Home Tin Tức Bình Luận Cần xây dựng lại Văn Hóa Dân Tộc

Cần xây dựng lại Văn Hóa Dân Tộc PDF Print E-mail
Tác Giả: MẶC GIAO   
Chúa Nhật, 21 Tháng 12 Năm 2008 07:32

      Từ khi đảng Cộng Sản VN chiếm được từng phần rồi toàn bộ quyền hành trên đất nước Việt Nam từ 1945 đến nay, xã hội Việt Nam đã thay đổi theo chiều hướng đi xuống. Chưa nói tới những khiá cạnh chính trị và kinh tế, đời sống thường ngày của người dân đã bị xáo trộn đến triệt để, những truyền thống tốt đẹp đã bị đảo ngược, mối tương quan giữa người với người đã suy thoái đến độ tồi tệ. Khi nói những điều này, người ta thường dùng cụm từ “văn hóa suy đồi”. Tại sao những tệ nạn xã hội lại liên quan đến văn hóa?

      Xin được nói đôi giòng vắn tắt về văn hoá. Văn hóa thể hiện những hoạt động của con người theo nhiều khiá cạnh khác nhau:
- Văn hoá là kiến thức. Nói một người có văn hóa có nghiã người đó có học,
- Văn hóa là văn nghệ, nghệ thuật. Thơ, văn, âm nhạc, kịch ảnh, hội họa, điêu khắc… là những bộ môn văn hóa,
- Văn hóa là phần sinh hoạt tinh thần của con người ở cấp cao phát sinh những tư tưởng, những triết thuyết, những niềm tin tôn giáo,
- Văn hóa là sự tiến bộ của cách sống và cách thức con người đối xử với nhau,
- Văn hóa đôi khi bị lẫn lộn với văn minh. Nói một dân tộc văn minh cũng giống như nói một dân tộc có văn hóa. Đúng ra, văn minh là những phát minh có tính cách kỹ thuật để cải thiện đời sống vật chất của con người.
      Văn hóa theo nghiã rộng bao gồm cả văn minh. Vì vậy chúng ta có thể đưa ra một định nghiã về văn hoá : « Văn hóa là sự tiến bộ của con người cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất hầu làm cho đời sống con người được hạnh phúc hơn, phong phú hơn. Hay nói một cách khác là tiến gần tới chân, thiện, mỹ, lợi và thú hơn »
       Như vậy, văn hóa là là một đặc trưng của con người, chỉ con người mới có, vì chỉ con người mới biết vận dụng tinh thần và lý trí để vượt bản năng, cải thiện cuộc sống của chính mình, làm cho mối tương giao giữa người với người tốt đẹp hơn, nâng tâm hồn lên khỏi những hệ lụy vật chất để suy nghĩ về những điều cao siêu, sáng tác thơ văn, âm nhạc để  giải trí và di dưỡng tính tình. Lý Đông A đã viết : « Văn hóa là nếp sống ». Đúng vậy. Nếp sống là thói quen ta ứng xử hàng ngày. Một văn hào Tây phương cũng nói : « văn hóa là cái gì còn lại sau khi đã quên hết ». Chúng ta được « học ăn học nói học gói học mở », học cách cư xử từ những người chung quanh. Những thứ được học thấm vào con người chúng ta. Khi chúng ta nói hay hành động, chúng ta không suy nghĩ, tìm kiếm xem trường hợp này phải chiếu theo lời dậy nào. Chúng ta nói và làm như một phản ứng tự nhiên. Phản ứng đó tốt hay xấu là do cái vốn văn hóa chúng ta đã hấp thụ.

      Trở lại vấn đề tình trạng suy thoái văn hóa tại Việt Nam hiện nay. Chúng ta không kết án chế độ cộng sản một cách mù quáng theo thiên kiến. Chúng ta cũng không coi xã hội Việt Nam trước thời cộng sản là một thiên đàng. Nhưng phải công nhận xã hội không cộng sản của Việt Nam trước đây có tình người, có luân lý, có nhân nghiã, giữ được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cha ra cha, con ra con, thầy ra thầy, những người cai trị nếu không có lòng nhân cũng còn sợ mệnh Trời, sợ luật nhân qủa. Kẻ ác và tội ác ở đâu và thời nào cũng có, nhưng không nhiều như bây giờ và được xử trị nghiêm khắc. Ngoài sự trừng phạt của pháp luật, những kẻ ác còn bị dư luận lên án, bị gạt ra khỏi đời sống xã hội, không như bây giờ, làm điều xấu được coi như khôn ngoan, làm điều tốt bị coi như ngu xuẩn. Những tác nhân có ảnh hưởng lớn nhất trong việc thay đổi văn hóa là những ông quan, những ông thầy, và ngày nay thêm các nhà làm truyền thông. Không cần tìm bằng chứng đâu xa về tình trạng suy thoái văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Hãy đọc những cuốn sách mới nhất và những tờ báo xuất bản gần đây nhất ở trong nước, dù tất cả đã được nhà nước kiểm soát và kiểm duyệt kỹ lưỡng, chúng ta thấy ngay những tác nhân văn hóa đang làm gì cho văn hóa.

      Trước hết, nói tới những ông quan, tức là những người cai trị, là hệ thống quyền hành. Tác giả Hoàng Minh Tường, trong tiểu thuyết « Thời của Thánh Thần », mới viết xong ngày 01-06-2008, được Hội Nhà Văn ấn hành, sau đó bị tịch thu ngay, đã mượn lời của một trí thức Bắc kỳ di cư, trở về Hà Nội sau 1975, nói thẳng với những người anh em ruột thịt ở lại theo Bác Đảng như sau :
      « Các vị có cả một hệ thống tổ chức từ cơ sở đến Trung ương để chọn lọc những người được cầm quyền. Từ tổ phó trở lên đã phải qua hệ thống sàng lọc trước khi đề bạt. Dân thường chẳng ai chen vào được. Đất nước của các vị chứ đâu phải của mọi người Việt ?... Các anh sổ toẹt hết lịch sử. Giành được nước là các anh đút túi như của cải riêng của mình. Các anh vô ơn, chẳng cần biết đất nước này có tới bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, mà các anh chỉ là khoảnh khắc, công lao như cái móng tay… ».
      Nói tóm lại là các anh cướp nước, rồi độc tài độc đảng, coi đất nước như của riêng, coi dân như nô lệ. Như vậy việc các anh cướp nhà, cướp đất, cướp của riêng của tư không nên coi là tham nhũng mà phải gọi đúng tên là cách thu hụi đầu máu của bọn cướp « mafia ». Dân và nước đã trở thành chiến lợi phẩm của các anh.

      Đã ăn cướp lại còn thích chơi bảnh, khoe mẽ, dối trá, đạo đức giả :
      « Văn chương cũng như xã hội, mắc phải căn bệnh giả dối trầm trọng. Đời sống xã hội nước ta không tự nhiên như nó cần phải có. Lúc nào người ta cũng lên gân với nhau. Cha lên gân với con, chồng lên gân với vợ. Cấp trên lên gân với cấp dưới. Trẻ học mẫu giáo mà toàn như cụ non, cũng lên gân để cố yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học vẹt những điều lớn lao, xáo rỗng. Chúng không được dậy yêu ông bà, cha mẹ, yêu cái gia đình nhỏ bé của mình, trước khì yêu những gì rộng lớn hơn » (sách đã dẫn).

      Đúng là những anh dốt hay nói chữ, những anh yếu hay gồng mình, kẻ cướp thích xưng là anh hùng hảo hán. Muốn giữ độc quyền ăn trên ngồi trốc thì phải tẩy não toàn dân từ khi mới bập bẹ biết nói, để mọi người hành động theo phản xạ có điều kiện như con chó Palov, không cần yêu cha mẹ, gia đình, chỉ cần yêu Bác Hồ, và « yêu nước là yêu xã hội chủ nghiã ». Vì vậy mới có cải cách ruộng đất dập theo khuôn mẫu Trung Cộng để cho con tố cha, vợ tố chồng, tớ tố chủ, các đội cải cách phải tìm cho ra 5% địa chủ tại mỗi làng để tố, xử tử hình, tịch thu ruộng vườn. Cải cách ruộng đất đã làm đảo lộn đời sống nông thôn Việt Nam. Những bất công và sa đọa của phong trào cải cách ruộng đất đã được Tô Hoài, một nhà văn con cưng của Đảng, lột trần trong cuốn « Ba Người Khác » (nhà xuất bản Đà Nẵng 2006). Giáo sư triết học hồi hưu Nguyễn Đăng Mạnh cũng mới viết hồi ký. Khi nhận định về thảm họa này, ông đã hạ một câu rất đáng suy nghĩ :
      « Cải cách ruộng đất đúng là một trường hợp điển hình thô bỉ nhất của vụ cưỡng hiếp của Tàu đối với Việt Nam về văn hóa ».
      Lối ăn gian nói dối, đổi trắng thay đen, dùng côn đồ giả làm nhân dân tự phát qua vụ Thái Hà mới đây đã phơi bầy bộ mặt thật của những ông quan cộng sản. Chỉ qua vài việc làm của các quan và qua vài lời viết của những người đang sống trong chế độ, chúng ta đã có thể thấy một phần thành tích phá hoại văn hóa dân tộc của các quan ra sao.

      Loại người thứ hai có khả năng tác động mạnh đến văn hóa là những ông thầy (thầy hay cô thì cũng là thầy dậy). Ông thầy ngày xưa được kính trọng sau vua và trên cha mẹ (Quân, Sư, Phụ). Người thầy tốt là người góp phần xây dựng sự hưng thịnh của quốc gia (Lương sư hưng quốc). Muốn làm thầy thì phải « Dậy điều mình biết và sống điều mình dậy ». Những tiêu chuẩn này ngày nay được coi như trò cười. Rất nhiều thầy dậy những điều mình không biết, vì bằng cấp của thầy có thể được mua, vì thầy tốt nghiệp theo diện « dốt như chuyên tu, ngu như tại chức ». Một nữ giáo sư đại học tỉnh Thái Bình đã trả lời trên truyền hình Tự Lực Văn Đoàn là một gánh hát cải lương và Nhất Linh là một kép cải lương ! Còn việc sống làm nhân chứng cho những điều mình dậy thì các thầy cô ngày nay coi đó là chuyện thời đồ đá. Ở thời đồ…đểu này, các thầy cô đã biến học đường thành một thương trường mua rẻ bán đắt với đủ mọi mánh khóe gian dối. Những vụ bán đề thi, bán đáp án (bài giải đề thi) xảy ra mỗi mùa thi. Thành tích mới nhất theo báo Tiền Phong : ngày 20-06-2008, tại hội đồng thi Quảng Trạch (Quảng Bình), bà Lê Thị Thu, vợ ông hiệu trưởng trường sở tại và cũng là nhà giáo, lợi dụng lúc đồng nghiệp đi ăn sáng, đã tự tiện mở thùng đựng đề thi và lấy đáp án đưa cho thí sinh làm photocopy. Vụ này đã được lập biên bản nhưng phu nhân hiệu trưởng không hề bị phạt, mà còn được khen thưởng thi đua. Có những thầy dụ dỗ nữ sinh trao đổi ái tình để được điểm cao. Như vậy làm sao học trò còn có thể trọng kính thầy. Những vụ học trò hành hung thầy cô và đánh đập giám khảo trong những kỳ thi là hậu qủa tất yếu của sự băng hoại giá trị người thầy.

      Một tệ nạn phổ biến khác cũng gây khổ sở cho trò và phụ huynh không kém. Đó là việc các thầy cô « bắt buộc khéo » các trò phải đi học thêm các lớp kèm do chính các thầy cô dậy tại tư gia. Trò nào không học thêm là bị điểm xấu, không được lên lớp. Điều này đã làm cho cha mẹ khổ vì lo tiền và làm cho trẻ em mất tuổi trẻ. Nếu thầy cô dậy dỗ tận tâm trong lớp, các em không cần học thêm những lớp kèm mà vẫn có thể trở thành những học trò giỏi. Tệ nạn này đã gây mủi lòng cho Đức Giám Mục Kontum Micae Hoàng Đức Oanh. Trong thư gửi các học sinh địa phận nhân Ngày Nhà Giáo 20-11-2008, Đức Cha đã viết :

      «Cuộc sống khó khăn hoặc một nguyên do nào đó đã làm phát sinh hình thức dậy kèm, dậy thêm tràn lan. Đây có thể nói đang là một hình thức tra tấn, khủng bố đời học tập của các con và dầy vò tâm hồn những ai thiết tha tới nền giáo dục của đất nước. Nó tác động lớn tới đời sống của chính các con cũng như gia đình và xã hội. Việc học thêm, học kèm đã cướp hết thời gian dành cho bản thân, cho gia đình, cho giáo hội, cho xã hội ».

      Các thầy cô hành động như vậy đáng trách một phần, nhưng những người cầm quyền đáng trách mười phần. Họ không có chính sách giáo dục để đào tạo nhân tài, chỉ có chính sách tẩy não, nhồi sọ và huấn luyện những tay sai. Họ coi nhà giáo cũng như những cán bộ khác, cứ làm công tác được giao rồi muốn làm điều gì khác mặc ý, kể cả việc gian dối, móc cổ mổ hầu dân đen. Cán bộ các ngành khác được ăn bẩn, tại sao cán bộ giáo dục không được ăn ? Nhà giáo cũng như các loại cán bộ nói chung được trả lương chết đói, không đủ sống, nên phải xoay sở để đắp bù thiếu hụt, rồi nhân tiện làm giầu trên đầu trên cổ học sinh và cha mẹ các em. Trong khi các ông lớn vụ PMU 18 ở Hà Nội, vụ CPI ở Sài Gòn sơi hàng triệu đô la, trong khi một nhân viên chính quyền cấp xã có thể cướp đất cướp nhà của dân, trong khi một anh công an có thể bắt người vô cớ và đánh đập tàn nhẫn để đòi người nhà nạn nhâm đem tiền đến chuộc, trong khi một cảnh sát giao thông không lo điều hành những giòng xe cộ chạy hỗn loạn mà chỉ lo thổi còi phạt tiền không biên lai bất cứ ai vô phúc phóng xe qua, thì việc thầy cô buôn bán đề thi, bắt học trò đóng tiền học thêm cũng chỉ là chuyện bình thường. Thầy giáo nào còn lương tâm và can đảm nói lên những điều xấu xa, bất công là bị đánh đập thẳng tay. Các điện báo VnExpress (17-11-08) và VietNamNet (21-11-08) ở trong nước đều đăng tin nhà giáo Đỗ Việt Khoa, tối 14-11, đã bị bốn người đến đánh hội đồng, chửi bới thậm tệ, cướp máy ảnh Nikon trị giá 19 triệu chỉ vì « tội » thầy đã dám tố cáo lên sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Hà Tây việc xây bất hợp pháp 4 phòng học sát trường trung học phổ thông Vân Tào để cho thuê dậy thêm. Hôm sau, một trong những người hành hung đã đến thú với thầy là bọn họ được thuê 5 triệu đồng để « dằn mặt » thầy giáo.

      Như vậy, muốn sống từ tế, lương thiện, muốn làm một ông thầy cho đúng nghiã ở một xã hội đã ung thối toàn diện xem ra không thể làm được. Tương lai của những thế hệ sau sẽ ra sao, tương lai của đất nước sẽ ra sao khi học đường đã biến thành thương trường, khi những người có bổn phận truyền đạt văn hóa hàng đầu đã từ nhiệm vai trò giáo dục để đi vào con đường bán buôn chữ nghiã ?

      Thành phần thứ ba có thể tác động đến văn hóa là những người viết, những người làm truyền thông. Đa số người viết tụ tập nhau trong Hội Nhà Văn do người của đảng chỉ huy. Các nhà văn đã có thói quen viết theo chỉ thị. Lâu lâu có người dám viết và dám lách chút đỉnh như Hoàng Minh Tường mượn lời của một ông B54 để phê bình khéo văn chương do đảng lãnh đạo : « Văn chương thì chỉ một gam tô hồng, coi cách mạng Việt Nam là nhất thế giới, là tiên phong của nhân loại. Chủ nghiã xã hội là thiên đường. Tư bản là xấu xa, đang giãy chết. Căn bệnh chủ quan giáo điều, bệnh thành tích là nguyên nhân của thói giả dối, đạo đức giả » (trích Thời của Thánh Thần). Mới phê bình khéo được vài câu, sách đã bị tịch thu, tên tác giả chắc sẽ được ghi vào sổ đen. Các đồng nghiệp nhà văn trong Hội chắc đã thi nhau báo cáo với « trên » và chắc sẽ đua nhau viết bài đánh hội đồng để lập công. Các nhà văn cư xử với nhau như thế nên dân gian mới có câu :
      Chán cho cái Hội Nhà Văn
      Ghét nhau như chó vẫn ăn cùng bàn
      Còn hàng ngàn ký giả viết cho trên 600 trăm tờ báo đủ loại, kể cả những người làm truyền thanh, truyển hình, thì được chỉ thị phải đi theo lề phải. Đi theo lề trái như Nguyễn Việt Chiến là ở tù. Thật ra lề trái cũng chưa đến nỗi là chống nhà nước. Chỉ mới đăng tin tham nhũng thứ thiệt mà nhà nước chưa cho phép đã đủ để phải khăn gói ra tòa. Nhà nước bảo nói ngoa thì mới được nhắm « cha » mà nói. Nhà nước chỉ cho phép đăng những chuyện tiêu cực ở cấp nhỏ địa phương, vừa đủ để cho dân xả « xú bắp ». Dù sao cũng nhờ vậy chúng ta mới có những tin biểu lộ bộ mặt thật của xã hội đương thời, thí dụ
- Con trai cưng Nguyễn Phúc Diệu 63 tuổi đánh mẹ già gần 90 tuổi ngã xuống sàn       nhà tại Gò Vấp, Sài Gòn, 07-11-08,
- Nam sinh trường Cao Đẳng Thái Nguyên 17 tuổi dùng dao giết mẹ 36 tuổi rồi kéo vào bụi rậm vì bị mẹ la rầy đã bán xe đạp lấy 300,000 đồng, 20-11-08,
- Chồng Nguyễn Văn Pha 57 tuổi giết vợ vì vợ dám giết gà làm cơm đãi khách, ra tòa 28-10-08,
- Vợ nổi cơn ghen dùng dao cắt của qúy của chồng tên Trường mới 25 tuổi tại Đức Hòa, Long An, 29-10-08,
- Hà Thanh Phi 24 tuổi ở Quảng Nam hành hung cháu ruột là Hà Thục Hiền mới 8 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ khiến cháu bị thương tích trầm trọng phải đưa đi bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị chấn thương sọ não, 20-11-08,
- Hai thiếu nữ Phạm Thị Hồng Diễm 22 tuổi và Phạm Huỳnh Ánh Ngọc 16 tuổi cùng đồng bọn đã tống tiền một vị sư trụ trì tại một ngôi chùa ở huyện Thủ Thừa, Long An, buộc nhà sư giao nộp hàng trăm triệu đồng cho bọn chúng, tháng 3-2007,
- Tại Hà Nội, một thanh niên 18 tuổi chết oan vì tôn trọng luật đi đường. Anh ngừng xe tại đèn đỏ và đã bị xe tải từ sau cán chết, 18-11-08,
- Anh Phạm Minh Lý đang ngồi nhậu với bạn tại Lai Uyên, huyện Bến Cát, Bình Dương, có điều qua tiếng lại với chủ cho thuê phòng, bị công an bắt vì tội gây xáo trộn, bị giữ tại trụ sở công an suốt đêm, bị công an đánh mang nhiều thương tích, phải cạo hết tóc do bị cháy xém, lòng bàn tay trái bị bỏng nặng, 09-11-08…
      Tôi phải ngưng kể vì không đủ giờ và không đủ giấy. Những chuyện trên đây đều mới xảy ra còn nóng hổi, đều được nhựt trình nhà nước đăng tải, không phải tôi dựng lên để bêu xấu chế độ. Qua vài tin trên đây, ta thấy đủ thứ chuyện, đủ thứ tội ác liên quan đến những người thuộc đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi (tuổi trẻ có khuynh hướng phạm pháp nhiều hơn). Dĩ nhiên những người này là thiểu số trong số 84 triệu dân. Nhưng chúng ta không thể tưởng tượng đựợc những chuyện như thế có thể xảy ra trong xã hội Việt Nam, một xã hội trọng đạo lý, hiếu kính cha mẹ, kính trọng người già, người tu hành, vợ chồng thương yêu nhau, có chuyện bất đồng thì đóng cửa bảo nhau, họ hàng dù xa vẫn quyến luyến nhau vì « giọt máu đào hơn ao nước lã », người trong nước tương trợ giúp đỡ nhau vì « bầu ơi thương lấy bí cùng ». Đó là văn hóa Việt Nam, là nếp sống đã được xây dựng qua biết bao nhiêu đời, nay đang bị hủy diệt không thương tiếc.

      Giả dối và tàn ác đã giết chết văn hóa. Có thể nói nguyên nhân vong thân của văn hóa Việt nam là nhà giột từ nóc giột xuống. Thẩm quyền cao nhất đã muốn thế, đã làm thế thì tự nhiên cả xã hội phải làm theo. Làm theo vì sợ, vì nhu cầu sống còn, vì thấy trên đã làm, mình không làm là dại. Xã hội Việt Nam bây giờ là một xã hội bịp bợm, mánh mung, chụp giật. Con người trong xã hội Việt Nam đã đánh mất niềm tin, niềm tin nơi chính mình, niềm tin nơi người khác, niềm tin vào tương lai dân tộc, tương lai đất nước. Vì thế, con người trong xã hội Việt Nam trở nên ích kỷ, không còn tình nghiã, phá hoại của công, tránh né luật pháp, chỉ biết có tiền trên hết. Mới đầu, có nhiều người còn thấy lương tâm áy náy. Nhưng chỉ một thời gian sau họ đã coi việc làm điều xấu là chuyện bình thường, ai không làm theo mới là bất thường, là ngu, là làm rách việc. Người ta đã đánh mất ý niệm phân biệt điều phải điều trái. Một xã hội như thế không thể coi là một xã hội văn minh, có văn hóa.

      Quản Trọng ngày xưa có nói: «Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc. Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Bách niên chi kế mạc như thụ nhân » (Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa. Kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây. Kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người). Câu này đã được ông Hồ Chí Minh nói lại, nhưng không nói rõ là ông đã « chôm » của Quản Trọng. Nếu muốn vun trồng một thế hệ con người mới, người ta không thể làm nhanh trong vài năm. Muốn xây dựng lại một nền văn hóa, đào tạo một thế hệ công dân có văn hoá đòi hỏi nhiều thời giờ và công sức. May thay, xã hội Việt Nam vẫn còn các tôn giáo, vẫn còn nhiều người có tâm huyết với đất nước và dân tộc, vẫn còn tình liên đới khá chặt chẽ giữa những phần tử trong gia đình. Nhờ thế, văn hóa Việt Nam chưa bị hủy diệt hẳn, mới bị suy thoái, dù trầm trọng, và sẽ có ngày hồi phục mạnh mẽ và nhanh chóng khi những điều kiện cho phép. Những người Việt sống ở nước ngoài như chúng ta, ngoài việc phải thích ứng với lối sống và văn hóa sở tại, chúng ta phải cố gắng bảo tồn văn hóa Việt Nam cho chúng ta và cho con cháu chúng ta. Chúng ta không qúa lo bảo vệ bằng hình thức, nhất là những hình thức được áp dụng ở Việt Nam khi xưa, để con cháu phải sợ hãi, trốn chạy. Nhưng những truyền thống qúy giá như lòng hiếu thảo, tình liên đới gia đình, tình tương thân tương trợ với làng xóm, khu phố, cư xử thuận hòa, lễ phép, giúp đỡ người khác v.v… cần phải được duy trì và truyền đạt cho những thế hệ sau. Chúng ta có thể làm việc này không khó khăn lắm, vì xu thế  của con người văn minh thời nay là cư xử tử tế với nhau và tôn trọng luật pháp, để trong khi bảo vệ quyền lợi của mình, chúng ta không làm thiệt hại tới quyền lợi của người khác. Muốn vậy,  không thể dậy con theo kiểu những ông lớn ở Việt Nam :
      Con ơi học lấy nghề cha
      Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm