Tuần trước, trên Người Việt đã đăng lời bàn của Giáo Sư Trần Gia Phụng về bản tin giới thiệu
một cuốn sách in ở Ðài Loan, chứng minh nhân vật Hồ Chí Minh là một người Trung Hoa mạo danh. Còn nhân vật Nguyễn Tất Thành thực sự đã chết vì bệnh lao từ năm 1932 rồi. Bản tin đó đã được chuyền nhau trên mạng lưới từ Tháng Mười Một, những nguồn tài liệu đã được bài của Trần Gia Phụng giới thiệu đầy đủ. Nhưng khi nhận được tin từ các nguồn đó, phản ứng của đa số người đọc là không tin có ai lại đóng vai giả mạo giỏi đến như vậy. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên có người nêu lên vấn đề “Hồ thật, Hồ giả,” vì cái tin Nguyễn Ái Quốc chết vì bệnh lao trong tù đã được biết từ lâu. Các sử gia vẫn còn thấy một khoảng trống trong một thời gian không ai biết Hồ Chí Minh đang ở đâu, vào khoảng những năm 1932-33.
Bản tin về cuốn sách được đưa ra trong lúc tại Việt Nam đảng Cộng Sản đang tổ chức một hội nghị Việt Nam Học, trong đó nhiều nhà nghiên cứu nói về quan hệ giữ Hồ Chí Minh và Liên Xô, có người cũng đưa ra giả thuyết rằng Hồ Chí Minh không phải là người tin theo chủ nghĩa Cộng Sản mà chỉ theo mục tiêu độc lập dân tộc. Tức là ông Hồ chỉ giả bộ tin cộng sản để được Stalin sử dụng như một cán bộ của Ðệ Tam Quốc Tế, rồi nhân đó được giúp đỡ để chống Pháp, giành độc lập cho Việt Nam. Ðây lại là một vấn đề “Hồ thật, Hồ giả” nữa. Có lẽ vấn đề “Hồ thật, Hồ giả” thứ nhì này mới quan trọng, mà lại dễ xét đoán hơn.
Theo cuốn sách Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo, xuất bản tại Ðài Loan vào tháng Mười Một 2008, thì người được gọi là “Bác Hồ” tên thật là Hồ Tập Chương cùng là người Hẹ (Hakka), sinh ở Ðài Loan trong cùng một gia tộc với tác giả, giáo sư Hồ Tuấn Hùng. Cựu Tổng Thống Ðài Loan Lý Ðăng Huy, cựu Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu cũng là người Hẹ. Ông Hồ có bị bệnh lao và vào nhà thương cuối năm 1931 thật, nhưng ông Hồ Tuấn Hùng nói ông thấy cả giấy khai tử, phải chờ người giảo nghiệm mới biết được. Trong năm 1933 mật thám Pháp được tin chỉ điểm nói ông ta đang ở Thái Lan, hoặc ở Nam Ninh, rồi lại có tin ông ta đội tên là Mr Lung, và đang ở San Ðầu. Ông Hồ Tập Chương có thể dùng thời gian mờ mờ ảo ảo này để mô tả âm mưu Hồ thật, Hồ giả diễn ra.
Chưa đọc kỹ cuốn sách trên thì không thể bàn, nhưng một câu hỏi ai cũng phải đặt ra là, “Nhân vật Hồ Chí Minh giả này có thể đánh lừa được nhiều người, nhưng làm sao đánh lừa được những cơ quan mật vụ và tình báo KGB trong những năm ông Hồ ở Matx-Cơ-Va? Ông Hồ đã sống ở đó trước năm 1924, rồi trở lại, bị hạ tầng công tác ở đó từ 1933 đến 1938. Làm sao đánh tráo người mà che mắt KGB được?
Tuy nhiên, cũng có những tài liệu, thấy trong cuốn “Hồ Chí Minh The Missing Years” của Quinn-Judge, khiến chúng ta nghi hoặc. Bà Quinn-Judge tìm tại liệu ở văn khố Nga Xô viết cuốn trên, bà thấy năm 1938 ông Hồ nạp bản tiểu sử cho Ðệ Tam Quốc Tế trong đó ông ghi năm sinh là 1903. Trước đó, những tài liệu chính thức về ông ghi năm sinh trước hàng chục năm cả; như vậy tức là KGB cũng có thể bị lừa. Trong cuốn sách này cũng có chi tiết khác là một bản tiểu sử của Hồ Chí Minh do chính ông viết, cuốn Những Mẩu Chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” viết bằng chữ Hoa đã được in, ở Trung Quốc năm 1948, trước khi in tại Pháp năm 1949, sau đó mới xuất bản ở Việt Nam. Tại sao ông Hồ ở Hà Nội từ 1945 mà không cho xuất bản cuốn đó trước khi in ở bên Trung Quốc? Ðó cũng chỉ là những điều nghi hoặc; không đủ để kết luận Hồ Chí Minh thực ra là người Hẹ tại Ðài Loan chứ không phải người Nghệ An!
Nhưng nghi vấn “Hồ thật, Hồ giả” thứ nhì dễ giải quyết hơn. Ông Hồ thực là người cộng sản hay chỉ là người đội lột cộng sản để theo đuổi mục đích độc lập dân tộc?
Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang muốn đưa ra một hình ảnh mới về ông Hồ, theo nhu cầu giai đoạn “kinh tế tư bản hóa” để các đảng viên có cơ hội tham nhũng và kinh doanh làm giầu. Bây giờ mà còn ca ngợi “Bác” như là người chiến sĩ vẻ vang của Cộng Sản Quốc Tế, là người đã “mang ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê Nin về Việt Nam,” vân vân, thì chắc chắn là nó kỳ cục quá, không còn thích hợp với công việc làm ăn theo “kinh tế thị trường” chút nào cả. Ðúng quy luật thị trường, cái gì bán không chạy thì phải bỏ. Cả thế giới người ta đều biết các đảng cộng sản đã tác hại cho người Nga, người Trung Quốc, những dân tộc ở Ðông Âu, người Khờ Me, người Việt Nam, vân vân, như thế nào rồi. Cuốn sách kể tội đám người này đặt tên “Sách Ðen” là đúng lắm!
Cho nên đảng Cộng Sản Việt Nam đang tìm cách xóa những dấu vết làm xấu cái bộ mặt “thân thương của Bác Hồ.” Vì vậy, hiện nay các nhà nghiên cứu trong đảng đang tìm cách gột rửa những vết đen trong cuộc đời của “Bác.” Cái vết đen lớn nhất, là ông Hồ đã “đi theo cộng sản.” Phải thuyết phục mọi người rằng Hồ Chí Minh không thật tình theo chủ nghĩa cộng sản, ông gia nhập đảng cộng sản Pháp là vờ vĩnh, ông sang Nga xin Stalin cho học làm cán bộ cộng sản là cốt đánh lừa. Ông bắt các đảng viên cộng sản Việt Nam học tập những cuốn “Lịch sử Ðảng” của Stalin mà ông cặm cụi dịch trong Hang Pắc Bó, tất cả đều là giả bộ! Với công tác gột rửa khuôn mặt của “Bác” như vậy mà thành công, thì sau cùng nhân dân Việt Nam sẽ có một hình ảnh hoàn toàn mới về “Bác”: Bác không phải là người cộng sản. Bác chỉ là một người xạo giỏi mà thôi.
Nhưng đối với dân tộc Việt Nam, kể từ khi ông Hồ lập đảng cộng sản đến giờ đã 78 năm, vấn đề thực ra không phải là ông ấy theo chủ nghĩa cộng sản thật hay ông ấy ba xạo. Bây giờ, đó chỉ là một câu chuyện sách vở, bàn luận cho vui tai.
Dù ông Hồ có theo chủ nghĩa cộng sản thật hay không, vào đảng cộng sản vì thực lòng hay là thủ đoạn gian trá, câu hỏi đáng nêu lên là “những hành động của Hồ Chí Minh có lợi cho khối cộng sản, cho các nước cộng sản như Liên Xô và Trung Quốc hay không? Nếu ông không làm theo lệnh của Nga xô và Trung Cộng, thì người Việt Nam có đỡ chết nhiều hay không? Ðảng Cộng Sản đến giờ vẫn tuyên truyền rằng nhờ có ông Hồ Việt Nam mới đánh đuổi được người Pháp. Nhưng đánh đổi lại, cũng vì ông Hồ là cán bộ Ðệ Tam Quốc Tế các cơ quan tình báo thế giới không ai không biết, cho nên chính phủ Mỹ lúc đó không thể tin ông ta, Mỹ quay sang giúp Pháp sau khi đã giúp ông Hồ một thời gian. Những quốc gia Á Châu, Phi Châu không theo cộng sản cũng vẫn giành được độc lập, đâu chỉ có Việt Nam? Ông Hồ sang Nga cùng thời gian ông Nehru từ Ấn Ðộ qua họp. Nehru có khuynh hướng xã hội nhưng khôn ngoan không đi theo cộng sản, không chịu làm tay sai của Cộng sản Ðệ Tam. Ngược lại, vì ông Hồ hành động theo lệnh của Stalin, đứng vào hàng ngũ cộng sản quốc tế, lúc theo Nga Xô lúc theo Trung Cộng, cho nên chiến tranh ở nước ta mới kéo dài suốt 30 năm! Ví thử Hồ Chí Minh là người yêu nước, ông chỉ mượn danh đi theo quốc tế cộng sản thôi, thì cái việc mượn danh của ông nó dại dột quá! Vì nó gây tai hại nhiều quá!
Trong đầu ông Hồ Chí Minh muốn theo chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa cộng sản, điều đó không quan trọng. Chỉ cần coi những hành động của ông khi đi theo cộng sản quốc tế đã gây ra những hậu quả nào. Có cách nào khác, không cần phải “giả theo cộng sản” như vậy, mà kết quả tốt hơn không? Nhìn lịch sử các phong trào dân tộc giành độc lập sau Ðại Chiến Thứ Hai, những nước lỡ theo cộng sản đều chịu đau khổ nhiều nhất.
Chính nhiều đảng viên cộng sản Việt Nam bây giờ cũng thấy như vậy.
Ông Ngô Vương Anh, làm trong nhật báo Nhân Dân, phân tích các sai lầm của đảng Cộng Sản Việt Nam trong nhiều giai đoạn. Trong thời kháng chiến giành độc lập thì, “sao chép rập khuôn những chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản,” trong khi “thực tiễn cách mạng ở những nước thuộc địa phương Ðông (như Việt Nam) hoàn toàn khác.”
Một sai lầm khác là trong thời cải cách ruộng đất, Cộng Sản Việt Nam đã “sao chép công thức, cách làm từ các 'nước bạn' và áp dụng một cách cực đoan trên diện rộng,” ông Ngô Vương Anh nói trong cuộc hội thảo. Chúng ta nhớ lại rằng trước cuộc cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh đã nhận các cố vấn Trung Cộng sang chỉ đạo, có lúc Hồ muốn tha một người đã góp nhiều tiền cho kháng chiến nhưng cố vấn không cho, Hồ chịu thua. Hồ đã gửi thư báo cáo với Stalin ngay sau khi làm ra đạo luật cải cách ruộng đất, và xin Stalin cho ý kiến để sửa chữa những sai lầm.
Ðó là những hành động, không cần biết ông Hồ trong đầu nghĩ cái gì, tin cái gì. Nó tai hại như thế nào ai cũng biết rồi. Ðến đời đám “con cháu bác” vẫn như thế. Ông Ngô Vương Anh viết: “Sau tháng 4.1975 là công cuộc xây dựng mô hình Chủ Nghĩa Xã Hội dựa trên sự sao chép một mô hình có sẵn, duy ý chí để đạt mục đích.” Sao chép. Tại sao sao chép? Vì họ “học tập tác phong Hồ Chủ Tịch!”
Cuối cùng, vấn đề không phải là Hồ nào thật, Hồ nào giả.
Câu hỏi là: Nếu không có Hồ Chí Minh, liệu dân tộc Việt Nam có giành được độc lập hay không? Ai cũng biết rằng dân Việt Nam không thua dân Indonesia, dân Algérie, dân Ai Cập. Hào kiệt đời nào cũng có.
Câu hỏi tiếp là: Vì Hồ Chí Minh chăm chỉ theo lệnh Ðệ Tam Quốc Tế, rồi nghe lệnh Cộng Sản Trung Quốc, dân Việt Nam đã chịu những hậu quả nào? Nếu các chiến sĩ quốc gia, không cộng sản lãnh đạo đất nước, thì người Việt Nam có phải khổ như vậy hay không?
|