Gọi người yêu dấu |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Thứ Hai, 20 Tháng 4 Năm 2009 04:11 | |||
Hai cô con gái Malia và Sasha của Tổng Thống Barack vừa nuôi một con chó con. Chuyện nuôi chó cũng thường thôi, nhưng hai cô bé này lại đem tiếng “Bo” để đặt tên cho chó, vì khi gọi đến Bo là người ta nghĩ đến “Bo Diddley,” tên một ca sĩ nhạc Blue da đen, vừa chết năm ngoái, mà Diddley lại là tên ông ngoại của hai cô. Ông ngoại này cũng có một đứa cháu lấy tên Bo để đặt cho tên một con mèo rồi. Mỗi khi gọi tên con chó, con mèo thân yêu, là phải nghĩ ngay đến ông ngoại, thật là những đứa cháu hiếu thảo trên đời này. Con chó, con mèo đối với người Mỹ là những con vật gần gũi thân yêu nên người ta lấy tên những người thân yêu để đặt cho chúng, mỗi khi gọi chó mèo lại nhớ đến người. Trái lại đối với người Việt chúng ta, thì chó mèo, nhất là chó, lại là những con vật hèn hạ, đáng khinh bỉ, nếu không ông cha ta đã không có những thành ngữ “ngu như chó”, “chó nhẩy bàn độc”, “cẩu trệ” hay “cẩu hợp”. Người Việt lại không lạ gì việc con chó lại thích ăn phân người, và ở nông thôn, người ta lấy chó để thay người làm vệ sinh cho trẻ em, nên lại có thành ngữ rất khinh bạc “chó mà chê c...” Cũng vì việc liên hệ này mà ca dao thời đại cũng có câu: “Em như cục c... trôi sông, Anh như con chó đứng trông trên bờ!” Vì khinh bỉ con chó, nên trong thời gian “chống Mỹ cứu nước,” nhất là trong thời gian không quân Hoa Kỳ oanh tạc ngày đêm, miền Bắc mới thi nhau đặt tên chó là Ních (Nixon) hay Ron (Johnson). Thỉnh thoảng muốn trả thù Mỹ, chỉ việc đem một con ra đập đầu, thui lửa rơm là có ngay một chầu rựa mận ngất ngây. Thịt chó được xem như món ăn “dân tộc” tại Ðại Hàn, Việt Nam, Phi Luật Tân và Lào. Không ngon sao thịt chó lại được đưa vào văn chương bình dân “sống ở dương gian ăn miếng dồi chó, chết về Âm Phủ chẳng có mà ăn...” Ðối với người Tây Phương, không khỏi tránh được cái nhìn thiếu thiện cảm của họ đối với những dân tộc ăn thịt chó, một việc được xem là “mọi rợ”. Do đó, nên nhà cầm quyền Bắc Kinh, trong thời gian Thế Vận Hội diễn ra, đã phải chỉ thị cho các nhà hàng mà các khách ngoại quốc có thể vào ăn, phải ngưng ngay bán các loại thức ăn chế biến từ thịt chó, hay hồi năm 1988, chính phủ Nam Hàn cũng đã phải ra lệnh cấm bán thịt chó trong thời gian tổ chức Thế Vận Hội Seoul. Nếu tôn trọng, thương yêu, người ta đã không đem làm thịt những con vật đó ra mà làm thịt. Hồi năm 1966, tôi có dịp được sang Mỹ tham dự một khóa học chuyên môn ở cái tiểu bang xa xôi là Indiana. Ông mục sư bảo trợ cho tôi, có hai đứa con đang học tiểu học, nói với bạn bè là có một ông sĩ quan Việt Nam đang là khách của gia đình. Hồi ấy, có nhiều người Mỹ ở địa phương sang tham chiến ở Việt Nam, nên chúng tò mò muốn biết về Việt Nam? Ông mục sư nhờ tôi đến trường nói chuyện và chơi với lũ trẻ bạn của con ông một buổi. Sau khi chiếu một loạt slides mượn của một ông cố vấn Mỹ mới hồi hương, nói qua quít một vài chuyện vì sao Việt Nam chia đôi và có người Mỹ tham chiến ở Việt Nam bằng một loại Anh ngữ ăn đong, và sau khi được cô giáo cho phép, bọn nhỏ tranh nhau đưa tay đặt câu hỏi. Tôi còn nhớ rõ một bé gái mặt tàn nhang có đặt câu hỏi khá bất ngờ với tôi, là có phải người Việt Nam ăn thịt chó không? Tôi đành láo lếu mà giải thích rằng ở Việt Nam chó không được xem là con vật gần gũi thân yêu như ở Mỹ, và chỉ ở những vùng xa xôi, những năm đói kém, mất mùa người ta mới ăn thịt chó. Không biết trong đám trẻ này có đứa nào tò mò muốn gặp tôi chỉ vì muốn biết cái người đến từ xứ ăn thịt chó có khác gì với chúng hay không? Những người lính Mỹ trước năm 1975 có mặt ở Việt Nam ít thấy hàng thịt chó bày hàng nhan nhản như bây giờ, nên lúc ấy nói láo may còn tin được. Người Việt chúng ta, trong hay sau thời kỳ Pháp thuộc, nhiều người ảnh hưởng văn minh Tây Phương, lúc cao hứng cũng có thể gọi người yêu là “con chó nhỏ của anh”. Nhà thơ Nguyên Sa, một người đã du học Pháp, đã để lại cho đời những câu thơ tuyệt đẹp, không những ví người yêu của mình là chó, là mèo mà còn là con cá ươn nữa: “Hôm nay Nga buồn như một con chó đói Như con mèo ngái ngủ trên tay anh Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa xe mình Ðể anh giận sao chả là nước biển...” Nhưng thực tế cho đến ngày hôm nay, người Việt chúng ta cũng chưa dám lấy tên người yêu, chứ chưa đừng nói tên lấy tên ông nội, ông ngoại, để đặt cho chó, dù là chó con, chó kiểng. Gần đây theo đà tiến bộ văn minh, để tỏ ra con người mình cũng như “tây”, nhiều gia đình đã bắt đầu nuôi chó, tôn trọng chó, xem chó là con vật gần gũi, nhất là trong xã hội mới thoát ra chưa bao lâu chuyện nghèo đói trong xã hội Cộng Sản, đổi đời một cách nhanh chóng. Chúng ta không ngạc nhiên khi biết hiện nay ở Hà Nội đã có bệnh viện chó, khách sạn chó và đám ma chó tốn phí hàng chục cây vàng, trong khi đời sống người dân khốn khổ, trẻ em bươi đống rác như những con chó ốm vô chủ. Ðể thay đổi một nếp sống, một thói quen như xem trọng con vật thân yêu sống cạnh chúng ta trong gia đình thì phải chờ vài trăm năm nữa, để có sự thay đổi đồng đều, chứ không thể có một đám ma chó rềnh rang, khoe văn minh, khoe của, trong khi ngoài phố chợ thì chó thui treo đầy các quầy thịt chó. Theo tôi trong xã hội Mỹ, chó vẫn chưa được xem trọng đâu, vì nếu xem trọng chó, người Mỹ đã không mắng nhau là “son of bitch” không khác gì người Việt ta có câu chửi “đồ chó đẻ”. Như vậy, con chó mẹ người ta chẳng coi ra gì nên con chó con mới bị khinh bỉ, trong khi con cọp cha được xem trọng thì con cọp con được xưng tụng “hổ phụ sinh hổ tử”. Ðến như con rắn con, dù “liu điu” thì cũng được xem là giống nhà, là dòng dõi “chẳng phải liu điu cũng giống nhà!” như trong một câu thơ của ông Lê Quý Ðôn. Có người nuôi chó, để gia tài cho chó như bà Leona Hemsley ở New York, năm ngoái đã để lại cho con chó cưng giống Ðịa Trung Hải của bà món tiền 12 triệu đồng, bà cũng chì chiết cho rằng bà có hai đứa cháu, nhưng chúng không đáng nhận của bà một xu teng. Nhưng những con người sống với loài người không được, không tìm thấy trên cõi đời này một ai để yêu thương, mà phải đặt tình thương của mình nơi một con chó, thì cũng nên xem lại đây có phải là một loại người bình thường không? Dù thương yêu loài vật đến bao nhiêu, chúng ta cũng không thể đem con vật so sánh với con người, một đồng loại đang sống chung quanh ta, dù có hung hiểm, gây cho ta bao nhiêu phiền muộn đi nữa. Không có người ta sống với ai? Ðôi con chó thấy cũng dễ thương, vài con người có lúc trông rất dễ ghét, nhưng tôi thích sống với người hơn là chơi với chó. “Chơi với chó, chó liếm mặt”! Con chó nhỏ ta nuôi trong nhà có thể gọi nó theo tên những món ăn mình thích, cá tính của con vật, kể cả chữ đầu tên một cuốn sách, con đường cũ nơi mình lớn lên... theo kiểu của người Mỹ, nhưng chớ có đem tên ông bà, cha mẹ, chú bác ra mà réo “gọi người yêu dấu”. Ðối với người Việt chúng tôi, chuyện ấy không thể chấp nhận được.
|