Home Tin Tức Bình Luận Truyền Thông Trung Quốc

Truyền Thông Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Khải   
Thứ Hai, 19 Tháng 1 Năm 2009 03:57

Trong khi nhiều trí thức Trung Quốc kêu gọi tẩy chay truyền thông nhà nước Trung Quốc, thì chính phủ của đất nước đông dân nhất thế giới này lại lên kế hoạch mở rộng truyền thông sang nhiều vùng quốc tế với các phương tiện tối tân hơn. Không phải thuần túy lĩnh vực ý thức hệ, vì tư tưởng họ Mao không thuyết phục gì được tới đâu, mà nhiều phẩn có thể đoán sẽ là một bước chuẩn bị để bành trướng toàn cầu, bên cạnh các mục tiêu nhỏ hơn. Đây cũng sẽ là một nỗi lo tương lai cho Việt Nam, nếu các biến động Biển Đông xảy ra, khi các phe đều cần phải thuyết phục dư luận quốc tế.

Báo The Straits Times từ Singapore ngày 14-1-2009 loan tin rằng một nhóm trí thức Trung Quốc - nhiều người trong đó là những người đã ký tên vào Hiến Chương 08 để đòi thay đổi dân chủ - đã kêu gọi tẩy chay các chương trình tin tức trên truyền hình nhà nước TQ, mà họ gọi là "tuyên truyền hạ cấp."

Một thư ngỏ từ nhóm này phổ biến nói là đài truyền hình trung ương CCTV đã biến các chương trình thông tin và các phim bộ lịch sử thành chương trình tuyên truyền để tẩy não người xem. Thư ngỏ ký bởi 22 học giả và luật sư, chỉ trích đài TV quốc doanh và độc quyền này là đã bỏ lơ các hiện tượng bất ổn xã hội, và đã tẩy trắng các sự kiện lớn như cú xì căng đan sữa độc mới đây.

Báo The Straits Times viết rằng thư ngỏ của nhóm trí thức này tuyên bố chính sách Bốn Không: "Chúng tôi sẽ không xem CCTV, không xuất hiện lên CCTV, không nghe CCTV, không nói về CCTV nữa."

Thư ngỏ còn cho biết đài CCTV đã đầu độc dư luận bằng cách loan tin là cơ sở kinh doanh Sanlu Group - trung tâm của cuộc tranh cãi - khẳng định rằng sản phẫm sữa của hãng này đã trải qua "1,100 lần kiểm phẩm." Thư ngỏ còn nói là đài CCTV chỉ loan tin tốt về quốc nội, và chỉ loan tin xấu về nước khác.

Học giả Ling Cangzhou, hiện đang ở Bắc Kinh và là người khởi xướng tẩy chay CCTV, nói, "Thiệt kỳ cục rằng gần như tất cả các kênh TV đều cùng loan bản tin buổi tối vào cùng một thời khoảng."

Ling, một nhà biên tập kỳ cựu của một tạp chí tài chánh, nhìn nhận là không thực tế gì với chuyện hy vọng biến đổit ức khắc, nhưng ông hy vọng quyết định có thể "đặt hạt giống cho thay đổi dần dần."

Ban biên tập CCTV đã gửi tin ra AP để tự thanh minh thanh nga, rằng đài này đã loan tin "kịp thời và đủ" kể cả vụ động đất năm ngoái, các cuộc nổi dậy ở Tây Tạng và vụ sữa độc, và tố ngược lại rằng nước nào cũng đang tuyên truyền cả, kể cả Mỹ khi "tuyên truyền về vũ khí sát hại tập thể ở Iraq và cuộc tấn chiếm Iraq."

Thực ra, CCTV đang ngụy biện. Bởi vì không có đài truyền hình quốc doanh nào tại Hoa Kỳ cả. Chỉ có đài PBS là tiền quyên góp từ cá nhân người dân và được tài trợ từ chính phủ, nhưng trọng tâm kênh truyền hình này là giáo dục, và chương trình lịch sử trên PBS rất trung thực, luôn luôn đưa cái nhìn 2 chiều, và mỗi ngày có giờ thông tin phát sóng lại từ BBC, mà đài truyền hình Anh Quốc  này lại không ưa gì ông Bush. Ung hộ ông Bush hết lòng hết dạ chỉ có đài FOX, thì lại là của tư nhân, với các nhà bình luận hầu hết thuộc cánh hữu bảo thủ.

Điều chúng ta quan ngại thực ra là một chính sách mới của Bắc Kinh: bản tin AFP ngày 15-1-2009 loan rằng Đảng CSTQ muốn tăng tốc tuyên truyền quốc tế để ngang tầm sức mạnh TQ, trong đó có kế hoạch đưa các làn sóng truyền hình và báo chí TQ ra hải ngoại.

Bản tin AFP viết rằng sau khi thiết lập các kênh truyền hình nói tiếng Pháp và Tây Ban Nha trước khi tổ chức Thế Vận Bắc Kinh 2008, đài CCTV cũng dự tính mở các kênh mới nói tiếng Nga và tiếng Ả Rập, trong đó đài nói tiếng Ả Rập sẽ phát sóng từ tháng 9-2009 và sẽ thuê 100 nhân viên nói tiếng Ả Rập.

Bản tin AFP ghi thêm rằng Li Changchun, người đang giữ chức tư lệnh về tư tưởng cho CSTQ, kêu gọi thêm tuyên truyền ở hải ngoại, "mà ông nói là sẽ tập trung vào việc ca ngợi thành quả của Đảng CSTQ và kinh tế TQ."

Họ Li nói với thông tấn Xinhua rằng, "Chúng ta muốn dân tộc chúng ta tự đấm ngực và nói, 'Cái thằng bệnh hoạn của Đông Á không phải là Trung Quốc. Dân tộc TQ vĩ đại đã vương lên giữa các nước trên thế giới, và TQ không nghèo, lạc hậu và ngu ngốc."

Báo The Global Times (Thế Giới Thời Báo), điều hành bởi Nhật Báo Nhân Dân của Đảng CSTQ, đang dự định mở ấn bản Anh ngữ trong thời gian gần. 

AFP nói rằng tờ South China Morning Post ở Hồng Kông nói rằng chính phủ TQ đã trích ra 6.6 tỉ đô la để tăng lực cho truyền thông quốc doanh.

Chúng ta đừng nghĩ đơn giản là CSTQ chỉ muốn thuyết phục người gốc Hoa toàn cầu. Bởi vì người Hoa toàn cầu đã có sẵn đầy đủ nối mạng Internet để đọc tin bằng tiếng Trung Quốc từ nhiều chiều khác nhau, và đã có truyền hình tiếng Hoa nối đủ thứ mạng cable, vệ tinh và qua trực tuyến online rồi.

Vậy thì, CSTQ muốn thuyết phục thế giới chuyện gì? Muốn thuyết phục dân Ả Rập chuyện gì, có phải để khai thác dầu và mua dầu với giá ưu đãi dài hạn, hay để xuất cảng lao động TQ với giá rẻ sang Ả Rập để nằm ém lâu dài cho một viễn ảnh Thế Chiến?

Hay là khi có biến động Biển Đông, khi tranh chấp biển với nhà nước Hà Nội, các làn sóng đài truyền hình CCTV của Bắc Kinh sẽ nói hàng chục thứ tiếng để thuyết phục thế giới rằng Biển Đông, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa, là của Trung Quốc từ lâu rồi. Viễn ảnh tranh chấp Biển Đông sẽ phức tạp hơn, bởi vì Đài Loan chắc chắn sẽ  đứng về phe với CSTQ.

Hay là khi có biến động biên giới như cuộc chiến 1979, thế giới sẽ được thuyết phục rằng CSVN lúc nào cũng vô ơn và tráo trở. Tuyên truyền này dù đúng, vẫn không gây được chú ý với người dân thế giới, vì đó không phải là chuyện của họ, đó chỉ là chuyện biên giới của hai nước CSTQ và CSVN. Nhưng giả dụ, khi hình ảnh cuộc chiến  tương lai nếu xảy ra, và hình ảnh này được đài CCTV đưa vào màn hình toàn cầu bằng nhiều ngôn ngữ, thì chính phủ nào không có tiếng nói hẳn nhiên sẽ là bất lợi vô cùng.

Đó là các suy nghĩ cần quan tâm. Tại sao Bắc Kinh cần tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng? Có phải để sửa soạn cho một cuộc chiến toàn cầu, hay cuộc chiến khu vực?