Home Tin Tức Bình Luận Những ngày cuối năm ảm đạm

Những ngày cuối năm ảm đạm PDF Print E-mail
Tác Giả: Văn Quang   
Thứ Bảy, 03 Tháng 1 Năm 2009 09:52

Một vài cơn mưa cuối mùa, mang lại đôi chút không khí se lạnh vào những buổi chiều hiếm hoi, báo hiệu một năm lại sắp trôi qua, Sài Gòn vừa bước vào những ngày cuối năm. Không khí chộn rộn bắt đầu với những ngày nắng nhẹ. Người ta bắt đầu nghĩ đến Lễ Giáng Sinh, Tết Tây, Tết Nguyên Đán khá gần nhau. Năm nay Tết Nguyên Đán cách Tết Tây 26 ngày. Tết Tây 1-1-2009 vào ngày thứ Năm, 6 tháng 12 Âm Lịch. Tết Nguyên Đán vào ngày thứ Hai 26-1-2009.


Bởi thế mọi sinh hoạt, tính toán của người Việt Nam ở các thành phố lớn đã vào mùa "lo Tết". Từ các doanh nghiệp đến các tư nhân và ngay cả các công nhân cũng đã nhìn về những ngày lễ tết sắp đến. Người khá giả lo chuẩn bị những chuyến đi cho những ngày nghỉ cuối năm: Đà Lạt, Nha Trang, Vịnh Hạ Long hay đi nước ngoài. Có điều chắc chắn là cho đến nay không ai muốn đặt vé đi Thái Lan, dù các sân bay đã mở cửa. Công nhân thì lo chắt bóp, tính chuyện về thăm quê sau một năm đổ mồ hôi sôi nước mắt làm việc ở các khu công nghiệp.

Năm nay khác với mọi năm, một số công nhân làm việc ở thành phố có ý định sau Tết này sẽ "trụ" lại quê nhà, không trở lại với các xí nghiệp nữa. Bởi nhiều công ty xí nghiệp thua lỗ, không đủ tiền trả công nhân. Có những ông chủ bỏ của chạy lấy người, công nhân đói dài. Làm cả tháng không đủ tiền trả nợ áo cơm. Công nhân đến xưởng xiết đồ của chủ. Chủ nhà trọ chờ sẵn, xiết lại đồ của công nhân.

Các doanh nghiệp, các cửa hàng tấp nập chuẩn bị bán tháo hàng cũ, mua hàng mới ngay từ vài tháng trước. Đây là dịp cuối cùng cho họ cạnh tranh, không bán được hàng cũ kể như thiếu vốn hụt hơi trong thời buổi kinh tế suy thoái trầm trọng này rất dễ dàng dẫn tới phá sản. Do đó, cuộc cạnh tranh mỗi ngày, thậm chí mỗi lúc, càng trở nên khốc liệt. Và cũng vì sự sống còn ấy, các "ông lớn" trong kinh doanh xả hết "súp bắp" lao vào cuộc chạy đua cuối năm.

Người "hit to king" nhiều hơn người đi mua

Có thể nói một cách chính xác rằng không năm nào như năm nay, "chính sách đại hạ giá" lại diễn ra sôi nổi đến như thế. Đại hạ giá từ hè phố bán "son" đủ mặt hàng từ quần áo sida đến giày dép. Ở đâu cũng hạ giá từ 20% đến 50-60%, có mặt hàng hạ đến 70-80%. Hạ giá thật chứ không phải hạ giá "lèo".

Gây chú ý nhiều nhất là các cửa hàng lớn buôn bán kim khí điện máy. Các loại hàng từ xưa đến nay được gọi là cao cấp, nhưng bây giờ hầu như nhà nào cũng có là ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy vi tính, máy chụp hình, đến những hàng thông dụng như cái bàn ủi, nồi cơm điện... tất cả đều hạ giá "thê thảm". Cứ mở trang báo hằng ngày, bạn sẽ có đủ thông tin quảng cáo của các "trung tâm mua sắm" và "kim khí điện máy". Những dòng quảng cáo thật hấp dẫn "chưa bao giờ rẻ đến thế", giá cũ 15 triệu, giá mới chỉ có 9.999.000 VNĐ, còn được tặng thêm một cái đầu đĩa giá 1 triệu đồng. Mua một tặng một, mua hàng cao cấp tặng thêm phiếu từ vài trăm ngàn đến 1 triệu mua bất cứ hàng nào... "Chỉ khuyến mãi có 1 tuần thôi, nhanh chân lên kẻo hết". Nhưng tất nhiên, ở Sài Gòn thì ai cũng hiểu đó là nói dóc. Sau thời hạn ấy đến thời hạn khác, và người ta hy vọng đợt sau sẽ hạ giá hơn đợt trước.

Khung cảnh ở những cửa hàng này có vẻ tấp nập. Người định mua đến chọn hàng đã đành, những người không định mua cũng đến "xem chơi cho biết". Tôi và một người bạn chẳng cần mua gì cũng bớt chút thì giờ đến thăm. Cách mời chào của các cửa hàng bây giờ cũng "tiến bộ" lắm. Ngay từ các cửa ra vào, đã có hai hàng người đẹp dàn chào rất cung kính, cúi đầu cảm ơn khách hàng theo kiểu... phim Hàn Quốc. Các tủ kính sáng choang, hàng hàng lớp lớp sản phẩm bóng bảy thật quyến rũ. Nhộn nhịp nhất vẫn là các gian hàng trưng bày máy truyền hình đủ các nhãn hiệu. Nhiều nhất vẫn là các hãng Nhật rồi đến Hàn Quốc, Indonesia... Hàng Mỹ, Pháp rất ít. Các cô cậu "tiếp thị" mỏi mồm giải thích công dụng và cách sử dụng từng món hàng. Người xem đông, nhưng người mua lèo tèo. Một vài thứ rẻ tiền được bán ra ngay tại quầy hàng. Còn những thứ hàng cao cấp được mang đến tận nhà, lắp ráp, cho chạy thử xong mới lấy tiền.

Tôi chẳng định mua gì, đã có sẵn "cổng USB", nhưng thấy cái cổng USB 2GB ở đây quá rẻ, chỉ có 69.000 VNĐ (bằng 4 Mỹ kim), trong khi tháng trước tôi phải mua với giá gấp đôi, tôi lại "nhân tiện" mua thêm một cái nữa, gọi là có mua. Vả lại cổng USB thì không bao giờ thừa, dùng nó chứa tài liệu, hình ảnh là tương đối yên tâm hơn là những cái CD.

Chỉ thế thôi, tôi và anh bạn cũng mất hơn một giờ đi "hit to king" (hít tủ kính) trong cửa hàng. Cho đến lúc này, theo nhận định của anh bạn tôi, vốn là một tay có khiếu về thương mại, dù đại hạ giá nhưng sức mua rất kém. Kém hơn hết mọi năm vào dịp này. Cái túi tiền của người dân đang lép dần, người ta phải tiết kiệm nhiều hơn mua sắm. Và người dân lại có lời bàn Mao Tôn Cương rằng vào đầu năm 2009, khi Hiệp Định Tổ Chức Mậu Dịch Quôc tế (WTO) có hiệu lực, các hãng buôn lớn của Mỹ, Úc, Pháp "đổ bộ" vào Việt Nam, hàng hóa sẽ tốt hơn, mới hơn và cũng có thể sẽ rẻ hơn. Vì ban đầu bao giờ các ông lớn này cũng sẽ bán với giá rẻ theo kiểu "cho đèn dầu hỏa rồi bán dầu lấy lời dài dài vô thời hạn".

Nhìn chung, hầu hết các cửa hàng lớn, bán hàng "xịn" lúc này đang rất vắng khách. Từ những nhà buôn bán đồ gỗ, trang trí nội thất, các shop chuyên bán thời trang nổi tiếng nước ngoài, các cửa tiệm vàng bạc, đến các khách sạn 4-5 sao vắng hẳn. Các dịch vụ du lịch cũng đua nhau xuống giá, nhưng cũng khó lôi kéo được du khách. Nhiều hãng cho biết số khách giảm tới 20-30% so với năm trước. Nhà đất cũng đang "đóng băng", chung cư cao cấp có giá từ 1-2 ngàn Mỹ kim một mét vuông, đầu năm hét giá trên trời, nay xuống giá "sát đất" cũng rất ít khách đến thăm. Các hãng xe hơi đang giảm giá mạnh. Nếu như cách đây chừng một năm, giá chiếc xe Santa Fe máy dầu 2.0 CRDi bản MLX của Hyundai có giá 52.000 Mỹ kim thì hiện tại giá bán ra chỉ còn 42.000 Mỹ kim.

Một số doanh nghiệp khác cho biết họ đang chấp nhận bán xe chịu lỗ để thu hồi vốn, bởi xe tồn đọng còn nhiều.

Một phần vì chưa đến "giờ G" của một năm mua sắm, nhưng phần chính vẫn là cái túi tiền của người dân lép quá rồi. Ngoại trừ những ông chỉ ngồi đó chỉ chỏ cũng ra đô-la như ông Giám Đốc cái Dự án Đông-Tây, như bà buôn bán sừng tê giác tận Nam Phi thì mua giờ nào chẳng được. Có khi chẳng cần mua cũng có người mang đến tặng gọi là "quà tình cảm" như ông Phó chủ tịch tỉnh Lào Cai Nguyễn Ngọc Kim bào chữa trước tòa rằng những cái phong bì tiền của bà Nguyễn Thị Ngọc Liên mang đến là "quà tình cảm".

Bây giờ mới biết "phồn vinh giả tạo" là thế nào

Tuy nhiên, con số đó không nhiều, 95% người Việt Nam lúc này đang lo "thắt lưng buộc bụng". Bộ mặt thành phố chỉ "sáng đèn" ở những cửa hàng đại hạ giá, còn thật sự trong tâm tư người dân lại ảm đạm. Bây giờ người ta mới hiểu thế nào là "phồn vinh giả tạo", chứ năm 1975, từ ngữ này mới nhập cảng vào Sài Gòn, chẳng ai hình dung nổi nó ra sao.

Đường phố vẫn cứ mải miết, xô bồ, chen lấn với những lô cốt, ổ gà, ổ voi... chưa biết đến bao giờ mới được tháo gỡ, theo lời "điều trần" của ông Trần Quang Phượng, Giám đốc sở Giao thông Vận Tải TP. Sài Gòn, cho biết thì: "TP. Sài Gòn mới chỉ đào 27% km đường của Dự án Vệ sinh Môi trường và tính cả 12,5 km Dự án Cải thiện Môi trường nước, thì còn cần đào 52 km đường nữa". Chưa biết đến năm nào mới xong, người dân không thể tin vào lời hứa hẹn năm 2010 hay 2015. Kỳ họp nào của Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng đem ra bàn, đem những "bức xúc" của nhân dân ra trình làng, mổ và xẻ rồi đâu vẫn hoàn đấy. Kẹt đường ở Sài Gòn vẫn đang là một lời than vãn ai oán hằng ngày của hơn 6 triệu dân TP. Sài Gòn.

Cú đấm vào "nghi án hối lộ của PCI"

Thế nhưng nỗi buồn này chưa nguôi thì trong tuần này lại được tô điểm thêm một nét chấm phá sâu hơn, như vết dao cắt trong tâm tư người dân Sài Gòn. Đó là việc ngày 4-12, Đại sứ Nhật tại Việt Nam Mitsuo Sabaka, tuyên bố nước này tạm ngừng mọi dự án ODA mới có lãi suất ưu đãi cho Việt Nam tới khi có kết luận cuối cùng về nghi án hối lộ của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI).

Hai tuần trước, tôi đã có dịp tường trình với bạn đọc về "sự mất mặt" làm tổn hại nghiêm trọng đến thể diện Quốc Gia, trong vụ hối lộ xảy ra giữa TP. Sài Gòn. Đến nay có "biến chuyển" mới. Sau khi phía Việt Nam đưa ra hành động cụ thể tạm ngừng chức ông Huỳnh Ngọc Sỹ là Giám đốc Ban Quản Lý dự án và đồng thời là Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố.

Phía Nhật Bản đã có một giải pháp cứng rắn hơn: Trong bài phát biểu tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) ngày 4-12-2008, Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba cho biết, đầu năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố dự định nâng các khoản vay ODA (Viện trợ phát triển chính thức) lên tổng cộng 65,3 tỷ yen cho nửa đầu của năm tài chính 2008 cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện hệ thống giao thông và thoát nước tại Việt Nam. "Tuy nhiên, tất cả thủ tục liên quan đến các dự án này đã tạm dừng sau khi vụ tham nhũng PCI được đưa ra ánh sáng".

Đại sứ Nhật Bản bày tỏ sự hối tiếc trước vụ tham nhũng của một công ty Nhật Bản liên quan đến dự án có nguồn vốn hỗ trợ của Nhật Bản tại Việt Nam.

Cuối bài phát biểu tại CG, Đại sứ Mitsuo Sakaba nói: "Thật đáng khích lệ khi chứng kiến lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tái thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để chống tham nhũng và Nhật Bản mong muốn thúc giục Chính phủ Việt Nam tiếp tục các nỗ lực để ngăn ngừa tham nhũng tái diễn".

Lời tuyên bố đầy tính ngoại giao đó, người ta thấy rõ chính phủ Nhật chưa hài lòng. Vì thế họ mới mong Việt Nam "tiếp tục các nỗ lực ngăn ngừa tham nhũng tái diễn". Họ tạm dừng nguồn vốn hỗ trợ cho Việt Nam như từ bao năm nay. Họ sợ những món tiền khổng lồ đó người dân không được hưởng bao nhiêu mà rơi vào túi các quan tham. Ông Đại sứ Nhật giải thích: "Sẽ khó để lấy lại sự ủng hộ từ công chúng Nhật Bản thúc đẩy viện trợ thêm cho Việt Nam và chúng tôi không thể hứa những khoản vay bằng đồng yen mới cho đến khi Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước thực hiện các giải pháp chống tham nhũng ý nghĩa và hiệu quả". Nói cho rõ hơn, người dân Nhật không đóng thuế để làm giàu cho những anh tham nhũng ở nước khác.

Nếu như... có một vài lời của người trong cuộc

Sự việc này đã khiến người dân Việt Nam, nhất là người dân TP. Sài Gòn "ê ẩm", chú ý theo dõi diễn tiến của sự việc. Nhưng những thông tin chi tiết và những bằng chứng dù chỉ là ban đầu vẫn chưa có. Điều này khiến cho dư luận càng gay gắt hơn. Vì lý do nào thông tin về phía Việt Nam quá chậm như thế?

Trả lời về việc này, sáng 5-12, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 14 HĐND TP. Sài Gòn, Phó Chủ tịch thường trực UBND Nguyễn Thành Tài đã dành khá nhiều thời gian để giải trình các vấn đề liên quan đến vụ hối lộ của PCI mà các đại biểu đã chất vấn. Ông Tài nói: Sai phạm tại PCI hầu hết đều được thông tin qua nguồn báo chí nước ngoài mà đã là báo chí thì chỉ mang tính chất tham khảo. Chỉ đến khi Tòa án Nhật phán quyết xử lý một số đối tượng liên quan, lãnh đạo thành phố mới cân nhắc và quyết định tạm đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sỹ để phục vụ công tác điều tra".

"Tôi là người trực tiếp làm việc với phía Nhật và đã khẳng định cả hai nước chưa ký hiệp định, phía Nhật không thể trực tiếp điều tra công dân Việt Nam mà việc đó phải do các cơ quan điều tra của Việt Nam tiến hành".

Ông tỏ vẻ không hài lòng khi bày tỏ: "Tôi đã làm việc với phía Nhật khoảng 7-8 lần, lần nào cũng đề nghị được cung cấp hồ sơ chứng cứ phạm pháp của cán bộ liên quan nhưng đến nay, phía bạn vẫn chưa đáp ứng".

Điều này chứng tỏ, sự cộng tác của hai bên vẫn chưa chặt chẽ hoặc chưa tiến triển, chưa đến lúc được công khai hóa mọi chứng cứ sau điều tra.

Tuy nhiên, không hẳn là mọi yếu tố đều tùy thuộc vào phía Nhật Bản. Nếu như người dân biết được một phần trong bản tường trình của ông Huỳnh Ngọc Sỹ, một gương mặt "sáng chói" trong nghi án nhận hối lộ tai tiếng này, dư luận sẽ bớt gay gắt hơn và người dân không có cảm tưởng là mình bị bưng bít hoặc nhà chức trách có ý định bao che. Dù ông Sỹ, lúc này vẫn có thể "báo cáo" là mình vô tội, mình làm cho người khác hưởng, chia chác hoặc không chia chác cho những ai. Song ít nhất thì cũng có tiếng nói của người trong cuộc. Còn có tội hay không, sau này cơ quan điều tra của cả hai phía sẽ xác định cụ thể.

Quả bóng trách nhiệm đưa về đâu?

Trong phiên họp này, nhiều đại biểu hỏi trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải trong việc Giám đốc Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông-Tây Huỳnh Ngọc Sỹ bị đình chỉ vì nghi vấn nhận hối lộ trong vụ PCI. Ông Phượng thừa nhận, ông Sỹ là Phó Giám đốc nên Sở cũng có một phần trách nhiệm.

Tuy nhiên, ông Phượng trần tình: "Dự án Đại lộ Đông-Tây thuộc nhóm A, do UBND TP. Sài Gòn quản lý chứ không phải Sở GTVT. Việc giáo dục cán bộ, công nhân viên Ban quản lý dự án này cũng không phải chức năng của Sở".Ông Đặng Văn Khoa chất vấn: Ông Sỹ là cấp dưới, là bạn ông Phượng, mà không liên quan là vô lý.

Quả bóng trách nhiệm lại được đá về phía cổng thành của cấp trên, một cái cổng thành rộng toác hoác, nhưng không có tên có và quá nhiều nhân vật nên không ai giữ. Không thể chỉ đích danh ai là người có liên quan, có trách nhiệm.

Vậy ông Giám Đốc sở GTVT TP. Sài Gòn có liên quan hay không, liên quan thế nào lại là chuyện hạ hồi phân giải.

Sau cuộc họp, ông Ông Trương Trọng Nghĩa - Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP. Sài Gòn "tâm sự" với phóng viên báo chí: "Tôi cảm thấy hơi tiếc. Giá như, trong kỳ họp lần này, các cơ quan có trách nhiệm thông báo cụ thể hơn về kết quả điều tra bước đầu thì đại biểu và đồng bào, cử tri sẽ hoan nghênh hơn".

Nói cho đúng, người dân bớt "bực mình" hơn, bớt những lời đồn đoán... cứ như thật.

Radio Catinat nói gì

Chính vì sự thiếu thông tin này nên những cái được gọi là "Radio Catinat" tha hồ bàn ngang tán dọc. Ở các công tư sở, những quán cafe, những quán ăn, những nơi "trà dư tửu hậu" đã từng có những thông tin rằng "ấy cái ngôi nhà bên cạnh quán Cafe 32 Nguyễn Thị Diệu là nơi các nhà thầu Nhật Bản trao tiền hối lộ cho ông Sỹ. Và được giải thích là ở đó là trụ sở của PCI nên họ đặt máy quay phim, họ cần chứng minh với thượng cấp của họ là đã trao tiền đàng hoàng chứ không phải khai khống. Kể ra lời đồn đoán này không hẳn là không có lý, nhưng hoàn toàn vô căn cứ.

Và cũng có ông ra vẻ trầm tư "bình loạn" rằng sở dĩ người Nhật đứng đầu trong danh sách những nhà cho vay vốn vì các ông thử nhìn lại mà xem, trong các gia đình Việt Nam, từ thành phố về đến thôn quê, hơn một nửa những vật gia dụng, tiện nghi trong nhà, hầu hết đều là hàng Nhật. Từ cái xe gắn máy, cái quạt máy, cái bàn ủi, cái phích cắm điện đến những hàng cao cấp hơn như máy lạnh, tủ lạnh, ti vi, xe hơi... đều mua từ các hãng Nhật. Hơn 50 năm rồi, người Việt Nam đã chi bao nhiêu tỉ vào những mặt hàng đó và đến nay vẫn còn tiếp tục, ngày một nhiều hơn. Các hãng Nhật đã mang về bao nhiêu lợi nhuận? Cho nên sự cho vay vốn cũng là điều tất nhiên, vả lại họ cũng được hưởng lợi trong việc Việt Nam thực hiện những công trình đó như đối với các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm cải thiện giao thông và hệ thống thoát nước. Tăng công suất nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, dự án cải thiện môi trường nước ở Hà Nội và TP. Sài Gòn... Có điện thì dân mới dùng hàng đó, có đường giao thông thuận lợi thì dân mới mua xe... Có đi có lại cả đấy các ông ạ. Hơn nữa vay rồi cũng phải trả, đời ta chưa trả được thì đời con cháu chúng ta phải trả chứ có ăn quỵt được đâu. Thế hệ này đời cha Nhật hưởng một ít, thế hệ sau đời con họ cũng hưởng chứ có mất đi đâu.

Tuy nhiên, chưa ai dám chắc rằng vụ nghi án này bao giờ sẽ trở thành "vụ án thật" và nó sẽ kéo dài trong bao lâu. Họ chỉ hy vọng, với những lý do vừa dẫn chứng vụ này sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn để khỏi làm mất mặt Việt Nam trên thế giới.

Một bạn khác có vẻ "thời sự" nhận định: Chúng ta có thể tự giấu mình, trốn tránh sự thật, nhưng trong sân chơi hội nhập, thế giới buộc ta phải nhìn thẳng vào những sự thật ấy. Báo chí trong nước có thể giữ im lặng vì lý do này lý do khác, nhưng với báo chí nước ngoài, không có gì có thể ngăn họ đi đến tận cùng của sự thật. Những lời bình luận của họ sẽ phát đi khắp thế giới.

Vài hàng tường trình để bạn đọc có thể nhìn xuyên suốt một số góc cạnh của Sài Gòn, từ bề ngoài "phồn vinh" đến nỗi ảm đạm trong tâm tư người dân vào những ngày gần bước sang cuối năm 2008 này.