...vấn đề Việt Nam chắc chưa được nửa trang...
Ít ngày nữa dân An-Nam ta sẽ ăn mừng năm Con Trâu mới. Trong khi dân Cờ Hoa sẽ ăn mừng tổng thống mới tuổi Con Trâu. Lễ đăng quang của Tổng Thống tân cử Barack Obama sẽ được tổ chức cực kỳ trọng thể tại thủ đô Washington ngày bài viết này lên báo, 20 tháng 1 năm 2009. Rất trọng thể vì nó đánh dấu hai biến cố trọng đại trong lịch sử chính trị Mỹ. Biến cố lớn có tính cách thật sự lịch sử hiển nhiên là sự kiện lần đầu tiên một người da đen -dù chỉ là lai- đắc cử tổng thống. Dân da đen ăn mừng là lẽ tất nhiên, nhưng cả nước Mỹ, bất kể màu da cũng phải ăn mừng để ghi nhận sự kiện kỳ thị màu da đã đi vào quá khứ, ít nhất là ở cấp thượng tầng chính trị Mỹ. Trên thực tế, ở những cấp địa phương, sinh hoạt hàng ngày, hay cá nhân, chẳng thể nào chấm dứt hoàn toàn chuyện kỳ thị. Dù sao thì cũng đã là một bước tiến vĩ đại của nước Mỹ. Biến cố quan trọng thứ hai đáng ghi nhận là sự đắc cử của thượng nghị sĩ cấp tiến hàng đầu Obama đánh dấu một kỷ nguyên chính trị mới của Mỹ. Có thể nói là lịch sử đang qua trang tại Mỹ. Sự “thống trị” của tư tưởng bảo thủ, bắt đầu từ thời TT Reagan cách đây gần ba chục năm đã cáo chung. Và bây giờ là thời đại của tư tưởng cấp tiến bắt đầu vươn lên. Có thể nói “tam đầu chế” cầm quyền hiện nay của Mỹ, tức là tổng thống, chủ tịch thượng viện, và chủ tịch hạ viện, đều là những người có khuynh hướng thiên tả hay cấp tiến rõ rệt. Hơn cả dưới triều đại Clinton với TT Clinton là người có khuynh hướng bảo thủ hơn Obama nhiều, trong khi lưỡng viện quốc hội nằm trong tay phe bảo thủ Cộng Hòa. Với sự đồng tâm giữa hành pháp và lập pháp như vậy, chúng ta có thể tin rằng sẽ có những chuyển hướng quan trọng trong chính sách của Nhà Nước Mỹ, và những chuyển hướng đó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta. Đây là dịp kiểm điểm lại xem sẽ có những thay đổi nào, ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Chúng ta sẽ chỉ bàn đến những chuyện cụ thể có thể trực tiếp chi phối đời sống hàng của chúng ta thôi chứ không có nhu cầu đi vào những chuyện lý thuyết chính trị hay những hồ sơ hơi xa vời, như nạn… hâm nóng địa cầu, tuy chuyện này có thể rất quan trọng đối với một số người; hay chuyện hôn nhân đồng tính là chuyện tương đối ít ám ảnh dân tỵ nạn Việt. Ở đây phải nói ngay là đoán chừng TT Obama sẽ làm gì không là chuyện dễ dàng. Ông hứa hẹn quá nhiều, trong đó có nhiều điều mâu thuẫn nhau, kiểu có cái này thì không thể có cái kia. Đã vậy ông cũng đã có những lập trường di động, thay đổi trong thời kỳ tranh cử, tùy theo đối tượng và thời điểm vận động. Chỉ biết là không có cách nào ông giữ hết lời hứa được thôi. Trong tuần qua, khi trả lời phỏng vấn của đài ABC, ông Obama cho hay tình hình kinh tế rất khó khăn, nên ông sẽ không thể thi hành tất cả những gì ông đã hứa hẹn được! Báo New York Times chạy tít lớn lo lắng ông Obama sẽ không thực hiện được tất cả mọi lời hứa. Loan tin này như là một biến cố “đổi đời”! Đây chỉ là một trò “mần tuồng” rẻ tiền. Kẻ viết bài này không phải là ký giả thuộc loại cự phách của NYT mà cũng từ cả năm nay đã “tiên đoán” được chuyện ông Obama sẽ đổ thừa tình hình quá rắc rối nên không thể giữ hết lời hứa được. Và chuyện xẩy ra đúng như vậy. Chỉ có mấy lớp trẻ lạc quan hay các nhà báo bận lo thần thánh hoá Obama là “ngạc nhiên” khi thấy Obama chuẩn bị tư tưởng quần chúng để rút lời hứa thôi. Nói chung thì ta có thể mường tượng ra vài chiều hướng tổng quát. VIỆT NAM Nhà Nước Việt Nam thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin ông Obama đắc cử. Không phải vì ông này “chống cộng” ít hơn McCain gì đâu. Mà chỉ vì bây giờ thế giới sẽ không còn nghe chuyện Hà Nội tiếp đón khách quý McCain như thế nào tại khách sạn Hilton Hanoi nữa! Cái hình ảnh hết sức kém lịch sự, kém văn hóa đó là một bối rối lớn cho Nhà Nước Việt Nam trong suốt thời gian tranh cử ở Mỹ. Trong hàng ngàn trang giấy hồ sơ làm việc của TT Obama, vấn đề Việt Nam chắc chưa được nửa trang. Quan hệ Mỹ-Việt vẫn tiếp tục phát triển, thỉnh thoảng có một vài tuyên cáo kêu gọi Nhà Nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền, dân chủ, kiểu như thêm vài hột muối tiêu cho đậm đà món ăn. Và Hà Nội lại tiếp tục bắt giữ những người chống đối rồi lâu lâu lại thả khi cần bày tỏ "thiện chí" với Hoa Kỳ là mọi sự lại vui vẻ cả! Đừng ai mong chờ TT Obama lên tiếng về hiệp ước về biên giới mới được ký kết giữa Bắc Kinh và Hà Nội, cũng như không nên hy vọng TT Obama sẽ gửi thủy quân lục chiến Mỹ qua giúp Việt Nam bảo vệ Hoàng Sa. TT Obama khi vận động tranh cử trong giới thợ thuyền, đã có lập trường bảo thủ rõ rệt trong khu vực mậu dịch quốc tế. Đòi cứu xét lại các hiệp ước mậu dịch giữa Mỹ và các nước Bắc Mỹ và Nam Mỹ, cũng như các hiệp ước khác đe dọa đến các nhân công Mỹ. Thật ra, ông khó có thể đi ngược lại chiều hướng toàn cầu hóa của thế giới. Nhưng sẽ tìm cách làm chậm lại với lý luận có vẻ chính đáng dho dân Mỹ. Chẳng hạn như sẽ có nhiều luật lệ khắt khe hơn về vấn đề gia công cho các nước chậm tiến như Việt Nam, lấy lý do ngăn chận việc khai thác quá đáng sức lao động tại các xứ này. Cũng như sẽ có nhiều luật mới về an toàn của các sản phẩm nhập cảng, nhất là từ Trung Quốc, và Việt Nam nữa. Đối với cộng đồng Việt tỵ nạn tại Mỹ, mặc dù đa số bầu cho ông McCain, nhưng chúng ta không có gì phải lo sợ sẽ bị TT Obama “trả thù”, biến chúng ta thành công dân hạng hai. Tuy nhiên, chúng ta cũng chẳng được ưu đãi gì hơn cho dù một vài cá nhân từng tích cực vận động cho ứng viên Obama sẽ có thể được lãnh một vài ghế vô thưởng vô phạt, ngồi chơi cho có vì. Thời ông Clinton hay ông Bush, mình cũng đã từng thấy chuyện ấy rồi. SỰ CAN THIỆP CỦA NHÀ NƯỚC. Điểm then chốt ta sẽ thấy là vai trò ngày càng lớn mạnh của Nhà Nước Mỹ. Nhất là trong thời kỳ hiện nay, khi mà kinh tế Mỹ đang gặp khủng hoảng tứ phía, khiến Nhà Nước lại càng có lý do can thiệp mạnh hơn, đặc biệt là trong đời sống kinh tế. Ở mức cao nhất, Nhà Nước sẽ tung thêm tiền cứu giúp các đại gia trong ngành ngân hàng, sản xuất xe hơi,…. Mặc dù chẳng có gì bảo đảm những kế hoạch cứu nguy sẽ có tác dụng đúng như ý muốn. Hay là có khi ta lại phải thắt lưng buộc bụng đóng thêm vài trăm tỷ đầu này, vài chục tỷ đầu kia. Bù lại sự cứu giúp của Nhà Nước, ta sẽ thấy luật lệ khắt khe hơn về cung cấp tín dụng trong các ngân hàng, và tiêu chuẩn môi sinh và năng lượng khó khăn hơn cho các hãng xe. Tức là ta sẽ khó vay mượn tiền ngân hàng hơn, cho dù để mua nhà, mua xe, hay làm kinh doanh. Và chúng ta sẽ phải mua xe đắt hơn, tuy chưa biết xe có tốt hơn hay không. Ở cấp thấp hơn, các hãng xưởng, cơ sở kinh doanh nhỏ sẽ thấy thêm hàng loạt luật lệ mới chi phối các hoạt động của mình. Từ các luật lệ nâng cao sức mạnh của các tổ chức nghiệp đoàn, đến các luật lệ về an toàn lao động, bảo hiểm y tế cho nhân viên, bảo vệ môi sinh,… VẤN ĐỀ THUẾ Đây chắc chắn là một trong những vấn đề khó tiên đoán. Một mặt thì ứng viên Obama hứa sẽ cắt giảm thuế lợi tức cho 95% dân chúng (mặc dù trên cả nước Mỹ số người đóng thuế chưa lên tới 60%), cũng như hứa chỉ tăng thuế cho những ai làm trên 250.000 đô. Mặt khác thì ông cũng hứa hẹn chi tiêu đủ thứ để kích động kinh tế. Hai mệnh đề có vẻ trái ngược nhau. Cắt thuế thì lấy tiền đâu mà chi nhiều vậy? Ông Obama nói sẽ thu thuế mấy đại công ty và những nhà giàu. Theo tình hình kinh tế hiện nay, tăng thuế mấy đại công nghe thấy không xuôi tai chút nào. Các đại ngân hàng và đại công ty sản xuất xe đều lung lay tận gốc rễ, đang cần Nhà Nước bơm tiền vào, lấy tiền đâu mà đóng thuế? Hay là nhà nước bơm thêm tiền cho các đại tổ hợp này đóng thuế để đẹp lòng dân nghèo? Các hãng dầu xăng trước đây là đối tượng thuế đặc biệt của ứng viên Obama, bây giờ cũng đang bị đe dọa nặng nề khi giá dầu thô tuột từ 147 đô một thùng xuống còn khoảng 35 đô hiện nay. Làm sao tăng thuế họ nữa? Chẳng phải mấy đại gia trên, mà hầu hết các cơ sở kinh doanh lớn nhỏ, kể cả mấy tiệm phở khu Bolsa cũng liểng xiểng, lỗ lã lia chia, lấy đâu ra tiền đóng thêm thuế cho TT Obama? Khoan nói đến chuyện cắt thuế cho 95% dân, chỉ nội chuyện Nhà Nước bớt thu nhập thuế vì suy trầm kinh tế hiện nay cũng đã tạo ra những lỗ hổng vĩ đại trong ngân sách quốc gia. Trong tình trạng hiện tại, làm sao ông Obama có thể giữ lời hứa cho thiên hạ ăn đủ thứ bánh kẹo kiểu tăng lương công chức, giáo viên, cảnh sát, quân nhân, tiền già, tăng lương tối thiểu,… ; hay làm bao nhiêu chuyện khác. Chẳng hạn như chương trình trùng tu xa lộ cầu cống tốn cả trăm tỷ. Dĩ nhiên là chương trình sẽ mang lại công ăn việc làm cho cả triệu người, như ông Obama đã hứa. Nhưng rồi làm sao trả lương họ? In tiền ra để rồi đồng tiền sẽ mất giá trị, và chúng ta sẽ trực diện nạn lạm phát như thời TT Carter? Hay trả lương bằng giấy nợ như Thống Đốc Cali đang dự tính. Hay tăng thuế? Báo chí gần đây đã loan tin đang có kế hoạch tăng thuế xăng từ 18 xu một ga-lông lên 30 xu để lấy tiền tu bổ các xa lộ liên bang. TT Obama hứa sẽ không tăng thuế lợi tức. Nhưng vấn đề là trong cái xứ Mỹ này có cả ngàn loại thuế khác -gần như vô hình- mà TT Obama có thể tăng mà vẫn không sợ thất hứa với dân chúng. TT Obama cũng sắp tung ra một chương trình gọi là để kích động (stimulus) kinh tế, tốn đâu từ sáu trăm đến một ngàn tỷ. Chưa ai biết rõ chi tiết (có thể là chương trình trùng tu xa lộ cũng nằm trong kế hoạch này), nên cũng không ai biết chương trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta hay không (như kiểu TT Bush trả lại cho chúng ta mỗi người 600 đô hồi đầu năm ngoái để chặn trước nạn suy trầm kinh tế). Tóm lại, không ai biết được trong những năm tới, chúng ta sẽ bị đóng thuế nhiều hơn, hay ít đi, bao nhiêu,… Có nhiều hy vọng là đối với phần lớn dân tỵ nạn chúng ta, tiền thuế lợi tức, ít nhất là trong năm tới, sẽ không thay đổi gì vì những người có mức lợi tức thấp từ trước không phải đóng thuế lợi tức gì thì bây giờ cũng vẫn vậy thôi. Nhưng không có gì bảo đảm một vài thứ thuế gián thu mà chúng ta không nhìn thấy rõ ràng sẽ được gia tăng, như thuế xăng vừa nêu chẳng hạn. TRỢ CẤP AN SINH, Y TẾ Đây cũng là những vấn đề mà ứng viên Obama đã hứa hẹn nhiều, nên cũng khó biết được hứa hẹn nào sẽ được giữ, và hứa hẹn nào sẽ được xí xóa. Quan trọng nhất là vấn đề bảo hiểm sức khỏe. Ông Obama đã hứa sẽ cứu xét lại toàn bộ thủ tục bảo hiểm sức khỏe, để khui ra những phí phạm thừa thãi, cắt giảm những thủ tục giấy tờ hành chánh, gọi là “tinh giản hóa” ngành bảo hiểm y tế và điện toán hoá thể thức kế toán. Từ đó sẽ đạt được những tiết kiệm lớn - khoảng 150 tỷ như hứa hẹn khi tranh cử - khiến chi phí bảo hiểm cá nhân được rẻ đi khoảng 2.500 đô mỗi năm cho mỗi người. Với sự giảm giá đó, sẽ có nhiều người có khả năng mua bảo hiểm y tế hơn. Tuy chưa đạt đến mức bảo hiểm toàn diện 100% cho tất cả dân Mỹ, nhưng sẽ giúp cho rất nhiều người có được bảo hiểm, kể cả những dân ở lậu. Các cơ sở kinh doanh trung và nhỏ sẽ bị bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế cho tất cả các nhân viên, nếu không sẽ bị trừng phạt, tuy chưa biết phạt như thế nào, phạt bao nhiêu. Chưa biết được thực tế kế hoạch của TT Obama sẽ như thế nào. Nhưng quá trình lịch sử cho thấy từ trước đến giờ, không một ông tổng thống nào mà lại không hứa hẹn cắt giảm phí phạm để tiết kiệm tiền cho dân. Và cũng chưa một ông tổng thống nào giữ được lời hứa, Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng vậy. Nếu TT Obama thoát ra được cái thế bí chung đó, và tiết kiệm cho chúng ta được 2.500 đô như ông hứa, thì đó là diễm phúc chung cho thiên hạ, nhất là thành phần tỵ nạn nghèo chúng ta. Hy vọng tuy thật khó, nhưng ta hãy chờ xem. Các chương trình medicaid, medicare, tiền thuốc, tiền già, tiền thất nghiệp, đã không được đề cập nhiều trong mùa tranh cử. Có nghĩa là chúng ta sẽ không thấy thay đổi gì hết. Dĩ nhiên là mỗi năm chúng ta sẽ thấy mỗi thứ được tăng lên một ít, nhưng chỉ là điều chỉnh hàng năm dựa trên tình trạng lạm phát. Quỹ an sinh, tức là quỹ Social Security là quỹ cấp tiền già cho chúng ta vẫn ở trong tình trạng bấp bênh, bị đe dọa phá sản trong ba hay bốn chục năm nữa. Mà chưa có giải pháp gì. Trước đây, TT Bush có thử đề nghị phương pháp tư hữu hóa một phần quỹ hưu trí của chúng ta, tức là cho phép chúng ta đầu tư một phần tiền đóng góp vào thị trường chứng khoán. Nhưng giải pháp này chết từ trong trứng nước. Theo tình trạng thị trường chứng khoán hiện nay, thì giải pháp này còn khó xẩy ra hơn là chuyện TT Bush được bầu làm tổng thống lần thứ ba. Bây giờ đến lượt TT Obama phải lo giải quyết. Vì tính cấp bách của vấn đề, ông khó có thể trì hoãn mãi được. Mà phải tìm cách cứu nguy quỹ đó. Giải pháp của phe Dân Chủ, có nhiều hy vọng được thi hành vì có tam đầu chế đang nắm quyền, là đẩy lui tuổi về hưu, hay gia tăng tiền đóng góp của chúng ta. Có thể đây là một vấn đề nhức răng lớn nên TT Obama sẽ không hấp tấp giải quyết ngay, mà chờ hai hay ba năm nữa, hay có thể đến nhiệm kỳ sau, nếu tái đắc cử. Nhưng tựu chung thì có nhiều hy vọng tuổi về hưu của chúng ta sẽ được tăng lên đến 68 hay 70 tuổi không chừng và nên chờ đợi là tiền hưu sẽ giảm vì ngân quỹ cạn tiền. Những ai có tiền tiết kiệm trong các quỹ hưu như 401K hay trong các quỹ hỗ tương (mutual funds), vẫn sẽ ở trong tình trạng bấp bênh vì thị trường chứng khoán còn giao động nhiều, mà không thấy hy vọng leo lên cao gì hết. Ít ra cũng hơn hai năm nữa mới có hy vọng gỡ lại số tiền mới mất gần đây, hồi tháng Mười. VẤN ĐỀ NHÀ CỬA Trong mùa tranh cử, cả hai bên đều lớn tiếng công kích nhau, đổ lỗi cho nhau, đồng thời hứa hẹn rất nhiều chuyện lung tung. Nhưng tựu chung lại, các biện pháp hứa hẹn chỉ nhắm vào việc cứu nguy các ngân hàng, và ngăn chận cơn sốt gia cư khỏi tái phát trong tương lai, chứ chẳng giúp gì những người đang kẹt nợ mua nhà. Nói cách khác, TT Obama cũng chẳng làm gì hơn những gì TT Bush đã làm đối với những người đang mắc nạn. Với lãi suất do Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang ấn định ở mức gần con số không và lãi suất tín dụng gia cư đã xuống đến mức 5% hiện nay, những người có nợ với lãi suất di động có thể đã nhẹ thở được một chút. Nhưng muốn bán nhà thì vẫn không dễ. Theo như các dự phóng, giá nhà sẽ tiếp tục xuống nữa, hay là khựng lại, chứ chưa lên, ít nhất là cho đến năm 2011. Dù sao thì người ta sẽ thấy một chính quyền Obama với hàng loạt luật lệ mới xiết chặt tín dụng hơn nữa. Chính sách mỵ dân cho dân chúng mua nhà bừa bãi đã cáo chung. Tức là chúng ta sẽ khó vay mượn ngân hàng hơn như đã viết ở trên. CÔNG ĂN VIỆC LÀM Số thất nghiệp có thể tăng sụt hàng tuần hay hàng tháng, nhưng nói chung, bây giờ là lúc đang ở mức cao nhất. Tình trạng trì trệ kinh tế sẽ tiếp tục trong năm tới, và mức thất nghiệp sẽ lên cao nữa với các cuộc khủng hoảng trong ngành xây cất và sản xuất xe hơi. Mấy ông bà làm nghề bán nhà, bán xe cần phải kiếm nghề mới. Lương tối thiểu đang ở mức 6,50 đô đã được ông Obama hứa tăng lên 9,50 đô. Nhưng mức gia tăng này sẽ không nhẩy vọt một lần, mà được từ từ điều chỉnh vòng trong bốn năm nhiệm kỳ đầu của TT Obama. Trên phương diện cá nhân thì rõ ràng là có lợi cho các nhân công được tăng lương. Nhưng bù lại sẽ là gánh nặng cho các tiểu thương, và chưa ai khẳng định được sẽ có nhiều người có việc hơn hay nhiều người mất việc hơn. Tình trạng buôn bán cũng sẽ còn lận đận lâu dài, chỉ khiến cho các cơ sở kinh doanh phải sa thải nhân viên thêm thôi. Nói chung, thời buổi này, có việc làm là may, có đi kiếm việc bây giờ thì quả là không dễ. Bây giờ không phải là lúc gây gổ với xếp trong hãng! TT Obama đã loan báo sẽ tung ra hàng loạt dự án kích động kinh tế với chỉ tiêu di động. Đó là mang lại việc làm cho hai triệu rưởi rồi gần ba triệu rồi gần bốn triệu và nay thì hơn bốn triệu người, gồm đủ loại, ngành, nghề, trên khắp 50 tiểu bang. Một kế hoạch quy mô vĩ đại kiểu “New Deal” mà TT Roosevelt đã tung ra để cứu nguy kinh tế đầu thập niên 30. Nghe thì thật phấn khởi, nhưng làm được hay không thì còn phải chờ xem TT Obama lấy tiền ở đâu ra. AN NINH Một vấn đề quan trọng, có tính sinh tử là vấn đề an ninh chống khủng bố. Trong chính sách chống khủng bố quốc nội, TT Obama đã đánh tiếng sẽ không làm như ông cao bồi Bush, sẽ tôn trọng pháp luật, hay đúng hơn, tôn trọng nhân quyền của mấy ông Hồi Giáo quá khích hơn. Nghe hơi bi quan. Nhưng có lẽ sẽ không nguy hiểm lắm, vì nhờ chính sách chống khủng bố rất mạnh tay của TT Bush, cũng như nhờ những cải tổ quy mô trong ngành an ninh tình báo, nước Mỹ đã sẵn sàng ứng chiến hơn cách đây tám năm khi vụ 9/11 xẩy ra. Ngoài nước Mỹ, ông Obama chủ trương rút quân khỏi Iraq càng sớm càng tốt. Nhưng chắc chắn sẽ rút chậm hơn đã hứa trong thời tranh cử. Dù sao thì những người có thân nhân đang tham dự chiến trận cũng chưa nên mừng vội. TT Obama sẽ chỉ chuyển hướng cuộc chiến tại Trung Đông từ Iraq qua Afghanistan thôi. Tức là rút quân từ Iraq, nhưng lại đôn quân ở Afghanistan. Cũng huề thôi. Gánh nặng phí tổn chiến tranh Trung Đông vẫn còn đè lên kinh tế Mỹ. Đánh nhau ở Afghanistan có thể đỡ tốn tiền súng đạn hơn bên Iraq, nhưng lại tốn tiền đút lót các sứ quân bộ lạc hơn (trong đó phải kể cả triệu bạc tiền… Viagra mua chuộc các lãnh chúa bộ tộc già như báo Mỹ vừa khui ra!) Điều đáng lo ngại hơn tốn phí là tinh thần quân đội. Một thăm dò mới được công bố cho thấy hơn 60% quân nhân Mỹ không tin tưởng khả năng lãnh đạo của TT Obama. Quyết định rút quân khỏi Iraq không gia tăng cảm tình của quân nhân mà chỉ làm một số lo ngại công chiến đấu và hy sinh của họ trở thành công dã tràng. Tựu chung, tình hình bây giờ rất bất bình thường, khó mà đoán biết trước chắc chắn chuyện gì sẽ xẩy ra, mà chỉ có thể phỏng đoán một cách tổng quát như trình bày ở trên thôi. Vừa gặp xáo trộn kinh tế tài chánh tứ tung, vừa gặp một ông tổng thống hứa hẹn vung vít, thật khó cho các thầy bói gieo quẻ đầu năm (18-1-09).
|