Home Tin Tức Bình Luận Làm Sao Chống Tham Nhũng ?

Làm Sao Chống Tham Nhũng ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Hai, 29 Tháng 9 Năm 2008 13:02

NGO

Muốn thoát được thế chậm tiến và cục bộ, muốn thoát được cặp mắt của quốc tế nhìn vào bằng sự thương hại, và Việt Nam thực sự được phát triển lên mạnh mẽ, người Việt Nam nên suy nghĩ và  nhận thức đúng đắn về cuộc diện mới trong đầu thế kỷ 21 này. Không ai thương chúng ta bằng chính chúng ta. Nhưng cũng không ai thù ghét chúng ta bằng chính chúng ta. Giữa thương yêu và thù hận là trạng thái bình thường của con người. Người Việt Nam hãy dồn hết những bình thường của con người vào những gì cao cả hơn, đó là dân tộc và tổ quốc Việt Nam.

Đúng vậy. Chỉ có dân tộc và tổ quốc Việt Nam là trên hết, là con đường tiến tới về phía trước, và dựng xây tình thương bao dung rộng mở hơn. Có được tình thương bao dung giữa người Việt Nam và người Việt Nam, mới có thể phát triển được toàn bộ, và người dân có thể đóng góp tất cả công sức mình cho dân tộc và tổ quốc. 
  

Công việc quan trọng trong hiện tại là nhà nước Việt Nam đang vận động cổ vũ cho những người Việt ở hải ngoại trở về đóng góp và xây dựng cho sự phát triển của đất nước. Đóng góp cho sự phát triển và phú cường của dân tộc và tổ quốc Việt Nam là bổn phận và trách nhiệm của mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, cộng sản và không cộng sản. Ai cũng biết số lượng thành đạt của người Việt Nam ở hải ngoại, gọi là “thành phần chất xám” càng ngày càng tăng đến khoảng 400.000-500.000 người. Đó là số lượng rất lớn nhân tài, những người hữu dụng cho nền tảng xã hội, công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp,… đặc biệt là những nước nghèo và đang phát triển như Việt Nam.  

Nhưng có thể nói là chưa có yếu tố chính yếu, động lực tối cần thiết để thu hút nhân tài. Số người ở hải ngoại về nước làm việc chỉ nhỏ giọt. Đó là không kể những người Việt Nam làm cho những công ty ngoại quốc được có mặt ở Việt Nam. Và những người về Việt Nam có tính cách thăm lại thân nhân, quê hương, du lịch, … thì nhiều. Nhưng họ đều có chung nhận xét, chế độ cộng sản hiện tại chưa thể nào phát triển một cách trọn vẹn được.

Tham nhũng là quốc nạn, làm sao triệt tận gốc?

Đến ngày hôm nay ai cũng biết tham nhũng ở Việt Nam là quốc nạn !!! Tham nhũng đã đục phá, xói mòn những gì xây dựng được mang lại lợi ích tốt đẹp cho đất nước. Tham nhũng đã tạo nên những đường dây từ trên xuống dưới, từ dưới xuống trên, và chằng chịt thêm các tệ nạn khác. Và những tệ nạn này đã và đang gây ra biết bao cảnh trái luân thường, bất công, không còn gì là đạo lý… Nhưng tại sao không thể diệt được?

Ts. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, đã viết trên VietNamNet ngày 13-6-2005: “Các giải pháp của chúng ta rất nhiều, nhưng nếu chúng ta không có đủ thời gian, không có đủ nguồn tài chính, không có đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật để triển khai, thì đề ra nhiều giải pháp chưa chắc đã có ích gì. Vậy phải xác định, đâu là giải pháp chính? Đâu là mắt xích trung tâm? Phải gỡ được mắt xích trung tâm thì mới hy vọng xử lý được các mắt xích khác.

Tham nhũng là vấn đề rất khó, cả thế giới cũng chưa nước nào dám tuyên bố là họ đã chống được. Nếu ta bảo sẽ chống được ngay và triệt để là vấn đề không tưởng.” (1)

Ts. Phạm Duy Nghĩa, Phó giáo sư, chủ nhiệm bộ môn luật kinh tế, khoa luật, đại học Hà Nội, đã trả lời ngày 18-6-2005: “Tham nhũng thường bắt đầu từ cái gốc là quyền lực. Một người có thể tham nhũng vì anh ta có quyền. Vì vậy, chống tham nhũng là phải tạo được một cơ chế khống chế quyền lực. Bất cứ cơ quan nào, dù là đảng hay chính quyền, cũng phải có một cơ quan khác giám sát, ví dụ như chính phủ có quyền tiêu tiền, nhưng quốc hội có quyền đàn hạch.

Và khi có mâu thuẫn thì tòa án sẽ xử. Ở Việt Nam cơ chế này đã thành hình nhưng chưa rõ. Lấy ví dụ tòa án ở ta chưa có quyền phán xét quốc hội. Một tổ chức chỉ nên có quyền lực tuyệt đối trong phạm vi được phân công và bị một cơ quan khác giám sát. Có thể, những công chức cấp cao mới không muốn, không dám và không thể tham nhũng. Nếu thiếu sự giám sát thì một người tốt nhất cũng có thể tha hóa..!”; “…Việt Nam chưa quen có một cơ quan độc lập trong hệ thống hành pháp. Nhiều nước cũng đặt cơ quan chống tham nhũng thuộc chính phủ, nhưng các đảng phái sẽ giám sát nhau. Ở Việt Nam nếu tham nhũng liên quan đến một ông phó thủ tướng, hoặc con ông thủ tướng thì ủy ban chống tham nhũng vốn chịu sự bổ nhiệm của chính phủ sẽ rất khó làm được việc” (2)

Đó chỉ là dẫn chứng một số nhận định, phê bình về tình trạng tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam. Còn rất nhiều, từ trước đến nay có thể chất thành đống về hồ sơ tham nhũng, nhất là đã có xem qua những bài vỡ của các điện báo trong nước. Có lẽ đảng và nhà nước Việt Nam đã thử áp dụng các biện pháp để bài trừ, nhưng vô hiệu. Vô hiệu, vì những tay tham nhũng gộc đang ẩn núp dưới tàng cây dù lớn, và bóng mát đã chằng chịt khắp nơi, khắp mọi ngành… mà không thể nào triệt được tận gốc.

Muốn triệt được tham nhũng, và đem lại tinh thần với nguồn sống Việt Nam đầy sinh khí mới, chúng tôi gồm những người có khả năng, trí thức, có chc vụ cao và chuyên môn, nhiều kinh nghiệm và nhiệt huyết, đã có nghiên cứu và tham khảo về các tình trạng ở Việt Nam. Chúng tôi rất tự tin, có thể làm được việc đó, khi được bổ túc thêm những ý kiến từ phía người Việt Nam và chính quyền ở trong nước. 

Diệt tham nhũng không phải là việc dễ dàng, chúng tôi rất đồng ý với Ts. Nguyễn Sĩ Dũng và Ts. Phạm Duy Nghĩa. Đâu là giải pháp chính? Đâu là mắt xích trung tâm? Đâu là  biện pháp giám sát được quyền lực? ... Con đường triệt hạ tham nhũng sẽ phải kéo dài từ tháng này qua năm khác, và có thể triệt hạ được một phần lớn, chứ không thể triệt được hết. Vì nếu chính quyền không đủ mạnh, thì tham nhũng sẽ bộc phát sống trở lại, và như cũ. Do đó đòi hỏi chính quyền của người Việt Nam nên sáng suốt với ý chí và cùng quyết tâm hỗ trợ cho việc làm này. Chúng tôi có thể thi hành và thực hiện được, vì:

·         Đây là việc làm cho dân tộc và tổ quốc Việt Nam. Khi công tác hoàn thành, chúng tôi nhất quyết thối lui, không giữ một chức vụ nào trong chính quyền.

·         Khi muốn diệt tham nhũng, yêu cầu chính quyền cho người thi hành và thực hiện được sử dụng quyền hạn lớn hơn mới có thể áp dụng các biện pháp một cách hữu hiệu và thích nghi.

·         Chính quyền nên hỗ trợ nhiệt thành và cung cấp các phương tiện, như xác định, nghị quyết, … khi cần thiết.   

·         Phải cho truyền thông, báo chí và toàn thể nhân dân cùng giúp đỡ khi công tác được triển khai. Họ là cánh tay nối dài trước và sau các nguồn tin, sự kiện ...

·         V.v…. 

Đây là những ưu tư của hầu hết những người Việt Nam có tâm huyết muốn cho đất nước được phát triển và tiến lên cùng với thế giới trong thế kỷ 21. Thời gian 30 năm qua đã vằng vặt những người Việt Nam ở hải ngoại, vật chất không thiếu, nhưng tinh thần lại thiếu. Có tiếp xúc và làm việc với những người ngoại quốc, các tổ chức và cơ quan quốc tế, mới thấy được trong ánh mắt của họ: nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hu, tham nhũng, độc quyền, không có dân chủ, v.v… Như vậy nếu muốn đất nước Việt Nam thật sự phát triển, thì trước hết chính quyền nên biết được điều đó, và phải tận diệt cho được tham nhũng.  

Muốn triệt tham nhũng, phải có đối lập và triệt để dân chủ.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh viết trong bài ‘Vấn đề cơ chế quản trị xã hội và nhà nước’: “Nhược điểm lớn nhất của thể chế chính trị của chúng ta là gì ? Là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề. Trong đảng có dân chủ chưa ? Tôi từ năm 71 đến nay là theo các cụ, đầu tiên là theo cụ Phạm Văn Đồng, cụ Nguyễn Duy Trinh, theo cụ Đỗ Mười, rồi theo cụ Nguyễn Văn Linh, sau đó về làm anh nghiên cứu cải cách, thực chất tôi thấy chưa có dân chủ. Bây giờ nói rất thật là việc phê bình, tự phê bình trong Bộ Chính trị. Nói thẳng, nói thật thì sợ mất lòng nhau…”; “… rồi đảng cũng tiến tới chấp nhận có những ý kiến khác nhau, đảng phải chấp nhận sự thảo luận, sự tranh luận. Hồi tôi làm cho anh Linh, vì nhiều lý do, rất tiếc lúc bấy giờ đã có hai quyết định là cho Đảng Dân Chủ, Đảng Xã Hội tự giải thể…” (3)

Chữ ‘rất tiếc’ mà Ts. Lê Đăng Doanh sử dụng ở đây, hàm chứa một nội dung vô cùng chính xác với tình thế hiện tại, vì ông là người biết đảng cộng sản rất rõ. Khi có quyết định để đi đến tự giải thể hai đảng dân chủ và đảng xã hội, là đã rơi vào thế không còn đối lập nữa, và đảng cộng sản trở thành độc quyền kể từ đó. Theo Ts. Lê Đăng Doanh: “…Tốt nhất là nên có một lộ trình, xây dựng được một lộ trình để mà định ra hướng đổi mới, định ra hướng kiện toàn, cải cách thể chế chính trị và đi vào thực chất. Có những bước đi cụ thể và hành động từng bước một” (4).

Pgs. Trần Đình viết trong tạp chí Xây Dựng Đảng: “…Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam cũng xác định: Đảng hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo nhà nước, nhà nước làm hiến pháp và pháp luật nhưng đảng và nhà nước lại phải tự đặt mình dưới hiến pháp và pháp luật. Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam đã ghi: Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành hiến pháp và pháp luật….” (5)

Trong khi đó ông Robert Broadfoot, Giám đốc điều hành Tổ chức Tư vấn về Rủi ro chính trị và Kinh tế (PERC), cho đài BBC biết: “Khi nói tới Việt Nam thì chúng ta phải chú ý tới một điều là, trong hệ thống cộng sản chủ nghĩa, đảng cộng sản được coi là đứng trên pháp luật. Điều này dẫn tới những mâu thuẫn trong lĩnh vực luật pháp.” (6).

Trong tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp), hiến pháp và luật pháp là quyền rất quan trọng mà mọi công dân bắt buộc phải tôn trọng. Đó là quyền hành xử của xã hội dân chủ, của tổ quốc Việt Nam, chứ không phải của riêng đảng cộng sản. Bất cứ một người nào khi phạm tội, dù những người có chức vị cao nhất nước, cũng bị cán cân công lý xử phạt. Do đó trong hệ thống cộng sản, đảng cộng sản lại tự coi như có quyền trên hiến pháp và luật pháp, là điều mà người Việt Nam không cộng sản không thể chấp nhận được. Vì, điều lệ đảng cộng sản nói thế này, trong khi các đảng viên làm thế khác. Nhất là ngày nay Việt Nam đang sửa soạn bước vào cộng đồng thế giới, thì chắc chắn những việc mâu thuẫn, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, là điều xảy ra thường xuyên.

Như vậy, phải có một lộ trình định ra hướng tiến tới, hiến pháp và luật pháp phải cho minh bạch. Đó là một thể chế chính trị thuần túy đặt lợi ích của dân tộc và tổ quốc Việt Nam lên trên hết, và phù hợp với các nước trên thế giới.

Trong chiều hướng đó có một đảng phái đối lập thực sự là điều vô cùng cần thiết. Đối lập là để nói lên nguyện vọng đòi hỏi, yêu cầu của toàn dân trước các vấn nạn của đất nước Việt Nam. Một chính quyền dù tốt đẹp đến mấy đi nữa, lúc nào cũng có bề trái của nó. Bề trái đó đẹp hay xấu, có nói lên được trước công chúng hay không? có làm cho chính quyền đương nhiệm lưu ý tới và có sửa đổi những điều cần thiết hay không ? có đóng góp được gì cho sự tiến triển của đất nước hay không? v.v… Có cho đối lập trong quốc hội, hoặc hội họp, hoặc từ tỉnh đến địa phương… được tự do phát biểu những ý kiến, những nguyện vọng đòi hỏi,… thì đó là việc làm vô cùng đứng đắn, và trong chiều hướng đi lên của đất nước.

Khi có đối lập, là phải có “sự khác biệt” trong chính quyền hiện hữu: dám đối thoại và hành động thực tiễn. Để nhà nước độc quyền, là nhà nước rơi vào thế ỷ lại, độc tài, xem thường dư luận, coi như không còn ai nữa, và nhất là không thể tiến bộ được. Vì không ai dám nói, phê bình những hành động của chính quyền. Vậy đối lập là tiếng nói đích thực nguyện vọng của nhân dân và làm cho chính quyền lớn mạnh hơn trước.  
  

Khi đối lập có tiếng nói chính thức, và qua đối thoại hoặc hành động chỉ trích, công kích những việc làm sai trái của chính quyền. Nếu chính quyền vẫn tiếp tục như vậy, thì hội đồng sẽ cho đình chỉ, bất tín nhiệm hoặc bãi nhiệm chính quyền, và cho bầu cử lại. Chắc chắn chính quyền sẽ phải lo sợ và nghiêm chỉnh làm cho tốt hơn.   
 

Được như vậy, nguồn sống của đất nước Việt Nam sẽ hồi sinh, và chắc chắn nhanh chóng và mạnh mẽ phát triển. Hầu hết người Việt Nam trong và ngoài nước đều mong muốn và sẵn sàng phục vụ cho đất nước.   

Có điều kiện để tiến tới dân chủ, và trước tương lai tương đối khả quan của đất nước, cần phải có quyết tâm nỗ lực nhiều hơn. Sẽ mời gọi các nước trên thế giới, các cơ quan quốc tế, … đầu tư và hỗ trợ cho Việt Nam nhiều hơn nữa. Những cơ quan quốc tế của các nước trong Liên Hiệp Âu Châu, Bắc Mỹ, … bấy lâu nay họ cũng chờ đợi dịp này.

Từ trước đến nay các yêu sách của người Việt Nam ở hải ngoại đòi hỏi nhà nước làm thế này làm thế nọ thì nhiều, mà không đưa ra các giải pháp, hoặc kế hoạch nào làm lợi ích cho dân chúng và đất nước Việt Nam. Do đó lần này không những đưa ra các đề nghị cho nhà nước tham khảo, mà còn đưa ra biện pháp hoạch định tận diệt tham nhũng, và đổi mới thiết thực tình trạng hiện nay để từ đó tiến lên dân chủ. Dĩ nhiên sau biện pháp này, sẽ có biện pháp, kế hoạch khác. 
 
  

Nếu nhà nước Việt Nam nhận thấy đường lối yêu cầu này đứng đắn, tốt hơn hết là nhà nước nên cho ban hành ngay để triển khai công tác. Cần nhất là ra thông cáo, hoặc nghị quyết, để xác định hướng đi lên, và cho mọi người Việt Nam cùng biết là nhà nước Việt Nam hiện nay đang trọng dụng những người này, và tham nhũng là ưu tiên trước hết phải tận diệt. Đây là việc làm rất quan trọng, nói lên sự quyết tâm của nhà nước Việt Nam. Chắc chắn nhân dân sẽ hưởng ứng với nhà nước, và cùng thúc đẩy việc làm này. 

Quan trọng nhất ở lời nói đi đôi với việc làm. Đây là thái độ rõ ràng dứt khoát muốn tiến lên của đất nước. Và nhất là đối xử với nhân dân Việt Nam bằng tình thương bao dung rộng mở, chứ không phải bằng hăm dọa, lật lọng, quyền lực…

Chúng tôi nói được thì chắc chắn sẽ làm được.

 Ghi chú:

1.       Chống tham nhũng: Đừng quá ôm đồm..., VNN 13-6-2005.

2.       Phạm Duy Nghĩa, Muốn chống tham nhũng phải giám sát quyền lực, VNN 18-6-2005.

3.       Lê Đăng Doanh, Vấn đề cơ chế quản trị xã hội và nhà nước, Tài liệu 9-3-2005.

4.       Nt.

5.       Trần Đình, Phương thức đảng lãnh đạo nhà nước, Xây Dựng Đảng 6-2005.

6.       BBC, Việt Nam gần đội sổ về hệ thống luật pháp, 6-6-2005.