Home Phiếm Các Tác Giả Con Gái Việt Nam

Con Gái Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: TVG   
Thứ Hai, 16 Tháng 2 Năm 2009 02:52

Lời mở đầu:
Đây là ý kiến cá nhân của người viết mà thôi. Đúng hay sai còn tùy thẩm định của mỗi đọc gỉa.
Hồi nhà cháu con đi học lớp đệ thất [lớp 7] trung học đệ nhất cấp buổi chiều, trong môn Vạn Vật có dậy bài “Con Trai (The Pearl!)” Ngay sau khi ông thầy Vạn Vật vừa viết cái tựa đề của bài học “Con Trai” trên bảng đen, một thằng bạn còn đang ngái ngủ, gỡ ghèn chưa xong, thần hồn nhát thần tính đưa tay lên xin hỏi thầy là:
- Thưa thầy. Tại sao thầy không dạy “Con Gái?” Tụi em là “con trai” đâu có cần phải học thêm “Con Trai” làm gì ?
Sau câu hỏi lạc đề này, thằng bạn anh dũng này được ông thầy Vạn Vật cho đi cấm túc cuối tuần để “được” viết phạt 1,000 câu trên giấy trắng “Tôi không được hỏi câu hỏi ngớ ngẩn trong lớp học !”
Bây giờ lớn rồi, râu ria đầy đủ cả rồi! Ngồi ngẫm nghĩ lại, thấy thằng bạn ngày xưa hỏi một câu không có ngớ ngẩn tí nào! Nó nhìn thấy những cái mà học trò tụi tui lớp 7 hồi đó không đứa nào thấy được: “Con gái mới có nhiều chuyện để nói; con trai đã có “dư” quá rõ ràng như ban ngày cần gì phải học thêm cho mất thời giờ!”
Bình thân, ai cũng có vẻ bênh vực cái cái câu huề vốn sau :
“Đẹp hay xấu tùy người đối diện!”
[The beauty is in the eyes of the beholder!]
Nhà cháu cho là câu nói này cũng chỉ đúng một phần thôi. Cứ cho vài cô người mẫu mặc áo tắm của báo “Sport Illustrated” hay là vài người mẫu làm quảng cáo cho hãng bán đồ lót phụ nữ “Victoria’s Secret” đứng cạnh lão bà của nhà cụ; xem cụ có dám thành thực trả lời với mọi người là ai nào đẹp hơn ai??? Nếu giả nhời cái kiểu huề vốn đó thì bố ai còn dám đi thi hoa hậu mí lị sửa sắc đẹp nữa!!!
Bàn về vấn đề đẹp-xấu của con gái Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng. Dù cho khéo léo cách mấy cũng dễ bị hiểu lầm là miệt thị nguời Việt, đào cái hố sâu “4000 ngàn năm chia rẽ.” Nhà cháu phải cố gắng thật cẩn thận. Cách tốt nhất ở đây là nếu có bàn thì chỉ bàn cái tốt nhiều nhiều; thỉnh thỏang chêm một vài điểm xấu tượng trưng chiếu lệ thôi! Vì các điểm xấu có tác động mạnh hơn bình thường; có thể làm chạm tự ái nhiều người; và không chừng nhà cháu có thể bị chụp nón cối. Nhìn phi trường Los Angeles, mỗi ngày có trên 2000 chuyến máy bay đáp và cất cánh an tòan [điểm tốt] mà đâu có ai thèm để ý đến. Nhưng nếu chỉ có một cái máy bay đáp xuống trật phi đạo [điểm xấu] ủi vào hàng rào là báo chí đăng ầm ĩ náo lọan lên!!!
Ngòai ra, việc so sánh con gái của các miền Bắc, Trung và Nam với nhau là chuyện không tưởng, đội đá vá trời, một “nhiệm vụ bất khả thi - mission impossible!! !” Tương tự như so sánh cam với táo, nho với xòai tượng. Con gái Huế và Đà Nẵng chỉ ở cách nhau có vài chục cây số mà “văn hóa” của họ là đã khác nhau quá xa rồi; Con gái Hà Nội và Hải Phòng lại càng khác nhau nhiều cách; Con gái Bến Tre và con gái Long An còn tùy …
Trước khi bàn luận cho vui nhà vui cửa, nhà cháu cũng phải xin lỗi quí cụ trước. Thứ nhất, lợi dụng cái “First Amendment - tự do ngôn luận, báo chí” trên đất cờ hoa, nhà cháu xin bàn bậy vài hàng và cũng xin đóng góp vài ý cá nhân đầy thiên kiến và chủ quan. Thứ hai, vì dầu gì hòan cảnh gia đạo nhà cháu là “tình Bắc duyên Nam.” Con gái Nam Kỳ đối với cháu cũng là “cây nhà lá vườn” cho nên “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn,” tự nhiên phải bênh vực cái ao nhà cho nó “cơm lành canh ngọt” một tí. Cũng dễ hiểu !
Để cho quân bình, quí cụ thấy chuyện tốt cũng có mà xấu cũng có! Cụ nào [hay mợ nào?] không đồng ý thì cũng rộng lượng bỏ qua, hay vui lòng chỉ dẫn, bổ túc thêm cho nhà cháu được nhờ nhé.
Gái Huế / Trung
Nhà cháu cũng lại có thằng bạn thuở thiếu thời trời đánh mấy bận rồi mà không chết. Hắn là phó thường dân Huế chứ không phải lọai “vương hầu tôn thất” hay con cái của “công tằng tôn nữ” gì cả, bình luận câu nói ác ý về dân Huế “Nam đa trá Nữ đa dâm” như sau:
“Cái vế trước thì coi bộ có phần sai ít; nhưng còn vế sau thì sai … quá là sai. Nếu có dâm thì chỉ có dâm tí… ti thôi chứ cái chữ “đa” bỏ vô đó thấy dã man, tàn nhẫn và oan ức cho mấy cô gái Huế quá đi !”
Nói đến con gái miền Trung là phải nói đến con gái Huế. Mà nói đến con gái Huế là phải nói đến con gái Kim Luông :
“Kim Luông có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi.”
Với cái đẹp mà bút mực không thể diễn tả đầy đủ được, gái Kim Luông đã một thời làm ngơ ngẩn nhiều chàng trai đa tình; ngay đến vua mà còn phải bỏ cả ngai vàng huống chi là thứ dân cùng đinh, khu đen khố rách, trên răng dưới lòng thòng tòan là đồ phế thải. Nếu may ra chỉ còn lại một cái xà lỏn chắc cũng dám bán đi nốt để mời nàng đi ăn bánh bèo Vỹ Dạ, để nghe nàng cười nàng nói cho thoả lòng ước ao; để nhìn mái tóc cho đã đời, để được sờ cái… lược cài đầu cho “mẩn mê đời…..”
Con gái Huế nửa lãng mạn, nửa trang nghiêm, nửa e lệ rụt rè, nửa bạo dạn lẳng lơ, nửa đoan trang - kiểu vành nón bài thơ che nửa mặt, còn nửa kia nhìn trộm trai như hổ đói rình mồi! Ôi châu choa! Nhìn người ta thì được, nhưng khi người ta nhìn lại thì mười O như một, đều xoay nón che mặt. Cái nón lá thật là kỳ diệu, ngoài việc dùng để che nắng, che mưa, còn để cho các nàng dùng che cái mặt. Cái mặt gợi tình này đã một thời làm cho
“Đàn ông xứ Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.”
Hoặc làm cho nhiều chàng tương tư ngồi thẫn thờ ở bến Phú Vân Lâu nhìn xuống nước như người chết mấy hôm rồi mà chưa được chôn !
“Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non …”
Và rồi có nhiều anh si tình còn muốn bỏ hết mọi sự đứng [ăn mày?] chờ ở trên bến này… suốt cả cuộc đời ?
Tình em
Huế mộng nguyên trinh
thơ ta
còn mãi ngát tình Hương Giang
áo bay
ngược chuyến đò ngang
vạt lay
gió lộng vội vàng tay che
Ngại ngùng
chi một câu thề
em qua Thành Nội
ta về Kim Luông
chiều nay
Vỹ Dạ ngóng trông
vắng em
Thiên Mụ hồi chuông - vọng buồn
Tràng Tiền mấy nhịp - mù sương
đêm hoa đăng cũ - trăng vương giọng hò
bởi em
Huế đẹp bài thơ
nên ta
mãi mãi vẫn chờ - Huế - xưa…
(Phạm Ngọc - Em Huế Xưa)
Sau đây là mấy câu thơ nhà cháu thu lượm được để mô tả cách con gái Huế xử sự thế nào khi đang “bị” liền ông con trai nào đó lẽo đẽo đi theo thả dê tận mạng :
Người ở mô răng mà kỳ lạ rứa
Giờ ra chơi cứ ngó miết người ta
Và reo lên khi thoáng thấy đi qua
Tụi bạn tưởng “có răng rồi mới rứa”
Thôi từ đây không qua bên nớ nữa…

Hoặc :
Ôi đôi mắt chi mà tha thiết
Đừng có nhìn mà loạn bước tui đi
Lá thư tình ông gởi làm chi ?
Cha mạ biết rầy la tui chết !
Ông tán tỉnh làm chi không biết ?
Tui như ma như quỷ dưới âm ty.
Nói hoài lời hoa mỹ làm chi
Tui còn nhỏ chuyện tình răng biết được
Tội tui lắm cách cho vài bước.
Đừng đi gần hai bước song đôi.
Xa ra cho kẻo bạn tui cười
Mai vô lớp cả trường dị nghị
Theo chi rứa răng mà không biết dị
Thôi được rồi đưa lá thư đây
Mai tan trường đợi ở gốc cây
Tui sẽ tới trả lời cho biết.
(Lưu Trần Nguyễn - Đồng Khánh ngày xưa)
Đàn ông con trai dù bị những lời cự tuyệt cay đắng nhưng lại nhất định bám dai như đỉa cũng chỉ vì mấy chữ “có răng rồi mới rứa” ni đó nghe.
Các cô gái miền Trung vì sinh trưởng vùng đất sỏi đá cho nên tâm tính cũng gồ ghề không kém. Mới lời nói mở đầu mà đã nặng nề bốp chát đỡ không kịp; dễ bị hiểu lầm là “khíu chọ“ (khó chịu.) Phải chịu khó kiên nhẫn quen lâu mới hiểu rõ thực tâm mấy nường không phải như vậy. Cho nên rất ít khi mấy nường được nhà trường, cửa tiệm cử ra để ăn nói ngọai giao vì sợ mất khách.
Nhưng mà coi chừng! Đến khi ghen rồi thì ôi thôi hung dữ như “con ngựa Thương Tứ.” Anh mô mà loạng quạng thì không chết cũng lắc lư con tầu đi vì cái ghen cay như ớt hiểm bún bò Huế rứa. Thật tình mà nói, mỗi khi đọc báo về mấy cái tin “chó cán xe” mà đến chỗ mấy ông chồng bị vợ “cắt mất chỗ đi đái” thì đa số do mấy cô nường miền Trung ra tay. Cũng tội cho các ông chỉ có tội lỡ dại lấy con gái Trung rồi mà vẫn còn cái tật cố hữu mơ tưởng hoa bướm ở cái vườn bên kia hàng rào…!
Con gái Huế là tổ sư phân biệt địa phương và giòng họ. Vì điều kiện nhận đơn và cứu xét của các nường hơi khắt khe ! Đừng có dại mà khai ra ngay từ khi mới quen là anh đẻ ở Cái Vồn Lớn, họ Hùynh… tên Bá Láp; hoặc là anh sinh ra ở Cửa Lò, tên là Phạm Kỷ Luật. Phải khoe là anh đẻ ở phủ Hàm Rồng hay huyện Đại Trì [chỉ việc phịa đại một tên nghe long trọng!] Tên họ tệ lắm cũng phải là Nguyễn Phước, Ngô Đình, Phan Huy, Hà Thúc, Nguyễn Tường hay Thân Trọng gì đó ! Sau khi “cá cắn câu” rồi, thì muốn thay tên đổi họ cũng chẳng sao ! Tuy nhiên, kết qủa sau cùng như thế nào thì nhà cháu không dám chắc; còn phải nhờ vào thời vận và phước đức của các cụ.
Hãy dẹp bỏ những lời thị phi về con gái Huế. Thiệt tình đại đa số gái Huế đep, hiền và đàng hòang. Cái đẹp của Huế thơ mộng. Cái hiền của gia giáo “gọi dạ thưa vâng.” Cái đàng hoàng của cung đình, phép tắc vua tôi, biết chiều chồng thương con lo lắng gia đình.
Nhà cháu đây dân Bắc kỳ, biết thân, biết phận, đọc cái câu đầy ác ý chẳng hạn như :
“Sông không sâu, núi không cao…
Nhà cháu nghĩ là người ta muốn ám chỉ cái địa lý thuôc lọai lình bình này vào một xứ láng giềng xa xôi Lèo hay Kăm Pu Chia nào đó chứ không phải Huế ! Cứ thử ra Huế tắm ở sông Hương xem ! Hổng cẳng chết đuối như chơi chứ ở đó mà “không sâu.” Cứ thử leo núi Ngự một lần xem có tóat mồ hôi … trán không chứ ở đó mà “không cao.” Sao lại bảo không sâu, không cao!? Đã có đo thử lần nào chưa mà vội kết luận ngắn dài ?
Những người đẹp ở nơi có địa danh ngắn nhất nước (“HUẾ”) nhưng lại thích có tên thơ mộng dài lê thê. Qua đây, khi làm lại giấy tờ, phải than trời vì không biết giữ chữ nào, bỏ chữ nào, viết tắt chữ nào: “Công tằng tôn nữ thị Mộng Thường.” Hồi học nội trú ở UCLA ở thập niên ‘80, mấy thằng bạn “rum mết” chết tiệt phải gió ở không, mở niên giám của “Campus” ra tìm thấy ngay cái số điện thọai và cái tên lý tưởng “Tôn Nữ Mộng Thường” gọi hỏi thăm ngay:
- “May I speak to ‘Mông’ please !”
Nàng Tôn liền gác máy cái “rụp!”
Con gái Huế / Trung thương gia đình mình nhiều hơn là thương chồng (?). Nếu anh chàng nào định lấy nường làm vợ thì cũng phải sẵn sàng lấy và nâng khăn sửa túi cả gia đình bên vợ. Nhiệm vụ đa đoan này không phải dễ dàng như đi dạo phố đâu đó nghe !
Ngòai ra, nếu anh chàng có định khi thả dê con gái miền Trung thì cần phải được nhắc nhở cẩn thận khi “đụng độ” với con gái Bình Định:
“Ai về Bình Định mà coi
Con Gái Bình Định múa roi đi quyền…”
Chỉ dùng tay và chân không thôi đã bở hơi tai rồi ! Thêm vào roi nữa thì phải từ “chết cho đến bị thương!!!”
Có một cụ thi sĩ mình hạc xác ve, yếu bóng vía, dị đoan như quỉ, cắc cớ hỏi là:
“Tui vốn nhỏ con hay bị ăn hiếp, nay có quen và muốn tính chuyện lâu dài với một cô gái Bình Định. Nếu mọi chuyện tốt đẹp thì thật là được một công hai việc: được cả vợ lẫn vệ sĩ suốt đời. Nhưng không biết là có cần phải khám điền thổ trước không?”
Khổ quá ! Bố này thật ngớ ngẩn và ngu muội. Đã muốn cầy thì cứ làm bừa đi [gọi là “cầy bừa” là dzậy!] “Người cầy” đã “có ruộng” rồi thì mà còn kén cái gì nữa giời? Cứ xúc tiến rồi lo cầy ruộng mình cho tươm tất là xong. Bận tâm làm gì ba cái vụ khám tới khám lui làm chi cho mất ngày giờ. Đó là chưa nói đến chuyện để lâu trì hõan dám mất ruộng cầy lắm! Danh sách người nộp đơn xin ruộng cầy lúc nào cũng dài dằng dặc. Kể ra nghề cầy ruộng cũng có cái vinh quang đấy chứ hả! Còn cái lợi ngay trước mắt nữa mà không nhìn ra: “Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ. Dầu gì, ít nhất, cũng đỡ tốn tiền mua dao cạo râu.”
Khổ cái là gái Huế / Trung lại thích trai Bắc Kỳ ăn nói có ngạnh hai ba nghĩa một lúc hoặc thích trai Nam Kỳ ăn nói ngang xương cộc lốc mới chết! Bù lại thì mâý anh Huế / Trung laị được gái Bắc và gái Nam khoái mới nghiệt ngã. Đúng là Bụt nhà không thiêng !!!!
Gái Hà Nội / Bắc
Nói về con gái Bắc, thì có nhiều cụ đang ở Mỹ thắc mắc là con gái Bắc mà ở Bắc nước nào nhỉ? Dạ thưa quí cụ. Nhà cháu muốn nói ở đây là con gái Bắc Việt Lam; xứ ngàn năm văn vật, cảnh đẹp người thanh, Bắc Hà Lội 36 phố phường. Con gái của :
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài
Mã vĩ, hàng Điếu, hàng Giày,
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Than,
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Ngang, hàng Đồng,
Hàng Muối, hàng Nón, Cầu Đông,
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà.“
Nếu nói về con gái Hà Nội phải là Hà Nội thứ thiệt, nghĩa là có tối thiểu hai đời ông bà, cha mẹ sinh và sống tại Hà Nội. Chứ gái Hà Nội di cư vào Sài Gòn năm 54 hay dzọt qua Mỹ năm 75 thì không còn bao nhiêu là “Hà Nội nguyên thủy” nữa.
Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Vì nhà cháu đã tự tay chèo thuyền thúng đi ra khỏi Việt Nam từ 30/4/75, cho nên chẳng có biết gái Bắc Hà Nội mặt mũi và cách ăn nói ra nàm thao? Đến khi về thăm Hà Nội vào năm 2005, thấy hình như là con gái Hà Nội chính gốc làm “chim Đa Đa” bay đi xứ khác làm ăn, kiếm cơm hoặc lấy chồng xa xứ hết trơn rồi hay sao đó? Con gái Hà Nội bây giờ đa số là dân từ Hà-Nam-Ninh hoặc Thanh-Nghệ-Tĩnh đã theo cha mẹ ra Hà Nội làm cách miệng và giọng nói được biến đổi dần hơi giống giống giọng Hà Nội. Nhưng lâu lâu lại dính tí ti ngọng “l , n , e, ê, ệ nẫn nộn,” mới chết! Theo kiểu :
“… mình không nàm thì ló bảo mình không nàm !
mà mình nàm thì ló bảo mình nàm nấy ne, nàm nấy nệ…”
hoặc
“… mệ ơi mệ, mời mệ ăn con ghệ…!”
Nghe “chán bỏ mệ!” không à ? Thật là vỡ cái mộng :
“Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ ?
Ai đứng trông ai ven hồ, khua nước trong như ngày xưa …”
(Anh Bằng - Nỗi Lòng Người Đi)
Mấy cô nàng Bắc kỳ hồi nào đến giờ trên phương diện giao tiếp với con trai thì vẫn khiêm nhường thủ thỉ tự cho mình là :
- Ngoan hiền nhưng không ngu
- Thông minh nhưng không gian ngoa
- Thướt tha nhưng không ủy mị
- Đài các nhưng không kiêu căng
- Thân thiện nhưng không vơ quàng
- Đa tình nhưng không mù quáng
Nghe vậy, có một anh bạn Nam kỳ có vẻ không tin, ngờ vực đã hỏi nhỏ lại là: “Có thiệt không đó mấy má ?”
Hồi trước năm 75 nếu mà quí cụ có dịp đi đến các trường nữ Trung học hay Đại học ở Sè Gòn để bán báo xuân [hay là có bán bất cứ kí gì !] tức thì sẽ gặp gỡ một ban tiếp tân của nhà trường, và nhà cháu xin bảo đảm “chăm phần chăm” là quí cụ sẽ được gặp một bầy tòan là dân Bắc cờ quê quán loanh quanh vùng sở thú của tỉnh Hà Đông Hà Tây gì đó “dịu dàng” tiếp đón. Gớm ! Sao mà mau mắn thế! Chỉ cái điều lanh lẹ này cũng đã đủ để chứng tỏ được là con gái Bắc bỏ xa các con gái miền khác về vấn đề giao tế rồi đấy các cụ ạ! Đây là nhà cháu muốn nói về con gái Bắc di cư năm 54 đấy ạ!!! Bắc di cư năm 54 lọai :
“Quê hương tui Bắc kỳ nhào vô quá trời
Bên bờ sông, bên bờ ao trồng rau muống..”

Hoặc :
“Quê hương tui cái ‘mùng’ mà kêu cái ‘màn’…”

(theo âm điệu bài “Khúc Nhạc Đồng Quê” của Thúc Đăng)
“Quê hương tôi gió chiều về trong nắng vàng
Ven bờ sông ai chờ mong bao hình bóng…”
Ấy thế mà có lắm ông thi sĩ thất tình vì mấy cô gái Bắc kỳ “ngây thơ ! nho nhỏ!” đó nhe! Vâng, các mợ đã từng làm cho nhiều thi sĩ dở khóc dở cười, mang một mối “tình hận” sau một thời gian ngắn nhận ra sự thật [là không ngây thơ mà cũng chẳng nho nhỏ tí nào !] Hãy nghe lời than thở của một thi sĩ nổi tiếng đã từng bị mấy em gái Bắc quay mòng mòng như quay dế rồi đâm ra yếm thế đòi chán sống lung tung; xem thử quí cụ có học được bài học nào hay không từ cái ông này:
… Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng, ngây thơ … mà xảo quyệt!
Ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết
Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
Nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
Nên hùng hổ … để đợi giờ thua thiệt!
… Không biết tìm ai mà kể lể
Chim lớn thôi đành cam rớt lệ
Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!
Nếu vì em mà ta phải điên tình
… Em chẳng bao giờ rung động cũ
Ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu
Nên trở về như một con sâu
Lê chân mỏng qua những tàn cây rậm
Nuôi hy vọng sau ngàn mưa nắng lậm
Lá-xanh-em chưa dấu lở loang nào
Để ta còn thi sĩ nhất loài sâu
Nhìn lá nõn, tiếc, thèm… đâu dám cắn!
Nếu vì em mà thiên tài chán sống
Thì cũng vì em ta ngại bước xa đời!
(Nguyễn Tất Nhiên - Duyên Của Tình Ta Con Gái Bắc)
Và con gái Bắc Kỳ thứ thiệt thì phải công nhận là họ đảm đang, biết buôn bán, biết chắt chiu cần kiệm. Năm 1954, chỉ thoáng một thời gian ngắn sau khi di cư vào Nam là bao nhiêu khu vực làm ăn ngon lành thuận lợi tại Sài Gòn đã bị các bà Bắc kỳ rau muống sang tay hàng lọat (các hàng quán, cửa tiệm nguyên dọc theo đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi …) Trong khi mấy ông chồng vẫn tà tà đủng đỉnh tổ tôm, mà chược, ăn tục nó phét, đánh rắm rong ….
Xa xa ngoại ô Hà Nội, con gái Tuyên Quang có vẻ đẹp của người Mường, dáng hơi quê mùa nhưng thật là quyến rũ. Con gái Bắc Ninh thì quá “đảm đang” - nhớ bỏ dấu Việt cho đàng hòang ở đây; nếu không sẽ có thể bị hiểu lầm là “dâm đãng!” Vì quá đảm đang nên quen bắt nạt chồng một cách tự nhiên, như câu :
“Ai ra Hà Nội mà coi ,
Con gái tỉnh Bắc [Ninh] cầm roi dạy chồng.”
Cái khổ và óai oăm nhất là các bà con gái Bắc này càng đảm đang, càng ghen tuông chanh chua thì các ông chồng lại càng thích phá phách, càng thích ăn vụng.
Qua kinh nghiệm xương máu sau 75, nói chung, con gái Bắc 54 đã tỏ ra có nhiều điểm đáng khen: Mấy ông chồng đi “tù cải tạo” có vợ Bắc gặp rất ít trường hợp bị vợ bỏ. Chẳng những vậy, còn vợ được thăm nuôi đầy đủ trong trại cải tạo dù là ở Long Giao, Bùi Gia Mập; hay mịt mù Hòang Liên Sơn, Cao Bắc Lạng trong khi con cái vẫn ăn học đều đặn hoặc vượt biên tà tà từng đợt một.
Hình như trời sanh ra, càng ở vào hướng Bắc thì mũi càng cao và da càng trắng và ở hướng nam thì mũi càng tẹt và mầu da càng đậm hơn??? (không tin thì cứ nhìn mấy mấy mụ đầm trắng và mấy thím Mỹ đen là rõ?) Vì thế phần lớn các cô gái Bắc đều có vóc dáng “tóc dài da trắng” rất chết người! Mấy anh chàng thi sĩ có than vãn hay nguyền rủa thì cũng chẳng có gì lạ.
Đó là vấn đề vóc dáng sẵn có của con gái miền Bắc. Còn nhan sắc con gái Bắc thì nhà cháu xin viện lý do sức khỏe không dám tự ý lạm bàn!! Xin để cho các cụ Nam kỳ và Trung Kỳ được dịp tự do ngôn luận ở cái khỏan này. Thật đấy chứ?
Một điều thấy chướng tai gai mắt tức mình là khi nhà cháu đọc các trang báo trên mạng thì thấy rằng không hiểu vì thật sự “duyên dáng” hay vì “phe đảng” mà “chăm phần chăm” các xướng ngôn viên đài truyền hình và truyền thanh và Tiếp Viên Phi Hành “E Việt Nam” ở Việt Nam là mấy mợ Bắc cờ!!! Tính chung chung thì chắc cũng phải có người đẹp, người xấu chứ phải không ạ? 100% thì thật là cuộc cách mạng giải phóng của các mợ đã phỗng tay trên của nhân dân miền Nam anh hùng còn gì?…
Nhà cháu rất cũng cảm thông cho “cái thú đau thương” của các cụ Nam cờ, Trung cờ có vợ Bắc [không cần cảm thông cho trai Bắc, vì thực tế quá hiển nhiên!!!] Vì cái hòan cảnh mấy cụ đã bị mất chủ quyền, đã chịu đựng với con gái Bắc chúng cháu nó diễn ra y như thể là các mợ mỗi ngày đều bị mất một con gà? Chẳng phải vì các mợ bạc bẽo, thiếu tình hay vô ý. Cái tài chưởi như hát hay của các mợ là do di truyền đã có “đăng ký” trong sổ sách, trong văn học sử hẳn hoi. Xin các cụ hãy ráng mà quên đi chuyện tình lầm lỡ quá khứ để mà vui sống cho hiện tại. Mọi chiệng sẽ “sau cơn mưa trời lại sáng” cả !
Nói tóm lại con gái Bắc mặc dù số nhỏ chanh chua, xí xọn nhưng đa số là yêu chồng; biết đảm đang giúp chồng làm nên sự nghiệp; biết nuôi con và biết dậy dỗ con nên người hữu dụng; biết chăm lo cho gia đình chồng trong mọi hòan cảnh.
Gái Cần Thơ / Nam*
[*Sài Gòn là “melting pot” không đủ điều kiện đại diện cho miền Nam!]
Người ta đã nói:
“Người miền Nam biết làm cách mạng; nhưng không biết làm chính trị.”
Hay nói cách khác, so với người miền Bắc vả Trung, người miền Nam thật tình, nhiệt tâm; nhưng về vấn đề gian xảo, trí trá, mánh mung thì không theo kịp được. Câu này cũng áp dụng thật đúng cho các cô gái Nam Kỳ.
Miền Nam trù phú đất rộng dân thưa. Người dân không phải bươn chải tranh đấu thật cực khổ mới có ăn có mặc như miền Bắc và miền Trung. Vì vậy như người người miền Nam; tính tình gái Nam mang cái bản tính thực tế, bình dị, đơn giản, chất phác thật thà, chơi tốt và rộng rãi với bạn bè. Dễ sống và dễ chấp nhận tất cả cái gì khó khăn trong đời sống thường nhật chung quanh mình hơn là đem so sánh ghen tị, bon chen, gỉả tạo… Chính vì cái bản tính dễ dàng, thật thà gái Nam bị cho là khờ khạo, lười biếng, xài hoang, phung phí, dễ mang bầu, dễ bị làm vợ bé; dễ bị bạn bè và dân láu cá, sở khanh lợi dụng, lừa phản… Các cô gái Bắc và gái Trung tha hồ dựt mất bồ của mấy cô Nam Kỳ như lấy đồ trong túi ra.
“Bến Tre khờ khạo chân tình ,
Long An đủng đỉnh như sình dính chân !”
“…Em nhớ giữ tánh tình người Nam nhé
Nhớ lanh chanh nhưng rất thiệt thà
Nhớ nhiều lời nhưng không biết điêu ngoa
Nhớ đanh đá kiêu căng mà tốt bụng …”
Óai oăm ở chỗ là trai miền Trung, nhất là các vua nhà Nguyễn lập một lô thứ phi là gái Huế, nhưng Hoàng Hậu chánh cung lại là gái miền Nam mới châm: Vua Minh Mang có rất nhiều vợ, mà đa số các bà vợ đều được tuyển chọn từ miền Nam; Chánh cung của vua Minh Mạng là bà Hồ Thị Hoa [Tá Thiên Nhân Hòang Hậu] người Biên Hòa; Chánh cung của vua Thiệu Tri là Bà Từ Dũ [Nghi Thiên Chương Hòang Hậu] người Tân Hóa – Gia Định; Chánh cung của vua Bảo Đại là Bà Nguyễn Hữu Thị Lan [Nam Phương Hoàng Hậu] người Gò Công.
Con gái miền Nam yêu chồng và đối xử với chồng như ông chủ. Theo đúng khuôn mẫu “xuất giá tòng phu.” Chồng đi làm vất vả về muộn, say khướt; vậy mà vẫn ra đón ngọt ngào: “Anh đi làm về có mệt không? Anh muốn ăn gì? muốn uống gì?” Các ông chồng nhậu thả giàn say xỉn. Vợ vẫn chăm chồng, lau dọn ói mửa không kêu than gì cả (?) … Lạ thật !!!
Con gái miền Nam không đòi hỏi nhiều trách nhiệm từ chồng. Khi đã yêu là cưới tự nhiên như không. Đôi khi gặp phải chồng [đểu] đã có vợ con đầy đàn nhưng dấu diếm. Một sớm một chiều đang là con gái mới lớn vô tư trở thành vợ nhỏ! Cũng thật đáng buồn. Vì có thể vô tình vì mình làm đổ vỡ một lúc hai gia đình!
Con gái miền Nam hình như không cần để ý tới vấn đề bình đẳng nam nữ. [Điều này lại trái ngược đối với con gái Trung và Bắc. Nhiều khi không biết ai là chủ trong gia đình có vợ người Trung hoăc người Bắc.]
Gái Nam không có cách bầy tỏ là mình “không hài lòng về cách xử sự của chồng,” “bất mãn tư cái cách ruồi bu của chồng?” Nếu chồng tòng teng mèo mỡ. Gái Nam sẽ kéo chị em đến phạng con “mụ” kia một trận cho nhừ tử. Xé quần xé áo cho hàng xóm thấy “cái ấy của mụ” đã làm chồng mình say mê!!! Xong, về nhà vẫn thờ chồng như một. Chả có vấn đề gì cả! Lạ thật!!!
Nhưng đối với gái Nam. Người chồng phải đối xử như vừa là người tình vừa là người vợ ! Chồng phải lo lắng cho vợ đến tận răng. Tức là người chồng phải làm ăn ngày càng phải tấn tới, phát đạt. Chồng mà xa cơ lỡ vận, gia đình dễ bị banh trê lắm !!!
Lời kết
Ở chỗ nào trên đất nước mình cũng là quê hương. Nơi nào cũng có những người em thơ mộng, ngọt ngào như đường cát, mát như đường phèn. Đồng thời nơi nào cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh.” Không kể gì xứ phồn vinh trù phú hay xứ chó ăn đá gà ăn muối.
Tình yêu thường mù quáng. Hôn nhân là do định mệnh, số phần. Vậy phân biệt gái Bắc Trung Nam làm chi? Trong thời buổi giá trị bị đảo lộn này, yêu và được yêu là hạnh phúc lắm rồi ! Phân biệt kể lể xấu tốt cho vui thôi ! Nghe qua rồi bỏ !!!
Xin nhắc lại, trên đây là một vài ý thô thiển chủ quan như một góp nhặt nhỏ nhoi. Xin các cụ vui lòng chỉ bảo và bổ khuyết thêm.