Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Bảo Vệ Lãnh Thổ Hải Quân Trung Cộng - Phần 2

Hải Quân Trung Cộng - Phần 2 PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Hữu Long   
Chúa Nhật, 19 Tháng 10 Năm 2008 13:24

 (Tiếp theo và hết)

 
III -  Giới Hạn và Tình Trạng Yếu Kém của Hải Quân Trung Cộng.

            1/  Tổng Quát:

Một báo cáo năm 2007 cuả một nhóm đặc nhiệm thuộc Hội đồng liên lạc quốc ngoại (Council on foreign relations) nêu ra những trở ngại chung cuả quân đội Trung Cộng.Báo cáo nói đến tình trạng hổn tạp cuả các trang thiết bị hiện đại và lỗi thời cản trở sự liên hợp giữa chỉ huy và kiễm soát đồng thời gây khó khăn trong huấn luyện hoặc trong những cuộc hành quân qui mô rộng lớn. Trung Cộng cũng còn lệ thuộc vào những nhà cung cấp vũ khí ngoại quốc nên dây chuyền cung cấp và chế độ bảo trì không hữu hiệu.

Quân đội Trung Cộng tuy đông nhưng thiếu nhân viên hiểu biết điều hành các hệ thống kỹ thuật cao cấp; thiếu thốn trầm trọng hạ sĩ quan chuyên nghiệp. Họ cũng thiếu nhiều công cụ sức đẩy (instruments of force projection) như là oanh tạc cơ tầm xa, hàng không mẫu hạm, đơn vị nhảy dù, phương tiện tiếp liệu để cung cấp cho những lực lượng chiến đấu bên ngoài biên giới.

Những vấn nạn nêu trên không thể vượt qua nhanh chóng hoặc chi có thể giải quyết bằng cách chi tiêu thật nhiều ngân khoản.

             2/  Những Giới Hạn và Sự Yếu Kém.

Trong tình hình chung như vậy, mặc dù Trung Cộng tích cực nâng cao nỗ lực hiện đại hóa hải quân, các quan sát viên vẫn còn nhìn thấy những hạn chế hoặc yếu kém trong những lĩnh vực sau đây:

Một tài liệu năm 2005 cho biết rằng Trung Cộng chưa xuất hiện những dấu hiệu và quan điểm hành quân vượt khỏi Đài Loan và vùng ngoại biên hay là những cuộc hành quân lâu dài trên biển xa. Nếu Trung Cộng có ý định nới rộng chiến lược kiễm soát đại dương thì dấu hiệu đầu tiên có thể kể đến là phát triển hàng không mẫu hạm, phát triển khả năng chiến đấu chống tàu ngầm, phát triển khả năng chống không kích, thủ đắc nhiều hơn nữa số tiềm thủy đỉnh tấn công nguyên tử, phát triển hệ thống C4ISR (Command, Control, Communication, Computer, Intelligence, Surveillance, Reconnaissance) nâng cao huấn luyện và thao dượt trên các vùng biển khơi.

Những bản nghiên cứu mới cho rằng vơí cấu trúc lực lượng quân sự hiện hành, các chiến hạm Trung Cộng không đủ năng lực tiến đến eo biển Malacca nhất là khi có ý đồ vừa phong tỏa eo biển vừa hành quân xâm chiếm các nơi khác vì lý do không quân của hải quân và không quân Trung Cộng không đủ khả năng yểm trợ. Thời gian gần đây, hạm đội Nam Hải có trách niệm tuần phòng vùng biển phía Nam và quần đảo Trường Sa được gia tăng thêm nhiều chiến hạm và tiềm thủy đĩnh với hệ thống phòng không mạnh mẽ kể cả hoả tiễn đối không cũng có thể bị đánh bại bởi lực lượng hải quân và không quân của địch thủ. Địch thủ được hiểu theo nghĩa:  liên minh quân sự cuả những quốc gia có quyền lơị mật thiết vơí vùng biển Nam Hải.

Trung Cộng cũng chưa đạt được một cấu trúc chỉ huy hiện đại là hội nhập mọi cấp độ khả năng vào trong cùng một mạng lưới duy nhất gồm các công tác chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát (C4ISR). Trung Cộng đang tập trung nổ lực làm thế nào triển khai sự thao dượt để có thể làm kiểu mẫu cho một cuộc chiến tranh thật sự trong khi vẫn tiếp tục đối đầu với những khiếm khuyết hợp tác nội bộ và không đủ kinh nghiệm thực tiễn trong sự liên hợp.

Trung Cộng chưa hoàn chỉnh hệ thống giám sát tầm xa và hệ thống chấm định mục tiêu để khám phá và theo dõi chiến hạm trên biển, một nhu cầu cần thiết nhằm triễn khai ưu thế các loại vũ khí chống chiến hạm địch từ xa.

Hiện nay những tiềm thủy đỉnh tối tân cuả Trung Cộng giữ một vai trò quan trọng nhưng thiếu hụt phi cơ và chiến hạm tuần tiểu trang bị thiết bị cản âm hiện đại làm cho các tiềm thủy đĩnh trở nên những mục tiêu cho những tiềm thủy đĩnh ngoại quốc.

Ngoài ra, mặc dù hải quân Trung Cộng có những hoạt động tuần hành tích cực nhưng không đủ khả năng săn bắt và vớt mìn vì vậy bất kỳ một tổ chức thù nghịch nào (các phần tử khủng bố hay nổi loạn) cũng có thể đánh phá tàu thuyền của Trung Cộng bằng cách đơn giản gài một ít mìn bẫy.

Cuối cùng là vấn đề hậu cần, tiếp liệu. Từ năm 2000 Trung Cộng đã lưu ý đã gia tăng cấu trúc, sự phối trí và hiệu năng cuả hệ thống hậu cần liên hợp. Tuy nhiên hệ thống chỉ huy không tương xứng với hệ thống yễm trợ và tổ chức, kế hoạch không phù hợp với công tác quản lý. Thử nghiên cứu sự tiếp liệu của một khu trục hạm tối tân, người ta nhận thấy rằng những bộ phận cảm ứng, hỏa tiễn, hệ thống chiến đấu … đều phát xuất từ Nga và các nước tây phương. Nhìn chung, mỗi một trang bị từ thân tàu, kỹ thuật cơ khí, điện khí, đại bác, siêu âm, truyền tin, hoả tiễn … đều hoàn toàn mới mẻ đối với hải quân Trung Cộng. Trung Cộng lệ thuộc vào cố vấn Nga để huấn luyện, hành quân và bảo trì.

Ngay cả những chiến hạm đang chế tạo tại Trung Cộng cũng phải ưu tiên du nhập kỹ thuật và phương tiện trang bị từ Nga và các nước phương Tây. Tình trạng tiếp liệu hậu cần như vậy có thể là nguyên nhân chính giới hạn sự gây hấn của Trung Cộng đối với các quốc gia khác.

                                                        * * *

Trên đây là một số tin tức tổng quát về hải quận Trung Cộng. Tuy rằng tiềm lực còn tồn đọng một số giơí hạn, nhưng hải quân Trung Cộng trong tương lai là mối đe dọa thật sự đối với những nước xung quanh vùng biển Nam Hải, nơi dự đoán có trử lượng dầu mỏ khổng lồ và cũng là trục lộ giao thông hàng hải quan trọng. Các nươc Á Châu trong khu vực tranh chấp đều có lực lượng quân sự (hải quân và không quân) tương đối theo khả năng ngân sách và dân số, hàng năm cũng có sự thao dượt tượng trưng nhưng chưa hình thành một liên minh quân sự ; có lẻ hầu hết đều trông cậy vào đệ thất hạm đội.

Kể từ 2007 khi có những thông tin rõ ràng về hải quân Trung Cộng, Bộ Hải Quân Mỹ và Bộ Tư lệnh Thái bình dương đã dự liệu những kế hoạch tăng cường đệ thất hạm đội và tái phôí trí chiến hạm cuả đệ thất và đệ lục hạm đội. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang nghĩ đến những kiểu mẫu tàu chiến và các loại vũ khí hiện đại hơn.

Tháng 1 năm 2008, Đô đốc Timothy Keating, người đứng đầu Bộ tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái binh dương đã viếng thăm Trung Cộng ba ngày trong đó có buổi họp kín với Bộ trưởng ngoại giao Dương khiết Trì, hội kiến với Phó chủ tịch Ủy ban quân sự trung ưong, tướng Quách bá Hùng trước khi tham quan các cơ sở quân sự tại Thượng hải và Quảng châu.

Quân sự và Chính trị là hai yếu tố hỗ tương mật thiết và cũng là đòn bẩy cần thiết của một Dân Tộc hay một Quốc Gia muốn vươn lên dành phần xứng đáng trong cuộc cạnh tranh Sinh Tồn. Hải quân Trung Cộng ngày càng phát triển là sức mạnh để Hán tộc thực hiện giấc mơ ngàn đời mở rộng bờ cỏi, chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên của các dân tộc ôn hòa, dễ tính, cơ cấu xã hội phức tạp và tổ chức chính trị còn lỏng lẻo trong vùng Đông Nam Á. Ngày nay, chinh phục và thống trị như lịch sử của những thế kỷ trước khó có thể xảy ra, nhưng lực lượng hải quân hùng mạnh với vũ khí nguyên tử vẫn là một áp lực dành ưu thế trong sự trao đổi quyền lợi tại bàn hội nghị, trong các tổ chức quốc tế hoặc làm thế ỷ dốc cho chính sách đối ngoại, bảo trợ các chính giới, chính quyền thân Bắc Kinh tại một số quốc gia Á châu, kể cả mô phỏng cuộc chiến Iraq, Georgia, cuộc chiến Hoa-Việt tháng 2 năm 1979 .