Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Một nén hương cho Tổng Thống!

Một nén hương cho Tổng Thống! PDF Print E-mail
Tác Giả: Felix   
Thứ Sáu, 01 Tháng 5 Năm 2009 04:16

Tổng thống Thiệu
Nguồn: webshots

Nhân dịp ngày giỗ của Việt Nam Đệ nhị Cộng Hoà tôi muốn được một lần nhắc đến vị tổng thống mang nhiều tranh cãi nhất, mong phần nào giảm bớt niềm đau đớn cho ông, niềm đau của một vị tổng thống nhìn thấy quốc gia mình tan vỡ và nhân dân mình đồ thán. Dữ liệu dùng trong bài do tham khảo từ những nhận định của một đại tá quân lực Mỹ phục vụ tại Việt Nam thập niên 60, ông Lewis Sorley đăng trên tạp chí Việt Nam Magazine. (1)

Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 05/04/1923 tại quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ông là khóa sinh khóa đầu tiên của Trường Sĩ quan Quân đội Việt Nam, sau này là Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. (2)

Năm 1949, ông tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy và phục vụ trong Quân đội quốc gia Việt Nam nằm trong Liên hiệp Pháp.

Sau Khi Pháp rời bỏ Việt Nam, năm 1955, ông gia nhập quân lực VNCH với cấp bậc trung tá, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt.

Năm 1962, ông giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh với cấp bậc Đại tá.

Năm 1963, ông tham gia lực lượng đảo chánh Chính phủ Ngô Đình Diệm và sau đó được thăng thiếu tướng.

Khi Tướng Nguyễn Khánh nắm chính quyền, ông giữ chức tham mưu trưởng rồi sau đó là Tổng trưởng Quốc phòng.

Năm 1965, ông được thăng trung tướng. Cũng trong năm này, chính phủ Phan Huy Quát giải tán và trao quyền lãnh đạo quốc gia cho Hội đồng Tướng lĩnh. Ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo Quốc gia (Quốc trưởng) và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (Thủ tướng).

Năm 1969, ông đã có hành động vi phạm hiến pháp khi cho lệnh bắt giữ Dân biểu Trần Ngọc Châu, bất chấp quyền bất khả xâm phạm của dân biểu, mở phiên tòa quân sự kết án vị dân biểu này 10 năm tù vì có ý thành lập một phái đoàn ra Bắc để thương nghị với chính phủ Cộng sản Bắc Việt.

Năm 1971, ông trở thành vị tổng thống tái cử trong một cuộc bầu cử độc diễn tai tiếng với số phiếu ủng hộ 94%.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Hoa Kỳ đã cắt giảm viện trợ cho VNCH khiến sức mạnh quân sự của chính phủ bị tổn hại nghiêm trọng. Điều này đến hệ lụy là chiến thắng của Cộng sản Bắc Việt 2 năm sau đó.

Đêm 25/04/1975, ông rời Việt Nam với tư cách Đặc sứ VNCH để đi Đài Bắc dự lễ tưởng niệm cố Thống chế Tưởng Giới Thạch. Sau đó, ông chuyển sang Anh. Ồng sống một cuộc sống thầm lặng trong suốt thời gian sau đó cho đến khi qua đời vào ngày 29/09/2001 tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ.

Người ta đã nói nhiều đến vị tổng thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm nhưng vị tổng thống của nền Đệ Nhị Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu thì trái lại lại có rất ít thông tin, ngoài những lời oán trách và nói xấu từ cả 2 phía Quốc gia và Cộng Sản. Vậy thật ra cựu TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu là người như thế nào?

TT Nguyễn Văn Thiệu đã cầm quyền tại Việt Nam trong một một giai đoạn khó khăn và đầy rẫy thách thức bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong hoàn cảnh bị kẻ thù phương Bắc tấn công ác liệt, ông vẫn kịp hình thành một hệ thống chính quyền dân cử từ cấp quốc gia đến tận các xã ấp.

Dưới thời ông, quân lực VNCH đã lớn mạnh nhanh chóng và đã dần dần đảm nhiệm vị trí chính yếu trong việc chiến đấu bảo vệ quê hương thay thế cho quân đội đồng minh. Chương trình Người Cày Có Ruộng của ông, thực chất là một chính sách nhằm bình định hóa nông thôn chống lại sự xâm nhập của Cộng Sản, đã mang đến cho 400.000 nông dân chủ quyền của 2,5 triệu mẫu ruộng. Ông cũng thành lập Lực lượng Nhân dân Tự vệ với khoảng 4 triệu thành viên nhằm đỡ bớt gánh nặng cho quân đội trong việc kiện toàn an ninh nơi hậu cứ.

Đại sứ Ellsworth Bunker (mà tôi còn nhớ biệt danh báo chí thời ấy gọi ông là “ông già tủ lạnh”) đã nhận xét về TT. Nguyễn Văn Thiệu:

“Ông ta giải quyết vấn đề một cách khôn khéo và thông minh. Ông là người có sự hiểu biết rất sâu sắc. Ông đã quyết định từ đầu là cai trị theo hiến pháp chứ không theo lề lối quân sự mà nhiều người mong muốn ông thực hiện.”

Các viên chức cao cấp của Hoa Kỳ đều đánh giá cao năng lực của TT. Thiệu, đặc biệt trong việc bình định nông thôn. Tướng Craighton Abrams, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN, đã nói: “Ông ấy biết về bình định hơn bất kỳ người Việt Nam nào.” William Colby, Trưởng chi nhánh CIA tại VN, nói, “Ông ấy là viên chức bình định số 1.”

Cuối năm 1969, tình hình tốt đẹp tới mức John Paul Vann, một cố vấn quân sự cao cấp của Hoa Kỳ tại VN, đã tuyên bố trong một cuộc thuyết trình tại Princeton rằng: “Hoa Kỳ đã thắng một cuộc chiến tranh quân sự (ý nói cuộc chiến Tết Mậu Thân) và đang thắng cuộc chiến tranh chính trị thông qua TT Nguyễn Văn Thiệu.”

Tháng 10/1971, TT Thiệu tái cử trong cuộc bầu cử độc diễn. Nhiều người lên tiếng phản đối cuộc bầu cử này và đòi tẩy chay nó. Nhưng con số 87,7% cử tri đi bầu là con số biết nói. Đó là con số đi bầu lớn nhất trong lịch sử VN, nếu không kể đến con số cử trị bị xách cổ đi bầu dưới chế độ CS.

Khó có câu trả lời nào cho việc đi bầu đông đảo này nếu không phải là người dân ủng hộ ông Thiệu và mong mói ông tiếp tục lãnh đạo họ.

Cộng Sản ghét ông Thiệu, điều này thì khỏi bàn bởi vì Cộng Sản thì có bao giờ không ghét người không CS, nhưng đáng tiếc có nhiều người dân VNCH cũng chỉ trích TT. Thiệu. Và cái mà họ chỉ trích nhiều nhất là TT Thiệu đã biết người Mỹ sẽ bỏ VNCH nhưng ông không nói cho mọi người biết và do vậy được coi như đã lừa dối họ.

Về vấn đề này, Đại sứ Bunker đã nói rằng ông còn nhớ đã trao cho TT Thiệu 3 lá thư riêng của TT Nixon gởi cho TT Thiệu mà trong đó vị tổng thống Hoa Kỳ đã “cam kết” sẽ trợ giúp VNCH trong “bất kỳ sự vi phạm hiệp ước nào từ phía bên kia.”

Nhưng, ông Bunker nhận xét: “Quốc hội đã làm cho nó bất khả thi!”

Cuối cùng, ông tuyên bố: “Tôi nghĩ đó thực sự là sự phản bội miền Nam Việt Nam.”

Ở đây, nếu TT Thiệu có điểm nào đáng trách là điểm ông không có tài tiên đoán được hành động nhục nhã của Hoa Kỳ.

TT Nguyễn Văn Thiệu đã đương đầu một cách dũng cảm trong những năm tháng cam go nhất, trong chiến tranh ác liệt nhất, trong vô số những mưu đố bẩn thỉu nhất....Ông không phải là một người hoàn hảo nhưng ông đã cống hiến trọn vẹn khả năng của ông và xứng đáng nhận được lòng biết ơn của những ai đã có một thời hưởng sự tự do dân chủ trong khói lửa chiến tranh.

Những câu nói nổi tiếng của TT Nguyễn Văn Thiệu....
– Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.
– Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản... (Nói về bọn cộng sản nằm vùng.)
– Công đức ngàn đời con tố mẹ, tình nghĩa trăm năm vợ tố chồng... (Nói về chính sách đấu tố của CS.)
– Làm kẻ thù của Mỹ thì rất dễ, còn làm bạn với Mỹ thì rất khó.
– Sống không có tự do là đã chết.

DCVOnline

(1) – Bản tiếng Việt: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không phải là bù nhìn của Mỹ, “South Vietnamese President Nguyen Van Thieu was far from the American patsy he is often portrayed to have been”, Lewis Sorley, Vietnam Magazine, APR. 2004, Volume 16/Number 6.
Những bài khác của Lewsis Sorley về VNCH và TT Nguyễn Văn Thiệu: Lewis Sorley, “Reassessing the ARVN.” Vietnam Magazine, April 2003, pp. 42-48, 65. Bản điện tử Remebering Vietnam, Lewis Sorley, A Lecture Delivered at the National Archives Washington, D.C., 30 April 2002, Copyright 2002 by Lewis Sorley.
(2) – Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (VBQGVN) thành lập bằng nghị định Tổng thống (Ngô Đình Diệm) ký tháng 7 năm 1959. Tiền thân của trường VBQGVN là trường Sĩ quan Hiện dịch Việt Nam do Pháp thành lập vào thág 12, 1948 tại Huế. 1950 trường Sĩ quan Hiện dịch Việt Nam dời lên Đà Lạt mang tên “Ecole Militaire Inter– Armes.” Tất cả các chỉ huy trưởng và huấn luyện viên trường “Ecole Militaire Inter– Armes” đều là người Pháp cho tới năm 1954. Sau Hiệp định Geneva đổi tên là “Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt” (dịch từ tên tiếng Pháp cũ). Nguồn: website Tổng Hội cựu svsq Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.