Home Tin Tức Bình Luận Ý nghĩa một buổi lễ

Ý nghĩa một buổi lễ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Gia Tiến   
Thứ Năm, 05 Tháng 2 Năm 2009 22:06

Dù có cảm tình hay không ưa tân Tổng thống Hoa Kỳ Obama, phải công nhận lễ nhậm chức của ông vừa rồi đã là một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa.

Từ mấy thập niên qua, chưa hề có buổi lễ nhậm chức Tổng Thống nào tại Hoa Kỳ lại lôi cuốn được cả triệu người Mỹ, gồm đủ mọi thành phần, sắc dân, từ khắp nơi kéo về thủ đô Washington tham dự, trong thời tiết lạnh giá. Ngoài ra, hàng chục triệu người khác trên khắp thế giới cũng nô nức theo rõi qua màn ảnh truyền hình.

Lý do nào khiến người ta sốt sắng quan tâm đến sự kiện này?

Có lẽ không phải vì tài năng cá nhân ông Obama. Cũng không phải chỉ vì lý do ông là người thiểu số da đen đầu tiên lên làm Tổng thống tại siêu cường Hoa Kỳ.

Vượt lên trên tất cả, có lẽ đó là ý nghĩa về sự thể hiện của Dân Chủ.

Lý tưởng Dân Chủ, Nhân quyền, lần đầu tiên đã bộc lộ sự thắng lợi một cách rõ ràng mạnh mẽ nhất tại quốc gia Hoa Kỳ. Nó cũng là biểu tượng chứng tỏ sự chuyển hóa nhanh chóng trong tâm tư người dân Mỹ, mà chỉ vài thập niên trước đây còn mang nặng tính kỳ thị chủng tộc.

Thật vậy. Ông Obama đã không đạt được vinh hạnh này, nếu không có sự chuyển biến nhanh chóng về cách suy nghĩ của người dân Mỹ, nhất là giới trẻ. Đối với họ, đã trôi vào dĩ vãng xa xôi thời kỳ mà mọi ưu tiên đều giành cho người Mỹ gốc da trắng. Với họ, quốc gia Hoa Kỳ ngày nay chỉ còn là tập thể những cá nhân, bất kể màu da, mà sự thành công trong xã hội phải dựa vào khả năng, vào sự cố gắng, vào tài thao lược. Các yếu tố về chủng tộc, về nguồn gốc, tôn giáo … đã phai nhạt, không còn quan trọng, không còn quyết định. Và lễ nhậm chức của ông Obama vừa qua được mọi người chú ý, chính vì nó có ý nghĩa như một biểu tượng, như một cái mốc đánh dấu sự chuyển hóa tâm lý này.

Xét trên khía cạnh đó, thì các quan niệm về dân chủ, về bình đẳng, đã được phổ biến khá sâu rộng, đã thực sự được “tiêu hóa” trong xã hội Hoa Kỳ. Nếu còn rơi rớt lại đây đó những thành kiến vẫn đặt nặng vấn đề chủng tộc, nguồn gốc, tôn giáo … thì chỉ là thiểu số, và đã trở nên hoàn toàn lỗi thời.

Và một cường quốc với sức mạnh quân sự như Hoa Kỳ, được trang bị bằng những tư tưởng Dân chủ tiến bộ, phóng khoáng như vậy, mới thực sự là một thành trì vững chắc, mới là chỗ dựa lâu bền, ngõ hầu chống lại các thế lực toàn trị đen tối, mà hiện nay đang không ngừng phát triển, gây hấn, khắp mọi nơi trên thế giới.

Nhân dân tại các nước khác, ngay dưới những thể chế độc tài về chính trị, tôn giáo, như Iran, như Trung Cộng, Nga của Putin , … cũng chăm chú theo rõi lễ nhậm chức, cũng quan tâm đến sự thể hiện Dân chủ tại Hoa Kỳ. Phải chăng trong tiềm thức của mỗi con người bình thường, bất cứ tại đâu, vẫn tồn tại sự ưa chuộng công bằng, sự tha thiết đến nhân quyền? Cho nên các quan niệm về Tự Do, Dân chủ, là thực sự có giá trị phổ biến toàn cầu, chứ không phải chỉ là đặc thù của xã hội Phương Tây, như các chế độ độc tài thường rêu rao, để đánh lừa quần chúng của họ.

Nhận định này làm nổi bật tính lạc hậu, thoái hóa, của các thể chế toàn trị, cho đến nay vẫn ngoan cố, không chấp nhận đối lập chính trị, đối lập tôn giáo. Người dân kém may mắn tại các nước độc tài này sẽ còn phải thụt lùi trước Lịch sử, còn phải vất vả để trải qua một tiến trình rất gian khổ, lâu dài, trước khi có thể tự giải phóng, tự đem lại phúc lợi thực sự cho mình.

Ngày nay, xã hội Hoa Kỳ đã hoàn thành sự chuyển biến Dân chủ trong nội bộ. Người ta hy vọng chính quyền tương lai của Hoa Kỳ, trong chính sách đối ngoại, cũng không đặt nhẹ vấn đề dân chủ, nhân quyền, tại các nơi khác trên Thế giới.

Môt số người, tự phụ là mình hiểu biết, thường vẫn lập đi lập lại luận điệu cho rằng chính phủ Mỹ nào cũng vậy, Dân Chủ hay Cộng Hòa, khi giao dịch với các thể chế độc tài, sẽ chỉ vì quyền lợi kinh tế của mình, mà bỏ rơi các vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Tuy nhiên, chỉ trên quan điểm thuần túy kinh tế lợi nhuận, sự toa rập tìm cách “sống chung hòa bình ” với các chế độ độc tài để thủ lợi kinh tế chưa chắc đã là giải pháp khôn ngoan. Mà trái lại, dồn nỗ lực góp phần vào sự chuyển hóa Dân chủ, để rồi giao dịch kinh tế với các chính phủ biết tôn trọng Dân chủ-Nhân quyền, sẽ đem lại lợi nhuận to lớn hơn, lâu dài hơn.

Trong những thập niên tới đây, ngoài các phần tử quá khích Hồi Giáo, người ta có thể hình dung được hai thể chế toàn trị Bắc Kinh và Putin tại Nga là những thế lực độc tài sẽ bành trướng và gây khó khăn cho Hoa Kỳ. Có thể sau một giai đoạn “chung sống” để hai bên cùng thủ lợi kinh tế, sẽ có màn “thi đua vũ trang” tốn kém, để rồi sau cùng Hoa Kỳ cũng vẫn không tránh khỏi một cuộc đụng độ quân sự chết chóc, hao người tốn của, với hai thể chế toàn trị này.

Các chế độ độc tài như Hitler khi xưa, hay Bắc Kinh và Nga ngày nay… ngoài bộ mặt ổn định giả tạo bên ngoài, đã mang sẵn mầm mống chiến tranh trong bản chất, vì chỉ tồn tại được, chỉ thống trị được, qua những nỗ lực đè nén, đàn áp trong nội bộ.

 

      Nhà tù Guantanamo

Những năm vừa qua, sự đề cao Dân chủ-Nhân quyền hình như không phải là điểm mạnh, không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Chính phủ Bush, có một thời tuyên truyền rêu rao khẩu hiệu “gieo rắc Dân chủ” (!), nhưng trong thực tế đã chỉ thuần túy vì lợi nhuận kinh tế, trắng trợn bắt tay với các thể chế toàn trị, như Trung Cộng, Việt Cộng … để thủ lợi, không đếm xỉa gì đến các vấn đề nhân quyền-dân chủ.

Với chính phủ Obama, có lẽ chính sách đối ngoại sẽ “đổi mới ” hơn. Ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Obama đã ký sắc lệnh hủy bỏ trại tù Guantanamo, như một hành động biểu tượng của sự chấn chỉnh Nhân quyền ngay trong nội bộ bản thân Hoa Kỳ, “để làm gương”.

Người ta hy vọng ông cũng sẽ có đường lối cứng rắn, không lùi bước, không nhân nhượng, với những sự chà đạp Dân Chủ, Nhân Quyền, tại các nước khác trên thế giới.

Thụy Sĩ, tháng 1, 2009