Home Tin Tức Bình Luận Chống tham nhũng tại Việt Nam cần học kinh nghiệm Ấn Độ và Nigeria (RFA)

Chống tham nhũng tại Việt Nam cần học kinh nghiệm Ấn Độ và Nigeria (RFA) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang, RFA   
Thứ Năm, 04 Tháng 12 Năm 2008 00:44

 

 Trong một buổi họp báo của chính phủ gần đây, Tổng Thanh Tra chính phủ Trần Văn Truyền nhận định rằng tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng cần phải khắc phục. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam có những tuyên bố rất cương quyết về việc chống tham nhũng, nhưng những khẳng định này hầu như đã không cải thiện được tình trạng tham nhũng tại Việt Nam. Chống tham nhũng quả là một công việc không dễ dàng và đơn giản.Thông tin viên Hà Giang có bài viết tìm hiểu việc chống tham nhũng tại hai quốc gia Ấn Độ và Nigeria như sau.

 

Trong nhiều năm qua, chính phủ Việt Nam đã không ngớt kêu gọi dân chúng, cán bộ mọi ngành, các cơ quan, hội đoàn và giới truyền thông cùng nhau hỗ trợ việc ngăn chặn và chống lại nạn tham nhũng, nhưng dù đã có rất nhiều cố gắng, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam cho đến giờ vẫn không hề thuyên giảm mà ngày càng có dấu hiệu trầm trọng hơn. 

 

Trong bảng đánh giá mức độ tham nhũng năm 2008, tổ chức Minh bạch Quốc Tế đã xếp Việt Nam đứng thứ 121 trên 180 quốc gia, tụt xuống 10 bậc so với hai năm trước đây. 

 

Những sự kiện như vụ án tham nhũng PMU18 và gần đây nhất là sự kiện ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị công ty Pacific Consultants International, gọi tắt là PCI của Nhật tố cáo đích danh là đã nhận hối lộ nhiều lần; khiến dư luận ngày càng nghi ngờ quyết tâm và khả năng của chính quyền trong việc chống tham nhũng. 

 

Theo tổ chức Minh Bạch Quốc Tế thì nạn tham nhũng tồn tại khi một chính thể khuyến khích và dung túng nó. Ông Peter Eigen, sáng lập viên của Minh Bạch Quốc Tế phát biểu: 

 

Bài trừ tham nhũng đòi hỏi một bộ luật minh bạch được áp dụng nghiêm chỉnh, một chương trình hành động cụ thể, và nhất là vai trò độc lập của truyền thông trong việc phanh phui và đăng tải những tin liên quan đến tham nhũng. 

 

Thật ra, không riêng Việt Nam phải đối phó với tham nhũng. Tệ trạng này xuất hiện ở mọi nước trên thế giới. Tuy nhiên, điều mà các nhà phân tích coi như một quy luật là tham nhũng bao giờ cũng tỷ lệ nghịch với minh bạch. Cụ thể là nứơc nào báo chí càng tự do, quyền phát biểu ý kiến càng đựơc tôn trọng thì tham nhũng càng ít. Có thể lấy trừơng hợp của Ấn độ và Nigeria minh họa điều này.

 

Tại Ấn Độ, theo bản tường trình của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, đời sống của hơn 55% dân nước này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tham nhũng. Năm 2008, tổ chức Minh bạch Quốc Tế đã xếp Ấn Độ đứng thứ 85 trên 180 quốc gia, tiến lên được 5 bậc so với năm 2004.

 

Một trong những lý do của sự tiến triển này là nhờ Đạo Luật “Quyền Được Thông Tin” (Right to Information Act), được chính phủ Ấn Độ cho ra đời vào tháng 6 năm 2005. Đạo Luật này cho phép người dân được quyền chất vấn viên chức nhà nước về các quyết định của họ, được quyền duyệt các hồ sơ làm việc, và kiểm soát việc làm của các viên chức, nếu cần. Đạo luật cũng đòi hỏi các viên chức phải cho xem hồ sơ và trả lời những khiếu nại của dân trong vòng 30 ngày, nếu không thì sẽ bị nộp phạt.

  

“Quyền Được Thông Tin” đã mang công lý đến cho nhiều người dân thấp cổ bé miệng tại Ấn Độ như bà Faizabad, một người đã liên tục nộp đơn xin một việc làm mà bà hội đủ điều kiện tại một công sở, ròng rã trên 20 năm, nhưng lần nào cũng bị khước từ, mà không được cho biết lý do tại sao. Ông Amod Kumar, viên chức phụ trách hồ sơ khiếu nại của bà chia xẻ: 

 

Đây là một trường hợp đã kéo dài 20 năm, và giờ đây đạo luật Quyền Được Thông Tin không những đã giúp bà Faizabad nhận được việc, mà còn giúp cho chính quyền biết được những viên chức nào đã phạm luật trong việc xét đơn của bà.

 

Giới chức thẩm quyền tại Ấn Độ cho rằng giá trị lớn nhất của đạo luật Quyền Được Thông Tin là làm cho người dân tập thói quen đòi cho bằng được các thông tin liên quan đến những quyết định có ảnh hưởng đến đời sống của họ, và khiến các viên chức biết rằng việc làm của họ có thể sẽ bị người dân chất vấn. 

  

Tương tự như Ấn Độ, kể từ năm 1999, những nhà làm luật tại Nigeria, một quốc gia đông dân ở Tây Phi, đã cố gắng vận động cho dự luật có tên là Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Bill) được trở thành đạo luật, nhưng dự luật này đã bị Quốc Hội Nigeria bác bỏ lần thứ bẩy vào tháng 6 năm 2008.

 

Tuy chính phủ Nigeria chưa muốn cho người dân của họ được hưởng quyền Tự Do Thông Tin, nhưng lại cho phép một tổ chức có tên là The Nigerian Monitor, một tổ chức phi chính phủ có thiện nguyện viên khắp nơi, để xem xét, theo dõi và công bố tất cả những chi tiết về ngân sách của mọi hợp đồng lớn mà chính phủ Nigeria cho các nước khác đấu thầu.

 

Theo lời ông Lion Agwumezie, giám đốc của Nigerian Monitor thì thành công của họ nhờ vào hai yếu tố: Sự độc lập của tổ chức và nguồn thông tin tự do mà tổ chức này đã mang đến cho dân chúng. Những tường trình minh bạch về ngân khoản quốc gia dành cho những dự án lớn này đã khiến người ta chùn tay trong việc ăn hối lộ. Ông nói:

 

Mỗi người dân đều có quyền được biết tên những công ty đấu thầu với Nigeria, tên và địa chỉ cũng như số phôn của người đại diện cho những công ty này. Sẽ không bao giờ có chuyện một công ty “ma”được trúng thầu từ chính phủ Nigeria nữa. Người dân Nigeria cũng có thể theo dõi xem những dự án đã được hoàn tất được đến đâu rồi, cũng như hiểu những yêu cầu kỹ thuật của từng dự án…

 

Kinh nghiệm của hai nước Ấn Độ và Nigeria cho thấy mẫu số chung trong thành quả chống tham nhũng của cả hai quốc gia này là sự tự do thông tin, nhờ vào đó các cơ quan công quyền phải trả lời cho việc làm của mình trước người dân.

 

Trong khi đó, dư luận cho rằng vì chưa có tự do báo chí, và vì người dân không có quyền được thông tin đầy đủ cho nên việc chống tham nhũng tại Việt Nam xét ra vẫn chỉ là những lời khẳng định không thể thực hiện được./.