Nếu ở Mỹ, chắc bà con cũng thấy dân mình khá hơn dân Mễ rất nhiều. Người mình, trừ những đồng hương mới sang, hay lỡ vướng vào một thói xấu, phần lớn đều có nhà, có xe. Em cháu thì đại đa số học hành đỗ đạt. Nhìn sang Úc thử xem, theo một thống kê mà tiểu đệ biết được cách đây vài năm, tỉ lệ học sinh VN vào đại học ở Úc cao gấp 2.5 lần tỉ lệ của người Úc nói chung. Người thổ dân bản xứ sống cả ngàn năm ở đất Úc này, nhưng kiếm lòi con mắt cũng không gặp được một bác sĩ, kỹ sư hay luật sư. Trong khi đó, sơ sơ ở shopping Inala mà tiểu đệ làm việc thì cũng đã có khoảng trên một chục (12) bác sĩ người Việt. Văn phòng luật sư người Việt cũng mấy cái. Người Việt chúng ta tài như vậy, giỏi giang như vậy, thì tại sao nước Việt không khá? Theo tổng sản lượng quốc gia chia cho bình quân đầu người thì VN đứng hàng 137 trên thế giới. Trước khi đệ đi vào phần nhận định cá nhân, xin quý vị xem Trần Trọng Kim nhận xét thế nào về “Người Việt xấu xí”:
Cái tốt lẫn với cái xấu (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, năm 1925) Về đàng trí tuệ và tính tình, người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức. Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi qủy quyệt và hay bài bác nhạo chế. Thường nhút nhát hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật. Tâm địa nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trang hoàng bề ngoài, hiếu (1) danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma tin quỷ, sùng (2) sự lễ bái nhưng mà vẫn không nhiệt tín (3) tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn. (1) ham thích. (2) chuộng. (3) tin một cách mãnh liệt.
Thật vậy. Đa số người Việt của chúng ta rất bương chải, nhưng sự khôn ngoan và “quỷ quyệt” đều được đa số này dùng để TRANH THỦ CHO QUYỀN LỢI CÁ NHÂN. Người ta vừa đi làm lậu trốn thuế, vừa ăn thất nghiệp, “tách form” (làm ly dị giả) để ăn thêm lợi tức single mother. Tiểu đệ có một người quen. Một hôm ông ta đến nhà nhờ đệ viết giấy chứng nhận đi lại không tiện, để xin giấy đậu xe chổ người tàn tật. Kính thưa bà con, ông “thần” này mỗi lần đi nhảy đầm thì thâu đêm suốt sáng. Một người quen khác của tiểu đệ lãnh 40 ngàn đô vì bị chứng thương cột sống. Anh ta kể: - Mỗi sáng tôi thức dậy thấy nó nhức lưng chết mẹ, bị từ hồi ở VN. Bữa kia ngủ dậy, nghĩ vậy là không được rồi. Mình mới gần 50 mà cái lưng cụp rồi làm sao làm cu li. Bữa đó cái lưng đau quá, nhưng cũng lết dậy đi làm. Vô tới hãng, đang hàn cái cột, thằng Úc kia nó xoay cái cột qua, tôi la lên một cái, “mày làm cụp cái lưng tao rồi”. Thế là sau một thời gian, anh ta được đền 40 ngàn đô. Chuyện tai nạn xe cộ, khai gian bảo hiểm xảy ra chắc cũng thường xuyên.
Nhờ thông minh, chịu khó, “tinh vặt” và “quỷ quyệt” (chữ của TTK), mỗi cá nhân của người Việt đều có sức sống và vươn lên rất mạnh, nhưng chính vì chỉ dùng những thủ đoạn vặt này để tranh thủ cho cá nhân, bòn rút xã hội, nên tập thể của người Việt thường không khá. Đa số người Việt đã thực hiện đúng câu châm ngôn “người không vì mình, trời tru đất diệt”. Tất cả những điều tốt và xấu mà Trần Trọng Kim phân tích bên trên đều xác đáng, ít nhất là rất phù hợp với nhận xét của tiểu đệ. Chúng ta có thể nói cả ngày, cả năm cũng không hết. Nhưng ý chính của tiểu đệ muốn trình bày ngày hôm nay là (đa số) mỗi cá nhân người Việt đều giỏi tranh thủ, nhưng chỉ nghĩ cho cá nhân mà không nghĩ cho cái chung. Cho nên, phân ra từng người thì khá, mà tập thể thì yếu. Dưới đây, tiểu đệ xin trích thêm một vài nhận xét của bậc đi trước và một điều nghiên của Mỹ để bà con tham khảo thêm.
Tinh thần gia tộc quá nặng (Vũ Văn Hiền, Những nhận xét nhỏ về dân quê Bắc Kỳ, Thanh Nghị, năm 1944) Ta có thể thấy vì một mối tư thù, một viên lý trưởng, phó lý hay trương tuần bắt trói trái phép một người họ khác đã trái lệ làng vì một việc cỏn con, nhưng ta không thể thấy những viên chức dịch ấy lập biên bản để đưa ra đình hay giải lên quan một ông chú một người anh em họ bên nội hay bên ngoại, dẫu người đó đã phạm vào tội do hình luật trừng trị. Cái tinh thần đại gia tộc ở xứ này đã diệt mất hẳn tinh thần công dân.Tình họ hàng ở thôn quê đã làm cho tê liệt hẳn bộ máy cai trị của làng vốn tự nó đã không được khỏe gì. Nhờ có sức mạnh thói quen mà làng Việt Nam còn giữ được những cổ lệ và cái đời sống thụ động của mình. Nhưng hiện tình thì ta không thể coi nó là một công cụ giúp vào việc tiến hóa của dân quê.
Học đòi vặt vãnh, bỏ qua nhiều chuyện lớn (Nguyễn Bá Học, Di ngôn, do Nguyễn Bá Trắc thuật, Nam Phong, năm 1921) Quái lạ cho người đời, hễ ai bảo cải lương lối nhà cửa ở, hay là cải lương cách ăn mặc bắt chước theo lối Âu Tây, thời đua nhau như vịt, còn nhỡ ai khuyên bảo nên cải lương những thói xấu nết hư - chốn hương thôn không nên tranh giành kiện tụng nhau, ở với bè bạn thời phải giữ lòng trung tín - thời dẫu nói rát cổ bỏng họng cũng chỉ lờ đi, chớ thèm nghe.
MUỜI ÐẶC ÐIỂM CỦA NGUỜI VIỆT NAM (Do Viện nghiên cứu xã hội Mỹ đánh giá về nguời Việt Nam)
1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng. 2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động. 3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm & gía trị) 4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận. 5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi nguời Việt Nam (nhỏ học vì gia dình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê) 6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền. 7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời). 8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện. 9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục. 10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh. (Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng)
|