Home Tin Tức Bình Luận Tìm hiểu cuộc xung đột Do Thái-Palestine

Tìm hiểu cuộc xung đột Do Thái-Palestine PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Thành   
Thứ Năm, 05 Tháng 2 Năm 2009 21:50

 
Trong khi Đệ Nhất Thế Chiến đang tiếp diễn, chính quyền Anh, vì lý do chính trị và lịch sử tôn giáo, đã ban hành ngày 2/11/1917 bản Tuyên Ngôn Balfour (Balfour Declaration -Balfour: tên của Tổng Trưởng Ngoại Giao Anh, Lord Arthur James Balfour), dự liệu một kế hoạch chia cắt đất đai tại Palestine cho người Do Thái lưu vong khắp nơi trên thế giới được trở về quê hương cũ mà người Do Thái xác quyết là xứ sở của tổ phụ Abraham của họ, viện dẫn Sách Thứ Nhất trong Cựu Ước: 12-25 (Book of Genesis, 12-25). Thực ra còn có sắc dân Ả Rập và những tín đồ Cơ đốc giáo sinh sống tại Palestine cũng đều khẳng định có quyền thừa hưởng cơ nghiệp đời đời của tổ phụ Abraham của họ. Nhưng tiếng nói của người Do Thái có trọng lượng hơn.

Văn bản Tuyên Ngôn Balfour được chuyển tới Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson và được Tổng Thống chấp nhận trước khi cho đem ra công bố. Các nước đồng minh tham chiến đều tán thành và đề nghị đưa dự thảo kế hoạch đó ra Hội Quốc Liên để thẩm định về việc chia cắt đất đai để thành lập quốc gia Do Thái và quốc gia Palestine. Đây là cơ hội bằng vàng cho các nhà lãnh đạo phong trào phục quốc Do Thái để thực hiện giấc mơ ấp ủ hàng ngàn năm kể từ khi bị người Assyrian lưu đày: tái lập một quốc gia Do Thái tại Palestine còn được gọi miền Đất Hứa (Land of Canaan, Genesis, 17:8)
Về mặt chính trị, chính quyền Anh khuyến khích các cộng đồng Do Thái đông dân và có thế lực như tại Anh, Mỹ, Gia Nã Đại, Liên Sô, Argentina … tích cực tham gia trận chiến chống Hoàng Đế Đức Kaiser Wilhelm II và Đế Quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire), đồng minh của Đức. Người Do Thái lưu vong hưởng ứng ngay. Họ tình nguyện gia nhập nhiều đơn vị chiến đấu bên cạnh quân đội đồng minh. Đặc biệt tại vùng Trung Đông, họ thành lập một đạo quân chỉ huy riêng rẽ, gồm 5,000 người tình nguyện từ nhiều cộng đồng Do Thái trên thế giới đưa về, được người Anh trang bị vũ khí tối tân, đã hỗ trợ quân đội Anh tiến chiếm Palestine đang nằm dưới sự đô hộ của Đế Quốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt vào năm 1918, Hội Quốc Liên chấp thuận bản Tuyên Ngôn Balfour rồi trao cho Anh quốc ủy trị, kể từ ngày 19/04/1920, Cổ Thành Jerusalem và tiếp theo toàn thể Palestine. Chính đạo quân 5,000 người hợp nhất với các tổ chức của các quân nhân Do Thái chiến đấu bên cạnh các nước đồng minh trở về Palestine, đã đóng vai trò nòng cốt bảo vệ cộng đồng bé nhỏ Do Thái chống lại khối Ả Rập khổng lồ đe dọa giết hết sắc dân Do Thái. Từ thập niên 1920 đến đầu thập niên 1930, người Do Thái lưu vong ào ạt nhập cư vào Palestine qua ngả chính thức hay bất hợp pháp đã gây ra bất ổn trong vùng.

Các nước Ả Rập láng giềng với Palestine như Ai Cập, Jordan, Syria, Lebanon và Iraq chống đối kịch liệt sự chia cắt đất đai trên và chuẩn bị dùng sức mạnh quân sự để ngăn chặn người Do Thái di dân vào Palestine nên chính quyền Anh có lúc đã phải hạn chế sự di dân. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phong trào phục quốc Do Thái không ngớt đưa người nhập cư lậu và đổ tiền vào cộng đồng Do Thái để mua, bất cứ giá nào, càng nhiều càng hay, các trang trại của người Palestine. Họ đã thành công mua được một số đất đáng kể và cộng đồng của họ ngày một lớn mạnh. Ngoài ra, các tổ chức phục quốc Do Thái còn mua các loại vũ khí hiện đại ở chợ đen rồi nhập lậu vào Palestine để phòng thủ. Ít lâu sau, các chuyên gia đã bắt đầu sản xuất các loại vũ khí nhẹ để trang bị cho người dân tự vệ trong các trang trại hoặc khu định cư mới được gọi Ki-Bút (Kibbutz) mà Đệ Nhất Cộng Hòa của chúng ta mô phỏng phần nào để lập Khu trù mật và Ấp chiến lược vậy.

Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ ngày 1-9-1939, Hội Quốc Liên dời Trụ sở tới Hoa Kỳ rồi giải tán. Hồ sơ cùng tài liệu được chuyển qua tổ chức quốc tế mới ra đời năm 1945 lấy tên Liên Hiệp Quốc. Dựa vào nguyên tắc của sự liên tục quyền hành, LHQ cứu xét kế hoạch chia cắt đất đai tại Palestine. Đại Hội Đồng LHQ họp và chấp thuận kế hoạch thành lập 2 quốc gia Do Thái và Palestine trong cuộc bỏ phiếu ngày 29/11/1947 với 33 phiếu thuận, 13 chống và 10 phiếu trắng. Khối Ả Rập bác bỏ.

Thời hạn ủy trị Palestine hết hạn ngày 14/5/1948. Chính quyền Anh giao lại Palestine cho Hội Đồng Ủy Trị LHQ rồi rút 100,000 quân cùng lực lượng cảnh sát và an ninh ra khỏi Palestine. Ngay vào ngày hôm đó tức 14/5/1948, Hội Đồng Quốc Gia Do Thái tuyên bố thành lập nước Do Thái và đưa ra thành phần chính phủ. Vào ngày hôm sau 15/5/1948, quân đội của 4 nước Ả Rập Ai Cập, Jordan, Syria, Lebanon và quân tình nguyện Iraq tràn vào Palestine quyết tâm bóp chết nước Do Thái mới ra đời. Quân đội và dân quân Do Thái đẩy lui tất cả các cuộc tấn công mà còn chiếm thêm đất đai của dân Ả Rập Palestine. Hội Đồng Bảo An LHQ can thiệp. Hai bên ngưng chiến ngày 7/1/1949. Và ngày 11/5/1949, Do Thái được chính thức chấp thuận gia nhập LHQ. (1)

Từ ngày nước Do Thái ra đời cho đến năm 1982, đã xẩy ra 5 cuộc chiến giữa Do Thái và các nước Ả Rập. Với dân số 2 triệu rưỡi (năm 1967), Do Thái đã đánh bại quân đội của khối Ả Rập 110 triệu dân, chẳng những chiếm trọn vẹn Palestine mà còn đánh chiếm bán đảo Sinai của Ai Cập và Cao nguyên Golan của Syria.

Người viết sẽ lướt qua bối cảnh chính trị trong vùng Trung Đông và địa lý Palestine trước khi xảy ra 5 cuộc chiến mà chỉ khai triển cuộc chiến 6 ngày xảy ra vào tháng 6 năm 1967 giữa Do Thái và 4 nước Ả Rập lân bang với Palestine vì cuộc chiến đó được coi như thuyết đánh phủ đầu đúng nhất để tự vệ. Nhưng tại sao Hội Đồng Bảo An LHQ và hầu hết các nước trên thế giới đã lên án Do Thái? Cuộc xung đột và nổi dậy của dân Palestine từ khi nước Do Thái ra đời năm 1948 diễn ra từ đó cho đến nay, trên nửa thế kỷ, sẽ đi về đâu?

I-Một thoáng nhìn vùng Trung Đông và Palestine
1-Bối cảnh chính trị.

Từ khi có lịch sử viết ta thấy Trung Đông là khu vực chiến lược vô cùng quan trọng đã trở nên đấu trường của các quyền lực chính trị trên thế giới. Người Anh và Pháp coi Trung Đông như một hành lang mở cửa đi vào thuộc địa mênh mông của họ tại Phi Châu và Á Châu. Khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ vào năm 1939, các nước Đồng Minh đã sử dụng các đường bay trên bầu trời Trung Đông để phục vụ chiến trường chống Trục Phát Xít Đức, Ý và Nhật. Vào những thập niên gần đây, nguồn cung cấp lớn lao dầu hỏa và khí đốt cho các nước kỹ nghệ hàng đầu trên thế giới đã lôi cuốn nhiều quyền lực chính trị nhảy vào Trung Đông để gây ảnh hưởng và chia chác quyền lợi khai thác túi dầu lửa lớn nhất trên quả địa cầu. Hai cuộc chiến giữa Do Thái và Ả Rập xẩy ra năm 1967 và 1973, Liên Sô dự tính đưa tàu chiến và quân đội nhảy dù vào giúp các nước Ả Rập để chia khu vực ảnh hưởng với thế giới tự do, suýt gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có thể châm ngòi nổ cho Đệ Tam Thế Chiến.
Palestine nằm cạnh Kinh đào Suez, một đường giao thông huyết mạch nối liền với hành lang đi vào Châu Phi và Á Châu, có một vị trí chiến lược đặc biệt đối với Đế quốc Anh. Vào đầu thế kỷ 20, nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền Anh muốn tạo một cơ sở hợp lý để cho ra đời một quốc gia thân hữu đáng tin cậy, trấn giữ Palestine, khu vực trọng yếu được coi như một móc xích nối kết với hành lang đi vào Phi Châu và Á Châu trình bày ở trên. Đó là sự khai sinh ra quốc gia Do Thái. (2)
Theo sử gia Amos Jorder và Hal Kosut, đàng sau bản tuyên ngôn Balfour là cả một công cuộc đấu tranh kiên trì từ nhiều thế kỷ, của hàng triệu người Do Thái lưu vong khắp nơi trên thế giới. Nhà tư tưởng Do Thái, Bác sĩ Theodor Herzl, đã phổ biến vào năm 1897 Chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism) trong tác phẩm “Quốc gia Do Thái” (The Jewish State) có ảnh hưởng rất mạnh trên chính trường Anh, Đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Người lãnh đạo phong trào phục quốc của 600,000 người Do Thái tại Anh, Lord Rothschild đã vận động và thuyết phục Tổng Trưởng Ngoại Giao Anh Lord Arthur James Balfour chấp nhận đưa mục tiêu của phong trào phục quốc Do Thái vào chính sách của bản tuyên ngôn Balfour. Chính quyền Anh đáp ứng nguyện vọng của Cộng đồng Do Thái cho tái thiết lập quốc gia Do Thái tại Palestine. Sự kiện trên cũng rất phù hợp với chiến lược của Đế quốc Anh tại Trung Đông đang giúp một số quốc gia Ả Rập nổi dậy lật đổ Đế Quốc Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ suốt 4 thế kỷ vùng hiểm yếu này (Ottoman Turks-1517-1917)

2- Palestine
Palestine bao gồm một dải đất nằm ở ven biển Địa Trung Hải, giáp ranh với Ai Cập, Jordan, Syria và Lebanon diện tích 10,434 dặm vuông. Khi người Anh xâm chiếm Palestine vào năm 1918, dân số lúc đó có khoảng 70,000 người Do Thái so với 650,000 người Ả Rập. Hai năm sau, Hội Quốc Liên giao chính quyền Anh ủy trị Jerusalem và tiếp theo toàn thể Palestine. Cuộc kiểm tra vào năm 1920 cho thấy tổng số dân cư ngụ tại Palestine có 757,182 người-78% người Ả Rập, 11% dân Do Thái và 9% người theo Cơ Đốc Giáo.

Được sự khuyến khích của chính quyền Anh cho phép nhập cư dễ dãi, phong trào phục quốc Do Thái đã tổ chức đưa nam nữ thanh niên cùng các chuyên gia lỗi lạc đủ mọi lãnh vực trở về Palestine để xây dựng một quốc gia Do Thái hùng mạnh trong vùng. Do đó, dân Do Thái không ngừng gia tăng. Đang là sắc dân thiểu số chỉ chiếm 11% vào năm 1920 nói trên, đến đầu thập niên 1930, dân số Do Thái tăng lên 30%. Đến năm 1967, nhờ vào cuộc chiến xâm lấn đất đai (1948 và 1967), ta thấy dân số Do Thái đã đạt được 2 triệu rưỡi. Tiếp theo hai cuộc chiến chót (1973 và 1982) và cho tới năm 2001, tổng số dân Do Thái đã lên đến 6,172,000 người với diện tích 8,000 dặm vuông (20,000 cây số vuông) trong tổng số diên tích 10,434 dặm vuông cho toàn thể Palestine. Nếu lùi lại vào năm 1860, ta thấy chỉ có khoảng 12,000 người Do Thái hầu hết làm nghề thủ công và buôn bán tại Palestine. Nhưng đặc biệt về hậu bán thế kỷ 20, đà gia tăng nhanh dân số mong muốn nằm trong sách lược an ninh của những nhà lập quốc Do Thái.

Sau trận chiến 6 ngày, Do Thái thắng trận đã kiểm soát toàn thể Palestine và đã đưa người Do Thái tới định cư tại các vùng chiếm đóng. Do đó, đất đai của quốc gia Palestine dự kiến dần dần bị thu hẹp, chỉ còn Dải Gaza Strip và vùng đất rộng nằm phía Tây Sông Jordan được gọi là Tây Ngạn (West Bank) với số diện tích còn lại 2400 dặm vuông. Cuộc kiểm tra của LHQ vào năm 1967 cho thấy có 1,288,000 người Palestine còn ở lại trong vùng chiếm đóng của quân đội Do Thái và 1 triệu rưỡi người Palestine chạy qua tị nạn tại các quốc gia Ả Rập trong vùng, nhiều nhất tại Jordan với 60 vạn người.
Hiện nay, người Palestine tại Dải Gaza Strip và Tây Ngạn ước tính có 4 triệu (không kể người Do Thái gốc Ả Rập Palestine) nhưng số dân Palestine tị nạn được cơ quan cứu trợ của LHQ lên tới 2 triệu 4. Nay những người này đòi trở về mảnh đất của họ bị người Do Thái chiếm đoạt trong hai cuộc chiến 1948 và 1967 (3)

II- Cuộc chiến Sáu Ngày
1-Trước tháng 6 năm 1967

Trận chiến đầu tiên giữa Do Thái và các nước Ả Rập bao quanh Palestine xảy ra ngay khi Do Thái ra đời năm 1948 đến tháng Giêng năm 1949 kết thúc qua cuộc đình chiến ấn định biên giới mới của Do Thái. Ngoài phần đất được LHQ chia cắt thành lập quốc gia Do Thái lúc khởi đầu vào năm 1947 với 5,760 dặm vuông, Do Thái dựa vào cuộc chiến giành độc lập năm 1948, đã chiếm thêm 2,240 dặm vuông đất đai của dân Ả Rập Palestine rồi sát nhập vào lãnh thổ của họ. Theo các sử gia tên tuổi tỷ như Amos Yoder và Micheal Polland, các nước Ả Rập tham chiến thua thảm bại đã đầu hàng ngày 7/1/1949 vì quân đội không được huấn luyện chu đáo, thiếu vũ khí, lại kình địch nhau nên không thể thống nhất chỉ huy để đánh bại Do Thái. Trong khi đó Do Thái được trang bị võ khí hiện đại và tư tưởng của chủ nghĩa phục quốc rất cao, lại còn được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các quyền lực chính trị Âu Mỹ nên đã đánh bại cuộc tấn công của khối Ả Rập vây quanh để bành trướng lãnh thổ.
Đến năm 1956, Do Thái nghiễm nhiên trở nên một quốc gia hùng mạnh trong vùng, đã tham gia Liên quân Anh Pháp hành quân vào bán đảo Sinai, Ai Cập để bảo vệ kinh đào Suez khi Tổng Thống Ai Cập Gamel Abdel Nasser tuyên bố quốc hữu hóa kinh đào này vào ngày 26/07/1956. Sự kiện trên xẩy ra đúng như viễn kiến của các chiến lược gia Anh mong muốn duy trì đường lối cai trị của Anh không có người Anh vẫn tiếp diễn cho đến nay qua sự khai sinh ra quốc gia Do Thái trấn giữ vùng trọng yếu ở Trung Đông vậy.

Bị ám ảnh và cảm thấy nhục nhã vì thua trận năm 1949, Tổng Thống Ai Cập Nasser ngả theo đường lối thân thiện với Liên Sô và Tiệp Khắc để nhận nguồn viện trợ tài chánh và vũ khí hiện đại nhằm tiêu diệt kẻ thù bé nhỏ Do Thái mới ra đời. Ba ngàn cố vấn quân sự Liên Xô vào Ai Cập và cho đến năm 1971, con số cố vấn này tăng lên đến 20,000 người, chưa kể các cố vấn tại các quốc gia Ả Rập khác.

Là một quốc gia Ả Rập lớn nhất và mạnh nhất trong vùng, Ai Cập ký Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương với Syria được 12 nước trong Liên Đoàn Ả Rập hỗ trợ để hủy diệt Do Thái. Từ đó, tình hình biên giới giữa Syria và Do Thái ngày một căng thẳng. Các cuộc đột kích và xung đột vũ trang đẫm máu cứ leo thang khiến Liên Đoàn Ả Rập kêu gọi Ai Cập phải trả đũa. Bắt đầu từ tháng 5 năm 1967, Đài phát thanh Cairo, Ai Cập kêu gọi dân chúng Ả Rập trong vùng dưới sự chiếm đóng của Do Thái nổi dậy và Tổng Thống Nasser ra lệnh chuẩn bị cuộc chiến tấn công Do Thái. Tiếp theo, TT Nasser tuyên bố phong tỏa eo biển Tiran. Cuộc chiến giữa Do Thái và các nước Ả Rập khó tránh khỏi vì cuộc phong tỏa là một hành động chiến tranh.

2- Tương quan lực lượng quân sự
Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Lược tại Luân Đôn, lực lượng quân sự giữa hai phe được liệt kê như sau:
- Do Thái: 240.000 quân và dân quân, 800 chiến xa, ít nhất 350 máy bay
- Ai Cập: 240,000 quân, 1200 chiến xa, 550 máy bay, hầu hết của Liên Sô
- Syria: 60,000 quân, khoảng 600 chiến xa, hầu hết của Liên Sô, và ít nhất 100 máy bay Sô Viết
- Jordan: 50,000 quân, khoảng 132 chiến xa, và 12 chiến đấu cơ
- Iraq: 70,000 quân, 400 chiến xa và ít nhất 200 máy bay
- Lebanon: 12,000 quân, 80 chiến xa, 20 máy bay
- Kuwait: 5,000 quân, 24 chiến xa, 9 máy bay
- Algeria: 60,000 quân, 100 chiến xa, 100 máy bay
Quân đội Do Thái
Như vậy, Do Thái phải chống lại 7 nước Ả Rập nói trên với 547,000 quân sĩ, 2536 chiến xa và 991 máy bay đủ loại của Liên Sô, chưa kể một số nước khác nằm trong Liên Đoàn Ả Rập sẵn sàng gửi quân tham chiến nếu được yêu cầu tỷ như Saudi Arabia, Morocco, Yemen, Tunisia, Libya và Sudan.

3- Do Thái Ra Tay Đánh Trước
Vào cuối tháng 5 năm 1967, Tổng Thống Nasser tuyên bố phong tỏa Vịnh Aqaba khiến Hải cảng Eilat của Do Thái không thể đưa tàu bè đi qua eo biển Tiran để vào Hồng Hải (Mer Rouge). Tiếp theo, TT Nasser ra lệnh chuyển 60,000 quân tinh nhuệ tiến vào bán đảo Sinai gần biên giới Do Thái.
Sáng sớm thứ hai ngày 5/6/1967, Do Thái bất thần ra tay đánh trước bằng không lực. Các loại máy bay ném bom và khu trục như Mirage, Mystère, Super Mystère, Ouragan, Vautour, Fouga Magister hướng vào Ai Cập, Jordan, Syria và Iraq, giội bom và bắn phá hết các máy bay đang đậu ở 25 phi trường cùng các nơi tập trung chiến xa. Chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ, không lực Do Thái đã tiêu diệt hơn 400 máy bay và trên 700 chiến xa. Quân lực của 4 nước Ả Rập trên bị tê liệt không kịp phản ứng trả đũa.

Sang ngày thứ hai và thứ ba, Hội Đồng Bảo An LHQ kêu gọi hai bên ngưng chiến. Jordan hưởng ứng nhưng quân đội và dân quân Do Thái ào ạt tấn công chiếm Đông Jerusalem, Tây Ngạn (West Bank trước đây nằm trong Vương Quốc Hachémite Jordanie) và Dải Gaza Strip thuộc quyền quản trị của Ai Cập.

Sang ngày thứ tư, bộ binh và dân quân Do Thái tấn công như vũ bão chiếm bán đảo Sinai và Kinh đào Suez. Quân đội Ai Cập thua trận với tổn thất nặng: 20,000 quân bị giết, 7 sư đoàn bộ binh bị mắc kẹt trong vùng sa mạc không có nước uống, 6,000 binh sĩ đầu hàng và 400 chiến xa rơi vào tay quân đội Do Thái. Ai Cập chấp nhận ngưng bắn.
Sang ngày thứ năm và thứ sáu, Syria chấp thuận ngưng chiến nhưng lực lượng quân sự Do Thái vẫn tiến chiếm Cao nguyên Golan mở đường tiến vào thủ đô Damacus của Syria. Tới đây, quân đội nhận được lệnh dừng quân. (4)
Tù binh Ai Cập dưới họng súng của binh sĩ Do Thái
Tóm lại, Do Thái đã chiếm Cao nguyên Golan, Đông Jerusalem, Tây Ngạn (West Bank), Dải Gaza Strip và bán đảo Sinai với 759 chiến binh hy sinh trong cuộc chiến Sáu Ngày. Nếu kể tổn thất từ cuộc chiến giành độc lập năm 1948, cuộc hành quân vào bán đảo Sinai năm 1956 và cuộc chiến Sáu Ngày, tổng cộng có 7,506 quân sĩ Do Thái tử trận nhưng Do Thái đã chiếm trọn vẹn Palestine và bán đảo Sinai. Bán đảo này được trả lại cho Ai Cập năm 1982 theo các điều khoản qui định của Hiệp Ước Washington năm 1979.

III Vài hàng tạm kết
Cuộc chiến Sáu Ngày đã gây ra sự đối đầu giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Sô có thể châm ngòi nổ cuộc chiến hạt nhân nếu hai bên không tự chế. Ít nhất 10 tàu chiến Liên Sô chở quân nhẩy dù đã hướng tới Vịnh Aqaba, nơi đang diễn ra cuộc giao tranh tại bán đảo Sinai, Ai Cập. Trong khi đó, Hạm Đội Thứ Sáu của Hoa Kỳ tại Địa Trung Hải điều động 50 tàu chiến và 3 hàng không mẫu hạm với 25,000 thủy thủ và 2,000 thủy quân lục chiến sẵn sàng can thiệp.
Theo các sử gia, Thủ Tướng Liên Sô Alexi Kosygin đề nghị với Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson cùng đưa quân vào chặn đứng cuộc chiến và buộc Do Thái phải rút hết quân ra khỏi các vùng mới chiếm. Hoa Kỳ từ chối. Đúng vào lúc tình hình căng thẳng đó, có hàng không mẫu hạm Intrepid đi vào Vịnh Suez, Tòa Bạch Ốc vội cải chính chiếc mẫu hạm đó phục vụ chiến trường Việt Nam chứ không dính dáng tới cuộc chiến Sáu Ngày đang tiếp diễn tại Trung Đông. May mắn thay, Điện Cẩm Linh giữ yên lặng. Thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng gấp bội phần so với cuộc khủng hoảng hỏa tiễn tại Cuba năm 1962
Cuộc chiến Sáu Ngày kết thúc.
Rối loạn bắt đầu vì Do Thái không tuân thủ Nghị Quyết 242 và 338 của Hội Đồng Bảo An LHQ ra lệnh rút quân khỏi các lãnh thổ mới chiếm và thi hành Luật chiếm đóng được tóm lược như sau:

1-Vi phạm điều 51 Hiến Chương LHQ
Khi ra tay đánh trước để tự vệ, Do Thái phải báo cáo ngay Hội Đồng Bảo An về những hành động đã thực hiện để Hội Đồng đưa ra những biện pháp thích nghi trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Do Thái đã không báo cáo theo thủ tục đòi hỏi của điều kiện thứ 2 trong Hiến Chương LHQ. Thậm chí khi Hội Đồng Bảo An kêu gọi hai bên ngưng chiến, ba nước Ai Cập, Jordan và Syria chấp nhận ngay nhưng Do Thái không tuân hành cứ tiếp tục tiến chiếm xong mục tiêu chiến lược rồi mới dừng quân.
2- Không thi hành luật chiếm đóng
Theo tiền lệ của quân đội Đồng Minh chiếm đóng Đức- Nhật, Hiệp Ước The Kellogg-Briand Pact và Công Ước Geneva IV 1949, quân đội chiếm đóng có nhiệm vụ phải duy trì an ninh và bảo vệ thường dân vô tội, phục hồi đời sống bình thường như cung cấp điều hòa điện nước, không được chia cắt đất nước chiếm đóng và quan trọng hơn hết mang lại tự do dân chủ cho người dân. Sau đó, phải trao trả quyền hành cho chính quyền hợp pháp rồi rút lui.
Do Thái đã không làm như vậy. Chính quyền Do Thái đã trục xuất người dân ra khỏi nhà, chiếm đất để thiết lập các khu định cư mới, đổi tên Tây Ngạn ra Judée- Samarie, sát nhập Cao Nguyên Golan (1981) vào lãnh thổ Do Thái, Chiếm toàn thể Jerusalem làm thủ đô (1981) mà đáng lẽ là thủ đô Liên Bang cho hai nước Do Thái và Palestine.(5)
Hiện nay, viện cớ chống khủng bố và ôm bom tự sát, Do Thái đang dựng hàng rào nằm sâu trong lãnh thổ và bao quanh Tây Ngạn, chiều dài 450 dặm liên hợp với những bức tường, chướng ngại vật giăng dây thép gai, đường hào với mục đích, theo sự tố cáo của chính quyền Palestine, lấn đất để lập một biên giới mới.
Việc dựng hàng rào chia cắt lãnh thổ Tây Ngạn đã được đưa ra Đại Hội Đồng LHQ quyết định. Ngày 8-12-2003, Đại Hội Đồng chấp thuận Nghị Quyết yêu cầu Pháp Viện Quốc Tế (The International Court of Justice) cho ý kiến pháp lý để xem việc xây dựng hàng rào đó có hợp pháp hay không? Cuộc bỏ phiếu cho thấy 90 nước chấp nhận, 8 chống, với 74 phiếu trắng. Hoa Kỳ, Do Thái, Úc, Ethiopia và 4 tiểu quốc ở hải đảo Thái Bình Dương chống Nghị Quyết nói trên. (Nhật báo The Washington Post ngày thứ ba 9-12-2003)

3-Phá vỡ bế tắc
Mặc dầu đã có Hội Nghị Hòa Bình ở Madrid năm 1991, Thỏa Ước Hoa Thịnh Đốn năm 1993 và Geneva, những cuộc xung đột đẫm máu vẫn xảy ra tỷ như 2 năm gần đây đã giết chết 3,000 người, trong số đó có 2,200 người Palestine. Kế hoạch hòa bình do sáng kiến ngoại giao của bốn thành phần được gọi Quartet, gồm Nga, Âu Châu, LHQ và Hoa Kỳ đưa ra lộ đồ “road map”, từ 3 năm nay, để khai sinh ra quốc gia Palestine vào năm 2005 không đạt được kết quả mong muốn. Do đó, nhiều nhà lãnh đạo uy tín trên thế giới đề nghị cần phải có sự can thiệp quốc tế, đưa quân vào Palestine mới có thể giải quyết được cuộc xung đột Do Thái-Palestine.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích Sứ Điệp của Tòa Thánh nhân ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 37, 1.1.2004, được gửi tới các vị nguyên thủ quốc gia và công bố cho công luận thế giới. Sứ Điệp kêu gọi “Gây ý thức từ hạ tầng dân chúng qua các công tác giáo dục về hòa bình, cổ võ sự tôn trọng công pháp quốc tế, nâng cao vai trò của LHQ, loại bỏ chủ trương dùng luật của sức mạnh thay vì dùng sức mạnh của luật pháp.” (Chân Lý, Tập 11, Số 1, 2004, trang 57). Quả vậy, muốn xây dựng một nền hòa bình chân chính và lâu bền không thể hy sinh công lý. Sức mạnh không đi theo công lý sẽ trở nên tàn bạo.

Hiện nay, các quyền lực chính trị ở Trung Đông chưa kết hợp được hòa bình với công lý nên không đưa ra được giải pháp nào công bằng và hợp lý để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, kéo dài trên nửa thế kỷ, giữa người Do Thái và người Ả Rập tại Palestine.
Vậy chúng ta hãy chờ xem.

Nguyễn Văn Thành

Chú thích:
(1) -The Evolution of the United Nations System- Second Edition-Amos Joder
-The Six- Day War-United Nations-The First Fifty Years-Stanley Meisler
(2 & 3) - Israel & the Arabs: The June 1967 War-Edited by Hal Kosut.
-Lightning out of Israel-The Arab-Israel Conflict by the Associated Press- Commemorative Edition
(4) -Strike First! - A Battle History of Israel’s Six- Day War-David Dayan-Translated from the Hebrew by Dov Ben-Abba, Pitman Publishing Corporation New York Toronto London
(5)-The Laws of War-A Comprehensive Collection of Primary Documents on International Laws Governing Armed Conflict- Edited with an Introduction and Commentary by W. Michael Reisman and Chris T. Antoniou