Người Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa đã có truyền thống tôn sùng các bậc anh hùng đánh đuổi xâm lăng, giải phóng dân tộc. Trong các anh hùng của dân tộc Việt Nam, thì Hai Bà Trưng và Trần Hưng Đạo đã được xem như các bậc thần thánh và được người dân lập đền thờ, có Hội Đền Đức Thánh Trần, Hội Đền Hai Bà Trưng. Sự sùng bái của nhân dân đối với các Ngài đã đi quá giới hạn bình thường, với niềm tin và sinh hoạt đặc biệt chẳng khác gì các tôn giáo. Tuy nhiên, với tư cách một người nghiên cứu sử học, chúng tôi có nhiệm vụ đi tìm sự thật lịch sử khách quan, gạt ra ngoài những tình cảm và sự sùng kính đặc biệt như đã có từ lâu đời trong dân tộc chúng ta. Nhân ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng, chúng tôi xin cống hiến quý vị độc giả những tài liệu lịch sử vốn rất quen thuộc với những nhà nghiên cứu lịch sử xưa nay, nhưng cũng có thể là mới mẻ đối với một số người vì không thuộc lãnh vực chuyên môn của họ. 1. Nước Lạc Việt Trong các sách cổ của Trung Hoa có nói đến một dân tộc gọi là Lạc Việt. Hậu Hán Thư, quyển 54, phần nói về Mã Viện, danh tướng của nhà Hán, có chép rằng: “Viện hảo kỵ, thiện biệt danh Mã, chinh Giao Chỉ, đắc Lạc Việt đồng cổ, nải chú vi mã thức” (Viện cưỡi ngựa giỏi, nên có biệt danh là Mã, khi sang đánh Giao Chỉ, ông đã lấy được trống đồng của người Lạc Việt, đem đúc thành con ngựa). Thế kỷ thứ 6, có một người tên Lệ Đào Nguyên, đã từng đến đất Lạc Việt xưa (vùng Mê Linh) và đã ghi lại những điều nghe thấy qua sách Thủy Kinh Chú như chuyện Trưng Trắc, Trưng Nhị, v.v… Lệ Đào Nguyên cũng có nhắc đến một sách cổ tên là “Giao Châu ngoại vực ký”. Sách nầy được sử gia Pháp là Aurousseau cho rằng có thể do Cố Vi vào đời nhà Tấn (205- 420), trong đó có một đoạn nói đến đời sống của dân Lạc Việt như sau: “Giao Chỉ tích hữu quận, huyện chi thời, thổ địa hữu Lạc Điền. Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ. Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân. Thiết Lạc vương, Lạc hầu, chủ chư quận huyện. Đa vi Lạc tướng, đồng ấn thanh thụ” (Lệ Đào Nguyên, Thủy Kinh Chú, quyển 7, tờ 4b), dịch nghĩa: “Ngày xưa khi đất Giao Chỉ chưa trở thành quận, huyện của nhà Hán, ở đó có ruộng gọi là ruộng Lạc. Ruộng đó tùy theo nước thủy triều lên xuống (ruộng ngập nước), dân khai khẩn ruộng đó nên gọi là ruộng Lạc. Họ lập ra các chức Lạc vương, Lạc hầu để làm chủ các quận huyện. Có nhiều Lạc tướng có ấn đồng lụa xanh”. Tư Mã Trinh khi chú giải Sử Ký của Tư Mã Thiên có nhắc đến một sách khác của họ Đào là “Quảng Châu Ký” trong đó có nói đến đời sống của dân Lạc. Lê Tắc, trong An Nam Chí Lược (viết vào khoảng năm 1333) trang 24 cũng có nhắc đến đời sống của dân Lạc…Thế kỷ 15, Ngô Sĩ Liên, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng nhắc đến Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng…Thế kỷ 17, Cao Hùng Trưng, trong “An Nam Chí Nguyên” và thế kỷ 19, sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” cũng nhắc lại chi tiết đó…Nhiều học giả cho rằng các sách nầy đều lấy lại tài liệu của “Giao Châu ngoại vực ký” nói trên vì tất cả các tác giả đều lặp lại những chi tiết mà sách Giao Châu Ngoại Vực Ký đã nói đến. Qua đoạn văn trên chúng ta biết được dân lạc Việt đã có đời sống nông nghiệp, biết khai thác ruộng ngập nước (ruộng Lạc), họ có vua gọi là Lạc vương và dưới vua có Lạc hầu, Lạc tướng… Vua cấp cho các tướng con dấu bằng đồng, có giải lụa xanh, v.v… hoặc là các tướng tự đúc ra con dấu bằng đồng, có giải lụa xanh. Như vậy thời đó họ đã dệt được lụa hoặc mua lụa của người Trung Hoa (nhà Tần nổi tiếng về tơ lụa). Xã hội thời đó đã có tổ chức, kinh tế phát triển và họ cũng có luật pháp riêng. Theo Phạm Việp, tác giả Hậu Hán Thư, thì: “Luật của người Lạc Việt và luật của nhà Hán khác nhau đến mười điều vì thế Mã Viện phải giải thích luật pháp cũ cho họ và bắt họ từ này về sau phải tuân giữ” (Hậu Hán Thư, quyển 54, trang 747, cột 2: “Điều tấu Việt luật dữ Hán luật bác giả thập dư sự. Dữ Việt nhân minh cựu chế dĩ ước thúc chi, tự hậu Lạc Việt cử hành Mã tướng quân cổ sự”). Những chi tiết trên đây là hình ảnh của dân Lạc Việt trước khi bị người Trung Hoa xâm chiếm, thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Sử liệu có sớm nhất cũng xuất hiện vào thế kỷ thứ IV, nghĩa là sau các biến cố nói trên mấy trăm năm và do người Trung Hoa ghi chép. Sử gia Việt Nam khi nói về thời kỳ nầy cũng dựa vào sử sách của Trung Hoa là chính. Khi viết về người Lạc Việt người Trung Hoa dùng Hán tự để phiên âm những tên người, tên đất hoặc diễn tả ý nghĩa của sự việc. Do đó những từ “Lạc vương”, “Lạc hầu”, “Lạc tướng” là ngôn ngữ của Trung Hoa chỉ các chức vụ của người Trung Hoa tương đương với chức vụ của người Lạc Việt. Nói tóm lại, người Lạc Việt đã có một xã hội, có tổ chức, có người lãnh đạo, có luật pháp, có văn hóa nghệ thuật, kinh tế phát triển so với các dân tộc khác cùng thời. (Ở đây, chúng tôi xin lưu ý một điều: Người Mường và người Việt ở miền Trung từ Nghệ An vào đến Quảng Trị là vùng đất cổ của tổ tiên chúng ta trước thế kỷ thứ 10, thường phát âm chữ “Nước” thành chữ “Nác” (nước uống). Chữ nầy rất gần với “Ruộng Nước”, “Ruộng Nác”, chúng tôi nghĩ rằng người Trung Hoa đã phiên âm chữ “Nác” thành chữ Lạc có nghĩa là một dân tộc chuyên làm ruộng nước, cấy lúa trên ruộng ngập nước chứ không gieo hạt lúa trên nương rẫy. Đó là điểm đặc biệt của người phương Nam khác với người phương Bắc (Bắc kinh). 2. Chính Sách Thực Dân Của Nhà Tần (221-206 trước Công Nguyên): Triệu Đà Và Nước Nam Việt. (Danh từ “thực dân” được hiểu là đem dân từ nơi nầy đến lập nghiệp nơi khác và không cho họ trở về quê cũ, nơi sinh quán nữa. “Thực” ở đây theo Hán tự có nghĩa là “Trồng” như trồng cây). Sau khi Lữ Chính diệt được 6 nước nhỏ (lục quốc), thống nhất thành một nước lớn và lên ngôi tức Tần Thủy Hoàng (221-206 trước Công Nguyên). Nhà Tần có một chính sách thực dân rất quy mô. Sử gia Tư Mã Thiên (thế kỷ thứ I trước Công Nguyên) đã cho chúng ta biết một số chi tiết về chính sách đó như sau:”Năm thứ 33 đời Tần Thủy Hoàng (tức năm 214 trước Công Nguyên), vua bắt tất cả những kẻ lang thang vô thừa nhận, bọn ăn dưng ở nể và bọn con buôn đi chiếm đất Lục Lương. Ông lập ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận, và đày những người có tội đến ở để giữ” (Sử Ký, quyển 6, tr. 25, cột 2). Đạo quân thực dân thời Triệu Đà từ phương Bắc đến trong đó có cả lính tráng và dân thường lên đến nửa triệu người. Để thực hiện chính sách đó, nhà Tần cho đào sông, bắc cầu, xẻ núi, mở đường, sai Sử Lộc chế ra lâu thuyền để vận tải hàng hóa, binh khí… Bọn người nầy vượt Ngũ Lĩnh đi về phương Nam, chiếm đất mới và lập nghiệp ở đó, không trở về. Khi chiếm được đất rồi, họ cho những người nầy đến ở lẫn lộn với người Lạc Việt. Sách Sử Ký đã dùng chữ “tạp xử” (ở lẫn lộn) cho thấy chính sách đồng hóa thâm độc của nhà Tần. Nhưng người Lạc Việt chống lại chính sách đó bằng cách trốn vào rừng, bất hợp tác. Trong sách “Nhân Gian Huân”, quyển 18, tờ 18, Lưu Ẩn cho biết thêm một chi tiết sau đây: “Tất cả người Lạc Việt rút vào rừng rậm, sống chung với cầm thú chứ không chịu làm tôi nhà Tần” (Việt nhân nhập tùng bạc trung dữ cầm thú xử, mạc khẳng vi Tần lỗ). Sử Ký của Tư Mã Thiên, quyển 118 trang 260 còn ghi lại một chi tiết như sau: “Triệu Đà đã sai sứ mang thư về cho vua Tần xin gởi đến cho ông ba vạn đàn bà góa chồng hoặc con gái ế chồng để cho lính của ông cưới làm vợ” (Sử nhân thượng thư cầu nữ vô giá giả tam vạn nhân dĩ vi sĩ tốt y bố). Điều đó chứng minh rằng không những người Lạc Việt tìm cách xa lánh người Tàu, mà chính người Tàu cũng không muốn làm bà con với người Lạc Việt. Cũng có thể vì trình độ văn hóa, văn minh của hai giống người đó quá chênh lệnh, khó hòa đồng được. Sự hiện diện của ba vạn đàn bà, con gái góa, hoặc ế chồng vào thời đó đã thành lập được ba vạn gia đình và họ sinh con đẻ cháu từ thế hệ nầy qua thế hệ khác đã tạo nên con số đông đảo người phương Bắc tại vùng đất của người Lạc Việt. Trong số những tướng của nhà Tần sai đi thực hiện cuộc Nam tiến có quan Đồ Thư, Nhâm Ngao và Triệu Đà… là những người được sử sách nhắc đến nhiều nhất. Đồ Thư đem quân đến đánh nước Âu Lạc, buộc Thục Phán phải khuất phục nhà Tần. Nhưng sau đó, nhà Tần suy yếu, dân Âu Lạc nổi dậy giết Đồ Thư, giành lại độc lập. Quan nhà Tần ở quận Nam Hải là Nhâm Ngao muốn đem quân lấy lại đất Âu Lạc, nhưng việc chưa thành thì bị bệnh mất. Trước khi chết, ông trao quyền lại cho Triệu Đà. Lúc bấy giờ Triệu Đà đang trấn giữ đất Long Xuyên được kiêm chức Lệnh Úy Nam Hải. Năm 208 trước Công nguyên, Triệu Đà đem quân đánh nước Âu Lạc của An Dương Vương (Thục Phán) lập ra nước Nam Việt. Sử Ký của Tư Mã Thiên có một chương nói về Triệu Đà rất lý thú. Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, nhà Tần suy yếu, xã hội loạn lạc… Lưu Bang diệt được nhà Tần, thắng được Hạng Vũ, thống nhất thiên hạ, lập ra nhà Hán, xưng là Hán Cao Tổ. Trong thời gian đó, Triệu Đà lấy được nước Âu Lạc của Thục Phán, hợp nhất Âu Lạc và Nam Hải thành một nước độc lập gọi là nước Nam Việt, tự xưng làm vua, lập ra nhà Triệu, tức là Triệu Vũ Vương (207-137 trước Công nguyên), đóng đô ở Phiên Ngung (nay thuộc Quảng Châu bên Trung Quốc). Năm 196 trước Công nguyên, Hán Cao Tổ sai sứ là Lục Giả sang Nam Việt kêu gọi Triệu Đà về thần phục nhà Hán. Lúc bấy giờ Triệu Đà làm vua Nam Việt đã được 12 năm rồi và Lưu Bang mới lên ngôi được 11 năm. Triệu Đà tự xem mình là anh hùng trong thiên hạ, sánh ngang với Hán Cao Tổ Lưu Bang, nên khi tiếp sứ nhà Hán ông đã có thái độ ngang nhiên tự đắc. Nhưng Lục Giả cũng đã thuyết phục được Triệu Đà về thần phục nhà Hán vì Triệu Đà vốn là người Tàu, quan của nhà Tần. Về sau, nhân khi Hán Cao Tổ mất, Lữ Hậu chuyên quyền, có sự xích mích biên giới với Triệu Đà nên Triệu Đà tự lập làm Hoàng đế và đem quân đánh chiếm đất của nhà Hán. Từ đó thanh thế của Triệu Đà lừng lẫy và ông đã dùng mọi nghi vệ như vua nhà Hán. Sau khi Lữ Hậu qua đời, Hán Văn Đế lên nối ngôi, lại viết thư qua kêu gọi Triệu Đà thần phục nhà Hán, từ đó Triệu Đà mới chịu từ bỏ đế hiệu. Triệu Đà làm vua nước Nam Việt được 70 năm, thọ 121 tuổi, truyền ngôi cho cháu nội (con của Trọng Thủy) tên là Triệu Hồ, tức Triệu Văn Vương. Văn Vương là người tầm thường, không nối được chí của ông nội là Triệu Đà, nên bị nhà Hán chèn ép. Văn Vương làm vua được 12 năm thì mất (137-125 trước Công nguyên). Con là Anh Tề nối ngôi tức Triệu Minh Vương, được 12 năm (125-113 trước Công nguyên), lấy vợ người Hán là Cù Thị, lập làm Hoàng hậu. Minh Vương chết, con là Hưng nối ngôi tức Triệu Ai Vương (113) được 01 năm thì mất nước. Mẹ là Cù Thị lấy sứ nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý và đem nước Nam Việt của Triệu Đà dâng cho nhà Hán. Lữ Gia là tướng của nhà Triệu (nước Nam Việt) giết Cù Thị, Thiếu Quý và Ai Vương, lập Thái tử Kiến Đức con của Minh Vương, mẹ là người Nam Việt, lên làm vua tức Triệu Dương Vương. Được một năm thì vua Hán sai tướng Lộ Bác Đức đem quân đánh lấy Nam Việt, vua và quan của Nam Việt bị giết. Năm 11 trước Công nguyên, nước Nam Việt bị đổi tên là Giao Chỉ bộ, chia làm 9 quận do các quan của nhà Hán cai trị. Từ năm 111 trước Tây lịch cho đến năm 939, Ngô Quyền giành được độc lập, sử gọi là thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. 3. Anh Hùng Lạc Việt: Cuộc Khởi Nghĩa Của Trưng Trắc, Trưng Nhị Năm 40 Nước Nam Việt của Triệu Đà bao gồm lãnh thổ của Triệu Đà và lãnh thổ của An Dương Vương Thục Phán trong đó có hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt gọi chung là người Việt như đã nói ở phần trên. Sau khi nhà Triệu mất ngôi, nước Nam Việt được đổi thành Giao Chỉ bộ và được chia thành quận huyện đặt dưới quyền cai trị của quan lại nhà Hán. Người Lạc Việt phải chịu nhiều sự áp bức, bất công, nhất là dưới thời Thái thú nhà Hán là Tô Định. Do đó, hai vị nữ anh hùng của Lạc Việt là Trưng Trắc và em là Trưng Nhị đã nổi lên chống lại nhà Hán, diệt Tô Định, đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc. Khi đề cập đến biến cố nầy, sử gia Trung Quốc không xem thường những anh hùng của Lạc Việt. a. Lý Lịch Trưng Trắc Phạm Việp, tác giả Hậu Hán Thư (sử nhà Hán) đã viết về Trưng Trắc, Trưng Nhị với lời lẽ rất cảm phục: “Hựu Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc, cập nữ muội Trưng Nhị phản công đầu kỳ quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, man di giai ứng chi, khấu lược Lĩnh Ngoại lục thập dư thành. Trắc tự lập vi vương” (Hậu hán Thư, quyển 54, trang 747 trong Nhị Thập Ngũ Sử). Dịch: “Ở quận Giao Chỉ, có người đàn bà tên Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị nổi lên làm loạn, đánh phá trong quận. Dân man di ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, cướp phá hơn 60 thành ở vùng Lĩnh Ngoại. Trắc tự xưng làm vua”. Theo đoạn văn trên đây, Hai Bà Trưng nổi lên ở quận Giao Chỉ, phong trào lan rộng ra các nơi và dân man di (chỉ dân Lạc Việt lúc đó) hưởng ứng và cùng nổi lên đánh phá quân Tàu (Hán), chiếm được 60 thành. Không một lãnh tụ nào của các nhóm mà sử Tàu gọi là man di dám xưng vương, ngoại trừ Trưng Trắc. Như vậy, Trưng Trắc là người kiệt hiệt nhất trong số đó. Con số hơn 60 thành trì nói đây, so với hoàn cảnh lúc đó, chúng ta có thể hiểu rằng đây không phài là thành trì to lớn như ở Việt nam hay ở Trung Hoa mà chúng ta thấy trước đây. Có thể đây chỉ là những công sự chiến đấu do người phương Bắc (người Hán) xây dựng lên để tự vệ trước sức tấn công của người bản xứ (Lạc Việt). Số người Hán nầy đã di dân đến đất Lạc Việt thời Triệu Đà, theo chính sách thực dân của nhà Tần. Cho đến thời nhà Hán, số người đó càng ngày gia tăng và họ lập được hơn 60 căn cứ gọi là “thành”. b. Chồng Trưng Trắc Là Thi Hay Thi Sách? Theo sách Thủy Kinh Chú của Lệ Đào Nguyên, khoảng thế kỷ thứ 6, tác giả đã từng đến vùng Mê Linh, đã ghi lại được những điều nghe thấy như sau:”Châu Diên Lạc tướng tử, danh Thi, sách Mê Linh Lạc tướng nữ, danh Trưng Trắc, vi thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc. Mã Viện tương binh thảo. Trắc, Thi tẩu nhập Cấm Khê” (quyển 37, tờ 6 a). Chúng ta để ý trong Hán văn xưa, không có chấm, phẩy… Tùy theo mạch văn mà ngừng lại cho trọn nghĩa của câu. Trong đoạn văn trên nếu ngừng ở chữ Sách thì câu văn sẽ như sau: “Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi Sách”, nghĩa là: “Con trai Lạc tướng huyện Châu Diên tên là Thi Sách”, và câu sau: “Mê Linh Lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê”, nghĩa là: “Con gai Lạc tướng huyện Mê Linh tên là Trưng Trắc là vợ”. Nhưng Thái tử Hiền, con vua Cao Tông nhà Đường, khi bị bà Võ Tắc Thiên đày ra vùng quan ngoại, vào thế kỷ thứ 8, ông đã ngồi đọc lại sách sử và chú thích như sau:”Cứu Triêu Nhất Thanh viết Sách thê do ngôn thú thê” (tra cứu theo Triêu Nhất Thanh thì chữ Sách Thê là cưới vợ). Do đó câu văn trên phải ngừng ở chữ Thi: “Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi” (con trai Lạc tướng huyện Châu Diên tên là Thi) và: “Sách Mê Linh Lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê” (đi hỏi con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ). Đọc tiếp đoạn Hán văn trên, chúng ta thấy: “Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc. Mã Viện tương binh thảo, Trắc, Thi tẩu nhập Cấm Khê”. (Trắc là người có can đảm và dũng lược, cùng với Thi nổi lên làm giặc. Mã Viện đem quân đánh đuổi. Trắc, Thi chạy vào Cấm Khê). Do chỗ sai lầm đó mà về sau các sách sử viết tên chồng của Trưng Trắc là Thi Sách. Sự lầm lẫn nầy khởi từ sử gia Trung Quốc là Phạm Việp trong sách Hậu Hán Thư, quyển 54 trang 747, cột 3, ông viết: “Trưng Trắc giả, Mê Linh Lạc tướng chi nữ giả, giá vi Châu Diên nhân Thi sách thê, thậm hùng dũng”. (Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh được gả làm vợ cho một người huyện Châu Diên là Thi Sách, bà rất hùng dũng). Dựa vào đó, các sử gia Việt Nam như Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hoặc Lý Tế Xuyên trong Việt Điện U Linh Tập (một chuyện hoang đường) cũng gọi chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, họ đều trích dẫn từ sách hậu hán Thư của Phạm Việp, nhưng họ không để ý đến phần chú thích của Thái tử Hiền ở phần cuối sách. Từ đó mới xuất hiện tên Thi Sách trong lịch sử. Cho đến nay, không ai có thể đính chính được ngoại trừ nhà nước ra lệnh sửa lại điều sai lầm đó trong sách vở. c. Nguyên Nhân Cuộc Khởi Nghĩa: Vì Thù Chồng Hay Vì Lý Do Chính Trị? Theo sử Việt Nam mà chúng ta học từ nhỏ thì Trưng Trắc nổi lên đánh đuổi quân Tàu vì chồng bà là Thi sách bị Thái thú nhà Hán là Tô Định giết. Điều đó có đúng hay không? Lý do đó có thể vận động dân chúng căm hờn cùng đứng lên đánh đuổi xâm lăng được hay không? Vào thế kỷ thứ 8, khi chú thích hậu Hán Thư của Phạm Việp, Thái tử Hiền có nói đến một chi tiết khác, chúng tôi cho đó là một yếu tố rất quan trọng, là nguyên nhân đưa đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Ông viết: “Giao Chỉ Thái thú Tô Định, dĩ pháp thằng chi, Trắc oán nộ, cố phản”. (Thái thú Giao Chỉ là Tô Định lấy luật pháp mà ràng buộc, nên Trắc tức giận, chống lại) (Chữ “thằng” là sợi giây, cũng có nghĩa là cột buộc). Qua chi tiết trên đây, chúng ta thấy rằng Trưng Trắc là người Lạc Việt, một giống người bản xứ, có phong tục tập quán riêng. Khi Tô Định đến cai trị dân nầy, ông đã đem luật pháp của người Hán (Tàu) bắt dân Lạc Việt phải thi hành. Việc đó có thể đụng chạm đến cả tín ngưỡng của họ nữa. Đó là điều rất dễ gây căm phẫn trong nhân dân. Đó là chưa kể chính sách bóc lột về mặt kinh tế đối với họ. Cả Hậu Hán Thư và Thủy Kinh Chú đều nói rằng: Trắc cùng với Thi nổi lên làm giặc và khi bị Mã Viện đánh đuổi thì cả hai người chạy vào Cấm Khê. Vậy khi Trưng Trắc khởi nghĩa thì chồng bà là Thi vẫn còn sống và cùng chiến đấu bên cạnh bà. Lý do khởi nghĩa là vì quyền lợi dân tộc và được cả dân tộc làm hậu thuẫn chứ không phải vì báo thù chồng. Có thể về sau người chồng bị chết dưới tay quân thù, nhưng giai đoạn đầu chồng vẫn còn sống. Lý do vì chống lại chế độ, chống lại luật pháp hà khắc nên Trưng Trắc khởi nghĩa đã được chứng minh bằng sự thay đổi chính sách cai trị của nhà Hán sau khi Mã Viện thắng được Trưng Trắc. Việc cử Mã Viện là một tướng già, bách chiến bách thắng và được gọi là “phục ba tướng quân” (vị tướng làm cho sóng gió phải yên lặng) qua đánh Trưng Trắc chứng tỏ tầm mức quan trọng của cuộc chiến. Mã Viện không những là một tướng có tài về quân sự mà còn là một tướng có tài về chính trị. Ông cùng Phó tướng là Lưu Long, Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí với một lực lượng hai vạn quân. Đến Hợp Phố, Đoàn Chí bị bệnh chết nên ông phải gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn. Ngoài ra, ông còn tuyển thêm 12.000 quân tại Giao Chỉ nữa và phải mở đường, xẻ núi, phá rừng mà đi. Lúc bấy giờ phong trào chống đối người Tàu lan rộng rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn mà cả một vùng rộng lớn gồm các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều nổi dậy. Không cần tổ chức lãnh đạo, dân các nơi đều hưởng ứng, chứng tỏ cuộc khởi nghĩa hợp lòng dân. Hậu Hán Thư, quyển 54 trang 747 (trong Nhị Thập Ngũ Sử) chép: “Thập bát niên, Xuân, quân chí Lãng Bạc, dữ tặc chiến, phá chi, trảm thù sổ thiên, cập hàng giả vạn dư nhân. Viện truy Trưng Trắc đẳng, chí Cấm Khê, sổ bại chi, giặc toại tán tẩu” (Năm thứ 18 -hiệu Kiến Vũ nhà Hán- tức năm 42, mùa Xuân, quân đi đến vùng Lãng Bạc, cùng giặc đánh nhau, phá được chúng, chém đầu cả ngàn tên, bọn ra hàng có đến cả vạn. Viện đuổi theo bọn Trưng Trắc đến Cấm Khê, giặc bị thua liền mấy trận, bỏ chạy tán loạn). Mã Viện còn đuổi theo dư đảng của Trưng Trắc đến tận Cửu Chân, giết được hơn 5.000 người nữa. Vừa đánh, vừa cũng cố, đến huyện nào Viện cũng xây thành đắp lũy, tổ chức lại đơn vị hành chánh, dạy cho dân biết canh tác làm ăn. Sau đó mới giải thích cho dân hiểu luật pháp, dân mới dần dần nghe theo lời ông. Những quan của nhà hán cử sang cai trị dân Lạc Việt sau vụ Trưng Trắc đều ra sức giáo hóa dân, dạy cho dân biết cày cấy, biết lễ nghĩa. Trước thời Tô Định cũng đã có hai quan Thái thú có tiếng tốt đối với dân, đó là Tích Quang ở quận Giao Chỉ và Nhâm Diên ở quận Cửu Chân. Phần nói về Nhâm Diên trong sách Hậu Hán Thư cho biết dân Giao Chỉ thích săn bắn chứ không biết dùng bò để cày. Dân Cửu Chân thì đốt cỏ rồi gieo giống làm ruộng. Nhâm Diên truyền đúc các thứ điền khí (lưỡi cày, lưỡi cuốc,v.v…) dạy cho dân cày bừa, khẩn ruộng để trồng trọt. Dân lạc Việt thời đó không biết cưới hỏi như người Hán. Họ không quen sống chung với nhau, nên không biết đạo cha con, đạo vợ chồng. Nhâm Diên phải gởi thư đi các huyện thuộc quyền ông truyền cho đàn ông từ 20 tuổi đến 50 tuổi, đàn bà từ 15 đến 40 tuổi phải tùy tuổi tác mà cưới hỏi nhau… cùng một lúc có đến 2.000 người tổ chức cưới hỏi… năm đó trời cho mưa thuận gió hòa, lúa má được mùa, dân đẻ con ra biết họ biết dòng… có người lấy tên Nhâm đặt cho con để tỏ lòng biết ơn… Những việc này xảy ra vào năm 29 đời Kiến Vũ nhà Hán, trước khi Tô Định đến cai trị Giao Chỉ. Vì Tô Định không chịu cai trị dân theo chính sách của các vị tiền nhiệm mà lại quá hà khắc nên dân nổi loạn. Sử Tàu nói rõ lý do của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là vì chế độ hà khắc, nhưng sử gia Việt Nam lại gom cả hai làm một: vừa thù chồng, vừa chống chính sách. Đọc đoạn văn sau đây của Ngô Sĩ Liên, chúng ta thấy rõ điều đó: “Canh Tý nguyên niên, Hán Kiến Vũ thập lục niên, Xuân, nhị nguyệt, vương khổ Thái thú Tô Định thằng dĩ chính, cập thù Định sát kỳ phu, nải dữ kỳ muội Nhị, cử binh công hãm châu trị” (Năm Canh Tý (40) năm đầu, năm thứ 16 hiệu Kiến Vũ nhà Hán, mùa Xuân, tháng Hai. Vương đau lòng vì Tô Định lấy chính pháp ràng buộc, lại căm thù vì Định đã giết mất chồng, bèn cùng em gái là Nhị cử binh đánh phá châu trị). Theo ý của câu trên thì chồng phải bị giết trước khi khởi nghĩa, vừa thù chồng, vừa nợ nước! Trong phần nói về Mã Viện (Mã Viện liệt truyện), sử gia Tàu đã nói đến Trưng Trắc vì có liên quan đến công trạng của Mã Viện. Nhờ chỗ có liên quan đó mà đời sau mới biết đến Trưng Trắc. Nếu sử Tàu không nói đến thì sử gia Việt Nam như Ngô Sĩ Liên khó mà có tài liệu để viết lại thời quá khứ. Sử Tàu nói rõ Trưng Trắc cùng chồng nổi lên đánh đuổi Tô Định. Vậy không phải vì thù chồng mà Trưng Trắc nổi dậy. Đưa yếu tố thù chồng vào sử sách đã làm lu mờ chính nghĩa vì dân tộc của cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc đi. d. Cái Chết Của Trưng Trắc Sử Việt mà chúng ta học từ bậc tiểu học nói rằng Trưng Trắc, Trưng Nhị nhảy xuống sông Hát (Hát giang) tự tử. Và chúng ta có bài “Dòng sông Hát…” ca tụng cái chết bất khuất của hai Bà. Nhưng Hậu Hán Thư lại nói một câu rất vắn gọn: “Minh niên, chính nguyệt, trảm Trưng Trắc, Trưng Nhị, truyền thủ Lạc Dương”. (Năm sau (42) tháng Giêng, chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, gửi đầu về Lạc Dương). Lạc Dương là kinh đô nhà Hán lúc đó. Tuy vắn gọn nhưng gồm đủ mấy chi tiết ngày, tháng, lý do chết và gởi đầu về để làm chứng cho vua Hán biết. Về chi tiết nầy, ông Ngô Thời Sĩ trong sách Việt Sử Tiêu Án trang 40 viết rằng: “Trong đền thờ Hai bà Trưng, những đồ thờ tự, tất cả đều sơn đen, tuyệt không có sơn đỏ, dân địa phương không dám mặc áo đỏ, những khi đến yết cáo, có ai mặc áo đỏ đều cởi bỏ đi, không ai dám xúc phạm đến cấm lệ. Tục truyền rằng Trưng Vương chết vì việc binh đao, nên kiêng sắc đỏ vì giống như máu”. Điều đó phù hợp với lời thuật của Hậu Hán Thư. Trong hai sử liệu thì Hậu hán Thư có trước Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cả ngàn năm. Chắc chắn Toàn Thư đã lấy từ Hậu Hán Thư các dữ kiện nầy. Có sách nói rằng người nhảy xuống sông tự tử là bà Mang Thiện, mẹ của Trưng Trắc. Sau khi Trần Hưng Đạo thắng quân Mông Cổ ở trận Bạch Đằng, Lê Tắc chạy theo giặc lưu vong qua Trung Hoa. Thời gian sống ở đây, ông có nghiên cứu nhiều sách vở và có viết một cuốn sách nhan đề “An Nam chí lược”. Ông là người Việt Nam đồng ý rằng Trưng Trắc bị Mã Viện chém đầu. Sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” do Quốc Sử Quán triều Nguyễn cũng nói: “Trưng Vương và em gái chống với quân Hán bị binh lính bỏ trốn, lại thế cô, cả hai thất trận chết”. Chết trận, có nghĩa là bị chém, không phải tự tử. Xin lưu ý một điều, vào thế kỷ 19, thời nhà Nguyễn, sự tiến bộ về khoa nghiên cứu sử học (phương pháp sử học) ở Trung Quốc đã hơn hẳn thời xưa vì lúc đó trí thức bên Tàu đã có nhiều tiếp xúc với Tây phương và họ đã đặt lại vấn đề, xem xét lại các điều ghi chép thời xưa có hợp lý và đáng tin hay không. Do đó, sử gia nhà Nguyễn cũng đã học được từ nhà Thanh nhiều tiến bộ trong phương pháp nghiên cứu sử học. Sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn biên soạn thời Tự Đức đã được đánh giá cao hơn so với các sử sách của nước ta ra đời trước đó. Kết Luận Người Việt Nam đã xem Hai Bà Trưng thực sự là anh hùng của dân tộc mình. Từ Lý, Trần trở về sau, sử sách đã hết lời ca tụng Hai Bà. Hình ảnh Hai Bà đã đi vào lòng người Việt Nam như là những thần thánh, khắp nơi nhân dân lập đền thờ Hai Bà. Ý thức độc lập đã có từ lâu đời với dân Lạc Việt thời Hai bà Trưng cũng như với những người di dân từ phương Bắc tới, tranh đấu để tự mình làm chủ giang sơn của mình. Từ Lý Cầm, Lý Tiến thời nhà Hán đến Triệu Thị Trinh, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng cho đến Khúc Thừa Mỹ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền…Từ thế kỷ thứ mười trở đi, tổ tiên chúng ta đã vĩnh viễn giành được độc lập, đánh đuổi xâm lăng, tạo nên truyền thống tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam chúng ta, giống dân làm chủ vùng đất phương Nam như Lý Thường Kiệt đã khẳng định: “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư…” (Nước Việt Nam của người Việt Nam).
|