Hoa
 
Vì không có ai thay thế và thời giờ quá gấp rút, chức vụ tổng bí thư phải được bầu ngay để có thể đưa ra cho đại hội đảng “nhất trí biểu quyết chấp thuận” hai ngày sau nên Trung Ương Ðảng phải tìm biện pháp hòa giải bằng cách thuyết phục để ba “cố vấn” từ chức, không còn dính dáng gì đến việc điều hành của Bộ Chính Trị, đồng thời, thuyên chuyển Nguyễn Văn An ra khỏi ban tổ chức, sang làm chủ tịch quốc hội. Sau khi đạt được những nhượng bộ kể trên, Nông Ðức Mạnh chính thức nhận lời làm tổng bí thư. Tuy vậy, vây cánh của Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh vẫn còn rất mạnh (như Phạm Văn Trà, Trần Ðình Hoan, Phan Diễn, Nguyễn Khoa Ðiềm...). Hai người này đã ủng hộ Nông Ðức Mạnh vì thấy Nông Ðức Mạnh là người tương đối không có một hậu thuẫn vững mạnh nào để chống lại họ.
 
Tân tổng bí thư của đảng Cộng Sản Việt Nam sinh năm 1940 ở tỉnh Bắc Thái, được du học Liên Xô và tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp, sau đó về làm việc ở ty lâm nghiệp Bắc Thái, thăng trưởng ty năm 1977, sau đó được bầu làm chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái năm 1986. Năm năm sau, trở nên ủy viên trẻ nhất của Bộ Chính Trị và được đề cử làm chủ tịch quốc hội từ năm 1992.
 
Ngoài chức tổng bí thư, Ðại Hội Ðảng cũng bầu ra 150 ủy viên Trung Ương Ðảng, trong đó đứng đầu là một Bộ Chính Trị gồm 15 người sắp xếp theo thứ tự:
 
1. Nông Ðức Mạnh: Tổng bí thư

2. Trần Ðức Lương, kiêm nhiệm chức chủ tịch nhà nước

3. Phan Văn Khải, kiêm nhiệm thủ tướng

4. Nguyễn Minh Triết, bí danh Sáu Phong, là bí thư thành ủy thành phố HCM từ 2001. Trước đó, Nguyễn Minh Triết là bí thư tỉnh ủy Bình Dương, đã thiết lập một khu kỹ nghệ hỗn hợp với Singapore tương đối thành công.

5. Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng

6. Lê Minh Hương, bộ trưởng công An

7. Nguyễn Phú Trọng, bí thư thành ủy Hà Nội

8. Phan Diễn, bí thư thành ủy Ðà Nẵng. Hơn một năm sau, được cử làm thường vụ Ban Bí Thư, một chức vụ quan trọng để cùng Nông Ðức Mạnh điều hành hoạt động hàng ngày của nội bộ đảng

9. Lê Hồng Anh, trưởng ban kiểm soát Ðảng, từng là bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, trong lý lịch khai là có bằng cử nhân luật và chính trị

10. Trương Tấn Sang trưởng ban kinh tế Ðảng, quê ở Ðức Hòa, Long An. Trương Tấn Sang cũng là anh em vợ của Nguyễn Tấn Dũng và là anh em của Trương Mỹ Hoa, từng là phó chủ tịch nhà nước.

11. Phạm Văn Trà, bộ trưởng Quốc Phòng

12. Nguyễn Văn An trưởng ban tổ chức đảng, từng là bí thư tỉnh ủy Hà Nam, từ tháng 11, 2001 được đổi qua làm chủ tịch quốc hội.

13. Trương Quang Ðược, trưởng ban vận động của đảng, từng là bí thư thành ủy Ðà Nẵng trước Phan Diễn.

14. Trần Ðình Hoan, sau này làm trưởng ban tổ chức Trung Ương Ðảng (3)

15. Nguyễn Khoa Ðiềm, sau này rời chức bộ trưởng Thông Tin Văn Hóa để thăng làm trưởng ban thông tin văn hóa của Ðảng .
 
Xét thành phần Bộ Chính Trị khóa IX, số đại diện quân đội chỉ còn có một người là Phạm Văn Trà. Phạm Văn Trà đã được giữ lại vì theo phe Lê Ðức Anh chống lại Lê Khả Phiêu. Nhờ uy tín quân đội giảm sút sau vụ Lê Khả Phiêu cho đặt máy nghe lén, phe công an mạnh hơn lên trong phe bảo thủ, dưới quyền của Lê Minh Hương, sau đó là Lê Hồng Anh. Ở giữa nhiệm kỳ, Lê Minh Hương chết, Lê Hồng Anh, dù không có kinh nghiệm một ngày trong quân đội hay công an cũng được phong chức đại tướng công an và được cử lên thay chức bộ trưởng. Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị năm người của khóa trước bị giải tán và Trung Ương Ðảng giành lại quyền bầu cử Ban Bí Thư. Nhờ vậy, Lê Văn Dũng tuy đã bị khiển trách vì đã để cho tổng cục 2 đặt máy nghe lén nhưng cũng được chọn vào Ban Bí Thư này (xếp hàng thứ 6 trong 9 người). Số ủy viên Trung Ương Ðảng cũng được giảm xuống từ 170 còn 150, trong đó 87 là ủy viên cũ, 63 là người mới. Số ủy viên Bộ Chính Trị từ 18 xuống còn 15 người, 7 người trong Bộ Chính Trị cũ bị mất chức, trong đó có Lê Khả Phiêu, Phạm Thanh Ngân, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Ðức Bình, Nguyễn Thị Xuân Mỹ. Nguyễn Thị Xuân Mỹ là ủy viên Bộ Chính Trị phái nữ đầu tiên và duy nhất, được giao phụ trách ban kiểm soát của đảng, bị mất chức vì đã không chận đứng được tham nhũng và hối lộ (4).
 
Do tinh thần bè phái của Lê Khả Phiêu (nâng đỡ người cùng tỉnh, xây dựng những công thự, cầu cống không cần thiết ở Thanh Hóa...) đã gây bất mãn, nên Tư Lệnh Quân Khu 4 cũng như tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa đã không được bầu vào Trung Ương Ðảng. Người thân cận của Lê Khả Phiêu trong Bộ Chính Trị là Phạm Thanh Ngân cũng bị mất chức ủy viên và mất luôn chức chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Ðội. Hai ủy viên Bộ Chính Trị mới là Trần Ðình Hoan và Nguyễn Khoa Ðiềm được bầu là do hậu thuẫn còn mạnh mẽ của Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh, sau đó, hai người này còn giúp cho Trần Ðình Hoan lên thay Nguyễn Văn An làm trưởng ban tổ chức đảng, một chức vụ quan trọng trong việc sắp xếp nhân sự. Trong khi đó, Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng còn tại vị là nhờ sự vận động tích cực của Lê đức Anh. Cùng với Lê Hồng Anh, Nguyễn Phú Trọng và Lê Minh Hương, Trần Ðình Hoan và Nguyễn Khoa Ðiềm tạo nên một khối bảo thủ vững chắc trong Bộ Chính Trị. Ngoài ra, dù đã từ chức cố vấn, Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh vẫn tham dự nhiều buổi họp của Trung Ương Ðảng và vẫn còn có thế lực rất mạnh.

(Còn tiếp)