Home Tin Tức Bình Luận Câu chuyện Thái Lan

Câu chuyện Thái Lan PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Năm, 04 Tháng 12 Năm 2008 12:43

Trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2000, giai đoạn mà Thái Lan đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất, chính trị Thái đã trải qua một giai đoạn tuy có thể bị chê là thiếu ổn định nhưng lại rất dân chủ và bao dung.

Ðó là giai đoạn mà Thủ Tướng Chuan Leekpai của đảng Dân Chủ cầm đầu một chính phủ liên hiệp. Không phải người Bangkok, cũng không thuộc hàng ngũ của khối lãnh đạo bao gồm các tướng lãnh, một số nhân vật thân cận hoặc thuộc hoàng gia, ông Chuan Leekpai chỉ được tiếng là “Mr. Clean”. Chính phủ của ông không tồn tại lâu nhưng trong hai lần ông nắm chức thủ tướng, ông đã tạo được một bầu không khí dân chủ trong một tinh thần Phật Giáo đáng kính nể.

Tôi còn nhớ vụ các sinh viên Miến Ðiện đột nhập vào cướp Tòa Ðại Sứ Miến vào Tháng Mười năm 1999. Cùng với nhiều đồng nghiệp Thái có, ngoại quốc có, chúng tôi chờ chực trước cửa tòa đại sứ. Ðột nhiên ông bộ trưởng nội vụ xuất hiện. Giáng người nhỏ bé, Sanan Kajornprasart là một cựu tướng, nhưng ăn nói rất nhỏ nhẹ, và cử chỉ thật hiền lành. Khi bị báo chí hỏi chính phủ sẽ làm gì, ông nói là sẽ điều đình và không tấn công vì “họ là sinh viên chứ đâu phải là khủng bố.” Vụ đó được giải quyết ổn thỏa, không một phát súng, với chính ông phó thủ tướng tự dùng mình làm con tin để đưa những sinh viên Miến đến một an toàn khu ở vùng biên giới, giải cứu cho các con tin trong Tòa Ðại Sứ Miến.

Nhưng ông Chuan đã thất bại trước đảng Thai Rat Thai vì ông đã vâng lời Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), áp dụng chính sách kinh tế khắt khe mà quĩ áp đặt khi Thái phải ngửa tay đi vay IMF. Chính sách thắt lưng buộc bụng mà IMF đòi hỏi đã làm cho chính phủ bị mất uy tín. Thực ra chính sách đó đã giúp đặt nền tảng cho phát triển sau này mà chính phủ Thai Rat Thai của ông Thaksin Shinawatra hưởng lợi. Ðảng ông đã thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 2001 khi ông thành công trong việc vẽ ra hình ảnh của đảng Dân Chủ là “khinh thường” sự đau khổ của người dân Thái.

Nhờ luận điệu đó, ông Thaksin đã trở thành thủ tướng. Nhưng sự thành công của ông đã tạo nên một sự chia rẽ trầm trọng trong chính trị Thái, một sự chia rẽ theo vùng và theo giai cấp, và là một sự chia rẽ được ông cố tình khơi dậy nhưng cũng lại càng nung nấu thêm bởi thái độ của chính nhóm cầm quyền ở Bangkok qua hành động của nhóm tự gọi là Liên Minh Nhân Dân Vì Dân Chủ (The People's Alliance for Democracy - PAD).

Với sự hỗ trợ của những nhân vật đầy quyền lực trong quân đội và ngay cả một số nhân vật từ hoàng cung, PAD, mà thành viên mặc áo T-shirt màu vàng vì đó là màu của hoàng gia, đã lật đổ một thủ tướng và hai bộ trưởng. Chính phủ hiện nay đang lâm nguy, cầm đầu bởi người em rể của ông Thaksin, đã cố phản đối một cách vô vọng là họ được dân bầu lên chưa đầy một năm. Nay thì họ cũng đã chống trả bằng một số những cuộc biểu tình biểu dương lực lượng của những người mặc T-shirt màu đỏ. Cuộc tranh giành nguy hiểm giữa hai nhóm chính trị đều tham quyền cố vị này đã trở thành là một trò chơi thắng ăn cả ngả về không. Và nó đã tạo chia rẽ sâu đậm trong xã hội Thái.

Phóng viên Ðông Nam Á đài BBC Jonathan Head kể lại là ở Udon Thani, thủ phủ của tỉnh Ðông Bắc ráp ranh với Lào và là một trong những cứ địa của ông Thaksin, một đài phát thanh địa phương đã phát lên những lời kêu gọi đấu tranh ủng hộ cho ông Thaksin. Gọi vào một talk show, một bà cụ nhắn nhủ quân đội là “Nếu làm đảo chánh lần nữa thì tôi sẽ mặc toàn màu đỏ, từ quần lót đến ngón tay, và tôi sẽ nhảy ra trước xe tăng của các ông, và các ông sẽ phải đè chết tôi nếu muốn tôi im tiếng.”

Trong khi đó ở Bangkok, một người tại một cuộc biểu tình của PAD khoe với nhà báo “Ông thấy đấy, tất cả những người ở đây, họ là những người có học. Những người ủng hộ đảng của chính phủ, họ đều là kẻ vô học, đặc biệt là người Ðông và Ðông Bắc.” Ðó là thái độ điển hình của các ủng hộ viên của PAD, luôn ngầm ý là nhiều triệu nông dân vốn tiếp tục bỏ phiếu cho đảng Thaksin hoặc là bị mua chuộc hoặc không biết họ làm gì. Và đó là lý do tại sao PAD đòi lật ngược lại lịch sử, sửa hiến pháp để trở lại thời mà đến hai phần ba quốc hội do quân đội và hoàng gia chỉ định.

Nhưng thái độ đó của PAD làm bà Ankham Ratanasingha nổi giận. Bà là một trung nông ở vùng Udon Thani. Bà công nhận phải bỏ học năm 10 tuổi nhưng cả hai đứa con của bà đều tốt nghiệp đại học. “Nếu PAD không thuyết phục nổi tôi về cái trò Dân Chủ của họ có thể giúp gì cho những người ở quần chúng như tôi thì tôi sẽ chống lại họ đến hơi thở cuối cùng. Họ phải kính nể chúng tôi, chứ chúng tôi đâu phải là dun dế họ có thể đè bẹp ở dưới chân,” bà nói.

Giáo Sư Attajak Satayanutak của viện đại học Chiang Mai thì giải thích “Vấn đề của cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan là vì nó là một cuộc đấu tranh giai cấp. Chúng tôi có một hố sâu giữa người giàu và người nghèo. Người nghèo không được hưởng gì từ chính quyền trong nhiều năm. Rồi, lần đầu tiên, Thaksin cho họ cơ hội.”

Mà quả thật, ở vùng Isaan, tức là vùng Ðông Bắc Thái, vốn nghèo nàn và khô cằn, khác hẳn vùng đồng bằng phì nhiêu quanh Bangkok. Dân chúng địa phương ca tụng những chính sách mà PAD bảo là mị dân, như y tế công cộng cho toàn dân và các kế hoạch cho vay làng xã, đã giúp cải thiện đời sống của họ. Và điều quan trọng hơn mà họ thường nhắc đến đó là ông Thaksin đã đem lại cho họ một niềm kiêu hãnh. Họ nói là họ có cơ hội tự cải thiện, mà không làm cho họ cảm thấy bị coi như kẻ đi ăn xin. Họ gạt sang một bên những cái xấu của ông như việc lạm quyền, vi phạm nhân quyền và kiêu căng, kiêu căng đến mức dám có ý định biến Thái Lan thành một nước Cộng Hòa, hủy bỏ vương quyền.

Isaan vốn trong nhiều năm bị coi như là kẻ nhà quê, ông xã xệ đối với Bangkok. Tiếng nói của họ quê mùa, gần tiếng Lào hơn tiếng Thái. Và đa số dân chúng ở đó lên Bangkok làm công, làm thợ. Nhưng Isaan có một điều mà Thaksin thấy rõ, đó là toàn vùng chiếm đến một phần ba tổng số cử tri. Và ông ta là chính trị gia đầu tiên đã cố tình theo đuổi mua chuộc họ trực tiếp thay vì dựa trên những tay cai hay bố già địa phương như các chính trị gia khác. Và qua việc này ông đã thức tỉnh ý thức chính trị của Isaan. Họ nổi giận khi nghe luận điệu của PAD nói là họ theo ông Thaksin chỉ vì ngu dốt và bị mua chuộc. Hơn thế nữa trong cuộc biểu tình biểu dương lực lượng, nhóm ủng hộ ông Thaksin còn có ông Chaturon Chaiseng, một cựu lãnh tụ sinh viên cánh tả đã chống lại quân đội từ cuối thập niên 1970. Ðằng sau ông Chaturon là một tấm biểu ngữ với hàng chữ “NO MORE COUP” . Nó không phải là một lời kêu gọi mà là một khuyến cáo. Một người trong đám biểu tình nói “Nếu quân đội tổ chức đảo chánh lần này, đất nước sẽ chia đôi, sẽ có nội chiến.”

Nếu quả vậy thì thật hết sức đáng buồn. Ðông Nam Á đã có quá ít nền dân chủ thực sự, nên mất đi một sẽ là mất mát vô cùng lớn.