Ưu tiên kinh tế |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | |||
Chúa Nhật, 18 Tháng 1 Năm 2009 03:14 | |||
Tổng Thống George W. Bush ra đi để lại cho người kế vị ông một di sản khá nặng nề, một cuộc suy thoái kinh tế chưa từng thấy ở Mỹ từ 80 năm qua cho đến hai cuộc chiến còn dở dang và một cuộc diện thế giới đầy biến loạn có khả năng nổ lớn ở Trung Đông. Vậy Tổng Thống kế nhiệm Barack Obama phải quan tâm đến chuyện gì trước hết? Chúng tôi thiết nghĩ ưu tiên là vấn đề kinh tế. Nếu kinh tế Mỹ không có hy vọng ngóc đầu lên được, hãy tạm quên đi việc giải quyết các vấn đề đối ngoại kể cả cuộc chiến tranh chống khủng bố mà tiêu biểu là tấn công Afghanistan và Iraq theo chiến lược của ông Bush từ 8 năm qua. Còn một tuần lễ nữa đến ngày tựu chức Tổng Thống, Barack Obama đã bắt đầu hành động chuẩn bị kế hoạch cứu nguy kinh tế. Đầu tuần này Obama yêu cầu Bush giải tỏa luôn một nửa số tiền còn lại của ngân quỹ 700 tỷ đô-la dành cho việc cứu nguy các ngân hàng tư nhân bị phá sản. Obama hứa với Quốc hội ông sẽ làm việc này tốt hơn Bush, dùng số tiền 350 tỷ để trực tiếp giúp giới trung lưu. Ông nói với báo chí: “Chúng tôi nhắm vào vấn đề tiền nợ mua nhà của người dân và nguy cơ bị mất nhà. Chúng tôi nhắm giúp giới tiểu thương, nhìn vào những gì cần làm để bảo đảm cho tiền tín dụng được cấp cho người tiêu thụ và giới kinh doanh để tạo ra công ăn việc làm ở Mỹ”. Như vậy làm tốt hơn Bush có nghĩa là làm lợi cho người dân mua nhà thay vì làm lợi cho các công ty tài chính cho vay tiền. Nhưng để cứu vãn nền kinh tế Mỹ đang xuống dốc, quan trọng nhất vẫn là mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người dân. Năm 2008, 2.6 triệu người đã mất việc, số thất nghiệp này là lớn nhất kể từ năm 1945. Số người mất việc hiện nay là 7.2%, tỷ lệ lớn nhất từ gần 16 năm qua. Số việc làm bị mất này nhiều nhất không phải là việc làm ở công sở hay các công ty kinh doanh mà là việc làm trong giới tiểu thương. Theo những thống kê mới nhất vào tháng 12 vừa qua, giới tiểu thương chỉ còn 85.2% lạc quan cho nghề làm ăn của họ. Đến tuần này lại mất thêm 2.6%. Như vậy ngành tiểu thương đã suy thoái gần bằng mức năm 1980 là 80.1%. Mỹ là nước có xã hội tiêu thụ, tiểu thương sống được nhờ người tiêu thụ. Nay số người thất nghiệp quá lớn và một viễn tượng kinh tế khá bi quan, các gia đình người dân nói chung đều có khuynh hướng dè sẻn, tiết kiệm, không tiêu xài như trước, thành ra ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế. Về mặt này Ngân hàng Dự trữ Liên bang hiện đang cho các công ty tài chính vay và mua hàng đống nợ khó đòi của các công ty để họ thoát khỏi thế kẹt cứng. Bernanke nói cần phải dùng ngân quỹ 700 tỷ để “bơm” thêm tiền cho các công ty tài chính. Nếu Bộ trưởng Ngân khố của chính phủ Obama, ông Timothy Geithner, quyết định loại bỏ những “món chi độc hại” đã ghi trong quỹ 700 tỷ, Bernanke đề nghị nên lựa chọn ra một vài trường hợp. Một số người dân và một vài nhân vật Quốc hội tỏ ý lo ngại về việc Bộ Tài chính quản lý Quỹ 700 đô cho đến nay cung cấp viện trợ cho các công ty tài chính và và các công ty khác ở Thị trường Chứng khoán - mà một số là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay - trong khi một số các công ty kỹ nghệ không được viện trợ hay chỉ được giúp rất ít. Bernanke thông cảm với sự quan tâm đó. Nhưng ông nói hệ thống kinh tế Mỹ tùy thuộc một cách khẩn trương vào sự luân lưu tự do tín dụng. Nó cũng giống như dưỡng khí của kinh tế. Nếu nó bị cắt bỏ, nền kinh tế sẽ càng bị nhào sâu thêm xuống vực thẳm và kéo theo cả công ăn việc làm của người dân. Tóm lại nguồn tự do tín dụng là cần cho tiểu thương và tiểu thương vững vàng là nhờ dân chúng có công ăn việc làm. Vậy tạo ra việc làm là ưu tiên hàng đầu trên các ưu tiên khác. Vậy làm thế nào tạo ra việc làm? Kế hoạch của Obama nói đến những việc “công ích”, những việc có ích lợi chung cho người dân, chẳng hạn việc làm ra xa lộ hay các phương tiện lưu thông đường bộ khác, hiện đã có những vẫn cần mở thêm. Mặc dù nhu cầu này không có tính cách khẩn cấp, nhưng trước sau rồi cũng phải làm, vậy tại sao không làm ngay bây giờ cho các công ty xây dựng và các hãng thầu có công ăn việc làm? Trong khi gấp rút cứu vãn cuộc khủng hoảng hiện nay, nước Mỹ đồng thời cần phải có những biện pháp phòng ngừa các cuộc khủng hoảng khác trong tương lai. Chúng tôi thiết nghĩ ưu tiên là phải ngăn chặn mọi sự lạm dụng niềm tin, quan trọng là tín dụng, tức tiền cho vay hay tiền đi vay để làm ăn chớ, không phải để ăn sài quá lố đến lúc hối không kịp. Bernanke cũng nhấn mạnh đến một khía cạnh khác đáng chú ý. Đó là nhu cầu hợp tác quốc tế. Ông nói: “Một bài học rõ rệt cho giai đoạn vừa qua là thế giới ngày nay có sự ràng buộc ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia. Bởi vậy không thể có quốc gia nào đứng riêng ra một mình với chính sách luật lệ kinh tế, tài chính riêng của nước đó trên doanh trường quốc tế. Vì thế hợp tác quốc tế là điều thiết yếu nếu chúng ta muốn giải quyết nạn khủng hoảng kinh tế này một cách hiệu quả và tạo ra nền tảng cho một sự phục hồi lành mạnh và lâu bền”. Với thời gian, kinh tế thế giới sẽ ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay, nhưng sự phục hồi sẽ diễn ra vào thời điểm nào và mạnh mẽ như thế nào, điều này vẫn chưa được xác dịnh rõ ràng.
|