Nếu... PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Bảy, 21 Tháng 2 Năm 2009 12:32

 Hồi trước năm 1975, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn có viết một cuốn truyện mang cái tên Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn, một cuốn truyện khoa học giả tưởng trong đó ba quân nhân nhảy dù đã tình cờ vượt thời gian trở lại quá khứ. Họ tỉnh dậy thấy mình đang ở cung đình của Vua Quang Trung khi nhà vua đang lâm bệnh nặng. Một trong ba người là một bác sĩ quân y và do đó nhà vua đã được chữa khỏi bệnh. Nếu tôi nhớ không lầm, cái “nếu” của nhà văn là “nếu vua Quang Trung không chết yểu thì chuyện gì sẽ xảy ra cho Việt Nam”.

 Dĩ nhiên nhiều nhà văn khác cũng đã có những ý tưởng tương tự. Robert Harris, một nhà văn Anh, đã từng viết Fatherland, mà trong đó ông đặt chữ “nếu” là “nếu Hitler chiến thắng Ðệ Nhị Thế Chiến thì Anh Quốc sẽ ra sao?”

 Và dĩ nhiên tất cả chúng ta, khi ngồi lại với nhau, đều đã có lúc bàn đến cái “nếu” lớn nhất của người Việt, “nếu miền Nam chịu đựng nổi cuộc tấn công cuối cùng của Việt Cộng và vẫn còn tồn tại thì Việt Nam bây giờ ra sao?”

 Có một lần, trong những lúc ngồi chầu chực chờ để đón chân các chính trị gia ở một khóa họp tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh của Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á Asean hồi năm 1995, năm Việt Nam được gia nhập tổ chức, một số phóng viên đang thường trú ở Việt Nam mang rất nhiều quốc tịch đã đột nhiên nghĩ đến chữ “nếu” đó. Ông bạn phóng viên của Thông Tấn Xã Itar-Tass của Nga lên tiếng trước “Chắc chắn là vẫn còn hai Việt Nam và miền Nam sẽ khá hơn, cũng là một thứ tiểu long nào đó”. Cũng xin nhắc lại đây là Liên Bang Nga của thời Yeltsin khi nước Nga còn tin vào dân chủ và tự do. Ông bạn ban tiếng Anh của Thông Tấn Xã AFP, một nhà báo người Mỹ vốn nổi tiếng thích nói ngang, lắc đầu bảo “Theo tôi chắc cả hai miền Nam Bắc đều là 'basket cases', bởi cả Liên Xô lẫn Hoa Kỳ đâu còn giúp đỡ nữa.” Anh bạn người Nhật, đại diện cho Thông Tấn Xã Kyodo ở Hà Nội thì lạc quan hơn, “Tôi chắc là lại như Nam Bắc Hàn. Miền Bắc tiếp tục mạt hạng còn miền Nam thì sẽ phát triển tốt”. Cô bạn Thái Lan đại diện cho nhật báo Bangkok Post quay sang hỏi tôi “Thế bạn nghĩ sao?” Nhưng tôi chưa kịp trả lời thì khóa họp vừa tan, đám nhà báo vội vã chạy ra để tìm các nhà ngoại giao hỏi thăm về khóa họp. Thú thật cho đến bây giờ tôi cũng vẫn không biết nghĩ sao về câu hỏi đó. Dĩ nhiên chúng ta hy vọng là sẽ như Nam Bắc Hàn.

 Hầu hết những nhà văn mượn chuyện “nếu” để đặt vấn đề của hiện tại.

 Hôm thứ ba vừa qua, ký mục gia Gideon Rachman của tờ Financial Times, tờ báo tài chánh cánh tả của Luân Ðôn, đã có một bài cũng đặt ra chữ “nếu”. Mang tựa đề “November 2012: a dystopian dream”, Rachman nói đến là ai cũng đang khuyến cáo về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại. Bên kia bờ Ðại Tây Dương, Ðô Ðốc Dennis Blair, giám đốc tình báo quốc gia của Hoa Kỳ, nói là bất ổn, sản phẩm của cuộc khủng hoảng kinh tế là đe dọa ngắn hạn lớn nhất cho an ninh Hoa Kỳ. Bên này bờ Ðại Tây Dương, Bộ Trưởng Ed Ball của Anh nói rằng cuộc khủng hoảng hiện tại còn “tệ” hơn là cuộc đại khủng hoảng thời thập niên 1930, và ông Ball kết luận một cách khá bi quan “Tất cả chúng ta còn nhớ là chính trị của thời đó đã bị ảnh hưởng của chính trị đến thế nào.”

 Rachman, tuy vậy, không hài lòng với những lời khuyến cáo đó vì theo ông nó chưa đủ chính xác và ông đưa ra một kịch bản cho năm 2012 “nếu” thế giới không kiểm soát được khủng hoảng kinh tế. Ông viết “Ðó là ngày 7 tháng 11 năm 2012. Vào lúc ba giờ sáng, Tổng Thống Barack Obama, trông hết sức mệt mỏi, xuất hiện trước những cử tri đang khóc ròng tại phòng khánh tiết của khách sạn Hilton ở Chicago công nhận thất cử. Những niềm lạc quan của bốn năm trước đã tiêu tan. Chính phủ Obama đã hoàn toàn thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Bà Sarah Palin là tân tổng thống Hoa Kỳ.”

 Ðược bầu lên với chính sách kinh tế quốc gia về đối ngoại, một trong những cú điện thoại đầu tiên bà nhận là từ Thủ Tướng Avigdor Lieberman của Israel, người đã được dân chúng Israel bầu lên sau khi Iran thử quả bom hạt nhân đầu tiên. Cũng vụ thử bom này đã làm cho ông Obama mất hết uy tín. Cú điện thoại thứ nhì là từ Tổng Thống Vladimir Putin, lại trở về chức vụ cũ sau khi ông Medvediev từ chức và ngay sau đó bị bắt bỏ tù về tội phản quốc. Năm lãnh tụ của Liên Hiệp Âu Châu, đều tự nhận là đại diện cho liên hiệp gọi điện thoại nhưng tân tổng thống từ chối. Tân tổng thống dĩ nhiên không nhận điện chúng mừng của Bắc Kinh, nơi mà chính quyền đã cố giữ lắm mới không gọi bà tổng thống là “cẩu tặc tư bản”. Ngôn từ của các lời tuyên bố từ Bắc Kinh ngày càng trở lại giọng điệu thời Mao Trạch Ðông.

 Ông Obama đã thực hiện được lời hứa rút khỏi Iraq nhưng vào năm 2012 Iraq chỉ còn là chuyện mà cử tri cho là đương nhiên. Việc Nato bỏ chạy khỏi Afghanistan, chỉ còn Anh Quốc cố giữ lại một đơn vị vì tình thân hữu cũ, đã lại thêm thương tổn uy tín của ông Obama. Sau cùng Hoa Kỳ cũng rút khỏi Afghanistan, để lại một quốc gia được cai trị bởi hàng chục lãnh chúa. Tân chính sách chống khủng bố được gọi là “theo dõi và tấn công”, theo dõi các khu của khủng bố và bỏ bom.

 Ở Âu Châu, sau khi Thủ Tướng Angela Merkel thất cử, Ðức được cai trị bởi những liên minh và do đó vật vờ trong tình trạng không có chính sách. Ở Anh, ông David Cameron được bầu lên với lời hứa sẽ “đem lại bình minh”, ngay lập tức bị tràn ngập bởi vấn đề và đã trở thành thủ tướng bị ghét nhất trong lịch sử Anh Quốc. Ở vùng Trung Á, hai chính phủ dân chủ ở Ukraine và Georgia sụp đổ sau một loạt những cuộc biểu tình xuống đường mà ai cũng biết là do Moscow tổ chức. Tân chính phủ xin được trở lại Liên Bang Nga. Âu Châu và Hoa Kỳ chỉ phản đối qua loa. Chỉ riêng có ở Pháp là ông Sarkozy còn vững chãi. Sau khi rút Pháp ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, chính sách quốc gia quá khích của ông bị mọi quốc gia Âu Châu chê bai nhưng lại cũng được mọi quốc gia bắt chước. Nhưng ngay ông Sarkozy cũng đang bị tấn công và phe đối lập, một liên minh của đảng cựu hữu của ông Le Pen và cực tả Trotskyite ngày càng mạnh.

 Dĩ nhiên tất cả những người cầm bút đều đặt ra những cái “nếu” vì mục đích của riêng họ. Nhà bình luận Rachman muốn thế giới giúp đỡ và ủng hộ chính sách hiện nay của Tổng Thống Barack Obama và Thủ Tướng Gordon Brown nên “dọa” chúng ta về một tương lai đen tối. Bởi khi đã nói đến “nếu” thì chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Thực tế thường không nhiều kịch tính đến thế.