Home Tin Tức Bình Luận Rầm rộ buôn lậu

Rầm rộ buôn lậu PDF Print E-mail
Tác Giả: HÀ LONG (Trangden)   
Thứ Sáu, 28 Tháng 11 Năm 2008 15:17

Muốn bắt buôn lậu phải có lệnh khám nhà, trong khi đó người đi buôn lậu thì như "trẩy hội". Thực tế này đang diễn ra khá rầm rộ tại các tỉnh có biên giới từ miền Nam ra miền Trung.

Miền Nam: Muốn bắt buôn lậu phải có lệnh khám nhà!

 

Lực lượng quản lý thị trường đang bắt giữ tàu buôn thuốc lá, là thứ hàng buôn lậu nhiều nhất. Ảnh: Hà Long

Khi giá xăng dầu giữa Việt Nam và Campuchia "xích lại gần nhau", tình hình buôn lậu xăng qua biên giới đã giảm đáng kể. Ngược lại, nạn buôn lậu rượu, thuốc lá ngoại,… từ bên kia Campuchia vào Việt Nam qua "cửa ngõ" Long An lại bắt đầu "ngóc dậy". Bọn buôn lậu tăng cường "nhập hàng" để chuẩn bị phục vụ cho dịp tết sắp tới. Tuyến biên giới huyện Đức Huệ (Long An) hiện nay có thể nói là "điểm nóng" về buôn lậu rượu, thuốc lá ngoại.

Bởi phía bên kia biên giới có 3 điểm tập kết hàng lậu để tuồn về Việt Nam: Tà Noi, Ba Thu, Giòng Két. Từ đây, rượu, thuốc lá lậu sẽ chuyển theo tuyến kênh Rạch Tràm (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) qua Kinh Cùng (xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa). Sau đó dùng xe gắn máy "bè" vào thị trấn Hậu Nghĩa (Đức Hòa) trước khi về TPHCM qua hướng Củ Chi. Nếu hướng đi này bị "dí" thì chuyển hướng từ Rạch Tràm đến bến Cây Xoài (xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa) để về Thái Mỹ (Củ Chi, TPHCM). Thời gian qua, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh Long An đã bắt giữ gần 150.000 gói thuốc lá, gần 10 tấn đường cát Thái Lan, hàng trăm chai rượu ngoại, 39 khối gỗ…; đồng thời gần 15.000 lít xăng dầu xuất lậu qua biên giới cũng bị thu giữ.

Tại tỉnh An Giang, cơ quan chức năng cũng vừa tổ chức tiêu hủy 293.066 gói thuốc lá lậu, nâng tổng số thuốc lá lậu đã tiêu hủy 6 đợt từ đầu năm 2008 đến nay lên 1.897.461 gói, tổng trị giá 10 tỷ đồng. Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Đinh Văn Tươi, giới đầu nậu buôn lậu thuốc lá trên tuyến biên giới An Giang dùng những thủ đoạn rất liều lĩnh. Thuốc lá điếu ngoại là mặt hàng gọn nhẹ nên họ thuê mướn dân đai vác có sức khỏe, chạy tiếp sức băng đồng vào mùa khô.

Còn mùa lũ, chúng sử dụng xuồng máy tốc độ cao luồn lách theo các kênh mương, lợi dụng cả đêm khuya để vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới; tập kết, phân tán vào các khu vực dân cư, tổ chức canh đường, sử dụng điện thoại liên lạc, dùng xe gắn máy xoáy nòng chạy vận tốc nhanh để vận chuyển vào nội địa. Việc ngăn chặn, đuổi bắt rất dễ gây ra tai nạn giao thông cho người đi đường.

Ông Tươi còn cho biết: Tuyến biên giới An Giang dài gần 100km nhưng quân số Hải quan quá mỏng nên khi bị phát hiện, các đối tượng đai vác vứt thuốc lá lậu vào nhà dân, lực lượng vào kiểm tra bị ngăn cản và đòi phải có lệnh khám xét nhà để không cho lực lượng kiểm tra vào hầu giúp dân buôn lậu tẩu tán hàng nhanh. Đối tượng vi phạm đa số là thành phần nghèo, không nghề nghiệp, sống chủ yếu bằng nghề chở thuê thuốc lá lậu.

Miền Trung: Buôn lậu như trẩy hội!

Càng về cuối năm, hoạt động vận chuyển hàng lậu trên QL9 (còn gọi là đường 9, Quảng Trị) càng trở nên náo nhiệt. Phương thức vận chuyển hàng lậu "thời mở cửa" cũng đã khác xưa rất nhiều, chỉ còn số ít được gùi cõng luồn lách qua cổng B, Cửa khẩu Lao Bảo, số lớn khác đi thẳng bằng động cơ hàng ngàn sức ngựa. "Đông Hà như cái túi chứa hàng lậu" - câu ví von của anh cán bộ quản lý thị trường Quảng Trị quả không sai. Tầm 12 giờ trưa, 5 giờ chiều và 4 giờ sáng, hàng lậu từ khắp mọi nẻo đường kìn kịt đổ về thị xã. Những bến xe, nhà dân, chợ lớn đều là những điểm tập kết hàng của cánh buôn lậu.

Những kho hàng lậu hình thành và tồn tại hàng chục năm qua ngay giữa lòng thị xã; các hoạt động buôn lậu ở đây diễn ra rất công khai. Từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, Hải quan tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, xử lý 1.162 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với trị giá hàng hóa phạm pháp tạm giữ ước tính 12,12 tỷ đồng. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là rượu ngoại, đường cát trắng Thái Lan, máy điều hòa nhiệt độ và nhiều loại hàng hóa khác. Hải quan tỉnh đã phạt vi phạm hành chính 1,22 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, số vụ bị xử lý này chỉ bằng 1% so với số vụ buôn lậu trót lọt trong thực tế!

Ông Dương Quốc Trinh, Trưởng thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp (Hướng Hóa), cho biết: Thôn có 220 hộ dân, 1.200 nhân khẩu định cư dọc 2 bên QL9 với chiều dài gần 4km, sát cổng B Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Lương Lễ còn có tên gọi khác là "Cua rạm", tức gùi cõng hàng thuê. Ở đây có trên 50% số dân làm "Cua rạm". Khoảng 16 giờ hàng ngày, trên những lối mòn thâm u hun hút giữa cánh rừng Đakrông, cánh quân cửu vạn đông tới hàng trăm người bám víu vào đá núi lên xuống những con dốc dựng ngược. Chúng tôi đánh liều vào rừng chụp hình, hóa ra cuối những lối mòn này, đều dẫn đến con đường độc đạo từ cổng B Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (khu miễn thuế) đến tập kết ở hai điểm - một ở phía trên Đội kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Quảng Trị, điểm còn lại ở dưới đội này, cách chừng 50m! Người gùi, người gánh, kẻ chạy bộ, người xe

máy..., nhộn nhịp như đi trẩy hội (!)

Bình quân mỗi ngày có trên 140 xe khách chạy tuyến Đông Hà - Lao Bảo. Chỉ cần dừng đôi ba phút trước Trạm kiểm soát liên ngành (bên cầu Đakrông) hay Đội kiểm soát Hải quan..., sẽ thấy các chủ buôn từ trên xe khách bước xuống mang theo nào là mực, thịt, cá, trái cây tặng các anh Hải quan. Thành ra, chẳng ai bận tâm có bao nhiêu chiếc xe lưu thông trên đường 9 và dân buôn lậu chở những gì (!)