Home Tin Tức Bình Luận Hậu Bầu Cử: Cộng Hòa Đi Về Đâu?

Hậu Bầu Cử: Cộng Hòa Đi Về Đâu? PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Linh   
Thứ Tư, 19 Tháng 11 Năm 2008 09:27

...Món hàng Cộng Hòa bây giờ rẻ hơn loong Coca phế thải...
Trước ngày bầu cử 4 Tháng 11 vừa qua, ai cũng biết năm nay là năm đại họa cho đảng Cộng Hòa. Nhưng điều bất ngờ là không ai dự đoán được sự tuột dốc lại quá mạnh như kết quả bầu cử cho thấy.
Cơn nước lũ Dân Chủ tràn vào toà Bạch Cung và Quốc hội. Món hàng Cộng Hòa bây giờ rẻ hơn loong Coca phế thải.
Một lý do quan trọng là di sản của TT Bush.
Con người ta làm gì cũng có số mệnh, cũng có vận may vận rủi. Người ta có thể tranh cãi nhiều về khả năng kinh bang tế thế của TT Bush. Phe cấp tiến sẽ cho ông là TT tệ nhất lịch sử Mỹ, trong khi phe bảo thủ sẽ nhớ ơn ông về nhiều chuyện tốt đẹp hơn (chúng ta sẽ có dịp bàn chi tiết trong một bài khác).
Nhưng không ai chối cãi được TT Bush là người gặp vận xúi quẩy nhất. So với TT Clinton là người tốt số nhất.
Trong khi TT Clinton chủ trì một thời đại nhàm chán nếu không muốn nói là thời đại an bình phát triển ổn định nhất, trong đó chẳng có chuyện gì xẩy ra, để TT Clinton ngồi mát ăn bát vàng, thì Bush lại hứng những búa tạ khổng lồ. Khủng hoảng dot.com, khủng hoảng nhà cửa, khủng hoảng dầu xăng, khủng hoảng ngân hàng, 9/11, Katrina, Ike, Iraq, Afghanistan
… Nghe mà thấy ớn lạnh.
Hiển nhiên là số ông Bush không khá. Hay nói cách khác, ông không có được thiên mệnh trị quốc, nên gặp hết khó khăn này đến nhức óc khác. Trong khi Clinton chỉ có một ưu tư lớn: làm sao giấu nhẹm mấy chuyện dan díu ngoại tình.
Đã vậy, mấy ông đồng chí Cộng Hòa của Bush cũng chẳng giúp cải thiện gì, mà lại còn đóng góp lớn lao vào công trình phá đảng. Hết ông này đến bà nọ, thay phiên nhau dính dáng vào những vụ lem nhem tiền bạc, trai gái, đủ kiểu, từ trên mạng internet đến nhà cầu công cộng.
Trong những tháng tranh cử cuối cùng, người ta không thấy bóng dáng TT Bush đâu hết. Trái với truyền thống từ xưa, tổng thống luôn luôn cố gắng đi vận động tranh cử cho các đồng chí, lấy uy tín của mình để giúp họ, trong kỳ bầu cử này ông Bush phải làm thợ lặn. Chẳng hiểu là vì các vị dân cử sợ ông giúp, hay trái lại, vì ông Bush không muốn dính dáng đến mấy ông chính khách lem nhem quá nhiều.
Ông chính khách cuối cùng bị tai tiếng là thượng nghị sĩ Ted Stevens, là TNS thâm niên nhất của bên Cộng Hòa, đại diện cho Alaska. Bị ra tòa và kết bẩy tội tham nhũng, hối mại quyền thế, mua bán ảnh hưởng,
…
Kết quả là đảng Cộng Hòa đại bại. Chẳng những mất Hành pháp mà còn mất hơn nửa tá ghế thượng viện và hai chục ghế hạ viện. Cộng với những thất bại nặng nề của kỳ bầu cử năm 2006, đảng Dân Chủ bây giờ nắm quyền tuyệt đối tại Nhà Trắng, Thượng Viện và Hạ Viện luôn.
Tai hại hơn nữa, thất bại của đảng Cộng Hòa không phải là một tai nạn nhất thời. Tương lai lâu dài của đảng Cộng Hòa cũng không có gì sáng lạng.
Một số lớn đảng viên thuộc khuynh hướng bảo thủ cực đoan không ủng hộ TT Bush nữa. Chính sách của ông tuy vẫn còn được hậu thuẫn trên các vấn đề xã hội, văn hóa, quân sự, nhưng lại bị chống đối khá mạnh trong vấn đề kinh tế.
Vì ông đã bành trướng thế lực của Nhà Nước và tiêu xài vung vít đưa đến thâm thủng ngân sách quá nặng. Hoàn tòan trái với quan niệm bảo thủ với một Nhà Nước càng nhỏ càng tốt, và kỷ luật tài chánh tối đa.
Đối với các đảng viên bảo thủ ôn hòa hơn, cũng như đối với thành phần độc lập, chính sách của TT Bush cũng đã trở thành hơi quá khích, dành ảnh hưởng quá nhiều cho các khối tôn giáo cực đoan.
Cuộc tranh cử của TNS McCain cũng đã biến đảng Cộng Hòa thành biểu tượng của thế hệ cũ, già nua, lạc hậu, không có sáng kiến mà chỉ bám víu vào những chủ đề cổ điển như:
- chống thuế (trong một xã hội phân tán, một bên thì nghèo nàn không ai phải đóng thuế gì, và một bên thì quá giàu đến độ chẳng ai sợ đóng thuế nữa),
- một nước Mỹ hùng mạnh lấy súng và tiền đè người (trong một thế giới hậu chiến tranh lạnh, sau khi dân chủ tự do đã thắng cộng sản chủ nghĩa),
- một nước Mỹ đặt nặng các giá trị văn hóa, luân lý, và tín ngưỡng cổ truyền (trong một thế giới ngày càng toàn cầu hoá, khoa học hóa, đa dạng và cởi mở).
Thật không phải là một ngẫu nhiên khi khối cử tri duy nhất có đa số ủng hộ TNS McCain là khối mấy ông bà già Mỹ trắng, trong khi tất cả các khối khác đều ủng hộ TNS Obama. Đây không phải là chuyện đặt lại vấn đề tư tưởng nền tảng của khối bảo thủ Mỹ mà đảng Cộng Hòa là tiếng nói chính.
Tư tưởng cơ bản của bảo thủ vẫn còn giá trị, có khi còn có giá trị nhiều hơn trước nữa trong thời đại đầy rẫy khó khăn ngày nay.
Đó là những tư tưởng xuất phát từ ba lý luận chính:
- sáng kiến tư nhân hữu hiệu hơn luật lệ Nhà Nước của mấy ông bà công chức đặt ra để chi phối mọi sinh hoạt;
- cơ hội tiến thân cá nhân là động cơ mạnh hơn sự ỷ lại vào của thí phát, ăn không ngồi rồi chờ oe-phe;
- giá trị gia đình nặng hơn sự buông thả vô trách nhiệm kiểu hôn nhân đồng tính hay tự do phá thai.
Nói chung, đây là những ý tưởng nền tảng xây nên văn minh và quốc gia Hợp Chủng Quốc, không có gì sai, không có gì lỗi thời. Vấn đề chỉ là điều chỉnh cho hợp với thời điểm hiện hữu hơn, sao cho thích hợp với thực tế của kỷ nguyên mới, và tìm cách chuyển đạt những tư tưởng đó đến quần chúng.
Hiển nhiên là những vấn đề của đảng Cộng Hòa hiện nay lớn hơn vai trò của cá nhân ông Bush hay ông McCain quá nhiều. Cộng Hòa cần phải tìm về nguồn, trở về với những giá trị nền tảng của triết lý bảo thủ, nhưng đồng thời cũng phải tìm cách chuyển đạt thông điệp mới, thích hợp với thế kỷ 21 hơn.
Thêm vào đó, người mang thông điệp cũng phải có những điều kiện thuận lợi.
Nhìn vào người hùng McCain, từ tư cách đến quá trình cá nhân, không ai không cảm thấy ông đáng bội phục. Nhưng giới trẻ, là hình ảnh và sức mạnh của nước Mỹ, thì lại không thể nào nhìn ông như người có thể lãnh đạo họ bước vào thế kỷ 21. Thậm chí, đối với nhiều người, chỗ ngồi của người hùng là
… trên bàn thờ, chứ không phải trong phòng Bầu Dục.
Vai trò và hình ảnh người mang thông điệp cực kỳ quan trọng.
Điển hình, thông điệp của đảng Dân Chủ năm nay cũng không khác gì của những năm trước. Một thông điệp cấp tiến cổ điển của một Nhà Nước trực tiếp ra luật chi phối mọi sinh hoạt của quần chúng,  gọi là lấy thuế nhà giàu giúp nhà nghèo, phóng khoáng trong các vấn đề văn hoá, tôn giáo
…
Từ nhiều thập niên qua, thông điệp cấp tiến này đã bị dân Mỹ bác bỏ, qua sự thất bại của các ứng viên thiên tả, từ Mondale, Dukakis, đến Gore và Kerry. Nhưng lại thành công lớn với Obama, người mang thông điệp mới.
Trong những ngày tới, đảng Cộng Hòa sẽ có những buổi họp hành, hội thảo đủ kiểu để tìm hướng đi mới và người mới. Một tuần sau ngày bầu cử, đã có Đại Hội các Thống Đốc Cộng Hòa, tổ chức tại Miami. Sẽ còn nhiều buổi cãi cọ nữa.
Chúng ta không có khả năng lạm bàn về các giải pháp liên quan đến vấn đề thay đổi tư tưởng chỉ đạo của Cộng Hòa. Nhưng vẫn có thể điểm qua vài khuôn mặt của những người có thể là người mang thông điệp mới.
Những lãnh tụ mới của đảng Cộng Hòa hiện nay không ít, chỉ là chưa ai nổi trội lên thôi.
Có những lãnh tụ thế hệ cũ như các cựu ứng viên tổng thống kiểu cựu thống đốc Mitt Romney, cựu thống đốc Mike Huckabee, cựu thị trưởng Rudolph Giuliani. Nhưng mấy ông già này đã có dịp thử lửa, và có vẻ không lấy gì làm hấp dẫn cho lắm. Tư tưởng không có gì mới lạ. Khả năng thu hút quần chúng cũng tầm thường và giới hạn. Không ai có tư thế của một ngôi sao sáng. Những thăm dò dư luận sau ngày bầu cử cho thấy mỗi ông chỉ có trên dưới 10% hậu thuẫn trong đảng. Tất nhiên họ sẽ còn hiện diện một thời gian trên sân khấu chính trường Mỹ, nhưng ít có hy vọng nổi lên như là một lãnh tụ lớn.
Trong số những ông này, đã có dư luận ông Romney có nhiều hứa hẹn nhất. Thậm chí, có người còn cho rằng nếu McCain lựa ông Romney đứng cùng liên danh thì có thể đã thắng Obama. Ông McCain bị thua trong những ngày cuối do khủng hoảng tài chánh bùng nổ mà thiên hạ không tin là ông có đủ hiểu biết và khả năng giải quyết. Bà Palin dĩ nhiên không giúp ông McCain được gì trong vấn đề này. Nhưng ông Romney, với tư cách một doanh gia rất giàu và một thống đốc rất thành công trong chính sách kinh tế, sẽ có thể làm cho người ta tin tưởng liên danh Cộng Hòa hơn.
Hơn thế nữa, với cái đạo Mormon của ông Romney, có thể liên danh Cộng Hòa đã không thua ở Nevada và Colorado (là những tiểu bang rất đông dân theo đạo Mormon), mà lại còn có thể thắng tại Michigan, quê hương của gia đình Romney, nơi mà thân sinh của ông Romney đã từng là một thống đốc rất được hâm mộ.
Cũng có những ngôi sao mới bắt đầu nổi lên, tuy chưa sáng chói gì. Đó là khối các thống đốc trẻ có khuynh hướng ôn hòa, kể cả vài ông làm thống đốc các tiểu bang đã bỏ phiếu cho TNS Obama: các thống đốc Tim Pawlenty của Minnesota, Charlie Christ của Florida, Mitch Daniels của Indiana. Vấn đề là các ông này, ngoài dân của tiểu bang của họ ra, chẳng ai biết họ là ai, đã làm được gì, lập trường ra sao,
…
Cách đây ít lâu, có dư luận tung hô thống đốc Bobby Jindal -người gốc Ấn Độ- của Louisiana như là ngôi sao trẻ sáng chói, một lãnh tụ tương lai của Cộng Hòa. Nghĩ cho cùng, dường như phe Cộng Hòa thổi ông này lên chỉ cốt chứng minh mình cũng không kỳ thị, sẵn sàng ủng hộ một chính trị gia trẻ gốc thiểu số, na ná như Obama, chứ ông Jindal này chưa có gì chứng minh là xuất sắc khác thường cả.
Và dĩ nhiên là còn bà thống đốc Alaska, Sarah Palin.
Cách đây ba tháng cả thế giới chẳng ai nghe nói đến tên bà này, ngoại trừ khoảng một triệu người dân Alaska. Sự xuất hiện đột ngột của bà trên chính trường Mỹ, đặc biệt là qua bài diễn văn nẩy lửa bà đọc tại Đại Hội Đảng Cộng Hòa, là một quả bom gây chấn động cả thế giới.
Khối bảo thủ lên tinh thần, lần đầu tiên cảm thấy phấn khởi, hồ hởi với ông McCain, người mà từ trước đến giờ vẫn bị khối bảo thủ nghi ngờ là
… "cấp tiến nằm vùng". Bà là hình ảnh tiêu biểu của nữ lưu tỉnh nhỏ Mỹ, bình dân, bảo thủ, đặt nặng trọng trách gia đình nhưng cũng dám ra vác ngà voi cho thiên hạ, sống trong một gia đình có nhiều nét tiêu biểu của một gia đình Mỹ bình thường, với không ít những vấn đề phức tạp, tốt cũng như xấu, như con trai đi lính bên Iraq, con gái chưa chồng mà đã có bầu, và một đứa con khác bị tật bẩm sinh. Bà cũng có khả năng truyền đạt tư tưởng cho người khác bằng cách nói năng nhẹ nhàng, dễ hiểu, không phải kiểu đao to búa lớn như Obama.
Phe cấp tiến nhìn thấy ngay nguy cơ lâu dài của bà Palin, và đã đánh phủ đầu ngay từ khi tên bà được đưa ra công chúng. Họ thành công phần nào trong cố gắng chụp mũ "nhà quê ngớ ngẩn" lên đầu bà Palin. Trong tương lai, bà sẽ phải tốn công rất nhiều để xóa bỏ hình ảnh đó.
Không ai biết được vai trò của bà trong những năm tới sẽ như thế nào. Đương nhiên là bà sẽ vẫn là thống đốc Alaska, nhưng rồi sau đó ra sao thì khó ai biết được. Bà sẽ ra tranh cử thượng nghị sĩ? Hay tổng thống vào năm 2012? 2016? Có điều chắc chắn là Palin đã tạo được một thế lực khá mạnh sau lưng bà. Theo thăm dò sau ngày bầu cử, bà đã được sự hậu thuẫn của hai phần ba đảng viên Cộng Hòa. Hơn xa các ông Romney và Huckabee.
Dù cho bà chưa lên vai vế lãnh đạo đảng được, nhưng không ai không nhìn thấy hậu thuẫn Palin đang có. Trong cuộc họp của các thống đốc Cộng Hòa tại Miami, bà đi đâu là có khoảng hơn 200 ký giả bu theo trong khi các đồng nghiệp của bà chỉ có lác đác hai ba anh săn tin đến gần. Trong cuộc họp báo chung, hầu hết các câu hỏi đều nhắm vào bà, khiến vài đồng nghiệp phải than phiền, vì họ có cảm tưởng như đang đóng vai phụ diễn, làm "chậu kiểng" cho tân lãnh tụ đảng.
Dù sao thì đảng Cộng Hòa cũng còn bốn năm để chấn chỉnh nội bộ, tìm thông điệp và tìm lãnh đạo. Bốn năm trong chính trị Mỹ là bốn thế kỷ. Từ giờ đến đó, biết bao nhiêu nước sẽ chẩy qua cầu, ai biết được ai nổi ai chìm? Cách đây ba tháng, ai biết bà Palin là ai? Cách đây hai năm ai biết ông Obama là ai? Cũng cách đây hai năm, ai nghĩ được bây giờ bà Hillary đang xin job bộ trưởng gì đó với tổng thống Obama?
Cuộc bầu cử quốc hội năm 2010 tới đây sẽ cho ta thấy Cộng Hòa đã đi được bao xa trên con đường phục hồi tư thế của mình. (17-11-08)