Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Bảo Vệ Lãnh Thổ Kỷ Niệm 30 Năm Cuộc Chiến Biên Giới Đảng Cộng Sản Việt Nam Thể Hiện Điều Gì ?

Kỷ Niệm 30 Năm Cuộc Chiến Biên Giới Đảng Cộng Sản Việt Nam Thể Hiện Điều Gì ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Vĩnh   
Chúa Nhật, 08 Tháng 3 Năm 2009 21:24

 

Phạm Gia Khiêm và Vũ Đại Vĩ ngày 23/02/2009.

Hôm 23 tháng 2 vừa qua, trong một buổi lễ tại cửa khẩu hữu nghị Lạng Sơn, với sự tham dự của nhiều nhân vật quan trọng, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức lễ chào mừng hoàn thành cắm mốc biên giới trên đất liền. Người ta có thể hiểu được sự ăn mừng này của Trung Quốc, vì từ hàng nghìn năm qua, với bao lần đem binh hùng tướng mạnh sang xâm lược nước ta, họ đã không chiếm được một tấc đất nào của Việt Nam. Nay, chỉ trong vòng một hai thập niên, họ đã lấn chiếm được nhiều vùng rộng lớn ở dọc biên giới; và quan trọng hơn, Cộng Sản Việt Nam đã hợp thức hoá sự lấn chiếm đó qua các hiệp ước biên giới và qua buổi lễ vừa kể. Về phía Việt Nam thì lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam có thể có lý do để ăn mừng cùng với Trung Quốc. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đối với các lực lượng vũ trang Việt Nam, thì thái độ vừa kể của đảng là điều khó hiểu. Nhất là khi mà ký ức về cuộc chiến bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía bắc 30 năm trước vẫn còn vô cùng đậm nét trong tâm khảm mọi người.

Hôm 17 tháng 2, bà Khương Du, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng: “Chiến tranh biên giới VN và TQ hồi năm 1979, hy vọng sẽ được để lại phía sau quá khứ, và hai nước VN, TQ hướng đến tương lai…”. Bình thường thì việc xóa thù hận, hàn gắn chiến tranh giữa 2 nước cựu thù là việc cần phải làm và đáng ủng hộ. Trong tinh thần này thì những lời phát biểu của bà Khương Du không có gì để phê phán. Tuy nhiên, việc xoá bỏ hận thù và hàn gắn này phải mang tính công bằng và danh dự cho cả 2 phía. Ở đây, Trung Quốc có thể dễ dàng quên đi cuộc chiến, vì chỉ với cái giá hơn 20 ngàn binh sĩ Trung Quốc bỏ thây nơi trận địa, họ đã thực hiện được những gì họ không làm được từ hàng ngàn năm qua. Nhưng với những thiệt hại to lớn cho Việt Nam về nhiều mặt, thì cuộc chiến 30 năm trước là sự kiện không dễ dàng cho người Việt Nam chôn vùi vào dĩ vãng. Đặc biệt là khi công bằng và danh dự cho 30 ngàn chiến sĩ Việt Nam đã nằm xuống, đang bị chính đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam hoàn toàn phủ nhận, sau khi đã dần dần xoá nhoà.

Dù nhìn ở dưới góc độ nào đi nữa thì không ai có thể phủ nhận được cuộc chiến biên giới năm 1979 là cuộc chiến chống xâm lăng, bảo vệ tổ quốc. Do đó, những hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam trong cuộc chiến này cần phải được xiển dương và ghi nhớ. Nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản Việt nam đã không làm như vậy. Ngược lại, họ đang dùng mọi cách tẩy xóa sự hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam. Các trang quân sử của Cộng Sản Việt Nam vẫn không dám gọi đích danh Trung Quốc là kẻ thù xâm lược. Ngay cả các nhà khảo cứu tại các đại học cũng không được nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này. Các cơ quan truyền thông bị cấm không được nhắc tới ngày 17 tháng 2. Ban Tuyên Giáo Trung Ương thu hồi mọi sách vở của thời thập niên 80; đồng thời cấm mọi trang báo điện tử nhắc đến cuộc chiến 10 năm của thập niên đó với bao xương máu người Việt. Trong dịp kỷ niệm 30 năm cuộc chiến biên giới, chỉ có 1 bài báo về vấn đề này của tác giả Huy Đức đăng trên bào Sài Gòn Tiếp Thị, nhưng bị lấy xuống ngay sau khi đăng tải. Trong khi đó thì đảng lại cho phát hành một quyển sách có nội dung ngợi ca các binh lính xâm lược Trung Quốc đã tiến đánh Việt Nam năm 1979. Nhân vật Tiến Anh Hào trong sách này được mô tả như một siêu anh hùng, khi giết người Việt Nam, tàn phá đất nước Việt Nam...

 
Người Việt Nam di tãn sau khi Trung Quốc tấn công, tháng 2 năm 1979.

Với sự xiển dương quân xâm lược Trung Quốc, và khỏa lấp sự hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam như vừa nêu, ai cũng thấy là Nhà Nước Hà Nội gián tiếp công nhận chính nghĩa của Trung Quốc trong cuộc chiến. Như vậy, đương nhiên Hà Nội xem sự hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam là sai lầm. Đây là hành động phản bội và sỉ nhục, không chỉ các cựu chiến binh còn sống, mà còn cả hương hồn những tử sĩ đã hy sinh vì đất nước.

Có người cho rằng, Hà Nội làm như vậy để thể hiện “cách sống khôn ngoan bên cạnh một nước lớn”, như thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng đã lớn tiếng tuyên bố. Nếu thế thì lại càng quái dị hơn nữa, vì rõ ràng là Hà Nội chịu nhận sai lầm để xóa thù hận, hàn gắn với nước ngoài, nhưng lại nhất định không “hàn gắn” với những người Việt Nam, mà họ đày đọa, giết dần mòn qua hệ thống trại tù "tập trung cải tạo", và kỳ thị đối xử với con cháu họ nhiều thập niên cho đến tận ngày nay.

Tóm lại, những cách hành xử ngược lý lẽ vừa nêu của Hà Nội, một lần nữa chỉ chứng tỏ rất rõ chủ trương của các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam là: “Không dựa vào dân tộc để chống ngoại bang, mà chỉ cố làm vừa lòng ngoại bang, hầu dựa vào các thế lực bên ngoài để cai trị ngược lại dân tộc”. Bên cạnh đó, thái độ của Hà Nội cũng là điều đáng để cho những người đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang phải suy nghĩ lại về lời thề “trung với đảng”.