Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Hồn Lính Còn Vương Trên Tóc Bạc

Hồn Lính Còn Vương Trên Tóc Bạc PDF Print E-mail
Tác Giả: Giao Chỉ, San Jose - VietTribune   
Chúa Nhật, 31 Tháng 5 Năm 2009 08:18

 

MỐI TÌNH QUÂN DÂN ÐỔ LỬA TRƯA HÈ.
Một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày chủ nhật vừa qua dường như là ngày nóng nhất của San Jose.

Ban tổ chức đại nhạc hội ngoài trời gây quỹ cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa lần thứ ba đã có dịp thử thách tình cảm bà con miền Bắc. Nghĩ rằng tháng năm trời còn mát, hy vọng sẽ có trên 10,000 người tham dự hoặc nhiều hơn. Kết quả tính từ sáng đến chiều, dù nắng đổ lửa trên sân trường trung học, nhưng người đến người đi vẫn vừa đủ con số dự trù, giữ cho không khí văn nghệ trưa hè rực lửa từ sân khấu đến hội trường.         

 

“Cô Hạnh Nhơn” vị khách cao niên của đoàn nữ quân nhân, 82 tuổi đến từ miền Nam đã có dịp chia xẻ với cái nóng của miền Bắc. Cựu Trung tá trưởng đoàn nữ quân nhân của Không quân Việt Nam Cộng Hòa đã hiện diện suốt từ sáng đến 8 giờ tối chủ nhật. Sáng ngày thứ hai, khi hướng dẫn toàn thể phái đoàn thăm viện Bảo Tàng Việt Nam, “Cô Hạnh Nhơn ” rất vui vẻ khi nhận được tin giờ chót là số tiền quyên góp lên đến nửa triệu Mỹ kim, tính cả tiền thu đại nhạc hội và tiền từ bốn phương gởi về.

Năm trước, đại nhạc hội tại Nam Cali với số tiền thu tổng kết trên một triệu Mỹ kim đã được coi là thành tích vĩ đại của chương trình gây quỹ cho thương phế binh.

Như vậy, 34 năm sau ngày mất nước tan hàng, một lần nữa, tình quân dân Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn sống mãi trong cộng đồng Việt trên toàn thế giới.

Tôi có dịp hỏi thăm riêng “Cô Hạnh Nhơn” - Bà yêu cầu cứ gọi là Cô để có thể tạm quên tuổi cao niên - người phụ nữ đất thần kinh sinh năm 1927 đã tham dự quân đội từ tuổi hoa niên trong Việt Binh Ðoàn. Cô đã trải qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể, chia xẻ niềm cay đắng từ chiến tranh đến tù đày để sau cùng làm người di tản trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Không ngờ những năm trong tuổi hoàng hôn của cuộc đời, Trung tá Hạnh Nhơn lại là người hết sức bận rộn với “công vụ”.

Cô còn nhớ kỳ đại hội nữ quân nhân 2004, dù gần 80 tuổi vẫn còn cố gắng lên dự tại thủ đô Washington DC.

Năm nay, một lần nữa trở lại San Jose sau hơn 10 năm để cùng thử lửa đấu tranh với quân dân miền Bắc.

Phái đoàn của Nữ quân nhân đến thăm viện bảo tàng vào ngày thứ hai đã đem lại cho chúng tôi nhiều câu chuyện rất cảm động.

  Trong trang sử của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có nhiều trường hợp cả hai vợ chồng đều là quân nhân trong quân ngũ. 

 Cũng có nhiều hoàn cảnh cả vợ chồng đều đi tù tập trung  “cải tạo”, đàn con thơ phải gởi gấm Bố Mẹ già nuôi nấng, dạy dỗ.

 

 Cựu Thiếu Tá  Bích Phượng (vợ)     Cựu Thiếu Tá Hữu Đức (chồng)

 Ngày nay cả vợ lẫn chồng đều mang hồn lính trên tóc bạc.

  NHỮNG VÌ SAO THỜI LỬA ÐẠN.  

Nhân nhắc đến chuyện chồng lính, vợ lính, một bà nữ quân nhân tóc bạc đã nhắc nhở chúng tôi về câu chuyện người nữ quân nhân nhẩy dù đã hy sinh trên chiến trường Ðức Lập năm 1968.

Xin kể lại với quý vị về cuộc đời vị tướng lãnh mũ đỏ đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Ðó là Chuẩn tướng Trương Quang Ân, tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh. Ông cùng ra đi với phu nhân là Chuẩn úy Nữ quân nhân Dương thị Kim Thanh

 

Ông Ân nguyên là thiếu sinh quân xuất thân khóa 7 võ bị Ðà Lạt năm 1952. Một sinh viên sỹ quan vô cùng xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa và tình nguyện về nhảy dù. Ðơn vị đầu tiên là tiểu đoàn 3 nhảy dù, một đơn vị hỗn hợp Việt Pháp, đã từng nhảy dù xuống cánh đồng Chum vào thời kỳ 1953. Sau trận này với cấp bậc trung úy, ông được cử đi học tham mưu tại Pháp và một lần nữa ông đậu thủ khoa với khóa sinh 75 sỹ quan trong khối liên hiệp Pháp. Năm 1954 sau đánh trận Bình Xuyên, ông đã được gắn hai lần anh dũng bội tinh với nhành dương liễu. Năm 1957, Đại tá Nguyễn Chánh Thi về thay Đại tá Ðỗ Cao Trí làm liên đoàn trưởng liên đoàn nhảy dù, Đại úy Trương Quang Ân về làm trưởng phòng 3. Một đám cưới hết sức đặc biệt giữa Đại úy Ân và Chuẩn úy Nữ quân nhân Dương Thị Kim Thanh được Đại tá Thi chủ hôn.. Chị Kim Thanh là một trong số hiếm hoi nữ quân nhân đầu tiên có bằng dù.

 

Chú rể trao nhẫn cưới cho cô dâu trên cửa phi cơ và cả hai nhảy dù xuống bãi đáp Ấp Ðồn, Hóc Môn.

Năm 1959, Trương Quang Ân nhận chức vụ chỉ huy tiểu đoàn 8 nhảy dù đánh vào mật khu Bời Lời. Tin tức về trận đánh được đăng trên báo chí Saigon. Sau đó ông được cử đi học Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Fort Leavenworth Hoa Kỳ và một lần nữa ông đỗ thủ khoa trong số 45 sỹ quan Ðồng Minh và Mỹ. Năm 1966 với cấp bậc Đại tá, ông về làm tỉnh trưởng Gia Ðịnh. Năm 1967 ông nhận chức vụ tư lệnh sư đoàn 23 Bộ Binh, lên cấp Chuẩn tướng. Trận Mậu Thân 1968, Bắc quân dùng toàn thể trung đoàn 33chính quy và Việt cộng địa phương để đánh Ban Mê Thuột từ mùng 1 tết. Giao tranh trong năm ngày đầu năm, Chuẩn tướng Trương Quang Ân, Tư lệnh Sư đoàn với các đơn vị phòng thủ đã dẹp tan Bắc quân với gần 1,000 địch tử thương và 143 tù binh.

Sau trận Mậu Thân, ngày 8 tháng 9 năm 1968, tướng Ân cùng phu nhân bay đi thăm viếng ủy đạo tiền đồn tại Ðức Lập. Vị Tư lệnh gặp các quân nhân, phu nhân gặp gia đình binh sĩ. Khi từ giã đơn vị, máy bay trực thăng vừa cất cánh thì vì trục trặc kỹ thuật đã rớt xuống ngay trước mắt mọi người. Biết bao quân nhân cùng gia đình binh sĩ còn đang vẫy tay chào từ biệt đã chứng kiến thảm kịch đầy nước mắt.

Những tin tức kể trên tôi ghi lại theo tài liệu của Phan Nhật Nam. Nhưng đặc biệt khi nói đến niên trưởng Trương quang Ân, ngoài tài thao lượt, ý chí vượt thắng, người ta phải nói đến đức độ thanh liêm tuyệt đối. Tang lễ của ông tổ chức ngay tại căn phố nhỏ trong cư xá sĩ quan. Trong nhà còn hơn 50 ngàn đồng là lương tháng cuối cùng của vị tư lệnh sư đoàn.. Theo thời giá khoảng hơn 30 mỹ kim. Khi đến viếng tang gia Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn cao Kỳ và Thủ tướng Trần văn Hương đã ngồi trên hàng ghế kê tạm trước mái hiên, thể hiện hình ảnh một gia đình tướng lãnh hết sức đơn sơ thanh bạch.

Sau đây là bài viết trên nhật báo Tiền Tuyến năm 1968 cần được đọc lại. Tài liệu này do báo Người Việt Boston sưu tầm và mới công bố năm 2008 - đúng 40 năm sau.

  Chuẩn Tướng TRƯƠNG QUANG ÂN không còn nữa

Nguồn tin vừa được loan đi đã làm sửng sốt toàn thể chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là các chiến sĩ thuộc Khu 23 Chiến Thuật. Ðó là tin Chuẩn Tướng Trương Quang Ân, Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật tử nạn phi cơ cùng phu nhân và phái đoàn của Khu 23 Chiến Thuật sáng ngày chủ nhật 8-9-1968 vừa qua trên đường tới thăm viếng và tưởng thưởng các chiến sĩ đang hành quân tại Ðức Lập.

     Nguồn tin trên quả đã gây xúc động trong toàn thể chiến sĩ chúng ta, vì không nhiều thì ít, chúng ta cũng đã được biết về vị Tướng Lãnh vốn nổi tiếng về khả năng và kỷ luật gương mẫu. Chuẩn Tướng Trương Quang Ân siêng năng tận tụy lúc nào cũng một lòng lo tròn nhiệm vụ. Trong thời gian vừa qua, Chuẩn Tướng làm việc không có ngày nghỉ; mặc dầu công việc rất bề bộn, cũng đã dành ngày chủ nhật để cùng phu nhân và phái đoàn của Khu 23 Chiến Thuật đáp máy bay đến vùng Ðức Lập với mục đích theo dõi cuộc hành quân đang diễn tiến và để tưởng thưởng tại chỗ các chiến sĩ xuất sắc.

 

   Chuẩn Tướng Trương Quang Ân                           

 Bất cứ trận chiến nào tại Khu 23 Chiến Thuật cũng đều có sự hiện diện của Tướng Trương Quang Ân vào lúc sôi động nhất. Ðơn vị nào thuộc Khu 23 Chiến Thuật, t hành quân cũng được chính Chuẩn Tướng đích thân tới tưởng thưởng và uỷ lạo.

Chúng ta hẳn không quên Tướng Trương Quang Ân là một quân nhân hiện dịch, chọn binh nghiệp làm lẽ sống, tốt nghiệp Thủ khoa Khóa 7 Ðà Lạt, về Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, lập những công trạng hiển hách đầu tiên trong đời binh nghiệp với trận đánh lừng lẫy tại bản Hu siu (Lào). Năm 1957, làm Trưởng Phòng Hành Quân của Lữ Ðoàn Nhảy Dù, kế đó là các chức vụ Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù, Tham Mưu Trưởng Lữ Ðoàn, rồi Chiến Ðoàn Trưởng Chiến Ðoàn 2 Nhảy Dù. Sau một thời gian làm Tỉnh Trưởng Gia Ðịnh, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 25 Bộ Binh và cuối cùng, năm 1967 làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật.

Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ cuối cùng là Tư Lệnh Khu 23 Chiến Thuật từ năm 1967, đặc biệt từ Tết Mậu Thân, đã anh dũng đánh tan tất cả nỗ lực tấn công của Cộng quân nhằm chiếm đóng thị trấn của miền Cao nguyên này. Cũng trong suốt thời gian Chuẩn Tướng Trương Quang Ân làm Tư Lệnh, các chiến sĩ Sư Ðoàn 23 Bộ Binh đã tiếp tục tạo lập chiến thắng dồn dập, nêu cao danh dự đơn vị cũng như danh dự của toàn thể Quân Ðội. Tướng Trương Quang Ân được vinh thăng cấp bậc cuối cùng hiện tại vào ngày Quân Lực 19-6-1968 vừa qua, cũng đã được tưởng thưởng 30 huy chương đủ loại kể cả Bảo Quốc Huân Chương.

Suốt trong đời binh nghiệp, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân lúc nào cũng nêu gương sáng về kỷ luật, chỉ biết sống cho Quân Ðội, chết cho Quân Ðội. Chuẩn Tướng cũng là một sĩ quan dũng cảm có tài chỉ huy, thương yêu thuộc cấp và đặc biệt là một trong những chiến sĩ Dù giỏi nhất về môn nhảy tự động chính xác.                           

 

Trong tai nạn đau buồn nầy, phu nhân của Chuẩn Tướng cũng tử nạn cùng chồng. Phu nhân nhũ danh là Dương Thị Kim Thanh, nữ Chuẩn uý phục vụ tại Tổng Y Viện Công Hòa và là một trong 7 Nữ Phụ tá đầu tiên trong Quân Lực tốt nghiệp bằng Nhảy Dù. Cả gia đình đều phục vụ Quân Ðội. Cả Chuẩn Tướng và Phu Nhân trong suốt đời binh nghiệp đã nêu gương phục vụ cho tất cả thuộc cấp.

Người chiến sĩ dũng cảm và tận tuỵ, con chim đầu đàn của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh và Khu 23 Chiến Thuật không còn nữa, nhưng tinh thần kỷ luật tuyệt đối và thiện chí phục vụ cao độ của Chuẩn Tướng Trương Quang Ân sẽ còn là tấm gương sáng mãi mãi cho tất cả chiến sĩ chúng ta. Gắn liền cuộc đời vào binh nghiệp, tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, phục vụ Quân Ðội không mỏi mệt, lúc nào cũng nghĩ tới đồng đội và thương yêu thuộc cấp. Ðó là tính chất của một chiến sĩ lý tưởng và là những yếu tố cao quý tạo thành cuộc đời của Chuẩn Tướng Trương Quang Ân vậy.

(Nhật báo Tiền Tuyến, tháng 9 năm 1968)

  ANH NHỚ SA TRƯỜNG EM CÓ HAY?

Dù cho mất nước tan hàng, chuyện lính tráng hơn 30 năm vẫn còn lưu luyến. Sau đại hội gây quỹ thương phế binh tại San Jose năm nay, trên thị trấn Seattle của tiểu bang Washington, cựu đại tá mũ đỏ Phạm huy Sảnh tổ chức Ngày Quân Lực 19 tháng 6 lần thứ 43 với đề tài tuyên dương các chiến binh Nhảy dù.

  Ông Sảnh, cách đây 54 năm đã cùng 20 anh em đồng khóa Cương Quyết Ðà Lạt tình nguyện vào nhảy dù. Hơn 50 năm sau tình nghĩa mũ đỏ vẫn tràn đầy nên ông đã thuyết phục các chiến hữu cựu quân nhân tại địa phương ngồi lại với nhau một lần để vinh danh riêng binh chủng tổng trừ bị lâu đời nhất của bộ Tổng Tham Mưu.

Ban tổ chức vẫn ước mong có được một vị niên trưởng cao niên mũ đỏ về tham dự. Tiếc thay thời gian không chờ đợi, trời cũng chẳng chiều người. Mấy năm gần đây các tướng lãnh mũ đỏ của Việt Nam Cộng Hòa đã lần lượt ra đi.

Tướng Lê quang Lưỡng, vị tư lệnh cuối cùng của Sư Ðoàn nhẩy dù ra đi đầu tiên. Tiếp theo đến tướng Nguyễn Chánh Thi, người hùng mũ đỏ của một thời binh biến cũng từ giã cỏi đời, Rồi đến ông Ngô Quang Trưởng, danh tướng mũ đỏ của VNCH cũng lên đường về cõi vô cùng. Tướng Cao văn Viên, vị Tổng tham mưu trưởng cuối cùng với tình nghĩa nhảy dù chan chứa cũng ra đi. Và mới đây, tướng Dư Quốc Ðống hơn 10 năm tư lệnh sư đoàn mũ đỏ cũng không còn nữa. Một số niên trưởng khác đã từng đội mũ đỏ thì nay vì gia cảnh, vì sức khỏe nên cũng chẳng còn mấy người có cơ hội thuận tiện trở về ngồi lại bên nhau.

Ban tổ chức chỉ còn biết kêu gọi tất cả mũ đỏ 4 phương trời từ Úc qua Âu châu và Nam Bắc Mỹ, ai còn có hoàn cảnh xin đến với nhau trong kỳ họp mặt quân lực tháng 6-2009. Sẽ có buổi sáng diễn hành, sẽ có buổi chiều tưởng niệm. Sẽ có đại diện cố vấn đoàn mũ đỏ về dự. Cũng đã ghi nhận rằng trải qua 20 năm chiến tranh, 1.200 cố vấn Hoa kỳ lần lượt đứng bên cạnh nhảy dù Việt Nam, trong số này có hơn 150 mũ đỏ Mỹ hy sinh, và nay đã có trên 30 vị lên cấp tướng. Trước sau dù Mỹ hay Việt, mũ đỏ luôn luôn gọi chung là một gia đình. Riêng phần Việt Nam, ban Tổ chức đã ghi lại một danh sách rất dài các anh hùng mũ đỏ hy sinh trên chiến trường trong đó có cả ông bà Thiếu tướng Trương Quang Ân, trong trang sử nhẩy dù quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Hiện nay, trong các cộng đồng của người Việt tha hương trên thế giới, gia đình nào cũng có mối liên hệ huyết tộc với thuyền nhân và người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa. Mối ân tình thể hiện qua nhiều hình thức và trải qua nhiều năm tháng. Tập hợp tưởng nhớ tháng tư, đại hội dành cho thương phế binh tháng năm, và tiếp theo ngày quân lực tháng sáu là những thí dụ cụ thể.

                                      ... Hồn lính còn vương trên tóc bạc,
                                          Anh nhớ sa trường em có hay ?...