Nụ Cười Ngày Tết… |
Tác Giả: Nam Sơn Trần Văn Chi | |||
Thứ Hai, 26 Tháng 1 Năm 2009 21:16 | |||
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, Ðêm qua sân trước một nhành mai. (Thiền sư Mãn Giác) Ngày xưa nước mình không có lịch 365 tờ. Mỗi năm khi trời bắt đầu se lạnh, ngoài đồng lúa bắt đầu trở màu vàng óng ánh thì nhà nông biết sắp Tết. Nhìn thấy “sân trước một nhành mai...” biết Tết đến nhà. Và “...thấy ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ. Bên phố đông người qua...” là biết Tết đến rồi. Tết là thời điểm kết thúc năm cũ bước sang năm mới. Tết Việt Nam còn mang ý nghĩa lễ hội, mang dấu ấn văn hóa truyền thống biểu thị bản sắc của chúng ta. Và Tết trở thành ước vọng của mọi người mình. Ngày nay, gần đến Tết, không ai bảo ai, một cách tự nhiên, mọi người Việt cùng nhau dẹp bỏ ngày tháng Dương lịch và quay trở về Âm lịch ngày xưa. Người ta hăm hở chờ Tết bằng cái thói quen dễ thương là đếm thời gian theo Âm lịch. Bắt đầu đếm “Hăm” (ngày 20 Tháng Chạp Âm lịch +). Như hăm mốt Tết, hăm ba hăm lăm hăm tám Tết... Nếu năm nào Tháng Chạp thiếu thì ngày hăm chín sẽ được coi là ngày Ba Mươi Tết. Rồi sau Tết, từ ngày mồng 1 Tháng Giêng ta gọi là “Mồng”: mồng hai Tết, mồng tám Tết... Ðến mồng 10 là hết Tết. Mọi người tự động quay sang lịch Tây, Dương lịch. Nhờ có Tết Ta mà ngày, tháng Âm lịch được người mình làm sống lại. Với người Việt Nam, dầu bạn đang sống ở đâu, ở lứa tuổi nào, mỗi năm hễ đến Tháng Chạp Âm lịch thì thời gian như có cái gì huyền bí và kỳ diệu trong tâm thức mỗi người chúng ta. Ngày tháng Âm lịch như nhắc nhở mỗi người Việt Nam về cội nguồn dân tộc, về truyền thống, về tổ tiên ông bà. Nhứt là đối với người xa xứ! Nụ cười của người mình xưa Theo Ðại Nam Quốc Am Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) “cười là để tỏ niềm vui, hay chê bai”. Còn Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) trong bài “Xét tật mình” đăng ở Ðông Dương tạp chí, số 6, năm 1913, đã chê: “Dân An Nam ta có một thói là gì cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”. Thật ra cái cười của Việt mình xưa nay muôn vẻ, muôn hình, chớ không như lời trách của cụ Nguyễn Văn Vĩnh đâu! Tiếng cười của người mình có nhiều hình dáng lắm. Như là cười xòa, cười nheo mắt, cười nhích mép, cười mũi, cười dê, cười ruồi, cười cầu tài, cười rộ, cười như nắc nẻ, cười khà, cười ngất, cười huề vốn, cười trừ, cười gằn, cười mỉa, cười tình, cười nhạt, cười khan, cười khì, cười duyên, cười mỉm chi, cười gượng, cười thầm, cười nụ, cười động cỡn, cười nôn ruột, cười xí xóa, cười híp mắt, cười tắt hơi, cười chảy nước mắt, cười xã giao, cười ngắt nghẽo, cười như hề, cười hì hì, cười hô hố, cười the thé, cười ha hả, cười khanh khách, cười giòn giã, cười cộc lốc, cười sặc sụa, cười ngạo nghễ, cười khinh khỉnh, cười ngả ngớn, cười nửa miệng, cười đổ quán xiêu đình, cười nghiêng nước nghiêng thành, cười híp mắt v.v... Miền Bắc có những cái cười tiêu biểu như Ba Giai, Tú Xuất, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trạng Cờ, còn người miền Nam lại có kiểu cười “tiếu lâm” vui chơi nhiều khi chẳng có ý gì cả. Trần Tế Xương (1869-1907), văn thơ của Ông tiêu biểu cho cái cười dí dỏm: “Bắt chước ai ta chúc mấy lời, Chúc cho khắp hết cả trên đời Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn thuở Sao được cho ra cái giống người!” (Lời chúc năm mới) Cười và tiếng cười nói chung mang tánh sinh học, thuộc về bản năng của con người, cho nên tiếng cười phát ra đôi khi một cách vô thức do phản ứng của cơ thể mà con người không kiểm soát được! Riêng cái cười của người Việt Nam mình ngoài mang tánh sinh học, do nó thoát thai từ lịch sử, thực tiễn của cuộc sống, cho nên cái cười của người mình đã dung hòa giữa tính hài hước với thực tiễn, vừa vô thức vừa ý thức, lại có khuynh hướng lãng mạn nữa! Ðó là “cái cười Việt Nam”. Nụ cười Di Lạc Dầu là Phật tử hay không, gần đến Tết, ai nấy, nhứt là nhà buôn bán, đều chưng dọn lại nơi trưng bày hình tượng Di Lặc cho khang trang, để gọi là đón mừng ngày đầu năm. Và từ đó cúng bái Ngài Di Lặc trong ngày Tết trở thành lễ nghi phong tục Tết của Việt Nam ngày nay. Trong dân gian, hình ảnh Ðức Di Lặc tượng trưng cho sự may mắn. Vào cửa hàng của người Việt, chúng ta thấy ngay hình/tượng Ðức Di Lặc, ngồi cười khoe rún với các trẻ nhỏ vây quanh. Có người trưng hình/tượng Di Lặc đứng đưa cao hai tay lên trời và miệng cũng cười toe toét. Khách hàng, nhiều người tin rằng, vào tiệm lấy tay xoa lên rún Ngài Di Lặc sẽ gặp nhiều may mắn. Ở Huê Kỳ, nhiều người da trắng, da đen, người Mễ... cũng tin như vậy nữa. Người ta tin rằng Ðức Di Lặc không hề kỳ thị! Ngày nay trong dân gian, niềm tin đối với Ngài Di Lặc đã thành huyền thoại, dầu kinh Phật không hề dạy như vậy! Ðức Di Lặc là một vị Phật thứ năm trong Hiền kiếp. Bốn vị Phật trong Hiền kiếp đã ra đời là: 1. Ðức Cấu Lưu Tôn, 2. Ðức Câu Na Hàm, 3. Ðức Ca Diếp, 4. Ðức Thích Ca Mâu Ni. Và để nối ngôi Phật Thích Ca, Ðức Di Lặc sẽ ra đời mà giáo hóa chúng sanh. Nhưng số kiếp Ðức Di Lặc chưa đến, ngài còn ở trên cung trời Ðâu Suất, thường hay hóa thân trong mười phương thế giới mà thuyết pháp độ sanh. Sự tích nói, có lúc ngài Di Lặc hóa thân làm vị Hòa Thượng, thân hình khác hơn người thế tục, trán thì nhăn, bụng thì lớn, hình vóc mập mạp, đi đâu cũng mang theo một cái túi vải, nên mọi người kêu là Bố Ðại Hòa Thượng. Tánh ngài hay khôi hài và chỗ ăn và nằm ngày đêm không có nhứt định. Mỗi khi đi đường, ngài thường cầm gậy và mang cái túi bằng vải, không khi nào rời hai vật ấy ra khỏi mình, lại có 18 đứa con nít nhỏ (là lục căn, lục trần, và lục thức) thường đeo đuổi theo một bên mà diễu cợt làm cho ngài cười mãi mãi. Di Lặc, có người gọi là Di Lạc, tiếng Phạn là Maitrya, theo nghĩa dịch là Từ Thị, là “người có lòng từ”. Di Lặc là họ, còn chính tên là A Dật Ða (Aadjita), dịch là Vô Năng Thắng. Ngài Di Lặc thuộc dòng dõi Bà La Môn, Nam Thiên Trúc (Ấn Ðộ). Di Lặc là một nhơn vật lịch sử trong nhà Phật, ngày Mồng Một Tết là ngày Vía Ðức Di Lặc cho nên hình ảnh ngài Di Lặc có một ý nghĩa đặc biệt đối với nhiều người Việt Nam là vậy. Hội Thông Thiên Học cũng như Hội Long Hoa của đạo Cao Ðài cũng có niềm tin đối với Ngài Di Lặc. Các nhà nghiên cứu Phật học lý giải rằng hình ảnh trẻ con bu quanh Di Lặc khác nào lục căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý) quậy phá chúng ta, và Di Lặc biểu tượng sự chứng ngộ. Ðối với mọi người Việt Nam, ngày đầu năm, mồng Một Tết, thật thiêng liêng và vô cùng quan trọng. Tất cả mọi người, làm bất cứ việc gì, mọi cử chỉ phải thật nhẹ nhàng, thận trọng. Phải thận trọng từng lời ăn tiếng nói, nhứt là phải tỏ ra vui vẻ, hòa nhã với tất cả mọi người, trong mọi tình huống. Tất cả như đã trở thành tập quán, như nói lên lòng ao ước, mong sao năm mới an vui, hạnh phúc. Ngày Mồng Một, ngày Xuân như thế, cho nên hình ảnh Ngài Di Lặc trong nhà với nụ cười vui tươi cùng trẻ con thì thật còn gì bằng. Nụ cười của Ngài Di Lặc nói lên đức tánh hỉ, xả. Cười hỉ-xả là nụ cười vui tươi chơn thật, hạnh phúc. Có hạnh phúc thì cuộc sống mới thật đáng sống. Mùa Xuân mọi người hãy Xả, tức là bỏ, bỏ tất cả những điều phiền muộn do người khác, hay do chính ta tạo ra cho ta, và hãy nở nụ cười trên môi cùng Di Lặc. Chính nhờ nụ cười của Ðức Di Lặc khiêm tốn giản dị đã giúp mỗi chúng ta trở thành “Người Hạnh Phúc” trong cõi đời nầy rồi. Ngày Mồng Một Tết, ngày đầu tiên của 365 ngày, không nhứt thiết chúng ta phải là Phật tử, hãy cùng nhắc nhở nhau trong gia đình, mọi người phải thực hành đức tánh hỉ xả, cùng nhau hướng đến một đời sống an vui, hạnh phúc. Chắc chắn chúng ta sẽ được vui vẻ hạnh phúc như ngài Di Lặc. Xin mượn hai câu thơ của Thiền sư Mãn Giác “Mạc vị Xuân tàn, hoa lạc tận / Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai” để chúc nhau hưởng Mùa Xuân Di Lặc bất sanh, bất diệt. Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, Ðêm qua sân trước một nhành mai.
|