Tháng tư |
Tác Giả: Minh Trang | |||
Chúa Nhật, 05 Tháng 4 Năm 2009 22:59 | |||
Tháng tư 1975. Như nhiều người dân miền nam Việt Nam lúc đó. Khi nghe tin đất nước thanh bình, hai miền nam bắc thông thương, mọi người từ nay sẽ không còn nhìn thấy cảnh chiến thanh chết chóc thảm khốc thê lương. Chẳng riêng gì gia đình chúng tôi mà hầu như đại đa số dân chúng trong miền nam đều có ý định ở lại quê nhà, nơi chôn nhau cắt rún, nơi sinh ra lớn lên và nơi mái gia đình thân yêu. Thế nhưng… Cũng tại cái quyết định quá là sai lầm này mà cuộc sống của chúng tôi đã lao đao, khốn đốn, khổ sở tận cùng suốt ba năm dài. Sau một đêm dài giới nghiêm, màn kịch đổi tiền cho mỗi đầu người còn có hai trăm đồng. Sau đó cộng sản đã đánh tiếp tục vào những người dân được mệnh danh là bọn tư sản. Những mỹ từ được đánh bóng, được mài dũa thật kêu như làm ít hưởng nhiều, tiến lên thế giới đại đồng? Âm thanh nhai đi nhai lại mỗi ngày từ đầu trên cuối ngõ ( mà đến giờ người ta vẫn cười nhạo báng là làm và nghe …qua loa) qua những chiếc loa quỷ quái với giọng điệu the thé và chát chúa như những chiếc búa tạ đã đập vào những thanh sắt…. Những em bé lên ba tập tễnh vào nhà trẻ, chiều về hát ê a những bài ca ca tụng bác Hồ già. Trẻ con đã được dạy bảo những gì? Hãy kể lại cho cô giáo nghe những gì cha mẹ đã nói năng và tâm sự ở nhà! Đến lúc chính đứa con trai lên ba của chúng tôi đã thỏ thẻ điều này, tưởng tượng cái khối óc trẻ con vô tư trong trắng này nay mai sẽ trở thành bọn công an soi mói rình rập ngay chính người thân bên cạnh mình đã làm chúng tôi không còn lưu luyến giây phút nào ở lại. Phải mau rời nơi đây, hãy đem những đứa trẻ đầu óc còn ngây thơ trong trắng này đi mau trước khi chúng nó trở thành kẻ không còn tim gan và đôi mắt cú vọ suốt đời chỉ biết làm những công cụ tay sai cho bọn sói lang và rình rập những người hiền lương mà nơi họ chỉ mơ đơn thuần một cuộc sống an lành. Chúng tôi rời quê hương vào năm 1978…. Chiếc ghe nhỏ bé đã mang chúng tôi đi, lênh đênh trên biển cả suốt mấy ngày dài. May mắn làm sao, đám người tội nghiệp này đã không bị cướp biển, không bị bão tố kéo dài, không bị mất đi một mạng sống nào như những chiếc ghe xấu số khác và cuối cùng chúng tôi đã được đến nơi đây. Nước Đức đã cưu mang và đón nhận như bàn tay người mẹ hiền vớt chúng tôi từ nơi tăm tối. Thời gian đó, làn sóng thuyền nhân và danh từ tỵ nạn là những tin tức nóng hổi được đưa lên báo chí, truyền thanh, truyền hình mỗi ngày như chính phủ Đức đã đón nhận bao nhiêu người tỵ nạn và đưa về nơi đâu. Hình ảnh người tỵ nạn được đưa lên hàng đầu của những trang nhật báo Buổi Chiều hay Miền Nam Thời Báo…vv…vv.. Nhớ lại lần đó… Radio và đài truyền hình đã đến phỏng vấn đám người tỵ nạn chúng tôi. Người phóng viên bản xứ rút trong túi áo ra một lá cờ nho nhỏ với màu vàng và ba sọc đỏ thân thương. Qua lời thông dịch của anh sinh viên đi du học và cũng đã ở lại xin tỵ nạn: Hãy cho chúng tôi biết cảm tưởng của các anh chị khi cầm lá cờ này trong tay và cái không khí tự do này ra sao? Cảm tưởng ư? Không khí tự do này ra sao ư? Chúng tôi đã không nói lên được một lời nào mà chỉ nhìn nhau …và khóc như chưa lần nào được khóc. Bây giờ thì đã 30 năm trôi qua… Ngoảnh lại nhìn những ngày xa xăm đó, chân bước đi mà lòng cứ ngập ngừng. Ừ! Thì ra nào có ai lại muốn bỏ quê hương xứ sở để mà ra đi? Nào có ai lại muốn bỏ lại quê hương lẫn bạn bè thân yêu từ khi bé thơ cho đến lúc trưởng thành? Nào có ai lại muốn quay lưng không nhìn lại mảnh vườn, căn nhà sinh ra và từ đó đã lớn lên? Thế mà đành phải bỏ hết, bỏ tất cả để mà ra đi. Từ đó….. Mỗi năm không hẹn mà ai cũng cùng nhau cứ đến tháng tư là gặp nhau cùng nhau gióng trống. Trống dồn như giục giã. Trống hối thúc mình nhớ đừng bao giờ quên cội nguồn. Trống nhắc nhở chúng ta lánh xa cái màu đỏ ghê người kia. Còn lại gì? Vẫn muôn đời còn đây lá cờ vàng ba sọc đỏ. Mỗi năm đến tháng tư là lá cờ lại được bay phất phới. Lá cờ bên cạnh những người già che dấu dùm họ những nỗi niềm nhớ quê hương. Lá cờ bên cạnh trẻ thơ với nụ cười hồn nhiên biểu tượng một thế hệ mới trong không khí tự do đầy nhân quyền bác ái đang lớn dần. Cờ bay… tiếng hát quật cường vang vang. Đã có những người đứng lên đi dựng đường cho một ngày mai sáng lạn. Cũng có nhiều người đã bỏ thây nơi vùng đất tạm dung. Ai ai cũng ôm ấp trong lòng một ngày sẽ được trở lại quê nhà với màu cờ thật sự tự do. Người ta hay nói cóc chết ba năm quay đầu về núi. Còn chúng ta, những người Việt tha hương thì muôn đời quay đầu vọng cố hương. Chúng tôi đã chứng kiến thật nhiều người già lần lượt từ bỏ cuộc sống an lành nơi đây để trở về, niềm ước mơ sau cùng là được chết nơi quê hương của mình. Nhưng rồi sau đó chỉ một thời gian ngắn lại thấy trở ..ra! Điều gì khúc mắc? Điều gì đã ngăn trở những người già nua với giấc mơ đơn thuần được về và chết nơi quê hương của mình? Có phải chăng là tại biểu tượng màu cờ vàng ba sọc đỏ này? Lá cờ cho chúng ta đi đứng tới lui, cái tự do đầy tình tự và có quyền lựa chọn. Quê hương thân thương nhưng con người đã trở thành chai đá, cái màu đỏ đã nhuộm hết tim gan và biến con người mất hết lương tri. Tháng tư lại trở về. Tờ lịch đã được gạch đỏ nhiều lần dưới số 30. Cái dấu ấn đau thương này chúng ta không được quyền quên. Tháng tư về là lại nhớ cảnh đau thương của đoàn người lần mò đi trong đêm tối đầy chông gai để được tìm đến nơi có ánh sáng chan hòa đầy tình người. Tháng tư về là lại nhớ đến người thân cha mẹ bạn bè đã nằm vất vưởng nơi nào ở quê hương. Ôi! Tháng tư. Giá mà trên những tờ lịch không còn in tháng tư, có lẽ con người chúng ta sẽ bớt đi những nặng nề của dĩ vãng, tháng tư trĩu buồn làm bao nhiêu người đã khóc âm thầm… Này mẹ, này chị… Tháng tư về làm mẹ nhớ, chị nhớ…. người cha thân yêu, người chồng đầu ấp tay gối nay đã nơi đâu? Có nhìn thấy chăng? Đám con đã lớn khôn. Có đứa hiên ngang ngẫng mặt làm con dân Việt, cũng có đứa đôi mắt tự đã mờ để trốn khỏi cái vỏ ốc da vàng của mình … Tháng tư trở về, hãy ôm vào lòng những tin yêu và hy vọng. Tháng tư cứ đến, cứ đi. Hãy nói với chính chúng ta, tháng tư sẽ chẳng còn buồn bã hay tuyệt vọng mà là vun tưới những mầm xanh kia thành những đóa hoa đầy ắp tình người. Hãy nhắc nhở mầm xanh non ấy lá cờ lúc chúng ta mang ra đi và nhắc mãi những mầm xanh non ấy thay ta gìn giữ tiếp tục ngọn cờ này. Chắc chắn sẽ có ngày chúng ta trở về lại quê hương. Tháng tư sẽ không còn buồn và nét gạch sẽ không còn màu đậm đỏ mà thay vào là những màu xanh tươi hy vọng của con người, của tự do, của yêu thương. Minh Trang Munich, những ngày tháng tư 2009
|