Home Tin Tức Bình Luận Vẫn là cao thủ

Vẫn là cao thủ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa (Trangden)   
Thứ Ba, 25 Tháng 11 Năm 2008 14:22

Thật đáng ghét, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia ngoại hạng!

Tổng Thống George W. Bush vừa biểu diễn trước toàn cầu một màn ngoạn mục - mà ít ai để ý!

Không! Không phải việc nội các Iraq đã đồng ý với Mỹ về quy chế an ninh tại Iraq, gọi tắt với cái tên rất nhàn hạ, là SOFA.

“Có người rủ nhân loại đi thăm địa ngục - Mà không ai trả lời”...

Chuyện Iraq hết là đáng kể dù hôm 16, nội các xứ này đã biểu quyết với đa số áp đảo, 27 trên 40 người tham dự, lịch trình triệt thoái các đơn vị tác chiến Hoa Kỳ trong thời gian tới: rút khỏi các thành phố và thị trấn vào cuối Tháng Sáu năm 2009 và ra khỏi Iraq vào cuối năm 2011. Hội đồng an ninh quốc gia của Bush rất hài lòng với thỏa thuận ấy. Hoa Kỳ đang gói gọn hồ sơ Iraq và ra đi trong trật tự - không là trật tự hối hả 16 tháng của tổng thống tân cử Barack Obama!

Nhưng với dân Mỹ, thành tích ngoạn mục ấy chẳng còn ý nghĩa gì. Nghị Sĩ McCain đã vượt các đối thủ trong đảng Cộng Hòa nhờ chuyện Iraq, rồi bị Obama cho đo ván cũng vì dân Mỹ hết quan tâm đến Iraq. Như một bầy con nít được nuông chiều nên hay đổi ý, họ quan tâm đến mục khác. Ðó là chuyện áo cơm, chính đáng hơn nhiều!

Chính là trong chuyện áo cơm, kinh tế và khủng hoảng, ông Bush lại có một pha biểu diễn ngoạn mục. Mà dân Mỹ cũng cóc xem!

Vì truyền thông cứ rọi đèn vào bậc cứu tinh vừa tái thế: tổng thống tân cử, Barack Obama. Dư luận chú ý đến việc con ong chúa bị đốt là Nghị Sĩ Hillary Clinton có làm ngoại trưởng cho Obama không. Vì vậy không thấy Bush vừa tháo gỡ nhiều ngòi nổ cho Obama và Hillary. Cho cả người lẫy lừng vắng mặt là phó tổng thống tân cử Joe Biden, một nghị sĩ có vẻ am hiểu về ngoại giao và thiên hạ sự còn hơn Hillary!

Chuyện ấy, ta nên nhìn ra, vì liên quan đến vị trí Hoa Kỳ trên toàn cầu, trong những năm tới.

***

Ngày 18 tháng 10, ông Bush tiếp tổng thống Pháp và chủ tịch Ủy Hội Âu Châu tại Camp David.

Từ Canada về, với tư cách chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Âu Châu và lãnh đạo cơ chế hành pháp cao nhất của Âu Châu, hai ông Sarkozy và Barroso yêu cầu Hoa Kỳ triệu tập một thượng đỉnh quốc tế hầu giải quyết vụ khủng hoảng tài chánh đang hoành hành. Mục đích tiềm ẩn bên dưới là, nhân vụ khủng hoảng bùng nổ tại Mỹ, đẩy Hoa Kỳ xuống đúng vị trí. Nôm na là hạ bệ siêu cường số một, ngang ngược và đang lảo đảo rớt đài.

Chính đáng lắm, một đế quốc mắc nợ lại cứ hung hăng đòi thay đổi bộ mặt thế giới trong khi các đại gia tài chánh cứ theo nhau đổ giàn phá sản!

Vốn là con vịt què - vì sắp mãn nhiệm - lại bị cắt cánh vì đảng Cộng Hòa của ông cứ kên trì tuột dốc, Bush đồng ý với đề nghị ấy. Nhưng mở rộng thượng đỉnh cho nhiều quốc gia bên ngoài hai khối Âu-Mỹ. Ðó là thượng đỉnh của khối G-20 vừa kết thúc Thứ Bảy 15 lại Hoa Thịnh Ðốn.

Xin diễn giải thêm: khối G-20 gồm có nhóm G-7 là thất hùng kỹ nghệ của thế giới (Anh, Ðức, Pháp, Ý, Canada, Nhật Bản và Hoa Kỳ) cộng với Liên Hiệp Âu Châu gồm có 27 thành viên, và 12 nước “tân hưng”. Dịch “emerging countries/economies” là “đang lên”, “đang cất cánh”, “đang trỗi dậy”, “đang nổi”, hay “mới nổi” thì cứ như... nhổi men làm bánh, nên ta dùng chữ “tân hưng” cho gọn. Còn hơn là các nước “dậy thì”! Ðó là Australia, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Brazsil, Liên bang Nga, Mexico, Nam Hàn, Saudi Arabia, Argentina, Indonesia, Nam Phi và Turkey. (Trong số “tân hưng” này có vài nước “tân tòng”, mới theo kinh tế thị trường một cách miễn cưỡng, hoặc có chọn lọc, kiểu Nga và kiểu Tầu!)

Từ hai tháng rồi - 15 Tháng Chín - khủng hoảng tài chánh cứ lan rộng khỏi tâm điểm là Hoa Kỳ và xoáy sâu xuống sinh hoạt kinh tế toàn cầu. Từ giữa tháng 10, Âu Châu phát giác mình không bị lây vi trùng Mỹ mà trong cơ thể tài chánh và kinh tế đã có đủ độc tố nội hóa, như trái bóng gia cư bị xì, trái bóng tín dụng thứ cấp bị bể, nạn hồ hởi sảng tại Ðông Âu gây họa cho các ngân hàng Tây Âu và Bắc Âu. Rồi đầu máy kinh tế là Ðức bị suy trầm, cùng nạn suy trầm của toàn khối Euro là 15 xứ đã thống nhất tiền tệ từ 1999. Bên kia địa cầu, Nhật, Tầu, Nam Hàn và các nước Ðông Á cũng bị suy trầm kinh tế. Sản xuất toàn cầu bị đình đọng, và thế giới có thể bị suy thoái, bị depression.

Khởi đầu, Hoa Kỳ là thủ phạm chính, Bush là tội đồ của nhân loại. Thế rồi, nhiều quốc gia cũng tự biên tự diễn và tự trôi vào khủng hoảng. Cứ đổ lỗi cho Mỹ hoài thì khó nói! Và khó chữa...

Dù sao mặc lòng. Thiên hạ vẫn nhân khi nước Mỹ có loạn sửa soạn chôn cất chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ, và cùng với truyền thông vốn tối dạ về kinh tế, họ dồn mọi vấn đề vào trương mục lời lỗ của Bush 43. Với hy vọng sẽ đạp lên đầu Obama mà xây dựng một trật tự khác cho thế giới.

Ðấy là lúc cao bồi Texas George W. Bush tái xuất hiện.

Trước khi lãnh đạo các nước tới dự Thượng Ðỉnh G-20, ông ra trước ngôi đền của tư bản Mỹ đọc bài diễn văn quyết liệt bảo vệ kinh tế thị trường, tự do ngoại thương. Và đề nghị một sự can thiệp tinh vi có chọn lọc của chính quyền, thay vì giải pháp mà Âu Châu đề xướng. Giải pháp ấy là chính quyền phải anh minh quản lý thị trường, và cho chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ đi vào dĩ vãng. Bài diễn văn hôm 13 của Bush khiến thị trường cổ phiếu vàng vọt từ khi Obama thắng cử đã tăng vọt bất ngờ vào buổi chiều chạng vạng.

Thực ra, đấy là tuyên ngôn Hoa Kỳ về ưu thế của kinh tế thị trường, tuyên đọc giữa cơn khủng hoảng của thị trường toàn cầu. Bướng như Bush!

Chưa hết, tối hôm sau, Thứ Sáu 14, khi các tổng trưởng tài chánh còn họp riêng - và lặng lẽ bẻ tay nhau để soạn trước bản thông cáo chung của thượng đỉnh - Bush mở tiệc khoản đãi lãnh tụ của hai chục quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Trước cử tọa sang cả ấy, ông nâng ly đề nghị năm mục tiêu cho nghị trình thảo luận. Ông đề ra luật chơi khi các nước sẽ chính thức bước vào hội nghị cứu nguy kinh tế, ngày hôm sau.

Năm mục tiêu đó là: tìm hiểu về nguyên do khủng hoảng; rà soát lại xem sức công hiệu của các biện pháp cấp cứu đã ban hành; thống nhất ý kiến về nguyên tắc chỉ đạo cho việc cải cách cơ chế tài chánh và luật lệ; thiết lập một chương trình hành động để thực hiện các nguyên tắc trên; và tái khẳng định quyết tâm phát huy tự do thị trường như con đường dẫn tới thịnh vượng trong lâu dài.

Nghĩa là nói gì thì nói, vẫn không thể chôn cất kinh tế thị trường! Và khi đấm ngực tự thú về những sai lầm đã dẫn tới khủng hoảng, Mỹ không đứng một mình. Việc xóa bỏ trật tự cũ do Hoa Kỳ thiết lập từ sau Thế chiến II (hệ thống Bretton Woods) để xây dựng lại một kiến trúc mới cho thế giới như Anh hay Pháp yêu cầu thì xin... hạ hồi phân giải!

Kết cuộc? Biện pháp cụ thể là cứu nguy kinh tế thì có sẵn rồi, trong tinh thần triệt để bảo vệ tư bản chủ nghĩa. Việc lâu dài là xóa bài là lại thì sẽ hậu xét, sau ngày báo cáo kết quả là 31 Tháng Ba, và tại thượng đỉnh tới của nhóm G-20, ngày 30 Tháng Tư năm tới!

Cụ thể thì thượng đỉnh thống nhất ý kiến về ưu tiên là tăng trưởng kinh tế - kéo cỗ xe kinh tế toàn cầu ra khỏi hố - bằng những biện pháp đã và sẽ còn áp dụng như hạ lãi suất và giảm thuế để kích cầu. Ðiều này khiến thủ tướng Anh hoan hỉ vỗ tay vì đang có trong túi nhiều dự tính như vậy. Nhưng vẫn phải tăng trưởng trong tinh thần phát huy quy luật thị trường và tự do mậu dịch, chứ không kiểm soát thị trường và bảo hộ mậu dịch, như vài xứ Âu Châu muốn đề cao!

Ðiều này, thủ tướng Anh cũng nhất trí: trước khi vào hội nghị, Gordon Brown đả kích trước Council of Foreign Relations việc đảng Dân Chủ trong quốc hội Mỹ muốn tung tiền cấp cứu ba đại gia xe hơi của Mỹ: đấy là cạnh tranh bất chính, là bảo hộ mậu dịch!

Thượng đỉnh cũng đồng ý phải tăng cường và củng cố vai trò của các nước tân hưng. Các xứ như Ấn Ðộ, Brazil và Trung Quốc hay Nam Phi đều hài lòng! Họ còn hài lòng hơn khi thượng đỉnh khai thông vòng đàm phán Doha của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, với kỳ hạn là vào năm nay. Còn lại, phải kiện toàn cơ chế và luật lệ cho hệ thống tài chánh và ngân hàng cho minh bạch và có trách nhiệm hơn, như thủ tướng Ðức đã yêu cầu...

Còn chuyện xây dựng lại một kiến trúc tài chánh mới cho thế giới, một Bretton Woods II?

Còn lâu!

Ðang khi phải ưu tiên kéo cỗ xe kinh tế ra khỏi hố suy trầm, ai muốn tháo banh cỗ xe này để ráp ra cỗ xe mới? Chuyện lớn lao như vậy, ta cho các ủy ban liên bộ, liên tịch sẽ liên miên nghiên cứu thêm! Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF được gia tăng quyền hạn để tự khai tử và hóa thân thành cơ chế khác. Một ấn bản mới của truyện dài cải cách các định chế quốc tế, vốn bị lão hóa từ lâu.

Ðâm ra, thượng đỉnh hôm 18 mới chỉ là màn giao bóng... ra biên. Lần tới, 30 Tháng Tư 2009 mới là đấu thật. Trách nhiệm ấy, tân Tổng Thống Obama sẽ đảm đương, sau khi lãnh đạo được 100 ngày!

***

Nếu theo dõi câu chuyện rắc rối, ta thấy con vịt què George Bush vừa tránh được một quả pháo nhắm vào nước Mỹ: hóa giải những áp lực đòi Hoa Kỳ phải thay đổi hoặc vung đao tự biến thành quan thái giám. Ông mở đường cho Barack Obama có thế mạnh hơn khi đàm phán với Âu Châu về một trật tự mới của thế giới. Trong trật tự đó, Hoa Kỳ không đơn độc đối phó với Âu Châu mà còn có hậu thuẫn của nhiều quốc gia khác.

Ngẫu nhiên sao, Thủ Tướng Nhật Taro Aso phát biểu: chưa thể nào thay thế đồng Mỹ kim được!

Tuần tới, thế giới còn thấy ra cái sự đời đáng ghét đó khi Bush dự thượng đỉnh của diễn đàn hợp tác kinh tế Á Châu Thái Bình Dương APEC, lần này được tổ chức tại Lima của xứ Peru. Trên diễn đàn gồm có 21 quốc gia, Âu Châu thủ vai bàng thính, và Bush sẽ nhắc nhở thế giới tư thế đại cường Á châu của Hoa Kỳ!

Ðến bao giờ thì Obama sẽ nhìn ra hướng Châu Á đó? Chắc là chậm vì ông sắp được Liên Hiệp Âu Châu đề nghị hàng loạt chương trình cải cách trong quan hệ Âu-Mỹ. Không bịt được Bush, họ đành dụ ngon cậu bé quàng khăn đỏ!

Thật ra, việc Obama được bầu làm tổng thống cho thấy một điều đã làm thế giới khó chịu: Hoa Kỳ quả là quốc gia ngoại hạng... “American exceptionalism”! Nước Mỹ vẫn chả giống ai. Tuần qua, một con vịt què mà còn chứng minh được điều ấy! Chao ôi là dễ ghét!