Home Tin Tức Bình Luận Thầy Khoa khóc trên TV

Thầy Khoa khóc trên TV PDF Print E-mail
Tác Giả: Thành Nhân   
Thứ Bảy, 06 Tháng 12 Năm 2008 21:16

“…  Trong một nền giáo dục như mọi người đều biết thì thầy cô giáo bị lăng nhục là tất yếu. Thể chế như thế, thầy cô như thế, giáo dục như thế thì sản phẩm của giáo dục như thế, trong một thời gian dài thì nó ắt là thế! …”

Trên thế gian này không có gì sống mãi. Không có gì giấu vụng mãi, rồi sẽ đến ngày lũ súc sinh bị phơi bày. Chuyện của thầy Khoa cũng vậy! Thầy bận gì mà khóc! Người quân tử khi làm việc ngay chính thì lũ tiểu nhân hiểu làm sao được. Đã là tiểu nhân tức là nhân cách bé, nhân cách bé tương đương, thì thầy khóc làm gì! Biết vậy, nhưng lương tâm ta rậm rịch, nhức nhối buộc ta đi tìm câu trả lời.

Đã nhiều năm chạy theo thành tích - dối trá của ngành giáo dục Việt Nam. Đâu đâu cũng đỗ tốt nghiệp 100% trong khi kiến thức nền, căn bản không có gì, đạo đức xuống cấp, huỷ hoại nghiêm trọng, trò xúc phạm thầy cô, thầy cô dánh đập, chửi bới lăng mạ học trò, bắt học trò liếm ghế ngồi, thậm chí dán băng keo vào miệng trẻ!...

Hồn cốt dân tộc và tri thức nhân loại cả ngàn năm đều ẩn chứa trong sách vở, song chiến tranh liên miên, khi hoà bình vãn hồi, lại đấu đá liên miên. Và rồi sách vở thay xoành xoạch, đến các thầy ăn học chu đáo còn không theo kịp huống hồ lũ học sinh phần lớn là nghèo, trước đây đói kém rã họng, nền bao cấp kéo dài, không chết như năm 45 là may! Học gì!

Chính vì thế mà sản phẩm của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam thành thiếu tri thức hoặc chắp vá, vô văn hoá, đạo đức kém trên phạm vi miền Bắc trong một thời gian dài kể cả một số quan chức. Xin cứ xem hành vi của họ thì sẽ rõ. Ai cũng thấy điều ấy, mà ai cũng im! Chờ đến Thầy Khoa - một thầy giáo vừa điếc, vừa nói không được trôi chảy, lên tiếng về vụ thi cử ở Trường Phú Xuyên A - Hà Tây cũ, quen thói gian manh trong thi Tốt nghiệp! Thì mới có cuộc đổi đời "2 không" của ngành giáo dục Việt Nam. Thế mà ...! Thật không may cho thầy Khoa, ông Nguyễn Thiện Nhân vừa lên Bộ trưởng, vừa chưa có chuyện gì để gây dấu ấn, sân khấu đã bầy ra mà chưa có vai diễn! Thế là ông Nhân nhận vai người hùng đi bênh anh giáo điếc mong diễn một vai để đời cho ngành giáo dục đầy thương tật của nước nhà hiện đang tụt hậu trong thế giới văn minh! Việc này TV, Báo chí đã om sòm một thuở... Còn thầy Khoa thiếu cảnh giác “cách mạng” (!) để đến nông nỗi này, chắc thầy chưa được đọc về số phận của ông Tướng Quắc chống tham nhũng chăng? Hay thầy chưa biết đến anh Tấn Dũng chống tham nhũng thế mà còn cứng họng nữa là...

Sau vở kịch nhỏ và vai diễn lấy tiếng của ông Nhân, mọi chuyện lại trở về như cũ. Đám bậu xậu về phòng lạnh ngồi viết báo cáo, thành tích, phong bì bỏ túi. Còn thầy Khoa chìm đắm vào lòng tin tất thắng, như chúng ta đã từng tin "chủ nghĩa tư bản giẫy chết" của những kẻ thối mồm một thuở! Trên đời có cái gì cứ cương thế mãi được đâu!

Thầy Khoa được tiếng là người hùng trong việc chống tiêu cực của ngành giáo dục, được nhận bằng khen của ông Bộ trưởng được lên TV, làm khách mời danh dự của chương trình "Người Đương Thời"… Thầy tự ra ứng cử đại biểu quốc hội với kết quả không có phiếu nào ủng hộ thầy, trong khi việc thầy làm đã được nhân dân cả nước ủng hộ! Đó là giây phút thăng hoa, khuếch tán nhất trong đời thầy. Nghe đâu thầy mân mê tấm bằng khen đến phát rồ! Còn bây giờ thầy đến trường bị đồng nghiệp xa lánh, học sinh e dè, hàng ngày bị đe doạ, gọi điện khủng bố lúc nửa đêm. Thầy đang sống trong nỗi sợ hãi và cô đơn. Chả lẽ cái đúng lại chết thế này ư? Chả lẽ con mãnh thú lại bị đám linh cẩu xơi tái thế này ư? Thầy cứ tưởng linh cẩu không ăn thịt cọp à? Như đơn tố cáo của thầy thì trường Vân Tảo của thầy là địa ngục của Pôn Pốt! Ai bảo trợ nó hả trời!

Ở đâu cũng có Đảng! Đảng sáng suốt và lãnh đạo toàn diện cơ mà! Nhưng Đảng là ai? Phẩm hạnh thế nào thì có lẽ chỉ có Bác Hồ mới trả lời được câu trắc nghiệm này! Giá mà thầy Khoa đừng điếc thì mọi sự có thể khác. Song người quân tử khi vứt bỏ mạng sống của mình vì cái lý đúng thì đã là người vĩ đại! Không cần đảng phái nào, tổ chức nào, cá nhân nào bênh vực! Tự nó được tôn vinh! Vậy thì tại sao thầy khóc nức nở trên TV?

Tôi là người xem, chỉ biết đoán là thầy khóc vì lòng tin đã chết mất rồi! Tôi mạn phép so sánh giữa hai chế độ: ở Miền Nam dưới chế độ "Mỹ - Nguỵ" đố kẻ nào dám bắt nạt thầy cô, dù hắn nhân danh Chính phủ, cảnh sát, hay kẻ côn đồ. Học trò kính cẩn, yêu thương thầy như nhất, đi ra đường bà con nhân dân tôn trọng, cúi mình. Vì họ học tự do, dân chủ, nền tảng của văn minh công bằng thực sự. Những giáo viên Sài Gòn mà tôi đã được tiếp xúc khi đi ôn thi Đại học ngay sau giải phóng 1975, thấy họ là những người có kiến thức đồ sộ trên nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật, hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, triết học, điện ảnh, họ thường có hai ngoại ngữ Anh, Pháp, họ cư xử lễ độ, nhã nhặn, ăn nói khúc chiết, mô phạm. Điều ấy làm tôi kinh ngạc, và nhận ra một điều rằng: ai có ăn, có học tử tế ở một xã hội dân chủ và văn minh.

Trong nền tảng xã hội có luật pháp công minh thì nói chung họ là những người đáng kính, còn ở trường Thầy Khoa xem ra ngại quá! Đọc đơn tố cáo của Thầy thấy sợ quá! Ông Hiệu trưởng chửi cả Bộ trưởng Bộ giáo dục công khai trước giáo giới một cách thô tục như vậy thì ngại quá. Đó là hành vi của lũ lưu manh, thảo khấu, ma cô chứ còn gì là trí thức nữa! Và ta cũng phản biện rằng tư cách ông Bộ trưởng thế nào mà bọn người này dám lăng mạ như vậy! Câu phản biện này cũng chỉ có Bác Hồ mới trả lời được! Ta buột miệng thở dài mà rằng: "Bác Hồ ơi! muốn học tập Bác quá mà đành chịu! Thôi thì chào thua sớm cho vuông!"

Trong một nền giáo dục như mọi người đều biết thì thầy cô bị lăng nhục là tất yếu. Thể chế như thế, thầy cô như thế, giáo dục như thế thì sản phẩm của giáo dục như thế, trong một thời gian dài thì nó ắt là thế! Thế mới hay cái gốc rễ để thành người quan trọng thế! Là con người mà cha mẹ hắn còn không hiếu lễ, thờ phụng. Vợ con hắn còn bị vùi dập, sỉ nhục, anh chị em hắn còn bị hắn ngoảnh mặt, Thiêng liêng như nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm còn tàn phá không e dè, huống hồ thầy Khoa đã là cái đinh gì mà hắn không xúc phạm! Nghĩ về trí thức ta thế mà buồn. Nghĩ về cái lý gì đã đưa trí thức ta đến nông nỗi ấy mà cay! Ngày mai đây, bước chân xuống mồ nếu còn ngẫm nghĩ được về thân phận làm thầy như thầy giáo Khoa, chắc không ít người hãy còn cay! Than ôi!

Gầm trời một cõi đất này
Kiếp người là một kiếp Thầy là hai ...

Cho dù tôi phải hoá thành kiếp khác thì tôi vẫn kính trọng Thầy Khoa và nguyền rủa linh cẩu. Cũng như tôi tin ông Nhân nào đó sẽ toàn tâm toàn ý cho ngành giáo dục “ta”, để sau vài ba chục năm nữa ta sẽ có một nền giáo dục đạo đức ngang bằng anh bạn Lào!

Hà Nội, 23/11/2008