Home Tin Tức Bình Luận Hamas Và Khói Lửa Palestine

Hamas Và Khói Lửa Palestine PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Duy Hùng   
Thứ Tư, 21 Tháng 1 Năm 2009 07:17

Ngày 4/11/2008, trong lúc Hoa Kỳ đang diễn ra cuộc bầu cử tổng thống cách sôi nổi, Israel lấy cớ có tin tình báo phiến quân (militant) Hamas ở Dãi Gaza đang đào được hầm ở phía nam để thông qua Ai Cập để chuyên chở các vũ khí, tấn công vào phía nam gây tử thương cho 6 người và bắt đem đi 6 người. Israel tuyên bố đã phá hủy nhiều đường hầm bí mật của Hamas.

Phản ứng lại việc này, Hamas bắn pháo đạn vào Israel.

Ngày 14/11/2008, Israel phản ứng bằng cách dựng rào ngăn cấm không cho sự đi lại từ Dãi Gaza ra bên ngoài hoặc từ bên ngoài vào bên trong. Tuy nhiên, thức ăn, nước uống, nhiên liệu và thuốc men vẫn có thể chuyển đến Gaza qua ngõ Egypt (Ai Cập) nếu chính phủ Egypt cho phép điều đó.

Ngày 24/11/2008, sau 24 tiếng đồng hồ không thấy có pháo đạn nào bắn vào Israel, Israel cho phép phái đoàn Liên Hiệp Quốc với 30 chiếc xe vận tải chuyển vận lương thực và hàng hóa vào Gaza. Nhưng, một ngày sau, 2 pháo đạn đã bắn vào Israel, thế là Israel đóng lại các cửa ra vào để cô lập Dãi Gaza.

Phản ứng lại việc cô lập này, Hamas gia tăng cường độ bắn đạn pháo vào Israel Ngày 27/12/08, Israel cho phi đoàn F-16 bắn một loạt hỏa tiễn vào Gaza ở những nơi mà họ cho rằng phiến quân Hamas đã đặt các đạn pháo. Cuộc oanh tạc này đã đánh hủy nhiều căn cứ của phiến quân Hamas và các cơ sở chính quyền, nhưng cũng đánh trúng một đền thờ Hồi Giáo, một cao ốc dành cho nghiên cứu khóa học và một trường tiểu học do Liên Hiệp Quốc điều hành. Ngày 3/1/2009, Thủ Tướng Ehud Olmert của Israel cũng gởi quân cận chiến tiến vào Gaza để tìm và phá hủy các đường hầm bí mật.

Ngày 17/1/2009, Israel tuyên bố đơn phương rút quân ra khỏi Gaza vì đa phần các mục tiêu đã đạt được. Israel tuyên bố sẽ hoàn tất việc rút quân này trước khi Tổng Thống Barrack Obama nhậm chức. Sau khi Israel tuyên bố đơn phương rút quân, Hamas còn pháo 17 hỏa tiễn sang Israel, tuyên bố Israel “xâm lược” và “không đạt được mục tiêu nào.” Sau lời tuyên bố đó, Hamas ngưng không pháo hỏa tiễn vào miền nam Israel nữa.

Cuộc chiến kéo dài 3 tuần lễ gây tử thương cho khoảng 1300 dân Palestine trong đó có khoảng 300 phiến quân, 700 người lớn và khoảng 300 trẻ em. Khoảng 3000 dân Palestine bị thương. Phía Israel bị thiệt hại 7 người và khoảng 10 người bị thương. Tổn thất vật chất, Palestine bị thiệt hại khoảng hơn 3 tỷ Mỹ Kim vì nhiều cao ốc và đường phố bị phá tan hoang. Quốc Vương Saudi Arabia hứa tặng Palestine 1 tỷ Mỹ Kim để tái thiết lại quốc gia vì những thiệt hại này.

I. Truyền Kiếp Huynh Đệ Tương Tàn: Khi viết về cuộc chiến giữa Israel & Hezbollah năm 2006, tôi có viết về lịch sử tương tàn truyền kiếp của những dân tộc tại vùng này. Tôi xin trích lại đoạn đó:


Ông tổ của Israel là Abraham di dân từ thành Uhr bên Lưỡng Hà (nay là Iraq) đến Vùng Đất Hứa. Vợ ông, bà Sarah, không có con, đã đem cô tỳ thiếp là Agar cho ông Abraham ăn nằm, sinh ra được người con trai tên là Ismael. Sau khi bà Agar sinh Ismael, Chúa cho bà Sarah sinh một con trai, đặt tên là Isaac. Bà Sarah đuổi Agar và Ismael ra khỏi trại, Isamael sau này là ông tổ của những người Palestine và Ả Rập. Isaac có một người con trai đặt tên là Jacob.

Jacob một hôm nằm mộng thấy mình được thiên sứ bắc thang đưa lên trời, đổi tên là Israel. Jacob có 12 người con trai được sinh ra bởi 2 người vợ là Lea và Rachel và những người tỳ thiếp của 2 bà này. Người con thứ 4 của Jacob tên là Judah. Các cụ nhà nho Việt Nam đọc chữ Hán phát âm chữ Judah sang tiếng Việt thành Do Thái. Người Tây Phương vẫn dùng chữ Jews, tức là những người của Judah. Tập tục xưa, những người con trưởng làm những điều sai trái, bị truất phế quyền huynh trưởng. Ba người con lớn của Jacob làm những điều sai trái, bị Jacob truất phế, nên quyền trưởng đến tay người con thứ tư là Judah, vì thế, Judah là trưởng tộc thì các con cháu đều mang danh thuộc về người trưởng tộc, gọi là Jews.

Người con áp út của Jacob là Joseph bị các anh ganh ghét bán cho lái buôn đem xuống Ai Cập làm nô lệ. Joseph lập công lớn cho Pharaoh, trở thành thủ tướng, sắp đặt kế hoạch đưa cha và toàn thể gia tộc xuống Ai Cập ở. Dân Israel ở Ai Cập được vài trăm năm, sanh con đẻ cháu đầy đàn, người Ai Cập e sợ nên thay đổi thái độ, bắt ép họ làm nô lệ. Trong khi đó, ở Vùng Đất Hứa, con cháu của Ismael sinh sôi lớn mạnh, thành lập nhiều giống dân, trong đó có những người bây giờ là tổ phụ người Palestine.

Chúa chọn ông Maisen đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, lang thang trong sa mạc 40 năm trời. Sau đó, người Do Thái tấn chiếm các thành của con cháu Ismael, đuổi họ đi và lập quốc tại nơi này. Thù truyền kiếp khởi nguồn giữa con cháu hai anh em cùng cha khác mẹ không thể chấm dứt được là vậy. Palestine tức là dân Phillistine trong Cựu Ước, và có thời kỳ Phillistine khống chế người Do Thái, Sampson đã dùng một cái hàm của một con vật đánh chết cả hàng ngàn người dân Phillistine.

Chúa Giêsu, một người Do Thái, ra đời sáng lập nên Kitô Giáo (Christianity) . Do Thái Giáo và Kitô Giáo có những khác biệt, nhưng coi như là “anh em” với nhau của tổ phụ Isaac.

Năm 70 công nguyên, Đại Tướng Titus Flavius Sabinus Vespasianus (40-81) của Đế Quốc Roma đem quân sang thành bình địa thánh đô Giêrusalem, bắt lưu đày người Do Thái khắp nơi trên thế giới. Sau chiến trận hiển hách này, Titus về Roma lên ngôi hoàng đế. Trong lúc người Do Thái bị lưu vong khắp nơi trên thế giới, hậu duệ của Ismael lại kéo về vùng đất này lập nghiệp. Thế kỷ IV, Đại Đế Constantine của Roma ra Chiếu Chỉ Milan chấm dứt sự bách hại Kitô Giáo, Kitô Giáo phát triển nhanh chóng khắp cả đế quốc. Constantine dời đô sang Hy Lạp, đổi tên thành phố thành Constantinople. Sau này, Constantine được đổi thành Byzantine và bây giờ là thành phố Istanbul thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc dời đô của Constantine vô tình đẩy đưa Kitô Giáo tách ra làm 2, một bên là Chính Thống Giáo Đông Phương (Orthodox) và một bên là Công Giáo Roma (Roman Catholic). Năm 1054, Công giáo Roma và Chính Thống Giáo ra vạ tuyệt thông (ex-communication) chính thức tách rời nhau.

Thế kỷ thứ 6, đức Mohammed, một người gốc Ả Rập, chào đời (570-632) ở Mecca. Ông lập gia đình với một goá phụ giàu có tên là Khadija, và hai người có với nhau chỉ có một người con đó là bà Fatima. Năm ngài 40 tuổi, ngài tuyên bố được thị kiến và trở thành tiên tri của Thượng Để để lập nên đạo Hồi (Islam hay là Muslim). Ngài bị ám sát nhiều lần, năm 622, đức Mohammed chạy nạn sang Medina, từ đây, ngài thành lập đạo quân để rồi năm 630 ngài quay lại chiếm Mecca. Năm 632, ngài qua đời ở Medina. Hồi Giáo phát triển nhanh chóng chiếm lấy các thành phố của Kitô Giáo, nhất là bên phía Chính Thống Giáo, thành lập Đế Quốc Hồi Giáo mà căn cứ địa chính là Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey).

Cũng như Kitô Giáo, sau này Hồi Giáo tách ra làm 2 giáo phái lớn, một phái gọi là Sunni tức là phái Đa Số, và một phái gọi là Shia, tức là phái Chính Thống. Phái Chính Thống cho rằng chỉ có hậu duệ 12 người con của bà Fatima, người con gái duy nhất của Đức Mohammed với bà Khadija, mới có quyền tư tế và lãnh đạo Hồi Giáo. Hai giáo phái đánh nhau kịch liệt và không biết bao nhiêu tín đồ đã nằm xuống nhân danh Thánh Chiến và Tử Vì Đạo. Hiện nay, thế giới có hơn 1 tỷ người theo Hồi Giáo, 85% theo Sunni và 15% theo Shia. Căn cứ địa của Shia chính là nước Iran, nơi mà 89% theo hệ phái Shia. Hamas theo hệ phái Sunni, Hezbollah theo Shia.

Cuối thế kỷ thứ 19, triết gia Thedore Herzl người Đức gốc Do Thái chủ xướng thuyết Zion. Theo ông, Zion là đồi cao nhất ở Giêrusalem, là bệ chân của Thượng Đế, nếu dân tộc nào chiếm lấy “bệ chân” này thì được trời cao chúc phúc. Người Do Thái lưu vong lục đục trở về nơi đây. Đầu Đệ Nhất Thế Chiến, có khoảng 1 triệu người Do Thái tại vùng này. Đệ Nhị Thế Chiến, Đồng Minh cần sự hỗ trợ của thương gia người Do Thái, họ hứa nếu người Do Thái lưu vong giúp họ, họ sẽ giúp Do Thái lập lại quốc gia. Ngày 14/5/1948, Israel chính thức lập lại nước với diện tích là 7,993 square miles. Quốc Tế làm áp lực đẩy người Palestine ra khỏi vùng này, ép người Palestine dạt ra 2 bên, một bên được gọi là Dãi Gaza và môt bên gọi là Vùng Tây Ngạn (West Bank). Đầu năm 2006, Israel đồng ý rút quân ra Gaza để cho người Palestine lập lại nước.

Hiện nay Israel có khoảng 5 triệu dân, dời thủ đô từ Giêrusalem về Tel Aviv. Sau khi Israel lập quốc năm 1948, Israel bị Liên Hiệp Ả Rập (Arab League) tấn công. Hoa Kỳ giúp cho Israel chống lại người Ả Rập, người ta nói “nhà của Hoa Kỳ” chính là “Israel”. Hết nhóm người Ả Rập này đến nhóm người khác, từ người Palestine đến người Syria, kiếm chuyện với Israel, nhưng Israel vẫn vững chải lướt sóng gió là nhờ có Hoa Kỳ.


II. Lãnh Thổ Palestine: Đầu thế kỷ 20, người Do Thái kéo về Jerusalem để tái lập quốc gia, người Ả Rập đã có nhiều xung đột với người Do Thái. Dân Do Thái có công giúp nước Anh và Đồng Minh trong Đệ Nhất Thế Chiến, các Đồng Minh làm áp lực nhiều lần, nhưng không mang lại được nhiều kết quả.

Ngày 8/3/1920, tại Damascus, những người Ả Rập ra Tuyên Ngôn Độc Lập cho Syria và Palestine. Liên Hiệp Quốc phân chia Đất Thánh Jerusalem ra, phần lớn hơn gồm cả Bethlehem do Liên Hiệp Quốc cai quản và phần nhỏ hơn do Israel điều hành. Israel chấp nhận phần đã chia cắt cho họ, nhưng người Palestine và Ả Rập phản đối, họ nổi loạn đập phá nhiều tiệm buôn và cao ốc. Ngày 14/5/1948, Israel chính thức thành lập quốc gia, ngay sau ngày hôm đó, cuộc chiến giữa Israel và Ả Rập bùng nổ dai dẳng hầu như không có ngày chấm dứt.

Theo sau cuộc chiến Israel-Arab 1948, năm 1949, các quốc gia Ả Rập đồng ý ký một hiệp ước hòa bình với Israel. Hiệp Ước này được gọi là 1949 Armistice Agreements mà phe Ả Rập gồm có Egypt, Syria, Jordan và Lebanon để thỏa thuận biên giới và sống chung hòa bình với Israel. Qua hiệp ước này, Palestine không được công nhận là một quốc gia và không có độc lập. Các quốc gia Ả Rập vạch định biên giới giữa Israel và Palestine, được gọi là Green Line, chia lãnh thổ Palestine ra làm 2, một là Dãi Gaza và hai là West Bank. Jerusalem cổ kính được chia làm hai phần, Đông Jerusalem và Tây Jerusalem. Đông Jerusalem thuộc Palestine.

Hòa bình đến với Israel và Khối Ả Rập được 18 năm. Tháng 5/1967, Tổng Thống Nasser của Egypt trục xuất phái đoàn Liên Hiệp Quốc ra khỏi Sinai, tạo nên một ngòi nổ tranh chấp biên giới với Israel, từ đó đưa đến Cuộc Chiến 6 ngày giữa Khối Ả Rập và Israel.

Israel tỏ ra là một quân đội thiện chiến và tinh xảo về kỹ thuật, chỉ trong vòng vài ngày, vào ngày 10/6/1967, Israel đã tiến chiếm Dãi Gaza, West Bank, Sinai Penninsula, Golan Heights, và cả Đông Jerusalem. Khối Ả Rập phải nhượng bộ ký hiệp ước hòa bình với Israel. Năm 1973 cũng bùng nổ ra cuộc chiến tương tự như vậy, và lần nữa, Israel đã tỏ ra thế thượng phong của mình.

Palestine hiện nay có hai phần lãnh thổ, West Bank và Gaza. Israel nằm giữa hai phần lãnh thổ này.

A. West Bank: Diện tích khoảng 5,860 km2 và có 2.5 triệu người. West Bank bao gồm luôn cả Đông Jerusalem. Có khoảng 360 ngàn người Do Thái sống trong vùng hành lang ở khu vực này, và Palestine cũng gọi đây là West Bank nên từ đó đã gây ra không biết bao nhiêu cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Hiện nay West Bank có 14 khu vực hành chánh.

B. Gaza: Diện tích của Gaza khoảng 360 km2 và dân số khoảng 1.5 triệu người, nhỏ hơn hạt Harris ở Texas khoảng 12 lần nhưng mức độ dân cư thì cao hơn. (Harris County có khoảng 4,604 km2 và dân số 4 triệu). Gaza được chia thành 5 khu vực hành chính.

III. PLO và Hamas: Palestine hiện nay có hai tổ chức chính trị chính đang điều hành và chi phối lãnh thổ này, đó là Fatah và Hamas.
A. Fatah: Fatah, tiếng Ả Rập có nghĩa là mở ra hoặc là chiến thắng. Danh xưng này được đọc trại lại của chữ viêt tắt Harakat al-Tahnr al-Watani al-Filastini, nghĩa là Palestine National Liberation Movement – Phong Trào Quốc Gia Giải Phóng Palestine.

Phong Trào này được khởi xướng bởi các lãnh tụ Palestine lưu vong ở Ai Cập vào năm 1954, trong đó một trong những nhân vật nòng cốt là ông Yasser Arafat (24/8/1929 -11/11/2004) .

Fatah trở thành xương sườn để thành lập PLO. Ngày 28/4/1964, 422 chính trị gia của Palestine, hơn một nửa là thành viên của Fatah, họp tại Jerusalem và họ thông qua nghị quyết thành lập Tổ Chức Giải Phóng Palestine, Palestine Liberation Organization, gọi tắt là PLO. Tổ chức này có mục tiêu là khẳng định chủ quyền của Palestine và đấu tranh để “ngăn cấm các hoạt động của chủ nghĩa Zion,” nghĩa là, tiêu diệt Israel.

Lãnh tụ của Fatah và luôn cả PLO là ông Yasser Arafat. PLO là tổ chức chính trị duy nhất của Palestine từ năm 1959 đến năm 2004. Sau khi ông Yasser Arafat qua đời, những phân hóa của PLO ngày càng thêm trầm trọng, tổ chức này bị thoái hóa, Fatah lui về giữ căn tính chính trị của mình. Khi nắm quyền, Fatah đã có những khuyết điểm như tham nhũng và hối lộ, nhưng Fatah cũng trở nên thực tế hơn, không còn quá khích, biết điều đình về chính trị; do đó, Hoa Kỳ và Tây Phương không coi Fatah là một nhóm khủng bố. Qua cuộc bầu cử 25/1/2006, Fatah thua cho Hamas.

Hiện nay ông Farouk Kaddoumi (1931) là Chủ Tịch của Fatah.

Ngày 14/12/2005, ông Marwan Barghouti (1959), một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng của Fatah, tuyên bố tách rời ra lập đảng mới là al-Mustaqbal – The Future (Đảng Tương Lai). Ông Marwan Barghouti là một trong những người lãnh đạo năm 1987 của một cao trào chống lại Israel. Năm 2000, ông lại lãnh đạo một cao trào khác chống Israel và ông chủ trương giết hại cả quân nhân và thường dân Israel. Năm 2002, ông bị bắt và ở tù vì tội sát nhân, giết các thường dân Israel. Ông và Đảng al-Mustaqbal là những thành viên quá khích mà Hoa Kỳ rất e ngại.

B. Hamas: Năm 1987, một cuộc nổi dậy của dân Palestine chống lại Israel. Ba giáo sĩ Ahmed Yassin, (1937-2004) Abdel Aziz al-Rantissi (1947-2004) và Mohammad Taha thành lập Hamas. Tổ chức này bị Hoa Kỳ và Tây Phương coi là tổ chức khủng bố. Năm 2004, Israel cho ám sát chết hai giáo sĩ Ahmed Yassin và Abdel Aziz al-Rantissi để trả đũa những việc họ đã lãnh đạo những người ôm bom tự sát giết hại dân lành Israel. Riêng giáo sĩ Mohammad Taha thì năm 2003 bị tình báo Israel bắt đem nhốt 14 tháng không có phiên tòa, sau đó, ngày 4/5/2004, họ trả tự do cho ông.

Hamas là chữ viết tắt của Harakat al-Muqawamat al-Islamiyyah – Islamic Resistance Movement (Phong Trào Hồi Giáo Kháng Cự).

Với chủ trương cứng rắn và cực đoan đi kèm với công tác xã hội và tự thiện trong dân chúng Palestine, Hamas nhanh chóng được quần chúng ủng hộ. Tháng 1/2006, Hamas thắng lớn ở Quốc Hội, dành được 76 trên 132 ghế, trong khi đó Fatah chỉ có 43. Tuy nhiên, chức vụ Tổng Thống vẫn thuộc Đảng Fatah. Ông Mahmoud Abbas (26/3/1935) thấy nhóm vũ trang của Hamas quá lộng hành nên ngày 18/6/2007, ông ký sắc lệnh đặt nhóm phiến quân Hamas ra khỏi vòng pháp luật.

Lời Kết:
Phiến quân Hamas đã bị đặt ra khỏi vòng pháp luật, nhưng họ rất khôn, họ len lỏi sống trong dân, họ dùng dân làm khiên mộc đỡ đạn cho họ. Nhưng dân chúng một phần vì mê muội, một phần vì sợ sự khủng bố của Hamas, và một phần vì chán ghét sự thối nát của Fatah nên yểm trợ cho Hamas lớn mạnh hoặc làm ngơ để cho Hamas lộng hành. Hamas biết được yếu điểm này nên đã đặt các trọng pháo trong các nhà của dân hoặc trong các trường học để pháo kích vào Israel. Israel không đem quân trừng phạt Hamas thì Hamas lừng mặt, mà Israel tấn công vào Gaza thì dân Palestine cảm thấy bị xúc phạm là chủ quyền của họ bị tước đoạt! Chưa kể Khối Ả Rập và nhóm thiên tả (như Hugo Chavez của Venezuela) thừa nước đục thả câu để hô hoán đổ tội cho Israel với giọng điệu “đế quốc Mỹ đứng đàng sau Israel để tấn công Ả Rập.”

Israel tấn công vào Dãi Gaza không phải là để gây chiến với dân Palestine mà là để triệt hạ phiến quân ngoài vòng pháp luật Hamas đang len lỏi vào dân chúng để bắn trọng pháo phá hoại sự an lành của Israel. Nhưng nếu Israel không hành động khôn khéo và nhanh lẹ thì Israel dễ bị ngộ nhận là kẻ xâm lăng. Đó là lý do tại sao sau khi đạt được những mục tiêu như phá hủy các căn cứ địa của Hamas và các đường hầm bí mật từ Gaza thông qua Egypt, Israel đơn phương rút quân về.

Như vậy hòa bình thật sự có về với Israel và Palestine? Lịch sử bao ngàn năm cho thấy huynh đệ tương tàn truyền kiếp này chắc chắn chỉ có hòa bình tạm thời hay một thời gian nào đó mà thôi, khi thời điểm nóng bỏng hơn, xung đột sẽ bộc phát thành chiến tranh. Nhưng, Israel đã cố gắng hết mình để tặng một món quà cho Tổng Thống Barrack Obama trước ngày ông tuyên thệ nhậm chức cũng như đó là một tiến lễ đầu xuân cho cả thế giới bước vào năm Kỷ Sửu.

Houston ngày 20/1/2009.