Home Tin Tức Bình Luận Nhỏ ăn nhỏ lớn ăn lớn

Nhỏ ăn nhỏ lớn ăn lớn PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Tư, 07 Tháng 1 Năm 2009 14:28

Chúng ta nhớ lại, năm 2006, một cuộc hội thảo về đề tài “Văn Hóa và Tham Nhũng ở Đông Nam Á” (Culture and Corruption in South East Asia) đã được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, trong hai ngày 3 và 4.3.2006, có 40 học giả từ các nước Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và CHLB Đức đến tham dự.

Khi trình bày về tham nhũng tại các nuóc Đông Nam Á, ông Sombat Benjasirimongkol, đại diện của Thái Lan, đã phát biểu rằng tham nhũng ở Việt Nam mới đạt “trình độ nhà trẻ so với trình độ sau đại học của Thái Lan”.

Lời tuyên bố này bị một số ngưới phản đối nhưng nó đã phản ảnh tình trạng thực tế tại Việt Nam. Sau đây là một vài thí dụ cụ thể: Xe đò mỗi khi đi qua các trạm kiểm soát đều phải nộp tiền mãi lộ cho nhân viên kiểm soát mới khỏi bị sách nhiễu. Đi xe trái luật chỉ cần dúi cho cảnh sát lưu thông một số tiền là khỏi bị biên giấy phạt. Muốn đưa hàng lậu qua biên giới, cách tốt nhất và an toàn nhất là đưa hối lộ cho cảnh sát biên phòng hay thuê cảnh sát biên phòng chuyển giúp. Xin ký chuyển nhượng nhà đất hay bất cứ giấy tờ gì quan trọng, phải đưa tiền lót tay cho các viên chức xã, nếu không sẽ bị ngâm từ tháng này qua tháng khác, v.v. Đó không phải là tham nhũng theo “trình độ nhà trẻ” hay sao? Chúng ta khó tìm thấy lối tham nhũng “trình độ nhà trẻ” này ở Singapore, Đài Loan hay Đại Hàn.

Tuy nhiên, sau vụ PCI, chúng ta thấy tham nhũng ở Việt Nam không phải chỉ với “trình độ nhà trẻ” mà có nhiều cấp bậc khác nhau. Nhưng hôm nay chúng tôi muốn đưa ra một số sự kiện để cho độc giả thấy rằng tham nhũng và lường gạt không phải chỉ xẩy ra ở các nước chậm tiến như Việt Nam hay Cambodia mà còn xẩy ra ở các nước văn minh, nhất là tại nước Mỹ này. Càng văn minh, kỷ thuật tham nhũng và lường gạt càng cao.

ĐÔNG TÂY GIÓNG NHAU

Ngày 25.8.2008, bốn cựu viên chức của công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) của Nhật đã bị truy tố vì hối lộ một viên chức Việt Nam tại Sài Gòn vào năm 2003 và 2006, vi phạm Luật chống cạnh tranh không bình đẳng của Nhật Bản. Năm 2001 và 2003, công ty PCI đã thắng thầu tổng trị giá 3,1 tỷ yen cho dịch vụ tư vấn trong một dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây của thành phố Sài Gòn. Các bị cáo Masayoshi Taga, Kunio Takasu, Haruo Sakashita và Tsuneo Sakano thú nhận việc chuyển cho một viên chức cao cấp Việt Nam tại thành phố Sài Gòn số tiền hối lộ 820.000 đôla để thắng thầu dự án phát triển cơ sở hạ tầng có này, sử dụng vốn ODA của Nhật.

Báo Nhật đã nêu danh tính viên chức VN bị cáo buộc nhận hối lộ là ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám Đốc Sở Giao Thông Công Chính thành phố Sài Gòn, kiêm Giám Đốc Ban Quản Lý PMU Đông-Tây.

Chuyện các viên chức ngoại quốc hối lộ cho các viên chức các nuóc chậm tiến theo hình thức của PCI không phải là chuyện mới lạ.

Ngày 8.5.2006 một bản báo có được đăng trên tờ Thời Báo Tài Chánh London, đã tiết lộ rằng ông James Giffen đã bị chất vấn và truy tố vì đã đưa hối lộ 51 triệu Mỹ kim "tiền thù lao" cho viên chức cố vấn chính phủ Kazakh.

Ông James Giffen là một cố vấn đứng ra thương lượng các khế ước về những giếng dầu tại Kazakhstan cho Công Ty Xăng Dầu Mobil. Ông đã bị bắt và bị buộc tội vì trong những nhiệm vụ giao phó, ông đã nhận hơn 78 triệu Mỹ kim từ Công Ty Xăng Dầu Mobil và những công ty dầu khác tại Tây phương rồi sau đó ngầm chuyển bất hợp pháp tới các viên chức cao cấp của chính phủ Kazakh.

Bộ Thương Mại Hoa Kỳ ước tính rằng từ trung tuần tháng 5/1994 cho tới tháng 4/2002, nạn hối lộ đút lót đã ảnh hưởng đến hậu quả của 474 khế ước trị giá 237 tỷ USD.

MỘT VỤ LỪA ĐẢO CHẤN ĐỘNG

Nhưng có lẽ vụ làm cho nhiều người ngở ngàng nhất là vụ nhiều tỷ phú, ngân hàng quốc tế và các hiệp hội bất vụ lợi đã bị ông Madoff ở Mỹ lừa mất khoảng 50 tỷ.

Ông Bernard Madoff đã bị bắt ngày 11.12.2008 sau khi ngày truóc đó ông thú nhận với hai người con trai rằng ông làm mất 50 tỷ USD của nhiều nhà đầu tư trong một vụ “lừa đảo”. Hai người con trai khuyên ông tự nộp mình cho cảnh sát.

Ngày 15.12.2008, ông Bernard Madoff đã bị truy tố về tội lừa đảo, nhưng được tại ngoại hậu tra sau khi đóng tiền thế chân chỉ 10 triệu (khỏe re!). Một thẩm phán tại tòa New York tuyên bố các nạn nhân trong vụ lừa đảo của ông Bernard Madoff được bảo vệ bởi Đạo Luật Bảo Vệ Người Đầu Tư (SIPA) và đưa công ty của Madoff qua tòa án phá sản.

Ông Bernard Lawrence Madoff sinh ngày 29.4.1938 tại Hoa Kỳ. Ông là một nhà kinh doanh đã từng làm Chủ Tịch Thị Trường Chứng Khoán NASDAQ. Ông thành lập “Wall Street firm Bernard L. Madoff Investment Securities LLC” vào năm 1960 và là Chủ Tịch của tổ hợp này cho đến ngày 11.12.2008, ngày ông bị bắt.

Bảng liệt kê sơ khởi cho biết có 22 tổ chức đã bị ông Madoff lừa đảo, chẳng hạn như Banco Santander, ngân hàng hàng đầu tư của Tây Ban Nha mất 3,6 tỷ USD; Ascot Partners, một công ty kế toán và tư vấn tài chính mất 1,8 tỷ USD; Benbassat & Cie., một ngân hàng tư nhân của Thụy Sỹ mất 935 triệu USD; Ngân hàng Nomura tại Tokyo công bố số tiền bị dính vào vụ lừa đảo của Madoff khoảng hơn 300 triệu USD, nhưng không lo bị mất nhiều. Các ngân hàng lớn ở Pháp cũng dính khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó có ngân hàng lớn thứ tư là Natixis với 450 triệu Euro.

Trong số các nạn nhân có một nhân vật nổi tiếng là Thượng Nghị Sĩ Frank Lautenberg thuộc tiểu bang New Jersey, người được coi là giầu nhất Thượng Viện Mỹ. Quỹ từ thiện của ông đã đưa tiền cho ông Madoff đầu tư. Trong năm 2006 quỹ Lautenberg đã phát 765.000 USD cho những cơ quan từ thiện khác, có nơi nhận được 300.000 USD.

Quỹ từ thiện của ông Zukerman, một tỷ phú chủ nhân của những tờ báo New York Daily News và US News and World Report cũng mất khoảng 30 triệu USD vì đưa tiền cho Madoff đầu tư.

Madoff thú nhận rằng công việc ông ta làm đúng là một vụ lừa đảo kiểu PONZI, cũng gọi là Kim Tự Tháp, tức là lấy tiền của người đóng góp sau trả cho người trước một cách đều đặn và đầy đủ, do đó tạo nên hình ảnh những vụ đầu tư lúc nào cũng có lời. Đây là một mánh khóe lừa đảo rất thông dụng có khắp thế giới, như một vụ nổi tiếng đã xẩy ra ở Albania năm 1997 đánh lừa được gần 2/3 dân số xứ này với số tiền hơn một tỷ USD. Khi nội vụ bị đổ vỡ, dân chúng biểu tình khiến chính phủ sụp đổ.

Mánh khóe này được mang tên CHARLES PONZI, vì Charles Ponzi là kẻ đã đánh lừa nhiều người ở Boston vào năm 1920 bằng lời hứa hẹn trả tiền lời 50% trong vòng 45 ngày, thu hút được hơn 40 ngàn người và thu lời 15 triệu USD.

Phương pháp Madoff có hơi khác Ponzi. Madoff không lôi cuốn người có tiền bằng những lời hứa trên trời dưới biển như Ponzi. Công ty đầu tư của ông đã trả tiền lời đều đặn từ 10% trở lên và không bao giờ cao quá, trong hàng chục năm nay. Công ty Madoff chỉ nhận tiền gửi đầu tư của những người được những nhà triệu phú khác giới thiệu. Những người đó không ngờ có ngày tiền bay đi mất.

TÌM CÁI CHẾT VÌ BỊ LỪA ĐẢO

Hãng tin AFP cho biết cảnh sát Mỹ đã tìm thấy thi thể của ông Rene-Thierry Magon de la Villehuchet tại văn phòng ở Manhattan, New York. Theo cảnh sát, một nhân viên an ninh tại văn phòng của Villehuchet đã phát hiện ông này chết trong tư thế ngồi tại bàn làm việc vào khoảng 8 giờ sáng 23.12.2008 (giờ địa phương).

Theo cảnh sát, ông Villehuchet, 65 tuổi, có thể đã tự tử bằng cách uống thuốc ngủ và dùng con dao khui hộp cắt gân máu ở tay. Họ tìm thấy một cái hộp được kê dưới tay ông để đựng máu. Các lọ thuốc ngủ nằm trên bàn làm việc của ông, còn con dao khui hộp nằm trên nền nhà. Cảnh sát không tìm thấy bất cứ thư tuyệt mệnh nào. Trước đó, theo lời kể của các nhân viên an ninh tại văn phòng thì chiều 22.12.2008 ông này đã yêu cầu mọi người rời khỏi phòng trước 7 giờ tối. Chưa đầy 13 tiếng sau thì người ta phát hiện ra thi thể của ông.

Ông De la Villehuchet là đồng sáng lập tổ chức “Access International Advisors” vào năm 1994, một công ty gây quỹ từ các thị trường châu Âu để đầu tư vào quỹ Madoff. Theo hãng tin AP, ông Villehuchet bơm tới 1,4 tỉ USD của các nhà đầu tư châu Âu vào hệ thống lừa đảo đa cấp của tỉ phú Madoff. Trong khi đó, theo AFP thì số tiền này lên đến 2,1 tỉ USD.

Ông Villehuchet có cuộc sống rất sung túc. Ông thường đi lại trên khắp thế giới bằng các du thuyền sang trọng. Ông cũng là một tay lái thuyền buồm giỏi, từng tham gia nhiều cuộc đua thuyền và là thành viên của Câu lạc bộ Thuyền buồm New York. Trước lúc qua đời, ông Villehuchet sống ở khu ngoại ô sang trọng tại hạt Westchester thuộc bang New York của Mỹ cùng với bà vợ Claudine. Hai người không có con.

Theo báo giới Pháp, ông Villehuchet đã tìm đến cái chết do sức ép tâm lý nặng nề sau khi bộ mặt thật của siêu lừa Madoff được đưa ra ánh sáng. Báo La Tribune của Pháp cho biết ông Villehuchet đã làm việc cật lực trong suốt tuần qua để tìm cách thu hồi lại số tiền đã lỡ đầu tư vào quỹ "ma" của Madoff.

Một người bạn thân của ông Villehuchet nói: "Ông ta không thể chịu đựng được sức ép sau khi vụ Madoff bị phanh phui.” Theo ông này, ông Villehuchet trước khi chết đang quản lý khoảng 2 tỉ Euro (2,79 tỉ USD) từ các khách hàng châu Âu và 75% số tiền này đã được đầu tư vào quỹ Madoff. Do đó, khi vụ Madoff đổ bể, ông Villehuchet đã bị suy sụp tinh thần và lo sợ khách hàng sẽ khởi kiện. Ông nói tiếp: "Access là cả cuộc đời của ông ấy và Madoff là một nhà quản lý mà ông Villehuchet đã đặt trọn niềm tin". Cũng theo ông này, Villehuchet có cả một đội ngũ chuyên theo dõi, ghi lại tất cả mọi hoạt động của Madoff và ông Villehuchet đã không ngờ tất cả chỉ là giả mạo.

CHUYỆN GIAN LẬN CHỨNG KHOÁN

Chuyện gian lận chứng khoán ở Wall Street không phải là chuyện nới lạ. Ủy Ban Giao Dịch Chứng Khoán (SEC) Mỹ cho biết chỉ trong 5 năm đã có hàng trăm vụ tiết lộ trái phép thông tin nội bộ và hàng ngàn vụ giao dịch mua bán chứng khoán và cổ phiếu trái luật được phát hiện. Đặc biệt có đến 4 ngân hàng đầu tư tài chính có uy tín ở Wall Street là UBS, Morgan Stanley, Bank of America và Bear Stearns trở thành nạn nhân của vụ tai tiếng lớn này. Ở đây chúng tôi chỉ đưa một vài vụ cụ thể.

1.- Vụ Mitchell Guttenberg

Theo hồ sơ của Ủy Ban Giao Dịch Chứng Khoán Mỹ cho biết vào tháng 11-2001, tức sau biến cố 911 chưa đầy hai tháng, Mitchel Guttenberg, 41 tuổi, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu chứng khoán của UBS Securities LLC, hẹn gặp Erik Franklin, 39 tuổi, nguyên giám đốc một quỹ đầu tư cơ hội của Bear Stearns, ở nhà hàng Con Hàu để bàn chuyện trả 25.000 USD mà Guttenberg vay của Franklin. Guttenberg đề nghị trả nợ bằng một loại “tiền” có giá trị gấp nhiều lần tiền USD ở Wall Street.

UBS cho biết Guttenberg là một thành viên của ủy ban xét duyệt bản phân tích và đánh giá các loại chứng khoán và cổ phiếu trước khi nó được công bố nên có đủ tin tức chính xác để làm chuyện trái luật này. Franklin dựa vào tin của UBS do Guttenberg cung cấp để thực hiện những cuộc mua bán chứng khoán và cổ phiếu chắc chắn có lời cho cá nhân mình và cho hai quỹ đầu tư cơ hội là Q Capital Investment Partners và Lyford Cay Capital mà ông ta đang phụ trách. Franklin chia lại tiền lời cho Guttenberg.

Mỗi buổi sáng sớm, Guttenberg báo những thông tin mật cho Franklin bằng tin nhắn SMS mã hóa trên điện thoại di động xài Sim trả trước. Đây là cách rất an toàn vì khó phát hiện. Franklin không chỉ hành động đơn độc mà còn rủ rê nhiều người khác làm ăn với mình.

Một ví dụ cụ thể: Ngày 22.10.2002, Guttenberg mớm cho Franklin biết trước tin UBS khuyến cáo các khách hàng của mình nên bán cổ phiếu của Công ty Marsh & McLennan vì sắp tụt giá. Lập tức Franklin toa rập với Mark E. Lenowitz, 43 tuổi - một đối tác của Franklin ở Công ty Q Capital - bán ra 96.000 cổ phiếu của công ty Marsh & McLennan. Trong vụ này Franklin lời 94.410 USD, còn Lenowitz lời 6.640 USD. Trong vòng hơn 5 năm, với những phi vụ tương tự, quỹ đầu tư cơ hội Lyford Cay Capital của Bear Stearns và cá nhân Franklin thu lợi bất chính trên 5 triệu USD.

Guttenberg cũng không chỉ làm ăn với Franklin mà còn tiết lộ thông tin mật cho nhiều “đồng chí” khác, trong đó có David Tavdy, 38 tuổi, một tay mua bán chứng khoán cho công ty môi giới Andover. Tavdy dùng thông tin của Guttenberg để bán lại cho người khác là David Glass, chủ một công ty mua bán chứng khoán trong ngày, thu lợi bất chính 6 triệu USD. Việc làm này bị hai đồng nghiệp của Tavdy ở Assent biết được. Họ yêu cầu Tavdy và Glass hối lộ 150.000 USD nếu không muốn bị tố cáo. Hai người này đã phải trả làm nhiều kỳ, mỗi kỳ 30.000 USD.

Theo Ủy Ban Giao Dịch Chứng Khoán Mỹ, có ít nhất 8 chuyên viên về chứng khoán, ba quỹ đầu tư cơ hội, hai người môi giới chứng khoán, đã thực hiện hàng ngàn vụ mua bán cổ phiếu một cách bất chính, thu lợi cả chục triệu USD nhờ Guttenberg cung cấp thông tin mật.

2.- Vụ Smart Online

Hôm 12.9.2007 Dennis Michael Nouri, Giám Đốc Smart Online, người anh là Reeza Eric Nouri và 4 nhà môi giới chứng khoán khác bị truy tố về tội hối lộ cho các nhân viên môi giới chứng khoán để thổi phồng giá cổ phiếu của công ty này lên. Đơn khởi tố cho biết giữa tháng 5 năm 2005 và tháng 1 năm 2006, Michael Nouri đã trả cho các môi giới chứng khoán 170.000 USD để bán hơn 267.000 cồ phần của Smart Oneline, tức khoảng 10% khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư trong giai đoạn đó.

Tài liệu của toà án cho biết nhóm này đã muốn tăng giá cổ phiếu của công ty Smart Online trước khi được niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq. Cổ phiếu của công ty này đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán thứ cấp (OTC), tức thị trường giao dịch không đòi hỏi các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm toán và công bố thông tin.

Trong các cuộc hội thoại đã được ghi âm sau khi Uỷ Ban Chứng Khoán Mỹ hoãn việc giao dịch cổ phiếu Smart Online ở Nasdaq, ông Dennis Nouri thú nhận đã làm thế nào để nói dối, che giấu kế hoạch với các nhà điều tra. Các bị can trong vụ này đã bị truy tố về tội gian lận chứng khoán và âm mưu gian lận chứng khoán. Tội âm mưu có thể chịu hình phạt cao nhất là 5 năm tù, còn tội gian lận chứng khoán có thể chịu mức án tối đa 20 năm tù.

ỦY BAN CHỨNG KHOÁN MỸ BẤT LỰC?

Ngày 8.3.2007, để cảnh cáo, Chính Phủ Hoa Kỳ đã công bố hàng chục loại cổ phiếu bị lũng đoạn giá vì những kẻ chuyên gửi thư rác (spam). Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Mỹ đã công bố một chiến dịch “tiêu diệt thư rác”, nhưng hình như sáng kiến chống thư rác của UBCK (SEC's Anti-Spam Initiative) vẫn chưa đem lại kết quả bao nhiêu.

Thư rác là một khối điện thư hay thư quảng cáo được gởi một lượng lớn (junk mail). Loại thư này rất rẻ và dễ gởi nên những kẻ lừa dối đã xử dụng nó để tìm các nhà đầu tư cho những kế hoạch đầu tư không có thật hay tung những tin tức giả về một công ty.

Người xử dụng thư rác có thể dùng một “bulk e-mail program” để gởi hàng ngàn và thậm chí hàng triệu e-mail đến cá nhân những người xử dụng Internet cùng một lúc. Quý vị đừng ngạc nhiên tại sao họ biết e-mail của quý vị. Họ có nhiều cách và một hình thức giản dị nhất là dùng hacker để lấy.

Giám đốc Văn phòng Chế tài của UBCK Mỹ đã khám phá có 35 loại cổ phiếu tăng giá nhờ những chiến dịch thư rác. Thư rác về chứng khoán trở thành một hình thức công nghệ cao của thủ thuật dìm giá và thổi giá: Những kẻ cổ động gửi đồng loạt hàng triệu email quảng bá về những cổ phiếu “không thể bỏ qua”. Khi có nhiều người cả tin và mua vào, giá cổ phiếu tăng lên. Những kẻ tuyên truyền sẽ bán cổ phiếu của mình ở cao điểm của quả bong bóng.

Thư rác đã xuất hiện và phát triển theo tiến trình lịch sử của của email và Web, và đã trở nên cực kỳ tệ hại trong mấy năm qua. Theo số liệu của công ty Postini chuyên về bảo mật thông tin, số thư rác về chứng khoán đã tăng 120% trong sáu tháng qua. Chủ đề chứng khoán, theo đại học MIT công bố, trước đây hai năm chỉ chiếm không đầy 1% trong tổng số thư rác, đến nay đã lên đến 20%. UBCK Mỹ ước tính mỗi tuần có đến 100 triệu thư rác về chứng khoán được gửi đi.

Những kẻ gửi thư rác đã biết phát huy những lợi thế về công nghệ. Trước đây họ gửi thư rác từ một máy tính, do vậy những hệ thống lọc thư rác dễ dàng phát hiện và chặn lại. Ngày nay, họ chuyển sang dùng một mạng lưới các máy tính liên kết với nhau (gọi là botnet). Băng thông rộng cũng giúp họ có thể gửi hàng tỉ thư và chữ viết dưới dạng hình ảnh.

Những thư rác dùng hình ảnh (gọi là image spam) đọc không khác gì những thư rác thông thường, nhưng lách qua được những hệ thống lọc thư vì hầu hết các hệ thống này chỉ lọc chữ mà không lọc được hình ảnh. Ông Daniel Druker, Phó Chủ tịch của công ty Postini, cho biết: “Không chỉ ngày càng nhiều thư rác mà ngày càng có nhiều thư lọt qua được hệ thống lọc.”

Đã có hàng triệu nhà đầu tư chứng khoán không chỉ đọc thư rác mà còn đầu tư theo đó. Nhờ vậy, lợi nhuận do tung thư rác rất cao. Thông tin của UBCK Mỹ cho thấy, ngày 15/12/2006 cổ phiếu của công ty Apparel Manufacturing Associates chỉ có giá 6 cents. Sau chiến dịch thư rác kéo dài 4 ngày, giá vọt lên 45 cents. Đến ngày 17/12/2006, giá tụt xuống còn 10 cents. Tương tự, giá cổ phiếu của công ty Goldmark Industries chỉ là 17 cents ngày 19/12/2006, sau một tuần thư rác, đã tăng lên 35 cents. Đến ngày 9/1/2007, giá tụt xuống còn 15 cents.

Một cuộc nghiên cứu năm 2006 của Giáo sư tài chính Laura Frieder (Đại học Purdue) và Giáo sư luật Jonathan Zittrain (Viện nghiên cứu Internet, Đại học Oxford) kết luận rằng thư rác về chứng khoán có tác động đến thị trường.

Hai nhà nghiên cứu xem xét các nhà đầu tư mua những cổ phiếu được đánh bóng và bán đi khi chiến dịch thư rác kết thúc, trung bình thua lỗ 5.5%. Còn những kẻ phát động thư rác đã chủ động mua cổ phiếu trước đó và bán ra trong chiến dịch gửi thư, kiếm lời trung bình 5,79%.

Ông Cromwell Coulson, Giám đốc công ty Pink Sheets chuyên cung cấp dịch vụ tài chính và mạng thông tin về giá cổ phiếu OTC đả nói: “Giống như bạn nhìn thấy tờ giấy bạc trong ngõ tối, chạy vào nhặt thì bị đập vào đầu.”

Từ tháng 4/2006, công ty Pink Sheets đã đề xuất lên UBCK Mỹ một luật mới, qui định những người gửi thư cổ động cho chứng khoán phải ghi rõ danh tính, nguồn tài trợ, và mối quan hệ với các công ty. Những thư không ghi đủ các dữ kiện đó phải được coi như vô giá trị. Nhưng đề nghị này vẫn chưa được áp dụng.

ooo

Trên đây chỉ là một vài thí dụ để giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng của những trò tham nhũng và lường gạt trên thế giới. Nhiều chuyện khác đã được quý vị đọc hay nghe hàng ngày trên báo chí hay truyền thanh và truyền hình.

Người Việt chống cộng thường coi Việt Cộng nhưng một tên gian manh ba đầu sáu tay. Nhưng sau khi ở Mỹ một thời gian, người Việt chống cộng đã gọi Mỹ là “siêu cộng sản”. Điều đó quá đúng! Do đó, nếu Mỹ không lừa Cộng Sản thì thôi, đừng sợ Mỹ bị Cộng Sản lừa.