Home Tin Tức Bình Luận Từ câu chuyện về rừng Tây Nguyên

Từ câu chuyện về rừng Tây Nguyên PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Bảo   
Thứ Ba, 30 Tháng 12 Năm 2008 03:22

Chủ tịch tỉnh Ðắc Lắc vừa nhận định “rừng sẽ hết” nếu tình trạng di dân tự do từ phía Bắc vào Ðắk Lắk vẫn quá nóng như hiện nay. Cả tỉnh Ðắk Lắk có 1.8 triệu dân, năm ngoái có khoảng 59,000 gia đình di dân tự do đến định cư và năm nay tiếp tục tăng thêm khoảng khoảng 2,500 nhân khẩu. Phần lớn di dân tự do rất nghèo khổ, trình độ học vấn thấp và khả năng hòa nhập với dân cư địa phương kém.

Người miền Nam vốn cởi mở và nhân hậu nhưng cuối cùng đã bộc lộ thái độ thiếu thân thiện với đa số di dân từ miền Bắc vào. Tại Tây Nguyên, nơi đa số cư dân bản địa là người thiểu số vốn thật thà, chất phác đã không thể khá lên được so với đa số di dân miền Bắc vốn luôn sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con.” Di dân không tôn trọng tín ngưỡng bản địa, “làm xổi, ở thì”, phá rừng, chiếm đất. Nơi nào có di dân người Bắc sẽ có quán xá, buôn bán đổi chác sản vật từ rừng với người thiểu số. Khi khá lên một chút, di dân mua đất và thuê người thiểu số làm việc cho họ. Lúc này, gần như toàn bộ đất sát các mặt đường đều của di dân miền Bắc. Người thiểu số bị đẩy sâu vào rừng và rừng thì càng ngày càng tan hoang.

Rừng Tây Nguyên sẽ hết như chủ tịch tỉnh Ðắk Lắk cảnh báo. Di dân tự do từ các tỉnh miền Bắc đang là gánh nặng không chỉ cho Ðắc Lắc nhưng chỉ mới có Ðắk Lắk kêu gào về việc họ gánh không nổi. Sự việc trầm trọng tới mức, chủ tịch tỉnh Ðắk Lắk phải nói huỵch toẹt rằng di dân tự do hiện là nguồn gốc gây ra tranh chấp đất đai tại địa phương cũng như tạo ra các mâu thuẫn với cư dân bản địa.

Chủ tịch tỉnh Ðắk Lắk kể rằng, khi làn sóng di dân tự do mang đến quá nhiều bất ổn cho Ðắk Lăk, Ðắk Lắk đã gởi công văn cho các tỉnh miền Bắc có di dân đổ vào Ðắk Lắk để đề nghị phối hợp giải quyết. Công văn gửi đi rất nhiều tỉnh nhưng chỉ có một tỉnh& cám ơn, một tỉnh đề nghị... giúp đỡ (!),những tỉnh còn lại im lặng. Dường như vì quá nghèo khó nên các tỉnh miền Bắc muốn dân chúng tha phương, cầu thực vào Nam “cắm dùi” nhiều hơn.

Khí hậu khắc nghiệt, đất đai quá ít, thị trường hạn hẹp nên tại đa số các tỉnh miền Bắc và Bắc miền Trung, cuộc sống của nông dân chẳng khác gì so với 100 năm trước, có khi còn tệ hơn do các nguồn lợi từ rừng, sông, suối đã cạn kiệt. Tại những tỉnh đó, con trâu vẫn đi trước cái cày. Những thửa ruộng càng ngày càng giống các mụn vải vá chằng, vá đụp trên một cái áo đã rách nát. Một gia đình hai con chỉ có vài sào ruộng, khi hai đứa con trưởng thành, tạo ra hai gia đình mới, thế hệ sau vẫn tiếp tục làm ruộng, mảnh ruộng vài sào bị xắt làm ba, một phần cho cha mẹ, hai phần còn lại cho hai con. Cứ thế, sau vài thế hệ, nhiều mảnh ruộng chỉ còn mươi... mét vuông với đủ hình dạng, vuông, ngũ giác, méo mó. Do manh mún, ở những tỉnh đó, diện tích dùng làm bờ ruộng lớn hơn cả diện tích ruộng!

Xã hội miền Bắc thai nghén và cho ra đời một tầng lớp cán bộ xã, huyện mang quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ”, thói “bóp nặn” dân chúng đến cả cái vạt áo như người ta ví von càng ngày càng tinh vi, được che đậy càng ngày càng kỹ. Ở nông thôn miền Bắc, hệ thống quan lại cộng sản đã trở thành một thứ “cường hào mới”, hoành hành với mức độ dữ dội, vượt xa những gì mà Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan mô tả hồi thập niên 1930, 1940 của thế kỷ trước.

Các yếu tố trên cộng thêm quan niệm cố hữu của đa số dân miền Bắc, thà chịu đói rách chứ không thích làm những nghề “hèn hạ” như: giúp việc nhà, phụ bán quán, lao động tại các nông trại, trang trại... mặc dù nhu cầu về nhân lực của những công việc loại này ở miền Nam luôn rất cao, thu nhập cũng không tệ nên tình cảnh nhân lực ở miền Nam vừa thừa, vừa thiếu.

Cứ ra ngoại ô Sài Gòn sẽ thấy những khu vực tập trung toàn di dân miền Bắc. Có nơi tập trung toàn người ở huyện Mỹ Ðức tỉnh Hà Tây cũ, quần tụ để cùng bán bắp luộc, bắp xào, hột vịt lộn. Có khu như Nguyễn Kiệm, Gò Vấp thì tập trung toàn những người lượm ve chai. Những “nghề” đó không hèn nhưng tại một số nơi mà điển hình là Ðắk Lắk, khi di dân miền Bắc tụ tập chỉ để cùng hái trộm, gặt trộm,... thì chúng trở thành đại họa cho dân địa phương.

Trong khi dân miền Bắc nghèo khó, đói khổ, chọn chuyện tha hương với hy vọng nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm thì quan lại cộng sản ở miền Bắc cực giàu. Nhổ một bãi nước bọt vào đám quan lại cấp Bộ thế nào cũng dính vị nào đó có con đang du học nước ngoài. Lúc này, hiếm có “đại quan” nào mang hàm “bộ trưởng” mà không có một hoặc tất cả các con đang du học ở Anh, Mỹ... Hiếm có “quan lại” nào ngoài Bắc thiếu biệt thự, trang trại đang để người khác... đứng tên giùm. Song như người ta nói, phàm cái gì dính đến kim (kim loại hoặc tiền) đều để lại hồi quang. Cho nên, dù chỉ mới có lãnh đạo 11 bộ và 19 địa phương nộp cho thanh tra chính phủ bản kê khai tài sản theo quy định nhưng ông nào có cái gì, ở đâu, thậm chí trao-nhận bao nhiêu trong vụ nào, thường dân đều tỏ tường.

Chỉ có điều chống tham nhũng vẫn là “đặc quyền” của Ðảng và chính phủ nên khi kiểm tra tài sản không ai “thèm” hỏi dân cả!