Home Tin Tức Bình Luận Joseph Cao và một cộng đồng chuyển hóa

Joseph Cao và một cộng đồng chuyển hóa PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng   
Thứ Năm, 11 Tháng 12 Năm 2008 12:43

December 09, 2008

Một sức mạnh của dân tộc Việt Nam là tổ chức làng xã, các nhà xã hội học như Paul Mus đã xác nhận. Người Việt mở cuộc Nam tiến, đi tới đâu lập làng tới đó, bám lấy đất, mọc rễ, sinh sôi và bành trướng. Họ là những người dân khai phá. Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long là kết quả của nhiều thế kỷ khai phá như vậy, mặc dù người Khmer đã đến trước và mở mang rất nhiều.

Năm 1975 có những nhóm người Việt di tản sang Mỹ mang theo cả “làng xã.” Như ở làng Versailles, thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, nơi đã gửi cho nước Mỹ vị giám mục người Việt đầu tiên, và một dân biểu Hạ viện đầu tiên. Ðức Giám mục Mai Thanh Lương, hiện ở Quận Cam, và Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh, mới đắc cử, đều xuất thân từ làng này. Ðó là hai “người Việt đầu tiên” lãnh những trách nhiệm cao cấp về tôn giáo và chính trị trong xã hội Mỹ. Chủ Nhật vừa qua, Joseph Cao được nhiều người Mỹ đón ông xin ký tên trên tờ báo loan tin ông đắc cử, vì muốn sưu tầm một “dấu tích lịch sử!” Người Việt ở khắp nơi chia sẻ niềm vui này, điện thư bay tới tấp báo tin cho nhau.

Nhiều người Việt đến nước Mỹ mang theo va li, những người dân Versailles đã tới Mỹ với tinh thần khai phá. Nhiều người đã di cư từ Bắc vào Nam năm 1975, họ đã khai phá một lần; khi tới Louisiana họ bắt đầu những cuộc khai phá mới. Vì lúc đó Versailles là một vùng đất gần như bỏ hoang, mang cái tên của khu chúng cư Versailles Arms do chính phủ bảo trợ ở phía Ðông New Orleans. Những người Việt tới đó đã “chọn nơi này làm quê hương,” bắt đầu phá rừng, chặt cây, lấp đầm lầy, vỡ đất, làm nhà, họp chợ, và ngày Chủ Nhật thì đi lễ. Những người chủ đất cho họ được tự do, để sau đó mới xây nhà bán dần dần cho những người dân kiếm ra tiền trên đất mới. Cứ như thế, một vùng “rừng núi sình lầy” đã biến thành một làng trù phú. Và tinh thần làng xã, đã được mang từ Bắc vào Nam, rồi từ Nam sang Mỹ, vẫn được người dân ở đó bảo tồn.

Người dân Mỹ chung quanh biết đến đám người Việt “hai lần tị nạn cộng sản” này như những con người cần cù, chịu khó, ngoan đạo, lễ độ, tiết kiệm, và nhà nào cũng lo cho con cái học lên tới bậc đại học. Ðó là một cộng đồng chặt chẽ, có trật tự, và biết dạy bảo lẫn nhau. Các ông cha xứ, những ông trùm áo dài trắng, những cụ bà răng đen, chiết khăn mỏ quạ, vẫn dậy bảo con cháu giữ luân thường đạo lý. Cảnh sát của thành phố hay của tiểu bang không mấy khi được gọi tới làng để phân xử những vụ tranh tụng; thậm chí không thấy xe cảnh sát vào làng ghi giấy phạt xe đậu chỗ cấm.

Nhưng dân Mỹ ở New Orleans và Louisiana chỉ chú ý đến người dân Versailles (và dân Việt tị nạn khắp nước Mỹ nói chung) nhiều nhất là sau một trận thiên tai lịch sử. Tháng Tám năm 2005 bão Katrina tàn phá tiểu bang Louisiana và các vùng lân cận. Những người sống ở vùng đất thấp đều được lệnh di tản, nhiều người đi rồi không trở lại nữa. Nhưng dân Việt ở Versailles là những người bám lấy đất. Sống thoát sau cơn hoạn nạn, người ta lại càng bám lấy đất. Sáu tuần lễ sau cơn bão, dân Việt tị nạn đã trở về nhà, quét dọn bùn lầy, sửa chữa và xây dựng lại. Bốn tháng sau, một nửa dân làng Versailles đã trở về, trong khi phần lớn thành phố New Orleans vẫn còn bị bỏ trống. Cha xứ ở Nguyễn Viên nhà thờ Queen Mary nói, “Trước trận bão Katrina, nói đến quê hương là chúng tôi nghĩ đến Việt Nam. Sau Katrina, chỗ này là quê hương.” Người Việt tị nạn ở nhiều nơi khác cũng kéo nhau đến Versailles để tham gia việc tái thiết.

Cơn bão Katrina khiến cho thành phố New Orleans mất một phần ba số dân nửa triệu người, vì nhiều người không trở lại. Nhưng trong số 25,000 người dân Việt ở đây, 90 phần trăm đã trở lại trong chưa đầy 2 năm. Khi bà Oprah Winfrey làm buổi ti vi kỷ niệm hai năm bão Katrina, bà nhờ người tìm một gia đình Việt Nam nào đang xây lại nhà cửa để mời lên show. Người ta không tìm được ai cả. Người Việt nào cũng đã tái thiết xong nơi mình ở rồi.

Trận bão Katrina làm dân Lousiana ngạc nhiên trước sức mạnh tập thể của người Việt Nam. Khu người Việt ở là những nơi người dân tự động tái thiết trước hết, không ai chờ những chương trình cứu trợ của nhà nước. Và mọi người giúp nhau không nề hà, ông cha xứ cũng cầm cuốc, cầm xẻng, cưa gỗ, quét sơn. Người Việt trở về nhà, hàng năm sau mới nhận được ngân phiếu cứu nạn của chính phủ Mỹ.

Và dân Louisiana còn kinh ngạc thêm trước những cuộc tranh đấu của người dân Việt, khi họ đòi chính quyền ngưng sử dụng vùng đất Chef Menteur cách làng ba cây số làm nơi đổ rác, những đống rác vĩ đại tổng cộng 22 triệu tấn khi dọn dẹp cả thành phố sau khi nước rút.

Cuộc tranh đấu bảo vệ môi trường sống này đã chuyển hóa người dân Versailles và các đồng bào Việt Nam trong thành phố. Từ những cộng đồng khép kín, người Việt đã tham dự, đã hội nhập vào xã hội Mỹ trên những mặt chính trị, xã hội, và đóng vai trò lãnh đạo. Người dân Việt ở Orleans đã sử dụng mọi phương tiện hợp pháp để tranh đấu: Kiến nghị đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Họp báo để tạo dư luận tốt. Mời mọi nhóm sắc tộc tham dự. Biểu tình trước tòa thị chính. Ông thị trưởng không đồng ý thì thưa lên tới Sở Bảo Vệ Môi Trường. Kiện các cơ quan công quyền ra trước pháp luật. Khi hội đồng thành phố họp, nhiều cụ già Việt Nam đến nghe, đeo trên tai máy nghe tiếng người thông dịch đồng thời. Tuy các cụ không nghe thủng hết tiếng Mỹ nhưng các cụ hiểu ở nước Mỹ người dân có những quyền nào và trách nhiệm ra sao.

Tháng Tám năm 2006, cuộc tranh đấu thành công. Chef Menteur không còn là khu đổ rác nữa. Và một cộng đồng Việt Nam đã lớn lên, đã chuyển hóa. Căn bản của sự chuyển hóa này là sự tham dự của những người tị nạn vào cuộc sống chính trị nước Mỹ, sử dụng những phương tiện, những luật lệ, những phương pháp đấu tranh cho công ích. Có thể nói, sau 30 năm tị nạn đến xứ này, một cộng đồng đầy tính chất Việt Nam, một làng xã Việt Nam chứ không phải chỉ những cá nhân, đã “Mỹ hóa!” Cộng đồng đã Mỹ hóa theo ý nghĩa đẹp nhất của từ này, Mỹ hóa trên mặt chính trị, họ cầm trong tay những khí cụ mà thể chế tự do dân chủ cung cấp cho mọi người dân để bảo vệ những quyền chính đáng của họ. Trong khu phía Ðông thành phố New Orleans nhiều bảng nhỏ viết tên “Việt Village” được treo lên. Người Việt ở đây nuôi tham vọng cạnh tranh với khu Pháp (French Quater) lịch sử.

Trong khung cảnh cuộc chuyển hóa đó, Joseph Cao Quang Ánh đã đắc cử dân biểu Hạ Viện, đánh bại một dân biểu đương nhiệm đang bị truy tố 16 tội về tham nhũng. Joseph Cao đã tham dự vào những cuộc vận động của dân Việt trong vùng, cũng như đã làm những công tác thiện nguyện ở trại tị nạn của người Việt ở Hồng Kông, hay sang Mexico giúp người nghèo khó. Anh cũng thuộc Boat People SOS, một tổ chức hiện đang tranh đấu giúp cả những người công nhân Việt Nam đi bán sức lao động ở Mã Lai Á và bị chủ nhân bóc lột.

Nhiều yếu tố tình cờ giúp Joseph Cao thắng, mặc dầu Dân Biểu Jefferson gốc Phi Châu, đảng Dân Chủ, mà 60% dân trong đơn vị cùng mầu da với ông. Trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng Dân Chủ ngày 4 Tháng Mười Một, có 164 ngàn người đi bầu, có 25% chọn Jefferson trong số 6 người muốn đại diện đảng Dân Chủ. Nhưng cũng trong ngày đó, Tổng Thống Tân Cử Barack Obama đã chiếm được 75% số phiếu tại đơn vị này. Nhưng trong cuộc bỏ phiếu bầu thật ngày Thứ Bẩy vừa qua, được ít người chú ý, chỉ có gần 67 ngàn người đi bầu. Joseph Cao thắng đối thủ với mức chênh lệch dưới 2000 phiếu. Jefferson đã chi hơn 2 triệu đô la trong cả cuộc vận động. Joseph Cao chỉ gây quỹ được trên 200 ngàn đô la, và được đảng Cộng Hòa ở trung ương giúp thêm 42 ngàn nữa. Ðể bù lại, Joseph Cao đã được cả những chính trị gia đảng Dân Chủ ủng hộ.

Trong thời gian qua, thành phố New Orleans và tiểu bang Louisiana cũng thay đổi. Họ đã bầu ông Bobby Jindal, một người gốc Ấn Ðộ, làm thống đốc. Trong cuộc bầu cử vừa rồi, có người đã đề nghị Nghị Sĩ John McCain chọn ông Jindal đứng chung vai phó tổng thống! Trong khu thương mại của người Việt đã có nhiều gia đình gốc Mexican đến cư ngụ, quán taco mở ra bên quán phở, dược sĩ người Việt phải cầm cuốn tự điển Enghish-Espanol để tiếp khách hàng. Joseph Cao có hy vọng tái cử trong 2 năm tới nếu chứng tỏ được ông không phải chỉ đại diện cho người Việt Nam. Ông sẽ phải bảo vệ những lá phiếu của người da trắng, thu hút người Mỹ gốc Latino và cả người da đen.

Nam 1975 khi Joseph Cao lên tám, được mẹ gửi bà con lên máy bay sang Mỹ. Năm sau cậu nhận được thư của bố, viết từ trong nhà tù “cải tạo” ra, khuyên con hãy cố gắng học hành và trở nên người hữu dụng cho xã hội. Bây giờ cậu con trai sẽ chứng tỏ cậu là một người hữu dụng, để đền đáp công ơn cha mẹ. Như Linh Mục Nguyễn Hùng Dũng ở New Orleans nhận xét, việc đắc cử của Joseph Cao cũng là để đền đáp cho những hy sinh, nhẫn nhục và công xây dựng của nhiều thế hệ di dân người Việt.

Joseph Cao nói thành thật, anh chưa bao giờ mơ đến chuyện trở thành một dân biểu liên bang! Một người Việt, mới 41 tuổi, mang thắng lợi về cho đảng Cộng Hòa tại một đơn vị đã bầu cho đảng Dân Chủ từ mấy chục năm nay. Giống như một phép lạ! Phép lạ này chỉ trong một chế độ tự do dân chủ mới xảy ra. Sau khi Joseph Cao thành công, các bạn trẻ người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước có thể thấy nhiều hy vọng ở tương lai.