Home Tin Tức Bình Luận Họ Chỉ Là Tổng Thống

Họ Chỉ Là Tổng Thống PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng   
Thứ Sáu, 20 Tháng 2 Năm 2009 11:18

Sáng hôm qua, trong lúc lái xe đi tập lớp dưỡng sinh Hồng Gia, tôi tình cờ nghe trực tiếp truyền thanh cuộc họp báo giã từ của Tổng Thống George W. Bush - lúc đó là 6 giờ 15 phút sáng ở California. Tôi phải nán ngồi nghe cho hết, vào tập trễ mất nửa giờ, vì có cảm tưởng chưa bao giờ ông Bush nói chuyện với nhà báo một cách thoải mái dễ dàng như vậy. Còn chính ông Bush, có lúc ông nhắc mọi người về ông Barack Obama, “Ông ấy nói giỏi hơn tôi nhiều.” Khi nghe một ông tổng thống này nói về một ông tổng thống khác chưa nhậm chức, tôi nhớ đến tựa đề, “Họ cũng chỉ là tổng thống.”
Tựa đề này mượn từ bài của Peggy Nooman đăng trên nhật báo Wall Street cuối tuần qua: Mere Presidents. Bà Nooman có khuynh hướng bảo thủ. Ký mục viết mỗi tuần của bà xuất hiện trên một tờ báo rất bảo thủ, một tờ báo thường đồng quan điểm với đảng Cộng Hòa. Xin viết rõ như vậy, họ đồng quan điểm với, mà không nói đây là “một tờ báo của” đảng Cộng Hòa, vì lòng tôn trọng các đồng nghiệp. Một tờ báo có thể hay đồng ý với một đảng chính trị, hoặc một vị tổng thống, nhưng họ luôn luôn giữ tư thế độc lập. Chúng ta có thể thấy rất nhiều trường hợp tờ báo Wall Street không đồng ý và đả kích trực tiếp các chính sách của Tổng Thống George W. Bush hoặc các đại biểu quốc hội Cộng Hòa, và họ loan đủ các tin tức dù bất lợi cho ông Bush và đảng Cộng Hòa. Họ chứng tỏ luôn luôn giữ tinh thần độc lập, rất đáng kính trọng.
Bà Peggy Nooman viết rất chững chạc và rất hay. Mỗi buổi sáng cuối tuần người đọc có thể ngồi xuống, uống ly cà phê và đọc ký mục của bà, trong lòng vui vui, nhẹ nhàng thoải mái, vì những lời lẽ văn nhã, điềm đạm, nghe những ý kiến có thể giống hay khác với mình nhưng lúc nào cũng xuất phát từ một tấm lòng thành thật biết sử dụng lẽ phải chăng chứ không có tính cách lý thuyết, giáo điều hoặc thành kiến. Dù không đồng quan điểm với bà, người đọc cũng vẫn phải kính trọng. Trong bài báo cuối tuần qua Peggy Nooman viết về cuộc họp báo của Tổng Thống tân cử Barack Obama, nói chuyện về kinh tế. Trong thời gian tranh cử năm ngoái, bà Nooman ủng hộ Nghị Sĩ John McCain, tự nhiên; nhưng trong bài báo mới này bà nhận xét về ông Obama với những lời lẽ rất khoan nhu, tinh tế và dí dỏm. Bà trích dẫn lời ông Obama nói, “...chính sự kiện cơn khủng hoảng này do chúng ta tạo ra có nghĩa là chính chúng ta có khả năng giải quyết nó.” Nooman viết, “Nghe xong thật nhẹ cả mình. Ðã tới lúc phải có người nói về cuộc khủng hoảng hiện tại với một cách nhìn lạc quan, cho thấy chúng ta có thể đối phó, có thể vượt qua được nó.”
Tới cuối bài viết chúng ta mới được nghe Peggy Nooman viết đến tựa đề Mere Presidents, Họ cũng chỉ là tổng thống mà thôi. Bà cho chúng ta coi lại bức hình 4 vị tổng thống Mỹ còn sống đứng chụp với Tổng Thống tân cử Obama, sau bữa cơm trưa do Tổng Thống George W. Bush mời. Nooman viết: “Khi nhìn lại bức hình này lần nữa, quý vị phải nghĩ: Những người này có bao nhiêu nhược điểm? Ai trong đám này có thể gọi là thành công?”
Ngày hôm qua ông George W. Bush “trả nợ” lần chót với dân chúng Mỹ, hoặc với các cơ quan truyền thông Mỹ, những người thi hành “đệ tứ quyền” chuyên môn làm công việc nhòm ngó, dò xét, thóc mách, dè bỉu,... những người ngồi trong Tòa Bạch Ốc. Phải công nhận ông có vẻ thoải mái. Tôi chỉ nghe, không thấy hình, nhưng nghe thấy có nhiều lúc ông cười và các nhà báo cũng cười. Buồn cười nhất là ngay từ câu đầu, vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ lại “nói nhịu,” một cái tật ông chưa bỏ được dù đã cố tập suốt 8 năm qua! Ông nói với các ký giả họ, “sometimes 'misunderestimated' me.” Thường người nói tiếng Anh nói “misunderstand” hoặc “underestimate,” mà không dùng chữ “misunderestimated,” một chữ do ông tổng thống đặt ra vì ông muốn nói cả hai điều: Các nhà báo “hiểu lầm” ông và “không biết đúng sức” ông. Nhưng không ai coi việc dùng chữ mới đó là một tội nặng, vì dân Mỹ rất rộng lượng đối với các lỗi lầm khi nói tiếng Anh, rộng lượng ngay cả với ông làm tổng thống của họ! Kể ra thì người Việt mình hay bắt bẻ nhau về tiếng... Anh nhiều hơn người Mỹ!
Hồi 2004 khi còn đang tranh cử, khi một phóng viên hỏi ông có thấy mình đã phạm những lầm lẫn nào, ông Bush ngạc nhiên, lúng túng, rồi thú nhận không thấy mình lầm lẫn bao giờ cả. Năm nay, ông đã già thêm hơn 4 tuổi, cho nên ông nhận ra khá nhiều lỗi lầm. Chẳng hạn, hồi bão Katrina đáng lẽ ông nên đáp máy bay xuống vùng bị lụt, thay vì bay quan sát trên không. Nghe như vậy thì những người không thích ông có thể nhìn thấy ngay một điều: Ông cũng chỉ thấy mình phạm những lỗi rất nhỏ. Tất nhiên, bởi vì sau đó ông cực lực bênh vực công tác cứu trợ nạn nhân bảo Katrina của chính phủ ông. Ông hoàn toàn không đồng ý những lời phê bình rằng việc cứu trợ chậm trễ.
Ông Bush cũng nhận phạm một lầm lẫn khác: Treo mấy chữ “Nhiệm Vụ Hoàn Tất” trên chiếc tầu thủy nơi ông đáp xuống đọc bài diễn văn tuyên bố cuộc tấn công Iraq đã thành công. Ông nói mấy chữ đó đã “truyền một thông điệp sai.” Qua cả hai điều thú nhận trên, chúng ta thấy ông Bush vẫn chú trọng đến “hình ảnh” của ông, người đóng vai tổng thống, nhiều hơn là đến công việc ông làm. Nhưng có một việc mà ông đã tiếc không làm, là không vận động cho một đạo luật cải tổ chính sách di dân ngay sau cuộc bầu cử năm 2004. Ðó là lúc “vốn chính trị” của ông rất dồi dào, sau khi được tái cử. Nhưng ông đã dùng phí vốn liếng đó trong việc vận động cho một đạo luật cải tổ Quỹ hưu bổng Social Security, nhưng không thành công. Ðây là một lời thú nhận thành thật. Hai năm sau, ông Bush quay sang chuyện cải tổ luật về di dân thì hơi trễ, ngay cả những đại biểu quốc hội thuộc đảng Cộng Hòa cũng không chịu ủng hộ ông, trừ ông John McCain là người dám bơi ngược dòng mà không sợ sóng.
Có lúc ông Bush cũng nóng lên, khi có ký giả hỏi về uy tín nước Mỹ đang xuống ở ngoại quốc, ông nhất định cải chính và nhắc lại mấy lần: Không, uy tín nước Mỹ không hề xuống. Nhiều người Mỹ không đồng ý với ông Bush, và chắc sẽ còn bất đồng ý kiến trong suốt quãng đời còn lại của ông. Ông cũng khuyên ông Obama, người kế vị, đừng quá quan tâm đến những lời chỉ trích - nhất là của “những người tự gọi họ là bạn mình.”
Cuối cùng, ông Bush có gần một tiếng đồng hồ thoải mái nói chuyện thành thật với các nhà báo vẫn theo dõi ông từ 7, 8 năm qua. Ông thú nhận ông thuộc loại người “không thể hưởng nhàn” (I am a Type A personality) cho nên sẽ không ra bãi biển ngồi chơi. Dù vậy, ông cũng dự đoán sáng Thứ Tư sau thức dậy ở trang trại Crawford, ông sẽ không làm gì hơn là đi pha cà phê và bưng cà phê ra mời bà Laura cùng uống.
Ký giả Peggy Nooman chắc sẽ đồng ý với Tổng Thống Bush là người làm tổng thống thì không nên phí thời giờ lo lắng về những lời chỉ trích lầu bầu. Nhưng chắc bà sẽ khuyên người dân Mỹ, bất cứ ai bất đồng ý kiến với ông tổng thống Mỹ nào cũng vậy, hãy cứ nói ra, nói thẳng thắn, nói toạc ra, không ngại gì hết. Peggy Nooman kể lại lời ký giả Andrea Mitchell của đài MSNBC than là có nhiều người bước vào Tòa Bạch Ốc với ý định “nói cho ông tổng thống biết sự thật” nhưng sau khi vào căn phòng bầu dục thì cứng lưỡi lại! Bà Mitchell cho là cái không khí uy nghiêm nơi các vị tổng thống làm việc, của ngôi vị người cầm đầu quốc gia, làm cho nhiều người sợ hãi, e ngại không dám nói những điều trái với ý ông tổng thống nữa!
Peggy Nooman cho là người Mỹ không nên hành động như vậy. Vì thế, bà mời mọi người coi lại tấm hình chụp 4 ông cựu tổng thống: George H.W. Bush (đời 41), George W. Bush (43), Bill Clinton (42) và Jimmy Carter (39) đứng với Tổng Thống tân cử Barak Obama. Bà đề nghị mọi người cùng hỏi, “Họ có bao nhiêu là khuyết điểm?”
Trong 4 người đó có hai vị thuộc đảng Dân Chủ, hai vị Cộng Hòa (hai cha con), hai người làm đủ 2 nhiệm kỳ (Clinton và Bush 43) còn hai người chỉ sau một nhiệm kỳ đã được dân cho nghỉ việc (Carter và Bush 41). Bốn ông đều cười hớn hở nhìn vào ông kính, còn ông Obama đang tủm tỉm nhìn ngang.
Có một dụng ý của những nhà lập quốc của Hoa Kỳ, Peggy Nooman nghĩ. Họ biết ngôi vị tổng thống có thể làm cho người ta kính sợ. Cho nên những vị tổng thống Mỹ đầu tiên khi nhậm chức luôn luôn nhấn mạnh rằng họ không xứng đáng với ngôi vị đó. Lúc đó người Mỹ mới thoát khỏi chế độ quân chủ được mươi năm, chắc vẫn còn sợ vua lắm. Nhưng người Mỹ bây giờ không cần phải kính nể ông (hay bà) tổng thống như vậy. Nghĩ như vậy là “phản Mỹ” (un-American, trong nguyên văn).
Và sau đây là những lời kết luận của bà Peggy Nooman; bà viết: “Lòng ái quốc (của người Mỹ) đòi hỏi chúng ta phải làm nhiều hơn là tánh nói thẳng. Nó đòi hỏi chúng ta (người Mỹ) phải nói hết sức thành thật và xây dựng với vị tổng thống của mình, nhìn ông ta như một con người, và chỉ là một con người mà thôi!”
Nhắc lại bức hình bốn vị cựu tổng thống, Peggy Nooman viết: “Chúng ta tuyển họ vào làm việc, chúng ta cho họ nghỉ việc, có lúc họ quay trở lại Tòa Bạch Ốc để chụp hình. Không ai có tài ảo thuật cả!”
Ðó là những lời tôi chợt nhớ tới khi nghe cuộc họp báo của đương kim tổng thống nước Mỹ, trong đó ông chúc ông tổng thống sắp tới được thành công. Một người Mỹ có thể nói về họ, như Peggy Nooman nói: “We hire them, we fire them, they come back for photo-ops. They're not magic.”
Người Việt ở Mỹ sẽ tập lối suy nghĩ như vậy cho quen.
Bao giờ người Việt Nam có thể cũng nghĩ như vậy về những vị tổng thống nước Việt Nam?