Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Ban Mê Thuột Ngày Đầu Chiến Trận

Ban Mê Thuột Ngày Đầu Chiến Trận PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Định   
Chúa Nhật, 02 Tháng 8 Năm 2009 21:13

Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa sao quên được Ban Mê Thuột và bao kỷ niệm yêu dấu của tuổi ấu thơ trên thành phố nhỏ bé này, mà đặc biệt là Ban Mê Thuột với nỗi kinh hoàng của đêm ngày 9 tháng 3/1975, đêm đen hãi hùng của chiến tranh và lửa đạn.

"Ai chiếm được Ban Mê Thuột, kẻ đó làm chủ chiến trường." Tôi không còn nhớ ai đã nói câu này, nhưng Ban Mê Thuột quả thật có một vị trí chiến lược vô cùng trọng yếu đối với miền cao nguyên, vì lãnh thổ của tỉnh Darlac, mà Ban Mê Thuột là thị xã, nằm trên Quốc Lộ 14, chạy dài từ phía Nam là tỉnh Quảng Đức, nối tiếp với Vùng 3 Chiến Thuật. Phía Bắc là tỉnh Phú Bổn chạy dài đến Pleiku. Phía Tây là một dãy rừng già tiếp giáp với biên giới của các nước láng giềng (ngã 3 biên giới). Từ khu vực phía tây, một nhánh sông Serepok bắt nguồn từ Cam Bốt chạy xuyên Ban Mê Thuột cắt Quốc Lộ 14 ở phía Nam thị xã 14 km (cầu 14).

Tất cả những điểm đặc biệt của địa hình này đã tạo nên một ưu thế cho chiến tranh du kích. Hơn thế nữa, Đông Bắc thị xã Ban Mê Thuột là Quận Phước An, quận cuối cùng của tỉnh Darlac, mà cũng là gạch nối giữa vùng cao nguyên và miền duyên hải qua cửa ngỏ Khánh Dương, Nha Trang bằng Quốc Lộ 21. Cho nên, nếu nói Ban Mê Thuột là cái rún của vùng cao nguyên qủa thật không phải là quá đáng.

Ban Mê Thuột cũng là cái nôi kinh tế của miền đất đỏ. Nếu nói tới cây thông Đà Lạt, hay trà ở B'lao, thì nhất định phải nói tới cà phê Ban Mê Thuột và những dãy đồn điền cao su hàng chục ngàn mẩu. Rừng là tài nguyên vô cùng quý của quốc gia. Ban Mê Thuột là nơi tàng trữ và sản xuất các loại cây, gổ quý như cẩm lai, cà te, gụ, lim, sên sên, cây dầu, cà chích, bằng lăng... nên đã trở thành trung tâm khai thác lâm sản bậc nhất trên toàn quốc, và đã nuôi sống không biết bao nhiêu ngành sản xuất của nền kinh tế quốc dân thời bấy giờ.

Với bốn quận gồm Lạc Thiện (nằm ở hướng Đông), Phước An (hướng Đông Bắc), Buôn Hô (Bắc) và Ban Mê Thuột là quận châu thành, và dân số toàn tỉnh có khoảng 150 ngàn, mà thị xã Ban Mê Thuột chiếm 60 ngàn, gồm cả Kinh lẫn Thượng. Người Thượng với nhiều sắc dân như Ê Đê, Bana, H'mong... và với 15 trường trung học và tiểu học như Bồ Đề, La San, Hưng Đức, Vinh Sơn, Bán Công (sau này đổi lại thành trường Tỉnh Hạt), Trung Học Tổng Hợp (công lập), Trung Học Nông Lâm Súc, Trung Học Sư Phạm Cao Nguyên... Tám mươi phần trăm dân số sống bằng nghề trồng ngũ cốc và cây kỹ nghệ cà phê, cao su, tiêu, ca cao. Người Thượng theo tập tục Cúng Dàng, người Kinh là tín đồ của các tôn giáo như Phật, Thiên Chúa, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo và cũng như thờ cúng Ông Bà.

Điểm đặc biệt của thị xã này là những thắng cảnh rất nổi tiếng và nên thơ như Vườn Ương, với dãy rừng Trắc Bá chạy dài theo con lộ từ phi trường dân sự Phụng Dực tới cây số 5, "Thung Lũng Tình Yêu," "Rừng Chim Chích," Suối Hẹn Hò," "Đồi Cỏ Vàng," "Vườn Mộng," "Thung Lũng Hồng," "Thác Drayling…" để những chiều nhàn rỗi, các đôi tình nhân đem nhau đến vườn mộng ngắm cỏ úa của mùa thu, hay mỗi Hè về, nhìn hoa Phuợng nở trên khuôn viên trường Tổng Hợp, hoặc là đi thăm khu kỹ nghệ cây số 7 để ngâm mình trong suối đá xanh mà ngắm hoa Bằng Lăng, trắng, đỏ, tím, hồng, nở rộ trên những đồi hoang.

Nhưng tất cả những cảnh vật đó, sinh hoạt đó, đã bị vùi chôn và hủy diệt bằng các trận mưa pháo của đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly, chiến xa T-54, và 3 sư đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt vào mùa xuân năm Ất Mão, ngày 10 tháng 3/1975. Ban Mê Thuột, hay "Bụi Mù Trời" đã tan tác hết, phần đất bé nhỏ của quê hương yêu dấu tôi yêu.

NHỮNG NGÀY ĐẦU CHIẾN CUỘC

Có lẽ không phải chỉ riêng tôi, mà hầu hết những người dân của thị xã đã không linh cảm nỗi quê hương thơ mộng này lại rơi vào biển lửa của chiến tranh. Mặc dầu vào mùa Thu năm 1974, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật về nhận chức tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Tiểu Khu Darlac, ông đã cho thực hiện một dãy chiến hào bao quanh thị xã để phòng xe tăng T-54 của Cộng quân. Tinh thần quyết chiến-đấu và bảo vệ Ban Mê Thuột của từng người lính và các cơ quan đơn vị, từ cấp Xã đến Quận đã rõ rệt và sẵn sàng từ đó.

Những cuộc hành quân truy lùng tin tức địch đã được thực hiện liên tục. Cục hành quân Phượng Hoàng của hai đơn vị Nghĩa Quân (NQ) và Cảnh Sát Quốc Gia (Cảnh Sát Quốc Gia) giữa liên xã Thọ Thành và Cư Jút vào sau khu vực phía Nam, cách nhiệm sở của hai đơn vị này khoảng 15 km về hướng Nam Tây-Nam, và 42 km Tây-Nam thị xã vào cuối tháng 2 năm 1975, đã phát giác dấu xích xe tăng T-54 của địch.

Cuộc hành quân của đơn vị Nghĩa Quân và Cảnh Sát Quốc Gia thuộc xã Cư Ming, Bandon, phía Tây thị xã Ban Mê Thuột chừng 48 km cũng đã cung cấp cho Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia quận Ban Mê Thuột và F đặc biệt về sự di chuyển của quân Cộng Sản Bắc Việt trong khu vực Bandon.

Các tin tình báo của những tình báo viên,TBND, trong Mạng Lưới Tình Báo do Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh trong những tháng 2 và 3/1975, khi đi khai thác lâm sản ở khu vực phía tây thị xã (Bandon) và Tây Nam thị xã 62 km cũng đả báo cáo cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac tin tức về các đường dây điện thoại, ống dẫn dầu và dấu xích chiến xa T-54 của cộng quân.

Ngày 14 tháng 2/1975, 7 chiếc xe be khai thác lâm sản, trong lúc làm cây ở khu vực Nam Tây-Nam thị xã Ban Mê Thuột 82 km đã bị Cộng quân cưỡng chiếm, các nạn nhân cũng đã khai trình Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh và Phòng 2 Tiểu Khu những tin tức về lực lượng cộng quân.

Tháng 2/1975, một nữ cán binh thuộc Trung Đoàn 25 Địa Phương của Cộng quân ra hồi chánh với một đơn vị thuộc tiểu khu Darlac đã cung cấp tin tức về sư đoàn F10 của Cộng quân đang di chuyển về khu vực Nam thị xã Ban Mê Thuột, đồng thời cho biết Trung Đoàn 25 Địa Phương sẽ mở chiến dịch tại khu vực Khánh Dương, nằm trên Quốc Lộ 21, ranh giới gữa Khánh Dương - Nha Trang và Phước An - Ban Mê Thuột.

Đặc biệt là cuộc hành quân ngày 7 tháng 3/1975 (ba ngày trước khi Cộng quân tấn công Ban Mê Thuột), của một đơn vị thuộc tiểu khu Darlac, đã bắt được một tù binh Cộng Sản, quân hàm Thiếu Úy, trong lúc y đang giăng dây điện thoại ở khu vực Buôn La Sup, thuộc xã Cư Ming, Bandon, Quận Ban Mê Thuột.

Nhưng tất cả những tin tức này đều chỉ được ghi nhận. Lực bất tùng tâm, Quân Đoàn 2 với hai sư đoàn gồm Sư Đoàn 22 Bộ Binh (BB) lo trấn giữ các tỉnh miền duyên hải, và Sư Đoàn 23 Bộ Binh 23 trấn thủ các tỉnh cao nguyên với những dãy núi rừng trùng trùng điệp điệp, đã không đủ quân số để chống giữ Ban Mê Thuột với sự ồ ạt tấn công của hàng chục ngàn bộ đội Bắc Việt với đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly và chiến xa T-54 yểm trợ đã vùi chôn Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân của thị xã này trong biển lửa.

Nhưng trong thâm tâm mỗi người dân Ban Mê Thuột, hình ảnh những vị anh hùng của Tiểu khu Darlac, những chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia và Sư Đoàn 23 Bộ Binh mãi mãi là những thần linh bất tử, đặc biệt là Trung Đoàn 53 Bộ Binh trấn giữ phi trường Phụng Dực, đã anh dũng chiến đấu và bảo vệ những phần đất Ban Mê Thuột trong suốt 7 ngày đêm dưới chiến thuật biển người và mưa đạn của kẻ thù cho đến phút lâm chung. Xin cám ơn đấng tố cao đã cho chúng tôi những người con trung hiếu lưỡng toàn này.

NHỮNG TRẬN ĐÁNH MỞ ĐẦU

Để chuẩn bị cho cuộc tấn công Ban Mê Thuột, Cộng quân đã mở 3 mặt trận lớn, cắt đứt mọi liên lạc và tiếp vận với Ban Mê Thuột. Mặt trận đầu tiên là đánh chiếm quận Thuận Mẩn, thuộc tỉnh Phú Bổn, nằm trên Quốc Lộ 14, giáp ranh với quận Buôn Hô, tỉnh Darlac, cách quận lỵ Buôn Hô 45 km về phía Bắc vào ngày 4 tháng 3/1975.

Đêm ngày 6 tháng 3/1975, Cộng quân mở mặt trận tại khu vực quận Khánh Dương, Nha Trang, nằm trên Quốc Lộ 21, giáp ranh quận Phước An tỉnh Darlac, cách thị xã Ban Mê Thuột 75 km về phía Đông Bắc.Đêm ngày 8 tháng 3/1975, Cộng quân tấn công quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức, nằm trên Quốc Lộ 14,cách thị xã Ban Mê Thuột 60 km về phía Nam. Đến 9 giờ 30 ngày Chủ Nhật, 9 tháng 3/1975, tin Cộng quân tràn ngập Chi Khu Đức Lập chính thức nhận được qua Trung Tâm Hành Quân Tiểu khu Darlac.

Như vậy, thị xã Ban Mê Thuột đã hòan toàn bị cô lập. Phía Nam Ban Mê Thuột là quận Đức Lập đã bị Cộng quân chiếm đóng. Phía Bắc liên lạc với Phú Bổn và Pleiku qua Quốc Lộ 14, đã bị Cộng quân cắt tại quận Thuận Mẩn. Đông Bắc là Quốc Lộ 21 nối với miền duyên hải qua cửa ngỏ Nha Trang đã bị Cộng quân trấn giữ bằng mặt trận Khánh Dương.

TÌNH HÌNH BAN MÊ THUỘC, CHỦ nHẬT 9 THÁNG 3 NĂM 1975

Với những tin nhận được, tình hình Ban Mê Thuột quả thật có biến động. Những gia đình giàu có, những người có thể, đều tìm cách ra khỏi Ban Mê Thuột để về Nha Trang hay Saigon. Một vé máy bay đi Saigon lên đến 50 ngàn đồng thời bấy giờ, nhưng cũng không còn chỗ. Đi Nha Trang 20 ngàn, nhưng cũng không cách nào đặt được vé.

Trưa ngày 9 tháng 3/1975, một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập tại Tòa Hành Chánh, do Đại Tá Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng chủ trì, gồm các ty sở trưởng, đơn vị trưởng và ban ngành chuyên môn trực thuộc tiểu khu. Lệnh báo động đỏ được ban hành cùng với lệnh cấm trại một trăm phần trăm các đơn vị.

Một đặc lệnh truyền tin được chuyển đến các đơn vị, đặc biệt là trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia, với những chỉ dẫn cần thiết kèm theo đặc lệnh này, mà những nhân viên thừa hành không thể được phép mở, ngọai trừ khi có lệnh của đơn vị trưởng trực tiếp. Lệnh giới nghiêm được ban hành trên toàn thị xã, từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Một số gia đình có thân nhân ở ngoại ô thị xã như cây số 5, đã di tản gia đình ra khỏi thị xã tối ngày 9 tháng 3/1975.

Nhưng định mệnh đã an bài, không phải vì triều đại của chúng ta thiếu nhân lực hay bất tài, cũng không phải vì chúng ta tất trách, chưa làm hết bổn phận của mình, mà ngược lại, chúng ta đã tận sức, đặc biệt là những người lính, những chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia.

Thực sự xã hội miền Nam từ giữa thập niên 1960 đã có những biến chuyển lớn trong sinh hoạt chính trị gây ảnh hưởng sâu rộng cho nền trị an xã hội, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Một số các tổ chức đã chỉ biết yêu cầu và đòi hỏi mà quên đi những nguyên tắc căn bản của một thực tế xã hội mà mọi sinh hoạt còn ở mức khởi đầu. Một người làm chính trị giỏi thì cả nước yên, cả nước làm chính trị thì xã hội loạn. Khuynh hướng đòi tự do dân chủ được lồng vào các cuộc bạo hành, xuống đường phản đối chính phủ ở vào những giai đoạn không hợp thời, không đúng lúc, của một số tổ chức, đã thực sự đe dọa nền an ninh quốc gia, và trở thành những hành động khủng bố tính mạng của tổ quốc.

Người ta nhân danh tự do, để làm chính trị, nói chính trị, mà không thấu triệt đạo đức và nguyên lý chính trị căn bản. Người ta đòi tự do, hô hào tự do mà xã hội còn ở mức căn bản, nên vô tình hay hữu ý, những kẻ đó đã tiếp tay, hoặc tạo cho kẻ thù cơ hội lũng đoạn và khuynh đảo các cơ cấu, tổ chức chính quyền, thao túng trật tự xã hội dưới nhiều hình thức và chiêu bài. Trong khi đó, ở ngoài chiến trường, những người lính của chúng ta còn giành nhau từng tấc đất với kẻ thù, và sinh mạng những người dân ở vùng chiến tranh, hoặc từng phần lảnh thỗ của miền Nam chỉ là ngàn cân treo sợi tóc.

Mặt khác, chúng ta lại không may gặp phải một đồng minh khác biệt với nền đạo đức cổ truyền, không đặt nặng lòng nhân, không xử chữ nghĩa, chúng ta như một con cờ trong ván cờ chính trị toàn cầu của đồng minh anh em, trong khi nền Cộng Hòa của chúng ta vừa qua giai đoạn phôi thai, đang ở chặng đường phát triển. Nền công nghiệp nặng còn khiếm khuyết, kỹ nghệ quốc phòng chưa mở mang, nền kinh tế quốc dân tuy có ổn định, nhưng cán cân cung cầu chưa đồng đều, mậu dịch chưa hoàn toàn cân đối.

Dầu rằng nền Cộng Hòa của chúng ta đã có được một cơ cấu chính quyền có tổ chức và hoàn bị, dựa trên Hiến Pháp, nhưng được toàn thế giới công nhận, có ứng cử và bầu cử tự do từ cấp xã, quận, tỉnh đến trung ương. Một Học viện Quốc gia hành chánh để đào tạo các chuyên viên hành chánh điều hoà hệ thống này. Một Quốc Hội lưỡng viện, một Giám Sát Viện để đàn hạch việc làm của Tổng Thống. Một Tối Cao Pháp Viện để kiểm sóat hệ thống tòa án là ngành Tư Pháp của chúng ta.

Chúng ta lại có một hệ thống tài chánh, ngân hàng hết sức ổn định và tiên tiến, không thua gì các quốc gia mở mang. Hệ thống giáo dục của chúng ta thưc sự đã hoàn hảo, hàng năm, các viện đại học Sàigòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức, đã đào tạo và cung cấp không biết bao nhiêu chuyên viên và nhân tài phục vụ xã hội. Ngành y tế của chúng ta phải nói là tân tiến, với một đội ngũ bác sĩ đầy nhiệt huyết và lương tâm.

Quân đội của chúng ta cũng được đào tạo và huấn luyện với những kỹ thuật tiên tiến, tinh vi, và hữu hiệu. Chúng ta có hai trường sĩ quan: Trường Võ Bị Đà Lạt, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, một trường Hạ Sĩ Quan là trường Đồng Đế ở Nha Trang, nhiều trung tâm huấn luyện và những trường chuyên môn như Công Binh, Pháo Binh, Trường Sĩ Quan Không Quân và Hải Quân, trường Quân Nhu, Quân Cụ, vân vân và vân vân...

Và ngành Cảnh Sát Quốc Gia, chúng ta có một Học Viện Cảnh Sát ở Thủ Đức, huấn luyện và đào tạo các sĩ quan ưu tú, để hành xử luật pháp thật công minh, Trung Tâm Huấn Luyện Dốc Dừa, Trường Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến, và nhiều trung tâm huấn luyện khác đã đào tạo các chiến sĩ cảnh sát xuất sắc để hoàn thành nhiệm vụ TRỪ BẠO, AN DÂN, CÔNG MINH, LIÊM CHÍNH.

Về mặt kinh tế quốc dân, các ngành sản xuất đang trên đà phát triển, các nhà máy giấy, xi măng, xưởng dệt, lắp ráp nông cơ, xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, xà phòng... các ngành xuất, nhập, khẩu tăng trưởng cực mạnh, số lượng gạo, cà phê xuất cảng đứng hang nhất-nhì trong khu vực Đông Nam Á. Các mặt hàng tiêu dùng như vải, sợi... tràn ngập trên thị trường, không cần đến nhập cảng . Hai mươi sáu triệu dân miền Nam thực sự đủ ăn, đủ mặc, được học hành và chăm sóc chu đáo.

Xã hội chúng ta thực sự đã tổ chức hoàn bị, dựa trên căn bản của luật pháp, bình đẳng và tự do. Người ta tha hồ phê bình tổng thống và các vị lãnh đạo ở mọi cấp bậc của quốc gia. Quyền tự do cư trú, tự do đi lại, tự do lập hội, tự do ngôn luận, báo chí, và các đảng phái tuyệt đối được tôn trọng. Và đó là tất cả những gì mà nền Cộng Hòa của chúng ta đã làm được và đang cố gắng phát triển và thăng tiến.

Tuy nhiên, một điều mà chúng ta phải thừa nhận, đó là quốc gia của chúng ta còn là một nước phát triển, chúng ta chưa có kỹ nghệ sản xuất vũ khí. Quân đội của chúng ta, trong ngành tình báo kỹ thuật, trang bị còn rất hạn chế, vì phải nhờ vã ở đồng minh.

Chúng ta không có xe tăng M-48 bắn bằng tia hồng ngọai tuyến, hay điều khiển bằng máy vi tính, vũ khí chống chiến xa T-54 là súng M-72, dài gần một mét, nặng gần 12 pound. Mổi khẩu M-72 chỉ xử dụng đúng một lần, bắn xong một phát là vất bỏ khẩu súng. Thử hỏi mỗi người lính khi đi hành quân phải mang đầy quân trang quân dụng thì còn mang theo được bao nhiêu khẩu M-72. Bom không đủ dùng, bom không có ngòi nổ. Cấp số đạn cho vũ khí cá nhân thực sự hạn chế, phương tiện truyền thông liên lạc còn rất thô sơ, nhiên liệu hoàn toàn bị lệ thuộc, mà đặc biệt là quân số của chúng ta chưa đủ để phân phối vì bị ràng buộc bởi luật động viên.

Và cái phải đến đã đến, chúng ta đã không ngăn chận được biển người của kẻ địch tràn ngập thành phố này, Ban Mê Thuột đã mất, mất hết cả ước mơ, hoài bảo và tương lai.

PHỐI TRÍ VÀ TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG

Lực lượng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại thị xã Ban Mê Thuột lúc bấy giờ không quá một ngàn người, gồm hậu cứ của Bộ Tư Lệnh (BTL) Sư Đoàn 23 Bộ Binh, hậu cứ Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 8 (quân số chủ lực của các đơn vị này đã được điều động về Pleiku và Kontum từ trước Tết mà chưa được trả về như chỉ thị của Tổng Thống lúc kinh lý Pleiku trong dịp Tết Ất Mảo 1975). Ban Mê Thuột thực sự chỉ là một thành phố hoang không lực lượng bảo vệ, nói theo một nghĩa nào đó. Do vậy, vấn đề phân nhiệm tuy có kế hoạch chu tường nhưng chỉ là một màng nhện

Hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và các phòng cùng các ban trực thuộc, chịu trách nhiệm phòng thủ phía Nam thị xã. Hậu cứ Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 8 chịu trách nhiệm phía Tây, khu vực nặng nề nhất. Kho đạn (trại Mai hắc Đế) bảo vệ một mặt phía Tây-Nam cùng với Trung Tâm Yểm trợ tiếp vận (đại đội hành-chánh tài-chánh, tức là Ban Lương Bổng). Phía Đông do Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 23 Bộ Binh đảm trách. Xa hơn là Chi Khu Ban Mê Thuột và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia quận Ban Mê Thuột sẽ phối hợp với nhau để chịu trách nhiệm vấn đề phòng thủ. Mặt Bắc thị xã là Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac cùng với một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến. Nội vi thị xã và các chốt điểm trọng yếu đều do lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đảm trách, và được bố trí như sau:

Hai chốt cảnh sát đặt tại Trường Trung Học Tỉnh Hạt và cuối đường Phan Chu Trinh là các chốt ở cửa Bắc. Cuối đường Tự Do, Bến Xe Cây Số 3, được giao cho Cục Cảnh Sát Quốc Gia Cư Kplong và một tiểu đội Cảnh Sát Dã Chiến. Cửa ngỏ phía Nam có Cục Cảnh Sát Quốc Gia Cư Ê Bư và một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến chịu trách nhiệm. Cửa Tây thị xã giao cho Cục Cảnh Sát Quốc Gia thị xã Cục Lạc chịu trách nhiệm. Các cao ốc trong toàn thị xã và các khách sạn, như khách sạn Anh Đào, Hồng Kông, đều được Cảnh Sát Quốc Gia đóng chốt

Các đơn vị trừ bị gồm có một tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 Bộ Binh đóng tại phi trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột 7 km, có trung đội pháo binh 105 ly. Nhưng tiếc thay, pháo binh của Cộng quân lại là loại 130 ly, và hỏa tiển 122 ly, tầm xa và sức công phá hoàn toàn cách biệt

Lực lượng Cộng quân có một trung đoàn địa phương là Trung Đoàn 25, ba sư đoàn quân chính quy Bắc việt gồm các Sư Đoàn 320 (tiền danh là Nông Trường 3 Sao Vàng), Sư Đoàn 316, và Sư Đoàn F10. Thêm vào đó, Cộng quân có hàng trăm chiến xa T-54, các đại bác 130 ly, hỏa tiễn 122 ly, BKZ 82 (bích-kích pháo không-giật dùng để phá hủy các công sự phòng thủ)

Với những đơn vị tham chiến có mặt này, quân số của Cộng quân đã lên đến hằng chục lần hơn so với quân số của Việt Nam Cộng Hòa. Và nếu cộng thêm đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Nghĩa Quân và lực lượng Nhân Dân Tự Vệ xã Lạc Giao, quân số của ta cũng không vượt quá 2,000 người. Nhưng thực sự thì bảy ngày sau Cộng quân mới hoàn toàn làm chủ Ban Mê Thuột. Đó chính là nhờ lòng dũng cảm, tinh thần quyết chiến-đấu của từng người lính, và cấp chỉ huy của mỗi đơn vị trong suốt những giờ đầu chiến cuộc.

MỞ ĐẦU TRẬN ĐÁNH

Hai giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu thực hiện trận mưa pháo theo chiến thuật tiền pháo hậu xung bằng đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly vào các cứ điểm quân sự như Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, kho đạn Mai Hắc Đế và phi trường L19.

Tiếng rít của hỏa tiển và đạn đạo 130 ly khủng khiếp như xé cả không gian mà người ta thực sự chưa từng nghe thấy một lần trong đời. Những tiếng nổ đó cứ liên tục như những dây pháo đại không ngừng, làm vỡ tung hết các cửa kiếng và rung chuyển cả thành phố như cảnh tượng động đất được thấy trên các màn bạc. Các nhà cao tầng bị rung chuyển cực mạnh. Và màng nhĩ của con người chỉ còn ghi nhận tiếng "o o" mà không còn nghe được một âm thanh nào khác.

Thành phố đã như con tàu chao nghiêng trong bão tố. Một số các nhà xây thô sơ quanh các khu vực quân sự đã bị sụp đổ, và trận mưa pháo liên tiếp không ngừng đổ xuống các cứ điểm quân sự của ta cho đến 6 giờ sáng.

Bốn giờ sáng cùng ngày, chiến xa T-54 và bộ đội Cộng Sản chia làm nhiều mũi tấn công vào phi trường L19, kho đạn Mai Hắc Đế với chiến thuật biển người.

Sáu giờ 15 sáng, xe phóng thanh của Ty Thông Tin đậu tại Ngã 6 thị xã phát lời kêu gọi của đại tá tỉnh trưởng yêu cầu đồng bào bình tỉnh, ai ở nhà nấy, tình hình an ninh tại thị xã vẩn còn yên tỉnh.

Sáu giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, một góc phía Bắc của phi trường L19 bị Cộng quân tràn ngập.

Bảy giờ 15 các chốt cảnh sát xin lệnh rút khỏi vị trí phòng thủ vì áp lực địch quá mạnh. Cũng lúc này, dân chúng từ khu vực Buôn A-Lê B, Tân Mai, cửa Nam thị xã lũ lượt chạy vào trung tâm thànhphố.

Tám giờ 30 cùng ngày, Kho đạn Mai Hắc Đế thất thủ. Viên đại úy chỉ huy trưởng bị trọng thương.

Chín giờ 20, chiến xa T-54 và bộ đội Cộng quân chia làm nhiều mũi tấn công vào thị xã. Một mũi từ cuối đường Phan Chu Trinh (cửa Bắc ) tràn chiếm khu vực nhà thờ Chính Tòa, ngã Sáu thị xã, cách Bộ Chỉ HuyTiểu Khu 800 mét. Mũi phía Nam, từ khu vực Buôn A-Lê B, đồi Trung Học La San, theo đại lộ Thống Nhất tiến đánh khu vực tư dinh Tỉnh Trưởng, Ty Ngân Khố. Một mũi khác, từ hướng chùa Khải Đoan, đánh chiếm ngã tư Nguyễn Tri Phương Phan Bội Châu, và mặt Tây thị xã đã bị Cộng quân tấn chiếm.

Khu phố Nguyễn Trãi Nguyễn Tri Phương, dân chúng bồng bế nhau chạy về chùa Khải Đoan và Trường Bồ Đề dưới mưa đạn AK và đại bác của kẻ thù. Tiếng khóc của trẻ con, tiếng kêu mẹ, gọi chồng hòa lẩn tiếng đạn rít nghe thê lương hải hùng không nỗi nào tả xiết. Dãy phố Quang Trung, Lý thường Kiệt, từ nhà hàng Hoàng Vinh đến tiệm may Hoàng Yến, đối diện Ngân hàng Đại Á bốc cháy dữ dội. Khu phố Hai Bà Trưng, Quang Trung, từ khách sạn Hồng Kông chạy dài đến Ama Trang Long đã thành một biển lửa. Quả thật cuộc sống của thành phố này đang bị hủy diệt. Những cụm lửa cuộn theo tàn hòa trong khói đục tiếp tục bay cao để đốt cháy nốt những khu phố lân cận.

MẶT TRẬN TIỂU KHU DARLAC

Từ 9 giờ 30 sáng ngày 10 tháng 3/1975, các mũi tiến quân của Cộng quân từ hướng bắc và hướng Tây bắc đã hoàn toàn tràn ngập trung tâm thành phố và tập trung nổ lực tấn công Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nằm trên đại lộ Thống Nhất. Bộ đội và chiến xa T-54 của Cộng quân từ khuôn viên nhà thờ chính tòa tràn qua ngã Sáu, chiếm Câu Lạc Bộ Biên Thùy, khu cư xá sĩ quan, nằm trên Ngã Ba đại lộ Thống Nhất và đường Lê Lợi, nhưng không tràn qua được khu vườn hoang của Bác Sĩ Tôn Thất Niệm, nằm sát hệ thống công sự phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.

Lực lượng phòng vệ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu phản công quyết liệt. Một chiếc T-54 của Cộng quân bị bắn cháy. Dù với chiến thuật biển người và với BKZ 82 ly cùng đại bác 100 ly trang bị cho T-54 bắn trực xạ không ngừng vào hệ thống công sự phòng thủ của tiểu khu, Cộng quân vẫn chưa tiến sát được vào hệ thống công sự phòng thủ này. Tinh thần chiến đấu và lòng dũng cảm của những chiến sĩ thuộc Tiểu Khu quả thật không thể tưởng tượng. Cứ mỗi đợt tiến công của Cộng quân là những tràng đại liên, M-79 (súng phóng lựu) và M-16 từ các công sự phòng thủ xối xả phản kích làm cho bước tiến quân của Cộng quân đã phải ngừng lại.

Cộng quân lui về cố thủ khu vực cư xá sĩ quan và Câu Lạc Bộ Biên Thùy, đồng thời chia quân tràn qua đại lộ Thống Nhất đánh chiếm Tòa Án, bưu điện, tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ, và tiếp tục thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100 ly từ các chiến xa T-54 và đại bác130 ly cùng hỏa tiễn 122 ly từ hướng Tây thị xã (khu vực Bandon) đổ vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.

Mười một giờ 20, một chiếc T-54 của Cộng quân tiến vào cổng trước Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu trên đường Thống Nhất đã bị bắn hạ. Tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Tiểu Khu càng lên cao.

Mười một giờ 45, hai chiếc Commando Car (thiết giáp với bốn bánh cao su, không xích sắt) của Thiết Đoàn 8 từ hướng chùa Khải Đoan theo đường Quang Trung qua Tôn Thất Thuyết để tiến về đánh bọc hậu lực lượng của Cộng quân đang công hãm Tiểu Khu. Nhưng khi đến ngã Ba Ama Trang Long Tôn Thất Thuyết, các chiến sĩ Thiết Đoàn 8 bị lực lượng của Cộng quân từ ngã Sáu tràn xuống chận đánh. Hai chiếc Commando Car bị Cộng quân bắn cháy trước Bar Quốc Tế. Nhưng các chiến sĩ của Thiết Đoàn 8 đã len theo khu phố Ama Trang Long để tiến về hướng Tiểu Khu.

Cũng giờ này, khu chợ Ban Mê Thuột, từ đường Quang Trung chạy dọc theo đường Y Jút đến Ama Trang Long bị trúng đạn và bốc cháy dữ dội. Nhà hàng Thanh Thế mới khai trương, cũng tân kỳ không thua gì nhà hàng Thanh Thế ở đại lộ Lê Lợi Saigon, giờ đây đang là một biển lửa. Dãy phố bên kia đường Ama Trang Long, đối diện với nhà hàng Thanh Thế như tiệm Rồng Vàng, nằm mặt sau của Ty Cảnh Sát cũ đã là một bãi gạch vụn. Khu phố nằm trên đường Y Jút, đối diện với chợ Ban Mê Thuột như nhà của Bác Sĩ Tôn Thất Hối đã bị sập.

Cho đến giờ này, 11 giờ 45 ngày 10 tháng 3/1975, các chiến sĩ của Tiểu Khu Darlac vẫn cố thủ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, và lực lượng của Cộng quân từ 2 mặt, phía Bắc, tức là khu cư xá sĩ quan và mặt tiền Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, tức là từ Bưu Điện, tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ đã bám sát hệ thống công sự phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Những trận đánh xáp lá cà đẫm máu đã xảy ra dọc theo hệ thống công sự phòng thủ.

Một giờ 15 trưa ngày 10 tháng 3/1975, Trung Tâm Hành Quân của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu bị trúng pháo, mọi liên lạc truyền tin bị phá hủy.

Mười bốn giờ 20 ngày thứ Hai, 10 tháng 3/1975, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Tỉnh Darlac thất thủ, sau hơn 7 tiếng đồng hồ giao tranh với lực lượng biển người của Cộng quân có chiến xa T-54, và các loại đại pháo yểm trợ, mà không có được một đơn vị bạn nào tiếp cứu.

Sáu mươi ngàn dân thị xã Ban Mê Thuột mãi mãi ghi nhớ chiến công, lòng dũng cảm và tinh thần kỷ luật của các chiến sĩ Tiểu Khu Darlac trong những giờ phút lâm nguy đã cố gắng và hy sinh để làm tròn bổn phận cho đến hết sức mình. Xin gởi tấm chân tình sâu xa nhất của chúng tôi đến Trung Tá Vĩnh Hy, người trực tiếp chỉ huy mặt trận, với những trận tấn công và đánh xáp lá cà cùng lực lượng biển người của quân thù, và để đến giờ phút cuối đành di tản Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để bảo toàn lực lượng.

Xin anh linh của những chiến sĩ đã sống hùng thác thiêng, phù trợ cho thành phố này và những đồng đội của mình trên những chặng đường di tản. Các vị mãi mãi là những anh hùng và thần linh của thành phố này.