Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Nói chuyện với Thiếu tướng Đỗ Kế Gia, Vị Tư Lệnh cuối cùng của binh chủng Biệt Động Quâni

Nói chuyện với Thiếu tướng Đỗ Kế Gia, Vị Tư Lệnh cuối cùng của binh chủng Biệt Động Quâni PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Huy Sảnh   
Thứ Tư, 06 Tháng 5 Năm 2009 22:06

Lời nói đầu: Tác giả bài phỏng vấn này là Đại tá Phạm Huy Sảnh, Cựu SVSQ Khóa Cương Quyết Đà Lạt 1954 đã phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù, qua Bộ Binh rồi làm Tư Lênh Cảnh Sát Dã Chiến. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm họp khóa, chúng tôi yêu cầu anh Sảnh viết về tiểu sử nhưng anh ngần ngại và đã gửi bài phỏng vấn này viết tặng cho các bạn cùng Khóa Cương Quyết đội mũ nâu của Biệt Động Quân. Qua bài phỏng vấn tướng Đỗ Kế Giai, lịch sử đã mở ra một vài tin tức vô cùng lý thú. Dù ở trong quân đội, chúng ta ít người biết được là Biệt Động Quân trong những ngày cuối của cuộc chiến đã thành lập đến 3 sự đoàn tân lập gồm các liên đoàn cũ kết hợp. Tuy nhiên, rất tiếc là mọi chuyện đến quá muộn.
Thêm vào đó trong toàn thể các đại đơn vị tại thủ đô thì gần như chỉ có duy nhất binh chủng Biệt Động Quân còn ở lại giây phút cuối đầy đủ để thi hành lệnh bàn giao của Tổng thống Dương Văn Minh.
Câu chuyện ông Đỗ Kế Giai kể lại về những cú điện thoại vào ngày cuối với Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, và tướng Nguyễn Hữu Hạnh (ông này đã được binh vận cộng sản móc nối) có thể coi là bí ẩn chưa từng được tiết lộ.
Những nhận xét của Thiếu tướng Giai về câu chuyện kẻ đi người ở năm 1975 là quan niệm rất bao dung và thực tế. Sau cùng câu nói của người xưa mà tướng Giai ghi lại để dùng làm kết luận buổi nói chuyện cũng phải được coi là một suy tư can đảm.
Con người ra khỏi tù gần như sau cùng, với 17 năm lao cải đếm từng ngày, cho đến chuyến xe chở về nhà cũng là người cuối cùng, thực là câu chuyện ngắn làm chúng ta phải suy nghĩ lâu dài.
“Tướng bại trận, không thể nói mạnh,
Quan mất nước, không thể nói hay”.
Ông niên trưởng Đỗ Kế Giai, tôi mong có dịp bắt tay ông một lần. Cảm ơn anh bạn Phạm Huy Sảnh đã đáp lời. Được lắm bạn ơi!
Người giới thiệu: Giao Chỉ - Vũ Văn Lộc

*

Vào ngày đầu năm tôi thường điện thoại thăm hỏi quý tướng lãnh, niên trưởng, ân nhân, bằng hữu v.v…, trong số các vị tướng lãnh có Thiếu tướng Đỗ Kế Giai. Ông xuất thân khóa 5 Võ Bị Đà Lạt (ra trường tháng 4/1952), về phục vụ Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đóng ở Hà Nội. Năm 1954, tôi đáo nhâm TĐ 3 ND tại Đồng Đế Nha Trang, ông đã là Trung uý, giữ chức vụ “Officier Adjoint” cho Thiếu tá Mollo là Tiểu đoàn trưởng. Chức vụ của Trung úy Giai tương tự như Sĩ quan Hành quân Tiểu đoàn thời sau nầy. Mối liên hệ giữa ông với tôi bắt đầu từ đó.
Năm nay, ngoài việc thăm hỏi thường lệ, mục đích chính của bài viết xoay quanh câu chuyện Biệt Động Quân vào những ngày cuối 30-4-1975. Sau đây là phần phỏng vấn:

Phạm Huy Sảnh: - Xin niên trưởng cho biết về nhiệm vụ và phối trí lực lượng BĐQ trong những ngày chót quanh Thủ đô.
TT Đỗ Kế Giai: - Vào những ngày tháng cuối trước khi mất Nam VN, tôi là Tư Lệnh Lực Lượng BĐQ/QLVNCH dưới quyền có 2 Sư Đoàn: SĐ 106 BĐQ Đại tá Nguyễn Văn Lộc chỉ huy trách nhiệm bảo vệ Biệt Khu Thủ Đô. BTL Hành Quân và Pháo Binh cơ hữu đặt tại trường đua Phú Thọ. Vào thời điểm nầy, tổ chức của mỗi SĐ/BĐQ gồm 3 Liên Đoàn, mỗi LĐ ngoài 3 TĐ tác chiến và 1 ĐĐ Trinh Sát còn có một Pháo Đội (6 khẩu) 105 ly cơ hữu. Sư Đoàn thứ hai là SĐ 101 BĐQ do Đại tá Nguyễn Thành Chuẩn chỉ huy, nhiệm vụ tổng trừ bị, án ngữ tại phía Bắc TTHL Quang Trung. Sư Đoàn thứ 3 đang hình thành mới được hai Liên Đoàn đóng tại căn cứ Long Bình.

PHS: - Tinh thần quân sĩ BĐQ lúc đó ra sao?
TT/ĐKG: - Trong suốt nhiều tuần lễ trước 30-4-1975 tôi liên tục đi thăm các đơn vị trực thuộc. Tại mỗi nơi tôi đều ra lệnh lực lượng BĐQ tử thủ bảo vệ Sài Gòn theo lệnh của cấp trên. Tinh thần chiến đấu của anh em BĐQ rất cao, cũng như đạn dược và tiếp vận đầy đủ. Sau ngày ông Thiệu và ông Khiêm rời khỏi nước cùng với việc người Mỹ di tản nhân viên Việt Nam của họ và gia đình khỏi Sài Gòn thì tình hình tại Thủ Đô lúc này trở nên xáo trộn. Dân chúng, cán bộ, chính quyền hoang mang sợ hãi, những tin tức thất thiệt bất lợi cho VNCH ảnh hưởng tai hại đến số quân nhân và gia đình tại Sài Gòn. Trước hoàn cảnh bi đát đó, cảm thông những lo âu của thuộc cấp. Tôi cho lệnh tập họp các quân nhân mọi cấp tại BTL/BĐQ lúc đó đóng tại Sài Gòn và ra lệnh: (nguyên văn)
- “Trên cương vị là Tư lệnh BĐQ, tôi tuyệt đối tuân hành lệnh của thượng cấp nghĩa là BĐQ chúng ta quyết tâm bảo vệ Thủ Đô và dân chúng Sài Gòn. Tuy nhiên vì tình hình ở ngoài dân chúng quá sợ hãi, ảnh hưởng đến gia đình quân nhân. Trước tình huống này ai muốn đi (đi Mỹ) và đi được thì cứ đi nhưng nhớ rằng tôi không thể ra lệnh cho các anh bỏ đơn vị. Tôi chấp nhận làm ngơ coi như không biết những quân nhân và gia đình muốn rời khỏi VN”.
Sau lệnh đó, tại BTL/BĐQ chỉ có 1 sĩ quan là Thiếu tá Tạ Thái Hòa, Chánh Văn Phòng của tôi đem gia đình đi Mỹ. Còn tất cả quý vị khác từ Tư Lệnh Phó, Tham Mưu Trưởng đến các Trưởng Phòng đều ở lại cho đến ngày 1-5-1975, bàn giao cho phía bên kia. (Nhân chứng: Trung tá Hoàng Ngọc Liên, Trưởng Khối CTCT, và Thiếu tá Tạ Thái Hòa hiện đang ở Hoa Kỳ).

PHS: - Xin cho biết về sự liên lạc giữa BĐQ và Bộ TTM hay ở cấp cao hơn mà Thiếu tướng gọi là “thượng cấp”?
TT/ĐKG: - Tại Bộ TTM, Trung tướng Vĩnh Lộc là Tổng TMT trong những ngày cuối, hàng ngày tôi vẫn vào Bộ TMT gặp Trung tướng Vĩnh Lộc để thảo luận về tình hình và nhận lệnh. Trước ngày 30-4, có một bữa tôi gặp Đại tá Trần Văn Thăng, nguyên Cục Trưởng Cục ANQĐ. Ông hỏi tôi:
- “Tình hình nầy, Thiếu tướng đi hay ở?”. Tôi trả lời:
- “Đi đâu? Tôi ở lại chiến đấu với anh em chứ!”
Sáng ngày 30-4, tôi đến Bộ TTM lại gặp Đại tá Thăng đang đứng trước cỗng, tổ chức bố phòng. Tôi dừng xe lại, hỏi:
- “Đại tá Thăng đang làm gì đây?” Ông cho biết ông trách nhiệm phòng thủ bảo vệ Bộ TTM. Ông ta nói:
- “Tôi có lực lượng Lôi Hổ. Hôm trước tôi nghe Thiếu tướng sẽ ở lại chiến đấu với anh em, thú thật tôi không tin nhưng hôm nay còn gặp Thiếu tướng tại đây, tôi mới tin!”
Tạm biệt Đại tá Thăng, tôi vào gặp Trung tướng Vĩnh Lộc. Tôi thấy ông đang trò chuyện với Trung tướng Trần Văn Trung ở cầu thang. Tôi hỏi ông có lệnh gì cho BĐQ không? Ông trả lời:
- “Không có gì mới cả, anh về lo đơn vị đi!”.
Trên đường về đơn vị, tôi đi một vòng quan sát tình hình thành phố Sài Gòn. Về đến BTL/BĐQ vào lúc 10 giờ sáng. Khoảng 10 phút sau, Sĩ quan Tuỳ Viên báo có điện thoại của ông Vũ Văn Mẫu. Ong Mẫu bảo tôi mở radio nghe TT Dương Văn Minh nói chuyện. Tôi mở máy. Lời hiệu triệu của ông Minh dài. Tóm tắt, tôi chỉ nhớ 3 điều liên hệ đến tôi và BĐQ. 1- Các đơn vị ở đâu ở đó. 2- Buông súng. 3- Chờ phía bên kia đến để bàn giao.
Độ 10 phút sau, lại có điện thoại của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh từ Dinh Độc Lập. Ông Hạnh nói, Tổng Thống nhắc lại: Lệnh của Tổng Thống là các đơn vị ở đâu ở đó, buông súng không chiến đấu và đợi phía “cách mạng” đến để bàn giao. Tôi dằn giọng trả lời: “Tôi biết” và cúp máy!
Khoảng 1 giờ sau, tôi lại được báo điện thoại của ông Vũ Văn Mẫu gọi. Trên đầu giây, ông Mẫu bảo tôi là lệnh của Tổng thống, tôi lên ngay Bộ TTM thay thế Trung tướng Vĩnh Lộc để bàn giao cho phía bên kia. Tôi trả lời ông Mẫu, tôi không thi hành lệnh nầy và nhờ ông Mẫu trình với Tướng Dương Văn Minh, đây là lần đầu tiên tôi không thi hành lệnh của thượng cấp! Và nếu tôi biết trước rằng quý vị sẽ hành động như ngày hôm nay mà quý vị vừa ra lệnh cho tôi thì … (Tướng Giai nói với người viết bài, tôi xin lỗi anh cho tôi khỏi lập lại những điều mà tôi đã nói với ông Vũ Văn Mẫu bởi có lập lại thì cũng chỉ là chuyện cũ và chẳng mang lại lợi ích gì cho đại cuộc hiện nay!). Ông tiếp, tuy nhân chứng Vũ Văn Mẫu đã qua đời nhưng còn các sĩ quan khác của tôi đang có mặt tại Hoa Kỳ đã chứng kiến cuộc điện đàm của tôi và ông Mẫu vào hôm 30-4-1975 lúc 12 giờ 30.

PHS: - Trong bữa cơm họp mặt các chiến hữu tại Seattle, tôi có dịp tiếp xúc với cựu Đại uý Lê Văn Khở, nguyên Tiểu Đoàn Phó TĐ 42 BĐQ từ Pleiku rút về Dục Mỹ rồi trạm chót là căn cứ Long Bình để bổ sung quân số. Anh cho biết vào ngày 26 hay 27-4-1975, Thiếu tướng có lên thăm đơn vị anh tại Long Bình. Trước hàng quân, Thiếu tướng đã ra lệnh BĐQ sẽ ở lại tử thủ bảo vệ Thủ Đô. Cựu Đại úy Khở thắc mắc rằng khi thi hành lệnh đó, Thiếu tướng có biết rằng ông Dương Văn Minh sẽ đầu hàng CSBV?
TT/ĐKG: - Như đã nói ở phần trên về việc tôi ra lệnh lực lượng BĐQ tử thủ bảo vệ Thủ Đô, tôi xác nhận là đúng. Tôi không hề hay biết trực tiếp hay gián tiếp rằng ông Dương Văn Minh sẽ đầu hàng CS cho đến khi ông ta đọc lệnh trên đài phát thanh vào sáng ngày 30-4-1975. Tôi là một sĩ quan gốc nhảy dù, một tướng lãnh. Truyền thống của Quân Lực là thi hành lệnh tuyệt đối. Trong tinh thần đó, tôi ra lệnh cho BĐQ phải tử thủ để chu toàn trách nhiệm. Riêng cá nhân tôi cùng các vị TL/SĐ 106, SĐ 101, các Liên Đoàn Trưởng, các cán bộ chỉ huy, các đơn vị tác chiến cũng như những sĩ quan trong BTL/BĐQ đều đã ở lại cho đến phút chót. Những điều tôi yêu cầu các chiến hữu BĐQ phải làm, cá nhân tôi cũng thực thi đúng như vậy. Cho nên sau này gặp lại các đồng đội trong trại tù CS tôi không hổ thẹn với lương tâm.

PHS: - Thiếu tướng trình diện hay bị CS đến nhà bắt và kể từ lúc nào?
TT/ĐKG: - Sáng ngày 1-5-1975, sau khi bàn giao BĐQ cho cộng sản xong, tôi vào phòng riêng thay quần áo dân sự, đang tính đi bộ về nhà thì họ nói để họ lấy xe đưa về. Ngày 15-5-1975, đột nhiên CS đem xe đến nhà mời tôi đi đến Quận 11 rồi sau đó chở thẳng vào khám Chí Hòa. Tôi chính thức bị nhốt từ ngày đó cho đến ngày 5-5-1992 được thả ra, thiếu 10 ngày thì đủ 17 năm tức là 6.095 ngày tôi ở tù CS.

PHS: - Là một tướng lãnh, đương nhiên Thiếu tướng có những liên hệ mật thiết với các giới chức Hoa Kỳ tại Sài Gòn khi đó. Vậy có giới chức Hoa Kỳ nào tiếp xúc đề nghị Thiếu tướng rời khỏi VN?
TT/ĐKG: - Có, Tướng Times của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, liên tiếp vào các ngày 28 và 29 tháng 4-1975 đến gặp tôi và hỏi nếu tôi và gia đình muốn đi Mỹ, ông ta sẵn sàng giúp đỡ, lo liệu. Cả hai lần tôi đều cám ơn tướng Times và từ khước đề nghị đó. Nại cớ tôi còn trách nhiệm, tôi còn quân sĩ, tôi không thể ra đi trong hoàn cảnh nầy được. Tướng Times hiện còn sống tại Hoa Kỳ, anh có thể phối kiểm điều đó.

PHS: - Hôm nay, cảm nghĩ của Thiếu tướng về những ngày tháng cũ?
TT/ĐKG: - Bởi những lý do trên, tôi tự nhận đã làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một Tướng Lãnh đối với đồng đội, với Tổ Quốc khi tại ngũ. Và suốt gần 17 năm tù đày, trước mặt kẻ thù trong mọi hoàn cảnh tôi luôn cố gắng gìn giữ tác phong để bảo vệ Danh Dự của Quân Lực. - Đối với người CS dù họ không thích tôi nhưng họ không thể khinh tôi! Những người CS bắt giữ tôi vẫn còn đó.

PHS: - Có phải Thiếu tướng là một trong những tướng lãnh được CS thả vào đợt cuối cùng?
TT/ĐKG: - Đúng. Trong đợt chót, chúng tôi gồm 4 người còn lại: tôi, Đỗ Kế Giai, Thiếu tướng Trần Bá Di, Thiếu tướng Lê Văn Thân, Thiếu tướng Lê Minh Đảo. Thật ra đây là 100 người chót CSVN không muốn thả ra vì chúng chủ trương nhốt cho đến chết. Chúng tôi không hy vọng gì được về vào thời điểm đó. Nhưng cũng nhờ sự tranh đấu, đòi hỏi của quý chiến hữu, đoàn thể chính trị, đồng hương tại hải ngoại đã tạo thành áp lực để CSVN phải thả gấp rút hơn. Tuy nhiên việc thả 100 người vừa kể, CS cũng chia làm 8 đợt và 4 người chúng tôi là đợt cuối cùng.
Tôi còn nhớ, hôm đó tại trại Hàm Tân, cán bộ nhà tù nói quý vị chuẩn bị chuyển trại, 30 phút nữa sẽ đi. Nhưng sau đó họ cho biết là 4 người chúng tôi sẽ được thả về và xe sẽ đến đưa từng người về nhà. Trong lúc đợi xe đến, anh em bàn với nhau, đề nghị tôi lớn tuổi nhất sẽ được đưa về trước, kế đến là TT Trần Bá Di, TT Lê Văn Thân, chót hết là TT Lê Minh Đảo, là người nhỏ tuổi nhất. Anh em đồng ý. Nhưng khi xe của CS đưa về thì họ lại làm ngược lại, có nghĩa là họ đưa tướng Đảo về trước, cuối cùng là tôi.

PHS: - Thiếu tướng và gia đình đến Mỹ năm nào?
TT/ĐKG: - Tôi và nhà tôi cùng 6 cháu đến Mỹ ngày 26-10-1993, hiện định cư tại thành phố Garland, Texas.

PHS: - Thiếu tướng nghĩ thế nào về những người đi trước?
TT/ĐKG: - Tôi quyết định ở lại vì tôi cho là hành động như vậy là đúng. Nhưng không phải vì vậy mà tôi công kích những những người ra đi năm 1975. Bởi vì trường hợp mất Nam VN thật đặc biệt, không thể qui trách cho những người cầm súng giữ nước. Các Đơn Vị Quân Đội vẫn hiên ngang chiến đấu, chúng ta không hề bỏ chạy trước Cộng Quân. Quân Đội phải buông súng vì lệnh đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Do đó, nếu quí vị có ở lại thì trước sau cũng vô tù CS như tụi tôi. Hơn nữa nhờ có một số chiến hữu thoát được ra hải ngoại nên về mặt chính trị mới có cơ hội tranh đấu cho quyền lợi của những người còn kẹt lại. Về mặt kinh tế đi trước xây dựng được cuộc sống ổn định sau này có thể để tương trợ lẫn nhau. Bây giờ không nên bàn về vấn đề trước, sau, mà mọi người phải cùng chung lưng gầy dựng một lực lượng vững mạnh cả chính trị và kinh tế nơi thế hệ tương lai của người Việt tại hải ngoại.

PHS: - Qua cuộc đối thoại, tôi thấy Thiếu tướng có một trí nhớ đặc biệt. Thiếu tướng có định viết hồi ký?
TT/ĐKG: - Không! Tôi dứt khóat là không. Vài năm trước đây và ngay bây giờ, có nhiều nhà xuất bản Mỹ và Việt đề nghị tôi viết hồi ký và họ sẽ giúp xuất bản. Tôi trả lời là đối với tôi điều nầy khó quá. Bởi nếu đã viết, thì phải nói hết, nói thật, mọi sự việc mà tôi nghe, tôi biết, tôi thấy. Như vậy e rằng sẽ làm mất lòng nhiều người. Hơn nữa, vấn đề nầy tôi xin bày tỏ quan niệm tôi qua hai câu của người xưa:
BẠI BINH CHI TƯỚNG, BẤT KHẢ NGÔN DŨNG.
VONG QUỐC CHI ĐẠI PHU, BẤT KHẢ NGÔN TRÍ.
PHS: - Cám ơn Thiếu tướng đã dành gần 3 giờ đồng hồ điện đàm trong ngày đầu năm.

*

Ghi chú: Hai câu danh ngôn bằng chữ Hán, tạm dịch nghĩa như sau:
Tướng bại trận, không thể nói mạnh.
Quan mất nước, không thể nói hay.