Home Tin Tức Bình Luận Trước một thực trạng rất đáng thất vọng

Trước một thực trạng rất đáng thất vọng PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Gia Kiểng   
Thứ Sáu, 02 Tháng 1 Năm 2009 08:27

 1/1/2009 

Cách đây một năm rưỡi tôi có viết một bài nhận định về tình trạng phong trào dân chủ (*). Bên cạnh những đồng tình đông đảo hơn nhiều, bài này đã nhận được một vài phản ứng gay gắt. Tôi đã không trả lời những phản ứng này bởi vì nói chung các tác giả không phản bác gì, họ chỉ tức giận vì tôi đã nói ra những điều mà họ nghĩ rằng không nên nói. Dần dần với thời gian, qua trao đổi riêng, phần đông, kể cả những người đã ủng hộ tôi, lại nhận định là bài viết đó chưa nói hết sự thực.

Một tổng kết về thành quả và thực lực của phong trào dân chủ được một vị giáo sư chính trị học mà tôi gặp tại Mỹ mùa hè vừa qua đưa ra qua một câu nói đùa: "bọn cộng sản nó đểu lắm, nó cứ đợi cho các anh chết đi là xong hết".

Nếu đảng cộng sản chỉ cần đợi cho những người đối lập dân chủ chết đi (ông này muốn nói là chết già) nghĩa là nó có thể đợi, phong trào dân chủ không làm gì được nó; nói cách khác lực lượng dân chủ không đáng kể. Và nếu những người dân chủ già chết đi là xong thì điều này có nghĩa là hàng ngũ dân chủ gồm phần lớn những người già và không có tiếp nối. Câu nói đùa mai mỉa của vị giáo sư này là cả một tổng kết bi đát.

Hai vị lãnh đạo của hai tổ chức chính trị quen biết với quá trình thành lập và sinh hoạt lâu dài nói với tôi rằng số thành viên của họ không còn nhiều và tuổi trung bình là trên 60. Họ thêm rằng dầu vậy đa số thành viên kỳ cựu của họ không chấp nhận kết hợp với một tổ chức khác. Các tổ chức dân chủ hải ngoại yếu, già nua và không được tuổi trẻ tiếp nối, phân tán và sẽ tiếp tục phân tán; nhiều tổ chức không còn cả khả năng đổi mới để tránh một sự đào thải chắc chắn. Tình hình phong trào dân chủ trong nước trên nhiều mặt còn khó khăn hơn. Lực lượng đã mỏng mà sự phân hoá, chống đối và bài xích lẫn nhau còn trầm trọng hơn. Nói rằng phong trào dân chủ Việt Nam yếu và đang ở trong tình trạng báo động là nói nhẹ. Một thực trạng như vậy đòi hỏi một xét lại toàn bộ về cả văn hoá lẫn phương pháp. Phong trào dân chủ cần được cứu nguy khẩn cấp.

Đã có nhiều phân tích về những nguyên nhân của tình trạng bi đát này. Những phân tích này cần được thường xuyên nhắc lại, nhưng chúng không phải là mục đích của bài này. Chỉ xin nhắc lại những điều cần thiết để giải thích những đề nghị sẽ được đưa ra.

Sự thiếu văn hoá tổ chức của người Việt Nam không còn là một bí mật. Nó khiến đại đa số chúng ta không thấy cần thiết phải tham gia một tổ chức và khi đã ở trong tổ chức thì luôn luôn thấy có nhiều lý do để ra đi hơn là ở lại. Nó cũng khiến người ta không ngần ngại phá hoại một tổ chức mà chính mình cũng đã đóng góp tạo dựng, hy sinh cả những tình bạn lâu năm. Khuyết tật này có trong mọi dân tộc nhưng ở người Việt Nam nó đạt tới một mức độ kinh khủng. Nó thể hiện trong mọi thành phần xã hội, kể cả thành phần học thức cao, và trong mọi tổ chức, dù là các tổ chức chính trị hay các tổ chức từ thiện, ái hữu. Điều đáng để ý là khuyết tật này được mọi người Việt Nam nhìn nhận nhưng hầu như không ai lấy làm xấu hổ và thấy cần khắc phục.

Chúng ta thường nhấn mạnh và tự hào là có bốn nghìn năm văn hiến và một lịch sử giữ nước oai hùng mà quên rằng xã hội truyền thống của chúng ta là một xã hội nô lệ và đến nay dưới một số góc nhìn xã hội ta vẫn còn hình dáng của một xã hội nô lệ. Một đặc tính chung của những tập thể nô lệ là người ta không quý trọng nhau và không kết hợp được với nhau. Chúng ta mang nặng di căn nô lệ, trong khi kết hợp với nhau để thay đổi xã hội chỉ có thể là phản xạ của những con người tự do.

Ngoài ra văn hoá Khổng Giáo còn để lại cho chúng ta một căn bệnh tổ tông truyền: bệnh háo danh:

đã mang tiếng ở trong trời đất,
 phải có danh gì với núi sông
- Nguyễn Công Trứ

Sự khao khát một "danh gì" có thể khiến một người Việt Nam làm những cố gắng rất phi thường để có được một chút tiếng tăm hão huyền cho mình, trong khi không chấp nhận những hy sinh nhỏ để xây dựng một tổ chức có khả năng làm những thay đổi lớn.

Ngoài ra người Việt Nam còn có tập quán không đến với nhau bằng căn cước thực. Mọi người cố gắng tỏ ra tài giỏi hơn, dũng cảm hơn, lương thiện hơn hẳn con người thực của mình và đòi được đánh giá như thế. Căn cước không thực này không cho phép sinh hoạt lâu dài trong một tổ chức bởi vì với thời gian và qua sự gần gũi con người thực tự nhiên hiện ra. Một sản phẩm của tập quán này là cách hoạt động chính trị nhân sĩ, tìm kiếm sự hưởng ứng của những người không biết con người thực của mình. Nền tảng của nó là một sự mâu thuẫn: muốn người ta biết đến mình nhưng lại sợ người ta biết rõ mình.

Không thể xây dựng một căn nhà tốt với những viên gạch mục. Chúng ta cần một thay đổi văn hoá lớn để trút bỏ di sản năng nề, để trở thành những con người tự do, dám có những dự án lớn và dám đảm nhiệm căn cước thực của mình nếu muốn hình thành với nhau những kết hợp lớn. Tuổi trẻ không tiếp nối có thể vì họ không có lý do để đánh giá cao những người đi trước.

Nhưng giả thử chúng vượt qua được những trở ngại tâm lý và văn hoá này thì vẫn còn những kiến thức khách quan và kỹ thuật về đấu tranh chính trị cần phải nắm vững. Những kiến thức này đã được trình bày rất đầy đủ trong nhiều tài liệu nghiên cứu và được kiểm chứng qua lịch sử của mọi quốc gia cũng như trong sinh hoạt chính trị thế giới. Một điều bí ẩn là tại sao những người hoạt động chính trị Việt Nam vẫn không biết đến và cứ tiếp tục luẩn quẩn trong những ngộ nhận lớn. (**)

Ngộ nhận thứ nhất là nghĩ rằng một tổ chức chính trị, hay chính đảng, không cần lý thuyết, không cần một tư tưởng chính trị, trong khi một chính đảng chỉ có lý do hiện hữu và chỉ có thể tồn tại nếu là sự thể hiện của một chủ thuyết nào đó, chủ thuyết hiểu theo nghĩa một cách diễn giải cho những khái niệm lớn – như con người, xã hội, tự do, dân chủ, bình đẳng, liên đới v.v., một cách nhìn thế giới và đất nước, một lập trường về phát triển, một định nghĩa của tiến bộ v.v. Tất cả đều phải gắn bó với nhau trong một toàn bộ kiên kết (coherent) của một tư tưởng chính trị, và chỉ có thể là thành quả của những cố gắng nghiên cứu và suy tư lớn. Chủ thuyết đó (cứ tạm dùng một từ ngữ dễ gây dị ứng) cho phép tổ chức thích nghi với tình thế mà không chối bỏ chính mình, nó khiến những thay đổi chiến thuật không có dáng dấp của một sự phản bội. Nó cũng đem lại ý nghĩa và thế giá cho đấu tranh chính trị, để hoạt động chính trị không rơi vào sự nhảm nhí. Bề ngoài đấu tranh chính trị là tranh giành quyền lực, nghĩa là hoặc để giành được chính quyền hoặc ít nhất một địa vị có ảnh hưởng trong sinh hoạt chính trị. Nhưng sự tôn sùng và tìm kiếm quyền lực vì quyền lực chỉ là một bản năng sơ đẳng còn sót lại trong quá trình tiến hoá từ vượn lên người, qua nô lệ. Tự nó quyền lực chẳng có ý nghĩa gì. Có những điều quan trọng và đáng tìm kiếm hơn nhiều, như tình yêu, tự do, lẽ phải, sự hiểu biết, bàn tay đưa ra cho những người thiếu may mắn v.v. Quyền lực chỉ có ý nghĩa nếu là một phương tiện để thực hiện một dự án thông mịnh và quảng đại. Người ta không thể xây dựng một tổ chức chính trị trên một lập trường tiêu cực, dù là để chống lại những gì phải chống, như độc tài, tham nhũng, áp bức. Ngộ nhận này đưa đến sự thành hình của những tổ chức chỉ để hành động và chỉ có những con người hành động. Nhưng hành động cái gì và như thế nào khi không biết phải làm gì và không hiểu cái tại sao của những việc mình đang làm? Những tổ chức này dĩ nhiên không có triển vọng mà chỉ làm phí uổng những sinh lực và thiện chí quí báu.

Ngộ nhận thứ hai là cho rằng một tổ chức có thể thành lập một cách nhanh chóng. Trong lịch sử thế giới chưa có tổ chức chính trị nào thành công chỉ sau một vài năm thành lập. Ngộ nhận này là hậu quả của sự quan sát hời hợt các biến cố lịch sử. Người ta thấy có những phong trào bùng lên và nhanh chóng giành được thắng lợi mà không biết rằng đó chỉ là giai đoạn cuối của một cố gắng kiên trì từ nhiều năm trước đó. Một tổ chức chính trị có tầm vóc chỉ có thể là thành quả của những cố gắng kiên trì trong nhiều thập niên. Ngộ nhận này đã đưa đến sự ra đời vội vã của nhiều tổ chức đột xuất kiểu mì ăn liền, hay fast food, trong những giai đoạn sôi động. Hậu quả chỉ là sự phân tán lực lượng dân chủ, đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm túc, và làm lỡ cơ hội. Một tổ chức chính trị đúng nghĩa phải được thành lập với tham vọng thực hiện một dự án quốc gia và phải có hành trang tư tưởng và nhân sự để cầm quyền.

Ngộ nhận thứ ba là về các liên minh chính trị. Một sự kiện nổi bật là từ hơn 35 năm qua đã có rất nhiều liên minh chính trị giữa các tổ chức và cá nhân. Các liên minh này đều giống nhau ở một điểm: chúng đều thất bại một cách nhạt nhẽo, nhiều khi còn gây hiềm khích giũa các tổ chức thành viên. Đây là một công thức phải dứt khoát từ bỏ. Tại sao? Lý do là vì vấn đề liên minh chỉ đặt ra giữa những tổ chức lớn, trong khi cho tới nay chưa có một tổ chức dân chủ nào đủ tầm vóc để có tư cách tham gia một liên minh cả. Các liên minh vì vậy không khác gì những cuộc tảo hôn. Chúng thường được coi như là một giải pháp cho tình trạng phân tán lực lượng, trên thực tế chúng có tác dụng ngược lại. Chúng khuyến khích sự thành lập những tổ chức không có thực chất chỉ ra đời để tham gia một liên minh. Vấn đề trước mắt là phải xây dựng ra một, hoặc một vài, tổ chức có tầm vóc.

Tóm lược nào cũng thiếu sót nhưng cuộc vận động dân chủ có thể tóm lược như sau: một bên là chính quyền cộng sản cố gắng thuyết phục người dân rằng không cần phải thay đổi chế độ, mỗi người có thể tìm cách để thành công, nghĩa là ít nhất có thể trở thành giầu có và thoải mái, trong khuôn khổ chế độ này; một bên là đối lập dân chủ cố gắng thuyết phục dân chúng rằng không thể có giải đáp cá nhân cho những vấn đề cá nhân mà phải có một giải đáp chung cho cả xã hội, nghĩa là phải thay đổi chế độ độc tài này bằng một chế độ dân chủ. Một bên khuyến khích chủ nghĩa luồn lách, một bên hô hào kết hợp đấu tranh thay đổi xã hội.

Đây là một cuộc chiến tranh động viên.

Cuộc đấu tranh này không cân xứng vì chính quyền cộng sản vừa có phương tiện để khuyến khích chủ nghĩa luồn lách vừa có bạo lực để đàn áp những kết hợp phản kháng. Muốn thắng cuộc chiến tranh này chính nghĩa không đủ, chúng ta cũng cần hiểu những điều kiện để một cuộc vận động quần chúng thành công. Kẻ viết bài này đã từng phân tích những điều kiện này. Một trong những điều kiện bắt buộc là phải có một tổ chức đủ mạnh để lãnh đạo cuộc đấu tranh và để tạo niềm tin vào thắng lợi. Phải động viên quần chúng, nhưng không thể động viên quần chúng nếu không có một tổ chức mạnh. Kết luận dứt khoát phải rút ra là nếu không có ít nhất một tổ chức dân chủ mạnh thì chế độ độc tài này sẽ còn tồn tại dù nó có phân hoá và chao đảo đến đâu đi nữa, và mọi cố gắng và hy sinh sẽ đều vô ích.

Kết luận này có một số hệ luận:

-Một là, mọi hành động phải được đánh giá trên tiêu chuẩn chúng đóng góp gì cho việc xây dựng một lực lượng dân chủ mạnh, tất cả những tác dụng khác đều không quan trọng;

-Hai là phải thẳng thắn vứt bỏ lối làm chính trị nhân sĩ, nghĩa là đấu tranh cho dân chủ với tư cách cá nhân, các nhân sĩ thể hiện chủ nghĩa luồn lách trong hoạt động chính trị, trong khi chủ nghĩa luồn lách chính là điều mà chính quyền cộng sản khuyến khích và đối lập dân chủ phải chống;

-Ba là phải tập trung yểm trợ những tổ chức có tiềm năng, không khuyến khích, không tốn thì giờ và sinh lực cho những tổ chức đột xuất hoặc những tổ chức đã chứng tỏ sự cằn cỗi.

Chỉ cần suy nghĩ bình tĩnh một chút thôi thì kết luận này và những hệ luận của nó là hiển nhiên. Sở dĩ những sai lầm cứ tiếp tục và dẫn tới tình trạng đáng buồn hiện nay là vì một đặc tính rất lan tràn của trí thức Việt Nam: kết luận trước khi lý luận. Kết luận theo những gì mình muốn rồi dùng lý luận để biện hộ cho một kết luận đến từ cảm tính, thành kiến và sự thèm muốn. Chúng ta không thể là một dân tộc lớn nếu không bỏ được tập quán này. Chúng ta đã mất quá nhiều thời giờ và không còn thời giờ để mất.

Cuối năm là thời điểm tự nhiên để kiểm điểm, nhưng cũng đã đến lúc những người dân chủ bắt buộc phải tổng kết tình trạng của cuộc đấu tranh dân chủ.

Tình trạng không khả quan. Không phải chỉ có vị giáo sư chính trị học nói trên mà rất nhiều người trong và ngoài nước cũng chia sẻ cái nhìn bi quan này về lực lượng dân chủ. Chưa kể là một tác viên quan trọng khác cũng đã xuất hiện và ngày càng chiếm vai trò áp đảo: đồng tiền, vừa là đồng minh vừa là vũ khí của đảng cộng sản. Chưa kể là thế giới đang lâm vào một cuộc khủng hoảng lớn, các chính quyền dân chủ và dư luận thế giới đang tập trung quan tâm vào những khó khăn kinh tế. Tình trạng khẩn trương này buộc những người dân chủ tự hỏi phải làm gì, nhưng nó cũng đặt ra cho mỗi người một câu hỏi nghiêm trọng hơn nhiều: chúng ta có thực sự yêu nước Việt Nam không?

Nếu câu trả lời là "có" thì hệ luận phải rút ra là bắt buộc phải thay đổi chế độ này bằng một chế độ dân chủ, nếu không thì Việt Nam không có tương lai nào và cũng không thể tồn tại. Trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay một trong những khái niệm bị xét lại gay gắt nhất chính là khái niệm quốc gia. Sau cuộc chuyển hoá này sẽ chỉ còn lại những quốc gia thành công, đem lại sự sung túc và niềm hãnh diện cho người dân và được quan niệm như là một không gian liên đới của những con người tự do cùng chấp nhận xây dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Không thể có một nước Việt Nam như thế với chế độ này. Trong vô số lý do chỉ cần nêu hai lý do trên đó cả đối lập dân chủ lẫn những người lãnh đạo cộng sản đều đồng ý: tham nhũng và tụt hậu. Tham nhũng là quốc nạn đang kéo đất nước xuống vực thẳm, nhưng cả lý thuyết lẫn kinh nghiệm của mọi quốc gia đều chứng tỏ không thể có trường hợp một chính quyền tham nhũng tự cải tiến để hết tham nhũng, thậm chí để bớt tham nhũng, giải pháp cho tham nhũng chỉ giản dị là phải thay thế một chính quyền tham nhũng bằng một chính quyền khác. Còn nguy cơ tụt hậu? Ý kiến và sáng kiến là những yếu tố quyết định mức độ tiến bộ, chỗ đứng và sự vinh nhục của mỗi dân tộc trong kỷ nguyên tri thức này, nhưng ý kiến và sáng kiến chỉ phát sinh và nẩy nở nơi những con người tự do, trong những xã hôi dân chủ. Và cũng đừng quên rằng trong khi chúng ta thảo luận thì môi trường Việt Nam đang bị huỷ hoại một cách nhanh chóng. Khi đất nước đã cằn cỗi đến độ không còn sinh sống được nữa thì cũng không còn gì để nói. Phải thay đổi chế độ để đất nước có thể tồn tại. Cuộc đấu tranh dân chủ hoá cũng là cuộc đấu tranh cứu nước.

Nếu câu trả lời là "có".

Một chữ NẾU quá lớn bởi vì những người Việt Nam yêu nước thực ra không còn nhiều. Đó là thành tích lớn nhất của đảng cộng sản. Đó lại càng là lý do để những người dân chủ và yêu nước thực sự nhận nhau là chí hữu, là anh em, và đừng mất thì giờ và công sức cho những manh động phù phiếm. Chúng ta ít nhưng chúng ta có thể kết hợp để có sức mạnh vì chúng ta có những mục tiêu đúng gắn bó chúng ta. Sức mạnh của cuộc vận động dân chủ cũng là ở chỗ không ai có nhu cầu và lý do chính đáng để lo sợ và thù ghét nó cả. Và còn cả một khối hơn 80 triệu người Việt đang chờ đợi lý do để tin và để được động viên.

Vả lại tình trạng của cuộc vận động dân chủ tuy bi đát nhưng không tuyệt vọng. Vấn đề xét cho cùng chỉ là quyết tâm và phương pháp. Bối cảnh thế giới có thể còn thuận lợi hơn trước nếu chúng ta biết vận dụng. Trái với một vài nhận xét, cuộc khủng kinh tế hiện nay gây khốn đốn nhiều nhất cho các nước dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Nó là cuộc khủng hoảng do những cán cân mậu dịch mất thăng bằng, có những nước xuất khẩu nhiều và tiêu thụ ít trong khi những nước khác ngược lại tiêu thụ nhiều và sản xuất ít. Nó sẽ phải được điều chỉnh lại theo chiều hướng giảm bớt nhập khẩu tại các nước phương Tây. Khi thị trường trở thành khó khăn thì kẻ bán điêu đứng hơn người mua. Trung Quốc, và nhất là Việt Nam, sẽ còn lệ thuộc hơn nữa vào các nước dân chủ phát triển và còn phải nể nang dư luận thế giới hơn trước đây. Hậu thuẫn quốc tế sẽ rất có hiệu lực, dĩ nhiên nếu đối lập dân chủ Việt Nam biết vận dụng một cách nghiêm chỉnh và thông minh.

Một trong những điều kiện cốt lõi để giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh động viên là khối người bị ức hiếp nhận diện ra được một thành phần xã hội khác như là nguyên nhân của những thua thiệt của họ

. Thí dụ: sau Thế Chiến II Đảng Cộng Sản đã động viên được quần chúng nhờ tạo ra được ý thức một giai cấp bần cố nông bị giai cấp địa chủ bóc lột. Chúng ta đang thấy gì?

Đặc tính của mọi đảng cộng sản, ở mọi quốc gia, là sau khi đã cướp được chính quyền chúng dần dần biến thành một giai cấp bóc lột và không còn là những chính đảng đúng nghĩa. Không thể khác vì triết lý chính quyền của các đảng cộng sản là giai cấp thống trị đương nhiên phải bóc lột giai cấp bị trị. (Nên nhớ Marx không hề coi việc giai cấp tư sản bóc lột giai cấp vô sản là một tội ác, ông coi đó là một điều tự nhiên, cũng tự nhiên như việc giai cấp vô sản phải tiêu diệt giai cấp tư sản). Đó là điều đang xẩy ra tại Trung Quốc. Với hơn 70 triệu đảng viên, bằng dân số của một nước lớn, đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn là một đảng mà là một giai cấp. Đó cũng là điều đang xẩy ra tại Việt Nam, với gần 8 triệu đảng viên và đoàn viên Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không còn là một chính đảng mà đã trở thành một giai cấp. Sự nhận diện một gia cấp bóc lột, một điều kiện cốt lõi để động viên quần chúng, đã có. Mặt khác, trở thành một giai cấp có nghĩa là đảng cộng sản không còn chiến đấu tính của một chính đảng.

Một giai cấp không có khả năng đoàn kết chiến đấu, dù là để tự vệ

. Phong trào dân chủ sẽ thắng nếu có đội ngũ. Đảng cộng sản cũng biết như vậy cho nên họ sợ và đàn áp trước hết các mưu toan thành lập tổ chức. Tuy vậy với những phương tiện giao thông và truyền thông hiện nay một lực lượng dân chủ có tổ chức vẫn thành lập được với điều kiện là những người dân chủ làm đúng những điều cần làm và làm có phương pháp. Quần chúng Việt Nam đã chín muồi cho một thay đổi chế độ rồi; họ không đứng dậy chỉ vì họ không nhìn thấy một tổ chức đủ tầm vóc và uy tín để lãnh đạo họ và đem lại cho họ niềm tin ở thắng lợi. Một tổ chức như vậy chắc chắn sẽ nhanh chóng tranh thủ được quần chúng và buộc đảng cộng sản phải nhượng bộ. Lúc đó ngay trong nội bộ đảng cộng sản cũng sẽ có rất nhiều người nhận ra rằng nên đối thoại để tìm một lộ trình dân chủ hoá chấp nhận được cho mọi người thay vì ngoan cố trong một cuộc đối đầu tuyệt vọng về lâu về dài, nhất là nếu trước mặt họ là một lực lượng luôn luôn mở cửa cho đối thoại và không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai mà chỉ nhắm dân chủ hoá đất nước.

Ban lãnh đạo cộng sản sẽ không có chọn lựa nào khác nếu họ thấy là quần chúng có thể động viên được. Họ càng phải khiêm tốn khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra ngày càng chứng tỏ rằng chạy theo mô thức Trung Quốc là một sai lầm lớn, và khi cái thành tích tăng trưởng kinh tế bẩy, tám phần trăm mỗi năm đã tiêu tan.

Cần nhấn mạnh một lần nữa là một giai cấp không có chiến đấu tính. Đảng công sản ngày nay với tám triệu đảng viên và thành viên và hàng chục tỷ đô-la là một giai cấp và yếu hơn đảng cộng sản năm 1945 với vài trăm cán bộ và những ruột tượng gạo. Quyền lợi và lòng tham chưa bao giờ là keo sơn gắn bó những con người. Nghĩ rằng các đảng viên cộng sản và thành phần tư sản đỏ sẽ gắn bó với nhau vì quyền lợi là một nhận định ấu trĩ. Đồng tiền là một đồng minh dối trá và phản trắc, và cũng có thể là thuốc độc. Chế độ này không mạnh, nó còn tồn tại và ngoan cố chỉ vì đối lập dân chủ quá yếu, và đối lập dân chủ yếu chỉ vì không đấu tranh đúng phương pháp. Tình trạng rất đáng thất vọng hiện nay không thể làm ta quên là triển vọng thành công của cuộc vận động dân chủ rất lớn.

Ước gì năm mới sẽ là khởi điểm của một cách suy nghĩ và hành động mới.