Tạp ghi Huy Phương
Không biết ngày xưa có ai đó nhiều kinh nghiệm về chuyện ăn ở để có thể phát biểu về ba cái nhất trên đời này là “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Người Việt Nam mình đã hưởng được hai cái sướng nhất là là ăn cơm Tàu, ở nhà Tây. Trước hết, một nghìn năm bị giặc Tàu đô hộ, may mà chưa bị đồng hóa nhiều, người Việt vẫn còn giữ được ngôn ngữ, phong tục của riêng mình, nhưng cái vụ ăn cơm Tàu thì vào hẳn trong máu huyết khó có thể bỏ được. Nhưng cái gì đã có hằng ngày rồi thì hẳn trở thành bình thường, không còn cái sướng nữa.
Ðồng bào mình nhất là ở hải ngoại, lại ở vào cái vùng như quận Cam này, thì cơm Tàu đã thành chuyện thường, nhiều khi người ăn quên mình đang ăn món ăn của ngoại quốc. Ðồng hương Việt Nam vào những ngày cuối tuần, vẫn sáng “tỉm sấm Hồng Kông”, trưa “xủi cảo Quảng Ðông” tối đi dự tiệc cưới, nào xúp vi cá, vịt Bắc Kinh, cơm chiên Dương Châu, chan chát những địa danh của “Trung Quốc vĩ đại”, tuy đầy dầu mỡ, lắm cholesterol nhưng cũng không dứt ra được. Bằng chứng là đến nay, chưa cô dâu chú rể nào dám làm một cuộc cách mạng đãi khách ăn tại một nhà hàng với thức ăn Việt, hiện nay có 80% tiệc cưới là Tàu, 20% còn lại là Tây hay Mỹ. Các cụ ông, cụ bà được mời đi ăn cưới ở nhà hàng Tây, đều kêu là ăn không no, không hợp khẩu, nhưng nếu được đãi tiệc cưới bằng chả giò, chạo tôm hay bánh canh thuần túy Việt Nam thì hẳn khách ăn lại chê cái nhà mời cưới này thuộc loại bủn xỉn, hà tiện. Cuối cùng ngày lành tháng tốt gì cũng do mấy ông chủ nhà hàng Tàu lo tiệc cưới quyết định, cha mẹ được đặt đâu phải ngồi đó. “Ăn cơm Tàu” đâu còn sướng nữa, ví như bạn được mời liên tiếp luôn hai cái tiệc cưới vào một cuối tuần thì đây là một cực hình không hơn không kém.
Chúng ta lại có một trăm năm bị đô hộ bởi giặc Tây, không phải ai cũng có cơ hội được “ở nhà Tây”, nhưng quả thật nhà Tây thua xa nhà Mỹ. Ngay trong thời Tây đô hộ thì cái nhà cầu cũng phải ngồi xổm, mà vị trí cái nhà cầu phải cách xa nhà ở hàng trăm thước. Ai đã qua thủ đô của Tây mới thấy “ở nhà Tây” không sướng gì. Chúng tôi chưa đến dinh cơ của bậc giàu sang, trưởng giả nhưng nhà cửa của bậc trung lưu thì quá chật hẹp, phải chăng vì nơi thủ đô đất hẹp người đông. Trở về với những ngôi nhà Mỹ rồi mới thấy cái tiện nghi và việc sinh sống trong một ngôi nhà Mỹ phải là cái sướng nhất về “ở”. Bây giờ nhà Tây không bằng nhà Mỹ, mà chúng ta lại được ở nhà Mỹ, trước đó lại được ăn cơm Tàu, trong ba cái sướng chúng ta đã có được hai rồi.
Chuyện còn lại là chuyện “lấy vợ Nhật”, lấy vợ Nhật có sướng không? Nếu bạn quan niệm rằng “chồng là chúa vợ là tôi” thì bạn nên tạo ra một cơ hội để làm chồng thử một người phụ nữ Nhật. Tôi chỉ ghi lại thời điểm khoảng thập niên 1960, 1970, còn về sau này, phụ nữ Nhật không còn là “tôi” nữa, nhưng phải còn tranh đấu dài dài may ra mới thoát được cảnh chèn ép, coi rẻ phụ nữ của người đàn ông Nhật. Bằng chứng là ông tân Thủ Tướng Nhật Taro Aso, ngày 24 Tháng Chín mới đây đã trình diện nội các của ông với một cái bộ mới nghe qua thấy rất kỳ quái, rất coi thường phụ nữ, đó là Bộ “Nam Nữ Bình Quyền” do cô hay bà Yuko Obuchi làm bộ trưởng. Ðiều đó đã xác nhận là hiện nay tại nước Nhật, đàn bà vẫn còn đi sau đàn ông một hai bước như những hình ảnh mà chúng ta thấy trên đường ở Nhật thuở trước, vì đàn bà đi sau đàn ông mới là con nhà giòng giõi, có danh giá.
Ở Nhật, phụ nữ luôn luôn nhường nhịn nam giới. Trong trường học nam sinh bao giờ cũng có vẻ lấn lướt trong khi nữ sinh luôn luôn chịu phần thiệt, không bao giờ tranh cãi để thắng thế, thói quen này đã ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình khi các em lớn lên. Ở công sở, thì ngay những người đàn ông có chức vụ thấp như lao công, tài xế cũng không có vẻ gì là nhún nhường, lễ phép đối với người thiếu nữ đã tốt nghiệp đại học, giữ những chức vụ cao hơn. Trong cuộc sống gia đình, chỉ những người đàn ông sợ vợ mới về nhà sau giờ bãi sở, còn những đấng trượng phụ khác thì đi thẳng ra quán rượu, nhậu nhẹt say sưa, có khi gần nửa đêm mới về đến nhà. Ở nhà người đàn bà đã lo cơm nước cho con cái, cho con đi ngủ. Người vợ chờ chồng về, cúi đầu chào thật sâu, quỳ gối lo cởi giày lột vớ cho chồng, dìu chồng vào phòng tắm, trong khi áo quần mới để thay đã sẵn sàng. Nếu ông chồng có ói mửa thì đã sẵn sàng xô chậu, lo lau chùi. Trong gia đình thường vợ con ăn trước, chồng dùng bữa sau. Khi có tiệc tùng thì mâm đàn ông, đàn bà riêng, mâm đàn ông lúc nào thức ăn cũng nhiều, tốt hơn lại có rượu kèm theo. Có lẽ cũng như ngày xưa ở nước ta, người vợ lo hết việc trong gia đình, người đàn ông ra ngoài làm việc, đem tiền về và phát tiền chợ mỗi ngày cho vợ. Người vợ không biết lương chồng bao nhiêu và không bao giờ đặt câu hỏi về tiền bạc với chồng.
Nếu nhìn người vợ Nhật theo lối này, thì hiện nay người đàn bà Việt cũng không kém gì về cung cách và số phận. Bây giờ, cũng như bên Nhật thời trước, chỉ có đàn ông sợ vợ mới mò về nhà sau giờ tan sở, còn như các bậc “hảo hán”, “anh hùng” thì phải theo bạn bè ra quán nhậu, do đó ngày nay kỹ nghệ nhậu nhẹt trên hè phố, trong trà đình, tửu quán trở nên tưng bừng “trăm hoa đua nở”, không phải chỉ ở Saigon mà nở rộ khắp các làng xóm xa xôi. Vợ có thể buôn thúng bán bưng, đầu chợ cuối xóm, nhưng ông chồng vẫn là khách hàng quen của những quán nhậu, thanh lâu, ít quan tâm đến việc gia đình hay con cái. Do vậy, trong một cái quảng cáo “bán gái” ra ngoại quốc trước đây, người ta đã nêu lên khuyết điểm của người đàn ông Việt Nam lười biếng, không biết lo cho gia đình, lâu lâu còn “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ nhà.
Trong khi ở Mỹ, đàn ông chỉ được xếp sau chó mèo, thỉnh thoảng phải rửa chén bát, hút bụi, làm vườn, thì ở Việt Nam ngay cả “thời mở cửa”, đàn ông đi làm về nằm đọc báo, hay xem truyền hình hay ở ngoài quán nhậu. Do đó, nhiều đấng mày râu ở Mỹ cảm thấy bị thiệt thòi, trong khi không có điều kiện làm chủ một đóa hoa anh đào thì tạm thời sở hữu một bông bụp, về lấy vợ Việt Nam, ít ra thì trong tuần trăng mật cũng được dạ thưa, rượu có người rót, ăn thậm chí cũng có người đút, được làm “chúa” một thời gian.
Chỉ tiếc là ở Nhật đã có Bộ “Nam Nữ Bình Quyền” để đòi cho đàn bà lên ngang tầm với đàn ông, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa ai có sáng kiến lập ra một cái bộ nào để tranh đấu cho đàn bà khỏi bị điếm nhục, khỏi bị bán ra nước ngoài làm điếm hay làm vợ người ta. Chẳng qua là vì nước Nhật ngày xưa coi rẻ đàn bà nhưng không hề coi rẻ danh dự của dân tộc và tổ quốc. Một chuyến tàu đổ, một chiếc cầu gãy cũng đòi hỏi sự ra đi trong trách nhiệm của những viên chức liên hệ, không phải có những việc tổn hại tày trời cho quốc gia mà bọn khốn nạn vẫn nham nhở nói nói, cười cười bám lấy cái ghế.
Cái bộ mang tên “Nam Nữ Bình Quyền” trong tân chính phủ Nhật có thể làm cho chúng ta bật cười với ý nghĩ xem thường, nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận thấy sự can đảm và lương thiện của người Nhật, truyền thống coi rẻ đàn bà từ đời ông cha, chưa sửa đổi được trong thành kiến của con người, đang được cố gắng sửa đổi bằng những biện pháp hành chánh, đó là công việc của cái bộ mới, có vẻ lạ thường này.
Còn người Việt chúng ta ngày xưa cho việc “lấy vợ Nhật” là sung sướng hẳn họ quan niệm lấy vợ Nhật thì được hầu hạ, được phục vụ hết mình. Họ không bao giờ thấy được vợ là người bạn đường, là người chia ngọt xẻ bùi, cùng xây dựng mái ấm gia đình và nuôi dạy con cái. Người ta ca tụng việc “lấy vợ Nhật” chẳng qua là nói đến thân phận nô lệ, phục tùng của người đàn bà, vừa là nô tỳ, vừa là để giải quyết sinh lý cho người đàn ông, vừa là cái máy đẻ sản xuất ra những đứa con nối dõi. Trong khi đó người đàn ông lại hãnh diện là ông “chủ”, ông “chúa” có quyền sử dụng, sinh sát mà người vợ là kẻ tôi đòi. Tục lệ “lấy hầu” của người Việt Nam ngày xưa đã đưa bao nhiêu người đàn bà, tưởng là có một tấm chồng, nhưng thân phận họ không khác gì một kẻ tôi tớ, vừa phục vụ gia nương, vừa hầu hạ chồng và “nàng hầu” đối với người vợ cả trong nhà cũng chẳng khác chi một “con ở”.
Có lẽ trên đời này đi tìm một người vợ theo đúng nghĩa của nó khó, còn đi tìm một kẻ tôi đòi là chuyện dễ. Người xưa lại cho rằng “tìm tri kỷ nơi bạn bè là điều dễ, tìm tri kỷ nơi vợ chồng là điều khó kiếm, tìm tri kỷ nơi vua tôi là điều không tưởng...” Những ai tìm được sự tri kỷ nơi người vợ xem như là người chồng đạt được hạnh phúc.
Một triết gia đông phương cho rằng người vợ hoàn hảo là người vợ biết: lúc thì đóng vai một người mẹ, lúc thì chị, lúc thì em, lúc thì bạn và lúc thì là kẻ tôi tớ. Cái thời của những bạo chúa đã qua, quan niệm “chồng Chúa vợ tôi” cũng đã lạc hậu. Thôi thì cứ ăn cơm Tàu, ở nhà Mỹ cho sung sướng tấm thân, nhưng có lẽ nên gột rửa cái tư tưởng “lấy vợ Nhật”. Mới cách đây vài chục năm thôi, có những người đàn bà Việt Nam đã quỳ gối cởi giày, lột vớ cho chồng, cho như vậy là người vợ nhu mì, đảm đang, không khác gì cung cách của người vợ Nhật. Sự ích kỷ, trịch thượng, chỉ biết yêu bản thân đã làm cho những ông “chủ” chồng hành xử không khác gì kẻ thất phu.
Chuyện “nam nữ bình quyền” coi vậy mà không phải dễ thực hiện.
|