Tại Sao Cộng Sản Việt Nam Luôn E Ngại Đối Với Các Tôn Giáo? Gần đây, báo chí và dư luận thường đề cập đến vấn đề bang giao giữa Vatican và Việt Nam. Chúng ta còn nhớ, vào dịp bế mạc năm Thánh Mẫu kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1798-1998) đã được tổ chức vào giữa tháng 8/1999, Đức Hồng Y Pham Đình Tụng ở Hà Nội đã tuyên bố: “Toàn dân Việt Nam ước mong cho mối bang giao giữa Việt Nam và Toà Thánh vatican được chào đời, bởi vì nhờ đó mà Đức Thánh Cha dễ dàng đến thăm Việt Nam. Tôi đã chính thức xin Nhà Nước mời Đức Thánh Cha, nhưng cho đến bây giờ họ chưa trả lời. Chúng ta hãy đợi chờ và cầu nguyện bởi vì còn nhiều vấn đề phải thương thuyết.” Kết quả , phía Cộng Sản không đồng ý cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II thực hiện chuyến viếng thăm Việt Nam. Thế rồi vào mùa Xuân 2007, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã đến Vatican yết kiến Đức Đương kim Giáo Hoàng Benedict XVI, tiếp theo, vào tháng 6, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm và Ban Tôn Giáo Nhà Nước cũng đến Vatican. Vào thời điểm đó, báo chí và dư luận khắp thế giới lại đề cập đến vấn đề “quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam”… Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng đã cho biết ngài rất quan tâm đến Giáo Hội Việt Nam, đến dân tộc Việt Nam, ngài muốn thực hiện một chuyến viếng thăm Việt Nam mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II, vị tiền nhiệm của ngài đã không thực hiện được khi ngài còn tại thế. Đặc biệt, ngài muốn đến La Vang là nơi đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chọn làm “Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc” và cũng là “Trung Tâm Hành Hương của Việt Nam và Thế Giới”. Nhưng, đã hai năm qua, Cộng Sản VN luôn tỏ ra e ngại đối với Vatican và đã để cho đề nghị đó nguội lạnh đi! Năm 2006, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sau phiên họp tại Huế, đã chính thức gửi đến Chủ Tịch nhà nước và Thủ Tướng Chính Phủ CSVN một thỉnh nguyện thư “Yêu cầu trả lại toàn bộ đất đai của Trung Tâm Thánh mẫu La Vang đã bị nhà nước tịch thu từ sau ngày 30/4/1975 đến nay”. Tháng 12/2007 lại bùng nổ nhiều cuộc tranh đấu của đồng bào Công Giáo đòi lại tài sản của Giáo Hội từ Bắc chí Nam đặc biệt “vụ Toà Khâm Sứ” và “nhà thờ Thái Hà” ở Hà Nội. Mới đây, trong tuần lễ từ 16 đến 21/2/2009, Đức Ông Pietro Parolin, Thứ Trưởng Ngoại Giao Toà Thánh Vatican đã hướng dẫn một phái đoàn đến Hà Nội làm việc với phía Việt Nam. Báo chí và các đài phát thanh, các hãng thông tấn, v.v…đã bình luận sôi nổi về biến cố nầy. Qua tin tức mà chúng tôi nhận được thì trong những vấn đề đã được Vatican và Việt Nam đề cập đến có vần đề quan hệ ngoại giao. Phía Vatican cũng đã nhắc lại “Vị Đương kim Giáo Hoàng Benedict XVI vẫn giữ ý định sẽ thăm Việt Nam trong tương lai!” Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Huế, Têphanô Nguyễn Như Thể, cũng đang cho thiết kế một dự án xây dựng lại toàn bộ Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang với một Thánh Đường xứng đáng với trung tâm hành hương có tầm vóc quốc tế. Vấn đề Nhà Nứơc CSVN trả lại đất đai của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang đã được thực hiện. Như thế, liệu những chuẩn bị hiện nay tại La Vang có liên quan gì đến việc Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Việt Nam trong tương lai ? Đại Hội La Vang năm 1999 quy tụ ba trăm ngàn (300,000) người và Đại Hội năm 2008 vừa qua đã quy tụ năm trăm (500,000) ngàn người! Đó cũng là câu trả lời cho CSVN “Thế nào là sức mạnh tinh thần của Tôn Giáo!”. Sau đây, chúng tôi xin trình bày hai vấn đề: (1) Tại sao Cộng Sản luôn có thái độ dè dặt với các tôn giáo? (2) Vấn đề quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam, nếu có, thì sẽ có ảnh hưởng gì đến tương lai của Việt Nam? Trong thời gian xảy ra các cuộc biến động tại các nước Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô cũ (1989-199), Cộng Sản Việt Nam đã ra chỉ thị cho Công An theo dõi 4 đối tượng… đó là: - Văn nghệ sĩ, báo chí. - Tôn giáo. - Đảng viên, cán bộ biến chất. - Sĩ quan, viên chức chế độ cũ (VNCH) đi học tập cải tạo về. I. Tại sao Cộng Sản Việt Nam luôn có thái độ dè dặt đối với các tôn giáo? Nói chung mọi tôn giáo đều bị Cộng Sản lên án là thuốc phiện, ru ngủ nhân dân, mê tín dị đoan, phản khoa học, ngăn cản bước tiến của nhân loại. Hai tôn giáo lớn là Phật Giáo và Công Giáo được chúng đánh giá là nguy hiểm cho chế độ. Vì Công Giáo cũng như Phật Giáo đều có những cấp lãnh đạo có trình độ văn hóa cao, có quần chúng hậu thuẫn, có mặt khắp nơi từ Nam chí Bắc. Rút kinh nghiệm từ các nước Cộng Sản Đông Âu, phong trào đấu tranh của nhân dân đã được tôn giáo hậu thuẫn, đã thành công trong việc lật đổ chế độ hiện hữu, cụ thể ở Ba Lan, Hungary… Từ lâu, tôn giáo vẫn là kẻ thù không đội trời chung với Cộng Sản. Sau ngày 30-4-1975, Cộng Sản đã cho cán bộ “giáo gian” xâm nhập vào hàng ngũ tôn giáo dưới chiêu bài Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Kết Tôn Giáo Yêu Nước… để biến các tôn giáo thành những lực lượng hậu thuẫn cho chúng. Chúng thường theo dõi, kiểm soát, chia rẽ hàng ngũ tôn giáo để tôn giáo không còn khả năng chống lại chúng được. Chúng lừa gạt dư luận thế giới và đồng bào trong nước bằng cách tuyên bố chế độ tự do tín ngưỡng. Nhưng thực tế, chúng đã giam cầm, giết chóc hàng ngàn tu sĩ và nhân sĩ của các tôn giáo… do đó, tín đồ của các tôn giáo đều căm thù Cộng Sản và chờ đợi cơ hội thuận tiện để nổi dậy. Đó là mối lo canh cánh đêm ngày của Cộng Sản. Cộng Sản đã từng lợi dụng tinh thần tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam từ 1945 qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các chính quyền từ 1963 trở về sau, nhất là các cuộc vận động hòa hợp, hòa giải dân tộc trước 30-4-1975… Vì thế chúng hiểu sức mạnh của tôn giáo nầy. Một khi Phật Giáo đứng lên chống lại chúng thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại đối với chúng. Đối với Công Giáo, Vatican đã từng tỏ rõ lập trường không chấp nhận chủ nghĩa duy vật, vô thần và người Công Giáo tại Việt Nam đã đứng hẵn về phe quốc gia, chống lại Cộng Sản từ 1945 đến nay. Khối Công Giáo có tổ chức chặt chẽ trên dưới một lòng. Nhưng Cộng Sản vẫn nắm được một số linh mục gọi là “tiến bộ”, mà dân chúng thường gọi là “cha quốc doanh”… Đó là những con sâu trong nồi canh, là những chó sói lẫn trong đoàn chiên trung thành. Cả hai tôn giáo lớn nầy đều đã bị Cộng Sản thao túng, áp bức, phân hóa tơi bời… Nhiều nhà sư tên tuổi bị chết trong nhà giam hoặc bị trọng án như TT Thích Thiên Minh, Hoà Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ… Đó là chưa kể thành phần tuyên úy Phật Giáo trong Quân đội VNCH bị bắt đi học tập cải tạo hàng chục năm… Về phía Công Giáo từ Giám Mục, Linh Mục cho đến tu sĩ, giáo dân… đủ mọi thành phần, đã bị giam giữ, có người bị kết án tử hình như Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, LM Trần Hảo Hiệp, LM Nguyễn Quang Minh, LM Hoàng Quỳnh (bị bắt giam, chết trong tù), Linh Mục Nguyễn Văn Lý (bị bắt giam, bị kết án nhiều lần, hiện còn đang ở trong nhà tù)… Có những cái chết mờ ám như cái chết của Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền ở Huế… Đối với Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành… Cộng Sản đã giải tán các Ban Đại Diện tôn giáo ở các tỉnh, bắt giam các vị thuộc thành phần Trung Ương của các giáo hội và công khai tuyên chiến với họ, vu cáo, chụp mũ, xuyên tạc… như trường hợp viết sách xúc phạm đến Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (Hòa Hảo), Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, vu cáo các mục sư Tin Lành là CIA, bôi nhọ các vị lãnh đạo Cao Đài là tay sai quân phiệt Nhật Bản… Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi Cao Đài, Hòa Hảo có thế mạnh từ 50 năm nay, cũng bị điêu tàn với chúng. Vụ 12 nhà sư đốt chùa tự thiêu tại Cần Thơ sau 1975 để phản đối chế độ Cộng Sản cũng bị xuyên tạc là tự tử vì thất tình! Vụ Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận bị giam cầm 13 năm, bị trục xuất ra khỏi nước cũng bị vu cáo là có “nợ máu” với nhân dân; vụ tự thiêu ở chùa Thiên Mụ Huế sau cái chết của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, v.v. Hàng vạn tín đồ Tin Lành bị khủng bố, đàn áp, mục sư bị giam cầm, nhà thờ bị tịch thu… Hàng vạn tín đồ Cao Đài Giáo bị giết chết, bị giam cầm tra tấn, thánh thất, cơ sở tôn giáo, từ thiện, xã hội… bị tịch thu…Hàng vạn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bị bắt giam, bị giết, Giáo Chủ bị bắt cóc đem đi thủ tiêu mất tích, các thành phần lãnh đạo tại các địa phương bị giam cầm, đày ải, chùa chiền bị tịch thu, Ban Trị Sự tỉnh bị giải tán… Những hình ảnh đó làm sao phai mờ được trong trí óc của hàng triệu tín đồ của các tôn giáo được. Lòng căm thù Cộng Sản của các tôn giáo không thể một ngày mà xóa hết được. Sức mạnh của tôn giáo rất quan trọng, đức tin là sức mạnh giúp tín đồ chấp nhận cái chết qua các cuộc đàn áp trong quá khứ lịch sử. Sự tồn tại của tôn giáo cho đến ngày nay đã nói lên điều đó. Cộng sản đã biết rõ như vậy nên chúng hết sức lo sợ. II. Vấn đề bang giao giữa Vatican và Việt Nam: nếu có, thì tương lai Việt Nam sẽ như thế nào? Trước khi có hiệp định Paris 27-1-1973 và nhất là trong thời gian hai bên CSVN và Mỹ họp tại Paris, Nguyễn Thị Bình, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh… đã từng đến Vatican gặp Đức Giáo Hoàng Phaolô VI để vận động cho một giải pháp chính trị hầu mang lại hòa bình cho Việt Nam. CSVN đã hứa hẹn sẽ có một Miền Nam hòa bình, trung lập, bảo đảm thực thi các quyền tự do, dân chủ, nhất là tự do tín ngưỡng cho mọi người dân trong nước. Sau ngày 30-4-1975, mặc dù đã công khai trở mặt với Mỹ và với “bè bạn khắp Năm Châu”, CSVN vẫn đưa ra những lời hứa hẹn nhằm đánh lừa Vatican. Từ đó đến nay, nhiều cuộc tiếp xúc giữa Vatican và CS Việt Nam về các vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền cho Việt Nam. Cụ thể là vấn đề sinh họat tôn giáo, đào tạo linh mục, mở các chủng viện, bổ nhiệm các Giám Mục cho các giáo phận còn thiếu, cho tu sinh đi du học, việc áp dụng giáo luật trong nội bộ của Giáo Hội, các hoạt động y tế, từ thiện, văn hóa, giáo dục, tài sản của Giáo Hội bị CSVN tịch thu, tổ chức các lễ lớn vào các dịp kỷ niệm quan trọng… (như Đại Hội 200 năm Đức mẹ La Vang, việc phong Thánh Tử Đạo VN… ). Tháng 10-1998, có tin Hội Đồng Giám Mục VN mời Đức Giáo Hoàng qua thăm VN nhân dịp bế mạc Năm Thánh Mẫu La Vang vào giữa tháng 8-1999. Người Công Giáo VN rất hân hoan trước tin đó, Đức Giáo Hoàng cũng bày tỏ lòng thiết tha muốn đến thăm con cái của ngài tại Việt Nam… Nhưng đó lại là một sự lo ngại đối với CSVN. Mười ngày trước khi phái đoàn Tòa Thánh lên đường qua Việt Nam (14-3- 1999) thì ngày 4-3-1999, Bà Phan Thúy Thanh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tuyên bố: “Nội dung cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh là trao đổi ý kiến về việc bổ nhiệm các Giám Mục tại các giáo phận trống ngôi hay thay thế các vị quá già yếu, bệnh hoạn”. Được hỏi, Việt Nam có dự trù mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam hay không? Bà Phan Thúy Thanh đã trả lời: “Chỉ ưu tiên cho vấn đề quan hệ ngoại giao”. Sau đó chính quyền CS Việt Nam lại tuyên bố: “Muốn tiếp đón một vị quốc trưởng, trước hết phải thiết lập quan hệ ngoại giao”. Họ cũng giải thích thêm rằng “Đức Giáo Hoàng vừa là Giáo Chủ vừa là Quốc Trưởng, thì trước tiên phải có quan hệ ngoại giao”. Về phía Tòa Thánh, sau khi đã hiểu rõ lập trường của CS Việt Nam, phát ngôn viên của Tòa Thánh đã tuyên bố: “Cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh vào ngày 14-3-1999 sẽ bàn đến việc nghiên cứu để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và CS Việt Nam”. Sau khi trở về, phái đoàn Tòa Thánh cũng xác nhận: “Trong giai đoạn nầy, hai bên sẽ tìm phương tiện đi đến thiết lập ngoại giao”. Như vậy, mục tiêu chính yếu của CSVN là “quan hệ ngoại giao” còn việc Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam không phải là chuyện của họ … Một chi tiết về thủ tục cần được biết rõ: Tại sao Hà Nội đã cho phép Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngỏ ý mời Đức Giáo Hoàng qua thăm Việt Nam, mà họ lại không chịu xúc tiến thủ tục ngoại giao cần thiết là Chính quyền gửi thư mời ngài? “Muốn đón một vị quốc trưởng, trước tiên phải có quan hệ ngoại giao”, đó là chủ trương của CSVN. Vì thế mà Hà Nội không chính thức mời Đức Giáo Hoàng. Cần phải lưu ý điểm nầy: kể từ năm 1990, trong các lần phái đoàn Tòa Thánh Vatican chính thức đến Việt Nam, đại diện Tòa Thánh đều có nhắc đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Nhưng phía Cộng Sản Việt Nam lại gạt đi, không muốn đề cập đến. Bây giờ thì Chính Phủ CSVN lại thúc đẩy việc đặt quan hệ ngoại giao rồi lại gợi ý cho phép Hội Đồng Giám Mục VN gởi thư mời Đức Giáo Hoàng qua thăm Việt Nam. Ngày 12-3-99, Hãng Thông Tấn Fides của Tòa Thánh (số 3311) cho biết: “Đã bao năm qua, mỗi năm khi phái đoàn Tòa Thánh đến viếng thăm Hà Nội, vấn đề liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh đã là một trong những vấn đề được đưa ra bàn cãi. Trong quá khứ chính nhà nước Việt Nam đã gạt vấn đề nầy ra ngoài”. Cũng trong thời gian đó, Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng ở Hà Nội tuyên bố: ”Toàn dân Việt Nam ước mong cho mối bang giao nầy (giữa Việt Nam và Tòa Thánh Vatican) được chào đời, bởi vì nhờ đó mà Đức Thánh Cha dễ dàng đến thăm Việt Nam. Tôi đã chính thức xin Nhà Nước mời Đức Thánh Cha, nhưng cho đến bây giờ họ chưa trả lời. Chúng ta hãy đợi chờ và cầu nguyện bởi vì còn nhiều vấn đề phải thương thuyết”. Trước đây, CSVN không muốn có quan hệ ngoại giao với Vatican. Bây giờ lại mong muốn có quan hệ ngoại giao với Vatican! Thật là khó hiểu! Như vậy thì Cộng Sản Việt Nam muốn gì? - Sự mâu thuẫn trong chính sách ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và CSVN: Chúng ta thấy rõ mục đích của Tòa Thánh Vatican khi muốn có quan hệ ngoại giao với Việt Nam và mục đích của Cộng Sản Việt Nam khi muốn có quan hệ ngoại giao với Vatican hoàn toàn khác nhau. Cái lợi mà Cộng Sản Việt Nam nhắm tới hoàn toàn khác với cái lợi mà Vatican đi tìm. Con đường của Vatican là con đường của TÔN GIÁO với chủ trương ĐEM YÊU THƯƠNG đến cho mọi dân tộc, lấy TÌNH YÊU THƯƠNG làm nền tảng xây dựng xã hội. Còn CSVN chủ trương ĐẤU TRANH GIAI CẤP, dùng HẬN THÙ làm nền tảng cho việc xây dựng xã hội với ý thức hệ VÔ THẦN, chống lại TÔN GIÁO. Từ sau ngày 30-4-1975 đến nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn chủ trương đem TÌNH YÊU THƯƠNG đến với Việt Nam, dưới hình thức nầy, hình thức khác. Điều đó đã quá rõ ràng. Điều Cộng Sản VN muốn là: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải do Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam, tức là do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Giáo Hội CGVN không thể tự do độc lập trong việc điều hành và sinh hoạt nội bộ của mình. Họ phân biệt rõ ràng hai cách nói: Giáo Hội Công Giáo của Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam (Eglise Catholique du Viêt Nam et L’Eglise Catholique au Việt Nam). Khi họ bảo:“Giáo Hội giữa lòng dân tộc” có nghĩa là Giáo Hội Công Giáo của Việt Nam, của dân tộc Việt Nam (Eglise Catholique du Viet Nam). Vì thế Giáo Hội giữa lòng dân tộc là một Giáo Hội phải bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội theo luật pháp của Nhà Nước Việt Nam. Điều 3 của phần II trong “Chỉ Thị của Bộ Chính Trị” ngày 2-7-1998, xác định như sau:“Mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ Hiến Pháp và Pháp Luật; có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Tổ Quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa; gìn giữ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia”. Hãng Thông Tấn Reuter ngày 4-3-1999 đưa tin: “Hà Nội tuyên bố rằng: Vatican không được ảnh hưởng trực tiếp trên Giáo Hội Việt Nam và không được đương nhiên chuẩn y các việc bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng”. Đức Giám Mục Claudio Celli, đã nhiều lần dẫn đầu phái đoàn Vatican đến Việt Nam, tuyên bố:“Tại Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo được tự do, nhưng là TỰ DO XIN PHÉP”. CSVN đã thấy rõ ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng: tại Cuba, tại Hoa Kỳ hay bất cứ nơi nào mà ngài bước chân đến, tiếng nói của ngài là tiếng nói của công lý, hòa bình. Ngài là một con người tượng trưng cho sự đạo đức, cho tiếng nói của lương tâm. Sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng là sứ mệnh của Giáo Hội giữa lòng trần thế như lời Đức Chúa Giêsu đã nói trong Kinh Thánh: “Mọi quyền phép trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy chúng con hãy đi khắp thế giới, mọi dân mọi nước tuyển chọn môn đệ, rao giảng Tin Mừng, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần và dạy cho họ những điều Thầy đã dạy cho chúng con. Và đây, Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” ( MT 28,19-20). Công Đồng Vatican II đã trình bày trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” về sự tương quan giữa Giáo Hội và trần thế như sau: -”Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và đau khổ của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ… ” Ở một đoạn khác, hiến chế nầy giải thích về vai trò của Giáo Hội như sau: ”… là một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần thế, với thế giới; Giáo Hội như men và hồn của xã hội loài người, phải được đổi mới trong Chúa Kitô và biến thành gia đình của Thiên Chúa” (số 40) Muốn giúp các cộng đồng quốc gia thăng tiến về mặt đạo đức, Giáo Hội phải có một sự liên hệ tối thiểu với các chính quyền của các quốc gia đó. Từ thời xa xưa, các Đức Giáo Hoàng đã dùng các Concilium (Hội Đồng) hay các tổ chức luật pháp quan trọng khác để đại diện cho mình. Từ thế kỷ 11 trở về sau công tác nầy được trao cho các Hồng Y và được gọi là Đặc Sứ bên cạnh Đức Giáo Hoàng (Legat de latere) cũng có khi trao cho các Giám Mục Chính Tòa quan trọng. Các vị nầy được gọi là Legati nati (Đặc sứ bẩm sinh). Vào thế kỷ 15 thì các vị đại diện Đức Giáo Hoàng (phần nhiều là Giám Mục) trong các việc riêng biệt hay ít quan trọng thì gọi là Nonce (Sứ Thần Tòa Thánh). Qua thế kỷ 16 thì có các Nonciature permanente (Sứ Thần Thường Trực) vì thế họ thường được đặt bên cạnh một nước, một cộng hòa, một công quốc (principauté) độc lập với trách nhiệm của các vị đặc sứ bên cạnh Tòa Thánh xưa (Legats a latere). Các vị nầy chỉ được sai đi trong các trường hợp bất thường như thay mặt Tòa Thánh quyền phán quyết trong các vụ khiếu nại nhất định, thương thuyết các việc chính trị… Hiện tại các Sứ Thần Tòa Thánh thường được chức trưởng đoàn ngoại giao trong một số quốc gia. Nơi nào Sứ Thần Tòa Thánh không được ân huệ ấy , thì Tòa Thánh đặt một vị gọi là Prononce, ngang hàng một Đại Sứ (quyền Sứ Thần). Vì một lý do nào đó, tòa Sứ Thần phải thiếu vắng lâu dài thì Tòa Thánh đặt một vị gọi là Internonce (Sứ Thần tạm quyền). Vị nầy đảm trách công việc của Sứ Thần vắng mặt và có tính cách ổn định có thể so sánh với bậc Công sứ toàn quyền (Ministre Pléipotentiaire) . Bộ Giáo Luật mới nói về các Sứ Thần Tòa Thánh trong số tiếp nhau từ số 362-367. Số 364 định nghĩa vai trò của các Phái viên Tòa Thánh (các vị Sứ Thần hoặc Khâm Sứ Tòa Thánh) như sau: “Nhiệm vụ chính yếu của Phái viên Tào Thánh là lo liệu cho mối giây hợp nhất giữa Tòa Thánh với các Giáo Hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và hiệu lực hơn… ” trong đó kể ra 8 nhiệm vụ chính để thực hiện mục tiêu nầy. Số 365, còn thêm các nhiệm vụ khác đối với các quốc gia: “Ngoài ra các Phái viên Tòa Thánh còn kiêm nhiệm việc đại diện Đức Giáo Hoàng bên cạnh các quốc gia theo các quy tắc của luật quốc tế còn có nhiều nhiệm vụ: a. Cổ võ và duy trì mọi liên lạc giữa Tòa Thánh với Chính quyền; b. Dàn xếp mọi vấn đề liên hệ tương quan giữa Giáo Hội với quốc gia; và đặc biệt là lo việc ký kết những thỏa ước hay các quy ước tương tự, cũng trông xem việc thi hành các quy ước ấy”. Khi một vị Phái viên Tòa Thánh không được trao phó thêm nhiệm vụ chính trị thì gọi là “Khâm Sứ Tòa Thánh” (Déléhué Apostolique) người chỉ lo săn sóc cho Giáo Hội thuộc thẩm quyền và người được tự do gặp gỡ và báo cáo về cho Đức Giáo Hoàng. Từ đầu thế kỷ 20, Việt Nam đã có Tòa Khâm Sứ, trước tiên tại Huế, rồi đến Hà Nội và sau hết là Sài Gòn (trước 1975). - Quan hệ ngoại giao giữa CSVN và Vatican có tổn thương đến tình liên đới giữa các tôn giáo và Giáo Hội Công Giáo hay không? Khi đặt quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia thì mỗi quốc gia đều có mục đích sẽ đạt đến những mối lợi gì? Thông thường thì cả hai bên đều có lợi và cố làm thế nào đừng để cho bên nào phải chịu thiệt thòi. Nếu có sự mâu thuẫn về quyền lợi của một bên nào thì phải có giải pháp ngoại giao: - Hai bên nhượng bộ nhau và chấp nhận cái bất lợi tối thiểu (Minus malum). - Nếu không tương nhượng thì quan hệ ngoại giao giữa đôi bên phải đi đến chỗ đổ vỡ. Trước hết, CSVN cần có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican, vì chính họ đòi hỏi phải có quan hệ ngoại giao trước khi Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam. Tại sao họ đòi hỏi điều kiện nầy trước hết? Chúng ta có thể thấy được một số lý do: - Đảng viên CSVN từ trên xuống dưới đã mất hết niềm tin vào lý tưởng của Đảng. Sở dĩ họ phải ra sức bảo vệ Đảng vì Đảng sụp đổ thì quyền lợi của họ sẽ mất hết. - Để bảo vệ Đảng, các đảng viên CSVN đã chia thành hai nhóm, có hai khuynh hướng đối nghịch nhau: Nhóm bảo thủ đứng đầu là Lê Khả Phiêu (bây giờ là Nông Đức Mạnh), Tổng Bí Thư Đảng CSVN cho rằng “đổi mới sẽ đưa đảng đến chỗ sụp đổ hoàn toàn”. Nhóm nầy dựa vào thế lực của Trung Quốc. Nhóm “đổi mới” hay còn gọi là nhóm Chính Phủ do Thủ Tướng Phan Văn Khải lãnh đạo (Bây giờ là Nguyễn Tấn Dũng thường được gọi là nhóm Miền Nam). Nhóm nầy dựa vào thế lực của Mỹ. Khởi đầu, hai nhóm nầy đã có những hành động chống đối, thanh toán nhau kịch liệt. Nhưng về sau, cả hai cũng phải dựa vào nhau để tồn tại hầu đối phó với dân chúng và các tổ chức chủ trương tranh đấu lật đổ chính quyền CSVN. - Cộng Sản thường nhân danh “Dân” để lừa gạt dư luận, lừa gạt mọi người: Nhân dân làm chủ, Nhà Nước quản lý, Đảng lãnh đạo. Nhưng trên thực tế thì nhân dân Việt Nam đang mong chờ ngày được giải phóng khỏi ách Cộng Sản vì họ đã quá kinh nghiệm với những trò lừa bịp của Đảng CSVN từ hơn nửa thế kỷ nay. Nếu có cơ hội là dân sẵn sàng nổi dậy, lật đổ chính quyền CS hiện nay. Các vụ nổi dậy ở Thái Bình, Xuân Lộc, Trà Cổ… cũng như các Phong Trào tranh đấu đòi dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng, đòi thay đổi hiến pháp, đòi tự do tôn giáo… Nhiều người bị bắt trong đó có các nhà tu hành, các nhà trí thức và chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền ở trong nước, ở hải ngoại trở về… - Cộng Sản VN thấy rõ sức mạnh của các tôn giáo, vì hiện nay ở VN chỉ có tôn giáo là có thể quy tụ được quần chúng đông đảo (Đại Hội La Vang tại Quảng Trị 8-99 tập trung trên 300,000 người; ngày kỷ niệm thành lập Phật Giáo Hòa Hảo tại Miền Nam có cả triệu người kéo về hành hương… ). Do đó, từ khi có được chính quyền trong tay, CSVN đã ra sức dàn áp, bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu, gây chia rẽ, lôi kéo những người của tôn giáo theo chúng, lập ra những tổ chức tôn giáo quốc doanh, dùng các nhà sư quốc doanh, linh mục quốc doanh, bọn giáo gian, bọn phản đạo, cho đảng viên xâm nhập vào các tôn giáo để nắm vai trò lãnh đạo… Trên thực tế, CSVN đã thành công trong chủ trương thâm độc nầy. Nhưng hiện nay, các tôn giáo đã thấy rõ điều đó. Giáo Hội Công Giáo ở Vatican và mới đây, Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng đã nêu lên vấn đề “tình liên đới các tôn giáo”. Từ 1992, một cuộc gặp gỡ chung giữa các vị đại diện tôn giáo VN trên thế giới tại Roma để cầu nguyện cho Việt Nam đã được tổ chức. Cũng trong thời gian đó, Đức Ông Philippe Trần Văn Hoài (Giám Đốc Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ dành cho người Công Giáo VN tỵ nạn ở hải ngoại) đã vận động thành lập Hội Đồng Liên Tôn nhằm mục đích thông cảm, hợp tác giữa các tôn giáo để tạo sức mạnh đoàn kết “cứu dân tộc và đồng bào” trong cơn nguy khốn. Các tôn giáo đều có mục đích “Cứu dân độ thế”, giúp con người đi tìm chân lý, thì tại sao có thể chống đối nhau, gây chia rẽ để cho kẻ thù chung của tôn giáo và dân tộc là Cộng Sản thủ lợi. Sự hợp tác, đoàn kết giữa các tôn giáo cổ truyền tại VN cũng như ở hải ngoại đã làm cho Cộng Sản VN rất lo sợ. Vì chúng biết, tôn giáo có hậu thuẫn quần chúng và lực lượng đó, có khả năng làm cho chế độ CSVN sụp đổ. - Nhìn vào bối cảnh chính trị kinh tế của thế giới hiện nay, Việt Nam là một trong số các nước nghèo đói, chậm tiến nhất. Về phương diện chính trị, Việt Nam đã được xem là con cờ trong sự tranh chấp ảnh hưởng “Bờ Thái Bình Dương” (Pacific Rim) giữa Mỹ và Trung Cộng. Do đó, vai trò của Việt Nam không còn quan trọng gì nữa và không còn được các quốc gia khác chú ý đến. - Như trên đã nói, ảnh hưởng của Vatican nói chung và cá nhân Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đối với thế giới rất lớn. Nhà lãnh đạo Cộng Sản Cuba, sau bao nhiêu năm chủ trương tiêu diệt Giáo Hội CG tại đây, cũng đã tìm lối thoát bằng cách bỏ ra hàng chục năm để liên lạc với Vatican. Trong chuyến viếng thăm Cuba vào năm 1998, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi:“Cuba mở cửa cho thế giới và thế giới hãy mở cửa cho Cuba”. Việt Nam muốn thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập hiện nay và nhất là bị hai cường quốc Trung Cộng và Hoa Kỳ chèn ép trong ván bài tranh dành ảnh hưởng tại Thái Bình Dương (Bờ Thái Bình Dương), chỉ có một con đường là chạy đến với Vatican. Vì sự quan hệ ngoại giao với Vatican sẽ giúp cho Việt Nam rất nhiều trong hoàn cảnh hiện tại. Trên thực tế, hiện nay CSVN đã thấy rõ dân chúng đã quá chán ghét CS và sức mạnh của các tôn giáo đã bắt buộc CSVN phải xoay chiều. Một khi CSVN không nắm được dân, không nói chuyện được với dân thì chúng phải dùng đến tôn giáo để thực hiện kế hoạch đó. Trong quá khứ, CSVN đã dựng lên các tổ chức tôn giáo quốc doanh, đã dùng những tên giáo gian, phản đạo nhưng không tạo được niềm tin với dân nên bắt buộc chúng phải chạy đến với các tôn giáo chân chính, có thực lực, có hậu thuẫn quần chúng. Vatican bang giao với Việt Nam không phải vì lợi ích kinh tế, thương mãi hay chính trị. Khi Đức Giáo Hoàng đặt chân đến một quốc gia nào, việc trước hết, ngài cúi xuống hôn đất. Điều đó có nghĩa là “Ngài đến thăm quốc gia đó là vì quyền lợi của dân tộc đó, vì muốn đem lại những điều tốt đẹp cho dân tộc đó chứ không vì người lãnh đạo, vì đảng chính trị đang cầm quyền tại đó”. Vatican đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 171 quốc gia trên thế giới trong đó có các nước theo chế độ dân chủ tự do cũng như các nước Hồi giáo (Iran, Libia… ) và các nước Cộng Sản (như Cuba)… Có những quốc gia, sau khi đã có quan hệ ngoại giao với Vatican, vẫn còn những sự đàn áp, cấm cách, bắt bớ tín đồ Công Giáo… Vatican muốn có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trước hết vì nghĩ đến gần 8 triệu người Công Giáo Việt Nam là con cái của Giáo Hội Công Giáo thế giới mà Đức Giáo Hoàng là vị giáo chủ, là vị Cha chung của mọi tín hữu Công Giáo trong đó có tín hữu Việt Nam. Sau đó là nghĩ đến dân tộc Việt Nam. Lợi ích mà Vatican nhắm đến là lợi ích tinh thần. Điều đó không gây trở ngại gì cho Việt Nam về mặt chính trị hay kinh tế, thương mãi. Tiếng nói của Đức Giáo Hoàng là tiếng nói của “CÔNG LÝ và HÒA BÌNH”, vị đại diện của Tòa Thánh Vatican tại các quốc gia trên thế giới luôn luôn nhắc nhở các nhà lãnh đạo vấn đề đó. Nếu một quốc gia không có công lý: người dân không được hưởng các quyền tự do về tôn giáo, không được sống trong một chế độ tự do dân chủ thực sự… thì Đức Giáo Hoàng vẫn lên tiếng đòi hỏi chính quyền phải thực thi các điều đó cho dân. Nếu người dân trong quốc gia đó phải sống trong cảnh nghèo đói, chậm tiến, đầy dẫy bất công xã hội… thì Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo vẫn tìm cách giúp đỡ họ. Các bệnh viện, các cơ sở từ thiện bác ái, trường học… do Giáo Hội lập ra với mục đích trên. Thiết nghĩ những điều nói trên không có gì gây thiệt hại cho các tôn giáo bạn. Vậy, để đi tới quan hệ ngoại giao, Nhà Nước CSVN và Vatican, mỗi bên sẽ có những điểm nhượng bộ nào? Hiện nay, Giáo Hội CG Việt Nam đang có những đòi hỏi sau đây: - Quyền tự do trong việc thờ phượng, tổ chức các nghi lễ, đào tạo nhân sự, bổ nhiệm nhân sự trong nội bộ, xây cất nhà thờ và các cơ sở khác để phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo, hoạt động xã hội, từ thiện theo đúng chủ trương của mình. - Cho các linh mục, tu sĩ quyền được đi du học, các Giám Mục được đi nước ngoài hội họp… (Trước đây CSVN cũng có cho phép rồi, nhưng điều kiện rất khó khăn, và có nhiều lần từ chối không cho đi). CSVN không công nhận Giáo Hội VN là thành phần của Giáo Hội CG thế giới, họ không công nhận Đức Giáo Hoàng là vị lãnh đạo duy nhất. Họ cho rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là một Giáo Hội của nước Việt Nam và dưới quyền của Nhà Nước CSVN. Điều đó hoàn toàn trái với “ĐỨC TIN” của người Công Giáo. Vì tất cả mọi người Công Giáo trên thế giới đều công nhận chỉ có một người lãnh đạo duy nhất của Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Các quốc gia trên thế giới đều công nhận điều nầy, chỉ trừ các nước Cộng Sản, vì họ chủ trương thành lập Giáo Hội CG ly khai để chống lại Đức Giáo Hoàng. Ý đồ của CSVN là muốn có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican để đặt mình ngang hàng với Tòa Thánh để điều khiển Giáo Hội Việt Nam trong mọi tổ chức sinh hoạt, quản trị tài sản và sắp đặt nhân sự. Trung Cộng đã thực hiện chủ trương nầy với một Giáo Hội ly khai (quốc doanh) và đàn áp những Giám Mục, linh mục và giáo dân trung thành với vị CHỦ CHĂN duy nhất là Đức Giáo Hoàng ở Vatican. Trong chuyến viếng thăm của Phái Đoàn Vatican vào tháng 3-99, CSVN đã thay đổi thái độ: từ cứng rắn ra mềm dẻo, từ cao ngạo ra lịch sự… Gần đây, trong chuyến viếng thăm của Thứ Trưởng Ngoại Giao Toà Thánh (Đức Ông Pietro Parolin) tại Hà Nội từ 16 đến 21/2/2009, thái độ của Hà Nội cũng đã thay đổi… và Phái Đoàn cũng đã thấy rõ âm mưu của CSVN muốn có “Giáo Hội CG của Việt Nam” và CSVN muốn đặt mình ngang hàng với Tòa Thánh trong việc điều hành Giáo Hội CG Việt Nam. Tòa Thánh Vatican đã thấy rõ điều đó. Với một Giáo Hội CG đã trải qua 2000 năm, chắc chắn cũng đã có thừa kinh nghiệm đề đối phó. Ngày 21-1-1998, khi đặt chân lên Cuba, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố: “Tôi tạ ơn Thiên Chúa là Chúa của lịch sử và là Chúa của vận mạng chúng ta, đã cho tôi đi đến đất nầy mà ông Christofer Columbus gọi là “mảnh đất đẹp nhất mà mắt con người chưa bao giờ được thấy…” Đây là một niềm vinh dự cho tôi được viếng thăm dân tộc nầy, được ở giữa quý anh em và được chia xẻ với anh em vài ngày đầy niềm tin, đầy hy vọng và đầy yêu thương”. Và ngài kết thúc lời chào dân Cuba bằng lời kêu gọi: “Cuba hãy mở cửa cho thế giới với tất cả khả năng tuyệt diệu của mình và thế giới hãy mở cửa đón tiếp Cuba để dân tộc nầy đang đi tìm chân lý như mọi người, mọi dân tộc khác, để dân tộc nầy đang ráo riết hoạt động để tiến bộ, đang khát vọng hòa thuận và thái bình, họ được có thể nhìn về tương lai một cách đầy hy vọng”. Cũng như ở Cuba, những điều kiện mà Vatican đưa ra tại Việt Nam là đòi hỏi cho dân tộc Việt Nam có được các quyền tự do dân chủ. Do hoàn cảnh lịch sử, từ ngày đạo Công Giáo được rao truyền tại Việt Nam, đã gặp phải những sự hiểu lầm đối với các tôn giáo trong nước và đối với chính quyền. Cộng Sản cũng như người Mỹ đã lợi dụng sự kiện nầy để tạo nên những biến cố lịch sử đau thương cho quốc gia dân tộc chúng ta. Những người có trình độ nhận thức sáng suốt đều đã thấy rõ điều nầy. Tuy nhiên, về mặt tâm lý, những người ngoài Công Giáo có thể nghi ngờ một khi họ chưa hiểu được chủ trương của Vatican trong vấn đề đặt quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên thế giới: “Không vì quyền lợi của Vatican mà chính là vì quyền lợi của dân tộc đó”. Một khi Vatican lên tiếng đòi hỏi thực thi các quyền tự do dân chủ và nhất là tự do về tôn giáo, thì đòi hỏi đó không chỉ riêng cho Giáo Hội Công Giáo mà cho tất cả mọi Giáo Hội, cho tất cả mọi người dân. Trong Kinh Thánh Tân Ước, Gioan đã thuật lại lời Đức Chúa Giêsu nói với quan Tổng Trấn của La Mã là Philatô, khi ông nầy hỏi Ngài: “Ông có phải là vua không?” thì Ngài trả lời: “Vâng tôi là vua… nhưng nước của tôi không thuộc về thế gian nầy” (Gioan.18-36) . Quốc gia Vatican không phải là một quốc gia như các quốc gia khác trên thế giới, vì Vatican khi đặt quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác, không có mục đích đi tìm các quyền lợi về kinh tế, chính trị… nhưng là đi tìm công lý hòa bình, đem tình yêu thương đến cho các quốc gia khác. Vatican là nước của Thiên Chúa, không phải là nước của thế gian. Nếu mục đích của các tôn giáo là tìm hạnh phúc cho con người thì các tôn giáo ở Việt Nam sẽ sẵn sàng hợp tác với Giáo Hội Công Giáo trong nguyện vọng “cứu dân độ thế” của mình. Về phía Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng phải có tinh thần “tranh đấu chung” đừng để rơi vào cái bẫy của Cộng Sản. Cộng Sản có thể sẵn sàng nhượng bộ đối với Giáo Hội Công Giáo mà không nhượng bộ đối với các tôn giáo khác. Chẳng hạn chúng sẽ trả lại tài sản, nhà thờ, tu viện, trường học, cơ sở từ thiện… cho Công Giáo, cho phép Công Giáo được xuất bản báo chí, sách vở… Nếu trường hợp đó xảy ra thì Giáo Hội Công Giáo nên thận trọng, đừng vì quyền lợi của mình mà tạo nên sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các tôn giáo, tạo sự chia rẽ có lợi cho Cộng Sản. Phải đòi hỏi cho các tôn giáo khác cũng được mọi quyền lợi như Công Giáo, đừng để cho họ phải thiệt thòi. Phải luôn luôn giữ vững tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo với nhau. Cộng Sản rất sợ thế lực của các tôn giáo. Nếu các tôn giáo sẵn sàng hợp tác với nhau thì Cộng Sản có cơ nguy sụp đổ và con đường “cứu nhân độ thế” của các tôn giáo mới có hy vọng thực hiện được.
|