Cuộc chiến Việt Kiều: Kêu Gọi Việt Kiều về nước |
Tác Giả: Bai An Tran | |||
Thứ Ba, 30 Tháng 9 Năm 2008 03:13 | |||
Phạm Trần Tháng Bảy 2008 Hoa Thịnh Ðốn - Nghị quyết 36 “Công Tác Ðối Với Người Việt Nam Ở Nước Ngoài” đã đi vào cuộc sống của đảng Cộng Sản Việt Nam hơn 4 năm rồi mà nhà nước vẫn luống cuống không biết xử trí ra sao. Số trí thức Việt kiều về giúp nước vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và số vốn đầu tư của Việt kiều, nằm trong số tiền trên 5 tỷ Mỹ kim gửi về nước hàng năm, không đi vào các dự án kinh tế lớn mà lại tập trung phần lớn vào hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán tại Việt Nam. Tại hải ngoại, chủ trương của đảng CSVN “coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” bị các cộng đồng người Việt lạnh nhạt. Lá Cờ Vàng 3 Sọc Ðỏ, tượng trưng cho Lý tưởng Tự do và Dân chủ của các Chính phủ Quốc gia phi Cộng Sản mà Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 là đại diện sau cùng ở miền Nam Việt Nam vẫn che khuất lá cờ Ðỏ Sao Vàng, đại diện cho Ðảng CSVN và được đảng này dùng làm “Quốc kỳ” cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các cuộc thăm viếng nước ngoài, đặc biệt tại Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi, của các Lãnh đạo Hà Nội luôn luôn bị người Việt chống đối, bị rượt đuổi, bị bêu xấu. Các cuộc gặp nói chuyện với “Việt kiều” của nhóm Lãnh đạo Hà Nội trong các chuyến đi này không quy tụ được nhiều người và chỉ diễn ra ở những nơi giấu kín. Trong dư luận Quốc tế, Cộng đồng Châu Âu, một số Dân biểu-Nghị sỹ Mỹ và các tổ chức Ký giả Không biên giới, Nhân quyền, Tôn giáo, Lao động Mỹ vẫn không ngừng lên án Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ, đòi tự do, và hạn chế các quyền tự do Tôn giáo và Tự do ngôn luận. Ngay tại Mỹ, chính quyền Cộng Hòa của Tổng Thống George Bush, dù đã bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đáng quan tâm để cho Việt Nam đủ điều kiện gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization, WTO), vẫn chưa coi Việt Nam đã hội đủ điều kiện để được hưởng các quyền lợi kinh tế của Mỹ dành cho các nước có nền kinh tế Thị trường. Nguyễn Tấn Dũng, trong chuyến thăm Mỹ hồi Tháng Sáu vẫn chưa thuyết phục được Tổng Thống Bush mau chóng nhìn nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường để Quốc Hội Mỹ bỏ phiếu đồng ý cho Việt Nam được hưởng quy chế Ưu Ðãi Thuế Quan Phổ Cập (U.S. Generalized System of Preferences - GSP - Program). Chương trình ưu đãi quan trọng này của Hoa Kỳ được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng trong Quốc Hội cho phép từ năm 1974 và cho đến nay đã dành ưu tiên cho khoảng 5,000 loại hàng hóa nhập vào nước Mỹ không phải đóng thuế nhằm mở rộng sự lựa chọn cho Kỹ nghệ và khách hàng Hoa Kỳ, đồng thời tạo cơ hội mở mang kinh tế cho các nước kém mở mang như Việt Nam. Tại sao như thế ? Bởi vì, Việt Nam vẫn chưa biết làm kinh tế theo các tiêu chuẩn của nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa dựa trên nền tảng công bằng, trong sáng, ngay thẳng và có luật pháp bảo vệ. Ðảng CSVN tự đề cao Việt Nam có Nhà nước pháp quyền, nhưng lại là một trong số các nước có mức độ vi phạm luật do mình làm ra, và hay thay đổi Luật tùy theo nhu cầu của mình cao nhất trong khu vực Ðông Nam Á. Việt kiều hay kiều hối Về mặt Việt kiều, ta hãy nghe một số tiếng nói của những người trong cuộc: “Ông Ðặng Lương Mô - Việt kiều ở Nhật cho rằng, chính các thủ tục quá phiền hà là điều khiến các kiều bào ngại ngần. Tuy nhà nước đã có chính sách cho Việt kiều thuộc nhóm đối tượng là nhà văn hóa, nhà khoa học, người đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp cho đất nước... được mua nhà tại quê hương cách nay hơn sáu năm nhưng việc triển khai chậm và chưa sâu rộng đến từng sở ngành, địa phương. Mua được một cái nhà mất thời gian hơn 4 năm như trường hợp ông Ðặng Lương Mô vẫn còn được xem là ‘nhanh’. Nhu cầu mua nhà của Việt kiều đa số tập trung ở Sài Gòn nhưng đến nay chỉ có khoảng 100 trường hợp Việt kiều được giải quyết mua nhà trên địa bàn thành phố.” (Báo Người Viễn Xứ, 01 Tháng Giêng 2008) Theo báo cáo chính thức của Bộ Xây Dựng, sau chừng đó năm, mới có 130 Việt kiều được mua nhà, phần lớn tập trung ở Sài Gòn. Nhưng muốn được mua nhà, Báo Hà Nội Mới (18 Tháng Giêng 2008) viết: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam thuộc 4 nhóm chính là nhà đầu tư, nhà khoa học, người có công, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam. Những người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc 4 nhóm đối tượng trên nhưng đã về Việt Nam cư trú với thời hạn từ 6 tháng trở lên cũng được sở hữu một nhà ở. Hiện nay, nhiều bà con Việt kiều phản ảnh là gặp khó khăn trong việc mua và sở hữu nhà ở do Nghị định số 90/2006/NÐ-CP không quy định cụ thể các đối tượng nào được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.” Ông Phan Thám - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Sài Gòn: “Chính sách về thu hút chuyên gia trí thức Việt kiều đóng góp xây dựng đất nước, chính sách nhà đất chậm xây dựng và triển khai thực hiện làm nản lòng nhiều kiều bào ở nước ngoài. Thông tin hai chiều giữa kiều bào và trong nước chưa tốt, chưa kịp thời, chuyên gia trí thức Việt kiều chuyên môn cao rất nhiều nhưng trường hợp nào phù hợp với nhu cầu trong nước, cần lực lượng chuyên gia tham gia công việc gì, ở đâu, vẫn không rõ. Một số trường hợp trí thức Việt kiều đã về nước song việc bố trí sử dụng không phù hợp với khả năng, sở trường, một số nơi lại có cách nhìn thái độ đối xử chưa tốt, điều kiện môi trường làm việc chưa thuận lợi. Chính vì vậy sự đóng góp của kiều bào nhất là lực lượng trí thức chuyên gia chưa tương xứng với tiềm năng vốn có với kỳ vọng của đất nước và với mong muốn của chính những người ở xa muốn về đóng góp với quê hương.” (Báo Người Viễn Xứ, 01 Tháng Giêng 2008) GS. Trần Văn Ðoàn - Giáo Sư Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan, Chủ tịch Hội Triết Học Châu Á, hiện là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới. Ông nói với Báo Ðại Ðoàn Kết ngày 25 Tháng Bảy 2008: “Tôi cho rằng có rất nhiều lý do khiến cho việc thu hút Việt kiều về nước chưa đạt hiệu quả như mong muốn cũng như chưa tương xứng với tiềm lực của Việt kiều. Về tâm lý, Nhà nước chưa hoàn toàn tin tưởng vào Việt kiều và Việt kiều cũng còn dè dặt trước thái độ của Nhà nước. Theo quan sát của riêng cá nhân tôi, văn hóa Việt chưa thực sự trọng dụng trí thức. Trong quá khứ ta có kẻ sĩ, nhưng thực ra kẻ sĩ hồi xưa chỉ là tầng lớp công chức. Không thi đậu làm công chức, hay thôi làm công chức thì đi dạy học (các thầy đồ). Thành thử mà nói, ngay cả trong nước, chúng ta cũng chưa có lối nhìn mới về trí thức. Ðây là sự khác biệt tại sao trí thức Việt kiều (được huấn luyện ở Tây phương) vốn tự do hơn, dám phê bình hơn, hay làm theo ý thích của mình hơn, khó mà về làm việc ở Việt Nam.” Giáo Sư Ðoàn nói tiếp: “Nhà nước vẫn chưa có một chính sách minh bạch và xác định đối với đội ngũ Việt kiều. Hầu hết các chính sách vẫn thường ‘bị’ thay đổi và thậm chí chưa hẳn được thực thi, nhất là ở các địa phương. Bên cạnh đó, về cơ hội, bộ máy tổ chức, thích nghi, nước nhà vẫn chưa đủ cơ hội, cũng như điều kiện để làm hay nghiên cứu khoa học tiên tiến, như lĩnh vực công nghệ khoa học, sinh học tân tiến. Về môi trường, Việt kiều nói chung và trí thức nói riêng có thể về thăm Việt Nam hay làm việc ngắn hạn, nhưng chọn lựa ở lại hay không còn tùy thuộc vào môi trường sống. Hiện Việt Nam còn thiếu nhiều cơ sở hạ tầng khó có thể thu hút giới trẻ quen cuộc sống Âu Mỹ.” Báo Hà Nội Mới viết trong số ra ngày ngày 4 Tháng Bảy 2008: “Sau khi nước ta đổi mới công tác vận động người Việt ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị (năm 2004), sự quan tâm của kiều bào đối với Tổ quốc có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh đóng góp chất xám thì còn khá khiêm tốn, mỗi năm chỉ có khoảng 200 người về nước giảng dạy hoặc tham gia nghiên cứu khoa học. Năm 2007, kiều hối “chảy” về nước nhà đã lên tới 10 tỉ USD nhưng số Trí Thức Khoa Học (TTKH) trở về lại chưa được như mong muốn. Tại sao vậy? Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 400,000 chuyên gia, trí thức người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, trong đó tại Mỹ là khoảng 15 vạn, Pháp 4 vạn, Ca-na-đa khoảng 2 vạn. Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, dự án công nghệ cao, hàng không vũ trụ... đều có mặt chuyên gia người Việt. Nếu phát huy tốt, lực lượng này sẽ có những đóng góp tích cực cho xây dựng đất nước. Tuy nhiên, đóng góp của trí thức kiều bào với đất nước còn hạn chế so với khả năng và yêu cầu. Hầu hết họ về nước làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, số ít làm quản lý, hợp tác theo hình thức ngắn ngày, tự túc, kết hợp thăm thân nhân với việc giảng dạy, hội thảo và quan hệ chủ yếu là với các trường ÐH, viện nghiên cứu. Số ít về nước theo lời mời trong các chương trình hợp tác song phương. Có rất ít chuyên gia Việt kiều đầu ngành về nước và hầu như không có trường hợp nào được ghi nhận là đã thực sự làm chuyển biến rõ rệt hoặc tạo dấu ấn trong một ngành, một cơ quan nghiên cứu. Một số TTKH Việt kiều đã nói rằng, thi thoảng họ chỉ về nước ít hôm, còn không thể về nước làm việc được do thiếu trầm trọng cơ sở vật chất, môi trường khoa học cũng như nhiều điều kiện thiết thân liên quan đến sinh hoạt gia đình. Ðiều này thì bản thân các TTKH trong nước đồng cảm hơn bao giờ hết.” Báo Hà Nội Mới viết tiếp: “Tại một hội thảo gần đây, TSKH Trần Hà Anh, CLB Khoa học kĩ thuật người Việt Nam ở nước ngoài đã nêu ra 6 nguyên nhân làm hạn chế sự đóng góp chất xám của chuyên gia, trí thức kiều bào hiện nay. Vấn đề đầu tiên được ông đề cập là tồn tại trong việc giải quyết hòa giải, hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc. TSKH Trần Hà Anh cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất để thực hiện hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc là chất lượng ứng xử của cán bộ các cơ quan chính quyền, nhất là cán bộ phụ trách. Ngoài ra cần phát huy chế độ dân chủ và cổ súy cho một nền văn hóa dân chủ, theo đó mọi người biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác và có thái độ ôn hòa, mềm mỏng đối với những ý kiến ‘trái chiều’ với mình...” Một bài báo khác của Tác giả Vũ Giản, Việt kiều Thụy sỹ, đăng ngày 22 Tháng Năm 2008 có những đoạn giải thích tại sao Hà Nội chưa biết trọng nhân tài như: “Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban tư tưởng, Văn hóa trung ương, nguyên trợ lý Tổng Bí Thư đã phát biểu: Nhân tài ngoài Ðảng, phải đốt đuốc mà tìm, trân trọng mà mời, chứ đừng hy vọng hô hào là họ sẽ tự ra đâu. Họ có nhân cách, và có nhiều việc để làm... Ðọc ‘Chiếu cầu hiền’ của các bậc Minh quân thì thấy các vị Vua thời xưa rất nhún nhường, khiêm tốn khi tiếp xúc với người tài” (GS. Nguyễn đăng Hưng đã ghi trong bài viết về “Việc sử dụng nhân tài hiện nay ở VN”....) “Trước tiên, xin trích ý kiến của GS Ðặng Quốc Kỳ (VK Pháp) phát biểu ở một cuộc hội thảo trí thức VK tại Hà Nội: “Trong thời gian khá lâu, việc sử dụng chuyên gia VK chỉ giới hạn trong hoạt động riêng lẻ, như tham gia, chủ trì séminaires chuyên đề, có tính chất cá nhân hơn là chuyển giao kiến thức có quy mô lâu dài. Các đồng nghiệp trong nước có xu hướng chỉ chờ đợi chúng tôi tìm học bổng cho SV để đi du học, hoặc tác động các cơ quan nước ngoài mời anh em tham gia nghiên cứu, giảng dạy, hoặc chủ động lo liệu việc thiết kế đề án, làm hồ sơ xin tài trợ. Nếu chỉ chú trọng đến khía cạnh này, thì thực là lãng phí trí tuệ”. Ðúng như GS Nguyễn Ðăng Hưng đã viết “Tôi cho là lãng phí nguyên khí quốc gia là phương hại đến Tương lai của cả dân tộc...” “... Hiện nay tình trạng này vẫn ít thay đổi, cũng như tư duy ‘sính ngoại’ mà Trần Trung đã viết trong bài ‘Thu hút chất xám VK, cần đổi mới tư duy’ đăng trên mạng VietNamNet, 19 Tháng Tám 2005: ‘Một số vẫn có tư tưởng sính ngoại, chuyên gia da trắng tốt hơn chuyên gia gốc VN, nên mới không nhận VK có tâm huyết để nhận chuyên gia nước ngoài. Họ không biết rằng các chuyên gia da trắng nhiều khi lại chính là học trò của các VK tại trường ÐH nước ngoài’, hay Phạm Nguyện cũng đã ‘rất bức xúc khi thấy một thực trạng hiện nay là những VK gửi kiều hối, hay mang vốn về đầu tư.... thì được hoan nghênh, biểu dương rầm rộ, còn những VK có tâm huyết, đem trí tuệ của mình đóng góp cho Tổ quốc, lại không mấy được quan tâm.’” Giáo dục hay ngu dân? Trong lĩnh vực giáo dục, có lẽ chưa có Nhà Trí thức Việt kiều nào đã đóng góp nhiều cho nền giáo dục Việt Nam bằng Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Ðăng Hưng. Trước khi về hưu năm 2007, Ông từng là Giáo sư Trưởng trường Ðại học Liège, Bỉ và từng là Chủ Nhiệm các chương trình Cao học Bỉ & Việt tại ÐH Bách khoa ở Sài Gòn. Sau hơn 12 năm tận tụy giúp đào tạo nhiều chuyên viên cấp cao về Khoa học cho Việt Nam, Giáo sư Hưng đã có những nhận xét buồn nản về nền giáo dục hiện nay của nhà nước Cộng sản như sau: “Tôi và phần đông các giáo sư ngoại quốc rất khổ tâm về trình độ ngoại ngữ, sự yếu kém về thực tập nhất là tư duy thực tiễn, thói quen ỷ lại, tính thụ động của học viên, và cuối cùng là sự giới hạn của kiến thức phổ thông của học viên... Ta đang trả giá cho những chọn lựa sai lầm trong các quốc sách về giáo dục và đào tạo bắt đầu đã trên ba thập kỷ qua! Tôi có cảm tưởng đã có những phản ứng ngược không ngờ được, mà nguyên do là các chương trình dạy nhồi nhét hiện nay tại Việt Nam.” “Năm nào tôi cũng tổ chức phỏng vấn trực tiếp, kiểm tra ngoại ngữ nói và nghe, kiểm tra cách ứng xử, nhất là hiểu biết phổ thông cần thiết cho một thanh niên tốt nghiệp đại học... Tôi đã thấy một tình trạng khá phổ biến là họ không quan tâm đến lịch sử dân tộc Việt Nam, không để ý các danh nhân đất Việt... Có em bảo với tôi là Trần Hưng Ðạo đã chiến thắng quân Minh, Lê Lợi đã đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ đã phá tan quân Mông Cổ!!! Tôi lấy làm lạ là ngay cả lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ họ cũng rất lờ mờ... Hiểu biết về địa lý, lịch sử các nước khác thì khỏi phải nói... Gần 15% học viên đã bảo với tôi rằng Canada là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, gần 40% cứ nghĩ Thụy Sĩ đã là thành viên từ lâu và chỉ chừng 5% kể đúng tên các thành viên sáng lập... Tôi có cảm tưởng họ không thích đọc lịch sử, học địa lý nữa. Rất nhiều em không biết tên tuổi danh nhân của chính tỉnh mình của chính làng mình! Hay là các giáo viên dạy sử địa quá tồi hay đây là hiệu quả của sự xuống cấp kinh khủng của trình độ giáo chức trung học? Tóm lại, thanh niên Việt Nam đang và còn rất nhiều khó khăn trên con đường hội nhập nếu không sớm cải tổ toàn diện và triệt để nền giáo dục. Việc này cần một quyết định chính trị ở cấp cao nhất. Và tôi không thể lạc quan hôm nay sau gần hai thập kỷ lăn lộn với việc giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam... Tôi có cảm tưởng một bộ phận của nhà cầm quyền dần dần đã ý thức việc này, nhưng chưa có người có đủ tâm, đủ tầm thúc đẩy, tổ chức, tìm ra nhân sự có khả năng cáng đáng khâu thực hiện...”( Báo Người Viễn Xứ, 03 Tháng Tám 2006) “Cái buồn của tôi là tư duy Việt Nam nói chung chưa đánh giá đúng mức thế nào là đẳng cấp quốc tế thực sự. Biểu hiện thực tế của đẳng cấp quốc tế chính là đào tạo thực chứ không phải đào tạo ảo. Muốn có trường Ðại học đẳng cấp quốc tế, trước hết các thầy tham gia giảng dạy phải thực sự có đẳng cấp quốc tế. Muốn có đẳng cấp quốc tế phải có một thời gian dài cọ xát với nghiên cứu khoa học, chung đụng lâu năm với phong cách giảng dạy quốc tế. Không thể đứng tại Việt Nam, đọc giáo trình của một trường Ðại học quốc tế, tìm cách bắt chước giảng lại, rồi bảo đây là quốc tế! Cọ xát với trình độ quốc tế đòi hỏi quá trình học tập dày công, khổ luyện lâu năm, nhất là thực hiện những công trình nghiên cứu khoa học được quốc tế công nhận, đăng tải thường xuyên những công trình này trên các tạp chí quốc tế, có ban khoa học quốc tế thẩm định, tham gia thường xuyên những hội thảo khoa học quốc tế...” “Tôi nghĩ ông Bộ trưởng đã thấy và nhà giáo nghiêm túc của Việt Nam, các Việt kiều tâm huyết đã thấy và có ý kiến. Chính tôi đã cùng 19 giáo sư Việt Nam và Việt kiều đồng ký một văn bản có tên là kiến nghị Hoàng Tụy nhằm chấn hưng nền giáo dục Việt Nam. Bây giờ nói thêm, tôi thấy nó... nhàm. Tại sao lãnh đạo tuy lắng nghe trân trọng nhưng tiếp thu thực hiện lại quá chậm và không có đột phá? Nền giáo dục xuống cấp đã quá lâu. Tư duy học ảo đã thấm nhuần qua một quản thời gian quá dài nên sự tiếp thu thực hiện của lãnh đạo cao cấp rất khó biến thành mệnh lệnh cụ thể, chuyển về thuộc cấp của mình.” (Báo Người Viễn Xứ, 10 Tháng Tám 2006) Nhận xét của Tiến sỹ Hưng đã cho thấy tại sao Việt Nam lại có tệ nạn bằng giả, người thật và người không học cũng có thể mua được bằng, kể cả bằng Tiến sỹ. Việt Nam cũng áp dụng chế độ cho “học tại chức” cho cán bộ, đảng viên để có bằng cấp mà không phải đến trường nên mới có nạn bằng thì nhiều mà kiến thức có chẳng bao nhiêu. Bởi vì mục đích của chế độ này là để cán bộ, đảng viên có lý do để được tăng lương, lên cấp còn có làm được việc hay không lại không quan trọng nên nạn chạy chức, chạy quyền, bè phái, băng đảng mới sinh sôi nẩy nở từ trên xuống dưới. Hãy nghe Tiến sỹ Nguyễn Ðăng Hưng phát biểu khi được hỏi nếu ở địa vị Bộ trưởng Giáo dục của Việt Nam, ông sẽ làm gì để cải thiện nền giáo dục hiện nay: “Nhưng thử giả thuyết là Bộ trưởng, tôi sẽ làm gì trước tiên? Có lẽ phải việc đầu tiên phải làm là thay đổi ít nhất 50% nhân sự, sa thải những người thiếu trách nhiệm, chỉ giữ lại những người tâm huyết, thành lập ngay một tập thể các đồng nghiệp biết xả thân cho công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam, lấy thực học làm cơ sở cho tất cả những chọn lựa quyết liệt cần phải có...” “...Ðổi mới không thể nửa vời, không thể quay lưng với thực tế, với sự thật. Muốn được vậy, phải xây dựng cho được các phong trào quần chúng chống tham nhũng, đẩy lùi tiêu cực, chọn lựa đúng người để giao phó trọng trách. Tôi không hiểu tại sao ta lại có cơ chế ‘cơ cấu’ trước rồi mới đào tạo sau? Ngay trong buổi đầu của giai đoạn dựng nước các vua đất Việt cũng đã nghĩ đến tổ chức thi cử nghiêm túc để tuyển chọn người tài ra làm quan, người tài có thế đến bất cứ từ đâu, giai cấp quý tộc hay nông dân tầm thường. Tôi không hiểu được tại sao truyền thống tuyển chọn nhân tài ngàn năm lịch sử cao đẹp này lại bị lãng quên không kèn không trống theo hướng tụt hậu không giống ai, như hiện nay ở nước ta?” “Nhà báo hỏi, theo tôi vấn đề ưu tiên giải quyết trong tình hình hiện nay à? Về giáo dục phổ thông, sau kỳ thi tuyển vào Cao đẳng và Ðại học, sau những phát hiện gian lận có tổ chức và có qui mô lớn, báo chí đang nói nhiều về những gì cần làm ngay và tân Bộ trưởng đã có những phản ứng đáng trân trọng. Ở đây tôi xin chỉ đề cập đến lĩnh vực giáo dục đại học, chuyên môn của tôi. Tôi xin có bốn đề xuất cụ thể mà ba trong đó chỉ cần có quyết tâm là có thể làm ngay, không cần thêm ngân sách cho nền giáo dục: 1. Dẹp bỏ các hệ đào tạo khác, chỉ giữ một hệ đào tạo chính quy. Vì như hệ tại chức còn tồn tại là còn khuyến khích học ‘dỏm’. Với hệ giáo dục thường xuyên, tôi đồng ý đó là nhu cầu của mọi người. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc cấp bằng tương đương với hệ chính quy mà trên thực tế thời gian theo học cũng như chương trình đào tạo không thể so sánh được. Ðể khuyến khích việc bổ túc hiểu biết thường xuyên cho mọi lứa tuổi, cho những người có thiện chí trau dồi kiến thức hay chuyên môn, chỉ nên cấp chứng chỉ khuyến khích. Các nước phát triển trên thế giới không có nhiều hệ đào tạo như ở Việt Nam. Cả nước cần trở về một hệ giáo dục duy nhất: hệ chính quy. Bãi bỏ hệ tại chức sẽ chấm dứt được thảm trạng bán bằng, mua bằng, học giả bằng thật, chạy đua theo bằng cấp, kiếm bằng để giữ ghế... 2. Nhanh chóng kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo. Việt Nam là một nước nghèo mà ‘chơi sang’. Như miền Bắc có nhiều trung tâm nghiên cứu, nhưng không có ai thẩm định hiệu quả nghiên cứu; nghiên cứu không đi vào thực tiễn và không có hiệu quả. Có nhiều nhà nghiên cứu rất giỏi nhưng không đi giảng dạy, như thế là hoang phí. Không giảm lương, nhưng yêu cầu giáo sư giảng dạy bỏ ra 40-50% thời gian để nghiên cứu, viết lại giáo trình... Không bổ nhiệm thêm các nhà nghiên cứu tại các Viện mà tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu được giảng dạy, các giáo sư đại học có thời giờ nghiên cứu khoa học. Ðã có lần tôi đề nghị sát nhập Bộ Khoa học và Vụ Ðại học của Bộ GD&ÐT làm một. 3. Ðề cao tính quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Khuyến khích các nhà nghiên cứu, các giáo sư đại học đăng tải các công trình trên các tạp chí quốc tế. Quốc tế hóa các tạp chí khoa học Việt Nam. Mời các giao sư quốc tế, các Việt kiều đang công tác tại các Trung tâm nghiên cứu quốc tế hay các trường Ðại học tại các nước tiên tiến tham gia chọn lọc các công trình đăng tải. Mời các Giáo sư quốc tế tham gia các ban bệ quốc gia chọn lựa Giáo sư hay Phó Giáo sư. Mời các giáo sư quốc tế tham gia các Hội đồng giám khảo các luận án Tiến Sỹ trình tại Việt Nam. 4. Về việc thành lập Ðại học đẳng cấp quốc tế, không ‘rót rượu mới vào bình cũ’, mà thành lập một trường hoàn toàn mới, mới về tư duy sáng lập, mới về nhân sự ban đầu, mới về thành phần lãnh đạo...” Rất tiếc, những lời tâm huyết của một trong những chuyên viên Giáo dục Ðại học hàng đầu vẫn chưa lọt tai các Quan chức Cộng sản ít học nên nạn quy cóp, bán đầu bài thi, thí sinh bỏ thi vẫn nhan nhản như đã thấy trong kỳ thi vào Ðại học trung tuần Tháng Tám năm nay (2008). Những chuyện khó cười Ðể biết thêm những “cái kỳ khôi” của Nhà nước nói một đường làm một nẻo với Việt Kiều, ta cũng nên đọc một số một số mẩu chuyện “khó chịu” của Việt kiều đã được nêu trong Báo Sàigòn Giải Phóng ra ngày 12 Tháng Ba 2007: Một VK Mỹ than phiền: “Gia đình tôi có 5 người, lần nào về nước cũng vất vả vì chuyện... visa!” còn một VK Nhật thì hỏi thẳng: “Tại sao người Nhật vào VN không cần visa, còn người VN về chính quê mình lại đòi visa? Tôi về nước từ 16 năm nay, lúc đó đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, vậy mà đến nay đầu hói, tóc bạc, tuổi cao, lắm lúc cũng thấy nản, mất hứng khi trở về nước chỉ vì thủ tục nhiêu khê...” Họa sĩ Lâm Triết, VK Ý kể: “Tôi sinh sống ở nước ngoài từ lâu và lúc nào cũng nhớ quê nhà không nguôi, vì thế dù đi đâu tôi cũng chỉ vẽ tranh ca ngợi vẻ đẹp quê hương VN, đến nỗi bị những kẻ xấu ở nước ngoài chống đối dữ lắm, nhưng vì tình yêu quê hương, tôi bất chấp tất cả. Năm 1990, tôi về thăm quê hương, từ đó đến giờ bay đi bay về nhiều lần và nay tuổi cao rất muốn hồi hương về quê nhà, nhưng ngặt nỗi làm thủ tục giấy tờ vất vả quá...” Luật Sư Nguyễn Phương Nam, VK Ðức, than phiền: “Mỗi lần về nước, tôi có mang theo một số sách luật in bằng tiếng Anh, thế nhưng bị nhân viên chặn lại tại sân bay yêu cầu phải dịch ra tiếng Việt mới được cho mang vào VN (!?)Tôi có một số bạn bè là VK đã về nước từ 20 năm rồi nhưng đến nay vẫn là... VK chỉ vì ‘vướng’ các thủ tục nhiêu khê! Chuyện bằng lái xe tưởng là ‘chuyện nhỏ’ ở xứ người nhưng lại là ‘chuyện lớn’ ở xứ ta, vì không được công nhận. Ông Nguyễn Lương Dũng, làm giáo sư ở nước ngoài suốt mấy chục năm qua, vậy mà khi về nước nay phải lặn lội đi xin... giấy phép hành nghề!” Trả lời câu hỏi vì sao NQ 36 của Bộ Chính Trị đến nay vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống? Ông Nguyễn Chơn Trung, Chủ nhiệm Ủy ban NVNƠNN Sài Gòn cho biết: “ Nguyên nhân chính là do chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo ông, đây là trách nhiệm của các ngành, các cấp chứ không phải là hành động ban ơn đối với VK... Ðừng ngại ‘mở cửa’ sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu tràn vào, quan trọng là ta có biện pháp quản lý chặt chẽ, nếu ai vi phạm sẽ có luật pháp xử lý”. Như vậy, ai là kẻ đang phá hoại tình tự dân tộc, chống lại đoàn kết dân tộc, không muốn “hòa giải xóa bỏ hận thù” mà chỉ muốn người Việt ở nước ngoài gửi tiền cho tiêu hay tình nguyện xin về nước để cho đảng sử dụng và cai trị? Những bài học và kinh nghiệm hợp tác với chế độ trong những năm qua của một số Nhà Trí thức Việt kiều nêu tên trong bài viết này đã cho thấy đội ngũ cầm đầu đảng và nhà nước Việt Nam vẫn chưa biết mở mắt nhìn ra thế giới để thay đổ tư duy và hành động giúp dân, giúp nước. Kinh nghiệm của họ cũng cho thấy lớp đảng viên Cộng sản ở cương vị lãnh đạo đất nước Việt Nam ngày nay chưa thật tâm muốn thi hành Nghị quyết 36 mà chỉ muốn dùng Nghị quyết này làm con mồi để gài bẫy Việt kiều. Nhưng sau 33 năm sống ở nước ngoài, tuyệt đại đa số người Việt Nam đã thấy rõ hơn chân tướng của đảng CSVN nên dù nọc độc có bọc đường cũng khó mà đánh lừa được họ và con cháu của những người đã bỏ nước ra đi.
|