Home Tin Tức Bình Luận Mở cửa Trung quốc, thưở ấy và bây giờ

Mở cửa Trung quốc, thưở ấy và bây giờ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyên bản tiếng Anh của Richard Holbrooke   
Thứ Hai, 12 Tháng 1 Năm 2009 10:03
Trịnh Bảo Ngọc NTHF lược dịch
 WASHINGTON, D.C. - Chính sách mở cửa của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong các năm 1971-1972 của Tổng Thống Richard Nixon và Henry Kissingger là một cú đột phá lịch sử. Tuy ít nổi tiếng hơn, nhưng cùng tầm quan trọng, là một bước nối tiếp đáng kể, được thực hiện bởi Tổng Thống Jimmy Carter cách đây đúng 30 năm, đó là việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao toàn diện giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ. Nếu như không có hành động này, mà đã được công bố ngày 15 tháng 12 năm 1978, thì các mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Cộng đã không thể nào vượt quá mối kết giao cao cấp thu hẹp kèm với một chương trình nghị sự hạn chế.
 Khi rời nhiệm sở vào năm 1977, Tổng Thống Gerald Ford và Kissinger đã để lại phía sau mối quan hệ còn dở dang và tất yếu là chưa vững chắc với Hoa Lục. Hoa Kỳ khi ấy vẫn còn công nhận Ðài Loan, dưới cái tên Cộng Hòa Trung Hoa, là chính phủ duy nhất và hợp pháp của Trung Quốc. Kể từ năm 1972, Hoa Kỳ và Trung Hoa lục địa đã duy trì “các văn phòng liên lạc” nhỏ, không được công nhận, tại thủ đô của mỗi nước. Liên lạc chính thức còn rất hạn chế, và mậu dịch song phương hàng năm chỉ dưới 1 tỉ đô la. (Ngày nay, nó là con số đáng kinh ngạc 387 tỉ đô la).
 Carter nhận chức tổng thống với hy vọng bình thường hóa các mối quan hệ với Trung Cộng. Ðiều này buộc Hoa Kỳ phải chuyển hướng công nhận từ Ðài Loan sang đại lục. Có người cho rằng đây chỉ đơn thuần là sự thừa nhận một hiện thực, nhưng thực sự đó là một bước đi với những hệ quả quan trọng đòi hỏi đảm lược về phương diện ngoại giao và chính trị.
 Người ta phải tìm một lộ trình cho Hoa Kỳ, trong lúc công nhận Hoa Lục, để tiếp tục dàn xếp với chính phủ về Ðài Loan việc không công nhận tư cách đại diện Trung Quốc của họ; điều quan trọng nhất, là Hoa Kỳ phải giữ quyền bán vũ khí cho Ðài Loan. Về quan điểm chính trị, đã có cuộc vận động hành lang nổi tiếng cho Ðài Loan, một trong những cuộc vận động mạnh mẽ nhất tại Hoa Kỳ, hiện vẫn được hoàn toàn khống chế bởi cánh bảo thủ trong chính giới Hoa Kỳ.
 Dẫn đầu bởi “Ông Bảo Thủ” của Hoa Kỳ, Thượng Nghị Sĩ Barry Goldwater, và ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đề cử của đảng Cộng Hòa năm 1980, Ronald Reagan, nhóm vận động hành lang cho Ðài Loan đã chống lại việc bình thường hóa (với Trung Cộng) đến cùng. (Goldwater đã đưa chính phủ Hoa Kỳ ra Tòa Án Tối Cao để kháng nghị hành động của Carter, nhưng không thành; Reagan, trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1980, đã hứa trong chừng mực nào đó là sẽ hủy bỏ việc bình thường hóa, ông chỉ từ bỏ lập trường đó sau khi đã đắc cử.)
 Câu chuyện ly kỳ được phơi bày ra trong hai năm đầu của chính quyền Carter, mà công chúng hoàn toàn không ai biết, ngoại trừ hai chuyến đi quan trọng đến Hoa Lục, một chuyến của Ngoại ztrưởng Cyrus Vance, và chuyến kia của cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brezinski. Thật khó có thể tin được, các anh em chúng tôi từng tham gia vào quá trình này (lúc đó tôi là thứ trưởng ngoại giao phụ trách Ðông Á và Thái Bình Dương Sự Vụ) đã lèo lái để giữ các cuộc thương thảo căng thẳng ấy hoàn toàn bí mật.
 Trung Cộng đã đòi hỏi (Hoa Kỳ) cắt đứt mọi quan hệ chính thức giữa Ðài Loan và Hoa Kỳ, kể cả việc bán vũ khí. Biết rằng một nước cờ như thế sẽ kích động nên một phản ứng ngược dữ dội trong nước, (vì vậy) chúng tôi đã tìm một phương thức duy trì các mối liên lạc chính thức và việc mua bán vũ khí với Ðài Loan thậm chí sau khi chúng tôi không còn công nhận họ và chấm dứt hiệp ước an ninh song phương được phê chuẩn dưới thời của Tổng Thống Eisenhower.
 Chưa hề có tiền lệ này trong luật pháp Hoa Kỳ hay quốc tế. Với sự cố vấn của cựu tổng trưởng tư pháp thời Tổng Thống Eisenhower, Herbert Brownell, các luật sư của Bộ Ngoại Giao đã phác thảo Bộ Luật Quan Hệ Ðài Loan, một bộ luật không giống với bất cứ bộ luật nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ, cho phép chính phủ Hoa Kỳ buôn bán với Ðài Loan, kể cả việc bán vũ khí, mà không cần sự công nhận (một quốc gia Ðài Loan).
 Thế nhưng khi chúng tôi giải thích với Trung Cộng tạo sao đây là điều thiết yếu nhằm đưa đến việc công nhận, họ đã gạt ngang. Họ muốn giao thương (với Hoa Kỳ) và hưởng những mối lợi khác qua sự công nhận đó, điều này sẽ đem lợi cho cả hai quốc gia trong thời Chiến Tranh Lạnh, lúc mà Trung Cộng còn thù địch ghê gớm với Liên Bang Xô Viết, quốc gia mà họ gần như sắp đánh nhau chỉ trong một vài năm trước đó. Nhưng Ðài Loan vẫn còn là một chướng ngại khổng lồ có vẻ như không thể vượt qua được.
 Cú đột phá đã đến vào cuối năm 1978, và thời điểm được thận trọng ấn định bởi Tổng Thống Carter sau các cuộc bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ. Yếu tố quan trọng nhất nằm trong cú đột phá này có lẽ là sự xuất hiện nổi bật của ông Ðặng Tiểu Bình người được xem là nhà lãnh đạo mới, tối cao của Trung Cộng. (Họ Mao mất năm 1976)
 Họ Ðặng, người đã bị buộc phải đội chiếc mũ lừa bằng giấy và phải tự kiểm điểm trong thời kỳ quái đản của cuộc Cách Mạng Văn Hóa, đã thực hiện một cuộc trở lại (chính trường) vĩ đại nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng được, và vào Mùa Thu năm 1978, cuối cùng ông đã có đủ quyền lực để thỏa thuận với Hoa Kỳ: Trung Cộng không “đồng ý” về việc bán vũ khí hay về các hoạt động khác của Hoa Kỳ với Ðài Loan, dù vậy nhưng họ sẽ xúc tiến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ðó là một ví dụ cổ điển về lối thương thuyết của Trung Cộng: cứng rắn trên nguyên tắc, uyển chuyển theo tình cảnh.
 Ở đây tôi bỏ qua nhiều tình tiết - vì đây là một cuộc thương thảo rất phức tạp - nhưng đấy mới là cốt tủy của câu chuyện. Vào Tháng Giêng năm 1979, Ðặng đã thực hiện chuyến đi lịch sử đến Hoa Kỳ, bắt đầu bằng một bữa ăn tối kín đáo tại nhà Brzezinski và (không khí sôi nổi lẫn thành quả của bữa tiệc) đã đến mức tột đỉnh của một buổi dạ tiệc quốc gia hiếm có nhất trong những năm tháng thời Tổng Thống Carter (đây cũng là điều đáng ghi nhận đối với chuyến viếng thăm Wasington đầu tiên của Tổng Thống Nixon kể từ khi ông từ chức; tôi ngồi cùng bàn với Nixon, và đã giữ lại một cái thực đơn mà mọi người cùng ký vào tối hôm ấy).
 Tại nhà Brzezinski, Ðặng đã nói đến những ước mơ của mình về một Trung Quốc mà ông biết có lẽ ông không còn sống để nhìn thấy. Ông tin rằng Trung Quốc có khả năng nhảy vọt để bù đắp lại những năm tháng mà thế giới đã qua mặt họ, nhưng (điều này) chỉ (xảy ra) với sự hỗ trợ của người Mỹ. Ông sẵn sàng hợp tác để kềm hãm Liên Xô, thậm chí ông còn đồng ý việc thiết lập những trạm tình báo nghe lén bí mật của Hoa Kỳ dọc theo biên giới Hoa Lục để theo dõi hỏa tiễn của Xô Viết.
 Ðặng đã tiên tri một cách chính xác sự trao đổi rộng rãi về sinh viên, về kỹ thuật hiện đại, và về thương mại. Hơn bất kỳ viên chức Hoa Kỳ nào khác, ông ta đã lường trước những gì sẽ đạt được qua việc mở cửa của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng. Nhưng chính Ðặng cũng đã không hề đứng ra hoàn toàn những gì sẽ được giải tỏa bởi tuyên bố ngày 15 tháng 12 năm 1978 - ngày nay không có gì bằng sự phát triển mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất trên thế giới.
 Richard Holbrooke, nguyên là thứ trưởng ngoại giao phụ trách Ðông Á và Thái Bình Dương Sự Vụ vào thời gian bình thường hóa quan hệ với Hoa Lục năm 1978, ông viết ở chuyên mục nguyệt san cho tờ The Washington Post.