Tình đầu, tình cuối |
Tác Giả: mythanh | ||||||||||
Thứ Sáu, 13 Tháng 2 Năm 2009 20:53 | ||||||||||
...đá mòn mà tình có mòn đâu
(Thương hoài ngàn năm, Nhạc và lời: Phạm Mạnh Cương) Valentine! Ngày tình yêu. Người viết xin mạn phép được đóng góp một bài viết nhỏ về tình yêu cho ngày này, với hy vọng diễn đàn nóng bỏng những ý thức hệ, chính trị, thời sự và tin ... xấu của chúng ta có chút “tình mong manh”, tiếp sức cho chúng ta bước tới. Nói đến tình yêu, hình như người ta thường trân quý về những mối tình đầu. Tại sao vậy nhỉ? Phải chăng vì lúc đó chúng ta còn trẻ, đẹp, và tin yêu đời nhất? Hồi tưởng lại chính mình thì tôi không khỏi mỉm cười về những ngây thơ, hoang đường thuở đó. Cách đây... một thế kỷ, phải, đã là thế kỷ trước, ở tuổi mà tình yêu còn là “dream”, tôi đã tự soạn cho mình một “Hiến pháp tình yêu” mà trong đó toàn là ... điều 4, đại loại như: Tình yêu thật sự trong đời người chỉ có một; tôi sẽ yêu duy nhất một người, không thể có người thứ hai; đối tượng của tôi vì vậy cũng phải... độc tài tương tự, tôi phải là người đầu tiên và cuối cùng của người đó; nếu không may mắn có được những “độc quyền” này thì nhất định ... ở vậy. Theo thời gian, trưởng thành hơn, nếm mùi... đời hơn, những suy nghĩ của tôi cũng tiến bộ hơn. Các điều luật trong “bản hiến pháp” của tôi cũng giảm dần độ cực đoan và cuối cùng “drop” thẳng điều “duy nhất” (Huhu, ước gì ĐCSVN cũng biết thức thời như tôi.) Đến giờ, với tôi, người ta có thể có nhiều mối tình trong đời, và mối tình đầu không là cái đinh gì nữa. Mối tình đáng kể là mối tình cuối, nhưng không phải vì vậy tình yêu mất đi tính tuyệt đối: Khi đã tìm được một người yêu thật sự thì người ta không thể yêu người nào khác sau đó nữa, như vậy mối tình cuối mới là đáng kể, phải không các bạn? Trong quan niệm này, bài viết sẽ kể về một chuyện tình, không phải của người viết
The Duke (Công tước) of Windsor (1894 - 1972), Khi còn là Edward, Prince (Thái tử) of Wales, tại Halifax, Nova Scotia. (Canada, 14th October 1919) Ông hoàng trẻ Edward đã tạo cho mình một phong cách riêng. Ngược lại với truyền thống, để được gần gũi với trào lưu của thời đệ I thế chiến và hậu thế chiến, ông làm hàng loạt các chuyến công du ngoại quốc và được chào đón cuồng nhiệt từ tất cả những nơi đi qua. Là thành viên đầu tiên của Hoàng Gia nói trên radio và được chụp hình với điếu thuốc nơi công cộng, ông được xem là cởi mở, dân chủ, hoà đồng với đủ hạng người, chơi bangjo và nhảy tại các vũ trường của London tới sáng. Ông hoàng trẻ, đẹp trai và sống động này đã trở thành người đàn ông đáng mơ ước nhất thế giới vào thời đó. Sâu thẳm, có lẽ hậu quả của thời thơ ấu ít tình cảm của mẹ, ông luôn có nhu cầu một tình cảm nâng đỡ từ một người đàn bà trưởng thành, và với ông, đồng nghĩa với một người đã kết hôn. Cuộc tình đầu của ông từ 1918, kéo dài suốt 16 năm với Freda Dudley Ward, vẫn còn trong cuộc sống hôn nhân (chỉ ly dị năm 1931). Một cuộc tình đáng chú ý khác là với Lady Furness, và chính qua bà, ông gặp Wallis Simpson vào năm1930. Tận đến thời điểm đó, Wallis chỉ có một cuộc sống tầm thường và khó khăn. Sanh trong một gia đình Mỹ nền nếp, nhưng bà đã phải trải qua thời thơ ấu nghèo khổ vì cha mất sớm. Mặc dù không đẹp, bà rất quyến rũ nhờ cá tính sôi nổi và bản năng tự tin. Người chồng đầu tiên là một sĩ quan Hải quân, Bá tước Winfield Spencer. Cuộc hôn nhân kết thúc sau 11 năm. Sau đó, Wallis kết hôn với người chồng thứ hai, Ernest Simpson, và định cư tại London. Gia đình chồng đã đưa Wallis vào xã hội thượng lưu của London, trong đó có Lady Furness, người đàn bà yêu thích nhất của Hoàng tử Edward lúc đó. Chính qua lady Furness, vợ chồng Simpson được giới thiệu với Thái tử. Không thể nói là tiếng sét ái tình. Suốt hai năm với vài ba lần gặp gỡ trong những bữa tiệc với sự hiện diện cùng chồng, Ernest và cả Lady Furness, Wallis và Thái tử chỉ trao đổi những câu chuyện ngoại giao vô bổ. Nhưng sang đến năm thứ ba, 1933, hai vợ chồng Simpson đã thành khách thường trực của Thái Tử. Và đến tháng 6/1933, ông hoàng đã tổ chức một bữa tiệc đặc biệt để chúc mừng sinh nhật Wallis. Một thời gian sau thì ông cắt đứt liên hệ với hai người đàn bà từng được yêu thích là Dudley Ward và Lady Furness để chỉ còn Wallis. Họ đã tỏ tình chính thức trong chuyến hải trình vào một kỳ nghỉ lễ. Edward quyết định Wallis phải trở thành một phần đời vĩnh viễn của mình . Khi có ý định này ông có biết đó là sự chọn lựa giữa ngai vàng và lưu vong? Ông không nghĩ đến điều này. Wallis Simpson, người đã làm say mê Thái tử nước Anh không trẻ và không đẹp, bà 36 (ông 40). Lady Furness, tình địch của bà đã tả lại bà trong nhật ký: “Người không lịch lãm, không đẹp, ngay cả xinh. Nhưng nàng có một nét quyến rũ riêng và khiếu khôi hài sắc bén. Đôi mắt tinh anh gây ân tượng là nét nổi bật nhất. Vóc dáng trung bình với đôi bàn tay lớn, hơi thô, và tôi nghĩ nàng khoa tay nhiều hơn cần thiết khi muốn nhấn mạnh một điều gì.” Như vậy, Edward yêu một người đàn bà tầm thường với bàn tay thô, đôi mắt quyến rũ và khiếu khôi hài. Vua cha mất vào năm 1936, Edward VIII lên ngôi, sau khi đã được thần dân biết rõ và yêu mến. Ông dự định làm một vị vua kiểu mới gần gũi với dân chúng khác với truyền thống cao sang và xa cách. Mãi đến lúc này Wallis mới bắt đầu lo thủ tục ly dị với chồng, Ernest Simpson. Các đại thần đã gặp riêng vua Edward và yêu cầu đình chỉ cuộc ly dị đang tiến hành của gia đình Simpson, nhưng không đạt mục đích. Trong khi báo chí ngoại quốc đăng tải về vụ tai tiếng, Hoàng gia Anh cố gắng giữ dư luận báo chí quốc nội im lặng. Nhưng điều này không giữ được những lá thư của các công dân Anh ở nước ngoài tới tấp gửi tới văn phòng chính phủ, lên án hành động hổ thẹn của nhà vua và bà Simpson. Cuối cùng, Thủ tướng Anh đã phải đến gặp nhà vua để một lần nữa yêu cầu ngài can thiệp, đình chỉ cuộc ly dị, nhưng bất thành. Khi cuộc ly dị của Wallis đã hoàn tất, các phụ tá của Đức vua đã làm hết cách đẩy Wallis ra
Vào tháng 11, 1936, Edward thú nhận với mẹ về tình yêu của ông với Wallis. Bà thông cảm và thấu hiểu mối tình mãnh liệt của ông. Nhưng với bà, ngôi vị của một vì vua là một trách nhiệm tối cao. Giữa họ đã xảy ra tranh cãi về bổn phận. Bà đã bị chấn động khi ông bày tỏ ý nghĩ thoái vị. Ngày kế tiếp, nhà vua nói với các bào đệ về việc ông chuẩn bị thoái vị, nếu đó là cách duy nhất có thể cưới Wallis. Tất cả đều rúng động và giận dữ. Cuối cùng, một nỗ lực được cân nhắc cho nhà vua về một “morganatic marriage”. Cuộc kết hôn không bình đẳng, trong đó người phối ngẩu không thể trở thành Hoàng hậu, không có quyền thừa hưởng di sản, và con cái cũng không được quyền thừa kế. Nếu đây là cách duy nhất, hai kẻ yêu đương đã đồng ý thử. Tuy nhiên, cuối cùng điều này cũng không thể chấp thuận qua những hậu quả phức tạp, ảnh hưởng đến Hiến pháp. Phút cuối, dư luận Anh đã không yên lặng được. Tin tức về cuộc tình vĩ đại nhất thế kỷ bùng nổ. Chưa từng có một biến cố nào gây bàn tán trong nhà, nơi công sở, và ngoài đường phố đến như vậy. Wallis bắt đầu nhận đủ loại thư, chửi rủa và đe doạ. Bà phải rời Anh đi Cannes. Winston Churchill, người bạn ủng hộ mạnh nhất của vua Edward vẫn nhắc lại thời điểm mà nhà vua thường ngơ ngẩn và mất hướng trong đối thoại. Ở miền Nam nước Pháp, Wallis bị gây sức ép đã chính thức tuyên bố từ bỏ nhà vua. Nhưng vua Edward đã không cho phép bà hy sinh. Ông biết rõ là ông phải thoái vị. Tất cả mọi hy vọng họ có thể kết hôn và ông vẫn giữ được ngai vàng đều tiêu tan. Vào tháng 12, 1936, tiếng nói của vua Edward VIII đã được truyền thanh khắp nước, “Hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi không thể gánh vác một trách nhiệm vô cùng nặng nề và hoàn thành công việc của một vị vua như tôi mong muốn, nếu không có sự giúp đỡ và cổ vũ của người đàn bà tôi yêu.” Như thế, em ngài “Bertie”, Duke of York trở thành George VI, và nhà vua trở thành Duke of Windsor.
Tháng Sáu năm 1972, Wallis đã trở lại London trong sự thương cảm của toàn thế giới, ngày tang lễ của chồng. Mối tình đẹp của họ không phải là mối tình đầu, nhưng đã là mối tình cuối (1) trong cuộc đời họ. Thật là một mối tình phải vượt qua rất nhiều thử thách, mà thử thách lớn nhất là ngôi vua một vương quốc được mệnh danh là mặt trời không bao giờ lặn, biểu tỏ cho sự rộng lớn và siêu cường của nó. Mối tình có một không hai, khó mơ thấy được. Tuy nhiên, điều người viết cảm nhận chính về mối tình này là nó cho ta thấy mối tình cuối mới đáng kể. Và người giàu mơ mộng nếu muốn vẫn có thể mơ về mối tình cuối của mình tận đến ngày ... cuối đời, phải vậy không hỡi những người lãng mạn? Nguồn:: Tóm dịch các chi tiết về mối tình của vua Edward VIII và Wallis Simpson từ “Edward VIII, the Road to Abdication” by Frances Donalds (1) Tháng 6, 2008 Tổ chức English Heritage ở London đã từ chối đề nghị trao chỉ dấu lịch sử “bảng xanh” (commemorative blue plaque) cho Duchess of Windsor, Wallis Simpson vì có nguồn tin (FBI là 1) cho rằng khi là còn là vợ của Ernest Simpson đồng thời là tình nhân của Vua Edward VIII, bà còn là tình nhân của Ulrich Friedrich Wilhelm Joachim von Ribbentrop, Đại sứ của Hitler tại London (sau trở thành Ngoại trưởng và bị xử treo cổ ngày 16 tháng 10, 1946 tại Toà án Nuremberg). Sự thật về mối tình Simpson-Ribbentrop vẫn chưa hoàn toàn ra ánh sáng vì tại liệu ở thư khố Anh Quốc chưa được giải mật và chưa có phản biện chứng minh thuyết phục “mối tình” Simpson-Ribbentrop là không có. (Trích Mrs Simpson not worthy of blue plaque, By Chris Hastings and Stephanie Plentl Telegraph.co. uk, June 7, 2008 và Joachim von Ribbentrop , Tự điển Bác khoa Toàn thư mở.) Một nguồn tin khác, theo hồ sơ mật của Chính phủ Anh khi Vua Edward VIII thoái vị, cho biết Wallis Simpson còn có một người yêu khác khi đang là tình nhân của Thái tử Edward, Prince of Wales. Người ấy là Guy Marcus Trundle, một người bán xe hơi, một tay khiêu vũ điêu luyện và một người đàn ông có vợ. Tin này do Văn phòng Tài liệu Công chúng của chính phủ Anh công bố ngày 30 tháng 1, 2003 (Trích Mrs Simpson's secret lover revealed, BBC News, 30 January 2003.)
|