Home Tin Tức Bình Luận Khủng hoảng tài chánh sẽ ảnh hưởng đến ai?

Khủng hoảng tài chánh sẽ ảnh hưởng đến ai? PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Ba, 28 Tháng 10 Năm 2008 05:54

 Nhà bình luận David Leonhardt của tờ New York Times kể lại câu chuyện của ông Mishkin. Hồi năm 1929, ông Meyer Mishkin, chủ nhân của một tiệm bán áo chemise cho người lao động. Khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10, ông bảo với cậu con trai, lúc đó đang học tại City College, “Đáng đời mấy tên nhà giàu đốn mạt.”

Một năm sau, khi vấn đề của Wall Street kéo theo toàn nền kinh tế, cửa tiệm của ông Mishkin phá sản vì ông không có đủ khách hàng nữa. Con trai của ông phải đi làm kiếm thêm, và từ đó ông Mishkin không bao giờ kiếm được công việc ổn định. Câu chuyện này nhà báo giải thích là câu chuyện mà ông Frederic Mishkin, cháu nội của ông cụ Meyer, và là một trong những thống đốc của hệ thống Ngân hàng dự trữ Liên bang Fed cho đến khi ông về hưu cách đây hơn một tháng. Bài học của câu chuyện này là một cuộc khủng hoảng tài chánh sẽ ảnh hưởng đến chúng ta dầu muốn dầu không. 

Bắt đầu cắt giảm tiêu dùng 

Sở dĩ ông Mishkin đưa ra câu chuyện đó để nhắc nhở là vì tuần rồi đã có một số vị dân cử cũng như một số cử tri tỏ ý không hài lòng với luật cứu nguy 700 tỷ đô la của chính phủ Bush. Nhưng thật ra, một số người Mỹ đã cảm thấy những khó khăn của cuộc khủng hoảng. Công ăn việc làm biến mất ở mức độ nhanh hơn nhiều trong tháng 9 vừa qua. Đối với nhiều người thì có thể hiện tại chưa đến nỗi lo nhưng về lâu về dài triển vọng thật bấp bênh với các trương mục 401(k) ngày càng giảm thiểu, khó vay tiền hơn và giá nhà tiếp tục xuống.  

Sức tiêu thụ của người dân Hoa Kỳ, vốn chiếm đến hai phần ba nền kinh tế Hoa Kỳ, và là động cơ cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia đang vươn lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, đã lên nhẹ vào đầu năm nhưng bắt đầu xuống trong hai tháng 7 và 8. Khi có con số mới nhất của tháng 9 chúng ta phải chờ đợi một sự giảm thiểu có thể lên đến 3 phần trăm hay hơn nữa. Đây sẽ là sự giảm thiểu đầu tiên từ năm 1990.  

Nếu nói chuyện với những người đi chợ búa, các nhà bình luận và chủ nhân hay giám đốc các công ty, ảnh hưởng của các tin tài chánh trong hai tuần nay đã được cảm thấy rõ ràng ở nhiều nơi của đất nước, từ các dealer đại lý xe hơi đến các sòng bạc của Las Vegas. Những người bán xe cho biết tình trạng sa sút tệ nhất từ 15 năm nay, trong khi ở Vegas, người ta than là số tiền tiêu ở các cửa hàng ăn, cửa tiệm và ngay trong sòng bài cũng ngày càng giảm đi. Một ông chủ một tiệm bán bàn ghế hạng sang ở Vegas than thở “Người ta mất hết tự tin rồi. Họ không cảm thấy có khả năng mua bán nữa. Họ đang mất tiền hưu bổng, họ cảm thấy không có tiền để đi holiday nữa, và họ sợ mua bất cứ một thứ gì ngoài những thứ tối cần thiết.”

Ở những shopping mall hay các cửa tiệm trong phố, tình hình còn tệ hơn. Số người đến đi dạo ngắm window shopping đã hầu như biến mất và các nhà bán lẻ đang lo ngại là mùa lễ tết tới đây chắc sẽ tệ lắm. Một số công ty đã giảm người bán hàng hay giờ làm việc. Một anh bán hàng ở một tiệm của Office Depot ở Chicago than là giờ làm việc đã bị cắt giảm. Anh bán hàng 25 tuổi giải thích là mùa tựu trường năm nay “chúng tôi chịu chết” không bán buôn được bao nhiêu mà mùa tựu trường vốn là căn bản nòng cốt của cửa hàng. Kế bên đó, nhân viên của dealer bán xe Chevrolet đang chuẩn bị đóng cửa vĩnh viễn một cửa hàng đã bắt đầu buôn bán từ năm 1936. Và đây chắc sẽ không phải là cửa hàng bán xe hơi cuối cùng phá sản. Số người nói họ dự định mua xe trong vòng sáu tháng tới đã giảm 5 phần trăm, con số thấp nhất mà tổ chức nghiên cứu thị trường Conference Board tìm thấy kể từ năm 1967. Một nhân viên than, “Chúng tôi không bán được đến một cái SUV hay một xe truck nữa.”  

Tình hình bất ổn đến nỗi một số các công ty bán lẻ không còn dám dự đoán số bán ra nữa. Pier1 Imports và Circuit City gần đây đã rút lại con số hướng dẫn cho Wall Street về dự báo số bán và nói là họ sẽ không đưa ra dự đoán nào cho năm nay nữa. Tại một cuộc họp của các công ty bán lẻ gần đây, ông Michael W. Rayden, chủ tịch và tổng quản trị của công ty Tween Brands, chủ nhân của các cửa hàng Limited Too và Justice, đã nói đến sự lo sợ của người tiêu thụ. “Khi tôi đi vòng trên nước Mỹ và lắng nghe các bà mẹ nói chuyện với các cô con gái, phải nói là thật đáng ngạc nhiên khi các cô bé 10 tuổi nay cũng biết là mọi sự không ổn,” ông nói. Ông giải thích là các cô bé cứ nghe mãi bà mẹ than “Mẹ không đủ sức mua thứ đó” cũng phải hiểu.  

Ngay cả Apple, công ty sản xuất ra iPhone, cũng không thoát khỏi những lo ngại của ngành kỹ nghệ điện tử tiêu dùng. Số hàng nhập kho của Apple đã giảm 19 phần trăm sau khi công ty tiên đoán là với tình trạng kinh tế hiện nay, số bán của công ty rồi sẽ giảm.  

Những cửa hàng ăn cũng đã thấy khó khăn lôi cuốn khách hàng lui tới. Ngay cả một chủ nhân một tiệm uốn tóc 23 tuổi như Nichol Bedsole cũng chỉ dám đi ăn ngoài một tháng hai lần mà thường là ở các cửa hàng rẻ tiền như Subway chẳng hạn.  

Thất nghiệp gia tăng 

Theo nhật báo Financial Times, các kinh tế gia của ngân hàng JP Morgan đã so sánh thị trường nhân dụng Hoa Kỳ trong mấy tháng gần đây như là một con thuyền trong cơn bão lớn. Những con số thống kê của tháng 7 cho thấy thuyền đã lủng và “ngày càng có nhiều nước trong khoang hơn nhưng chưa đến nỗi lật”. Đến tháng 8, chiếc thuyền đã lật và sang tháng 9, theo con số mới đưa ra tuần rồi, có “159,000 người đã bị đắm tầu”. 

Lời so sánh tàn nhẫn đó đã được dùng để tả thống kê về sự sụt giảm trong đồng lương không liên hệ đến nông nghiệp, một sự sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 3 năm 2003, và một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là bất ổn ở Wall Street và trong kỹ nghệ ngân hàng Hoa Kỳ đã bắt đầu tràn sang nền kinh tế nói chung. Kết quả là khu vực sản xuất cắt giảm 51,000 công việc, khu vực bán lẻ cắt giảm 40,000 công việc, các công ty xây dựng cắt giảm 35,000 công việc và khu vực dịch vụ tài chánh giảm 17,000 công ăn việc làm. Thêm vào đó, ngân hàng Goldman Sachs nhận xét “Thành phần của bản phúc trình này đã không cho chúng ta chút yên tâm nào cả. Hầu như mọi khu vực của nền kinh tế đều mất việc làm.” Goldman Sachs nay chờ đợi là mức độ thất nghiệp tại Hoa Kỳ sẽ tăng từ mức 6.1 phần trăm hiện nay lên 8 phần trăm vào cuối năm tới.   

Hơn thế, ngoài việc mức độ thất nghiệp gia tăng, bản phúc trình về lương của khu vực ngoài nông nghiệp còn cho thấy ngay cả với những người có công ăn việc làm tình hình cũng tệ đi. Giờ làm việc hàng tuần đã giảm từ 33.7 giờ xuống còn 33.6 giờ một tuần giữa tháng 8 và tháng 9, và chỉ số giờ làm việc của khu vực tư giảm 0.5 phần trăm, mức trụt giảm lớn nhất từ năm 2003.  

Đã thế mức độ lương đã giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 4. Và chưa đủ, bản phúc trình của Bộ Lao Động còn cho biết có đến 337,000 người Mỹ bắt đầu làm việc bán thời gian vì không còn tìm được việc làm toàn thời gian nữa. Số người làm việc bán thời gian nay đã tăng thêm 1.6 triệu người trong vòng 12 tháng qua nâng tổng số lên trên 6 triệu người.   

Và rồi sẽ khó khăn hơn 

Theo thông tấn xã AP, số người Mỹ bị cắt điện, gas vì không đủ tiền trả bill đã gia tăng đáng kể ở nhiều nơi trên toàn quốc. Thống kê của các công ty điện lực cho thấy số bị cắt điện, gas ở tiểu bang New York gia tăng 17 phần trăm so với năm ngoái, nhưng ở Michigan con số gia tăng đã lên đến 22 phần trăm. Và cũng theo cuộc điều tra này của AP, số người bị cắt điện, gas ở khoảng vài chục tiểu bang kể cả California, Pennsylvania và Florida cũng đã tăng đáng kể. Và mặc dầu cố gắng của chính phủ tiểu bang và liên bang cũng như của các nhóm thiện nguyện và ngay cả của các công ty cung cấp nhiên liệu nhằm tránh việc cắt nhiên liệu vào mùa đông năm nay, nhiều người sợ là tình trạng sẽ tệ hơn.  

Ở California, Southern California Edison Co., với 4.5 triệu khách hàng mua điện tư gia, cho biết số người bị cắt điện đã tăng 10 phần trăm trong suốt tháng 8 lên đến 228,000 người.  Trong khi đó, những người trông cậy vào dầu diesel để sưởi thay vì gas hay điện đang kêu gọi được giảm giá. Cũng phải nói là thường việc cắt điện hay cắt gas không kéo dài nhưng ở một số vùng như miền đông bắc Hoa Kỳ, trong mùa đông, chỉ một ngày không sưởi cũng đủ chết người.  

Còn những vụ tự tử vì bị siết nợ nhà nay cũng đang gia tăng. Mới đây Dân biểu Dennis Kucinich của tiểu bang Ohio đã kể lại chuyện của bà cụ Addie Polk ở thành phố Akron của tiểu bang ông. Bà cụ góa phụ đã sống ở căn nhà nhỏ gần 40 năm nay nhưng khi đại công ty tài chánh Fannie Mae quyết định tịch biên căn nhà của cụ để bán với giá 28,000 đô la thì tai nạn xảy ra. Khi nhân viên cảnh sát đến để đưa bà cụ ra khỏi nhà hôm thứ tư tuần rồi, họ nghe tiếng súng ở lầu một. Láng giềng hoảng sợ chạy vội sang thì thấy bà cụ nằm trên giường, súng bên cạnh. Bà cụ đã tự tử bằng cách bắn vào ngực, may mà không chết. Nay thì bà cụ đang hồi phục ở bệnh viện. 

Dân biểu Kucinich đã nêu trường hợp của bà cụ để chống lại dự luật cứu nguy tài chánh vì theo ông cứu nguy cho các ngân hàng chỉ để họ tiếp tục làm những chuyện tồi bại như vậy thôi. Nhưng có lẽ nhờ một dân biểu đưa ra nên nay Fannie Mae nói họ đã hủy lệnh tịch biên, tha thứ cho bà cụ món nợ địa ốc và cho phép bà cụ trở về nhà. Nay thì bà cụ Polk cảm thấy hành động của mình là quá nông nổi, nhưng dầu sao chăng nữa cụ cũng đã may mắn hơn nhiều người khác. Số nhà bị ngân hàng siết nợ đang tăng ở mức kỷ lục tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ. Và đã có một số trường hợp tự tử vì bị mất nhà trong đó đặc biệt phải là trường hợp một cặp hai ông bà về hưu ở Massachusetts. Bà vợ đã gửi fax đến công ty tín dụng địa ốc loan báo “Khi quí vị đến tịch biên nhà chúng tôi, tôi đã chết.” 

Tại sao? 

Dĩ nhiên ai cũng muốn biết tại sao vấn đề của ngành ngân hàng, thị trường chứng khoán lại ảnh hưởng đến đời sống chúng ta đến mức đó. Câu trả lời chính là vì ngân hàng và số tiền họ cho vay đã trở thành một điều căn bản cho họat động bình thường của nền kinh tế của chúng ta. Nếu họ không có đủ tiền, hay họ phải cho vay với giá cao hơn thì dĩ nhiên sẽ làm giới hạn các hoạt động kinh tế.  

Ngoài khu vực địa ốc, những người đầu tiên thấy ảnh hưởng là những dealer bán xe hơi, vì nếu bạn cần xe mới nhưng không đi vay được hoặc là lãi xuất cao quá thì đâu có tiền mua xe. Rồi những cửa hàng bán các loại hàng đắt tiền, bàn ghế, đồ điện tử, máy móc, sẽ thấy vắng khách. Sau đó đến các loại dịch vụ không cần thiết mà nếu không có chúng ta cũng có thể sống được, trong số này phải kể cả đến các tiệm làm nail, tiệm uốn tóc, tiệm giặt ủi. Sau cùng có lẽ chỉ những khu vực tối cần thiết cho cuộc sống của chúng ta như tiệm bán thực phẩm sẽ tiếp tục làm ăn, nhưng ngay cả trong lãnh vực này, cắt giảm, tiết kiệm cũng có nghĩa là một số cửa hàng thực phẩm vẫn có thể phá sản.  

Nói cho cùng, cuộc khủng hoảng tài chánh, nếu đến mức thực sự khủng hoảng như thời thập niên 1930 sẽ thật kinh hoàng. Đó là khi hàng ngàn ngân hàng phá sản, khi 25 phần trăm dân chúng thất nghiệp, và khi người ta nhảy lầu tự tử vì sạt nghiệp. Bất ổn xã hội, những nơi phát chẩn thực phẩm và nhiều thành phố lều bạt mọc lên ở khắp nơi vì dân chúng mất nhà. Hy vọng là chúng ta sẽ không phải chứng kiến cảnh đó.