Những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu, nhất là khi ngồi ở bàn nhậu linh đình, thường là những chuyện tào lao nhất. Bữa nọ tôi đến ăn tiệc của một người bạn. Bàn tiệc của tụi tôi đông hơn chục mạng, đa số là những ông bà khú đế từng sống trên nửa thế kỷ, đã hoặc sắp lãnh tiền hưu, có người hình như đang lãnh tiền tàn tật hay trợ cấp tâm thần giống như một số ông “cộng đồng” xóm tôi dạo nào. No nê phủ phê, lại thêm một chút rượu vô, nên dĩ nhiên lời ra. Sau khi bàn hết một vòng tình hình thế giới, từ Iraq, Áp-ga qua tới Bắc Hàn, từ Trung cộng qua tới Liên Xô, dù rằng không còn cái nước liên xô liên đẩy nữa, từ cúm Tây Ban Nha hồi 1918 qua cúm gà Á châu mấy năm trước qua tới cúm heo Mễ mới đây, nghe muốn bịnh. Rồi bàn tiệc nhảy tới tình hình nước Mỹ, từ Đảng Dân chủ thiên tả tới Đảng Cộng hoà chống cộng (chuyện này có thật, không đùa một chút nào), từ chuyện vỡ nợ tùm lum của các công ty tài chính và hãng xe hơi, tới công ăn việc làm khó khăn thành ra vô sở bị sếp chửi hoài mà không dám hó hé. Mỗi người thêm một chai bia nữa, bàn tiệc phấn khởi lết qua tình hình quốc nội (quốc nội bên kia nửa vòng trái đất). Chuyện bô-xít, chuyện nhà thờ đấu nhà nước, chuyện Hoàng Sa gặp Trường Sa, chuyện băng đảng cầm quyền muối mặt đàn áp dân chúng biểu tình chống Trung Quốc, chuyện mafia đỏ, chuyện đưa hối lộ lúc nhập cảnh. Xẹt một chút qua chuyện thằng thủ tướng công du tới Mỹ hồi năm nảo năm nao có đám Việt kiều và tụi làm ăn trên xương máu chạy tới bợ đít. Lủ khủ qua chuyện nếu tụi mày muốn kiếm bia ôm, gái gọi hạng sang mà rẻ rề trong xã hội đen ở Sài Gòn thì tao chỉ mối cho. Rốt cuộc rồi cũng tới chuyện thời vàng son của từng người. Một ông cựu công chức lè nhè: - Hồi xưa mình đánh giặc đâu có dở mà sao thua tụi nó lẹ dữ thần? Tôi không rõ ông ta nói “mình” là mình nào, nhưng “mình” này chắc chắn không phải là ông ta, vì hồi xửa hồi xưa ông tà tà sống ở thành phố, làm công chức quốc phòng và chạy áp phe, và bản thân chưa một ngày nào “đánh giặc”. Một ông cựu cảnh sát đứng đường, chuyên môn kể chuyện hồi trước bắt địa thanh niên trốn quân dịch rất có duyên, vừa gắp mấy cục đá lạnh cho vô ly, vừa cãi: - Lính của mình dở ẹc, ông ơi, chưa đánh đã chạy. Phải chi mình giữ được cầu xa lộ thêm mấy bữa nữa đừng cho tụi nó vô thì tui đã về kịp tới Sài Gòn, ra bến Bạch Đằng dông lên tàu của ông bác qua Mỹ rồi. Lính mình dở quá nên tui mới kẹt mười mấy năm. Bây giờ nhờ thằng em xin đoàn tụ, qua được tới đây đi làm lãnh tiền mặt, sống cực thấy mẹ, còn mấy năm nữa mới xin được tiền già. Chắc chắn ông cảnh sát hạng bét này hồi đó không có một anh cảnh sát nào thấp hơn dưới quyền ông, vì thế “lính của mình” này chỉ có thể là lính của “mình” nào khác. Rồi ông tiếc cơ sở làm ăn chục năm trước đang phất ở Sài Gòn, có đường dây lên tới cấp chủ tịch quận, bí thư thành phố, nhưng chỉ vì ham đi Mỹ mà ngu si bỏ hết. Hồi đó phải chi nếu ông đừng nghe người ta xúi dại, đừng nôn nao khi thấy người ta nộp đơn xin xuất ngoại rần rần, chịu ở lại tiếp tục làm áp phe thì bây giờ chưa chắc có thằng Việt kiều nào đang ngồi xung quanh bàn tiệc này ngon lành hơn, xung hơn. Một chị xồn xồn than thở: - Phải chi hồi đó mình giữ được thêm mấy tháng nữa là tui kịp xuất ngoại du học rồi, đâu có ở lại ăn bo bo cả chục năm. Ừ, lính của mình dở dễ sợ, hồi nhỏ tui ở trong mấy trại lính tui biết mà. Ông già của chị làm lớn trong quân đội, vì thế “lính của mình” này phải là “lính của ông già của mình”, chứ không phải “lính của mình”. Rồi chị càm ràm về mấy anh lính được may mắn khỏi ra mặt trận để về lái xe cho ông già của chị, nhân tiện phục dịch, làm vườn, ẵm em, đi chợ, thổi cơm, quét dọn, lau chùi luôn trong nhà cho má chị: - Biểu trồng cây ớt ở gần bụi chuối mà đem trồng ở kế hàng rào. Biểu quét cái sân trước cho sạch lá mà bữa nào cũng phải nói. Chuyện đơn giản như vậy còn làm hổng xong thì đánh giặc cái nỗi gì! Chị kể ông già của chị hồi đó đã nhìn xa trông rộng, nắm vững tình hình, nên luôn luôn tìm cách vòng vòng tu nghiệp hoặc thường xuyên đi đây đi đó ở ngoại quốc nhiều chừng nào hay chừng nấy. Ông biết trước chuyện không ổn, và ông lo lụi hụi ở nước ngoài để dễ kiếm đường lo cho con cái đi du học, không cần học, chỉ cần du, như con cái của đa số mấy ông lớn bây giờ. Chị tin vào thuyết “con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Khi sập tiệm, tình cờ ông già chị đang ở Mỹ, chục năm sau bảo lãnh được gia đình qua. Một anh bạn già khác của tôi đã có thời là lính rằn ri, cũng có chút chức tước, úy này úy nọ, và cũng đã từng miễn cưỡng nằm trong rừng cả tháng ăn lương khô với lính rồi bị ghẻ lở khắp người, nhưng anh rất ít khi nhắc tới mấy chuyện tào lao đó. Hồi xưa anh đâu có muốn đi lính, và bây giờ anh đâu có dám vỗ ngực xưng danh như thể anh đã từng tự nguyện xung phong ra mặt trận như mấy ông “hội đoàn”. Anh lắc đầu với đám đang tích cực phá mồi và khều tay tôi nói nhỏ: - Thôi, kệ người ta. Mỗi người mỗi vẻ mà. Rồi anh giơ chai bia lên mời mọi người, mời hết, từ những vị phát ngôn vung vít cho tới cái tụi có bộ mặt như đưa đám ma đang lặng lẽ gắp đồ nhắm: - Dzô! Dzô! Trên đời có những chuyện kỳ khôi. Những người chưa bao giờ đụng trận thường là những người hăng tiết canh vịt nhất. Có lẽ đúng như câu ngạn ngữ: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Hay quan tài của người khác, của gia đình khác, nên không thèm, hay mắc mớ gì mà đổ lệ. Ngó qua ngó lại, bàn nhậu hình như rất giống thế giới ảo trên mạng internet. Một bên có những kỳ nữ VSOP và anh hùng la-de đấu đá với khô mực, lẩu dê; một bên có các chính trị gia salon, các chuyên gia chầu rìa góp ý, các học giả nửa mùa gõ bàn phím sùi bọt mép. Họ giống nhau ở chỗ là sau khi từ bàn nhậu ra về, sau khi tạm ngừng lướt mạng, tất cả đều… ngủ ngon. Lâng lâng chất men thì ngủ chắc chắn phải ngon, tuy nửa đêm bấm bụng thức dậy đi đái và khát nước. Hăng say hô hào đấu tranh, khản cổ vì hút thuốc, mỏi ngón tay vì mổ cò bàn phím, để khỏi bứt rứt, thì lương tâm có mọc ba hàm răng cũng không cắn, tuy rằng ở tuổi này đeo toàn răng giả. Bàn chuyện đời, chuyện chính trị, chuyện đất nước và chuyện thế giới, và đôi khi cả chuyện độc quyền thẩm định văn học trên bàn nhậu và bàn phím nhiều khi giống như liều thuốc cho một số người mang bệnh tâm thần. Ngó tới ngó lui, bàn nhậu và thế giới mạng cũng rất giống nhau ở chỗ có nhiều người nhậu mà không nói lung tung, lảm nhảm, nhiều người lướt mạng mà không phát biểu linh tinh, lang tang. Cái đám phá mồi lâu lâu mới dè dặt nói một câu thường bị thiên hạ gọi là đa số thầm lặng, có khi còn bị chửi cho tắt mặt. Nhưng cái tụi đa số thầm lặng này hình như chính là chỗ đáng để… nhậu và lên mạng. Ngó xuôi ngó ngược, thôi dzô một ngụm nữa rồi tiếp tục gõ bàn phím. Chán mớ đời.
|